Trang chủ NLU| KhoaNôngHọc| Mụclục Hoàng KimLong| Tình yêu cuộc sống | CNM365| Khát khao xanh | Dạy và học | Cây Lương thực | FoodCrops| HK1| HK2| HK3| HK4| HKWiki| Violet| FAOSTAT| ThốngkêVN | ThờitiếtVN|
Thống kê
Số lần xem
Đang xem 1009
Toàn hệ thống 2491
Trong vòng 1 giờ qua
Trang liên kết

 

Tỉnh thức
giữa đêm thiêng Yên Tử
Để thấm hiểu đức Nhân Tông
Ta thành tâm đi bộ
Lên tận đỉnh chùa Đồng
Tâm sáng Ức Trai
trong tựa ngọc


TÌNH YÊU CUỘC SỐNG

THUNG DUNG
Nguyễn Bỉnh Khiêm, ...


DẠY VÀ HỌC
Để chấn hưng giáo dục Việt Nam cấp thiết phải có đội ngũ những người thầy giáo ưu tú có tâm đức thiết tha với nghề, có trình độ chuyên môn cao và có kỹ năng giảng dạy tốt. Đây là trang thông tin chuyên đề dạy và học để trao đổi và bàn luận


Khoa Nông Học  
Những nhà khoa học xanh,
http://foodcrops.vn


Norman Borlaug
Lời Thầy dặn

Việc chính đời người chỉ ít thôi
Chuyên tâm đừng bận chuyện trời ơi
Phúc hậu suốt đời làm việc thiện
Di sản muôn năm mãi sáng ngời.


Thông tin Cây Lương thực
 Lúa, Ngô, Sắn, Khoai lang
Nông trại và Hệ thống Canh tác
http://foodcrops.vn
FOOD CROPS
CÂY LƯƠNG THỰC
  



Tình yêu cuộc sống
Thông tin chuyên đề chọn lọc

Science Daily

KHÁT KHAO XANH
HOÀNG KIM
CNM365

Luôn làm mới kiến thức của bạn !



Bút tích NB gửi HK và
Những tư liệu quý về 
GS.TS. Norman Borlaug

Lối vào Phong Nha

 


HOÀNG KIM
NGỌC PHƯƠNG NAM
CHÀO NGÀY MỚI

DẠY VÀ HỌC
CÂY LƯƠNG THỰC
FOOD CROPS



THƯ VIỆN NGHỀ LÚA
Thư viện Khoa học Xã hội





Cassava in Vietnam



A New Future for Cassava in Asia

On-line: Cassava in Asia
(Tải tài liệu PDF tại đây)


 

KimFaceBook
KimYouTube

KimLinkedIn

Songkhongtubien

KIMYOUTUBE. Video nhạc tuyển Sóng không từ biển (xem tiếp).



GỬI THƯ ĐIẾN TỬ VÀ
LIÊN KẾT TRỰC TUYẾN

hoangkimvietnam@gmail.com 
hoangkim@hcmuaf.edu.vn  
TS. Hoàng Kim

http://foodcrops.vn
http://vi.gravatar.com/hoangkimvn
http://en.gravatar.com/hoangkimvn

Thành viên

Email:
Password

Nội dung

  TS. Hoàng Kim


AN NINH MẠNG Ý KIẾN CHUYÊN GIA.

Hoàng Kim chọn lọc đúc kết những ý kiến của các chuyên gia an ninh mạng để giúp tạo cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin tổng quan về những căn cứ khoa học và thực tiễn đóng góp cho Dự thảo Luật An Ninh Mạng, được Quốc hội thông qua vào ngày 12/6/2018 là vấn đề ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả mọi người dân, hiện vẫn đang tiếp tục gây tranh cãi. Luật An Ninh Mạng Dự thảo Online Quốc Hội tại đây
http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/DT_DUTHAO_LUAT/View_Detail.aspx?ItemID=1382&LanID=1516&TabIndex=1 Mục tiêu và sứ mệnh của đảm bảo an ninh mạng là đảm bảo an toàn thông tin tự do sáng tạo, tiết kiệm thời gian công sức cho người dân, mang đến lợi thế so sánh của trí tuệ và sản phẩm Việt. Luật An Ninh Mạng dự kiến được Quốc Hội bỏ phiếu thông qua ngày 12/6/2018. An ninh mạng ý kiến chuyên gia một số ý kiến phản biện tại đây https://hoangkimlong.wordpress.com/2018/06/10/an-ninh-mang-y-kien-chuyen-gia/ và lưu trữ tại đây


AN NINH MẠNG Ý KIẾN CHUYÊN GIA.
 
