"Dự án Làng thần kỳ đang có triển vọng lớn với đầu ra không giới hạn”, ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty Liên doanh An Phú Lacue, cho biết.

Từ Kawakami Mura tới Đạ Nghịt

Sự ra đời của Liên doanh An Phú Lacue xuất phát từ ý tưởng khai phá thị trường Nhật sau khi công ty An Phú Đà Lạt (APP), cũng do ông Thành làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị, đã khá thành công trong việc chinh phục các thị trường như Mỹ (hiện xuất khoảng 8 container thanh long/tháng), Canada (2 container thanh long và đậu Hòa Lan/tháng)… Chính ý tưởng này đã kết nối ông với Giám đốc Quỹ đầu tư HT Capital tại Việt Nam - ông Hironosi Tsuchiya vào tháng 10/2013.

Thật tình cờ, vị đối tác người Nhật này trước đó cũng đã lui tới Đà Lạt khá nhiều lần để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Nhận thấy đây là vùng đất trù phú, khí hậu khá thích hợp cho canh tác rau quanh năm, nhưng mức thu nhập của nông dân vẫn còn thấp và khá vất vả, ông Hironosi liên tưởng ngay đến Làng thần kỳ Kawakami thuộc tỉnh Nagano, ở phía tây Tokyo, nơi có điều kiện tự nhiên thua xa Lâm Đồng. Người dân làng này chỉ canh tác được 4 tháng (từ tháng 6 đến tháng 10), 8 tháng còn lại nhiệt độ xuống tới âm 20 độ C, nhưng thu nhập bình quân hộ gia đình lại tới mức 250.000 USD/năm.

Sau nhiều tháng khảo sát, hai bên đã quyết định thành lập công ty Liên doanh An Phú Lacue, với số vốn đầu tư ban đầu 1 triệu USD gồm ông Thành (25%), Quỹ HT Capital (73%) và một công ty khác trong nước (2%) nhằm hiện thực hóa mô hình Làng thần kỳ Kawakami tại thôn Đạ Nghịt trên diện tích 13 ha.

Đầu tháng 2 năm nay, công ty trồng thử nghiệm 13 loại giống rau trên diện tích 5.000 m2, trong đó chủ lực vẫn là loại xà lách Asagiri (nghĩa tiếng Nhật là sương mai do sản phẩm được thu hoạch vào lúc 5 giờ sáng).

Sau 70 ngày chờ đợi, niềm vui đã vỡ òa khi 3.000 cây xà lách đầu tiên được thu hoạch. “Tôi còn nhớ anh Takaya Hanaoka, một nông dân Nhật mới 35 tuổi, là Giám đốc Điều hành An Phú Lacue, đã ngồi uống bia suốt đêm ngay tại liếp xà lách do chính anh gieo hạt vì quá xúc động”, ông Thành nói.

Công đoạn thu hoạch và bảo quản sản phẩm đối với người Nhật là rất quan trọng. Ở làng Kawakami, xà lách được thu hoạch từ 3 - 6 giờ sáng và giữ trong kho lạnh, với nhiệt độ tương đương lúc thu hoạch, cho tới khi phân phối đến người dùng. Hiện An Phú Lacue cũng áp dụng cách này. Tại đây còn có hẳn một phầm mềm quản lý đồng ruộng. Những thông tin như loại giống nào, trồng bao nhiêu cây, trên bao nhiêu luống, lượng phân bón cho từng loại, từng luống đều được phần mềm hiển thị khá chi tiết, đến mức một nhân viên văn phòng cũng có thể nắm rõ được quy trình trồng, thu hoạch các loại nông sản tại đây.

Ông Thành cho biết, hiện công ty cung ứng sản lượng khoảng 400 kg xà lách/ngày cho hệ thống trung tâm thương mại Aeon, các nhà hàng Nhật tại TP.HCM và các siêu thị Big C. Kênh phân phối tiếp theo sẽ là hệ thống CoopMart và Family Mart.

