TS. Trần Đình Lý Lỗi ở người học hay do nhà quản lý?
(Dân trí) - Theo lãnh đạo TP Đà Nẵng thì việc không tuyển sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức là do chất lượng đào tạo của hệ này và hệ chính quy có sự chênh lệch mặc dù biết rằng về mặt bằng cấp là bình đẳng. Vậy sự chênh lệch đó là do đâu?
>> Nói “không” với sinh viên tại chức là không công bằng
>> Đà Nẵng nói “không” với sinh viên tại chức
Sự kiện TP Đà Nẵng thông báo không tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào làm việc trong cơ quan nhà nước từ năm 2011 như một “cơn lốc” gây xôn xao dư luận. Nhiều người đều cho rằng cách làm này là cực đoan và vi phạm luật. Song trên thực tế nếu nhìn về sự phát triển trong đào tạo hệ tại chức và những quy định lỏng lẻo đối với hệ đào tạo này thì việc TP Đà Nẵng đưa ra quyết định táo bạo trên hẳn là có nguyên nhân.
Rút ngắn chênh lệch: Lời hứa rồi để đó!
Năm 2007, trước làn sóng dư luận bất bình với hình thức đào tạo tại chức, Bộ GD-ĐT đã quyết tâm đưa ra những biện pháp nhằm chấn chỉnh lấy lại lòng tin của xã hội. Ngay trong tháng 1/2007, Bộ GD-ĐT đã đưa ra ý tưởng táo bạo vào dự thảo quy chế vừa học vừa làm đó là “Sinh viên theo học theo hệ vừa học vừa làm (tại chức) nếu thực hiện đầy đủ các quy định của hệ chính quy trong quá trình đào tạo, dự thi tốt nghiệp theo hệ này và đạt yêu cầu sẽ được cấp bằng chính quy”.
Ý tưởng này nhằm khẳng định Bộ GD-ĐT hoàn toàn có thể “khống chế” được tình trạng “bát nháo” đối với hệ đào tạo tại chức. Thế nhưng khi chính thức ban hành quy chế đào tạo đối với hệ đào tạo này vào tháng 6/2007 ý tưởng lại bất thành.
Tiếp đó, vào tháng 11/2008 Bộ GD-ĐT đã ban hành quy chế tuyển sinh đối với hình thức vừa học vừa làm. Giải pháp lúc này Bộ đưa ra đó là siết chặt việc thi cử đối với hệ tại chức, chất lượng đầu vào tăng thì việc đào tạo sẽ được cải thiện đáng kể. Để thực hiện điều đó, quy chế đưa ra quy định tổ chức kì thi vừa học vừa làm chung đề và chung đợt với sự giám sát chặt chẽ của Bộ GD-ĐT.
Tuy nhiên khi những chủ trương mới được hâm nóng trong một thời gian ngắn thì vào tháng 11/2010 Bộ GD-ĐT lại thay đổi quan điểm và trở lại với mốc thời gian trước năm 2007 bằng việc đưa dự thảo Về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học và cao đẳng hình thức vừa làm vừa học với mục tiêu mới: Bỏ quy định thi chung đợt, chung đề hệ vừa làm vừa học. Lịch thi của hệ vừa làm vừa học do hiệu trưởng nhà trường quy định.
Hợp thức hóa tại chức bằng “cao học”
Tại nhiều quốc gia, hệ tại chức được xem như một hệ đào tạo thực hành độc lập, tách bạch khỏi hệ chính quy. Hệ đào tạo này đi từ bậc sơ cấp, trung cấp đến ĐH và cả sau ĐH, với một nội dung chương trình đào tạo nặng về thực hành, phục vụ trực tiếp cho thế giới nghề nghiệp, khác hẳn hệ đào tạo chính quy, nặng về nội dung nghiên cứu.
Mục tiêu của hệ tại chức phục vụ cho những người đang đi làm muốn nâng cao trình độ nghề nghiệp (chứ không phải trình độ nghiên cứu), hay muốn đổi nghề mới cho phù hợp hơn hoặc không có khả năng về kinh tế, năng lực học vấn để theo đuổi hệ chính quy.
Tuy nhiên, theo quan điểm của các nhà quản lý khi ban hành quy chế đào tạo hệ vừa học vừa làm thì chương trình vẫn được các trường xây dựng trên cơ sở chương trình hệ chính quy. Nội dung chương trình vừa học vừa làm phải bảo đảm các yêu cầu về nội dung của chương trình hệ chính quy cùng trình độ đào tạo.
Trong khi đó để tạo cơ hội cho người học ở bậc đào tạo thạc sĩ thì Bộ GD-ĐT lại xem nhẹ đối tượng tuyển sinh đầu vào. Theo đó, đối tượng dự thi thạc sĩ là đã tốt nghiệp đại học đúng ngành hoặc phù hợp với ngành, chuyên ngành đăng ký dự thi.
Chính vì kẽ hở đó mà nhiều năm qua tình trạng hợp thức hóa bằng tại chức bằng việc tiếp tục học cao học để lấy bằng chính quy ngày càng phổ biến. Có lẽ vì điều này mà tình trạng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong nước hiện nay đang gặp khá nhiều bất cập.
Cùng từ sự bất cập đó mà đối tượng tuyển sinh hệ tại chức cùng ngày càng mở rộng thêm. Nếu trước kia đa số người theo học hệ này là những người đang đi làm hoặc đang đảm nhận một vị trí nào đó muốn nâng cao trình độ thì giờ đây ngay cả những học sinh mới tốt nghiệp lớp 12, các trường nghề cũng mạnh dạn đầu đơn dự kì thi tại chức.
Với sự hình thành như vậy thì giải pháp mà TP Đà Nẵng đưa ra chỉ là giải pháp tình thế nhưng đó cũng là lời cảnh báo trong khâu đào tạo cao học trong thời gian tới.
Với sự quản lý bất lực như hiện nay, có lẽ với hệ vừa học vừa làm thì nhất thiết nội dung chương trình đào tạo phải hướng kiến thức người học đến gần hơn thế giới nghề nghiệp mà họ đang làm hoặc sẽ chọn sau này. Không nên biến họ trở thành những cái “bóng mờ” của hệ đào tạo chính quy để rồi lại phải đau lòng trước những câu chuyện “tẩy chay” tuyển dụng.
Nguyễn Hùng Số lần xem trang : 15667 Nhập ngày : 08-12-2010 Điều chỉnh lần cuối : Ý kiến của bạn về bài viết này
ĐH Nông Lâm vẫn chung thủy với 3 chung(25-12-2013) Tư vấn Hướng nghiệp - Tuyển sinh 2013: Hỏi & Đáp (01-03-2013) Chương trình Tư vấn Hướng nghiệp - Tuyển sinh 2013(01-03-2013) Đến thăm thầy Liêm(14-11-2012) Mời bạn đọc tham gia cuộc thi viết “Kỷ niệm học trò”(01-10-2012) Điểm chuẩn trúng tuyển NV1 năm 2012 (NLS)(08-08-2012) Nghĩ về nghề báo!(21-06-2012) Việt Nam tiếp tục là nước xuất khẩu hạt tiêu số 1 thế giới (19-06-2012) LỊCH SỬ EURO - CAP ANH TÀI(18-06-2012) Ngày Hội Nghề nghiệp Sinh viên - Nhân lực Trẻ 2012 TP.HCM (6-6-2012)(31-05-2012) Trang kế tiếp ... 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18
|