TRẦN ĐÌNH LÝ

Trang chủ NLU | NLS | Trang nhất | Sơ đồ trang | Help | Sơ đồ trường | Email - Wifi | Xem điểm | Học tập |Website Giảng viên|

Trang chủ Thông tin cá nhân Bài viết trên các báo Tư vấn - Hướng nghiệp Gởi thư liên hệ
Thống kê
Số lần xem
Đang xem 45
Toàn hệ thống 2251
Trong vòng 1 giờ qua
Trang liên kết

 

 

 

 

Thành viên

Email:
Password

Nội dung

  TS. Trần Đình Lý

Xuất khẩu của Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn trong GDP - Ảnh: AP.
 
 
Con số ước tính kim ngạch xuất khẩu tháng 1/2009 chỉ đạt 3,8 tỷ USD, khiến bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2009 khởi đầu bằng mảng mầu không mấy sáng sủa.

Nhận định xuất khẩu năm 2009 rất khó để đạt mục tiêu tăng trưởng 13%, TS. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị Thế giới, cho rằng trong tình hình hiện nay, có một rào cản lớn đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam là vấn đề tỷ giá.

Trả lời VnEconomy, ông Lược nói:

- Sự suy giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trong năm nay, theo tôi là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, vấn đề là mức độ đến đâu thì chưa thể có căn cứ để xác định. Lý do là bởi vì bản thân thị trường thế giới hiện nay, với sự biến động của nó không ai có thể dự báo được.

Ngay Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF), tổ chức có rất nhiều chân rết thu thập thông tin từ khắp nơi trên thế giới cũng mới phải điều chỉnh dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2009, từ mức 2,2% trước đó xuống còn 0,5%, một mức chênh lệch rất xa.

Mà khi đã khó dự báo tình hình thế giới thì cũng rất khó dự báo tình hình xuất khẩu của Việt Nam, bởi vì anh xuất khẩu vào thị trường đang biến động như thế.

2009, năm khó khăn của xuất khẩu

Cuối năm 2008, khi đánh giá tác động từ khủng hoảng tài chính thế giới đến xuất khẩu của Việt Nam, nhiều ý kiến đã cho rằng các mặt hàng xuất khẩu của ta đều là hàng tiêu dùng thiết yếu nên chỉ bị ảnh hưởng nhẹ. Tình hình có vẻ không như vậy nếu nhìn vào con số xuất khẩu tháng 1/2009?

Có người nói rằng Việt Nam xuất khẩu gạo, rau quả, cá… những thứ nhu yếu phẩm mà có khủng hoảng thế giới vẫn phải ăn, phải dùng. Cho nên khuyên cáo là không nên lo sợ lắm.

Nhưng họ giảm ăn thịt đi cũng là vấn đề rồi. Quần áo tạm chưa sắm trong một thời gian cũng chẳng ảnh hưởng gì đến họ, nhưng anh sản xuất thì chắc chắn bị ảnh hưởng.

Những thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản chiếm phần lớn kim ngạch xuất khẩu của toàn thế giới, nếu nó giảm thì những nước có quan hệ thương mại với nó đều bị ảnh hưởng cả. Thị trường thu hẹp, các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam lại tranh giành nhau nữa thì rõ ràng là cuộc đua ấy sẽ ngày càng ác liệt.

Cho nên có thể nhận định tình hình xuất khẩu năm 2009 sẽ còn khó khăn hơn năm 2008 rất nhiều.

Xuất khẩu của Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn trong GDP. Trong khi đó, giá trị sản xuất công nghiệp tháng 1/2009 đã sụt giảm nghiêm trọng, với mức giảm 8,6% so với tháng trước đó, còn so với cùng kỳ cũng giảm 4,4%. Mà tháng 1 là tháng có Tết, thường thì các cơ sở sản xuất phải mở hết tốc lực để phục vụ Tết. Ấy thế mà sản xuất công nghiệp lại giảm thì tôi cũng bất ngờ.

Đây có lẽ là một trong những diễn biến lạ, hãn hữu mới có, ít nhất là từ khoảng 20 năm nay, nếu tôi không nhầm.

Kể cả thời kỳ khủng hoảng 1997-1998 thì tăng trưởng sản xuất công nghiệp của tháng 1 so với tháng cùng kỳ năm trước bao giờ cũng có. Mức giảm âm ở đây chắc chắn có phần do xuất khẩu giảm.

Sự sụt giảm này có phải chỉ là khởi đầu cho một xu thế giảm xuất khẩu của năm 2009, thưa ông?

Nếu xét đến các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dầu mỏ, thì giá dầu nếu có tăng lên vài chục USD một thùng so với hiện nay thì cũng vẫn thấp hơn nhiều so với mặt bằng giá của năm 2008.

Hơn nữa, khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động thì lượng dầu mỏ xuất khẩu cũng phải giành một phần cho nó nữa, nên lượng dầu xuất khẩu chắc chắn cũng giảm.

