Nội dung |
TS. Trần Đình Lý
|
|
(TuanVietNam) - Xem tình trạng thất nghiệp, sự đình trệ kinh doanh của một số ngành, khả năng khắc phục những yếu kém của nền kinh tế là những vấn đề cần quan tâm nhất với Việt Nam hiện nay, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng vạch ra những giải pháp then chốt để xử lý các vấn đề đó.
|
Những vấn đề ưu tiên
Trong năm 2009, những vấn đề cần quan tâm hàng đầu đối với nền kinh tế Việt Nam chính là: (1) tình trạng mất việc làm, thất nghiệp gia tăng, thu nhập của người dân giảm sút; (2) sự suy giảm, thậm chí đình trệ sản xuất kinh doanh của một số ngành, trong đó có các ngành xuất khẩu; (3) khả năng khắc phục những yếu kém của nền kinh tế, thực hiện hiệu quả các giải pháp chống suy thoái và dự báo tình hình kinh tế trong nước, kinh tế thế giới để điều chỉnh, điều hành tốt nền kinh tế nước nhà.
Tình trạng mất việc làm, thất nghiệp gia tăng là mối lo hàng đầu của mọi quốc gia trong bối cảnh suy thoái, khủng hoảng kinh tế. Ở nước ta, nhiều ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phát triển mạnh trong những năm qua trước hết nhờ lợi thế nguồn nhân lực dồi dào, giá nhân công rẻ. Đây cũng là một trong những nhân tố khiến ta thu hút mạnh đầu tư nước ngoài, trở thành một địa chỉ outsourcing của nhiều hãng lớn trên thế giới và xúc tiến xuất khẩu lao động đi nhiều nơi.
Trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu và khó khăn kinh tế trong nước, các ngành dùng nhiều lao động ở nước ta đều bị chấn động, buộc phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh, cắt giảm việc làm. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng không thể thực hiện các cam kết của họ ở Việt Nam, thậm chí có những nhà đầu tư đã lặng lẽ đóng cửa nhà máy ra đi. Các hợp đồng outsourcing giảm mạnh khi các nước đều lo tạo thêm việc làm cho người dân nước mình, và người lao động ở các nước đều sẵn sàng chấp nhận làm mọi việc có thể tạo thu nhập, kể cả thu nhập thấp hơn, chứ không “kén cá chọn canh” như trước.
Rõ ràng giảm việc làm là điều khó tránh khỏi, trong khi nhu cầu tạo việc làm cho hàng triệu người đến tuổi lao động và tạo việc làm mới cho những người cần chuyển đổi việc làm vẫn là nhu cầu thường xuyên ở nước ta, và hoàn toàn không dễ giải quyết trong thời buổi khó khăn này.
Điều này tồn tại song song với nghịch lý đáng buồn là vẫn có nhiều việc làm tốt ở những dự án đầu tư tốt nhưng lại không đủ nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng được yêu cầu công việc, và việc vẫn phải chờ người!
Mất việc làm, thất nghiệp gia tăng tất yếu dẫn đến giảm thu nhập của người dân, trước hết là các gia đình có người trong diện này. Mặt khác, doanh nghiệp và các đơn vị sử dụng lao động nói chung đều gặp khó khăn nên gần như không thể tăng tiền công, tiền lương cho người lao động. Hàng triệu hộ kinh doanh nhỏ, hộ nông dân, làng nghề cũng khó tiêu thụ sản phẩm hơn, nguồn thu của họ teo lại.
Thu nhập của người dân giảm sút khiến cho có thể diện nghèo lại tăng lên, tiến độ xóa đói giảm nghèo của chúng ta chậm lại. Sức mua của thị trường tiêu dùng trong nước sẽ giảm sút khi thu nhập giảm và ai cũng phải “thắt lưng buộc bụng”. Điều đó lại bất lợi cho phát triển kinh tế.
