HOÀNG HỮU CẢI

Trang chủ NLU | TTTH | Khoa Lâm nghiệp | Trang nhất | Sơ đồ trang |
Giới thiệu Giảng dạy Tài liệu học tập Thông tin cá nhân
Thống kê
Số lần xem
Đang xem 1
Toàn hệ thống 3754
Trong vòng 1 giờ qua
Trang liên kết

Thành viên

Email:
Password

Nội dung

  HOÀNG HỮU CẢI

 

 1. Tri thức bản địa là gì?
"Khi một người già có tri thức mất đi, một cánh của thư viện bị biến mất." Một châm ngôn Châu Phi
Trong mục đích của tài liệu hướng dẫn này, tri thức bản địa (IK) nói đến những hiểu biết độc đáo, mang tính truyền thống và địa phương, tồn tại bên trong và được phát triển chung quanh các điều kiện cụ thể mà phụ nữ và nam giới bản địa ở một vùng địa lý nhất định đang đối diện. (Chúng ta cũng biết rằng người dân không phải là "bản địa", đặc biệt là những người sinh sống ở những nơi xa với vùng sinh quán cũng có tri thức địa phương của họ tri thức, nhưng chủ đề này không được đề cập ở đây.) Sự phát triển của các hệ thống IK, bao gồm tất cả các khía cạnh của đời sống, kể cả việc quản lý môi trường thiên nhiên, đã và đang là một vấn đề sống còn đối với những ai đã xây dựng nên các hệ thống tri thức này và cả cho những ai muốn vận dụng chúng vào các hoạt động phát triển. Các hệ thống tri thức này thể hiện kinh nghiệm được tích lũy, nhờ sự quan sát, cũng như tiến trình thử nghiệm và sửa sai qua nhiều thế hệ.
 
Các hệ thống IK cũng vận động: tri thức mới được thường xuyên bổ sung. Chúng là các hệ thống được đổi mới từ bên trong và cũng tiếp thu, sử dụng, và thích ứng tri thức bên ngoài cho thích ứng với tình hình địa phương.
 
Ruddle (1993) đã khảo sát sự truyền bá tri thức sinh thái truyền thống ở nhiều địa điểm thuộc Venezuela và Polynesia. Trẻ em hai đến năm tuổi đã biết tên và đặc điểm của các khu hệ sinh vật phổ biến nhất. Từ năm 14 tuổi, trẻ em đã tỏ ra thành thạo trong các công việc của nông hộ, canh tác (định danh cây cỏ, thu hoạch, chọn hạt giống, làm cỏ, chăn nuôi gia súc, đánh cá, và săn bắt động vật hoang dã. Tổng quát, ông nhận thấy việc đào tạo cho con cái được các cộng đồng thực hiện tùy theo độ tuổi, có cấu trúc và có hệ thống. Các nông hộ dành những khoảng thời gian cụ thể cho việc đào tạo này trong công việc hàng ngày.
 
 
Tất cả các thành viên của một cộng đồng đều có tri thức sinh thái truyền thống: người già, phụ nữ, nam giới, và trẻ em. Số lượng và chất lượng của IK mà một cá nhân có được cũng thay đổi. Tuổi tác, trình độ giáo dục, giới, tình trạng xã hội và kinh tế, kinh nghiệm hàng ngày, các ảnh hưởng bên ngoài, các vai trò và trách nhiệm trong gia đình và cộng đồng, nghề nghiệp, thời gian, năng khiếu và năng lực trí tuệ, mức độ ham muốn học hỏi và kỹ năng quan sát, khả năng chuyễn dịch và mức độ tự chủ, và việc kiểm soát tài nguyên thiên nhiên là một số các yếu tố ảnh hưởng.
 