Hoàng Kim
chọn lọc đúc kết những ý kiến của các chuyên gia an ninh mạng để giúp tạo cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin tổng quan về những căn cứ khoa học và thực tiễn đóng góp cho Dự thảo Luật An Ninh Mạng, dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào ngày 12/6/2018. Thời điểm là RẤT GẦN và ý nghĩa vấn đề là ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả mọi người dân. Luật An Ninh Mạng Dự thảo tại đây http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/DT_DUTHAO_LUAT/View_Detail.aspx?ItemID=1382&LanID=1516&TabIndex=1
Mục tiêu và sứ mệnh của đảm bảo an ninh mạng là đảm bảo an toàn thông tin tự do sáng tạo, tiết kiệm thời gian công sức cho người dân, mang đến lợi thế so sánh của trí tuệ và sản phẩm Việt. Luật An Ninh Mạng dự kiến sẽ được Quốc Hội bỏ phiếu thông qua ngày 12/6/2018 sau giải trình cuối cùng của Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh và sau ý kiến tranh luận trên nghị trường của các đại biểu Quốc Hội, các chuyên gia giám định, người dân rất muốn lắng nghe trực tiếp và chất vấn (nếu có).
LUẬT AN NINH MẠNG tương tự như câu chuyện BA ĐẶC KHU LIỆU CÓ ĐỘT PHÁ? có ý nghĩa sinh tử đối với TỔ QUỐC nên không thể không nghiên cứu kỹ. Luật đầu tư và hợp tác bền vững thành thực phải là vùng đặc khu hợp tác nghiên cứu phát triển trọng điểm hướng tới chén cợm ngon của người dân, lao động, việc làm, an sinh xã hội và giáo dục đào tạo nguồn lực con người hiền tài để phát huy sự tương đồng văn hóa. Luật An Ninh mạng không nhất thiết phải thể hiện lập trường ‘nghiêng về một phía, học riêng một thầy’ mà nên cân nhắc sự lợi thế so sánh đặc thù quốc gia để phát triển bền vững. Một dân tộc truyền kiếp bị đối xử không bình đẳng thì độc lập, tự do, hạnh phúc là điểm tương đồng sâu sắc nhất. (Hoàng Kim)
Ý kiến chuyên gia:
DƯƠNG NGỌC THÁI CHUYÊN GIA AN NINH MẠNG
Kính thưa Quốc Hội,
Tôi là Dương Ngọc Thái, kỹ sư an ninh mạng đang làm việc ở Mỹ. Tôi năm nay 34 tuổi, bắt đầu học và làm an ninh mạng từ năm 18 tuổi. Năm 20 tuổi tôi đã là trưởng phòng an ninh mạng của một Ngân hàng ở Việt Nam. Năm 2011, tôi rời Việt Nam sang Silicon Valley làm việc. Tôi là một chuyên gia nghiên cứu về an ninh phần mềm. Các phát hiện của tôi có ảnh hưởng sâu rộng đến sự an toàn của Internet, được trích dẫn trong nhiều bài báo khoa học, được đưa vào giảng dạy ở các đại học danh tiếng và đăng tải trên các tờ báo lớn trên thế giới.
Tôi giới thiệu dài dòng như vầy với hi vọng Quốc Hội hiểu rằng tôi là một kỹ sư an ninh mạng có kinh nghiệm thực tế và được thế giới biết đến.
Để soạn thảo và thông qua một bộ luật đòi hỏi nhiều kiến thức chuyên môn như Luật An Ninh Mạng, Chính phủ và Quốc hội cần phải dựa vào sự tư vấn và lắng nghe ý kiến của các chuyên gia. Tuy vậy cho đến ngày 31/5/2018, mục “Ý kiến chuyên gia” trên trang Dự Thảo Online của Quốc hội không có ý kiến nào. Cá nhân tôi chỉ biết về dự thảo khi báo chí đưa tin. Với trách nhiệm xã hội của một chuyên gia, tôi viết thư này để chia sẻ với Quốc hội và những ai quan tâm góc nhìn của một người đã dành nhiều thời gian suy nghĩ về an ninh mạng. Ba vấn đề tôi đặt ra và phân tích với Quốc hội (1) liệu dự thảo có đưa ra được các giải pháp chính sách thực sự để giải quyết vấn đề an ninh mạng? (2) tác động dự thảo đến doanh nghiệp, đến phát triển kinh tế như thế nào; và (3) khuyến nghị của tôi cho luật an ninh mạng và chính sách an ninh mạng Việt Nam.
Đây là ý kiến của cá nhân tôi, không thể hiện quan điểm hay ý kiến của nơi tôi làm việc hay bất kỳ ai khác.
Chống nói xấu Đảng không đảm bảo được an ninh mạng
Tôi đã học và làm việc chung với nhiều giáo sư và chuyên gia hàng đầu thế giới, nhưng tôi chưa bao giờ nghe ai giải thích về an ninh mạng như đại biểu Nguyễn Thanh Hồng – Uỷ viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã nói trên tờ VnExpress: “An ninh mạng nếu giải thích dễ hiểu nhất là không truyền bá, cổ súy, khai thác những nội dung chống phá Đảng, Nhà nước và làm sao để mỗi công dân có ý thức trong việc phòng chống tội phạm, bảo vệ bản thân và gia đình”. Hiểu an ninh mạng như vậy là sai bản chất và có thể dẫn đến nguy cơ vừa mất an ninh quốc gia vừa kìm hãm sự phát triển của đất nước.
Đúng là Việt Nam đã và đang liên tục bị tấn công trên không gian mạng. Năm 2014, giữa lúc người Việt trong nước và hải ngoại đang sôi sục vì Trung Quốc kéo giàn khoan HD-981 vào Biển Đông, các chuyên gia đã phát hiện hệ thống máy tính của Bộ Tài Nguyên Môi Trường Việt Nam bị xâm nhập. Tại sao lại là Bộ Tài Nguyên Môi Trường? Vì đây là cơ quan nhà nước sở hữu nhiều thông tin quan trọng về bản đồ, sơ đồ, hải trình, báo cáo… của các chuyến thăm dò dầu khí, khai thác ngư sản cũng như các hoạt động tuần tra bảo vệ của Việt Nam trên Biển Đông. Ngoài Bộ Tài Nguyên Môi Trường, Tập Đoàn Dầu Khí, Thông Tấn Xã và Tập Đoàn Bưu Chính Viễn Thông Việt Nam cũng bị xâm nhập. Có nhiều bằng chứng để tin rằng những đối tượng đứng đằng sau các vụ tấn công này đến từ Trung Quốc.
Gần đây hơn, nhiều sự cố an ninh mạng cũng liên tục xảy ra:
• Tháng 5/2016, ngân hàng Tiên Phong Bank bị hacker xâm nhập, đánh cắp 1,1 triệu đôla Mỹ (đại diện Tiên Phong Bank nói rằng họ phát hiện và chặn được tấn công đúng lúc).
• Tháng 7/2016, mạng máy tính sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Nội Bài và Vietnam Airlines bị hacker Trung Quốc phá hoại.
• Tháng 5/2017, ngay trong lúc ngài Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang sang thăm Mỹ, hệ thống máy chủ email của Bộ Ngoại Giao lại bị hacker “lạ” xâm nhập.
• Từ nhiều năm nay, các công ty công nghệ Việt Nam đã nằm trong tầm ngấm của những nhóm hacker “lạ”. Tháng 4/2018, kẻ tấn công đã tung lên mạng thông tin cá nhân bao gồm tên, ngày sinh, chứng minh nhân dân, số điện thoại, email và mật khẩu của gần 75 triệu tài khoản người dùng của VNG, công ty game và Internet lớn nhất Việt Nam.
Có lẽ không cần nói thêm, Quốc hội cũng hiểu rằng “chống truyền bá, cổ súy, khai thác những nội dung chống phá Đảng, Nhà nước” không thể bảo vệ Việt Nam khỏi những vụ tấn công như trên.
Đảm bảo an ninh mạng không có nghĩa là phải hi sinh phát triển kinh tế và tự do của người dân
Trong lúc hệ thống mạng máy tính Việt Nam liên tục bị tấn công, chính phủ mất bí mật, doanh nghiệp bị mất tiền, người dân mất thông tin cá nhân, sẽ là một sai lầm chiến lược nếu Quốc hội thông qua dự thảo Luật An Ninh Mạng. Dự thảo này không có nhiều sáng kiến cụ thể có thể giúp Việt Nam kiện toàn an ninh mạng mà còn có khả năng cản trở đà phát triển kinh tế, kìm hãm sự tự do sáng tạo và xâm hại riêng tư của người dân.
Một vệ sĩ giỏi là người biết lùi lại phía sau, âm thầm quan sát, đảm bảo an toàn cho yếu nhân mà không gây cản trở công việc của họ. Một chuyên gia lành nghề là người hiểu mục tiêu kinh doanh của công ty, từ đó sáng tạo các giải pháp có sự cân bằng giữa an ninh, chi phí và tiện dụng để sản phẩm làm ra đáp ứng nhu cầu khách hàng, giúp công ty kinh doanh thuận lợi, với những rủi ro chấp nhận được. Tôi hay nói với đồng nghiệp công việc của chúng ta không phải là chỉ là đảm bảo an ninh, mà là đảm bảo an ninh để công ty vẫn có thể sáng tạo và phát triển. Trách nhiệm của chúng ta là phục vụ các nhóm làm sản phẩm, giúp họ đảm bảo an toàn thông tin mà vẫn có thể tự do sáng tạo, vẫn tiết kiệm được thời gian, công sức, chứ không thể bắt họ phục tùng. Nếu chính sách an ninh kìm hãm sự tự do sáng tạo, làm chậm tốc độ phát triển, thì chính sách đó chưa đạt yêu cầu. Kỹ sư an ninh mạng làm việc có tâm phải luôn trăn trở tìm cách để chính sách an ninh không những không gây cản trở, mà còn đem đến lợi thế cạnh tranh.
