Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM áp dụng cách tính điểm mới từ đầu năm nay với mục đích nâng cao chất lượng sinh viên (SV). Kết quả, SV "ồ ạt" rớt trong kì thi cuối kì.
Hơn 30% SV thi rớt
“Kì học vừa rồi là kì SV rớt kinh khủng nhất. Đến 27/75 SV thi rớt. Chuyện thi cử đối với SV giờ đây rất khắc nghiệt” - Hiền, SV năm 4 khoa Điện - Điện tử, cho biết.
Từ đầu năm nay, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM áp dụng cách tính điểm mới. Theo quy chế 43 về đào tạo đại học, cao đẳng theo tín chỉ của Bộ ban hành năm 2007, SV đạt 4 - 5,4 điểm/môn sẽ không phải thi lại.
Vì được quyền linh hoạt áp dụng theo điều kiện đào tạo cụ thể từng trường, nhà trường quy định môn nào SV không đạt được 5 điểm sẽ phải học lại.
C.V.Lĩnh, SV năm 3 khoa Xây dựng, Cơ học và Ứng dụng đã bị thi lại đến 2 môn trong kì học này chỉ vì hai môn trên 4,5 nhưng dưới 5 điểm. “Có người đạt 4,99 điểm mà còn rớt, huống chi là mình” - Lĩnh nói thêm.
“Chỉ vì quy định này mà trong lớp chỉ có 5 người không rớt môn nào. Còn lại hầu hết đều rớt ít nhất là 1 môn. Mấy kì trước có chăng chỉ rớt một hai môn, giờ Linh rớt một lần 3 môn” - N.Linh, SV năm 3 khoa Điện - Điện tử lo lắng.
T.Thuyết, SV khoa Xây dựng, Cơ học và Ứng dụng cũng rơi vào trường hợp tương tự khi rớt đến 3 môn, dù đều đạt từ 4,6 - 4,8 điểm.
Ngoài ra, theo Quy chế 43, những SV đạt 6,25 điểm tích luỹ đã có thể được xét loại khá. Nhưng nhà trường quy định mức được xét loại khá là 6,5 điểm.
“Điều này rõ ràng gây bất lợi cho SV, vì đối với SV năm thứ 4, nếu điểm tích luỹ không đạt loại khá thì không được làm luận văn” - C.V.Nhớ cho biết.
N.H.Nam, Khoa Cơ khí động lực cho rằng: “Mới nghe qua tưởng 0,25 là ít, nhưng khi cộng dồn các môn lại thì khó mà có được con số đó” - Nam nói.
“Một số bạn trong lớp đạt trên 6,25 nhưng dưới 6,5 nên không được làm luận văn” - Hiền cho biết thêm.
"Chóng mặt" với phí học lại
“Bình thường, phí học lại cho mỗi tín chỉ là 35 ngàn đồng. Chỉ cần rớt 2 môn, tiền học lại đã lên tới 200 ngàn” - C.V.Nhớ, SV năm 2, ngành Công nghiệp Môi trường cho biết.
“Nhưng từ học kì tới, phí học lại tăng gần gấp đôi và tăng theo bậc nữa. Nghe nói, học lần đầu là 35 ngàn/tín chỉ, bị học lại các lần tiếp theo là 50 ngàn/tín chỉ, 70 ngàn/tín chỉ. Kì này thi rớt thì nhiều, phí học lại tăng kiểu đó, SV chịu sao nổi” - N.V.Hùng, SV năm 3 khoa Xây dựng, bức xúc.
Khác với một số trường, SV sau khi thi rớt sẽ được thi lại thì ở đây, SV buộc phải học lại mới được thi.
N.Linh cho rằng: nhà trường làm như vậy cũng vì muốn học sinh có động lực để học hành, “nhưng động lực kiểu tăng tiền như vậy thì… SV còn ăn mì tôm dài dài”.
“Khi có nhiều môn khó hay có nhiều tín chỉ, mình thường tách ra để học xen kẽ trong nhiều kì. Nên giờ có nhiều môn “khó nhai” với nhiều tín chỉ đã lỡ dồn lại kì sau. Cái kiểu dễ thi rớt, rồi phí học lại tăng như vậy cũng đủ để đau đầu rồi” - N.N.Tùng, SV năm 3 khoa Xây Dựng, chia sẻ.