IK được lưu giữ trong ký ức và hoạt động của người dân và được biểu thị trong các câu chuyện, bài hát, văn học dân gian, tục ngữ, vũ điệu, thần thoại, các giá trị văn hóa, niềm tin, lễ nghi, luật tuc cộng đồng , ngôn ngữ địa phương và phân loại, các phương thức canh tác nông nghiệp , thiết bị, vật liệu, các loài thực vật, và động vật. IK được chia sẻ và truyền khẩu, bằng các ví dụ cụ thể, và qua nền văn hoá của các cộng đồng. Các hình thái bản địa của sự truyền thông và tổ chức có tầm quan trọng đặc biệt đối với các tiến trình ra quyết định ở cấp địa phương và đối với việc bảo tồn, phát triển, và lan rộng của tri thức bản địa.
Mặc dù mỗi hệ thống IK bao gồm một tập hợp tri thức thống nhất, các nhà nghiên cứu quan tâm đến việc học hỏi nhiều hơn về các hệ thống tri thức truyền thống có xu hướng tập trung vào các khía cạnh rời rạc. Có một sự đa dạng về các chủ đề được nghiên cứu dưới đề mục chung là nghiên cứu IK. Để nhận thức phạm vi rộng của lĩnh vực nghiên cứu IK, các ví dụ được liệt kê như dưới đây.
 
·        Các hệ thống học tập — các phương pháp bản địa của sự truyền đạt tri thức; các cách tiếp cận bản địa để canh tân và thực nghiệm; các trò chơi bản địa; và các chuyên gia bản địa;
·        Các tổ chức địa phương, sự kiểm soát, và định chế — các định chế truyền thống của việc quản lý môi trường; các phương thức quản lý tài sản công ; các tiến trình ra quyết định truyền thống; các phương thức giải quyết mâu thuẫn; luật tục, quyền, điều cấm kỵ, và lễ nghi; và sự kiểm soát cộng đồng về việc khai thác tài nguyên;
·        Hệ thống phân loại và định lượng địa phương — định nghĩa và sự phân loại của cộng đồng về các hiện tượng và phân loại thực vật và động vật địa phương; và các phương pháp bản địa của việc đo đếm và định lượng;
 
Người Inuit phân chia các loài thú tùy theo chúng là các loài ở biển hay đất liền: puijiit là các loài nỗi trên mặt nước, và pisutiit là các loài biết đi.
Nguồn: Nakashima (1990)
 
 
 