Tương tự như vậy, ở tầm quốc gia, một chiến lược an ninh mạng đúng đắn không thể bỏ qua phát triển kinh tế. Việt Nam cần đảm bảo an ninh mạng, nhưng an ninh mạng chỉ là phương tiện, không phải đích đến, để đạt đến các mục tiêu quan trọng nhất của đất nước là phát triển kinh tế, khai phóng con người, bảo vệ môi trường sống và nâng cao chất lượng cuộc sống. Muốn vậy, lực lượng chuyên trách an ninh mạng quốc gia cần đóng vai trò người hỗ trợ chứ không phải người kiểm soát. Nhưng tôi e rằng trao quyền cho cơ quan quản lý trực tiếp can thiệp vào cách doanh nghiệp điều hành và quản lý hệ thống thông tin của họ (như điều 26 và 24 dự luật) dễ dẫn đến lạm quyền, tạo điều kiện cho tham nhũng. Việc yêu cầu báo cáo, đánh giá – đi kèm với phê duyệt, chấp thuận – sẽ làm tăng chi phí; giảm sự sáng tạo; làm mất lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp (vì thời gian là ‘vàng’ trong kinh tế số và thị trường công nghệ vốn cạnh tranh khốc liệt).
Bài toán mà Quốc hội cần phải đặt ra cho dự thảo Luật An Ninh Mạng là: làm thế nào để không bị tấn công mạng, nhưng vẫn giữ tốc độ phát triển kinh tế cao, đảm bảo tự do cho người dân, tăng khả năng cạnh tranh và uy tín của Việt Nam trên thế giới? Đặt đúng câu hỏi là đã giải quyết được một nửa vấn đề. Trong phần tiếp theo tôi đề xuất một số ý kiến về chính sách để giải quyết nửa còn lại.
Giải pháp nào cho an ninh mạng quốc gia?
Đối với Luật An Ninh Mạng nói riêng, chính sách và chiến lược an ninh mạng quốc gia nói chung, tôi đề xuất ba điểm.
Thứ nhất, thay vì ôm đồm rất nhiều nội dung, luật chỉ nên tập trung vào hệ thống thông tin trọng yếu, chủ thể trung tâm trong vấn đề bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng. Hệ thống thông tin trọng yếu bao gồm hệ thống công, do Chính phủ quản lý và hệ thống tư, thuộc sự quản lý và là tài sản của các doanh nghiệp tư nhân. Chính phủ chịu trách nhiệm và tùy nghi điều chỉnh hệ thống công, nhưng Chính phủ không được phép kiểm soát hệ thống tư, mà chỉ đóng vai trò hỗ trợ, ngoại trừ có sự đồng ý của doanh nghiệp hoặc lệnh của tòa án.
Để giúp đỡ doanh nghiệp, Chính phủ có thể chủ động chia sẻ thông tin tình báo, thông tin sự cố an toàn thông tin, hoặc các nhóm hacker nước ngoài mà Chính phủ đã theo dõi và nắm bắt được. Chính phủ cũng có thể khuyến khích doanh nghiệp hợp tác, chia sẻ thông tin, nhưng bất kỳ sự chia sẻ nào cũng phải là tự nguyện và phải đảm bảo được sự riêng tư của khách hàng của các doanh nghiệp. Chính phủ không thể mặc nhiên yêu cầu doanh nghiệp cung cấp tất cả thông tin mà Chính phủ muốn. Quá trình chia sẻ thông tin, nội dung chia sẻ giữa doanh nghiệp và Chính phủ phải được luật hóa cụ thể.
Chính phủ cũng có thể giúp doanh nghiệp bằng cách đặt ra các tiêu chuẩn về an toàn thông tin. Các tiêu chuẩn này chỉ áp dụng cho hệ thống mạng máy tính của Nhà nước. Tuy nhiên doanh nghiệp có thể dựa vào đó để tự xây dựng tiêu chuẩn cho hệ thống máy tính và sản phẩm của họ. Nhà nước chỉ mua các sản phẩm đạt chuẩn, tạo động lực để doanh nghiệp muốn bán sản phẩm cho Nhà nước xây dựng các sản phẩm đúng chuẩn.
Một việc có ích khác Chính phủ nên làm là dùng ngân sách để đào tạo nguồn nhân lực an toàn thông tin chất lượng cao và nâng cao nhận thức an toàn thông tin cũng như quyền riêng tư của người dân. Bộ Thông Tin Truyền Thông đã trình Chính phủ những đề án cụ thể về hai vấn đề này, trách nhiệm của Quốc hội lúc này là giám sát việc thực thi các đề án này. Để đánh giá đề án thực thi có hiệu quả, có đúng với mục tiêu đặt ra, Quốc hội nên tham khảo ý kiến đánh giá độc lập của các chuyên gia.
Thứ hai, chính sách an ninh mạng quốc gia cần phải bảo vệ quyền riêng tư của người dân. Quyền riêng tư là một quyền hiến định và được Liên Hợp Quốc công nhận là quyền cơ bản của con người. Nhà nước không thể dựa vào lý do an ninh quốc gia để tùy tiện xâm phạm riêng tư của người dân.
Luật An Toàn Thông Tin Mạng có đề cập đến quyền riêng tư, nhưng tôi e rằng chưa đủ. Để bảo vệ riêng tư của người dân, tối thiểu Việt Nam cần có luật yêu cầu những tổ chức thu thập thông tin cá nhân của người dân phải thông báo đại chúng khi những nơi này bị xâm nhập và để lộ thông tin. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần cân nhắc tạo luật yêu cầu những do tổ chức thu thập và xử lý thông tin cá nhân nhạy cảm như tài chính và y tế phải có cơ chế đảm bảo sự riêng tư của khách hàng. Luật này sẽ đặt ra những tiêu chuẩn cụ thể, cách thức người dân có thể phản ánh khiếu nại và cách Nhà nước sẽ xử lý chế tài ra sao các doanh nghiệp hay tổ chức phạm luật.
Nhưng bảo vệ riêng tư không có nghĩa là phải lưu trữ dữ liệu ở Việt Nam. Đa số người dân châu Âu sử dụng dịch vụ của các công ty Mỹ, nhưng Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR) không yêu cầu các công ty Mỹ phải đặt máy chủ ở châu Âu. Do đó cách quy định như điều 26 của dự thảo luật không có mấy ý nghĩa thực tế.
Dữ liệu là vấn đề pháp lý phức tạp, tôi cho rằng Quốc hội nên nghiên cứu kỹ lưỡng để có một đạo luật riêng về vấn đề này thay vì gộp chung vào Luật An Ninh Mạng như hiện nay.
Cuối cùng, tôi cho rằng, để chống lại tấn công mạng, điều cốt lõi là con người, chứ không phải là công cụ pháp lý. Tuy nhiên, những chuyên gia hàng đầu Việt Nam mà tôi đã có dịp trao đổi đều không làm việc cho Chính phủ vì khu vực doanh nghiệp trả lương cao hơn, đãi ngộ tốt hơn, cơ hội nghề nghiệp công bằng hơn. Nhưng với uy tín của Chính phủ, tôi tin rằng Chính phủ dễ dàng huy động được những chuyên gia tên tuổi tham gia vào các dự án giúp đỡ đất nước. Năm 2016 tôi có đề xuất Việt Nam nên thành lập một đội đặc nhiệm bao gồm những chuyên gia Việt Nam giỏi nhất mà Việt Nam hiện có (xem bài Có một Biển Đông trên không gian mạng). Nhóm chuyên gia này, tương tự như tổ tư vấn về chính sách kinh tế, làm việc theo cơ chế phi lợi nhuận, sẽ giúp Chính phủ về chính sách và công nghệ. Đội đặc nhiệm này có vai trò tương tự như “Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an” mà dự thảo nêu ra, nhưng chỉ đóng vai trò hỗ trợ, chứ không có quyền kiểm soát doanh nghiệp.
Kết thư
Từ vài năm nay tôi đã dành nhiều thời gian suy nghĩ về chiến lược an ninh mạng quốc gia cho Việt Nam. Những ý kiến của tôi ở đây đều là tổng kết của quá trình suy nghĩ lâu dài, không phải những suy nghĩ vội vàng.
Tôi thấy cần phải chỉnh sửa, thu hẹp phạm vi của dự thảo Luật An Ninh Mạng, chỉ nên tập trung vào mục tiêu đảm bảo an ninh mạng cho hệ thống máy tính trọng yếu do nhà nước quản lý, loại bỏ những nội dung vi phạm quyền hiến định của người dân như quyền tự do ngôn luận, quyền riêng tư, cản trở tự do báo chí, tăng chi phí kinh doanh, giảm năng lực cạnh tranh, tạo cơ sở pháp lý cho một nhóm thiểu số nhũng nhiễu doanh nghiệp. Tôi không phải là một luật sư, nhưng với vốn kiến thức hạn hẹp tôi thấy rằng làm luật để kiểm soát người dân, kiểm soát doanh nghiệp là dùng pháp luật để cai trị dân chúng, chứ không phải dùng pháp luật để vận hành và phát triển đất nước. Dự thảo Luật An Ninh Mạng, do đó, nếu được thông qua, sẽ đẩy Việt Nam đi thụt lùi trên con đường trở thành một quốc gia pháp quyền.
Kính thưa Quốc hội,
Tôi đến Mỹ vì muốn tìm kiếm cơ hội chạy đua cùng thế giới, nhưng điều mà tôi tìm thấy lại quý giá hơn nhiều lần, đó là sự tự do. Nước Mỹ được như hôm nay là vì hiến pháp và văn hóa tôn trọng tự do của mỗi cá nhân. Ai cũng có quyền nói. Báo chí độc lập, là quyền lực thứ tư, giữ vai trò giám sát Nhà nước cho người dân. Internet không bị tường lửa ngăn chặn. Ở Trung Quốc thì ngược lại hoàn toàn. Vì vậy, mặc dù Trung Quốc đang giàu lên rất nhanh, nhưng người Trung Quốc vẫn muốn thành người Mỹ, chứ người Mỹ không muốn thành người Trung Quốc.
… (lược trích)
TRƯƠNG HUY SAN (Nhà báo Osin)