Thênh thang đầu ra

Sau khi đi vào ổn định tại thị trường trong nước, An Phú Lacue đang chuẩn bị cho chiến lược mở rộng ra thị trường nước ngoài ngay trong tháng 12 này. Cụ thể, sản phẩm xà lách Asagiri sẽ được xuất khẩu qua Nhật, để phục vụ trước tiên cho nhu cầu tiêu dùng của người dân làng Kawakami trong các tháng không thể canh tác được do thời tiết giá lạnh (từ tháng 11 đến tháng 5 hằng năm). Nhưng mục tiêu lớn hơn là sản phẩm này sẽ được phân phối vào hàng chục ngàn siêu thị và cửa hàng tiện lợi của người Nhật ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trước mắt, ngoài thị trường Nhật, công ty đang xúc tiến ký kết hợp đồng xuất khẩu nông sản sang Malaysia và Trung Quốc, thông qua đối tác là công ty Frais Funghi và Dong Sheng.

Tuy đầu ra cho sản phẩm là không giới hạn nhưng theo ông Thành, xà lách Asagiri còn phải vượt qua 3 yêu cầu trước khi có thể thâm nhập thị trường Nhật và khu vực. Rau phải đạt chuẩn nhập khẩu về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, sản lượng tối thiểu 10 container mỗi tháng, và quy trình xử lý bảo quản tại Việt Nam phải đạt chuẩn quốc tế.

“Với đầu ra không giới hạn sản lượng, hiệu quả kinh doanh của An Phú Lacue sẽ khá tích cực từ năm sau, vì giá thành sản phẩm dự kiến sẽ thấp hơn so với ở Nhật từ 20 - 30%”, ông Thành cho biết.

Trong năm sau, công ty sẽ xúc tiến Chương trình “Liên kết nông dân Đà Lạt” thông qua việc chuyển giao kỹ thuật và quy trình canh tác từ Nhật. Trong tương lai, An Phú Lacue cũng sẽ có chương trình đưa nông dân Đà Lạt tới học tập sản xuất ngay tại làng Kawakami ở Nhật.

“Tham vọng của chúng tôi là sẽ tăng vốn đầu tư cho dự án từ các nguồn lực trong và ngoài nước, đồng thời phát triển quy mô sản xuất từ mức 13 ha hiện nay lên tới khoảng 100 ha sau năm 2016, nhằm gia tăng tỷ suất sinh lời”, ông Thành cho biết.

Được biết, Làng thần kỳ ở Lâm Đồng chính là một trong hai dự án có sự tham gia của nhà đầu tư Nhật trong lĩnh vực nông nghiệp. Nếu so với con số lên tới 2.434 dự án FDI của Nhật tại Việt Nam hiện nay với tổng số vốn lên tới hàng chục tỷ USD, hai dự án nông nghiệp này vẫn còn rất khiêm tốn. Nhưng ý nghĩa của sự thành công và hiệu ứng lan tỏa của nó là không hề nhỏ trước thực tế thu hút vốn FDI vào nông nghiệp của Việt Nam vẫn còn yếu kém.

Mới đây, ông Yasuzumi Hirotaka, Giám đốc Ðiều hành Tổ chức Xúc tiến Ngoại thương Nhật tại TP.HCM, cho biết thủ tục nhập khẩu các thiết bị máy móc từ Nhật về Việt Nam để phục vụ sản xuất nông nghiệp hiện vẫn rất khó khăn. Khi có nhu cầu mua hay thuê đất để đầu tư nhà xưởng, các nhà đầu tư Nhật tiếp tục gặp nhiều vướng mắc. Các rào cản khác như thủ tục pháp lý, thiếu nguồn vật tư tại chỗ cho sản xuất nông nghiệp (phân bón, hạt giống...) cũng ảnh hưởng không ít.

“Từ mô hình Làng thần kỳ, tôi rút được 3 bài học từ người Nhật là tính kỷ luật cao, ý chí bền bĩ và sự minh mạch, tôn trọng trong quan hệ với đối tác Việt”, ông Thành khẳng định.

 

Theo Vĩnh Bảo

Nhịp cầu đầu tư