·        Sức khỏe con người — dinh dưỡng; phân loại bệnh tật của con người các hệ thống; y học cổ truyền và việc sử dụng dược liệu trong điều trị; vị trí của các thực vật làm thuốc, thời gian thu hái thích hợp, bộ phận có ích nhất, và các phương pháp xử lý và bảo quản dược liệu;
·        Động vật và thú y — cải tạo giống và sản xuất; các loài cây thức ăn gia súc truyền thống và công dụng riêng của chúng; phân loại bệnh gia súc; và thú y học dân gian truyền thống;
·        Nước — quản lý nước theo truyền thống và các hệ thống bảo tồn tài nguyên nước; kỹ thuật tưới tiêu truyền thống; sử dụng các loài cụ thể để bảo tồn nước; và nghề cá nước ngọt và nước biển và quản lý tài nguyên thủy sinh;
·        Đất — các phương thức bảo tồn đất đai ; sử dụng các loài cụ thể để bảo tồn đất đai; và các phương thức nâng cao độ phì của đất;
·        Nông nghiệp — các chỉ báo bản địa để xác định thời gian thuận lợi nhất cho việc chuẩn bị, canh tác và thu hoạch; các phương thức chuẩn bị đất trồng; phương pháp bản địa để nhân giống; chế biến và bảo quản hạt giống (phơi sấy, gặt đập, làm sạch, phân loại); các phương pháp xử lý hạt; các phương pháp bản địa của việc gieo trồng (khoảng cách gieo, và xen canh); chuẩn bị và chăm sóc cây con; hệ thống canh tác và hệ thống cây trồng (ví dụ, các nhóm phụ); thu hoạch và dự trữ; chế biến và tiếp thị; và các hệ thống quản lý dịch hại và phương pháp bảo vệ thực vật;
Chuột gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng cho các vườn dừa, vì thế người dân địa phương ở các đảo san hô Maldivia dùng lá dừa lớn quấn quanh thân cây, cách này tỏ ra có hiệu quả trong việc ngăn chặn chuột leo lên cây phá hoại.
Nguồn: Hunter (1996)
·        Nông lâm kết hợp và canh tác rẫy — kỹ thuật bản địa đã được sử dụng để đánh giá tiềm năng của đất rẫy và các tiêu chí đã được sử dụng trong việc lựa chọn các vùng đất sử dụng cho mục đích này; tiêu chí và kỹ thuật đã sử dụng cho phép nông dân canh tác và bỏ hóa; quản lý bỏ hóa và sử dụng; sự thích ứng bản địa của việc thâm canh; những thay đổi được chấp nhận trong tiến trình chuyễn sang nông nghiệp định canh; việc quản lý các lô rừng và sức sản xuất của các lô rừng; tri thức và sử dụng thực vật (và động vật) rừng; và các mối quan hệ giữa các loài cây gỗ, việc cải thiện năng suất hoa màu, và độ phì của đất; và
·        Các chủ đề khác — dệt thổ cẩm và các ngành nghề thủ công khác ở địa phương; vật liệu xây dựng; chuyễn hóa năng lượng; công cụ bản địa; và những thay đổi trong các hệ thống địa phương qua thời gian.
Khi những người ngoài bắt đầu gia tăng nhận thức về giá trị của IK, họ cũng nhận thức rằng các hệ thống IK, đa dạng sinh học, và đa dạng văn hóa (ba hệ thống tương tác và phụ thuộc lẫn nhau) đang có nguy cơ bị biến mất. Ấy thế mà trong thực tế một số IK bị mất mác một cách tự nhiên vì kỹ thuật và công cụ đang bị biến đổi hay không còn được sử dụng, sự mất mác gần đây và hiện nay đang được gia tốc vì sự gia tăng dân số nhanh chóng, sự tăng trưởng của các thị trường quốc tế, các hệ thống giáo dục, sự xuống cấp của môi trường, và các tiến trình phát triển — các áp lực liên quan đến sự hiện đại hóa nhanh chóng và sự đồng nhất hóa văn hóa. Dưới đây là một số các ví dụ được nêu lên để thuyết minh cho các cơ chế ấy:
“Chúng tôi được nhắc nhở về các xu hướng lịch sử và toàn cầu của các công nghệ phức tạp đã liên kết với quyền lực kinh tế để chèn ép các công nghệ địa phương nhỏ bé hơn. . . Chung tôi được thúc đẩy phải xác định các yếu tố có giá trị của các công nghệ nhỏ hơn và tạo ra một vị thế cho chúng trong thế kỷ mới.”
Nguồn: Kroma (1996)