“Quốc hội hãy biểu quyết Luật An Ninh Mạng bằng tư duy 4.0”. Những người thực sự hiểu biết về an ninh mạng, kinh tế số trong Chính phủ, trong Uỷ Ban Thường Vụ Quốc Hội nên dành thời gian để cân nhắc thêm.
Tuy ảnh hưởng của Dự luật An Ninh Mạng lên sự phát triển của đất nước có thể còn sâu sắc hơn Dự luật Đặc khu, khả năng rất cao là nó vẫn được đưa ra bỏ phiếu trong ngày 12-6-2018. Nhưng, có lẽ vì nó quá chuyên ngành và mối đe doạ không dễ tạo ra “nhận thức chung” như đất đai, lãnh thổ. Nên, Dự luật này đã không sớm nhận được sự phản ứng đông đảo và không được các tổ chức có ảnh hưởng chính trị lớn như Hội Cựu Chiến binh lên tiếng.Đặc biệt, nhiều nỗ lực góp ý cho Dự luật một cách xây dựng trên báo chí chính thống đều gần như bị dập tắt. Một số chuyên gia, nhà báo phải chịu đựng rất nhiều áp lực, kể cả người viết bài này.Một số nhà lãnh đạo QH gần đây mới tiếp cận được các ý kiến tâm huyết, hiểu những thiếu sót của Dự luật, nhưng quy trình trì hoãn nó cần một tiếng nói từ Chính phủ, trong khi Bộ TT & TT thì đang “bối rối”, Thủ tướng thì đang ở Canada. Trách nhiệm lịch sử đang nằm trong tay các đại biểu. Mong các vị hiểu, không chỉ thông qua một luật tốt mà bác một dự luật có vấn đề cũng được cử tri coi là “thành tích lập pháp”.Tôi hiểu tâm lý của nhiều đại biểu, đặc biệt, những đại biểu đồng thời đang là thành viên chính phủ hay lãnh đạo địa phương. Quý vị cũng không dễ chịu gì khi chỉ vì lỡ lời đã bị mạng xã hội (MXH) nặng nề chỉ trích. Nhưng, nếu lắng nghe và dần dần điều chỉnh, quý vị sẽ nhận thấy, chính MXH đã cung cấp cho quý vị một môi trường đủ khắc nghiệt để quý vị trở thành những chính trị gia.Một chính sách không thể nào đi vào cuộc sống nếu nó không thuyết phục được dân chúng. Làm chính sách mà đe doạ các nỗ lực phản biệt của xã hội thì chính sách đó nếu không đưa đất nước quay về thời kỳ nghèo nàn lạc hậu cũng sẽ bị lịch sử đào thải.Tôi rất ít khi trích dẫn tiền nhân nhưng tôi nghĩ những tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn rất có ý nghĩa với quý vị; ông từng nói, “Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”. Nếu QH làm luật mà trên tinh thần ấy, chắc chắn sẽ không có những điều luật trong BLHS với cái gọi là “tuyên truyền chống nhà nước”.Nhưng, người dân tuy đang phải chấp nhận những chế tài đó thì với luật pháp hiện hành, một người chỉ có thể coi là “tuyên truyền chống nhà nước” khi có một bản án có hiệu lực của toà. Dự thảo Luật này trao nhiều quyền cho các cán bộ công an. Một số vị trong QH có thể sử dụng quyền này để gây sức ép gỡ bỏ những bài viết chỉ trích mình nhưng điều đó chỉ làm cho quý vị thêm lộng quyền, dấn sâu, lâu dần thành “củi”. Về lâu dài, nó còn tác động lên người thân và chính bản thân quý vị [tin tôi đi, rồi có lúc quý vị muốn lên tiếng và chợt nhận ra “quyền được mở miệng” đã bị chính mình bịt lại].Nếu Dự luật được thông qua, thì ngay trong lĩnh vực “tư tưởng văn hoá” sẽ phải đối diện với nguy cơ “công an trị” thay vì tuyên giáo. Chính Hồ Chí Minh – người khai sinh Chế độ – đã nói rằng, “Nước có độc lập mà dân không có tự do thì độc lập đó cũng không có ý nghĩa”. Công cuộc Đổi Mới bắt đầu từ 1986 về bản chất là từng bước trao quyền tự do cho dân. Thoạt tiên là quyền tự kiếm lấy cơm ăn, quyền đi lại… và giờ đây là quyền được nói trên không gian mạng.Có internet, chế độ bị chỉ trích rất nặng nề, nhưng như quý vị thấy đấy, Chính quyền chỉ ngày càng mạnh lên chứ không yếu đi. Vì, quan chức lạm quyền là bị dân kêu, tham nhũng có thể bị dân tố cáo. Tôi biết, nhiều người trong quý vị cũng có vấn đề nhưng tôi tin, đa số cũng mong những kẻ quá xấu xa bị vạch mặt chỉ tên (trên báo hay trên MXH).Không chỉ trong lĩnh vực “tư tưởng văn hoá”, dự luật này trao quyền can thiệp của Công an gần như trong mọi hoạt động trên không gian mạng. Nếu nó được thông qua, theo các chuyên gia, còn “gây khó khăn cho cả việc phát triển chính phủ điện tử, thương mại điện tử, công nghiệp nội dung số, làm mất cơ hội phát triển kinh tế số, cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam”.Để ngăn chặn các nguy cơ trên mạng không thể nào chỉ sử dụng bộ máy công an và không thể chỉ là những nỗ lực của từng quốc gia đơn lẻ. Và, anh không thể lựa chọn phương thức tự vệ hữu hiệu nhất – hợp tác quốc tế – một khi anh hạn chế người dân của anh tiếp cận với các giá trị phổ quát mà VN cam kết.Dự luật này là sáng kiến của Bộ Công an từ thời đại tướng Trần Đại Quang. Tôi, với tư cách là cử tri tại đơn vị ông ứng cử, rất muốn thấy ông nghĩ đến các di sản chính trị của mình. Công đức không chỉ đặt ở các đình chùa mà chủ yếu phải đặt ở trong dân.Nhiều nhà ngoại giao phương Tây có ấn tượng tốt khi gặp thượng tướng Tô Lâm. Họ tìm thấy ở ông tư chất của một chính khách hơn là một sỹ quan công an thuần tuý. Tuy khá “shock” sau vụ TXT nhưng đó vẫn là điều mà họ có thể giải thích. Nhiều người rất ngạc nhiên khi BCA tiếp tục thiết kế Dự luật như vậy. Trong con mắt của nhiều nhà ngoại giao châu Âu đang vận động cho việc ký kết và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do VN-EU, thì Dự luật này là bước lùi rất lớn về cải cách. Và nó có thể gây hiệu ứng tiêu cực không kém gì vụ TXT cho quan hệ ngoại giao với châu Âu.An ninh mạng là một vấn đề cần thiết, nhưng giải pháp hữu hiệu nhất vẫn là con người, công nghệ và hợp tác quốc tế. Nguy cơ tin giả xuất hiện trên MXH là có thật nhưng Chế độ đang có trong tay hơn một nghìn tờ báo. Tôi chia sẻ những lo ngại của quý vị về “tuyên truyền chống nhà nước” xuất hiện trên MXH. Nhưng BLHS đang có quá nhiều tội danh ngăn chặn các hành vi thậm chí mới chỉ ở mức thực thi quyền được nói.Chủ quyền là sức mạnh của mọi quốc gia. Tuy nhiên chủ quyền của một quốc gia trong không gian mạng không chỉ giới hạn trong phạm vi lãnh thổ. Kéo không gian mạng vào bên trong đường biên giới quốc gia là thất bại. Chủ quyền quốc gia trong thời đại ngày nay cũng không chỉ được xác lập bằng các cột bê tông mà còn là những giá trị mà người VN đóng góp. “Cách mạng 4.0” mà quý vị vẫn thường nói chỉ có thể thực hiện trên nền tảng tự do. Kinh tế số, cách mạng 4.0 không bao giờ có thể manh nha khi bóng dáng “còng số 8” cứ thấp thoáng trong máy tính.Những người thực sự hiểu biết về an ninh mạng, kinh tế số trong Chính phủ, trong UBTV QH nên dành thời gian để cân nhắc thêm. QH vẫn còn những ngày trống do Luật Đặc khu đã hoãn. Nếu Dự luật An Ninh Mạng vẫn phải đưa ra biểu quyết, xin quý vị hãy bấm nút bằng “tư duy 4.0”. Tương lai con cháu đang ở trong tay quý vị. Đừng để các tuyên bố về tự do chỉ dừng lại trong những ngôn từ sáo rỗng.GS NGUYỄN MINH THUYẾT, TS. NGUYỄN XUÂN NGHĨA, TS. NGHIÊM THÚY HẰNG, TS. HOÀNG NGỌC GIAO, video thảo luận trực tuyến
Dự luật Ba Đặc Khu và An Ninh Mạng ở Việt Nam
BBC News Tiếng Việt , xuất bản 7 thg 6, 2018 . Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, TS. Nguyễn Xuân Nghĩa, PGS. TS Hoàng Ngọc Giao và TS. Nghiêm Thúy Hằng từ Việt Nam và hải ngoại thảo luận về Dự luật về 3 Đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc và Dự luật An ninh mạng đang gây tranh cãi ở Việt Nam., xem trực tiếp ở tại đây …
https://youtu.be/HVXmeriskUk