Gạo thì đang có vẻ tăng giá và nhiều dự báo cũng cho rằng sẽ tăng thêm trong nay mai. Nhưng vấn đề còn nằm ở vụ mùa năm 2009 sẽ thế nào. Nếu các nước đều thắng lợi thì giá sẽ khác. Như năm ngoái, khi giá gạo đang tăng rất cao nhưng chỉ một vụ được mùa, giá gạo đã giảm mạnh.

Có thể có nơi được mùa, nơi mất mùa, nhưng theo tôi thì nguồn cung gạo năm nay sẽ tăng. Lý do rất đơn giản là năm ngoái giá lương thực tăng cao, các nước đều tăng diện tích, các chính phủ đều tăng đầu tư cho cây trồng này. Như vậy giá gạo năm nay rất khó có thể tăng cao như năm ngoái.

Hải sản thì cũng khó mà tăng giá thêm được trong tình hình này. Quần áo, giầy dép thì chắc hẳn mức giảm giá dù không ghê gớm nhưng cũng sẽ giảm.

Đồ gỗ cũng chắc chắn giảm vì trong lúc khủng hoảng này chẳng anh nào dại gì đi mua những đồ dùng lâu bền. Như thế thì nhu cầu sẽ giảm mạnh chứ không thể chỉ ảnh hưởng chút ít được.

Đồ điện tử thì giá đã giảm rồi và chắc chắn sẽ giảm tiếp nữa. Nhu cầu đối với mặt hàng này cũng thế, sẽ giảm.

Thế còn cà phê, cao su, hạt điều thì thế nào?

Những mặt hàng này kim ngạch không phải cao lắm, nhưng theo tôi giá cũng sẽ giảm theo xu hướng chung. Và nếu những mặt hàng này có tăng hay giảm chút ít cũng không ảnh hưởng nhiều lắm đến kim ngạch, hay cán cân thương mại.

Nhìn trên tổng thể các mặt hàng xuất khẩu của ta thì thấy đa số sản phẩm đều có chiều hướng giảm, tình hình ít sáng sủa.

Trong tình hình này, phấn đấu duy trì tăng trưởng xuất khẩu thì vẫn phải làm, nhưng cần chủ động ứng phó với tình thế xấu nhất. Không loại trừ khả năng kim ngạch xuất khẩu còn có thể giảm hơn nữa.

“Đẩy mạnh thị trường nội địa cũng chỉ nên xem là giải pháp tình thế”

Giải pháp tăng tiệu thụ tại nội địa theo ông có thể “giải cứu” cho các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu?

Đã có những lời khuyên các doanh nghiệp hãy định hướng vào thị trường nội địa. Điều đó là đúng và nên làm.

Nhưng tiêu dùng nội địa dung lượng hiện chưa hẳn đã lớn. Đấy là chưa nói đến trong tiêu dùng nội địa, lượng hàng nhập khẩu cũng rất lớn.

Tôi cho rằng có khuyến khích lắm thì chỉ tăng thêm được độ 5-7 tỷ USD tiêu dùng hàng nội. Như thế thì khó mà bù đắp được sụt giảm xuất khẩu dự kiến sẽ khá lớn trong năm 2009.

Đẩy mạnh thị trường nội địa cũng chỉ nên xem là giải pháp tình thế. Vì không một nước nào trên thế giới tiến nhanh được bằng thị trường nội địa, nếu nhìn lại những giai đoạn tăng trưởng của Nhật Bản, Hàn Quốc trước đây và Trung Quốc mấy năm qua.

Việc Việt Nam hướng mạnh vào nền kinh tế định hướng xuất khẩu là đúng. Vấn đề là nền kinh tế thế giới hiện nay đang suy thoái.

Vừa rồi, có nhiều ý kiến cho rằng nên mở rộng thị trường ngách như châu Phi, Trung Đông… Ông có cho rằng đây là lối thoát cho xuất khẩu?

Các thị trường này thì cả Trung Quốc, Ấn Độ đều tính đến hết rồi. Năm 2009 có thể là một cuộc tranh chấp của các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới tại chính thị trường châu Phi và Trung Đông này.

Song nên nhớ là, dung lượng của các thị trường này khá nhỏ bé, không thể thay thế được mức sụt giảm kim ngạch xuất khẩu của các nước như Trung Quốc, Ấn Độ… trong đó có cả Việt Nam.

Trên thế giới, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu thì các nước phát triển chiếm gần hết. Nếu tách riêng châu Phi và Trung Đông không lớn. Nếu các nước đều nhằm vào đấy cả thì sẽ là một cuộc đua tranh ghê gớm, mà ta không phải dễ giành phần thắng.

Hơn nữa, trên thế giới này, không có chỗ nào mà không có sự hiện diện của các công ty xuyên quốc gia. Với các thị trường ấy, nói chung các công ty xuyên quốc gia chiếm lĩnh gần hết, và không dễ mà anh nhảy vào đuổi họ ra được.

Chỉ có cách là thông qua họ mà bán hàng vào các thị trường ấy. Cũng như ta bán cá vào Mỹ và phải thông qua các công ty phân phối, thế giới nó là như vậy.

Ta có thể tính đến các thị trường ấy trong chiến lược tăng trưởng xuất khẩu, nhưng phải nói là nó không dễ dàng đâu.

