Trang chủ NLU| KhoaNôngHọc| Mụclục Hoàng KimLong| Tình yêu cuộc sống | CNM365| Khát khao xanh | Dạy và học | Cây Lương thực | FoodCrops| HK1| HK2| HK3| HK4| HKWiki| Violet| FAOSTAT| ThốngkêVN | ThờitiếtVN|
Thống kê
Số lần xem
Đang xem 1685
Toàn hệ thống 3812
Trong vòng 1 giờ qua
Trang liên kết

 

Tỉnh thức
giữa đêm thiêng Yên Tử
Để thấm hiểu đức Nhân Tông
Ta thành tâm đi bộ
Lên tận đỉnh chùa Đồng
Tâm sáng Ức Trai
trong tựa ngọc


TÌNH YÊU CUỘC SỐNG

THUNG DUNG
Nguyễn Bỉnh Khiêm, ...


DẠY VÀ HỌC
Để chấn hưng giáo dục Việt Nam cấp thiết phải có đội ngũ những người thầy giáo ưu tú có tâm đức thiết tha với nghề, có trình độ chuyên môn cao và có kỹ năng giảng dạy tốt. Đây là trang thông tin chuyên đề dạy và học để trao đổi và bàn luận


Khoa Nông Học  
Những nhà khoa học xanh,
http://foodcrops.vn


Norman Borlaug
Lời Thầy dặn

Việc chính đời người chỉ ít thôi
Chuyên tâm đừng bận chuyện trời ơi
Phúc hậu suốt đời làm việc thiện
Di sản muôn năm mãi sáng ngời.


Thông tin Cây Lương thực
 Lúa, Ngô, Sắn, Khoai lang
Nông trại và Hệ thống Canh tác
http://foodcrops.vn
FOOD CROPS
CÂY LƯƠNG THỰC
  



Tình yêu cuộc sống
Thông tin chuyên đề chọn lọc

Science Daily

KHÁT KHAO XANH
HOÀNG KIM
CNM365

Luôn làm mới kiến thức của bạn !



Bút tích NB gửi HK và
Những tư liệu quý về 
GS.TS. Norman Borlaug

Lối vào Phong Nha

 


HOÀNG KIM
NGỌC PHƯƠNG NAM
CHÀO NGÀY MỚI

DẠY VÀ HỌC
CÂY LƯƠNG THỰC
FOOD CROPS



THƯ VIỆN NGHỀ LÚA
Thư viện Khoa học Xã hội





Cassava in Vietnam



A New Future for Cassava in Asia

On-line: Cassava in Asia
(Tải tài liệu PDF tại đây)


 

KimFaceBook
KimYouTube

KimLinkedIn

Songkhongtubien

KIMYOUTUBE. Video nhạc tuyển Sóng không từ biển (xem tiếp).



GỬI THƯ ĐIẾN TỬ VÀ
LIÊN KẾT TRỰC TUYẾN

hoangkimvietnam@gmail.com 
hoangkim@hcmuaf.edu.vn  
TS. Hoàng Kim

http://foodcrops.vn
http://vi.gravatar.com/hoangkimvn
http://en.gravatar.com/hoangkimvn

Thành viên

Email:
Password

Nội dung

  TS. Hoàng Kim


DẠY VÀ HỌC. Khi bàn về chất lượng cuộc sống và  bí quyết trường thọ, nhiều tài liệu đã chỉ tám cánh cửa niềm vui không thể thiếu trong đời người, đó là: 1) Thiên nhiên; 2) Tình yêu; 3)Tình bạn; 4) Việc tốt; 5) Nhà ở; 6) Sách hay; 7) Hoa đẹp và Thú cưng; 8) Niềm vui Khoa học Nghệ thuật. Trong đó, sách hay và văn hóa đọc có ý nghĩa rất quan trọng để hình thành trí tuệ và nhân cách con người. Tinh hoa trí tuệ nhân loại nằm trong sách. Kinh nghiệm của nhân loại tích tụ hàng triệu năm đều có trong sách.

Một người biết đọc sách và say mê đọc sách chắc chắn đó  là người hạnh phúc. NGƯỜI BIẾT ĐỌC SÁCH có thể mời được  về nhà mình những bậc hiền minh đức độ dân đạo cho hàng tỷ người , những nhà khoa học lừng danh nhất thế giới, những danh nhân văn hóa lỗi lạc của mọi thời đại, những vị anh hùng dân tộc sống mãi với thời gian, những nhà giáo, nhà văn, thầy thuốc, nhạc sĩ, ca sĩ , nhà buôn, nhà quản trị tài danh tử tế ...  .

Sách đã giúp ta làm được những việc mà ngoài đời khó có thể làm được. Sách giúp ta thỏa nguyện điều mình muốn, giúp ta học hỏi và đối thoại với hàng nghìn cuộc đời. Sách là một trong những kỳ quan vĩ đại nhất của nhân loại. Sách là trí tuệ và túi khôn nhân loại. Nó đưa chúng ta đi từ nơi này đến nơi khác, đến cả những nơi không một phương tiện nào có thể tới được, quay về quá khứ, trãi nghiệm hiện tại và hướng đến tương lai.với một tốc độ nhanh như ánh sáng. Đó là tốc độ của tư duy. Sách hay là thầy bạn tốt của chúng ta. Một căn nhà đẹp đúng nghĩa không thể thiếu sách cũng như một cuộc sống thực sự không thể trống rỗng thông tin. Sách là cội nguồn của tri thức. Sách dạy ta thành người. Tôi xin chép lại dưới đây là hai bài bình sách khá hay của Trần Đăng Khoa và Chu Hảo để mọi người cùng đọc. (Hoàng Kim)

NGƯỜI VIỆT CÓ ĐỌC SÁCH KHÔNG?

