TS. Trần Đình Lý TTO - 14g45 chiều nay (8-3), phiên tư vấn thứ hai của Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2009, do Bộ GD-ĐT và báo Tuổi Trẻ tổ chức, tiếp tục diễn ra tại hội trường TP.HCM. Hàng ngàn học sinh khu vực TP.HCM và hơn 3.000 học sinh các huyện ngoại thành tại TP.HCM gồm Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè cùng học sinh các tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai tham dự đông kín hội trường...
Ngày hội được sự hỗ trợ của: Công ty máy tính T&H tài trợ máy tính để thí sinh thử trắc nghiệm; Công ty FPT Telecom tài trợ đường truyền internet cho truyền hình trực tuyến...
>> Ngàn thí sinh, ngàn câu hỏi
Bạn Quỳnh Anh, học sinh Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 11, TP.HCM), cho biết mặc dù đã tham dự buổi tư vấn sáng nay nhưng Quỳnh Anh vẫn ở lại đến chiều nay để tiếp tục tham dự vì “Ngày hội cho em rất nhiều thông tin, về rất uổng!”. Bà Nguyễn Thị Hoa dẫn cháu nội đến tham dự ngày hội chỉ một mục đích là để cho cháu mình được luyện thi trắc nghiệm trực tuyến, chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới.
TS Trần Văn Nghĩa - phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT - cho biết sơ lược bốn điểm ổn định như năm 2008: thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) từ ngày 10-3 đến 17-4; có ba đợt thi vào ngày 4 và 5-7, 9 và 10-7, 15 và 16-7; đề thi do Bộ GD-ĐT ra, chỉ có đề thi năng khiếu do trường ra; điểm sàn chung do Bộ GD-ĐT ra, trước ngày 20-8 các trường công bố kết quả xét tuyển đợt 1, thí sinh không trúng NV1 thì trường sẽ cấp hai giấy chứng nhận kết quả thi nếu từ điểm sàn trở lên để xét tuyển NV2, NV3.
Đối với các trường tuyển sinh ngành năng khiếu thì các môn năng khiếu ra đề thi chung của Bộ, các môn năng khiếu do trường ra. Đối tượng dự thi vẫn là người đã “tốt nghiệp trung học phổ thông theo hình thức giáo dục chính quy hoặc giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề và tương đương”.
Đặc biệt, điều 33 của quy chế tuyển sinh về khung điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực tuyển sinh đối với các trường đóng tại vùng dân tộc thiểu số và các trường dành chỉ tiêu để đào tạo theo địa chỉ, các trường có nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho địa phương được sửa đổi theo hướng giảm mức điểm ưu tiên chênh lệch giữa các đối tượng, khu vực ưu tiên so với qui định trước đây. Theo đó, mức điểm ưu tiên giữa các đối tượng chỉ được chênh lệch không quá 1,5 điểm, giữa các khu vực không quá 1 điểm.
Đồng thời, quy chế cũng qui định rõ: các trường xác định điểm trúng tuyển đối với các nguyện vọng theo quy định: điểm trúng tuyển nguyện vọng sau không thấp hơn nguyện vọng trước, bảo đảm tỉ lệ trúng tuyển hợp lý giữa các nguyện vọng; không hạ điểm trúng tuyển. Những trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xem xét, quyết định.
Về phía thí sinh, quy chế bổ sung thêm hình thức xử lý kỷ luật ở mức tước quyền vào học ở các trường ngay trong năm đó và tước quyền tham dự kỳ thi tuyển sinh vào các trường trong hai năm tiếp theo hoặc đề nghị các cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những trường hợp sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi không hợp pháp.
TS Trần Văn Nghĩa cũng lưu ý: Đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009 đối với các môn: toán, vật lý, hóa học, sinh học, ngữ văn, lịch sử, địa lý, đề thi mỗi môn gồm hai phần: phần chung cho tất cả thí sinh, ra theo nội dung giống nhau giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao; phần riêng ra theo từng chương trình: chương trình chuẩn và chương trình nâng cao. Thí sinh chỉ được chọn một phần riêng thích hợp để làm bài; thí sinh nào làm cả hai phần riêng thì bài làm bị coi là phạm quy, cả hai phần riêng đều không được chấm; chỉ chấm điểm phần chung.