 

GIÁO SƯ JONATHAN LONDON
BBC News Tiếng Việt, xuất bản 20:09  10 thg 6, 2018 ‘Người dân VN mong, cần và xứng đáng được có quyết định từ quá trình minh bạch”

Giáo sư Jonathan London bình luận từ Hà Lan: “Không có nước nào mà biểu tình được xem là phương án tốt nhất để giải quyết những vấn đề lớn và quan trọng trong xã hội – việc có biểu tình cuối tuần không chỉ phản ánh sự nghi ngờ và phẫn nộ của nhiều người mà phản ánh một thực tế lớn hơn mà đã biết quá lâu: người dân Việt Nam đã từ lâu mong, cần, và xứng đáng những quyết định quốc gia xuất phát từ những quá trình và thảo luận minh bạch, càng mang tính văn minh đa nguyên dân chủ càng tốt. Như thế Việt Nam mới cất cánh.”

TRANH LUẬN VIỆC BUỘC FACE BOOK, GOOGLE ĐẶT MÁY CHỦ TẠI VIỆT NAM

Đối lập với lo ngại về an ninh, trốn thuế…, nhiều đại biểu cho rằng buộc doanh nghiệp ngoại đặt máy chủ ở Việt Nam là trái cam kết hội nhập. Buộc Facebook, Google đặt máy chủ ở Việt Nam để chống ‘nói xấu, xuyên tạc’

Theo VN Express, bài của Võ Hải, Thứ năm, 23/11/2017, 14:10 (GMT+7),  Sáng 23/11, thảo luận về dự án Luật an ninh mạng, nhiều đại biểu Quốc hội đã góp ý vào quy định buộc các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam, phải đặt máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng ở Việt Nam.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu – Giám đốc Công an Nghệ An, cho hay yêu cầu này đã được 14 nước như Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ… thực hiện. “Vì sao các nước đó làm được, chúng ta không làm được”, ông Cầu nói và khẳng định việc ủng hộ quy định nêu trên của dự Luật. Theo Giám đốc Công an Nghệ An, các doanh nghiệp internet nước ngoài thu lợi nhuận từ việc cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, thì phải chịu các quy định bình đẳng như các doanh nghiệp khác.  “Chúng ta chỉ yêu cầu đặt máy chủ, quản lý người dùng Việt Nam chứ không phải đặt toàn bộ máy chủ dữ liệu vì máy chủ dữ liệu cung cấp cho nhiều quốc gia chứ không cho một nước cụ thể”, ông Cầu nói. Cũng theo đại biểu Cầu, môi trường thông tin mạng không khác gì môi trường xã hội, có cái tốt và cũng nhiều cái xấu làm băng hoại tư tưởng, làm sai lệch nhận thức, dẫn đến những hành vi sai trái của con người. “Điều nghịch lý là người bị tấn công vẫn phải trả tiền cho nhà mạng”, ông nêu quan điểm và nói thêm, các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ thu lợi nhuận rất cao, trong khi đó cơ quan quản lý nhà nước lại không quản lý được thu nhập, làm thất thoát một lượng tiền lớn của nhà nước.

Ủng hộ quan điểm của ông Cầu, đại biểu Lê Tấn Tới – Giám đốc công an Bạc Liêu cho biết, thời gian qua nhiều vụ gây rối làm mất an ninh trật tự ở các địa phương đều có sự tham gia của các trang mạng, do đó việc ban hành Luật an ninh mạng với những quy định như dự thảo hoàn toàn phù hợp với luật pháp Việt Nam. Theo ông Tới, trên môi trường mạng xã hội do Facebook, Google cung cấp đã và đang có những vi phạm làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự của đất nước, tuy nhiên trong dự Luật chưa quy định các chế tài cụ thể khi đối tác cố tình vi phạm và không chấp hành quy định. Giám đốc Công an Bạc Liêu cho rằng, xử lý các doanh nghiệp vi phạm “không phải bằng cái vỗ vai, cái lườm nhau, nhắc khéo nhau, đe doạ nhau, mà phải được điều chỉnh bằng luật, cơ chế, hiệp định hỗ trợ tư pháp”.

Yêu cầu đặt máy chủ tại Việt Nam “trái cam kết hội nhập”

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy – Thường trực Uỷ ban các vấn đề xã hội, thì cho rằng quy định nhà cung cấp dịch vụ phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng ở Việt Nam là trái với cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO và Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam.  Bà Thuý cho hay, trong cam kết với WTO, dịch vụ viễn thông cung cấp qua biên giới không hạn chế tiếp cận thị trường, trừ một số trường hợp cụ thể, nhưng trong các trường hợp loại trừ đó không quy định phải có cơ quan đại diện trên lãnh thổ Việt Nam; cam kết của Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam cũng nêu tương tự. Ngoài ra, đại biểu Thuý cũng cho biết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP 12) mà Việt Nam từng ký kết, đã quy định “không bên nào được sử dụng hoặc lựa chọn địa điểm lắp đặt các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trong phạm vi lãnh thổ của mình, để xem đó như điều kiện triển khai công việc kinh doanh trong lãnh thổ đó”. Nữ đại biểu cho rằng, Việt Nam đang trong quá trình đàm phán TPP 11, do đó dự Luật không nên đặt ra những quy định trái với quy định mà Việt Nam từng thống nhất. “Việc bảo vệ an ninh quốc gia rất quan trọng, nên Quốc hội đã ban hành Luật An ninh quốc gia, Luật An toàn thông tin mạng. Có thể coi 2 luật như hai cái khóa rất chắc chắn. Nay thêm Luật An ninh mạng không khác gì thêm cái khóa thứ ba”, bà Thúy nói. “Hai khóa đã đủ chắc chắn chưa? Thêm một khóa chỉ để khóa cùng một cửa, nhưng lại giao cho một người khác giữ chìa thì chắc hơn, hay cồng kềnh hơn trong thời buổi mở cửa này?”, bà Thuý băn khoăn.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cũng cho rằng, việc yêu cầu các công ty đa quốc gia đặt máy chủ ở Việt Nam là khó thực hiện, vì các nhà cung cấp có thể sử dụng biện pháp công nghệ khác như điện toán đám mây… Để ngăn chặn các tin tức giả, chúng ta nên xem xét biện pháp khác như tăng cường mức phạt. Ở Đức, mức phạt cao nhất lên đến 50 triệu Euro đối với hành vi đưa tin tức giả”, ông Hiếu đề xuất. Theo ông, không nên chỉ nhìn vài trăm triệu USD quảng cáo trên các mạng xã hội chưa thu được thuế mà phải thấy những quảng cáo có thông tin bổ ích, là bộ phận rất quan trọng giúp phát triển kinh tế – xã hội, giúp nâng cao dân trí. Dẫn số liệu cho thấy Việt Nam hiện có 80 triệu tài khoản Facebook – là một trong những nước có lượng người truy cập mạng xã hội lớn nhất thế giới, ông Hiếu đề nghị “cân nhắc yêu cầu đảm bảo an ninh quốc gia và phát triển kinh tế xã hội trước khi ban hành dự Luật này”.