Sự suy giảm sản xuất kinh doanh của một số ngành, trong đó có các ngành xuất khẩu như dệt may, da giày, đồ gỗ trên thực tế đã diễn ra từ cuối năm 2008. Năm 2009 tình trạng này có thể lan rộng hơn ra một số ngành khác và trầm trọng hơn, gây nên đình trệ ở một số doanh nghiệp, một số ngành hẹp, một số địa phương.
|
Lâu nay chúng ta cạnh tranh chủ yếu bằng giá, song bây giờ giá cũng chỉ là cánh cửa hẹp.
|
Điều đáng lo ngại là không chỉ những doanh nghiệp nhỏ, những ngành thường bị đánh giá là kém năng lực cạnh tranh lâm nguy, mà cả một số ngành thường được coi là có năng lực cạnh tranh cũng gặp khó, như 3 ngành kể trên, hoặc một số ngành nông sản, thủy sản, dịch vụ.
Cả 11 nhóm hàng công nghiệp chế tác và nông sản của Việt Nam được coi là có năng lực cạnh tranh theo tiêu chí RCA (Revealed Competitive Advantage) của Trung tâm Thương mại Quốc tế đều đang bị sụt giảm hoặc đứng trước nguy cơ sụt giảm xuất khẩu.
Các ngành xuất khẩu dựa trên khai thác tài nguyên thiên nhiên của chúng ta cũng không hơn gì, khi giá cả giảm mạnh đến mức lợi nhuận không được là bao hoặc thậm chí âm so với chi phí khai thác, khi vị thế của người bán không còn thuận lợi so với người mua như chỉ chưa đầy một năm trước.
Mặt khác, đáng lo ngại không kém là có một số doanh nghiệp, một số ngành đã được dồn nhiều nguồn lực, ưu tiên đầu tư cao trong những năm qua với kỳ vọng tạo nên những doanh nghiệp lớn, những ngành then chốt cho nền kinh tế như điện tử, thép, đóng tàu, dầu khí, dịch vụ vận tải biển… cũng đang liêu xiêu, có cái còn phải xin cứu trợ. Điều này vừa khiến các nguồn lực to lớn đã bỏ vào đó không phát huy được hiệu quả, vừa hạn chế sự đóng góp của các ngành này vào việc chống đỡ khó khăn cho nền kinh tế, vừa nặng thêm gánh lo của đất nước trong lúc này.
Nguyên nhân đầu tiên và trực tiếp nhất của sự suy giảm nói trên là thị trường, yếu tố mà từng doanh nghiệp, từng ngành đơn lẻ có rất ít khả năng xoay chuyển. Thị trường toàn cầu, nhất là những thị trường xuất khẩu chủ yếu của ta đều trong tình trạng suy thoái. Thị trường trong nước vốn đã hạn hẹp về sức mua, lại phải đương đầu với cạnh tranh tăng lên từ hàng nhập khẩu.
Lâu nay chúng ta cạnh tranh chủ yếu bằng giá, song bây giờ giá cũng chỉ là cánh cửa hẹp, trong khi các nhân tố khác như công nghệ, năng suất, sự khác biệt, ai cũng biết là cần nhưng chưa kịp làm, thì không dễ nhanh chóng hình thành. Suy giảm, đình trệ sản xuất kinh doanh vừa làm nặng nề thêm vấn đề việc làm và thu nhập, vừa tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế năm nay và có thể cả năm sau.
Hai vấn đề trên thực ra vừa là biểu hiện, vừa là hệ quả của tình trạng suy thoái kinh tế đang diễn ra ở nước ta. Sâu xa hơn, hai vấn đề trên cũng là hệ quả của những yếu kém tồn tại trong nền kinh tế nước ta từ lâu chưa được khắc phục. Có những chỗ yếu từ lâu được ta nhìn thấy nhưng chưa bục phát do còn được nâng đỡ, được che chắn, nhưng khi bão tố ập đến thì cứu vãn không nổi, và chúng bùng nổ thành những vấn đề nóng bỏng như trên.