Còn đề thi tốt nghiệp THPT năm 2009 đối với các môn toán, vật lý, hóa học, sinh học, ngữ văn, lịch sử, địa lý, đề thi mỗi môn gồm hai phần: phần chung cho tất cả thí sinh, ra theo nội dung giống nhau giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao. Phần riêng cho thí sinh học theo từng chương trình: chương trình chuẩn hoặc chương trình nâng cao. Thí sinh học chương trình nào thì chỉ được làm phần dành riêng cho chương trình đó (chuẩn hoặc nâng cao); riêng thí sinh tự do được chọn một phần riêng thích hợp để làm bài. Đối với tất cả thí sinh, nếu làm cả hai phần riêng thì cả hai phần riêng đều không được chấm.
Những ngành có việc làm cao trong tương lai gần, TS Phạm Như Nghệ - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT - cho biết chọn trường, chọn ngành nghề để học thì phụ huynh và học sinh phải tùy thuộc vào khả năng học tập, sở trường, điều kiện của từng học sinh. Những học sinh có năng lực học tập giỏi nên dự thi CĐ, ĐH; đối với học sinh trung bình, yếu thì nên cân nhắc khi thi CĐ, ĐH. Do đó, học sinh có học lực yếu, trung bình thì nên xét tuyển vào các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN). Học TCCN sau hai năm ra trường các em có thể đi làm, sau đó thì có thể học liên thông ĐH, CĐ.
TS Lê Thị Thanh Mai - phó trưởng ban ĐH và sau ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM) - hướng dẫn thí sinh ghi hồ sơ ĐKDT vào ĐH, CĐ năm 2009. Theo đó, thí sinh nên tra cứu thông tin trong quyển Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009 của Bộ GD-ĐT và tra cứu thông tin trong cổng thông tin thi và tuyển sinh của Bộ GD-ĐT (http://ts.edu.net.vn) để làm hồ sơ.
Hồ sơ ĐKDT có 16 mục, thí sinh cần đặc biệt lưu ý mục 2 và mục 3. Nếu thí sinh có nguyện vọng học tại trường có tổ chức thi thì khai đầy đủ ở mục 2, không khai mục 3. Còn nếu thí sinh có nguyện vọng học tại các trường không tổ chức thi thì khai mục 2 gồm tên trường, ký hiệu trường, khối thi và không khai mã ngành; còn mục 3 khai đầy đủ. Trong trường hợp này, thí sinh sẽ dự thi tại trường ghi ở mục 2, nhưng nếu đạt điểm chuẩn trúng tuyển theo quy định thì sẽ học tại trường ghi ở mục 3.
Đối với thí sinh thuộc diện chính sách như con thương binh, liệt sĩ... phải photocopy giấy chứng nhận ưu tiên để nộp kèm hồ sơ. Đối với thí sinh có nguyện vọng học tại các trường ĐH, CĐ không tổ chức thi hoặc hệ CĐ của các trường ĐH phải photocopy mặt trước của phiếu số 1.
Phiếu số 2 rất quan trọng, vì vậy khi nộp hồ sơ ĐKDT, thí sinh cần lưu ý cán bộ thu nhận hồ sơ phải ký và đóng dấu xác nhận vào phiếu số 2. Thí sinh phải giữ phiếu số 2 trong suốt quá trình dự thi và cả sau này, coi đó là biên lai thí sinh đã nộp hồ sơ. Trong trường hợp bị thất lạc, mất phiếu số 2, thí sinh phải liên lạc với phòng đào tạo của trường để phục hồi phiếu số 2.
* Bạn Vương Vĩnh Hải hỏi: Em đang học lớp 12 Trường THPT Hùng Vương TP.HCM, năm nay em dự định thi vào Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) ngành Đông phương học. Em được biết ngành này đào tạo chuyên về các quốc gia phương Đông như Nhật, Hàn, Trung Quốc... Tuy nhiên, em có thắc mắc là sinh viên có được tự do lựa chọn phân ngành học hay phân ngành là do trường tự quy định? Cụ thể là em chỉ muốn học Nhật Bản học, nhưng em sợ trường sẽ xếp em vào Trung Quốc học, Hàn Quốc học... mà em không thích nghiên cứu. Mong nhận được sự trả lời của thầy.
- TS Phạm Tấn Hạ (phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM): Mục tiêu đào tạo của ngành Đông Phương học là nhằm đào tạo những chuyên gia về Đông phương có tri thức đa dạng về một khu vực, có hiểu biết sâu sắc về văn hóa, lịch sử, kinh tế, chính trị... của một quốc gia trong khu vực nghiên cứu; có trình độ ngoại ngữ nhất định để làm cơ sở cho việc học tập, nghiên cứu, công tác. Sau khi tốt nghiệp ngành này em có thể xin làm việc tại các cơ quan, tổ chức chính phủ, phi chính phủ, cơ quan kinh tế, ngoại giao, các công ty, xí nghiệp nước ngoài tại Việt Nam...