Đại biểu Trần Hồng Hà thông tin thêm, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông như Google, Facebook chỉ có một số trung tâm dữ liệu để chứa máy chủ trên toàn thế giới, chứ không phải ở nước nào cũng đặt máy chủ. “Quy định như dự thảo Luật sẽ khó thực hiện, nếu các doanh nghiệp nước ngoài như Google, Facebook không chấp nhận đặt máy chủ tại Việt Nam, người dùng tại Việt Nam không thể sử dụng hai dịch vụ này với nhiều tiện ích, sẽ kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế”, ông Hà nói.

 

DỰ LUẬT AN NINH MẠNG ĐƯỢC ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI GÓP Ý NHƯ THẾ NÀO ?

Theo nghị trình, dự thảo Luật An ninh mạng với 7 chương, 47 điều sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào sáng mai 12/6.
‘Đảm bảo an ninh mạng nhưng không được hạn chế quyền công dân’

Chính phủ trình dự án Luật An ninh mạng ở kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14. Trong lần thảo luận đầu tiên ở hội trường (ngày 23/11/2017), nhiều đại biểu đã góp ý vào quy định buộc các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam, phải đặt máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng ở Việt Nam.

Bên cạnh các đại biểu ủng hộ trong đó có lãnh đạo Công an Nghệ An và Bạc Liệu, một số ý kiến chia sẻ băn khoăn. Bà Nguyễn Thị Kim Thúy – Thường trực Uỷ ban các vấn đề xã hội, cho rằng quy định trên là trái với cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO và Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam.

Theo bà Thuý, trong cam kết với WTO, dịch vụ viễn thông cung cấp qua biên giới không hạn chế tiếp cận thị trường, trừ một số trường hợp cụ thể, nhưng trong các trường hợp loại trừ đó không quy định phải có cơ quan đại diện trên lãnh thổ Việt Nam; cam kết của Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam cũng nêu tương tự.

Ngoài ra, đại biểu Thuý cũng cho biết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP 12) mà Việt Nam từng ký kết, đã quy định “không bên nào được sử dụng hoặc lựa chọn địa điểm lắp đặt các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trong phạm vi lãnh thổ của mình, để xem đó như điều kiện triển khai công việc kinh doanh trong lãnh thổ đó”.

Nữ đại biểu cho rằng, Việt Nam đang trong quá trình đàm phán TPP 11 (thời điểm tháng 11/2017), do đó dự Luật không nên đặt ra những quy định trái với quy định mà Việt Nam từng thống nhất.

“Việc bảo vệ an ninh quốc gia rất quan trọng, nên Quốc hội đã ban hành Luật An ninh quốc gia, Luật An toàn thông tin mạng. Có thể coi 2 luật như hai cái khóa rất chắc chắn. Nay thêm Luật An ninh mạng không khác gì thêm cái khóa thứ ba”, bà Thúy nói.

Thời điểm đó, ngoài hội trường Quốc hội, giới chuyên gia, doanh nghiệp cũng có những góp ý vào dự Luật trên. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thậm chí còn khuyến cáo, một số nhà cung cấp dịch vụ thà bỏ thị trường Việt Nam chứ không chấp nhận đặt máy chủ ở nước sở tại. Họ lo lắng người dân không còn được sử dụng dịch vụ tiện ích như: Gmail, Facebook, Youtube….

Đến ngày 26/3, có 58 đoàn đại biểu Quốc hội và 11 bộ, ngành gửi ý kiến tham gia đối với dự án Luật An ninh mạng. Trên cơ sở ý kiến góp ý, Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh đã tổ chức cuộc họp với Thường trực Ban soạn thảo để nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện bước đầu đối với dự thảo luật và dự thảo báo cáo giải trình.

Tháng 4/2018, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã dành thời gian xem xét, thảo luận về dự Luật này.

Tranh luận trên nghị trường

Tại kỳ họp thứ 5 đang diễn ra, báo cáo của Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho hay, tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo Luật đã không quy định yêu cầu đặt máy chủ quản lý dữ liệu trên lãnh thổ Việt Nam. Song điều 26 dự Luật lại quy định các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng viễn thông, internet phải lưu trữ dữ liệu người dùng, đặt văn phòng đại diện, trụ sở tại Việt Nam. Quy định này cũng áp dụng tương tự với doanh nghiệp trong nước.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội lý giải, quy định trên đáp ứng được yêu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với dữ liệu điện tử và xử lý các tình huống, hành vi trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; gắn nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước trong việc cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ điều tra, xác minh, xử lý vi phạm và ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin chống Đảng, Nhà nước trên không gian mạng…

Dù đã chỉnh lý, nhưng quy định yêu cầu đặt cơ quan đại diện và lưu trữ dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam vẫn gặp ý kiến phản đối. Sáng 29/5, khi Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự luật này, 18 đại biểu đăng đàn trong đó có nhiều ý kiến băn khoăn về quy định trên.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Phó Giám đốc bệnh viện Đại học Y cho rằng An ninh mạng là một luật mới không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới và khi trình Quốc hội ở kỳ trước thì còn nhiều ý kiến tranh luận, trong dư luận xã hội cũng có nhiều ý kiến trái chiều. Vì vậy, ông mong Quốc hội “thận trọng xem xét trước khi quyết định thông qua tại kỳ họp này”.

Một trong những vấn đề đại biểu Hiếu đặt ra liên quan đến điều 15 của dự Luật, quy định về “Phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế”.

Theo ông, mặc dù điều luật trên liệt kê đủ những thông tin xấu cần ngăn chặn, gỡ bỏ, tuy nhiên trong cuộc sống hàng ngày ranh giới đúng, sai nhiều khi rất mong manh. “Vậy ai là người quy định, đánh giá nội dung thông tin được coi là vi phạm? Một cá nhân, một phòng ban hay một cục, vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông hay Bộ Công an?”, ông Hiếu nêu câu hỏi và cho hay, kinh nghiệm của Indonesia khi sửa đổi Luật vào năm 2017 đã quy định rất rõ ràng “người đưa ra phán xét thông tin xấu là tòa án”.

Bấm nút tranh luận, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu – Giám đốc Công an Nghệ An nói, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu “phân vân rất có lý”, tuy nhiên, trong thực tiễn những thông tin quy định tại điều 15 đều được cơ quan chức năng thông qua một cơ chế, đó là trưng cầu giám định.

“Chúng tôi đã làm rất nhiều vụ án về tuyên truyền chống Nhà nước hoặc lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm hại lợi ích Nhà nước, tổ chức và lợi ích hợp pháp của công dân. Tất cả những tài liệu trên mạng khi cơ quan điều tra thu thập được đều phải trưng cầu giám định”, ông Cầu nói. Cụ thể, nếu tài liệu liên quan đến văn hóa thì Bộ Văn hóa giám định, liên quan đến Sở Thông tin Truyền thông thì Sở giám định và trả lời bằng văn bản. Trên cơ sở giám định đó, cơ quan chức năng kết luận những tài liệu nào tương ứng với quy định trong Điều 15.

