Số lần xem
Đang xem 316 Toàn hệ thống 21206 Trong vòng 1 giờ qua
Trang liên kết
Thành viên
Nội dung
TS. Trần Đình Lý
Thứ Tư, 26/08/2009, 08:27 (GMT+7)
Vụ thi trượt, sinh viên tạt axit thầy giáo
Đau lòng nghề giáo
TT - Trưa 25-8, chúng tôi trở lại khoa bỏng Bệnh viện Chợ Rẫy thăm thầy Đặng Hữu Dũng, giảng viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, nạn nhân trong vụ sinh viên tạt axit thầy giáo (Tuổi Trẻ ngày 25-8). Lúc chúng tôi đến, vợ thầy, cô giáo Tạ Mỹ Nga, vừa chạy ra ngoài mua chút đồ.
Thầy nằm một mình trong căn phòng lạnh ngắt, toàn thân băng trắng toát. Bịch huyết thanh đang được truyền đã cạn một lúc lâu nhưng y tá trực ở phòng bên không thể nghe được tiếng gọi yếu ớt của thầy.
Nhắc lại diễn tiến sự việc xảy ra trong ngày đầu năm học mới, nét kinh hoàng vẫn còn hiện lên trong mắt thầy. Thế nhưng thầy vẫn không một chút nặng lời. Nói về hung thủ gây ra nỗi đau cho mình, thầy từ tốn gọi bằng em, xưng thầy. Thầy thổ lộ: “Thật ra tôi đâu có quyền quyết định em ấy có được thi hay đậu rớt gì nữa đâu. Lúc trước tôi có nói em ấy đăng ký hoặc nhờ ai đăng ký với phòng đào tạo để thi lại nhưng em vẫn không đăng ký. Đến tháng 4-2009, em ấy lại liên lạc yêu cầu tôi giúp đỡ và tôi đã hướng dẫn em đến giáo vụ khoa, phòng đào tạo làm thủ tục. Tôi không ngờ em ấy lại tức tối vì chuyện đó”.
Hỏi thăm tình trạng của thầy, thầy chỉ nói vắn tắt toàn thân phía bên trái đang căng cứng, không cử động được. Lập tức, thầy chuyển sang hỏi thăm tin tức của những bạn sinh viên dũng cảm trong buổi sáng kinh hoàng đó. Không phải đến bây giờ thầy mới hỏi thăm. Ngay sau khi được cấp cứu, đoàn cán bộ nhà trường đến thăm, thầy đã hỏi thăm tình trạng từng sinh viên một. Thương sinh viên là vậy nhưng thầy Đặng Hữu Dũng được các giảng viên, lãnh đạo nhà trường đánh giá là một giảng viên rất nguyên tắc.
27 năm gắn với nghiệp nhà giáo, năm nay đã bước sang tuổi 51 nhưng thầy Dũng cùng vợ vẫn đang sống ở nhà bố mẹ tại Q.10, TP.HCM. Thầy cưới vợ từ năm 1993. Cô Nga cũng là giảng viên của Trường ĐH Nông lâm TP.HCM. Thầy cô ở với nhau chưa được bao lâu, thầy được tuyển đi tu nghiệp một năm ở Hà Lan. Về nước, với vốn ngoại ngữ của mình thầy được phân công dạy thêm môn tiếng Anh. Công việc và nhiều lý do riêng khác khiến đến tận bây giờ hai vợ chồng thầy vẫn chưa có con.
Chia tay chúng tôi, thầy vẫn day dứt với những lời khai của Trần Xuân Thanh mà thầy vừa nghe được trên báo: “Em ấy trách tôi không giúp đỡ để em ấy lấy bằng tốt nghiệp đại học. Nhưng quyền hạn tôi chỉ tới đó thôi làm sao tôi giúp được? Quy chế đã quy định như vậy sao tôi có thể đưa điểm của em ấy vô hay linh động gì được”.
HÙNG THUẬT
1 và hàng ngàn
TT - Sự việc sinh viên Trần Xuân Thanh tạt một thau axit vào người thầy giáo từng dạy dỗ và động viên mình hãy cố gắng học cho tốt đang gây xôn xao dư luận. Một hình ảnh rất phản cảm và đau lòng.
Càng xót xa, đau lòng hơn khi sự việc này diễn ra cùng lúc với hàng ngàn sinh viên, thầy cô giáo của Trường đại học Nông lâm TP.HCM đang nhiệt tình tham gia hiến máu nhân đạo cứu người. Một bên là những giọt máu đầy tình người và một bên là một con người hết nhân cách làm người.
Tôi và thầy bí thư đảng ủy nhà trường thăm thầy Dũng bên giường bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy, chúng tôi nghe câu nói đầu tiên của thầy là “tội nghiệp các em sinh viên bị vạ lây”. Vâng, lại một lần nữa như bao lần khác, thầy nghĩ đến học trò của mình trước khi nói về mình. Nhìn thầy ai cũng thấy xót xa, xúc động... và càng không chấp nhận được hành vi tạt axit thầy giáo của một người gọi là sinh viên.