·        Với sự gia tăng dân số nhanh chóng— thường là do quá trình nhập cư hay các chương trình tái bố trí dân cư của chính phủ trong trường hợp có các dự án phát triển lớn, như làm đập thủy điện — đời sống của người dân có thể bị ảnh hưởng. Với tình trạng nghèo nàn, các cơ hội có được lợi ích ngắn hạn thường được chọn hơn là duy trì các phương thức địa phương lành mạnh về mặt môi trường. Với mức gia tăng tình trạng nghèo nàn, nông dân, ví dụ, cũng có thể có ít thời gian và nguồn lực hơn để duy trì động thái tự nhiên của các hệ thống IK qua sự thử nghiệm và canh tân của địa phương.
·        Sự du nhập các phương thức sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp theo hướng thị trường tập trung vào việc độc canh nông sản hàng hóa gắn liền với những sự mất mác IK và các phương thức sản xuất bản địa, qua những sự mất mác về đa dạng sinh học và đa dạng văn hóa. Ví dụ, chính sách thúc đẩy sử dụng các giống lúa nước và lúa mì cải thiện thường đánh giá thấp các loài đã được thích ứng với điều kiện địa phương.
Một phụ nữ lớn tuổi ở miền bắc Ấn Độ đang chọn hạt giống để dự trữ khi được một nhà nghiên cứu phỏng vấn về các tác động của nông nghiệp hiện đại. Bà ta bình luận, “Phải cần cặp mắt tinh tường, bàn tay nhạy cảm và nhiều sự nhẫn nại để có thể nói được sự khác nhau giữa các hạt giống này. Hiện nay, đó không còn là những điều được trân trọng nữa.”
Nguồn: Zweifel (1997)
·        Với sự hiện diện của nhiều loại thực phẩm thương mãi, một số tài nguyên đa dạng sinh học có vẻ trở nên ít thích hợp, như hạt giống và các giống hoa màu đã được chọn lọc qua nhiều năm dựa trên các đặc điểm về khả năng dự trữ dài hạn của chúng.
·        Trong ngắn hạn, nhập lượng hóa học có vẻ giúp giảm bớt nhu cầu chọn giống để thích ứng với các điều kiện sinh trưởng khó khăn, góp phần vào sự mất mác của các giống địa phương. (Dù sao, sự thất bại của công nghệ của cuộc cách mạng xanh đã chứng tỏ một cách mạnh mẻ rằng đồng nhất hóa là một chiến lược yếu kém trong dài hạn.)
·        Với sự mất rừng, một số thực vật làm thuốc đang trở nên khó kiếm (và tri thức hay nền văn hoá liên kết với các loài thực vật này cũng suy tàn theo).
·        Ngày càng có nhiều tri thức bị mất đi do kết quả của sự đổ vỡ của các kênh thông tin truyền thống vốn dựa vào sự truyền khẩu. Cả trẻ em cũng như người lớn đều không còn dành nhiều thời gian cho các hoạt động cộng đồng (ví dụ, một số người hằng ngày phải ra các thành phố để đi học, đi tìm kiếm việc làm, hay để bán nông phẩm; nhiều thanh niên không còn quan tâm, hay không còn cơ hội để học hỏi các phương pháp truyền thống). Càng ngày, thế hệ những người lớn tuổi càng cảm thấy khó khăn trong việc truyền đạt tri thức của họ cho thanh niên.
·        Vì IK được truyền đạt chủ yếu bằng lới nói, nó dễ bị tổn hại trước các thay đổi nhanh chóng — nhất là khi người dân bị di chuyễn hay khi thanh niên thu nhận các giá trị và lối sống khác biệt với giá trị và lối sống của ông cha họ.
·        Nông dân duy trì các giống cây trồng bản địa theo truyền thống bằng cách giữ hạt giống trong nông hộ và trao đổi hay thu nhận hạt giống qua các mạng lưới truyền thống (gia đình và cộng đồng) và trao đổi với các cộng đồng lân cận. Một số các mạng lưới truyền thống này đã bị đỗ vỡ hay không còn tồn tại nữa.
Trong quá khứ, người ngoài (ví dụ, các nhà khoa học trong các ngành xã hội, tự nhiên, và nông nghiệp, sinh học, và các nhà cầm quyền thuộc địa) không biết hay phỉ báng IK, mô tả nó là sơ khai, đơn giản, tỉnh tại, “không tri thức,” hay dân gian. Sự quên lãng có tính lịch sử này (bất kể vì nguyên nhân gì — chủ nghĩa chủng tộc, dân tộc, hay hiện đại, với sự tin tưởng hoàn toàn vào phương pháp khoa học ) đã góp phần làm suy giảm các hệ thống IK, vì đã làm cho nó mất cơ hội sử dụng và áp dụng. Di sản này vẫn còn rất mạnh. Nhiều nhà chuyên môn vẫn còn hoài nghi. Cũng vậy, trong một số nước, các chương trình tuyên truyền chính thức thường mô tả văn hoá và