Một quy định khác của dự thảo Luật gây nhiều tranh luận tại buổi thảo luận là việc kiểm tra an ninh mạng với hệ thống thông tin của các cơ quan, tổ chức (điều 24)

Khoản 2 điều này quy định, lực lượng chuyên trách thuộc Bộ Công an tiến hành kiểm tra an ninh mạng đối với hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức khi có hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng hoặc khi có yêu cầu quản lý nhà nước liên quan.

Đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị cân nhắc nội dung trên vì nếu không quy định chặt chẽ thì sẽ nảy sinh tiêu cực, lạm dụng quyền hạn ảnh hưởng tới hoạt động của cơ quan, tổ chức.

Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau, giải trình cuối phiên họp, Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh, ba lần đề nghị Quốc hội “cho giữ như dự thảo Luật”.

Xem thêm: Đại biểu Quốc hội tranh luận về dự thảo Luật An ninh mạng

Thư ngỏ thứ hai gửi Quốc hội về Dự thảo Luật An Ninh Mạng
Dương Ngọc Thái, 

Kính thưa Quốc hội,

Cách đây 10 ngày, thông qua báo chí và mạng xã hội, với tư cách một chuyên gia an ninh mạng, tôi đã gửi đến Quốc hội một lá thư ngỏ, đề nghị không thông qua Dự thảo Luật An Ninh Mạng và đề xuất những điều chỉnh cụ thể giúp kiện toàn an ninh mạng quốc gia và đồng thời đảm bảo phát triển kinh tế và tự do của người dân. Lá thư của tôi đã lan truyền nhanh chóng và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận. Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nói rằng lá thư đã giúp ông có thêm nhiều thông tin hữu ích.

Dẫu vậy chỉ trong vài giờ nữa Quốc hội, nhiều khả năng, sẽ vẫn bỏ phiếu thông qua Dự thảo Luật. Tôi viết lá thư thứ hai này, với tâm thức của một người con xa nhà nhưng không lúc nào thôi trăn trở, mong muốn đất mẹ Việt Nam giàu có, thịnh vượng. Tôi xin kể những câu chuyện, những suy tư về mối liên hệ giữa tự do, phát triển và công nghệ, chỉ với hi vọng Quốc hội sẽ hiểu thêm về tầm quan trọng của tự do trên Internet và từ đó hoãn thông qua Dự thảo Luật.

Kính thưa Quốc hội,

Tôi may mắn thuộc thế hệ đầu tiên ở Việt Nam lớn lên trên Internet. Nếu không có Internet có lẽ đến giờ này tôi vẫn chưa biết cách học và suy nghĩ. Nhà trường chưa bao giờ dạy tôi cách đặt câu hỏi mà chỉ muốn tôi biết nghe lời. Bao nhiêu năm đi học, tôi chưa bao giờ được nghe nói đến tư duy phản biện (critical thinking). Tôi được dạy cách tự kiểm duyệt, biết cái gì không nên nói, biết ghê sợ những ai nói ngược với sách giáo khoa, nhưng tôi chưa bao giờ được dạy cách suy nghĩ như một con người có tư duy độc lập. Tôi không trách thầy cô. Dù nhận đồng lương ít ỏi, nhưng họ luôn tận tụy với công việc và thương học trò. Xét cho cùng họ cũng là nạn nhân.

Những gì tôi không học được ở trường, tôi đã học được từ Internet. Nhờ Internet tôi kết nối với các thế hệ đi trước, đọc những gì họ viết, nghe những gì họ đã nói. Họ thay trường lớp dạy tôi không mù quáng tin tưởng bất kỳ ai, dẫu họ có quyền lực như thế nào, mà phải tự đánh giá và rút ra kết luận cho riêng mình. Nhờ Internet tôi biết được những sự kiện lịch sử mà sách giáo khoa không hề nhắc đến. Nhờ Internet tôi bắt đầu biết suy nghĩ, biết cách nhìn vấn đề dưới nhiều góc độ khác nhau và vẫn luôn giữ một tư duy cởi mở để đánh giá và lĩnh hội thông tin mới. Giáo sư Hoàng Tụy, người đã dành cả đời suy nghĩ về giáo dục Việt Nam, nói rằng giáo dục Việt Nam chỉ muốn biến người dân thành công cụ chính trị. Như vậy, nhờ Internet, tôi đã “tự chuyển biến” từ một công cụ chính trị thành một con người tự do và nhờ đó có cơ hội đi cùng thế giới.

Tôi làm việc ở Silicon Valley. Các công ty ở đây cạnh tranh với nhau rất dữ dội, mà cạnh tranh lớn nhất là thu hút tài năng. Qua bao nhiêu năm phát triển ai cũng hiểu rằng tài sản lớn nhất của các công ty, quyết định thành bại hôm nay và mai sau, chính là nhân viên. Các công ty sẽ nhanh chóng phá sản nếu không còn thu hút được nhân tài. Tương tự như vậy, hiền tài là nguyên khí quốc gia, như người xưa đã nói. Nhưng hiền tài là gì nếu không phải là những người có ý kiến mới, có những ý tưởng có thể tạo ra thay đổi đột phá? Khó có thể sáng tạo nếu không có tự do, độc lập trong suy nghĩ. Một quốc gia có quá ít người có thể sáng tạo là một quốc gia yếu và không thể tự đảm bảo an ninh, chủ quyền lãnh thổ.

Internet không phải là liều thuốc tiên, có thể giúp chữa khỏi căn bệnh của giáo dục Việt Nam (muốn như vậy, chính phủ phải lắng nghe ý kiến của các chuyên gia như giáo sư Hoàng Tụy, giáo sư Ngô Bảo Châu và giáo sư Ngô Quang Hưng), nhưng nếu Internet có thể giúp được tôi, tôi tin rằng Internet cũng sẽ giúp được nhiều thanh niên Việt Nam khác. Với dân số đứng thứ 15 thế giới và người dân trẻ, năng động thuộc hàng nhất nhì thế giới, vị trí của Việt Nam không phải là một nước ở thế giới thứ ba, mà phải thuộc nhóm các nước phát triển nhất. Cái chúng ta thiếu là một bộ máy biến người dân thành nhân tài. Trong khi chờ Bộ Giáo Dục làm đúng chức năng này, chúng ta cần Internet tự do để thanh niên có thể tự học cách học, cách suy nghĩ độc lập từ những người đi trước.

Người ta hay nói do dân trí còn thấp nên Việt Nam không thể làm việc này việc kia, theo “tự do dân chủ kiểu phương Tây”. Tôi không biết cách chi để đo lường dân trí quốc gia, nhưng dân trí là trách nhiệm của Nhà nước. Nếu dân trí thấp, Nhà nước phải làm mọi cách để tăng cường dân trí và càng không thể cản trở tự do thông tin trên Internet, vốn là cánh cửa giúp cho người dân tiếp cận với nguồn kho tàng tri thức khổng lồ của nhân loại.

Cũng có người nói vì dân trí thấp, dễ bị ảnh hưởng bởi tin giả, do đó cần phải kiểm duyệt Internet. Tôi nghĩ ngược lại. Dân trí càng thấp thì càng phải mở cửa Internet, vì Internet giúp cho người dân thấy được góc nhìn đa chiều. Mới ban đầu, người dân có thể choáng ngợp vì chưa quen xử lý thông tin nhiều chiều, nhưng tôi tin rằng rồi ai cũng sẽ đủ thông minh để tự mình phân định đúng sai. Sống trong một xã hội đa chiều, dẫu là xã hội trên Internet, sẽ khiến người ta nhanh chóng tập được thói quen suy nghĩ độc lập và từ đó kích thích sự sáng tạo.