Chắc chắn sinh viên Trần Xuân Thanh sẽ bị pháp luật trừng trị, nhưng qua câu chuyện này tôi muốn nhắn gửi đến các bạn học sinh, sinh viên rằng: đây là trường hợp rất cá biệt. Hãy nhìn hàng ngàn sinh viên đang hiến máu kia, hãy nhìn hàng ngàn bạn trẻ tình nguyện và ngày đêm ra sức học tập, nghiên cứu, trau dồi đạo đức lối sống để phấn đấu trở thành những công dân tốt cho tương lai!
Và qua câu chuyện này, các bạn, chính các bạn, hãy lên án các hành vi bạo lực, côn đồ. Hãy tiếp tục chia sẻ những bức xúc, nỗi niềm, khó khăn, vướng mắc với những người có trách nhiệm, có lương tâm!
ThS TRẦN ĐÌNH LÝ (trưởng phòng công tác sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM)
Còn đâu đạo làm trò
* Khi đọc báo và biết tin thầy Dũng gặp nạn, tôi và bạn bè đều quá bất ngờ. Khi dạy chúng tôi, thầy Dũng coi học trò như con và chúng tôi cũng coi thầy như người cha tinh thần. Thầy hiền lành, hòa nhã, hướng dẫn sinh viên rất tận tình, nhưng cũng nghiêm khắc và đặc biệt nghiêm túc trong giảng dạy, thi cử. Thật buồn khi một sinh viên đã hành động như vậy đối với người đã dạy dỗ mình.
* Là sinh viên được thầy Dũng giảng dạy, tôi vô cùng bất bình với hành động của sinh viên Trần Xuân Thanh. Hành động đó khiến sinh viên chúng tôi quá bàng hoàng. Việc thầy Dũng nghiêm khắc và tôn trọng kỷ luật thi cử chẳng qua là muốn tốt cho sinh viên. Không thể đổ cho người thầy trách nhiệm phải nâng đỡ mọi sinh viên, lại càng không thể chấp nhận hành động coi đó là mối thù và tìm cách trả thù thầy.
Lê Ngọc Tây (SV năm 3 khoa cơ khí công nghệ, ĐH Nông lâm TP.HCM)
* Tôi là một trong những sinh viên bị bỏng trong vụ Trần Xuân Thanh tạt axit thầy Dũng. Là sinh viên được học thầy Dũng, tôi thấy thầy rất nghiêm túc và công bằng trong quá trình dạy học, chấm thi. Học các môn thầy dạy, những sinh viên làm bài thi kém đừng mong xin điểm. Ngoài tính nguyên tắc, tôi còn cảm phục thầy ở điểm là phó khoa nhưng thầy nhớ mặt, nhớ tên nhiều sinh viên thầy từng dạy. Có lẽ một thầy giáo yêu học trò lắm mới được như vậy.
Vũ Văn Tuyến (SV năm 4 khoa cơ khí công nghệ, ĐH Nông lâm TP.HCM)
Lưu Trang - Trần Huỳnh ghi
_____________________
Hội Sinh Viên TP.HCM:
Thăm thầy Dũng và các sinh viên bị tạt axit
Ngày 25-8, Hội Sinh viên TP.HCM, Trung tâm Hỗ trợ sinh viên TP đã đến thăm, tặng quà thầy giáo Đặng Hữu Dũng và các sinh viên là nạn nhân trong vụ Trần Xuân Thanh tạt axit thầy giáo. Trong số các sinh viên bị nạn, hiện còn năm sinh viên đang được điều trị tại khoa ngoại tổng hợp Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức.
Anh Nguyễn Thanh Đoàn, phó chủ tịch Hội SV TP.HCM, hỏi thăm sức khỏe thầy Đặng Hữu Dũng - Ảnh: T.Huỳnh
Sinh viên Vũ Văn Tuyến đang điều trị tại khoa mắt Bệnh viện Chợ Rẫy. Hiện tình trạng sức khỏe của các sinh viên đang tiến triển tốt, các vết thương đã khô. Riêng thầy Dũng vẫn đang trong tình trạng nguy hiểm và chờ phẫu thuật lấy đi phần da bị hoại tử.
Anh Nguyễn Thanh Đoàn - phó chủ tịch Hội Sinh viên TP.HCM - đã động viên, biểu dương các sinh viên đã dũng cảm không ngại nguy hiểm lao vào ngăn cản, bảo vệ thầy Dũng và vây bắt thủ phạm.
TRẦN HUỲNH
-----------------------
Copyright (C) 2007 Tuổi Trẻ
Số lần xem trang : 15776 Nhập ngày : 27-08-2009 Điều chỉnh lần cuối : 27-08-2009