Trần Đăng Khoa

Bấy lâu nay, trên các hãng truyền thông, không ít học giả cứ băn khoăn về văn hóa đọc. Có người tỏ ra bi quan. Có người hoàn toàn tuyệt vọng. Hình như người Việt đã mất thói quen đọc sách? Đó là dấu hiệu suy vong của cả một cộng đồng. Gần đây nhất, trong khuôn khổ Hội sách ở Thành phố Hồ Chí Minh vừa mới diễn ra, cũng đã có một cuộc hội thảo khoa học rất quan trọng và vô cùng thú vị: “Người Việt có mê đọc sách?” Quả là văn hóa đọc của chúng ta đang có vấn đề. Theo nhà văn Nguyên Ngọc, cần vận động khôi phục, xây dựng các tủ sách gia đình, chống lại kiểu văn hóa trọc phú, nhà giàu nào cũng có một tủ rượu rất sang mà tuyệt đối không có tủ sách, đem khoe với mọi người bao giờ cũng là khoe tủ rượu chứ có khoe tủ sách đâu.
Tuy nhiên, nếu bảo người Việt không đọc sách, hoặc rất ít người đọc sách thì tôi lại nghi ngờ. Hình như cũng không phải thế. Nếu chẳng còn ai đọc sách nữa thì người ta in sách ra để làm gì? Hãy vào bất kỳ một nhà sách nào cũng thấy rõ. Phải nói là “trên trời dưới sách”. Không thiếu bất kỳ một chủng loại nào. Chúng ta không có nhà xuất bản tư nhân, nhưng hầu hết các nhà xuất bản nhà nước lại do tư nhân chi phối. Họ in sách hoàn toàn vì lợi nhuận, cứ cuốn sách nào ăn khách thì in. Nhờ thế, chúng ta có được rất nhiều tác phẩm đặc sắc của tinh hoa nhân loại. Dù chỉ có một mục đích thực dụng, mục đích duy nhất là kiếm tiền, nhưng các nhà “buôn sách” ấy lại làm được một nghĩa vụ cao cả và linh thiêng: Nâng cao dân trí đất nước. Một tác phẩm đặc sắc gây được sự chú ý đặc biệt của công chúng thì ngay lập tức đã được dịch ở Việt Nam. Có cuốn còn có nhiều bản dịch khác nhau ở nhiều nhà xuất bản. Vì thế, ở Việt Nam hiện nay, ngay cả một người không biết ngoại ngữ, cũng không hề lạc hậu.

Cách đây chừng mười năm, nhà văn Ngô Thị Kim Cúc có phỏng vấn tôi cho báo Thanh niên. Chị hỏi tôi đang đọc cuốn gì. Tôi cũng đã thưa với chị rằng, tôi đọc rất nhiều. Ngày nào cũng đọc. Dù bận mấy cũng không bỏ đọc. Tôi rất thích Mạc Ngôn. Ở thời điểm ấy, anh có hai cuốn dịch sang ta đều vào loại rất hay. Cuốn "Báu vật của đời" còn có đôi chút cường điệu, chứ "Đàn hương hình" thì nhuần nhuyễn từ đầu đến cuối. Trong bể sách hiện nay, nói thực với chị, tôi chỉ thấy có hai cuốn đó là đáng đọc thôi. Không còn nghi ngờ gì nữa, Mạc Ngôn là một trong những nhà văn lớn nhất của hành tinh này ở chính thời điểm này. Tôi phục Mạc Ngôn một phần, còn phục hơn là phục các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Họ đã đổi mới đúng và có một tầm nhìn rất rộng mở. Nhờ thế mà trong một khoảng thời gian rất ngắn, Trung Quốc đã thực sự trở thành một quốc gia hùng mạnh trên tất cả mọi lĩnh vực. Riêng văn học và điện ảnh, chúng ta thấy quá rõ. Suốt ngày, dân mình xem phim Trung Quốc. Phim họ rải suốt trên các kênh truyền hình của ta ở tất cả các tỉnh thành. Tất nhiên, đó cũng chỉ là “hàng chợ” của họ thôi. Nhưng “hàng chợ”, họ làm cũng giỏi vô cùng. Còn văn học thì một trong những đại biểu của họ là Mạc Ngôn. Mạc Ngôn lại là một nhà văn còn rất trẻ. Anh cùng trang lứa với chúng tôi. Đọc anh, không biết các nhà văn khác thế nào, chứ tôi thì tôi sốt ruột lắm. Sốt ruột và đau đớn. Tại sao cũng da vàng mũi tẹt như mình mà sao lão làm được nhiều việc lớn như thế, mà mình cứ bi bét mãi. Trong cuộc hội thảo về tiểu thuyết, có nhà văn bảo: "Rồi chúng ta sẽ có những Mạc Ngôn". Tôi không tin. Không phải vì nhà văn chúng ta kém tài, mà vì chúng ta thiếu một cái gì đó. Cái đó Mạc Ngôn có mà chúng ta lại không có. Cái đó nằm ngoài tầm tay chúng ta.

Nhà văn Ngô Thị Kim Cúc tỏ ra băn khoăn: “Hiện nay ở ta, hình như đang có một hiệu ứng Mạc Ngôn. Nhiều cây bút bắt chước Mạc Ngôn, trước đây thì bắt chước R. Marquez”. Tôi có nói với nữ nhà văn rằng, tôi không phải kẻ vọng ngoại. Xin bạn lưu ý cho điều ấy. Và cả anh em nhà văn mình nữa, nếu họ có tiếp thu những tinh hoa của nhân loại thì cũng nên xem là điều bình thường và nên khuyến khích chứ đừng vội quy kết. Tuy thế, học được cái hay của thiên hạ cũng không dễ đâu. Tôi có đọc cuốn tiểu thuyết của một nhà văn cũng chưa phải là già. Cuốn sách này nghe đồn có vấn đề. Tôi đọc và thấy nó chẳng có tội vạ gì cả. Nó chỉ có tý nhược điểm là ...không hay. Thế thôi. Nhiều trang sa vào dung tục và đọc cứ thấy bẩn bẩn. Tôi kêu thì tác giả bảo: "Ông đã đọc Mạc Ngôn và R. Marquez chưa? Mạc Ngôn toàn vú vê. Marquez toàn cởi truồng. Bà Hồ Xuân Hương của ta cũng đâu có kém". Tôi thật sự kinh ngạc. Hoá ra ông bạn tôi chẳng hiểu gì Mạc Ngôn và cũng không biết gì về các bậc tiền bối. Quả trong tiểu thuyết Trăm năm cô đơn của R. Marquez có nhân vật là một cô bé quanh năm cởi truồng. Cô cởi truồng từ khi còn bé cho đến lúc thành một thiếu nữ xinh đẹp. Đó là một vẻ đẹp thánh thiện, trong vắt, đến nỗi chẳng ai để ý đến việc cô cởi truồng. Thế rồi một buổi trưa, cô đang tắm thì có tiếng động ở khe liếp phía sau. Cô quay lại. Có một ánh mắt đàn ông đang nhìn trộm. Thế là cô sợ quá, vội đưa tay che ngực rồi co người bay vút lên trời qua kẽ ngói thủng ở trên nóc nhà tắm. Cái chi tiết người bay qua kẽ ngói này quả là phi lý, nhưng người đọc lại không thấy phi lý, thậm chí lại có cảm giác rất thật. Đây là cái thật cao hơn cả sự thật. Khi bị nhìn trộm, vẻ đẹp của cô bé không còn trong vắt, thánh thiện nữa, nó đã bị nhuốm bẩn mất rồi. Không có chỗ nương náu thì cái đẹp ấy phải "biến" thôi. Toàn bộ những chi tiết cởi chuồng kia chỉ là sự chuẩn bị cho cú bay ngoạn mục này. Ông bạn tôi dường như chỉ học được mỗi phép cởi truồng và cứ tưởng cởi truồng là R. Marquez. Nhầm. Tinh hoa của Marquez chính là cái phép bay qua kẽ ngói thủng kia cơ.