phương pháp bản địa là lạc hậu hay cỗ hủ và đồng thời thúc đẩy một nền văn hoá quốc gia và một ngôn ngữ chung với sự hy sinh của nhiều nền văn hoá thiểu số. Thông thường, các nhà trường cũng đã góp phần tăng cường thái độ tiêu cực này. Nhận thức (hay nhận thức sai lầm) của người dân địa phương về của địa phương các loài và các hệ thống truyền thống của chính họ cần phải được xây dựng lại. Một số người dân và các cộng đồng địa phương đã mất niềm tin về khả năng tự giúp mình của họ và trở thành phụ thuộc vào các giải pháp bên ngoài để giải quyết các vấn đề của địa phương.
Sự quan tâm (của người ngoài) đối với tri thức “cũ” này xẫy ra gần đây và được nẫy sinh tiếp theo sự chính trị hóa các nhóm bản địa và các phong trào về quyền bản địa. Nhiều người dân bản địa đang đòi hỏi quyền được lắng nghe trong các quyết định phát triển. Điều này thường bao gồm các yêu cầu về quyền sử dụng đất đai và tài nguyên của họ phải được nhìn nhận và chính thức công nhận. Đồng thời, hệ thống chính trị quốc tế và nhiều chính phủ đang thể hiện một số thiện ý lắng nghe người dân bản địa. Trong một ý nghĩa nào đó, sự cải thiện môi trường chính trị này đã hỗ trợ cho sự đối thoại về IK. Một số các chính phủ (Australia, Canada, Greenland, Hoa Kỳ) đã có các cơ chế như ổn định quyền sử dụng đất đai và thiết lập các ủy ban đồng quản lý tài nguyên, hỗ trợ các hệ thống IK thông qua phát triển sự tự quản và liên kết quản lý tài nguyên thiên nhiên. (Mặc dù việc ổn định quyền sử dụng đất đai và các quyền bản địa khác được xem là khía cạnh chủ yếu của việc thừa nhận và hợp pháp hóa IK, các áp lực của sự tự quản và nhu cầu tài chính làm cho việc phát triển các hình thức tự quản bản địa sử dụng logic và hiểu biết của họ trở thành một việc khó khăn [Tester, trao đổi riêng, 1997].1[1] )
“Nếu có đủ thời gian, mọi cái cũ sẽ trở thành mới trở lại.”
Nguồn: Conway (1997)
Đồng thời, ngành “công nghiệp của sự sống” (các công nghiệp thu lợi từ việc sử dụng sinh vật — các công nghiệp nông hóa, được phẩm, thực phẩm, và hạt giống) và sự phê phán của công nghiệp của sự sống đã làm nhiều việc để phát hiện các giá trị của IK trong quá khứ, hiện tại, và tương lai và ý nghĩa đối với người dân bản địa trước tình trạng bị đánh cắp không kiểm soát được từ các nước phương nam (xem Mục 2, “Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ”).
Cuối cùng, IK được phát động như một “sự thay đổi dựa trên hệ thống tri thức tập thể bản địa” liên quan đến một loạt vấn đề ở một thời kỳ đang có sự gia tăng trong việc nhìn nhận lại các chuẫn mực, giá trị và luật pháp” (Berkes 1993, p. 7). Nhu cầu về một số sự thay đổi dựa trên hệ thống tri thức bản địa trong các hoạt động khởi xướng phát triển được hỗ trợ bằng các sự quan sát sau đây:
·        Công nghệ của cuộc cách mạng xanh đi kèm với hủy hoại sinh thái, suy thoái kinh tế (ở cấp địa phương), cùng với khẩu phần nghèo hơn và dinh dưỡng bị mất mác do sự biến mất của các thực phẩm truyền thống hay sự thay thế bằng các thực phẩm không phải truyền thống.
·        Sự phát triển như đã được lập kế hoạch và thực thi trong 30 qua đã đặt ra các áp lực lên đất đai, lưu vực, rừng, và các tài nguyên thiên nhiên khác của hành tinh chúng ta.
·        Một số giải pháp phát triển từ bên ngoài dựa trên các giả định sai lầm, không khả thi về kinh tế hay được chấp nhận về văn hóa, và thường bị bải bỏ (ví dụ, kỹ thuật quá phức tạp, đòi hỏi nhiều công sức chăm sóc bảo dưỡng).
·        Một số giải pháp kỹ thuật được du nhập để giải quyết các vấn đề không được nhìn nhận ở cấp địa phương và bị bải bỏ.
·        Các can thiệp phát triển có xu hướng làm lợi cho một số ít người từ các nhóm tương đối ưu thế.
·        Một số phê bình quan sát rằng các cộng đồng nhận nhiều sự hỗ trợ phát triển được định hướng từ bên ngoài càng trở nên lệ thuộc và càng ít có khả năng tự giải quyết các vấn đề của họ.
