TS. Trần Đình Lý
Thời điểm này, các trường Đại học, Cao đẳng (ĐH, CĐ) đang toàn tâm toàn lực cho kỳ thi tuyển sinh năm 2008 - một kỳ thi có nhiều ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh quyết tâm đổi mới của ngành Giáo dục và Đào tạo. Cũng thời gian này, liên tiếp nhiều “ngày hội việc làm”, “ngày hội nghề nghiệp” diễn ra và những con số đúc kết cứ y như những bài toán so sánh, có một chút hóc búa, đánh đố, thách thức... giữa cung và cầu lao động, theo thuật ngữ chúng ta thường quen nói là “đầu vào, đầu ra”.
Chuyện “đầu ra và đầu vào”!
Bộ phận tuyển sinh ở các trường đang thống kê số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào các ngành, xem chỉ tiêu để rồi đưa ra “hệ số chọi”. Có nhiều người ngán ngẩm, lo lắng về hệ số chọi. Cao cũng ngán, thấp lại càng ngán ngẩm hơn. Cao thì thí sinh sợ rớt. Thấp thì nhà trường sợ... không đủ chỉ tiêu.
Bên cạnh đó, bộ phận lo về “đầu ra” (thường là các Phòng Công tác Sinh viên, các Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên và Quan hệ Doanh nghiệp, trung tâm giới thiệu Việc làm…) liên tục thu thập thống kê những ngành nghề được các doanh nghiệp rao tuyển, tìm kiếm. Có ngành nhu cầu tuyển dụng nhiều, có ngành rất nhiều. Chẳng hạn như chỉ trong một thời gian ngắn, trường Đại học Nông Lâm TP.HCM nhận được đơn thư “đặt hàng” của rất nhiều doanh nghiệp. Nghịch lý thay, có những ngành chưa được thí sinh quan tâm nhiều lại được rao tuyển với số lượng rất lớn.
Doanh nghiệp nỗ lực tìm kiếm, cầu lớn nhưng cung lại gặp một số khó khăn. Nhiều ngành liên tục thiếu lao động trong khi… hệ số chọi của những ngành này liên tục thấp, thường xuyên phải xét tuyển nguyện vọng 2,3. Chẳng hạn mức “cầu” lao động ngành chế biến lâm sản, thủy sản, phát triển nông thôn và khuyến nông, kinh doanh nông nghiệp, cơ khí nông lâm… rất lớn nhưng các em thí sinh thì cứ suy nghĩ rằng học 2 ngành này là phải... lên rừng, xuống biển(!), và thế là… ngán ngẩm. Nhiều công ty chế biến gỗ xuất khẩu, thủy sản xuất khẩu ở ngay tại TP.HCM cũng đã rao tuyển nhiều lần với số lượng lớn, nhưng vẫn không đủ, đến nỗi họ phải “đặt hàng” nhà trường đào tạo cho họ, họ sẵn sàng trả chi phí cao… nhưng thiếu vẫn hoàn thiếu! Thành phố mà vẫn thiếu kỹ sư chế biến lâm sản, thủy sản, huống chi các tỉnh?
Vài ý kiến về nhu cầu lao động cho ét-vê …
Năm 2008 này, Liên Bộ GD&ĐT – Kế hoạch & Đầu tư đã thực hiện giao chỉ tiêu, ngân sách để đảm bảo điều kiện như số m2 diện tích sàn học tập/SV hệ chính quy, số giáo viên/sinh viên, điều kiện cơ sở vật chất…. Ngoài ra, các tiêu chí về vùng miền, uy tín của trường cũng được xem xét trong quá trình phân bổ chỉ tiêu. Bộ cũng ưu tiên cho các trường trọng điểm, đầu ngành và các viện trong việc phân bổ chỉ tiêu sau ĐH. Về vấn đề này, chúng tôi tham gia một số ý kiến với hy vọng sẽ góp phần cân đối chuyện cung - cầu.
1. Tăng cường tư vấn hướng nghiệp ngay từ lúc học sinh còn học ở bậc học phổ thông. Điều này hết sức quan trọng và là sự khởi đầu hết sức có ý nghĩa.