R. Marquez đã được trao Giài thưởng Nobel về Văn học. Năm nay, cái Giải thưởng danh giá ấy đã đến với Mạc Ngôn. Điều này chẳng có gì phải ngạc nhiên cả. Một gã tèng tèng như tôi cũng đã nhận ra ngay vị thế của ông, dù ông chỉ xuất hiện qua mấy bản dịch. Tôi cũng đã khẳng định ông là tác giả của Giải thưởng Nobel. Chỉ có điều người ta trao cho ông vào lúc nào mà thôi.

Và rồi cũng ở thời điểm ấy, khi đang là Trưởng ban Văn học Nghệ thuật, tôi đã đưa cuốn “Đàn hương hình” lên sóng trong chương trình Đọc chuyện đêm khuya của Đài Tiếng nói Việt Nam. Tất nhiên, khi dịch cuốn tiểu thuyết đặc sắc này, nhà văn Trần Đình Hiến cũng đã lược rất nhiều chi tiết và bỏ hẳn hai chương. Hai chương rất hay, đặc tả tên đồ tể đã nâng việc giết người lên thành nghệ thuật thưởng ngoạn ở triều đại nhà Thanh. Khi đưa lên sóng, anh chị em biên tập viên còn lược bớt đi nữa để phù hợp với các thính giả, đặc biệt là những người vẫn quen nghe những bài viết nhàn nhạt nửa văn nửa báo. Vậy mà vẫn có người phản ứng. Ngay trong buổi giao ban của Đài, một ông bạn đồng nghiệp còn phê phán tôi rất gay gắt. Vì xưa nay không có truyện như thế. “Nghe xong rồi, tôi không sao ngủ được!”. Tôi đã nói vui với ông bạn đồng nghiệp rằng: “Trí thức thì phải thức chứ. Ông bạn lại muốn làm “trí ngủ” à? Tôi đọc truyện cho ông nghe mà ông lại ngủ thì còn có chuyện quái gì nữa mà bàn!”. Tôi quan niệm, mảng văn nghệ của Đài phải là những chương trình đặc sắc. Làm sao chuyển được đến công chúng những tác phẩm sâu sắc vừa có giá trị nghệ thuật lại vừa có tính nhân văn cao. Nếu trong nước không đủ thì chọn của nước ngoài. Nếu không còn đương đại thì tìm cổ điển, những tinh hoa đã được chắt lọc từ bao nhiêu đời. Đó là những giá trị không bao giờ cũ.

Cũng may, người Lãnh đạo cao nhất Đài dạo đó là ông Vũ Văn Hiền, người rất ủng hộ quan niệm ấy, nhờ vậy mà tiểu thuyết “Đàn hương hình”, một kiệt tác mà nhân loại hôm nay tôn vinh, cùng với “Tô tem Sói”, “Sống mà nhớ lấy”, “Trên mảnh đất người đời”… đã lần lượt đến được với đông đảo công chúng qua làn sóng phát thanh.

Năm nay, Mạc Ngôn đã được trao Giải thưởng Nobel về Văn học. Thêm một lần nữa, người Châu Á lại lên ngôi. Trong số những tác phẩm được chọn trao giải, có tiểu thuyết “Đàn hương hình”, một tác phẩm mà Đài Tiếng nói Việt Nam đã diễn đọc trên làn sóng hơn một tháng từ bảy năm về trước. Nhân dịp này, tôi rất mong nhà văn dịch giả Trần Đình Hiến cho tái bản cuốn sách, khôi phục lại những đoạn bị lược bỏ, để chúng ta được chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp một kiệt tác mà nhân loại vừa mới tôn vinh…
 
Trong buổi hầu chuyện bạn đọc tuần trước, tôi có thưa với các Thượng Đế rằng, tôi rất nghi ngờ, nếu ai đó bảo người Việt bây giờ rất ít đọc sách hoặc không còn ai đọc sách nữa. Nếu không còn ai đọc thì người ta in sách ra để làm gì. Chúng ta không có nhà xuất bản tư nhân. Nhưng các nhà xuất bản nhà nước đều do các tư nhân chi phối. Sách in khá đẹp và giá rất đắt. Có cuốn vài trăm ngàn. Có cuốn đến cả triệu bạc. Cái giá ấy đâu có dành cho người bình dân buôn thúng bán mẹt và các trí thức, học giả về hưu. Vậy mà vẫn trên trời dưới sách. Người ta đẩy giá lên để có tiền chia cho người in sách, bán sách, quảng bá sách. Nhiều nhà buôn sách giàu sụ, có xe hơi, nhà lầu. Còn các nhà văn và các dịch giả, những người làm ra chính cuốn sách thì lay lắt. Không ai có thể sống nổi bằng nghề viết sách, dịch sách. Những nhà văn thực sự có tài, thực sự có trách nhiệm với người đọc, không chịu viết ẩu, viết tạp thì còn khổ hơn nữa.
Bởi tiền họ được hưởng từ cuốn sách chỉ tính bằng 10 -12% giá bìa. Những tác giả nổi tiếng có thể nhích hơn một chút, nhưng lượng in cũng chỉ 1000 bản thôi. Có cuốn “ăn khách” còn xuất hiện khắp hang cùng ngõ hẻm, nằm trong cả những mẹt sách bán rong cùng với sách vụ án, sách tử vi bói toán, sách hướng dẫn kinh nguyệt, buồng the mà chúng ta vẫn quen gọi là “sách ngoài luồng”. Bạt ngàn, miên man thế, nhưng chỉ số, lượng in cũng vẫn chỉ 500, 800, hay 1000bản. Đấy là con số “rõ ràng, giữa thanh thiên bạch nhật” để người ta tính thuế với nhà nước và trả công cho người viết sách, dịch sách, còn số lượng in thật thế nào ở trong cõi mịt mù, thì chỉ ma quỷ mới có thể biết được mà thôi.

