Trang web ĐỖ THỊ LỢI

Thống kê
Số lần xem
Đang xem 47
Toàn hệ thống 3131
Trong vòng 1 giờ qua
Trang liên kết

TS. HOÀNG KIM
Giảng viên khoa Nông học

 

TS. TRẦN ĐÌNH LÝ
Trưởng phòng Đào Tạo - ĐHNL TP.HCM

 

Ths. LÊ VĂN PHẬN
Quản trị mạng - Phòng Hành chính 

 

NGUYỄN TRUNG QUYẾT
 Bộ môn Qui hoạch
Khoa QLĐĐ&BĐS 

 

Thành viên

Email:
Password

Nội dung

  ThS. ĐỖ THỊ LỢI

Những vụ ngộ độc do “rau bẩn” thường xuyên diễn ra đã trở thành nỗi ám ảnh của người tiêu dùng. ước mơ về loại rau “siêu” sạch vẫn rất xa vời khi nông dân còn quen lối canh tác cũ. Tuy nhiên, mới đây, một tín hiệu vui đã đến khi những mớ rau sạch 100% đã được bày bán trên thị trường. Dù mới chỉ là thử nghiệm của nông dân xã Đình Bảng (Từ Sơn -Bắc Ninh) nhưng nó cũng mở ra hướng phát triển mới, tạo nền tảng cho nền nông nghiệp hữu cơ trong tương lai.

 

Giấc mơ có thật

Những ngày giáp Tết Nguyên đán, nếu có dịp tham gia Hội chợ hàng nông sản Tết Kỷ Sửu 2009 được tổ chức tại Hà Nội, mọi người sẽ thấy không khí tấp nập, đông đúc tại gian hàng rau sạch của nhóm nông dân xã Đình Bảng. Tại Hội chợ, người ta không lo mua sắm hoa quả, thịt, cá mà lại đua nhau... tích rau. Đã lâu lắm rồi, mọi người mới có dịp thưởng thức không khí chen lấn, xếp hàng mua rau như vậy. Chị Nguyễn Thị Nhị ở Đông Anh (Hà Nội) vừa xếp 2 cây bắp cải cùng mấy củ su hào vào làn vừa nói: “Tôi rất e ngại khi mua rau ngoài chợ vì sợ không đảm bảo chất lượng. Vì vậy, đây là cơ hội để gia đình tôi được thưởng thức những đĩa rau sạch thực sự”.

Bác Nguyễn Văn An ở Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: “Gia đình tôi đã mua loại rau này nhiều lần và tôi rất hài lòng về chất lượng. Rau không những ngon, ngọt mà còn rất tươi, mẫu mã đẹp. Đặc biệt, rau gia vị chỉ mới cầm trên tay đã thấy thơm”.

Tò mò trước sức hấp dẫn của loại rau “siêu” sạch này, chúng tôi tìm về xã Đình Bảng, nơi đang thực hiện Dự án Nông nghiệp hữu cơ dưới sự hỗ trợ của Trung tâm Hỗ trợ nông thôn – nông dân (thuộc Hội Nông dân Việt Nam) và Tổ chức phát triển nông nghiệp châu á - Đan Mạch. Trên cánh đồng, rất nhiều loại rau như bắp cải, su hào, cà chua, dưa chuột... đang lên xanh mơn mởn. So với những luống rau trồng theo cách truyền thống, rau trồng theo phương pháp hữu cơ không hề có dấu hiệu của sâu bệnh, thậm chí có thể thưởng thức ngay tại chỗ. Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên nhất là, rau ở đây đều được trồng xen với hoa cúc, hướng dương. Anh Nguyễn Tiến Tuấn, thành viên Dự án giải thích: “Hoa cúc, hướng dương được trồng xen với các loại rau xanh nhằm xua đuổi sâu bệnh. Hoa cúc vạn thọ sẽ dẫn dụ sâu bọ, côn trùng đến đẻ trứng. Để “xử lý” lũ côn trùng này, người trồng chỉ việc ngắt bỏ những bông hoa xung quanh luống rau”. Ngoài ra, bà con còn trồng các loài cây có mùi hắc như thìa là, cần tây, rau húng... để xua đuổi côn trùng.

