TS. Trần Đình Lý 16 /12/2007
Chỉ còn vài ngày nữa là các trường ĐH sẽ đồng loạt khai giảng. Trong số trăm ngàn lo toan trước khi bước vào cửa giảng đường, học phí thực sự là một mối lo lớn, đặc biệt đối với những tân sinh viên xuất thân từ các gia đình nghèo, ở các tỉnh vùng sâu...
Suốt từ đầu tháng 9, khu vực Linh Trung - Thủ Đức, nơi tập trung nhiều trường đại học và là nơi đóng đô của cụm trường trực thuộc ĐH Quốc gia TPHCM, tấp nập các tân SV kéo về nhập học.
Đóng học phí mới là sinh viên
M. Hải, T. Đông - hai tân SV khoa Kinh tế vừa đẩy xe đạp vừa kéo chiếc rương đựng hành lý với vẻ thấm mệt, khi được hỏi khoa Kinh tế - ĐH Quốc gia đã nhập học từ 6/9 và hiện đang có tiết học chính trị trên hội trường, sao còn lỉnh kỉnh hành trang ngoài đường, hai bạn cho biết: “Cha mẹ ở Ninh Bình chạy lo được tiền học phí mới vào thành phố và mỗi đứa vừa đóng hết 1,8 triệu đồng để được nhận biên lai và nộp hồ sơ đăng ký nhập học”.
Đối với ĐH Quốc gia TPHCM, để được vào nhập học, mỗi thí sinh trúng tuyển phải có giấy báo nhập học và đóng đầy đủ lệ phí, học phí cho một học kỳ đầu tiên, từ 900.000đ đến 1.200.000đ (tuỳ theo mỗi trường thành viên, hoặc tuỳ vào số lượng tín chỉ nhiều hay ít trong học kỳ 1).
Bà Nguyễn Thị Liên, từ Quảng Ngãi vào TPHCM hơn 10 ngày nay để lo chỗ ăn ở và đóng tiền học phí cho con là tân SV khoa Đông phương – ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, cho biết: “Tôi mới đóng 1.100.000đ để làm thủ tục nhập học cho con. Dù có khó khăn mấy cũng cố chạy đủ tiền học phí, nhưng tôi thật sự lo là còn bao nhiêu thứ khác, như tiền nhà trọ, tiền ăn, tiền xe buýt, tiền sách vở… ”.
Chị Nguyễn Thị Thu Hà - phụ huynh của một tân SV khoa Quan hệ quốc tế, kể: “Hôm 7.9, có hai cha con ở dưới Cà Mau đứng năn nỉ xin cô nhân viên nhà trường nhận hồ sơ nhưng chưa có biên lai học phí. Cô nhân viên chỉ là nhân viên, đâu thể giải quyết được, hai cha con đứng trước quầy thu tiền rớt nước mắt… Mà không chỉ có trường hợp hai cha con đó, còn nhiều SV mới cùng phụ huynh đã đến trường nhưng không đăng ký nhập học mà chỉ xin bảo lưu kết quả vì chưa có tiền lo cho con học ngay năm học này”.
Các trường công lập có mức học phí vừa phải, thấp hơn nhiều so với các trường dân lập cũng đã là mối lo lớn với những tân SV. Với SV trường dân lập, số phận còn hẩm hiu hơn khi phải chịu mức học phí tính bình quân của ngành học thấp nhất cũng trên 3 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Mạnh Cường – hiệu phó trường ĐH Tin học ngoại ngữ TPHCM giải thích: “Khi SV đóng học phí, trường mới cấp mã số SV, làm các thủ tục xác nhận là SV của trường để bổ túc hồ sơ nghĩa vụ quân sự. Nếu chưa đóng học phí chưa phải là SV của trường. Riêng với những trường hợp hoàn cảnh khó khăn, sau khi nhập học rồi, trường mới xét diện gia đình khó khăn, đối tượng chính sách để có chế độ đãi ngộ thích hợp, hoặc giới thiệu tới các ngân hàng, giúp cho SV vay vốn hỗ trợ học tập. Nhà trường bắt buộc phải theo quy trình như thế vì nếu không sẽ xảy ra hiện tượng số lượng SV đăng ký nhập học đông, nhưng con số thực tế đi học lại thấp nhiều so với dự kiến vì các SV chọn học ở các trường khác…”.