Do vậy, vấn đề thứ ba, cốt lõi hơn của nền kinh tế Việt Nam cần được quan tâm trong năm 2009 chính là khả năng khắc phục những yếu kém của nền kinh tế và thực hiện hiệu quả các giải pháp chống suy thoái đã được đề ra.
Các nghị quyết của Trung ương Đảng, của Bộ Chính trị, của Chính phủ đều đã đề cập đến vấn đề này, đã nhìn nhận thẳng thắn những yếu kém, phân tích rõ những nguyên nhân và đề ra các giải pháp đúng đắn để khắc phục. Bài viết đầy tâm huyết của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào ngày đầu năm 2009 đã phân tích thấu đáo và thuyết phục về những chủ trương lớn của Chính phủ và các giải pháp chống suy thoái.
Nhiều viện nghiên cứu và chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước cũng đã trình bầy sâu sắc về các vấn đề từ vĩ mô như chất lượng tăng trưởng, cấu trúc kinh tế và mô hình phát triển của nền kinh tế Việt Nam, đến những câu chuyện của từng ngành, của các doanh nghiệp, các dự án đầu tư. Một số nhóm giải pháp cũng như những giải pháp cụ thể cần thiết trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế được Chính phủ liên tục đưa ra và chỉ đạo thực hiện trong năm 2008 đã mang lại những kết quả tích cực trong việc chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Vấn đề bây giờ là khẩn trương hành động, là tổ chức thực hiện một cách hiệu quả những gì Đảng và Nhà nước đã đề ra, những gì đa số chúng ta đều thấy cần làm, nhằm đưa nền kinh tế ra khỏi khó khăn và đi vào một quỹ đạo phát triển mới hiệu quả và bền vững hơn.
Cũng rất đáng quan tâm trong năm 2009 này là khả năng của chúng ta đánh giá và dự báo đúng tình hình kinh tế trong nước, theo dõi diễn biến kinh tế thế giới để điều chỉnh, điều hành tốt nền kinh tế nước nhà.
|
Sức mua của thị trường tiêu dùng trong nước sẽ giảm sút khi thu nhập giảm và ai cũng phải “thắt lưng buộc bụng”.
|
Trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới biến động nhanh chóng khôn lường, nếu không đánh giá, dự báo tốt, chúng ta khó có thể thấy được thách thức, cơ hội cụ thể trong từng thời gian, ở từng lĩnh vực, địa bàn để có phản ứng thích hợp.
Những giải pháp then chốt
Về giải pháp cho các vấn đề đề cập trong bài này, trong năm 2009 theo tôi then chốt nhất là:
Đối với vấn đề việc làm, có 3 việc. Một là, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực tư nhân và DN nhỏ và vừa - khu vực luôn tạo hơn 90% việc làm phi nông nghiệp ở nước ta trong những năm qua.
Hai là, tập trung hỗ trợ khu vực nông thôn, hỗ trợ phát triển nông nghiệp hiệu quả và bền vững, đồng thời hỗ trợ duy trì và mở mang các ngành nghề khác, các hoạt động kinh tế ở nông thôn nhằm tạo việc làm ổn định, thu nhập cao hơn và điều kiện sống tốt hơn cho nông dân và những người sinh sống ở nông thôn.
Ba là, thực hiện ngay những cải cách mạnh mẽ trong hệ thống giáo dục, đào tạo, xây dựng nền tảng mới cho sự phát triển nguồn nhân lực ở nước ta, nhằm chuyển mạnh từ cạnh tranh bằng giá nhân công rẻ sang cạnh tranh bằng nguồn nhân lực có chất lượng tốt.
Thị trường lao động không có tay nghề đang dư thừa, song thị trường lao động đòi hỏi tay nghề cao ở nước ta lại đang thiếu nguồn cung. Cơ hội cho xuất khẩu lao động cũng vẫn còn, song cũng phải là lao động có chất lượng.