Anh Tuấn phấn khởi cho biết: “Mặc dù canh tác theo phương pháp hữu cơ năng suất giảm hơn một chút nhưng chúng tôi thu được nhiều cái lợi. Trước đây canh tác 1 sào cà chua (1 sào Bắc Bộ = 360m2), tôi thu hoạch được 1, 5 tấn. Còn hiện nay, trồng theo phương pháp mới, thu được 1, 4 tấn/sào. Bù lại, đất trồng không bị bạc màu, rất tơi, xốp, thuận lợi cho vụ canh tác tiếp theo...”. Theo tính toán của anh Tuấn, chi phí trồng 1 sào rau hết khoảng 70.000 đồng (giảm một nửa so với sử dụng phân hoá học). Do chi phí sản xuất thấp nên giá thành sản phẩm cũng rẻ hơn, thậm chí nếu làm quy củ, giá rau “siêu” sạch còn có thể rẻ hơn rau an toàn. “Rau của chúng tôi không bao giờ lo ế bởi luôn đảm bảo chất lượng”, anh Tuấn nói.

Chị Nguyễn Thị Chất, người trồng rau theo phương pháp hữu cơ cho biết: “Tôi canh tác 3 sào dưa chuột và chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, cộng với việc thả thêm một số loài thiên địch vào ruộng để phòng trừ sâu bệnh. Năng suất dưa trồng theo phương pháp mới này ngang bằng với dưa trồng có bón phân hoá học nhưng nhờ bán cho các siêu thị nên giá luôn cao hơn. Mỗi vụ dưa, tôi thu được gần 6 triệu đồng”.

Hiện, số nông dân tham gia Dự án Nông nghiệp hữu cơ ở Đình Bảng là 20 người, diện tích 20 sào. Ngoài ra, một số vùng của Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Lào Cai, Hải Phòng cũng nằm trong diện mở rộng của Dự án với trên 100 người tham gia. Hiện, những cán bộ của Trường Cao đẳng Nông nghiệp Bắc Bộ đang “lao vào” nghiên cứu với mong muốn sẽ có thêm nhiều sản phẩm nông sản an toàn, tốt cho sức khoẻ của người tiêu dùng.

Giải thích về sự khác biệt giữa nông sản hữu cơ và nông sản an toàn, chị Hoàng Thị Mai Hương, cán bộ Dự án phân tích: “Khái niệm rau an toàn mà chúng ta vẫn nói hiện nay là loại rau được trồng bình thường với các điều kiện phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được điều chỉnh vừa đủ, đảm bảo thời gian cách ly theo khuyến cáo của ngành chức năng. Còn rau hữu cơ là rau đáp ứng 3 điều kiện cơ bản: không phân bón - hóa chất; không phun thuốc trừ sâu độc hại; không tồn dư chất kháng sinh”. Hiện nay, nông sản hữu cơ được nhiều nước châu âu sử dụng bởi nó đảm bảo cho sự phát triển nông nghiệp bền vững, an toàn cho sức khỏe và thân thiện với môi trường. Vì những lý do này mà ngay khi rau sạch được bày bán đã thu hút sự quan tâm của nhiều khách hàng. Mặc dù giá rau sạch cao hơn rau an toàn hay các loại rau khác 25- 30% nhưng người tiêu dùng vẫn sẵn sàng bỏ tiền ra mua.

Những cánh đồng rau sạch giờ không còn là niềm mơ ước của mọi người

Kỹ thuật trồng không khó
Khi được hỏi về phương pháp trồng rau sạch, anh Tuấn cho biết: “Thực ra trồng loại rau này rất đơn giản, không tốn nhiều công sức lại tận dụng được tối đa các loại phế, phụ phẩm nông nghiệp. Điều quan trọng nhất là khâu làm đất phải đảm bảo. Nếu trồng các loại rau theo phương pháp thông thường thì chỉ cần san phẳng ruộng là xong, nhưng nếu áp dụng phương pháp hữu cơ, đất phải được làm thật tơi xốp, trộn đều với phân hữu cơ, sau đó mới gieo hạt”. Toàn bộ quy trình trồng rau tuyệt đối không dùng bất cứ loại phân hóa học nào, chỉ dùng phân hữu cơ đã ủ hoai mục. Theo đó, muốn làm được 1 tấn phân hữu cơ, bà con cần khoảng 1, 8 tấn phân xanh (các loại cây xanh nhiều chất đạm), cộng với 1, 2 tấn phân chuồng và... 7kg đường (để lên men), trộn đều rồi phủ rơm lên trên. Cứ một tháng, bà con đảo phân một lần, sau ba tháng có thể đem ra sử dụng”.

