TS. Trần Đình Lý Ngày 14.3, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã chính thức ban hành Thông tư về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2016.
Hạn chế đối tượng ưu tiên
Trong Thông tư mới, Bộ GDĐT đã thay đổi chế độ ưu tiên. Theo đó, đối tượng 01: Công dân Việt Nam là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú (trong thời gian học THPT hoặc trung cấp) trên 18 tháng tại khu vực 1 (KV1), trước đây không quy định thời gian tối thiểu 18 tháng.
Thí sinh học liên tục và tốt nghiệp trung học tại khu vực nào thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó.
Nếu trong ba năm học THPT (hoặc trong thời gian học trung cấp) có chuyển trường thì thời gian học ở khu vực nào lâu hơn được hưởng ưu tiên theo khu vực đó.
Nếu mỗi năm học một trường thuộc các khu vực có mức ưu tiên khác nhau hoặc nửa thời gian học ở trường này, nửa thời gian học ở trường kia thì tốt nghiệp ở khu vực nào, hưởng ưu tiên theo khu vực đó.
Học sinh có hộ khẩu thường trú (trong thời gian học THPT hoặc trung cấp) trên 18 tháng tại các xã khu vực III và các xã có thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc và miền núi theo quy định của bộ trưởng, chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 theo quy định của Thủ tướng Chính phủ nếu học THPT (hoặc trung cấp) tại địa điểm thuộc huyện, thị xã có ít nhất một trong các xã thuộc diện nói trên.
KV2 sửa lại gồm: Các thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; các thị xã, huyện ngoại thành của thành phố trực thuộc trung ương (trừ các xã thuộc KV1).
Được kết hợp nhiều phương án tuyển sinh
Bộ GDĐT quy định các trường tổ chức tuyển sinh riêng có thể kết hợp xét tuyển những thí sinh đã dự thi kỳ thi THPT quốc gia có kết quả thi đáp ứng các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ quy định. Trong trường hợp sử dụng đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh cho một ngành hoặc nhóm ngành, các trường xác định và công bố công khai chỉ tiêu cho từng phương thức tuyển sinh.
Với các trường xét tuyển theo nhóm trường, mỗi nhóm cần xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh đáp ứng các yêu cầu của quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng. Đề án cần quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các trường trong nhóm, phương thức đăng ký xét tuyển của thí sinh vào các trường trong nhóm.
Đối với những trường sử dụng tổ hợp môn thi mới ngoài các khối thi truyền thống để xét tuyển cho một ngành, Bộ yêu cầu cần dành ít nhất 50% chỉ tiêu của ngành đó để xét tuyển theo các tổ hợp môn thi tương ứng với các khối thi truyền thống.
Phải nộp giấy trúng tuyển trong thời gian quy định
Thời gian đăng ký xét tuyển năm 2016 là từ ngày 1.8 đến hết ngày 20.10 đối với hệ đại học, đến hết ngày 15.11 đối với hệ cao đẳng, chia thành đợt một và các đợt bổ sung. Khác với năm 2015, năm 2016 thí sinh không được thay đổi nguyện vọng vào trường, ngành đã đăng ký trong từng đợt xét tuyển.
Nhằm hạn chế tình trạng thí sinh ảo, Bộ quy định thí sinh trúng tuyển phải nộp bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi (có chữ ký của Chủ tịch Hội đồng thi và đóng dấu đỏ của trường chủ trì cụm thi) cho trường có nguyện vọng học trong thời hạn quy định của mỗi đợt xét tuyển. Nếu quá thời hạn quy định thí sinh không nộp Giấy chứng nhận kết quả thi thì trường sẽ có quyền tuyển thí sinh khác.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga, Bộ GDĐT cũng không quy định điểm trúng tuyển đợt sau phải bằng hoặc cao hơn điểm trúng tuyển đợt trước để các trường chủ động hơn trong việc xác định chỉ tiêu trúng tuyển.
Ngoài ra, trong phiếu đăng ký xét tuyển, thí sinh phải ghi rõ những trường mình đã đăng ký xét tuyển để các trường có thể phán đoán được mức điểm trúng tuyển.
Bỏ điểm sàn cao đẳng
Năm nay, Bộ GDĐT đã chính thức bỏ điểm sàn với bậc cao đẳng khi quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào với bậc cao đẳng là tốt nghiệp THPT. Điều này phù hợp với quy định của Luật giáo dục Nghề nghiệp. Các trường vẫn phải tuyển sinh từ cao xuống thấp cho đến khi đạt chỉ tiêu vì thế các trường phải có những kế hoạch cụ thể.
Đối với trường sử dụng phương án xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT, điểm trung bình của từng môn học trong tổ hợp các môn dùng để xét tuyển hoặc điểm trung bình chung của các môn học dùng để xét tuyển không nhỏ hơn 6,0 đối với hệ ĐH (theo thang điểm 10).
Điểm xét tuyển là tổng điểm các môn thi theo từng tổ hợp xét tuyển và được làm tròn đến 0,25.
(Nguồn: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/phuong-an-chinh-thuc-tuyen-sinh-dai-hoc-cao-dang-nam-2016-528495.bld) Số lần xem trang : 14906 Nhập ngày : 15-03-2016 Điều chỉnh lần cuối : Ý kiến của bạn về bài viết này
Tin tức Quy định tuyệt đối phải tuân thủ trong phòng thi THPT quốc gia(31-03-2016) Những điều cần biết về tuyển sinh Đại học - Cao đẳng 2016(29-03-2016) Công bố chính thức 70 cụm thi ĐH(18-03-2016) Những trường hợp được đặc cách tốt nghiệp THPT(17-03-2016) Chính thức công bố quy chế thi THPT quốc gia 2016(12-03-2016) Công bố phương án thi THPT quốc gia 2016(03-02-2016) ĐH Nông lâm TP.HCM tuyển 5.200 chỉ tiêu ĐH năm 2016(11-01-2016) Một doanh nhân tặng KTX cho sinh viên nghèo(14-04-2015) Yêu nước phải đúng cách và hết sức tỉnh táo!(14-05-2014) Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2014 - Đại học Nông Lâm TP.Hồ Chí Minh(01-04-2014) Trang kế tiếp ... 1
|