Khối doanh nghiệp FDI - vốn có đóng góp đáng kể vào xuất khẩu của Việt Nam - liệu có thể sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy xuất khẩu trong năm 2009, thưa ông?

Doanh nghiệp FDI thường chiếm tới trên 50% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, những năm gần đây đang có dấu hiệu giảm dần tỷ trọng.

Năm 2007, khối này chỉ còn chiếm trên 41%, và năm 2008 còn lại khoảng 38%, tức là gần 24,5 tỷ USD so với trên 64 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Như thế, có thể thấy là khối doanh nghiệp này đang giảm dần mức đóng góp cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.

“Tỷ giá đang là một rào cản với xuất khẩu”

Theo ông, những khó khăn lớn đối với tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam hiện nay là gì?

Trong tình hình hiện nay, theo tôi, có một rào cản lớn đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam là vấn đề tỷ giá.

Nếu đồng bạc được đánh giá cao thì xuất khẩu sẽ gặp bất lợi, khi giá hàng xuất khẩu tính theo USD bị đẩy lên cao hơn. Để cạnh tranh, một là anh phải đẩy giá lên để bù lại khoản thiệt, hai là giảm giá đi và cũng giảm luôn cả lợi nhuận.

Mà trong khủng hoảng thì với các nước kém phát triển, cạnh tranh trước hết là phải bằng giá. Bởi thương hiệu, chất lượng, mẫu mã, hệ thống phân phối… là những thế mạnh mà những nước kém phát triển hay ngay cả Trung Quốc cũng chưa có, mà có mạnh cũng chỉ là thứ yếu trong thời điểm này.

Hơn nữa, một đồng bạc giá thấp hơn chính là hàng rào tốt nhất trước cuộc xâm nhập của hàng ngoại, để nâng sức cạnh tranh của hàng nội tại chính thị trường trong nước, thay thế hàng rào thuế quan, hàng rào kỹ thuật.

Các nước khác đang hành xử thế nào với chính sách tỷ giá, thưa ông?

Các nước khác, trong giai đoạn khuyến khích xuất khẩu đều điều hành chính sách tỷ giá theo hướng làm mất giá đồng tiền nội tệ. Tối thiểu cũng phải đưa về giá trị thực của đồng tiền.

Tất cả các nước trong khu vực, kể từ Hàn Quốc đến Trung Quốc và các nước ASEAN đều thực hành chính sách đồng tiền yếu, hạ giá đồng bạc. Đó gần như là bài thuốc đầu tiên mà các nước áp dụng để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.

Trong năm 2008, Hàn Quốc hạ giá đồng tiền đến vài chục %. Trung Quốc đứng trước sức ép phải tăng giá đồng nội tệ nhưng đến tháng 10/2008 cũng đã hạ giá, mặc dù chưa có công bố là bao nhiêu.

http://vneconomy.vn/2009020812176587P0C10/ty-gia-dang-la-mot-rao-can-voi-xuat-khau.htm

Số lần xem trang : 15256
Nhập ngày : 14-02-2009
Điều chỉnh lần cuối :

Ý kiến của bạn về bài viết này


In trang này

Lên đầu trang

Gởi ý kiến

 

  Đại học Bình Dương: Chậm học phí, è cổ... nộp phạt (vnmedia.vn)(20-04-2009)

  Đại học hay phổ thông “cấp 4”? Tuanvietnam.net(20-04-2009)

  Anh nhận đào tạo không hạn chế cán bộ cho Việt Nam (nongnghiep.vn)(20-04-2009)

  Buộc thôi việc giảng viên nhận tiền nâng điểm (www.thanhnien.com.vn, 06/04/2009)(07-04-2009)

  Hơn 2000 trường của Mỹ lựa chọn kết quả thi tiếng Anh IELTS (www.hoahoctro.vn)(07-04-2009)

  10 cách giáo dục con của người Mỹ (afamily.channelvn.net 07/04/2009)(07-04-2009)

  Chung kết cuộc thi “Kinh Doanh Chuỗi Cửa Hàng Bán Lẻ Châu Á Năm 2009 “(01-04-2009)

  Miễn thi ngoại ngữ đối với trình độ Thạc sĩ (dantri.com.vn,31/03/2009)(01-04-2009)

  Trò chuyện với vợ chồng giáo sư Phan Đình Diệu: “Học, nhưng đừng nghĩ đó là chân lý duy nhất” (www.tuoitre.com.vn, 30/03/2009)(01-04-2009)

  Cảnh báo : Sinh viên tắm hồ chết đuối (ngoisao.net,30/3/2009)(30-03-2009)

Trang kế tiếp ... 1 2 3 4 5 6 7 8

Website TS. Trần Đình Lý
Chức vụ: Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM
Địa chỉ: Nhà Thiên Lý- Đại học Nông Lâm TP.HCM
ĐT: 028-38966780 - Fax: 028-38960713
Email: tdinhly(a)hcmuaf.edu.vn -Website:http://http://www2.hcmuaf.edu.vn/?ur=tdinhly

Thiết kế: Quản trị mạng- ĐHNL 2007