Hanoinet - Tính đến thời điểm này, cả nước chỉ có ba trường Đại học (ĐH) công bố chuẩn đầu ra. Đây là một con số quá khiêm tốn so với trên 170 trường ĐH đang tuyển sinh và đào tạo "rầm rộ" như hiện nay.
Trước mỗi kỳ tuyển sinh, học sinh thường "đau đầu" bởi các câu hỏi: Trường này, ngành này đào tạo gì? Học kiến thức gì? Ra trường làm việc gì? "Chuẩn đầu ra" mà Bộ GD - ĐT yêu cầu các trường đại học công bố được kỳ vọng sẽ trả lời rõ những câu hỏi trên.
Tiến độ công bố quá chậm
Tính đến thời điểm này, cả nước chỉ có ba trường Đại học (ĐH) công bố chuẩn đầu ra. Đây là một con số quá khiêm tốn so với trên 170 trường ĐH đang tuyển sinh và đào tạo "rầm rộ" như hiện nay.
Theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ GD - ĐT, đến tháng 12/2008, các trường ĐH phải công bố chuẩn đầu ra của quá trình đào tạo, nếu không công bố thì bộ sẽ có biện pháp chế tài tuyển sinh. Tuy nhiên, gần hết năm 2008, cả nước chỉ có 2 trường ĐH công bố chuẩn đầu ra đúng thời hạn là ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM và ĐH Kinh tế TP HCM. Qua năm 2009, Trường ĐH Thương mại Hà Nội mới công bố chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo của trường.
Theo Tiến sĩ Lê Thị Thanh Mai, Phó trưởng ban ĐH và sau ĐH (ĐH Quốc gia TP HCM): "Việc soạn thảo và công bố chuẩn đầu ra không đơn giản, do tất cả đều mới, từ khái niệm đến cách làm. Việc xây dựng chuẩn đầu ra phải gắn liền với sứ mạng, mục tiêu giáo dục của từng chương trình, kế hoạch đánh giá mức độ đạt được của chuẩn đầu ra để cải tiến chương trình thường xuyên".
Chính vì thế, ĐH Quốc gia TP HCM đã đề xuất một lộ trình riêng công bố chuẩn đầu ra. Theo đó, trong tháng 4 và 5/2009, 2 đơn vị thành viên là ĐH Bách khoa TP HCM và ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP HCM sẽ "tiên phong" công bố chuẩn đầu ra. Đến tháng 12/2009, các đơn vị còn lại sẽ công bố chuẩn đầu ra của các chương trình giáo dục còn lại. Tiến trình này chậm hơn 1 năm so với yêu cầu của Bộ GD - ĐT.
Nhiều trường lúng túng
Tại hội thảo xây dựng chuẩn đầu ra của ĐH Quốc gia TP HCM tổ chức tuần qua, lãnh đạo nhiều trường đều nhìn nhận việc công bố chuẩn đầu ra rất cần thiết cho quá trình đào tạo, đánh giá, kiểm định chất lượng. Theo TS Nguyễn Hội Nghĩa, Trưởng ban ĐH và sau ĐH, ĐH Quốc gia TP HCM, cho rằng: "Chuẩn đầu ra là một khái niệm mới, chỉ rõ người học sẽ biết và làm được gì sau một quá trình học tập". Nó gần nghĩa với mục tiêu giáo dục, sứ mạng của các trường ĐH, của chương trình đào tạo. Có chăng, sự khác biệt chỉ ở chỗ mục tiêu giáo dục mang tính bao quát được nêu rõ trong Luật Giáo dục 2005, còn chuẩn đầu ra mang tính chi tiết hơn, mới hình thành từ... đầu năm 2008.
Ngay chính 3 chuẩn đầu ra của 3 trường ĐH đã công bố cũng cho thấy có sự khác biệt trong cách làm. Chuẩn đầu ra của ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM gồm 5 phần: kiến thức, kỹ năng, thái độ, vị trí và khả năng làm việc sau khi tốt nghiệp, khả năng học tập và nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp. Trong khi đó, chuẩn đầu ra của Trường ĐH Kinh tế TP HCM thì chỉ có 3 phần: kiến thức, kỹ năng, thái độ và hành vi. Tương tự, chuẩn đầu ra của ĐH Thương mại Hà Nội có 3 phần như Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cộng thêm tiêu chí khả năng đáp ứng cơ hội nghề nghiệp.
Dù sắp công bố chuẩn đầu ra (tháng 4/2009), nhưng theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Nam, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP HCM: "Chúng tôi vẫn đang tranh luận suốt ngày về chuẩn đầu ra. Các khái niệm chuẩn đầu ra hiện... lệch nhau quá nhiều". Tiến sĩ Dương Anh Đức, Phó hiệu trưởng ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM, thì cho rằng, rất khó để nhận định người học được gì khi theo... chuẩn.
Không mất công "sáng tạo", một số trường đã tham khảo chương trình, khái niệm chuẩn đầu ra trên thế giới. Tiến sĩ Nam cho biết, ĐH Bách khoa TP HCM xây dựng chuẩn đầu ra theo các tiêu chí của Abet (tổ chức kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo có uy tín trong cộng đồng quốc tế).
Trước nguy cơ "loạn chuẩn", nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GD - ĐT cần ban hành một văn bản hướng dẫn cách làm, lộ trình thống nhất, tránh tình trạng "mạnh ai nấy làm" như hiện nay.