Ở nước ngoài, nhìn đâu cũng thấy người đọc sách. Người ta đọc sách ở phòng chờ sân bay, trên các bến xe hay trong tầu điện ngầm. Người Việt không có thói quen như thế. Nhưng không thể nói rằng, họ không đọc sách. Có điều, trong xã hội ta, có hai đối tượng cần phải được đọc nhiều thì họ lai đang mất dần thói quen đọc. Đó là các quan chức và học sinh, sinh viên. Tôi quan tâm đến các quan chức, bởi họ là những người điều hành cơ quan, điều hành xã hội. Sự tác động của họ vào xã hội rất lớn, bởi thế cần phải có một tầm nhìn cao rộng. Họ đọc sách không phải chỉ để thưởng thức văn chương mà là để hiểu lòng dân. Hiểu đời sống thực sự là như thế nào. Nó khác rất xa những bản báo cáo hay những bài báo hời hợt, một chiều. “Buồn từ trong dạ buồn ra – Buồn từ ngã bảy ngã ba buồn về”. “Buồn từ trong dạ” là những nỗi niềm riêng tư, là cái buồn bình thường, ai mà chẳng có. Nhưng “buồn từ ngã bảy ngã ba” là cái buồn ngoài mình, cái buồn nhân thế, là những xao động của xã hội, của muôn dân, chỉ những nghệ sĩ, trí thức đích thực, những người có sự mẫn cảm đặc biệt mới nắm bắt được. Với những nhà lãnh đạo, đọc sách là vi hành để hiểu được lòng dân. Nhiều khi sự thật và khát vọng của dân lại nằm trong những cuốn sách có tính phản biện hay những trang Blog cá nhân tưởng như rất đơn lẻ. Chỉ tiếc bây giờ, trong sự phát triển như vũ bão của truyền thông, có cảm giác như không cần đọc cũng biết, nên không ít nhà quản lý đang mất dần thói quen đọc sách. Nhà văn Nguyên Ngọc bảo: “Tôi được biết, có những người lãnh đạo ở cấp cao, sau giờ làm việc ban ngày, tối chỉ tập trung đánh tu lơ khơ suốt đêm, chẳng bao giờ cầm đến một cuốn sách. Vậy mà nếu có dịp đến một cuộc họp nào đó của giới văn học thì họ sẵn sàng lập tức lên lớp dạy nhà văn phải viết như thế này, phải sống như thế kia. Những điều như thế không thể coi là bình thường được nữa”.

Còn học sinh, sinh viên, cái giới lẽ ra cần đọc nhiều nhất, thì cũng không còn tâm sức đâu mà đọc sách nữa. Nhiều nhà văn và trí thức rất băn khoăn về hiện trạng này. Đặc biệt là Nguyên Ngọc. Tác giả “Rừng xà nu”, “Đất nước đứng lên” đưa ra những lý lẽ rất đáng lưu ý. Khi Nguyên Ngọc tỏ ra lo lắng về tình trạng học sinh không đọc sách, thì ông bạn của ông, một Giáo sư Tiến sĩ đã nhiều năm đứng trên bục giảng bảo: Anh kêu học sinh không đọc sách nhưng tôi xin hỏi anh học sinh của mình bây giờ lấy thì giờ đâu nữa mà đọc? Suốt ngày bị quần đến mệt nhừ vì bao nhiêu thứ kiến thức cố nhét vào đầu. Tối lại ngập đầu trong những bài tập về nhà, ngủ cũng không yên, thở không ra hơi, còn đọc gì nữa? Nếu có chút thì giờ nào dôi ra được thì cũng là để thở, hơi đâu mà đọc, còn hào hứng thú vị gì nữa mà đọc! Mới đây lại còn thấy báo chí đưa tin Bộ Giáo dục hợp đồng với đài truyền hình cứ buổi tối đến mấy giờ đó thì đài báo tín hiệu cho trẻ con bắt đầu ngồi vào bàn, học ở nhà, làm bài tập cho về nhà. Nghĩa là Bộ quản chặt hết thì giờ của trẻ con ban ngày ở trường rồi, thấy chưa đủ, còn quản luôn hết cả thì giờ ban đêm ở nhà của chúng nữa, quyết không cho chúng được hở ra lúc nào mà thở!

Cũng theo thông tin của nhà văn Nguyên Ngọc, nền Giáo dục ở Phần Lan hiện nay đang được nhiều người nhất trí công nhận là chuẩn mực vào bậc nhất thế giới, kể cả Mỹ cũng phải tìm đến học. Khi một đứa bé vừa được sinh ra thì quà tặng đầu tiên dành cho nó là một giỏ sách. Đúng là một mỹ tục của đất nước văn minh và hạnh phúc. Trẻ con Phần Lan 7 tuổi mới bắt đầu đi học, nghĩa là chậm hơn ở ta 2 năm, được tha hồ chơi thêm 2 năm nữa. Đi học thì hết sức thoải mái, nhuộm tóc đủ màu, nghe nhạc metal tức thứ rock hạng nặng, và người ta tuyệt đối cấm thầy cô không được cho bài tập về nhà… Vậy mà lớn lên họ vẫn là những con người hoàn thiện, giỏi giang, sống rất văn minh, và tất nhiên đọc sách cũng vào hàng nhất nhì thế giới. Cách làm giáo dục như ở ta hiện nay thì thật khó lòng mà có được thói quen ham mê đọc sách. Thường đến 20 tuổi rồi mà không hề biết đến ham thích và không có cái thú đọc sách thì cả đời sẽ khó lòng trở thành người ham đọc và biết đọc sách.

