|
Cảnh dân Ấn Độ chen chúc kéo nước giếng tại vùng khô hạn rồi sẽ xuất hiện ở nhiều nơi
(CATP) Hôm 18-10, Thủ tướng Anh Gordon Brown cảnh báo các nhà thương thuyết sẽ chỉ còn có 50 ngày nữa để cứu thế giới khỏi thảm họa nóng lên toàn cầu. Riêng nước Anh sẽ phải đương đầu với một thảm họa lũ lụt, hạn hán và làn sóng nóng chết chóc nếu như các nhà lãnh đạo thế giới không đạt được thỏa thuận giải quyết sự biến đổi khí hậu. Ông nhấn mạnh rằng sẽ không có cái gọi là “kế hoạch B” nếu cuộc họp thượng đỉnh Liên hiệp quốc ở Copenhagen (Đan Mạch) vào tháng 12-2009 không đạt được một thỏa thuận mới về khí thải gây hiệu ứng nhà kính CO2 thay thế cho Nghị định thư Kyoto sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2012.
Thủ tướng Brown sẽ thuyết phục như thế với tư cách chủ nhà của Diễn đàn các nền kinh tế quan trọng (MEF) tổ chức tại London, trong đó sẽ có mặt 17 trong số các nước thải nhiều khí CO2 nhất thế giới. Ông nói rõ: “Một khi đã để xảy ra thảm họa do sự gia tăng thải khí độc hại không kiểm soát được, không có bất cứ một thỏa thuận toàn cầu nào sau đó có thể cứu chữa được”.
Châu Âu đã nếm mùi thiên tai bất thường được cho là hậu quả của khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Làn sóng nóng bất thường hồi mùa hè 2003 đã giết chết hơn 35.000 người ở châu Âu.
Theo các nhà chuyên môn, có nhiều hệ lụy sẽ xảy ra từ sự biến đổi khí hậu. Chẳng hạn, làn sóng bạo lực, xung đột sẽ xảy ra do tranh chấp nguồn nước. Thế giới sẽ phải đối phó với làn sóng di dân chạy thiên tai. Người ta ước tính nếu không có giải pháp, đến năm 2080 có hơn 1,8 tỷ người, tức một phần tư số dân thế giới hiện nay, không có nước sạch mà sử dụng.
Quỹ thời gian cho tới hội nghị Copenhagen đang ngày một cạn kiệt. Tại cuộc họp thượng đỉnh đặc biệt LHQ về vấn đề biến đổi khí hậu với sự tham gia của hơn 100 vị đứng đầu nhà nước và chính phủ hôm 22-9, lần đầu tiên người ta thấy Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) thể hiện sự đồng lòng. Ngay cả Mỹ, một trong những nước thải nhiều khí CO2 nhất thế giới, cũng đã có những chuyển biến dưới thời Tổng thống mới Barack Obama. Nhưng liệu các lời hứa cắt giảm khí CO2 với những thời điểm và định mức cụ thể mà những nhà lãnh đạo đưa ra hôm đó có phải chỉ là “phút ngẫu hứng cho hợp với tình thế”?
Phó biên tập viên chính trị James Landale của hãng BBC hôm 18-10-2009 nói rằng không phải mọi thứ đang đi theo kế hoạch đâu. Rajendra Pachauri, người đứng đầu Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), mới đây ca cẩm với tuần báo Mỹ Newsweek rằng: có một sự thật là các nhà thương thuyết đang chạy không đủ nhanh. Liệu sẽ có được những đột phá trong vòng đua nước rút này? Vấn đề nằm ở chỗ tinh thần trách nhiệm đối với hành tinh và cộng đồng thế giới của mỗi nước, đặc biệt là các nước đang thải nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính vào bầu khí quyền chung của nhân loại.
|
|