Đối với người lao động, cách tốt nhất giúp họ là tạo cho họ cơ hội học hành, có kỹ năng cần thiết để có việc làm tốt hơn.
Đối với sự suy giảm sản xuất kinh doanh của một số ngành, có 3 việc. Một là, tạo môi trường cạnh tranh cho các doanh nghiệp mọi thành phần kinh tế phát triển, xóa bỏ các rào cản về hành chính, về sự phân biệt đối xử, từ đó thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển bằng con đường nâng cao năng lực cạnh tranh chứ không dựa trên bao cấp, bảo hộ hay ưu đãi.
Hai là, cấu trúc lại các ngành, các lĩnh vực kinh tế của nước ta trên cơ sở lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, có tính toán đầy đủ các nhân tố cạnh tranh và hợp tác trên các thị trường trong nước, khu vực và toàn cầu. Trên cơ sở đó, điều chỉnh sự phân bổ nguồn lực để tập trung phát triển những ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ có năng lực cạnh tranh cao hoặc có tiềm năng phát triển và những lĩnh vực nền tảng như kết cấu hạ tầng, giáo dục và khoa học công nghệ.
Ba là, điều chỉnh mô hình tăng trưởng cả ở tầm vĩ mô và ở từng ngành, từng doanh nghiệp, tập trung đầu tư đổi mới công nghệ, kỹ năng quản lý, nâng cao năng suất lao động.
Những việc nêu trên đều là những việc vừa cấp bách, vừa dài hạn, và chúng ta đang có cơ hội tốt để bắt tay vào làm một cách quyết liệt, triệt để. Làm tốt ngay từ bây giờ, chúng có thể sớm phát huy tác dụng chặn sự suy giảm, đồng thời tạo đà cho những bước cải cách sâu rộng hơn trong những năm sau, xây dựng nền tảng cho sự phát triển bền vững của từng ngành cũng như của cả nền kinh tế trong tương lai.
Khắc phục những yếu kém của nền kinh tế và thực hiện hiệu quả các giải pháp chống suy thoái trước hết đòi hỏi năng lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, của các ngành, các doanh nghiệp, đòi hỏi chúng ta quyết liệt cải cách, khai thác tốt nhất trí tuệ và sức mạnh của cả dân tộc để một lần nữa vượt qua những thử thách lớn lao trong bối cảnh khắc nghiệt này, như chúng ta đã từng làm và đã làm được khi đứng trước hai cuộc khủng hoảng cuối thập kỷ 1980 và 1990.
Số lần xem trang : 15211
Nhập ngày : 14-02-2009
Điều chỉnh lần cuối :
Ý kiến của bạn về bài viết này
Con người và vai trò của giáo dục (Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần 14/03/2009)(16-03-2009)
Tự chủ tài chính: Tự quyết mua sắm và biên chế (VNN 14-03-09)(16-03-2009)
Sinh viên phải biết đóng góp cho xã hội (dddn.com.vn 14-03-09)(16-03-2009)
Học Đại Học không cần đóng học phí (SVVN 14-03-2009) (16-03-2009)
Vụ án Kim Anh từ góc nhìn của GS Nguyễn Lân Dũng(10-03-2009)
Học phí đại học cao nhất 10 triệu đồng một tháng(10-03-2009)
Học cách trở thành nhà quản lý (Phần 2) (10-03-2009)
Học cách trở thành nhà quản lý (Phần 1)(10-03-2009)
THÊM 1 ĐỊA CHỈ PHÂN TÍCH DƯ LƯỢNG KHÁNG SINH CHLORAMPHENICOL TRONG TÔM PHỤC VỤ XUẤT KHẨU(09-03-2009)
Vị trí Thứ trưởng Bộ GD- ĐT vẫn "bỏ trống"(05-03-2009)
Trang kế tiếp ... 1 2 3 4 5 6 7 8