Khi đậu vào ngành này, em sẽ được khoa phân vào học các ngành mà khoa đang đào tạo. Hiện nay trường đang đào tạo theo hệ tín chỉ nên mức học phí mà em đóng cũng tùy thuộc vào số tín chỉ mà em đăng ký học. Mức học phí trung bình hằng năm mà sinh viên phải đóng là 2 triệu đồng.
Việc xếp lớp vào học các ngành tại khoa Đông phương học là dựa vào kết quả thi tuyển sinh ĐH của từng thí sinh. Tuy nhiên việc xếp lớp để theo học các chuyên ngành này cũng phù thuộc vào việc đăng ký của sinh viên khi nhập học cũng như khả năng đào tạo của khoa. Hầu hết các sinh viên khi thi vào khoa Đông phương học đều thích chọn học các ngành Nhật Bản học, Hàn Quốc học nhiều hơn so với các ngành khác.
Theo tôi, mỗi ngành đào tạo của khoa đều có những cái hay riêng và cơ hội tìm việc làm sau khi tốt nghiệp cũng phù thuộc rât nhiều vào năng lực của từng sinh viên chứ chưa hẳn phù thuộc hoàn toàn vào ngành đào tạo mà sinh viên đã theo học. Chẳng hạn, nếu muốn học ngành Nhật Bản học, điểm thi của em thường phải cao hơn 1 điểm so với điểm trúng tuyển (năm 2008 điểm trúng tuyển là 16,5).
* Trần Quốc Hoàng, học sinh Trường THPT Thanh Bình, TP.HCM, hỏi: Mỗi trường ĐH có đào tạo ngành kế toán - kiểm toán. Một số trường tách biệt ra. Xin hỏi hai ngành này có khác không? Khi đăng ký NV2 thì có đăng ký cùng khối, cùng ngành không?
- ThS Trần Thế Hoàng (trưởng phòng quản lý đào tạo và công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM): Chuyên ngành kế toán và kiểm toán có kiến thức ngành giống nhau. Khác nhau về kiến thức chiều sâu của ngành khi vào học chuyên ngành. Khi tốt nghiệp sinh viên có thể làm lĩnh vực kế toán.
Đối với NV2 và NV3 của thí sinh thì NV này chỉ phát sinh khi thí sinh rớt NV1. Muốn xét tuyển thì phải đạt điểm sàn trở lên, không có môn nào bị điểm 0, cùng khối thi, trong vùng tuyển. Bạn phải xem trường đó có chỉ tiêu tuyển NV2 không rồi mới nộp giấy chứng nhận kết quả thi số 1 để xét NV2 (giấy số 2 xét tuyển NV3 khi không trúng tuyển NV2).
* Em được biết tương lai nước ta là nước công nghiệp thì khi học Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cơ hội việc làm có cao không?
- PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng (phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM): Nước ta đang trong giai đoạn hội nhập và mục tiêu là đến năm 2020 trở thành nước công nghiệp. Tuy nhiên khi nước ta thành nước công nghiệp thì nông nghiệp cũng phải cần, vì nông nghiệp phát triển mới đảm bảo vấn đề an ninh lương thực, đảm bảo phát triển đất nước bền vững. Trường có 47 ngành và chuyên ngành đào tạo, bạn yên tâm học, nguồn nhân lực cho nông nghiệp vẫn còn nhu cầu lớn hiện nay cũng như trong tương lai.
* Ngành công nghệ thực phẩm đào tạo ở trường nào, có dễ tìm việc không?
- TS Đỗ Văn Dũng (phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM): Ngành công nghệ thực phẩm có nhiều trường đào tạo như ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM… Cách nay nhiều năm thì điểm chuẩn ngành này rất cao (khoảng 20 điểm trở lên), nhưng sau này thì chỉ khoảng 17 điểm.
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM là trường ĐH đầu tiên công bố điểm đầu ra, cho nên học ngành nào ra sinh viên đều có thể tìm được việc làm. Ngành công nghệ thực phẩm đi về mặt công nghệ nhiều hơn, ví dụ sinh viên có thể làm ở các xí nghiệp chế biến thực phẩm, chế tạo mì, chế biến các sản phẩm về nông nghiệp… Có 75% sinh viên tốt nghiệp ngành này của trường có việc làm ngay tháng đầu tiên tốt nghiệp.