Đặc biệt, trong toàn bộ quy trình sản xuất rau hữu cơ, không được lấy nước từ kênh, mương mà phải dùng nước sạch, nước giếng khoan. Mọi loại thuốc trừ sâu cũng bị cấm tuyệt đối. Vì thế, bà con phải thường xuyên theo dõi tình hình sâu bệnh, chăm sóc cây trồng. Nếu bị nhiễm sâu bệnh quá nặng, có thể dùng những loại thuốc vi sinh thảo mộc để diệt trừ.

Chị Hương khẳng định, trồng rau bằng phương pháp hữu cơ cây không có sâu bệnh, phát triển nhanh. Tuy nhiên, nếu đã làm theo phương pháp này người trồng phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt, đó là không được trồng một loại rau liên tiếp 2 vụ. Rau sạch tuy có thị trường lớn nhưng cái khó hiện nay là tình trạng sản xuất manh mún chưa được cải thiện, bà con lại thường tranh thủ trồng xen nên rất khó đảm bảo chất lượng. “Chính vì thế, việc sản xuất rau sạch mới chỉ dừng lại ở Dự án, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước trong việc nhân rộng. Có như vậy, rau siêu sạch mới được trồng phổ biến và người tiêu dùng cũng không còn lo lắng, đắn đo mỗi khi mua rau”, chị Hương nói.

Dẫu chỉ là bước đi đầu tiên nhưng hy vọng mô hình trên sẽ được nhân rộng, giúp nông dân nâng cao thu nhập, tạo đà cho nền nông nghiệp sạch phát triển, sản phẩm đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Thuý Nga

 

Số lần xem trang : 14880
Nhập ngày : 04-02-2009
Điều chỉnh lần cuối :

Ý kiến của bạn về bài viết này


In trang này

Lên đầu trang

Gởi ý kiến

  Báo Kinh tế nông thôn

  Medicated Feed For Farm (MFF): Dòng sản phẩm tối ưu tăng cường miễn dịch cho heo (KTNT - Ngày 28/3/2011) (06-04-2011)

  BIẾN RƠM THÀNH ... NHIÊN LIỆU (Báo KTNT - Ngày 21/3/2011) (06-04-2011)

  WEVIRO: Chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường - KTNT ngày 27/10/2010 (10-03-2011)

  KHI NÀO DÂN TA KHÔNG "SẢN XUẤT THEO PHONG TRÀO" ? (Báo KTNT - Số ra ngày 11/5/2009) (11-05-2009)

  NỮ THẠC SĨ "ĐỠ ĐẺ" CHO CÁ (Báo KTNT - Số ra ngày 7/5/2009) (11-05-2009)

  TRIỆU CHỨNG VÀ CÁCH PHÒNG BỆNH H1N1 TRÊN ĐÀN LỢN (Báo KTNT - Số ra ngày 29/4/2009) (29-04-2009)

  NÔNG DÂN TRỒNG HOA HÀ LAN LAO ĐAO VI CẠNH TRANH (Báo NNVN - Số ra ngày 20/4/2009) (23-04-2009)

  KINH NGHIỆM CHO CÁ BỐNG TƯỢNG SINH SẢN NHÂN TẠO (Báo KTNT - Số ra ngày 13/4/2009) (23-04-2009)

  NGƯỜI KHÔI PHỤC GIỐNG CHUỐI LABA (Báo KTNT - Số ra ngày 13/4/2009) (23-04-2009)

  THANH LONG MẮC "BỆNH LẠ" DO THAM BÓN THÚC (Báo KTNT - Số ra ngày 11/4/2009) (23-04-2009)

Trang kế tiếp ... 1 2 3 4 5 6 7 8 9

Website Ths. ĐỖ THỊ LỢI - Đc: Thư viện trường Đại học Nông lâm Tp. HCM - Email: dothiloi(a)hcmuaf.edu.vn - Điện thoại: (08)38963351

Thiết kế: Quản trị mạng- ĐHNL 2007