TS. Trần Đình Lý Bố mẹ lần lượt qua đời vì bệnh ung thư, để lại Y Phương (Kon Tum) cùng 5 đứa em nheo nhóc. Thế mà mấy năm qua, cô chị cả ngày nay bước vào tuổi 17, một tay chăm sóc, đùm bọc các em nên người, không đứa nào thất học.
Đi hết mấy cánh rừng vẫn không thể tìm được A Phi (15 tuổi) trở về, bởi từ sáng sớm cậu đã đi xa cách mấy đỉnh núi đi làm đổi công cho một người dân trong làng Kon Pring (xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum). Những ngày cuối năm, tranh thủ ngày nghỉ, cậu thiếu niên năm nay học lớp 8 nhất quyết xin chị cho đi tìm việc làm thuê, giúp nuôi em.
Trưởng ban Mặt trận tổ quốc, ông Kon Pring A Cam giải thích: “Cậu ta chỉ đi làm đổi công thôi, chứ nhỏ như vầy có ai thuê mướn làm gì?”. Nói rồi ông chỉ sang người chị cả Y Phương: “Chỉ có Y Phương đi làm thuê thôi, mỗi ngày làm công được trả 50.000 đồng để mang về đong gạo nuôi em ăn học”.
Năm 2006, người cha của 6 chị em Y Phương là ông A Chinh (sinh năm 1965) đau nặng, ra Bệnh viện huyện Đăk Tô khám và được xác định bị mắc bệnh ung thư gan. Một thời gian ngắn thì ông qua đời, bỏ lại đám trẻ nheo nhóc, trong khi vợ là Y H’Nhút (sinh năm 1971) lại đang bụng mang dạ chửa.
Khi đó Y Phương đang học lớp 6. Cô gái trẻ nhớ như in hồi ấy, sau một ngày đi học về, người mẹ gọi lại nhỏ nhẹ: “Nhà mình nghèo quá con à! Thôi con thương mẹ, nghỉ học về làm rẫy giúp mẹ nuôi mấy em ăn học”. Phương nghẹn ngào khóc, rồi cũng ở nhà phụ mẹ.
|
Y Phương cùng 4 đứa em mồ côi. A Phi, em kế Phương đã tranh thủ ngày nghỉ để đi tìm việc làm thêm.
|
Đến năm 2009, đến lượt Y H’Nhút không thể hàng ngày lên nương rẫy cùng Y Phương được vì bệnh ung thư vú ngày một trầm trọng. Rồi bà cũng theo chồng về bên kia thế giới. Từ nay gia đình chỉ còn lại 6 đứa trẻ nheo nhóc, đói nghèo bơ vơ giữa chốn đại ngàn Tây nguyên hùng vĩ.
Như “nữ tướng” rừng xanh, một tay non nớt của Y Phương chèo chống nuôi các em, vừa làm bố vừa làm mẹ. Cô gái kể, nhà được mấy đám ruộng nhỏ, làm tốt thì cũng được 5-7 bao lúa, một đám mì cả năm bán chưa nổi 5 triệu đồng, vậy là cái ăn hàng ngày cho các em như cả một cực hình đối với cô bé Y Phương khi đang tuổi ăn, tuổi học. Làm hết đám ruộng nhà mình, cô bé đi làm thuê mướn cho người xung quanh; đêm về chăm sóc nuôi dạy các em nhỏ.
Vậy nhưng, điều kỳ diệu tất cả 5 người em của cô bé người dân tộc Xê-Đăng này không một đứa nào phải bỏ học.
Y Phương chìa đôi bàn tay ra, tự hào tính: A Phi 15 tuổi, học lớp 8; A Phúc 12 tuổi, lớp 6; Y Phút đã được 10 tuổi học lớp 5; A Chuông 7 tuổi, lớp 3 và đứa nhỏ nhất là A Chiến tròn 4 tuổi đang học mẫu giáo. Hai chị em Y Phút và A Chuông đạt học sinh khá được nhà trường tặng giấy khen.
"Cháu vì nghèo, bố mẹ chết hết nên phải nghỉ học nuôi em. Cháu hiểu không có cái chữ thì cuộc đời khổ đến thế nào nên nhất định phải cố gắng cho các em đến trường đầy đủ", người chị cả ở tuổi "bẽ gãy sừng trâu" với gương mặt đen sạm già trước tuổi nhỏ nhẹ tâm sự.
Thấy hoàn cảnh 6 đứa trẻ quá bi đát, chính quyền địa phương vừa xây bờ tường bao quanh nhà cho các em. Mái nhà xiêu vẹo, dột nát lâu nay giờ được bà con xung quanh chung tay sửa sang lại, phần nào được ấm cúng hơn.
Trong tiết trời lạnh giá, cậu em út A Chiến vẫn cởi trần, để dành chiếc áo lành cho buổi đi học. Bà hàng xóm Y Phiến nói nhỏ: “Mỗi bữa phải nấu những 6 lon gạo cho 6 đứa trẻ đang lớn, chỉ mình Y Phương đi làm thuê thì lấy đâu đủ cái ăn được, nói gì đến mua nổi những tấm áo”.
Theo Vnexpress Số lần xem trang : 15733 Nhập ngày : 07-01-2011 Điều chỉnh lần cuối : Ý kiến của bạn về bài viết này
ĐH Nông Lâm vẫn chung thủy với 3 chung(25-12-2013) Tư vấn Hướng nghiệp - Tuyển sinh 2013: Hỏi & Đáp (01-03-2013) Chương trình Tư vấn Hướng nghiệp - Tuyển sinh 2013(01-03-2013) Đến thăm thầy Liêm(14-11-2012) Mời bạn đọc tham gia cuộc thi viết “Kỷ niệm học trò”(01-10-2012) Điểm chuẩn trúng tuyển NV1 năm 2012 (NLS)(08-08-2012) Nghĩ về nghề báo!(21-06-2012) Việt Nam tiếp tục là nước xuất khẩu hạt tiêu số 1 thế giới (19-06-2012) LỊCH SỬ EURO - CAP ANH TÀI(18-06-2012) Ngày Hội Nghề nghiệp Sinh viên - Nhân lực Trẻ 2012 TP.HCM (6-6-2012)(31-05-2012) Trang kế tiếp ... 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18
|