* Bạn Đào Công Danh, học sinh Trường THPT Bình Phú, TP.HCM hỏi: Muốn học về đề án kinh doanh, chiến lược kinh doanh, PR cho một sản phẩm nào đó thì thi vào ngành nào, trường nào? Cơ hội việc làm có cao không?
- ThS Hứa Minh Tuấn (trưởng phòng đào tạo Trường ĐH bán công Marketing): Về câu hỏi của bạn thì có nhiều ý về ngành, chuyên ngành. Các ý bạn hỏi thì thi vào ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính ngân hàng, hệ thống thông tin kinh tế. Trong năm ngành này thì ngành quản trị kinh doanh phân nhiều chuyên ngành như kinh doanh quốc tế, quản lý chất lượng.
Về PR thì ở TP.HCM có Trường ĐH dân lập Văn Lang đào tạo đầu tiên chuyên ngành này. Còn Trường ĐH bán công Marketing tách ngành marketing thành hai ngành marketing tổng hợp và quản lý thương hiệu.
* Nếu em là sinh viên một trường CĐ thì em có phải làm đơn xin phép ban giám hiệu thi lại không? Nếu em làm đơn bảo lưu thì thế nào?
- ThS Trần Thế Hoàng (trưởng phòng quản lý đào tạo và công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM): Bạn đang học tại một trường thì phải xin phép ban giám hiệu nhà trường, bạn lên phòng đào tạo để được hướng dẫn. Theo quy chế 25 năm 2006 của Bộ GD-ĐT thì có ba điều kiện để được bảo lưu kết quả: bảo lưu để thi hành nghĩa vụ quân sự, bảo lưu về sức khỏe, bảo lưu về lý do riêng. Quỹ thời gian bảo lưu chỉ nằm trong khoảng một năm.
* Trường TCCN khác với trường trung cấp nghề như thế nào?
- TS Phạm Như Nghệ (phó vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT): TCCN, trung cấp nghề đều là bậc giáo dục nghề nghiệp. TCCN đào tạo có kiến thức, kỹ thuật bậc trung gian giữa cử nhân và kỹ sư. Còn trường trung cấp nghề đào tạo người trực tiếp lao động sản xuất, trước đây gọi là các trường dạy nghề.
Hằng năm, trong tổng số hơn 1 triệu thí sinh dự thi ĐH, CĐ thì chỉ có 30% trúng tuyển vào ĐH, CĐ. Vì vậy tôi cho rằng học sinh trung bình, yếu thì nên xét tuyển vào TCCN, trung cấp nghề thay vì thi ĐH, CĐ. Năm 2009 Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường TCCN chỉ xét tuyển vào trường căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm học bạ THPT, điểm thi ĐH, CĐ. Sau khi tốt nghiệp TCCN thì các em có thể học liên thông lên CĐ, ĐH.
* Bạn Lê Minh Hùng ở quận 2, TP.HCM hỏi: Ngành công nghệ hóa - thực phẩm khác gì với công nghệ thực phẩm?
- TS Phạm Hữu Lộc (phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM): Hai ngành này khác nhau. Công nghệ thực phẩm nghiêng về các công nghệ bảo dưỡng chế biến thực phẩm như thủy súc sản, bánh kẹo đường, vi sinh… Đây là ngành thực phẩm. Còn ngành công nghệ hóa - thực phẩm học về công nghệ hóa, hóa phân tích, hóa dầu.
* Học sinh Trường THPT Củ Chi (TP.HCM) hỏi: Trường ĐH Kinh tế TP.HCM chấp nhận liên thông ở những trường CĐ nào?
- ThS Trần Thế Hoàng (trưởng phòng quản lý đào tạo và công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM): Không phải ai đi thi cũng đều trúng tuyển ĐH. Do đó, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM nhận tất cả sinh viên đã tốt nghiệp CĐ vào hệ hoàn chỉnh ĐH của trường.
* Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM có ngành môi trường không, ngành này học như thế nào và cơ hội việc làm? Trường có đào tạo du học tại chỗ không?
- TS Phạm Hữu Lộc (phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM): Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM có đào tạo ngành môi trường với ba chuyên ngành: công nghệ môi trường, quản lý môi trường, quản lý tài nguyên môi trường. Theo đó, chuyên ngành công nghệ môi trường mục đích học về xử lý chất thải, nước thải. Chuyên ngành quản lý môi trường học về sử dụng tài nguyên, chất thải, nước, các thực vật, động vật trong môi trường. Chuyên ngành quản lý tài nguyên môi trường đi sâu về quản lý tài sản định giá.
Hiện nay môi trường của Việt Nam là vấn đề bức xúc nhất, do đó rất thịnh hành, công việc làm rất tốt. Trước khi tốt nghiệp các em sẽ được thực tập tại các doanh nghiệp, cơ quan trong ba tháng.
Trường có đào tạo du học tại chỗ với các đối tác như Hoa Kỳ ngành quản trị kinh doanh (học 4 năm cấp bằng của Hoa Kỳ), hệ CĐ ngành quản trị kinh doanh với Canada, Úc, Đài Loan (học 3 năm, nếu thi đầu vào có ngoại ngữ tốt thì chỉ học 2 năm, ngoại ngữ chưa đạt thì năm thứ nhất tập trung học Anh văn, sau khi tốt nghiệp thì liên thông ở Canada, Úc, Đài Loan hoặc liên thông tại trường.
* Phạm Thị Thu Cúc (Bình Chánh, TP.HCM) hỏi: Chương trình cơ bản, chương trình nâng cao rất khác. Vậy đề thi sẽ ra như thế nào?
- TS Trần Văn Nghĩa (phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT): Bộ GD-ĐT ra đề cả hai chương trình đều tương đương, công bằng như nhau. Cho nên em không cần phải lo lắng. Độ khó sẽ công bằng và các em cứ lựa chọn phương pháp giải phù hợp cho mình.
* Một bạn ở Hóc Môn hỏi: Một trong những chỉ tiêu đặt ra là hoàn cảnh gia đình. Nhà em không khá nên em muốn nhờ thầy cô tư vấn.
- TS Phạm Như Nghệ (phó vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT): Đúng là có rất nhiều thí sinh có điều kiện khó khăn, muốn vào một trường có uy tín nhưng không có tiền học thì Chính phủ có chính sách cho sinh viên vay ưu đãi để học. Riêng thí sinh thi vào các trường sư phạm hay ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM thì được miễn học phí.
- PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng (phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM) cho biết: Trong điều kiện thí sinh nghèo, không có điều kiện thì các em cứ đi thi cho đậu, sau đó trường sẽ hỗ trợ cho các em bằng cách kêu gọi doanh nghiệp, tìm việc làm cho các em. Các em nếu có khả năng học thì hãy cố gắng. Báo Tuổi Trẻ cũng có học bổng Tiếp sức đến trường, các em cứ mạnh dạn và cố gắng thi.
* Nguyễn Thị Trường Giang, học sinh Trường THPT Nam Phước (Đồng Nai) hỏi: Khi học phân ban thì bắt buộc phải làm đề thi của phần nâng cao, còn lại làm đề cơ bản. Vậy thì thi ĐH làm sao biết được em học chương trình nào? Ngành công nghệ sinh học vì sao thi hai khối A, B lại có điểm khác biệt nhau?
- TS Trần Văn Nghĩa (phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT): Đề thi THPT khác với đề thi ĐH. Nghĩa là học chương trình nào thì phải làm chương trình đó, vì các em thi tốt nghiệp THPT sẽ thi theo cụm trường, các em phải làm đúng phần mình đã học. Còn thi ĐH thì em có quyền chọn phần nào mình thích, miễn là phải làm đầy đủ. Nếu làm cả hai phần riêng thì không được chấm. Các em phải xác định ngay từ đầu là làm theo chương trình chuẩn hay chương trình nâng cao. Không thì vào thi sẽ bị hỏng.
- TS Lê Thị Thanh Mai (phó trưởng ban ĐH và sau ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM): Chỉ tiêu các ngành nhiều khối thi sẽ do các trường dựa vào tỉ lệ thí sinh dự thi vào ngành đó, nếu khối nào nhiều thì dành cho khối đó. Tuy nhiên nếu khối A nhiều nhưng điểm thấp thì sẽ dành chỉ tiêu cho khối B. Chính vì vậy mà điểm chuẩn hai khối thường chênh lệch nhau. Tuy nhiên khi trúng tuyển thì các em sẽ học theo một chương trình như nhau.
* Bạn Nguyễn Minh Tuấn hỏi: Em muốn thi ngành quản trị kinh doanh, trường nào đào tạo ngành này? Điểm chuẩn bao nhiêu?