·        Việc lập kế hoạch từ trên xuống đã thất bại trong việc thúc đẩy sự quản lý có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên ở cấp địa phương.
Vắng tắt, việc lập kế hoạch phát triển thường đã bị thất bại trong đạt được các kết quả mong muốn: phát triển bền vững. Trong một số trường hợp, “sự phụ thuộc được tạo ra bởi thế giới bên ngoài đang ra lệnh và yêu cầu (bằng luật pháp và quy định quản lý tài nguyên thiên nhiên) nhưng không thực sự góp phần vào sự phát triển. Các cộng đồng bị phó mặc để tự tìm kiếm phương tiện của chính họ” (de Vreede 1996).
Các nổ lực phát triển không biết đến tình hình địa phương, các công nghệ địa phương, và các hệ thống tri thức địa phương đã làm lãng phì nhiều thời gian và nguồn lực. So với nhiều công nghệ hiện đại, kỹ thuật truyền thống đã được thử nghiệm và kiểm tra; thường có hiệu quả, ít tốn kém, có sẳn ở địa phương, và thích ứng về mặt văn hóa; và trong nhiều trường hợp được dựa trên việc bảo tồn và trên các dạng thức và tiến trình của tự nhiên.
Một số nông dân ở Zimbabwe thích sử dụng một chiến lược địa phương để phòng trừ mối và kiến, hơn là phương thức thương mãi, vốn đắt đỏ và không phải luôn luôn có sẳn. Mối là loài côn trùng phá hoại cây keo và cây gỗ khác trong vườn, nhất là trong giai đoạn còn non. Bằng sự thử nghiệm không chính thức, nông dân khám phá rằng tro hoặc một hỗn hợp các loài cỏ hôi nghiền với hành và dầu trở thành một loài dầu xua đuổi mối và kiến.
Nguồn: Hanyani-Mlambo và Hebinck (1996)
Các phương pháp tiếp cận khoa học – công nghệ phương Tây (bản thân chúng) không đủ sức đáp ứng một mạng lưới phức tạp các thử thách hiện đại về xã hội, kinh tế, chính trị, và môi trường. Những quan điểm hỗ trợ cho ý tưởng “một công nghệ hay một hệ thống tri thức đáp ứng cho tất cả” đã bị sụp đổ. Các hệ thống IK đề nghị một cách tiếp cận khác để giải quyết các vấn đề. Trong khi Khoa học phương Tây cố gắng cô lập vấn đề — loại bỏ các liên kết lẫn nhau với các yếu tố khác và tinh giảm một vấn đề bằng một số ít các tham số kiểm soát được — các cách tiếp cận truyền thống thường xem xét các vấn đề trong tổng thể của chúng, cùng với các quan hệ liên kết và phức hợp của chúng (Shankar 1996). Ví dụ, những người làm việc trong lĩnh vực y khoa đã nhận thức tầm quan trọng của việc bao hàm các yếu tố vật lý, tinh thần, xã hội – văn hóa, và đời sống tâm lý của một người khi xem xét các vấn đề về sức khỏe. Mặc dù đây là một quan niệm tương đối mới trong y ọc hiện đại, cách tiếp cận toàn diện này đã là nền tảng của nhiều hệ thống tri thức truyền thống.
“Các hệ sinh thái tự duy trì trong sự cân bằng động dựa trên các chu rình và sự dao động, đó là các tiến trình không tuyến tính. Do đó, nhận thức sinh thái sẽ chỉ phát triển khi kết hợp tư duy logic với một sự trực giác không theo đường thẳng về môi trường. Tri thức trực giác này là đặc trưng của các nền văn hóa truyền thống, không bị ảnh hưởng bởi học thuật phương tây . . . trong đó đời sống được tổ chức chung quanh một sự nhận thức rất tinh tế về môi trường.”
Nguồn: Capra (1982), dẫn trong Berkes (1993, p. 1)
Những người hoạt động trong lĩnh vực phát triển đang gia tăng sự tranh luận rằng sự chú ý nhiều hơn vào IK địa phương IK có thể giúp:
·        Tạo ra một sự tôn trọng lẫn nhau, khuyến khích sự tham gia của người dân địa phương, và xây dựng sự hợp tác để giải quyết các vấn đề chung;
·        Thúc đẩy việc thiết kế và thực thi các chương trình phát triển thích ứng về văn hóa và tránh được các sai lầm đắt giá;
·        Xác định các kỹ thuật có thể được chuyễn giao cho các vùng khác;
·        Hỗ trợ việc xác định các phương thức thích hợp cho việc nghiên cứu, thích ứng, và cải tiến; và