Kính thưa Quốc hội,

Thế kỷ thứ 21 là thế kỷ của thông tin và không có ngành công nghiệp nào sinh lợi nhiều như công nghệ thông tin. Kinh doanh công nghệ thông tin không khác chi là in tiền. Apple và Samsung có doanh thu còn lớn hơn GDP của cả Việt Nam. Các công ty công nghệ Việt Nam chưa thể vươn ra thế giới và Dự thảo Luật An Ninh Mạng sẽ làm cho ước mơ đó càng xa vời hơn. Khách hàng phương Tây hoặc những ai quan tâm đến quyền riêng tư và tự do ngôn luận sẽ không muốn sử dụng dịch vụ của các công ty Việt Nam, tương tự như việc đa số lo ngại và không muốn sử dụng dịch vụ của các công ty Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc có thể không cần thị trường phương Tây, nhưng Việt Nam không có thị trường nội địa lớn như Trung Quốc.

Từ vài năm nay, các bạn sinh viên đang học ở các trường đại học Việt Nam bắt đầu sang Silicon Valley làm thực tập sinh. Thực tập 3 tháng đã lãnh lương 600-700 triệu. Nếu được nhận làm nhân viên chính thức, thu nhập khởi điểm không ít hơn 100 nghìn USD, tức là đi làm chỉ một năm một bạn sinh viên mới ra trường đã thành tỉ phú Việt Nam và có thể bắt đầu gửi kiều hối về giúp đỡ gia đình và kiến thiết đất nước. Nhưng những công việc tốt như vầy không chỉ sinh viên Việt Nam muốn có, mà sinh viên Ấn Độ, sinh viên Trung Quốc đều thèm khát. Nếu Internet bị ngăn chặn, nếu tự do thông tin luôn trong tình trạng bị đe dọa, sinh viên Việt Nam sẽ không thể cạnh tranh với sinh viên các nước khác và quốc gia lại mất đi một nguồn nguyên khí.

Kỹ sư công nghệ thông tin Việt Nam nổi tiếng nhất thế giới có lẽ là anh Nguyễn Hà Đông, tác giả của trò chơi Flappy Bird. Nếu không có Internet, làm sao, chỉ qua một đêm, một thanh niên đến từ một quốc gia nghèo nàn lạc hậu lại có thể khiến cả thế giới phải say mê? Internet và công nghệ thông tin, do đó, là cơ hội đổi đời, tạo ảnh hưởng lên thế giới của thanh niên Việt Nam và cũng là cơ hội thay đổi vận mệnh dân tộc. Kiểm duyệt, cản trở tự do Internet là cách nhanh nhất để quay lưng lại với cơ hội này.

Rất nhiều lần các quan chức chính phủ Việt Nam phát biểu họ muốn biến Sài Gòn hay Bình Dương thành một Silicon Valley thứ hai. Đây là một ước muốn đầy tham vọng, nhưng khó thành hiện thực. Nền tảng của Silicon Valley là sự tự do sáng tạo. Có tự do như các nước châu Âu còn không mở được Silicon Valley, không có tự do thì sao mà làm được.

Kính thưa Quốc hội,


Đất nước đang ở trong những thời khắc lịch sử. Hình ảnh đoàn người biểu tình trước Dinh Thống Nhất vào buổi sáng ngày 10/6/2018 khiến tôi không thể không liên tưởng đến hình ảnh hai chiếc xe tăng húc đổ cổng chính của Dinh Độc Lập vào buổi trưa ngày 30/4/1975. Sự kiện 30/4/1975 đã được đưa vào sách giáo khoa, ai lớn lên ở Việt Nam đều đã từng phải học thuộc lòng. Nhưng liệu con cháu chúng ta sẽ học về sự kiện ngày 10/6/2018 trong sách giáo khoa hay là phải vượt tường lửa để đọc trên Wikipedia? Câu hỏi tưởng chừng đơn giản này nhưng hai lựa chọn là hai con đường rất khác nhau mà Việt Nam sẽ đi. Con đường thứ nhất đi cùng thế giới, con đường thứ hai không biết sẽ dẫn về đâu.

Tôi chỉ biết rằng thế giới đang đi rất nhanh, sẽ không chờ để Việt Nam quay lại “đổi mới” thêm một lần nữa.

Sunnyvale, 12/6/2018

Dương Ngọc Thái.

Kiến nghị tâm huyết
Lê Thọ Bình
Hôm qua lúc 20:58 ·


THẾ À ? NGỤ NGÔN CHO NGƯỜI LỚN
Hoàng Kim chia sẻ Kiến nghị tâm huyết
và hai chuyện đối thoại của anh Lê Thọ Bình

“Cám ơn ‘Kiến nghị tâm huyết’ ba ảnh và bốn chữ của anh Lê Thọ Bình. Mấy người hỏi tôi “Anh có biết Lê Thọ Bình là người thế nào?” Tôi hiểu Lê Thọ Bình tự ví mình là gã thơ cày nghề báo, Anh vào nghề với dịch lời thoại một của Nga, một của Nhật Bản: Chuyện Nga kể: “Có một người đi đổ thức ăn thừa. Đáng ra anh ta phải bỏ nó vào thúng rác, nhưng do lười nhác anh ta vứt nó xuống sân chung của khu tập thể. Những người ở khu tập thể này bảo anh ta là người rất xấu, vứt rác bừa bãi làm ô nhiễm môi trường sống. Bầy chim ngói bay xuống mổ lia lịa, được bữa ăn no nê. Lũ chim khen người đàn ông này cực tốt. Vậy anh chàng lười này là người tốt hay người xấu? Câu chuyện này đăng trên Nhân dân cuối tuần. Tổng biên tập báo Nhân dân thời bấy giờ là ông Hữu Thọ tấm tắc: “Hay, hay!”. Chuyện Nhật Bản kể: Con gái của một dòng tộc danh gia, nề nếp không chồng mà chửa. Cả họ đấu tố, hỏi ai là cha đứa bé trong bụng cô ta. Sợ quá cô gái nói nhà sư nọ. Cả họ kéo nhau lên chùa mắng nhiếc nhà sư. Nhà sư nghe xong, nói: “Thế à?”. Khi cô gái sinh con, cả họ lại kéo nhau lên chùa mắng nhiếc nhà sư, vứt đứa bé cho nhà sư nuôi. Nhà sư bế đứa bé, nói: “Thế à?”. 10 năm sau cô gái chửa hoang nọ khai ra cha đứa bé là một người đánh dặm. Cả họ hối hận, lên chùa xin lỗi nhà sư và xin lại đứa bé. Nhà sư trao lại cậu bé và hỏi: “Thế à?”. Trong hai chuyện tôi nhớ mãi Thế à ? Ngụ ngôn cho người lớn.

còn nữa …

Số lần xem trang : 15358
Nhập ngày : 13-06-2018
Điều chỉnh lần cuối : 13-06-2018

Ý kiến của bạn về bài viết này


In trang này

Lên đầu trang

Gởi ý kiến

  CNM365 Tình yêu cuộc sống

  CNM365 Chào ngày mới 7 tháng 11(07-11-2020)

  CNM365 Chào ngày mới 6 tháng 11(06-11-2020)

  CNM365 Chào ngày mới 5 tháng 11(05-11-2020)

  CNM365 Chào ngày mới 4 tháng 11(04-11-2020)

  CNM365 Chào ngày mới 3 tháng 11(03-11-2020)

  CNM365 Chào ngày mới 3 tháng 11(03-11-2020)

  CNM365 Chào ngày mới 2 tháng 11(02-11-2020)

  CNM365 Chào ngày mới 1 tháng 11(01-11-2020)

  CNM365 Chào ngày mới 31 tháng 10(31-10-2020)

  CNM365 Chào ngày mới 30 tháng 10(30-10-2020)

Trang kế tiếp ... 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86

Hoàng Kim, Khoa Nông Học, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, ĐTDĐ:0903 613024,Email:hoangkimvietnam1953@gmail.com, hoangkim@hcmuaf.edu.vn

Thiết kế: Quản trị mạng- ĐHNL 2007