Đấy là một điều rất đáng quan ngại. Hiện nay, đời sống của chúng ta đang rất khó khăn. Không ít người dân trở lại cảnh bần cùng. Nhiều tập đoàn kinh tế đang bên bờ vực phá sản. Nhưng theo Giáo sư, Cựu Thứ trưởng Bộ Giáo dục Chu Hảo: Vấn nạn lớn nhất của nước ta hiện nay vẫn không phải là kinh tế; vấn đề mang tính lâu bền và gốc rễ hơn nhiều lại là văn hóa. Văn hóa mới là cốt lõi của mọi vấn đề. Kinh tế dù rất phức tạp, khó khăn, nhưng cũng dễ giải quyết hơn. Một khi chúng ta hội nhập quốc tế thì dù sớm dù muộn, chúng ta cũng phải chấp nhận luật chơi chung, phải thay đổi để thích ứng với quốc tế. Phát triển kinh tế rất khó, nhưng không phải không có thể làm được. Cái khó hơn nhiều là xây dựng một nền văn hóa dân tộc có căn cơ, có chiều sâu. Nền văn hóa của một đất nước chắc chắn phải dựa trên nền tảng giáo dục. Giáo dục của chúng ta hiện lại đang xuống cấp, gây bức xúc trong toàn xã hội. Chính cách giáo dục đó đã không xây dựng được một nền văn hóa đọc thậm chí còn triệt tiêu cả văn hóa đọc.

Hãy bắt đầu từ Giáo dục. Cần cải cách, đổi mới thế nào để các em còn có thời gian đọc. Đọc cũng chính là học. Cụ Lê Nin bảo: “Học! Học nữa! Học mãi” là học ở trong sách đấy chứ. Sách mới là người thày dạy ta suốt đời. Cụ Đỗ Phủ cũng bảo: “Đọc sách vỡ muôn quyển – Hạ bút như có thần”. Để có trang văn hay, người viết phải học từ hàng vạn trang sách. Vậy mà theo nhà văn Nguyên Ngọc, vâng, tôi lại phải nhắc đến Nguyên Ngọc thôi, bởi những điều ông nói rất đáng suy ngẫm, theo ông, có không ít sinh viên, thậm chí cả sinh viên khoa văn, chưa bao giờ đọc trọn một cuốn sách, chỉ đọc một số trích đoạn bắt buộc. Có những vị thạc sĩ, tiến sĩ văn học không bao giờ đọc hết một cuốn sách cho đến đầu đến đũa. Nhà trường cần có quy định hẳn hoi lớp nào thì phải đọc hết những cuốn sách nào, hướng dẫn cách đọc. Bớt giờ học những môn ai cũng biết là hình thức và vô bổ đi, thậm chí cắt bớt một phần kiến thức đang dạy đi, xem thử có chết ai không, chúng ta tin là không, mà trái lại học trò của ta sẽ thông minh hơn, thoải mái, tự tin, chủ động, sáng tạo hơn. Nên dành thì giờ cho các em đọc sách. Hãy làm cho nhà trường trở thành nơi đầu tiên, cùng với gia đình, tạo cho con người ý niệm về sự cao quý của chữ nghĩa, sách vở, tập thói quen, nhu cầu và niềm say mê đọc. Đoàn thanh niên của chúng ta có bao nhiêu hoạt động, phong trào này phong trào nọ, học cái này cái nọ rầm rộ, trong đó phải nói thật có rất nhiều cái chỉ là hình thức và vô bổ. Tại sao đoàn thanh niên không có cuộc vận động mỗi thanh niên một năm hãy đọc lấy một cuốn sách? Rồi tiến tới mỗi tháng một cuốn sách. Tôi tin nếu làm như vậy thì đoàn, thanh niên của đoàn sẽ khá ra, trong sạch hơn rất nhiều.

Đúng vậy. Bởi trí tuệ của loài người nằm hết ở trong sách. Chính Sách sẽ dạy cho chúng ta thành người…

NHỮNG NẤM MỒ CHÔN SÁCH

Trần Đăng Khoa


Nghe cái tên bài rờn rợn, tỏa đầy mùi tử khí, mùi nghĩa địa ở giữa cõi trần ai, bạn đọc chắc sẽ rùng mình: Khỉ! Cái lão già này lại muốn cà khịa, lại muốn vu vạ, có bé xé ra to, gây mất ổn định đời sống văn hóa vốn rất thanh bình, tĩnh lặng đến mức …buồn tẻ!

Đừng có dung tục sách! Sách không phải là một mớ giấy lộn. Bên trong cái vỏ phàm tục là vời vợi một cõi tinh thần. Mà vẻ đẹp tinh thần thì cao khiết và siêu thoát lắm, không thể tiêu diệt hay vùi dập được. Ngày xưa, Tần Thủy Hoàng từng đốt sách, nhưng ông ta cũng chỉ đốt được cái xác giấy mà thôi, còn giá trị đích thực của những áng văn chương thì vẫn tươi rói, vẫn mơn mởn ngự trị trong trái tim và trong tâm hồn người đọc. Người đọc vẫn nâng nưu, bảo vệ và gìn giữ hết đời này đời khác rồi truyền lại cho các thế hệ mai sau. Nhờ thế, đám hậu thế chúng ta hôm nay mới có được những di sản đồ sộ của nhân loại.

Bạo chúa đến như những Tần Thủy Hoàng mà còn không “giết” nổi những cuốn sách thì làm sao lại có những nấm mồ chôn sách? Vô lý lắm!

