Hoàng Lan Personal Website

Trang chủ NLU | NLS Office | Trang nhất | Sơ đồ trang |
Thống kê
Số lần xem
Đang xem 4
Toàn hệ thống 5089
Trong vòng 1 giờ qua
Trang liên kết

 

 

Thành viên

Email:
Password

Nội dung

  Hoàng Lan Personal Website

 Vì sao Đại học Nông Lâm TP.HCM liên tục dẫn đầu "cuộc đua" vào đại học?

Bốn mùa tuyển sinh đại học (2005-2008), bất ngờ lớn nhất đã xảy ra với ĐH Nông Lâm TP.HCM khi vượt lên đứng đầu các trường ĐH, CĐ phía Nam về số lượng thí sinh đăng ký dự thi. Xung quanh vấn đề này, Báo GD&TĐ đã có cuộc gặp gỡ với Thạc sĩ Trần Đình Lý - Ủy viên Hội đồng tuyển sinh - Trưởng phòng Công tác Sinh viên - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên & Quan hệ Doanh nghiệp trường ĐH Nông Lâm TP.HCM.
Mùa tuyển sinh 2008 ĐH Nông Lâm TP.HCM đã thu hút 74.570 hồ sơ thí sinh đăng ký dự thi (tăng 18.570 hồ sơ so với năm 2007). Ông có suy nghĩ gì về hiện tượng “may mắn” này?
Thạc sĩ Trần Đình Lý: Theo tôi, đây không phải là sự may mắn, mà do nhiều yếu tố. Thứ nhất: ĐH Nông Lâm TPHCM là trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực. Hiện nay trường đào tạo 47 ngành chuyên ngành khác nhau. Đối tượng TS đăng ký dự thi rất phong phú. Thứ hai: nhiều ngành nghề phù hợp với nhu cầu xã hội. Qua Hội thảo “Đào tạo theo nhu cầu xã hội” vừa qua, trường nhận được nhiều ý kiến của các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động của các ngành nghề khác nhau… và được đánh giá rất tốt (tuy vậy vẫn còn điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp với sự thay đổi theo hướng phát triển của nhu cầu xã hội). Thứ ba: điểm chuẩn của trường cũng tương đối “dễ chịu”. Ngoại trừ các ngành thuộc nhóm Công nghệ (điểm chuẩn cao) như: Công nghệ Sinh học, Công nghệ Môi trường, Công nghệ Hóa học, Thực phẩm, Thú y…, nhóm ngành còn lại biến động từ 15-19 là tương đối tốt. Thứ tư: công tác tuyên truyền được nhà trường chú trọng và đúng mực. HS luôn cần và mong muốn có những thông tin thiết thực về ngành nghề của các trường và nhiệm vụ các trường phải thông tin đầy đủ để các em có điều kiện tham khảo. Theo quan điểm của tôi, tuyên truyền giới thiệu để các em hướng nghiệp trước, hướng trường sau, bởi vì nguyện vọng sở thích là quan trọng nhất, sau đó mới chọn trường nào có ngành đó và phù hợp với các yếu tố: vị trí địa lý, năng lực, điều kiện kinh tế… Thứ năm, trong 4 nhóm ngành đào tạo, nhóm ngành Nông - Lâm - Ngư đang là thế mạnh của trường. Số lượng TS quan tâm đến nhóm ngành này cũng tương đối nhiều.
Thứ sáu, sự gắn kết hữu ích giữa nhà trường và các địa phương, các tổ chức quốc tế trong nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ. Các nghiên cứu đạt kết quả cao và rất thiết thực. Qua những lần tham gia tư vấn tuyển sinh, HS đã rất quan tâm đến vấn đề này, học gắn với hành và đi liền với cuộc sống thực tiễn.
Số lượng thí sinh tìm đến ĐH Nông Lâm ào ạt, theo ông nên mừng hay nên lo?