·        Hỗ trợ việc xây dựng một tương lai bền vững hơn.
Phát triển bền vững là sự “phát triển đáp ứng được các nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn thương khả năng của các thế hệ tương lai trong việc đáp ứng nhu cầu của chính họ” (WCED 1987, p. 43). Phát triển nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên bền vững có nghĩa là việc “sử dụng, quản lý và bảo tồn cơ sở tài nguyên thiên nhiên và định hướng thay đổi công nghệ để đảm bảo đạt được và tiếp tục thỏa mãn các nhu cầu của con người — như thực phẩm, nước sinh hoạt, nhà cửa , quần áo và chất đốt — cho các thế hệ hiện tại và tương lai” (Titilola 1995).
Theo Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới, phát triển bền vững có chín mục tiêu sau đây (WCED 1987):
·        Hồi sinh sự tăng trưởng;
·        Thay đổi chất lượng của sự tăng trưởng;
·        Đáp ứng các nhu cầu thiết yếu: việc làm, thực phẩm, năng lượng, nước, và vệ sinh môi trường;
·        Đảm bảo một mức dân số bền vững;
·        Bảo tồn và tăng cường cơ sở tài nguyên;
·        Tái định hướng công nghệ và quản lý rũi ro;
·        Kết hợp sự xem xét các vấn đề môi trường và kinh tế trong việc ra quyết định;
·        Tái định hướng các quan hệ kinh tế quốc tế; và
·        Làm cho phát triển trở thành có sự tham gia nhiều hơn.
Phát triển bền vững ở các cấp địa phương và quốc gia là một hàm của năm biến (Matowanyika 1991):
·        Nguồn lực tự nhiên và xã hội - kinh tế;
·        Các yếu tố bên ngoài, như các công nghệ và tư duy phát triển hiện có;
·        Các yếu tố bên trong, bao gồm các hệ thống xã hội – văn hóa, niềm tin và sản xuất địa phương và cơ sở công nghệ;
·        Các yếu tố dân số; và
·        Các yếu tố chính trị và kinh tế .
Một chiến lược phát triển bền vững sẽ tính đến tất cả các biến trên và sẽ bao gồm sự cùng nhau làm việc, học hỏi, và thực nghiệm ở các cấp địa phương, khu vực, quốc gia, và quốc tế. Tài liệu hướng dẫn này tập trung chủ yếu vào cấp địa phương và những gì IK có thể góp phần vào chiến lược phát triển bền vững của địa phương, có tính đến tình hình, tiềm năng, kinh nghiệm, và tri thức địa phương.
Phát triển bền vững ở cấp địa phương phụ thuộc vào việc thực thi các cơ chế tạo điều kiện ở các cấp địa phương, quốc gia, và quốc tế và là vấn đề nằm ngoài phạm vi của cuộc thảo luận này. Ở cấp địa phương, người dân cần thêm tài nguyên và sự kiểm soát nhiều hơn tài nguyên địa phương. Người sử dụng đất cần có quyền sử dụng an toàn đất đai và các tài nguyên khác — để khuyến khích địa phương tái đầu tư lợi nhuận — và các chính sách kinh tế giúp cải thiện việc mua bán trong các thị trường lớn.
Việc sử dụng IK của người dân bản địa ở Canada được tóm tắt trong Khung 1.
Người dân địa phương cũng cần phải tham gia trong và ảnh hưởng đến các tiến trình ra quyết định đối với những gì đang ảnh hưởng đến họ. Các cơ quan có thẩm quyền có liên quan sẽ cần được phân quyền từ chính phủ quốc gia và chính quyền cấp cao đến các cấp chính quyền địa phương. Ở cấp quốc tế, các hiệp định toàn cầu tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình, các hình thức mua bán và giảm nợ nước ngoài cũng cần được thiết lập (Krugmann 1996).
Cũng cần lưu ý rằng kết hợp IK trong thực tiển phát triển hiện tại và áp dụng nó trong các vấn đề về tính bền vững không phải là không gây ra một số rũi ro cho người dân bản địa. Đáng chú ý nhất là sự khác biệt lớn giữa quyền lực do người dân bản địa nắm giữ và quyền lực của người ngoài. IK có thể được áp dụng đối với các vấn đề về tính bền vững hay có thể được áp dụng cho một cách suy nghĩ đang chiếm ưu thế, làm gia tăng các vấn đề của một thế gới không bền vững qua việc sử dụng (sai lầm), ví dụ, cho lợi ích của các công ty xuyên quốc gia (TNCs) (Tester, trao đổi riêng, 1997, xem p. 6).