2. Thống kê và phổ biến rộng rãi cung cầu lao động. Cơ quan chức năng thống kê cũng đã có làm việc này, tuy nhiên, chưa đủ. Cần phải tiến hành với quy mô đầy đủ hơn. Thực trạng cho thấy điệp khúc “thừa - thiếu, thiếu - thừa” giữa các ngành, nghề vẫn luôn hiện diện rất rõ trên thị trường lao động. Phải thống kê khả năng đáp ứng của các lĩnh vực, cân đối thừa, thiếu ra sao. Đây chính là thông tin quan trọng giúp các cơ sở GD&ĐT rà soát lại quá trình cung ứng lao động ra sao. Và hơn ai hết, chính các em học sinh, sinh viên và người sử dụng lao động phải biết thông tin rất quan trọng này.
3. Tăng cường công tác dự báo nhu cầu lao động cho học sinh, sinh viên. Theo nhiều trường Đại học và nhiều chuyên gia quản lý giáo dục, việc giao chỉ tiêu nên dựa vào nhiều hơn yếu tố nhu cầu lao động. Cơ quan quản lý vĩ mô liên Bộ, liên ngành tăng cường những cuộc khảo sát điều tra, dự báo xu hướng về nhu cầu của từng lĩnh vực ngành nghề và công bố rộng rãi. Những thông tin rất quan trọng này sẽ được nhà trường biết, thí sinh biết, cả xã hội đều biết như thế sẽ góp phần điều chỉnh sự mất cân đối nhu cầu lao động. Sẽ không còn nghịch lý thừa thiếu, thiếu thừa ở một số ngành nghề.
4. Về chỉ tiêu tuyển sinh: Nên tăng thêm cho các trường có nhu cầu và có đủ khả năng. Bởi nhiều trường còn muốn tăng thêm, đặc biệt các trường có nhu cầu xã hội đang rất lớn, cơ sở vật chất bảo đảm, đội ngũ dồi dào.
5. Nhà trường và doanh nghiệp cần gắn kết hơn nữa. Thực ra, không phải là “nên gắn kết” mà là “phải gắn kết”. Nhiều công ty trong và ngoài nước đã đầu tư, tài trợ cho nhiều lĩnh vực của các trường Đại học để cùng nhau phát triển, đó là hoạt động hết sức ý nghĩa. Việc các trường hình thành trung tâm, cơ sở tư vấn hỗ trợ sinh viên, hỗ trợ doanh nghiệp, giới thiệu việc làm… đã phản ánh nhiều động thái tích cực. Cái “bắt tay” giữa nhà trường và doanh nghiệp đã ngày càng chặt hơn và có ý nghĩa hơn. Muốn vậy, cần tăng cường các chương trình giao lưu giữa sinh viên - nhà trường - doanh nghiệp; hướng nghiệp và tập huấn kỹ năng tìm việc phù hợp; nhà trường mời doanh nghiệp tham gia các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy; doanh nghiệp tạo điều kiện cho sinh viên thực tập, nghiên cứu… Được như thế, sẽ không còn nỗi lo của học sinh canh cánh mỗi mùa tuyển sinh: Học ngành nào, thi ngành nào, học xong rồi ra trường có thể kiếm việc làm không…
Th.S Trần Đình Lý - Trưởng Phòng CTSV,
Giám đốc Trung tâm Hỗ Trợ SV & Quan hệ Doanh nghiệp
Đại học Nông Lâm TP.HCM Số lần xem trang : 15780 Nhập ngày : 11-01-2009 Điều chỉnh lần cuối : 12-01-2009 Ý kiến của bạn về bài viết này
Kinh Mung Ngay Nha Giao Viet Nam(21-11-2011) 5 xu hướng marketing online(14-11-2011) Tin môi trường ra mắt phiên bản mới (11-11-2011) Đào tạo nghiệp vụ "Quản lý Giao nhận Vận tải quốc tế" cấp chứng chỉ FIATA(08-11-2011) "Thư gửi mẹ" gây xúc động cộng đồng mạng(07-11-2011) 12 triệu người Việt có dấu hiệu tâm thần(03-11-2011) Rủ nhau học tiến sĩ Mỹ “ngoài luồng” (26-10-2011) Bài hát khiến hàng triệu người rớt nước mắt của cậu bé 12 tuổi:(24-10-2011) Hội thảo về vấn đề thương hiệu nông sản Đắk Nông (22-10-2011) Đầu tư nhiều hơn cho thương hiệu nông sản Việt(18-10-2011) Trang kế tiếp ... 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18
|