Một số trường đã áp dụng chế độ miễn giảm từ đầu với một số thí sinh có giấy chứng nhận hoàn cảnh gia đình khó khăn, diện chính sách... và có chế độ học bổng cho thí sinh có điểm trúng tuyển cao, nhưng con số này chỉ như muối bỏ bể.
Gia hạn, vẫn xin bảo lưu
Tại trường ĐH Nông lâm TPHCM sáng ngày 13.9, ông Trần Đình Lý – trưởng phòng công tác chính trị SV cho biết, tuy mới bắt đầu thu hồ sơ nhập học từ ngày 10.9, trường đã tiếp nhận 30 trường hợp làm đơn xin gia hạn thời gian đóng học phí. Để việc học của các em không bị chậm trễ, nhà trường đã gia hạn thời gian đóng học phí tối đa là hai tháng với điều kiện chỉ cần có xác nhận của địa phương về tình trạng khó khăn của gia đình.
Theo ông Lý, thời hạn nhập học đã rất gần, nhưng nhiều SV trong nhóm này lại chưa có xác nhận của địa phương. “Những em đó có thể đã không biết đến chỉ thị về việc cho vay ưu đãi để học đại học, cao đẳng và dạy nghề được Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành ngày 4.9 vừa qua”, ông nói.
Trong số 30 SV xin gia hạn thời gian đóng học phí ở ĐH Nông lâm có em Đỗ Minh Trường, là thủ khoa ngành quản trị kinh doanh thương mại. Cha làm phụ hồ, mẹ bán vé số dạo, hai em đang học THCS và gia đình đang nợ ngân hàng 20 triệu, khiến trường phải làm đơn xin gia hạn thời gian đóng học phí. Nhưng số nợ ngân hàng hiện nay của gia đình đang là rào cản khiến trường khó có thể tìm đến một ngân hàng để vay tiền đóng học phí khi thời gian gia hạn kết thúc vào tháng 11 tới.
Học phí không phải là khó khăn duy nhất của SV. Mặc dù đã được thông báo về các chế độ hỗ trợ của trường, tân SV Trần Thị Kim Ngọc vẫn xin trường cho bảo lưu vì lý do ngay cả khi trường hỗ trợ học phí, em vẫn không thể có tiền để trang trải những chi phí khác như tiền ăn, ở, mua sách vở. Ngọc quê ở Tiền Giang, gia đình hiện đang khó khăn vì mẹ em vừa trải qua ca phẫu thuật điều trị u xơ tử cung hồi tháng 5.2007. Từ khi tốt nghiệp tú tài, Ngọc làm việc cho một công ty lắp ráp linh kiện điện tử ở khu chế xuất Tân Thuận. Sáng 13.9 Ngọc đến trường sau một đêm không ngủ vì phải làm ca đêm ở nhà máy.
Theo Cao Tùng, Thiên Ý, Mai Hương
Sài Gòn Tiếp Thị Số lần xem trang : 15311 Nhập ngày : 13-01-2009 Điều chỉnh lần cuối : 14-02-2009 Ý kiến của bạn về bài viết này
Tu van NV2 do bao SGGP to chuc - Thu khoa Nong Lam(15-08-2011) Xem kết quả Tuyển sinh 2011(28-07-2011) Hơn 2500 học sinh được tư vấn hướng nghiệp(29-03-2011) Công bố 6 môn thi tốt nghiệp(24-03-2011) Tuyển sinh 2011: những ngành thiếu người dư việc(11-03-2011) Dành cho thí sinh (TS) kỳ thi ĐH, CĐ: 3 lời khuyên nhỏ để giảm rắc rối lớn!(11-03-2011) CHỈ TIÊU TUYỂN SINH CÁC NGÀNH NĂM 2011 -ĐH Nông Lâm TPHCM(11-03-2011) Thong tin Giai thuong Tai nang Luong van Can (CLB Doanh Nhan Sai Gon, 3-3-2011)(24-02-2011) Chương trình tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh 2011 “Tiên hướng nghiệp - Hậu hướng trường(21-02-2011) Diem chuan NV2 Truong Dai hoc Nong Lam TPHCM(11-09-2010) Trang kế tiếp ... 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
|