[1] F.J. Tester, Trường Công tác Xã hội, Đại học British Columbia, Vancouver, BC, Canada, trao đổi riêng, 1997.
 

Số lần xem trang : 14811
Nhập ngày : 13-05-2008
Điều chỉnh lần cuối :

Ý kiến của bạn về bài viết này


In trang này

Lên đầu trang

Gởi ý kiến

 

  Nghiên cứu Tri thức bản địa (13-05-2008)

  Lý lịch Khoa học(13-05-2008)

  Tri thức bản địa (Giới thiệu)(12-05-2008)

  Danh sách tài liệu học tập(12-05-2008)

  Chào mừng quý vị đến với trang web cá nhân (thử nghiệm) của Hoàng Hữu Cải(09-05-2008)

  Các hệ thống sử dụng đất bền vững trong vùng nhiệt đới ẩm(08-05-2008)

  Quản lý nước chảy mặt và kiểm soát xói mòn (VII)(08-05-2008)

  Các hệ thống quản lý đất bền vững trong vùng nhiệt đới ẩm (IV)(08-05-2008)

  Các đặc điểm của vùng nhiệt đới ẩm về mặt quản lý đất (II)(08-05-2008)

  Các hệ thống sử dụng đất bền vững I(08-05-2008)

Trang kế tiếp ...

Hoàng Hữu Cải Bộ môn Nông Lâm kết hợp và Lâm nghiệp Xã hội, Khoa Lâm nghiệp, Đại học Nông Lâm Phường Linh Trung Quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam. ĐT: (84-8) 896 3352 Fax (84-8) 896 0713 Email: hhcai(a)hcmuaf.edu.vn

Thiết kế: Quản trị mạng- ĐHNL 2007