Đúng là vô lý thật. Nhưng có điều, những việc vô lý vẫn diễn ra bày ra khắp mọi ngả. Những kẻ tàn bạo xưa không đốt nổi sách, nhưng rồi chính chúng ta lại biến sách thành những nấm mồ. Nhìn đâu cũng thấy những nấm mồ sách. Đó là các Thư viên. Những “ngôi đền” thiêng sinh ra để tôn vinh sách, tôn vinh văn hóa đọc. Người phát hiện ra những ngôi mộ lộ thiên này, không phải tôi mà là nhà thơ thiên tài Chế Lan Viên, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật. Nhà thơ cảnh báo: “Coi chừng, nếu không khéo, chúng ta sẽ biến thư viện thành những nấm mồ chôn sách”. Nhà thơ độc đáo, nói như Hoài Thanh, “người đã nhô lên như một ngọn tháp chàm kinh dị”, ngọn tháp kỳ vĩ ấy, đã khuất trong niềm thương tiếc của chúng ta vào năm 1989. Sự bất cập mà ông cảnh báo, tưởng chỉ xảy ra trong cõi của ông ở thế kỷ trước, ai dè hôm nay, trong thập kỷ thứ hai của Thế kỷ hai mươi mốt rồi, cô con gái rượu của ông, nhà văn nổi tiếng Phan Thị Vàng Anh lại tiếp tục cảnh báo trong tập tản văn đặc sắc “Nhân trường hợp chị Thỏ Bông” với bút danh Thảo Hảo. Bàn về những bất ổn của thư viện, Phan Thị Vàng Anh lại ước: “Tôi chỉ muốn thành kẻ cắp”. Một khát vọng rất “sốc”. Mà thôi, ta hãy nghe chính chị giãi bày: “Ở thư viện tôi đến đọc, nội quy ghi rõ: Sáng: từ 7h30 đến 11h30. Chiều: từ 13h30 đến 16h30. Và chỉ cấp thẻ cho những người có công ăn việc làm đàng hoàng, có cơ quan chứng nhận, hoặc không thì cũng phải là sinh viên, học sinh; tức toàn là bọn không thể đến thư viện vào cái giờ thư viện mở cửa được. Nội quy ngặt nghèo trái khoáy khiến thư viện trở thành một chốn riêng của bọn mọt sách (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, cả về phương diện con người lẫn côn trùng). Vắng vẻ tới mức các chị thủ thư coi đây như một chốn không người, bàn với nhau chuyện con tao tuần sau thi rồi, con mày thi chưa; chuyện mẹ chồng tao hôm qua đi ăn giỗ bị ngã sái cả chân. Cho nên, cách đây hai tháng, đọc cái tin có một anh nhân viên thư viện ăn cắp sách tuồn ra ngoài, không phải để bán theo kiểu giấy vụn, mà để bán theo diện sách quý, cho các nhà sách cũ, thì tôi thấy thế... cũng được. Ăn cắp đành rằng là xấu, tôi biết chứ. Nhưng dẹp cái chuyện anh nhân viên kia bỏ tiền bán sách vào túi riêng kia qua một bên, thì cái hành động của anh này tôi lại nghĩ có thể là... đáng khích lệ, nếu chỉ xét trên phương diện chuyển một vật từ-vô-dụng-sang-hữu-dụng. Ít ra, nhờ có anh, mấy bộ tạp chí cổ mới có cơ hội được người yêu sách sờ tới một cách tự do. ( Bạn sẽ chặn lại, bảo tôi "phản động" rồi, sách đang nằm trong thư viện công, chui vào tủ sách riêng, người dân không được đọc một cách bình đẳng nữa, mà là việc đáng khích lệ sao?) Thật ra, cái lý của tôi dựa trên một bài báo cách đây 5 năm của ai đó mà tôi được đọc: cảnh người người sánh vai trong nhà sách, trước những đầu sách mới, và phải móc tiền ra mua, hoàn toàn không phản ánh được tình trạng "bình đẳng trước sách". Chỉ khi nào, sau giờ hành chính, anh thợ máy ham đọc đã tắm rửa thơm tho được ngồi đàng hoàng trong thư viện; chị kế toán trốn người yêu có thể lẩn quẩn giữa các kệ sách đến tận 10h tối, hoặc anh kỹ sư thất nghiệp không có nhiệm sở nào (nhận đóng dấu làm thẻ) vẫn giết thời gian được cả ngày dài trong thư viện..., thì khi đó chúng ta hẵng nói là có sự bình đẳng trước sách. Ðằng này, hệt như những truyện thần thoại luôn luôn có ba cửa ải ngăn hiệp sĩ đi tìm công chúa, gần như thư viện nào cũng có sự bất hợp lý của nội quy là con rồng phun lửa thứ nhất, thủ thư khó tính là bầy rồng khạc lửa thứ hai, sự lề mề của thủ thư khi đi tìm sách là cú quật đuôi của con rồng thứ ba. Sách như gái già trong nhà đá, thà được một chú bất lương rình lúc rồng ngủ thì kéo ra ngoài, còn hơn cao sang bất đắc dĩ không hít được khí trời.

Thế cho nên, thưa anh ăn trộm sách,

Giờ thì anh hẳn đã y án, nhưng tôi chắc anh đang ngậm ngùi. Anh ngậm ngùi cho cái thân anh. Ai bảo anh ăn cắp. Lại là ăn cắp cái thứ cồng kềnh, ai (ngoại trừ thư viện) có được cũng khoe ra, tự hào, nên dễ lộ. Tôi thì tôi ngậm ngùi cho cả anh và đám sách kia. Phải như anh chỉ ăn cắp và đem đến phát không cho các nhà sách cũ, thì anh đã là hiệp sĩ.

Và đám sách kia, nếu nhanh chân một tẹo, thì đã thoát khỏi thư viện, giang hồ tơi tả ngoài chợ đời một tí, mà được tiếp xúc với nhiều người, nhiều giới, cũng còn hơn”.

Tôi phải dẫn ra cả một đoạn khá dài để “nói có sách, mách có chứng”. Cám ơn Phan Thị Vàng Anh đã nói “trắng phớ” ra một sự thật đắng chát. Không phải ngẫu nhiên mà tôi quấy bạn đọc trong suốt hai số báo liền, bàn về Sách và Văn hóa đọc, và khép lại câu chuyện bằng chính câu chuyện chẳng lấy gì làm vui vẻ này. Ở các nước, thư viện luôn rộng mở, đặc biệt mở cả ngoài giờ hành chính để ai cũng đọc sách được. Trong thư viện Lê nin ở Matxcova, không thiếu bất kỳ mọi loại sách gì, kể cả sách tiếng Việt và tiếng các nước.

Ở ta, sách hay lại khó tìm trong thư viện. Bây giờ người tự in sách rất nhiều. Có tác giả nghiệp dư, viết còn chưa sạch chữ, nhưng mỗi năm có thể ra hàng chục đầu sách. Sách không bán được thì đưa vào thư viện, với ‘chiết xuất” rất cao, nhân viên thư viện sẵn sàng nhập sách với giá trên trời ghi ở ngoài bìa để hưởng phần trăm “chiết xuất”. Đấy cũng là lý do khiến bạn đọc muốn tìm giá trị đích thực của sách không muốn vào thư viện nữa. Đó là chưa kể còn có cả một loạt hệ thống thư viện nhà trường, giờ cũng đã thành kho chứa đồ phế thải. Có thư viện còn không có cuốn sách nào. Những thày cô không đủ khả năng đứng trên bục giảng hoặc bị kỳ luật, thì đưa xuống giữ thư viện. Trong khi đó sách giáo khoa, sách đọc thêm năm nào cũng in lại và in thêm đủ các chủng loại, chủ yếu bổ xuống đầu học sinh, biến giáo dục thành thị trường kinh doanh đắc địa, không phải cạnh tranh mà vẫn “thắng đậm”.