- ThS Trần Thế Hoàng (trưởng phòng quản lý đào tạo và công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM): Mục tiêu trở thành nhà quản lý thì hầu hết thí sinh đều chọn ngành quản trị kinh doanh. Rất nhiều trường đào tạo ngành này như ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Nông lâm TP.HCM, ĐH bán công Marketing, Khoa Kinh tế (ĐH Quốc gia TP.HCM)… Điểm chuẩn của các trường bạn có thể tham khảo tại báo điện tử Tuổi Trẻ Online tại địa chỉ: http://www3.tuoitre.com.vn/TuyenSinh/Index.aspx?ArticleID=303196&ChannelID=230
* Có trường nào đào tạo người mẫu không?
- TS Đỗ Văn Dũng (phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM): Hiện nay các trường ĐH Việt Nam không có trường nào đào tạo. Nghề này chỉ đào tạo tại các công ty người mẫu. Em có thể thi ngành thiết kế thời trang ở các trường ĐH, CĐ để học ngành tương tự. Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM có đào tạo ngành này, thi tuyển khối V.
* Bạn đọc thanhphuongntv@gmail.com hỏi: Ngành nghiên cứu về vũ trụ, thiên văn thi ngành nào?
- TS Lê Thị Thanh Mai (phó trưởng ban ĐH và sau ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM): Câu hỏi này rất khó nên tôi xin cung cấp một số thông tin sau: Ngành này em có thể học tại ĐH Khoa học tự nhiên của ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH Quốc gia Hà Nội. Em có thể theo học ngành hải dương học - khí tượng - thủy văn khi học về thiên văn, nhưng học thì phải say mê. Tuy ngành này điểm chuẩn đầu vào thấp nhưng nhu cầu hiện nay rất cao, đòi hỏi nhân lực bậc cao. Ngành công nghệ vũ trụ hiện có ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) có đào tạo chuyên ngành này.
* Ngành điện tử viễn thông có phù hợp với nữ không? Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM có đào tạo ngành này không?
- TS Phạm Hữu Lộc (phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM): Ngành này phù hợp cả nam lẫn nữ. Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đào tạo ngành này theo hai chuyên ngành.
* Em là một người thích nói chuyện trước nhiều người, thích được nổi tiếng thì em có thể học trường nào?
- TS Lê Thị Thanh Mai (phó trưởng ban ĐH và sau ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM): Em nên xác định nhóm sở thích nghề nghiệp là kinh doanh, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, có khả năng thuyết phục người khác…
* Em muốn thi ĐH Quốc gia Sài Gòn, điểm chuẩn có cao không, em nghe nói xét theo điểm sàn? Em muốn thi khối B Trường ĐH Y dược TP.HCM nếu không đậu thì xét trung cấp y tá thì ĐH Y dược có xét không, hay em phải xét trường nào?
- TS Lê Thị Thanh Mai (phó trưởng ban ĐH và sau ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM): Chỉ có ĐH Quốc gia TP.HCM, không có ĐH Quốc gia Sài Gòn. ĐH Quốc gia TP.HCM có sáu trường, khoa thành viên, điểm chuẩn rất cao, tùy theo ngành từ 15-27.
- TS Huỳnh Văn Hóa (phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM): Hệ trung cấp của Trường ĐH Y dược TP.HCM xét tuyển theo môn toán, sinh. Điểm chuẩn hệ trung cấp bạn xem tại báo điện tử Tuổi Trẻ Online tại: http://www3.tuoitre.com.vn/Tuyensinh/Index.aspx?ArticleID=284176&ChannelID=230
NHÓM PV TUỔI TRẺ ONLINE Số lần xem trang : 15304 Nhập ngày : 10-03-2009 Điều chỉnh lần cuối : Ý kiến của bạn về bài viết này
Tư vấn Hướng nghiệp tại Cần Thơ - SGGP(02-03-2009) TUYỂN SINH ĐH, CĐ 2009 Đi tìm lợi thế cạnh tranh (01-03-2009) Đi tour... hướng nghiệp!(27-02-2009) Tuyển sinh 2009: Những ngành thiếu người dư việc(27-02-2009) Chọn ngành trước, chọn trường sau(23-02-2009) Áp lực chọn nghề (23-02-2009) Tu van Huong nghiep tai Dong Nai(22-02-2009) Cẩm nang Tuyển Sinh 2009 (NLS)(16-02-2009) Trắc nghiệm định hướng nghề nghiệp (báo Người Lao động)(16-02-2009) Ngày 10/3, nộp hồ sơ tuyển sinh 2009(16-02-2009) Trang kế tiếp ... 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
|