Ba mùa tuyển sinh liên tiếp, và nay là mùa thứ tư, ĐH Nông Lâm TPHCM đứng thứ nhì toàn quốc về số lượng thí sinh đăng ki dự thi (TS ĐKDT). Tôi nghĩ điều cần suy ngẫm là phải làm sao để kỳ thi đạt kết quả tốt và hiệu quả.TS ĐKDT nhiều mới chỉ là số lượng, nhưng đây là điều kiện rất tốt để nhà trường tiếp tục sàng lọc “đầu vào”, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo. Vừa mừng vừa lo. Được thí sinh, phụ huynh học sinh dành sự quan tâm đặc biệt đến trường chúng tôi, là kết quả của một quá trình phấn đấu không ngừng của tập thể nhà trường. Vấn đề quan trọng hiện nay là phải tổ chức cho tốt kỳ thi tuyển sinh sắp tới thật nghiêm túc, trung thực, công bằng, qua đó để ngày càng nâng cao uy tín của nhà trường.
Đào tạo gắn liền với nhu cầu xã hội đang là thế mạnh của ĐH Nông Lâm TP.HCM. Phải chăng đây là sức hút đặc trưng của trường?
“Đào tạo gắn liền với nhu cầu xã hội, gắn liền với địa chỉ sử dụng cụ thể” là phương châm đổi mới trong mọi hoạt động của trường chúng tôi. Nhu cầu xã hội, việc làm sau khi ra trường, luôn là điều mà thí sinh quan tâm. Tỷ lệ SV ra trường có việc làm và làm đúng ngành nghề của ĐH Nông Lâm rất cao. Nhiều ngành đang rất thiếu nhân lực, chính các doanh nghiệp đã tài trợ học bổng, miễn giảm học phí cho SV học những ngành mà họ đang cần. Chắc chắn điều này sẽ giúp SV yên tâm sau khi ra trường. Mỗi trường có một thế mạnh riêng và thí sinh thì rất quan tâm đến việc đáp ứng những nhu cầu của mình khi tìm đến cổng trường ĐH...
Bộ GD&ĐT đang có chủ trương tổ chức một kì thi tốt nghiệp THPT quốc gia, lấy kết quả kỳ thi này để xét tuyển vào ĐH... Ông có suy nghĩ gì?
Rất hoan nghênh Bộ GD & ĐT đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi cho đề án đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào trường ĐH, CĐ, TCCN. ý kiến đồng thuận có, phản biện có, thậm chí trái ngược nhau. Tuy nhiên, tôi thấy các ý kiến cho rằng đề án này đều có điểm chung: có tâm huyết, tích cực cho vấn đề đại sự của quốc gia. Nhiều ý kiến trái ngược nhau, nhưng cuối cùng dư luận xã hội cũng nên ủng hộ Bộ GD&ĐT được quyền quyết định thông qua việc trưng cầu và việc tự quyết. Nếu không, sẽ rất dễ dẫn đến việc: “đẽo cày giữa đường”. Chủ trương là hết sức đúng đắn và hợp với số đông (có lẽ chưa bao giờ một đề án đưa ra lại được sự đồng thuận cao như đề án này).
Theo góc độ phản biện, tôi thấy cần phải làm sao đó để tránh một số điều sau đây: Thứ nhất: Điều khiển thật tốt, thật kỹ khâu thi. Không được chủ quan khâu này. Khác với trước đề án, số lượng TS dự thi chắc chắn sẽ tăng lên (từ 1,2 triệu TS lên khoảng 1,6 triệu). Khi đã “2 trong 1” rồi thì tất cả những khâu chuẩn bị cho việc thống nhất này sẽ phải chuẩn bị thật kỹ, tránh quá tải. Vì đã là 2 trong 1 thì cần huy động lực lượng của cán bộ các trường ĐH, CĐ không chỉ với mục đích về số lượng mà còn cả về chất lượng, xem như đây là một sự chung tay, chia sẻ. Thứ hai: Làm sao đó để việc phân luồng HS vào học đúng đủ tiêu chuẩn (theo năng lực, sở trường, điều kiện…) chứ không phải là đủ… điểm. Điểm chỉ nói lên một phần và mang tính ngắn hạn. Đã có rất nhiều trường hợp học ĐH nhưng thực ra là không học. Ngồi trên ghế ĐH nhưng lại không nghĩ là mình đang được ngồi đó..Bởi vì các em đạt được mục tiêu … đậu ĐH chứ không phải mục tiêu đậu vào ngành mình thích. Thứ ba: Nhân diễn đàn này, tôi muốn tranh thủ đưa ra kiến nghị nhà nước nên có chính sách của chính nhà nước hoặc khuyến khích, khuyến cáo cho các nhà doanh nghiệp (sử dụng lao động) vào cuộc để…tài trợ thêm nguồn kinh phí. Ngoài việc tài trợ học bổng như lâu này đã làm còn phải miễn giảm học phí cho chính những ngành mà nhiều người gọi là “thiếu người dư việc”, miễn học phí giống như ngành sư phạm. Có như thế mới khuyến khích, tìm được người tài, có tâm huyết với những ngành mà xã hội đang cần nhưng các em HS không có điều kiện học… Cuối cùng: Các Bộ, ngành nên công bố những số liệu về nhu cầu ngành nghề, thừa thiếu…, để HS có thông tin tham khảo, bổ sung vào quyết định lựa chọn của mình.
Hiện nay, một phần lớn thí sinh thích chọn những nghề thật cao siêu, nhưng không biết năng lực mình tới đâu… Ông có lời khuyên gì cho các bạn?
Nghề “cao siêu”? Có khi “cao siêu” với người này, nhưng lại là .. “thấp siêu” với người khác! “Trèo cao ngã đau” là chuyện bình thường vì không ai khuyến khích. Sau khi chọn ngành, nghề mình thích, nên lựa sức mình để vào những trường top... vừa phải (nhiều tiêu chí để tham khảo: điểm chuẩn, chỉ tiêu tuyển, nhu cầu xã hội, việc làm sau khi ra trường, điều kiện vị trí địa lý...)
Nghề nghiệp hiện nay thì nhiều và đa dạng, nhưng năng lực của con người thì có hạn, giới trẻ thì lại có quá nhiều ước mơ, nhiều mong mỏi... Lời khuyên nào cho họ?
Sự lựa chọn nghề nghiệp hiện nay là rất phong phú và tự do, tự nguyện. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp thí sinh…bị lệ thuộc vào quyền quyết định của người khác (lời khuyên thì rất bổ ích, rất quan trọng nhưng cũng chỉ là sự tham khảo, bản thân các em phải tự quyết định về tương lai của mình) để thi vào ngành mình không thích, bậc học không tương xứng. Nếu đậu, chỉ là sự tạm trú, rất không chắc chắn. Mỗi trường nên có bộ phận chuyên nghiệp để “theo dõi” sinh viên có phù hợp với ngành nghề, sở thích, nguyện vọng của SV hay không, để kịp thời điều chỉnh nếu thấy cần thiết. Đương nhiên trường chỉ là tư vấn thôi, không quyết định thay cho thí sinh!
Ông nghĩ sao về nhận xét: giới trẻ hiện nay đang chọn nghề theo kiểu “mì ăn liền”, theo “phong trào” ?
Tuổi trẻ chạy theo “mốt” là chuyện bình thường. Có em muốn thử sức mình ở… nhiều lĩnh vực khác nhau. Thử cho “đã” sau đó mới ngẫm nghĩ lại là không nên “bon chen” nữa, mình phải là mình thôi. Có người thuộc nhóm thích thử thách thậm chí phiêu lưu một chút. Có người lại thích sự yên tĩnh, ổn định. Theo tôi, hãy là chính mình! Thử thách cũng tốt, nhưng tránh phiêu lưu, để rồi phải trả giá - có khi rất đắt!
    Theo GD&TĐ
Đinh Lê Yên (thực hiện)
 
 

Số lần xem trang : 14809
Nhập ngày : 30-05-2008
Điều chỉnh lần cuối : 30-05-2008

Ý kiến của bạn về bài viết này


In trang này

Lên đầu trang

Gởi ý kiến

  Tư liệu báo chí

  Cách đưa tin về các cuộc họp, hội nghị(28-11-2008)

  Cái gì là tin?(28-11-2008)

  Những điều cần thiết để có tin hay(28-11-2008)

  Ba cách viết tin cho báo điện tử(28-11-2008)

Họ tên: Th.s Hoàng Thị Lan, Đc: Email: hoanglan(a)hcmuaf.edu.vn

Thiết kế: Quản trị mạng- ĐHNL 2007