Ở nước Nga, nơi tôi theo học suốt sáu năm trời, thư viện của trường M. Gorki là một biển sách khổng lồ. Ngoài sách văn chương là sách công cụ, bên cạnh sách giáo khoa là sách đọc thêm. Sinh viên học sinh không phải mua sách giáo khoa hay sách đọc thêm mà xuống thư viện mượn. Đọc xong, thi xong thì trả thư viện để có sách phục vụ các thế hệ sau. Ai để mất sách hoặc làm hỏng sách thì phải mua trả hoặc đền tiền. Nhân viên thư viện được chọn lựa cẩn trọng. Chỉ những người thật giỏi, vững chuyên môn, nghiệp vụ mới được chọn làm công tác thư viện. Họ thật sự là những chuyên gia có sự hiểu biết rất sâu rộng chứ không phải là mấy anh mấy chị thủ kho chỉ bí bơ mỗi việc giữ sách. Tôi nhớ có lần, để viết một bài luận về Triết, tôi cần trích một câu nói của V. I. Lê nin. Nhưng sách của V. I. Lê nin mênh mông bể sở những 55 tập, mà tập nào cũng dày và nặng. Không biết câu nói ấy nằm trong cuốn sách nào. Tôi ú ớ nói đại khái ý của V.I Lê nin bằng mấy câu tiếng Nga giả cầy, nào ngờ cô thủ thư nhoẻn cười rất duyên dáng. Rồi ngay lập tức, cô đưa cho tôi cuốn sách dày bịch mà tôi cần tìm, và lạ hơn nữa, cô lật qua lật lại mấy trang đã ra ngay đọan tôi cần trích. Tài tình như một nhà ảo thuật.

Ôi! Nước Nga “của tôi”! Tôi chợt hiểu vì sao, trong giới học đường người Việt xa xứ vẫn lưu truyền một câu cửa miệng: “Muốn giàu đi Đức - Muốn kiến thức đi Nga!”. Không biết đến bao giờ chúng ta mới có được một hệ thống thư viện nhà trường và những cô thủ thư như thế? Và rồi, tôi lại chợt giật mình, nhớ đến bài thơ “Lão đày tớ” của Tố Hữu. Bài thơ rất chân thành, kể chuyện một lão già khốn khổ nghe chuyện nước Nga, muốn ước tới cõi thần tiên, mà cứ như một kẻ viển vông, toàn mơ ước hão huyền:

Cậu bảo: Cũng không xa
- Nước Nga!
- Ờ nước ấy!
Và há mồm khoan khái
Lão ngồi mơ nước Nga!


Nguồn: Blog LÃO KHOA

http://laokhoa.blogtiengviet.net/2012/10/29/p5383974#more5383974
http://laokhoa.blogtiengviet.net/2012/11/05/chuyar_n_sa_ch_va_a_ar_c_sa_ch
http://laokhoa.blogtiengviet.net/?blog=251437&title=ga_a_n_trar_m_sua_t_trar_tha_nh_hiar_p_s&cat=552732%2C552363%2C552395%2C552392%2C552393%2C552720%2C552394&posts=10&page=1&more=1&c=1&tb=1&pb=1&disp=single#c2005625

 


NGƯỜI VIỆT NAM CHƯA CÓ VĂN HÓA ĐỌC !

Vấn nạn lớn nhất của nước ta hiện nay không phải là kinh tế; vấn đề mang tính lâu bền và gốc rễ hơn nhiều là văn hóa. Văn hóa mới là cốt lõi của mọi vấn đề.

 

Xin ông cho biết quan điểm về văn hóa đọc và sự cần thiết của nó trong qúa trình phát triển đất nước?  
 
GS Chu Hảo:
 - Trước hết ta phải thống nhất với nhau về việc thế nào là văn hóa đọc, và văn hóa đọc có vai trò như thề nào đối với xã hội. Trả lời thấu đáo vấn đề này là một công việc rất nặng nề, không thể nói hết trong khuôn khổ một bài phỏng vấn.

 


Cần phải nói ngay rằng vấn nạn chủ yếu của chúng ta hiện nay không chỉ là sự thiên lệch quá đáng về phía vật chất mà coi nhẹ tinh thần. Dĩ nhiên, sau một thời kỳ khó khăn kéo dài, thì tâm lý chuộng vật chất là điều bình thường. Tuy nhiên, có một vấn đề mà không phải ai trong chúng ta - kể cả các nhà quản lý - cũng nhận thức được, đó là: vấn nạn lớn nhất của nước ta hiện nay không phải là kinh tế; vấn đề mang tính lâu bền và gốc rễ hơn nhiều là văn hóa. Văn hóa mới là cốt lõi của mọi vấn đề.  


Vấn đề kinh tế dễ giải quyết hơn. Một khi nước ta đã hội nhập vào quốc tế thì dù sớm dù muộn chúng ta cũng phải chấp nhận các luật chơi chung, phải thay đổi để thích ứng với các điều kiện của sân chơi quốc tế. Tôi xin nhắc lại, phát triển kinh tế là khó, nhưng không phải không thể làm được. Cái khó hơn nhiều là xây dựng một nền văn hóa dân tộc có căn cơ, có chiều sâu. 

 

 

 

Nền văn hóa của một đất nước chắc chắn phải dựa trên nền tảng giáo dục. Nền giáo dục của chúng ta hiện nay, như tất cả chúng ta đều thấy, đang gây bức xúc lớn trong xã hội. Chính nền giáo dục đó đã không xây dựng được một nền văn hóa đọc.

Suốt mấy chục năm nay, trong tất cả các cấp học, từ phổ thông cho đến đại học, người ta chưa bao giờ nghĩ đến việc tập cho học sinh có được một thói quen đọc sách, hướng dẫn cho các em lựa chọn sách, cách đọc sách. Ba yếu tố đó - thói quen đọc, khả năng lựa chọn, và cách đọc - hợp thành cốt lõi của cái mà chúng ta gọi là văn hóa đọc. Trong khi đó, ở các nước tiên tiến, người ta dạy trẻ em các điều này ngay từ khi các em còn nhỏ, cứ thế liên tục cho đến khi vào đại học.  


Bên cạnh đó, thế hệ trẻ hiện nay bị văn hóa nghe nhìn lôi cuốn mạnh hơn là văn hóa đọc. Ai cũng biết văn hóa nghe nhìn nặng về tính thông tin và giải trí nhưng nhẹ về tính giáo dục và tri thức. Văn hóa đọc thì ngược lại. Văn hóa nghe nhìn và văn hóa đọc bổ sung cho nhau, không loại trừ nhau. Ở các nước có một nền giáo dục lành mạnh, văn hóa đọc sẽ giành lại được vị trí của mình.  
 
 
Đối với một con người, sự học không chỉ dừng lại ở trường phổ thông, mà phần rất quan trọng là tự học, mà trong việc tự học thì đọc sách là quan trọng nhất. Thế nhưng ở nước ta, như tôi đã nói, từ hàng mấy chục năm qua, người ta không có thói quen đọc sách. Nhà trường đã không dạy cho trẻ em thói quen đọc sách, mà ở gia đình, ông bà, bố mẹ các em cũng không có thói quen đọc sách để truyền lại cho các em.  
 
Đối tượng chính của Tủ sách Tinh hoa có lẽ trước hết là giới sinh viên, trí thức, viên chức trẻ, xin được hỏi: Sự hợp tác của các trường Đại học và Viện chuyên ngành với NXB Tri thức có gặp khó khăn gì không ?
 
 
- Chúng tôi rất hoan nghênh sự hợp tác với các cơ quan và tổ chức khác trong việc tuyên truyền sâu rộng trong xã hội, tạo nên một thói quen đọc, nền văn hóa đọc cho cộng đồng. Không chỉ thói quen đọc, mà cả khả năng lựa chọn sách để đọc. Người ta không nên chỉ biết đọc những sách chuyên ngành mà nên đọc cả những cuốn sách có khả năng giúp họ trang bị một phông văn hóa sâu rộng, ngõ hầu hiểu biết sâu sắc hơn về chính mình và thế giới. 

Chúng tôi tin rằng công việc chúng tôi làm đang có hiệu quả thực sự đối với xã hội. Một mặt, NXB Tri thức không chỉ cho ra những cuốn sách tinh hoa, mà cả những cuốn sách phổ thông dành cho đối tượng rộng rãi hơn. Mặt khác, những cuốn sách trong Tủ sách Tinh hoa không hẳn là quá “cao siêu” so với bạn đọc như nhiểu người vẫn nghĩ. Tôi đã gặp một học sinh mới tốt nghiệp phổ thông đọc cuốn Tâm lý đám đông của Gustave Le Bon và em đã đặt ra những câu hỏi cho thấy hiểu khá sâu những gì đã đọc.    
 
Vừa qua, chúng tôi đã phối hợp với Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn và Đại học Sư phạm trong việc quảng bá sách của NXB Tri thức đến sinh viên. Đây là những thử nghiệm bước đầu để tìm một hướng phù hợp trong việc đưa sách đến người đọc. Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức tiếp một buổi giới thiệu bộ sách của nhà giáo dục người Pháp Edgar Morin, có mời Hiệu trưởng các trường phổ thông tham dự, ngõ hầu giúp cho các anh/ chị hiểu thêm về việc trên thế giới hiện nay người ta đang quan tâm đến những vấn đề gì và có những quan niệm như thế nào về giáo dục.  
 
Chúng tôi cũng mong sách tinh hoa được các giảng viên đại học quan tâm nhiều hơn nữa trong việc dùng làm tài liệu tham khảo. Chúng tôi luôn trông chờ phản hồi của họ về chương trình Tủ sách Tinh hoa, bởi trên hết họ là những người có thể đưa ra những đánh giá về chất lượng của các bản dịch và đưa ra những đề xuất về việc nên dịch những cuốn sách nào.  

Theo tôi biết, đến nay NXB Tri thức nói chung, Tủ sách Tinh hoa nói riêng vẫn chưa nhận được bất cứ sự tài trợ nào từ phía Nhà nước. Đến bao giờ sẽ có sự tài trợ đó? 
 
 
- Nếu ngay từ năm 2004-2005 chúng tôi đã làm thủ tục xin tài trợ của Nhà nước và chỉ ngồi chờ thì sẽ phải mất vài năm may ra dự án mới được duyệt. Cho nên, chúng tôi đã quyết định tự xin nguồn tài trợ và triển khai ngay dự án, làm trước một số sách, để minh chứng cho giá trị thiết thực của dự án này và khả năng thực hiện nó. Chúng tôi tin rằng khi đó, việc xin tài trợ của Nhà nước sẽ dễ dàng hơn. 

Xin tài trợ của Nhà nước khó khăn như vậy chủ yếu là do nhận thức của một số nhà quản lý hay là do sức ì của hệ thống?
 
 

 

 
- Do cả hai. Một số nhà quản lý của chúng ta có nhận thức tốt và nhiệt tình hợp tác, một số khác thì không được như vậy. Mặt khác, cơ chế của chúng ta còn cứng nhắc, chẳng hạn như thang nhuận bút theo quy định của nhà nước dành cho dịch giả trên thực tế là quá thấp, khiến cho nếu dựa vào đó thì dịch giả của chúng tôi sẽ không thể yên tâm dành trọn tâm trí và thời gian (có khi hàng năm trời) cho những cuốn sách hầu hết là rất khó này. Với cơ chế như hiện nay, chúng tôi có thể chủ động hơn trong việc quyết định mức thù lao hợp lý và xứng đáng cho các cộng tác viên. 

 

Tác giả: Thụ Nhân

 

Nguồn:

 
URL: http://vietnamnet.vn/vanhoa/2008/04/777561/

Trở về trang chính:

FOODCROPS.VN

 

Số lần xem trang : 15420
Nhập ngày : 05-11-2012
Điều chỉnh lần cuối : 12-11-2012

Ý kiến của bạn về bài viết này


In trang này

Lên đầu trang

Gởi ý kiến

  CNM365 Tình yêu cuộc sống

  CNM365 Chào ngày mới 5 tháng 9(05-09-2019)

  CNM365 Chào ngày mới 4 tháng 9(04-09-2019)

  CNM365 Chào ngày mới 3 tháng 9(03-09-2019)

  CNM365 Chào ngày mới 2 tháng 9(02-09-2019)

  CNM365 Chào ngày mới 1 tháng 9(01-09-2019)

  CNM365 Chào ngày mới 31 tháng 8(31-08-2019)

  CNM365 Chào ngày mới 30 tháng 8(30-08-2019)

  CNM365 Chào ngày mới 29 tháng 8(29-08-2019)

  CNM365 Chào ngày mới 28 tháng 8(29-08-2019)

  CNM365 Chào ngày mới 27 tháng 8(29-08-2019)

Trang kế tiếp ... 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86

Hoàng Kim, Khoa Nông Học, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, ĐTDĐ:0903 613024,Email:hoangkimvietnam1953@gmail.com, hoangkim@hcmuaf.edu.vn

Thiết kế: Quản trị mạng- ĐHNL 2007