|
Đông đảo tân sinh viên đóng học phí trước khi làm thủ tục nhập học. Họ mong mỏi được vay vốn để đảm bảo điều kiện theo học - Ảnh: Như Hùng
|
Tuy nhiên, vì nhiều lý do, họ đã không thể với tới được các chương trình cho vay, hỗ trợ vốn được thực hiện từ mấy năm qua.
Chuẩn bị năm học mới, Nguyễn Minh Quế, SV năm 3 Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM), cố tìm cách tiếp cận quĩ tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH).
Mang theo bên mình thẻ SV, từ sáng sớm Nguyễn Minh Quế đến chi nhánh Ngân hàng CSXH ở 271 Nguyễn Tri Phương, Q.10, TP.HCM làm đơn xin vay tiền. Nét mặt hớn hở của chàng SV quê Bình Định nhanh chóng biến mất khi nhân viên ngân hàng yêu cầu bạn đi chi nhánh khác để... được hướng dẫn.
Chỉ vì thiếu thông tin, không được hướng dẫn trước, Quế phải mất thêm những tháng ngày chờ và chưa biết đợi đến bao giờ. Không ít SV khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự như Quế.
Muối bỏ bể!
Con số thống kê tại các trường cho thấy số SV được vay vốn học tập từ Ngân hàng CSXH rất khiêm tốn so với số SV có hoàn cảnh khó khăn và so với tổng số SV của trường.
Theo Trung tâm Hỗ trợ SV Trường ĐH Mở TP.HCM, trong năm học 2005-2006 chỉ có 126 SV đến trung tâm xin xác nhận làm thủ tục vay vốn trong khi tổng số SV của trường lên đến hàng chục ngàn. Tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, ông Trương Minh Kiệt, giám đốc Trung tâm hỗ trợ SV trường, cũng nhận định dù tổng số SV của trường hơn 20.000 nhưng số được vay vốn học tập không đáng kể.
Th.S Trần Đình Lý, trưởng phòng công tác SV Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cũng cho rằng số SV nghèo thật sự được hưởng dịch vụ này rất ít. Với hàng chục ngàn SV nhưng Trường ĐH Nông lâm cũng chỉ có khoảng 800 SV đến xin xác nhận thông tin để làm thủ tục vay vốn. Mặt khác, không phải tất cả SV liên hệ với trường để làm thủ tục đều được vay vốn. Do đó, số lượng SV tham gia vay vốn ít hơn nhiều so với những con số nhiều trường thống kê.
Đề xuất nâng mức vay lên 1,2 triệu đồng/tháng
Theo khảo sát của Ngân hàng CSXH, mức chi phí tối thiểu cho một học sinh, sinh viên trong một tháng hiện nay khoảng 1,2 triệu đồng.
Trong đó gồm: học phí 300.000 đồng, tiền ăn 450.000 đồng, thuê nhà ở, điện nước 250.000 đồng, đi lại, tài liệu phục vụ học tập 200.000 đồng. Đó là chưa kể các nhu cầu khác như may mặc, giày dép, mũ nón...
Ngân hàng CSXH đang dự kiến đề xuất với Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT và Văn phòng Chính phủ nâng mức cho vay từ 300.000 đồng/tháng lên 1,2 triệu đồng/tháng.
|
Theo phòng đào tạo Trường ĐH Văn Lang, trong học kỳ II năm học 2005-2006 trường có 248 SV làm hồ sơ thì chỉ 71 SV được vay, tương đương 28,6%. Đến học kỳ I năm học 2006-2007 tỉ lệ này còn tiếp tục giảm xuống.
Trong 520 SV làm hồ sơ chỉ có 131 SV được vay. Đối chiếu số liệu của Trường ĐH Văn Lang, Trường ĐH Mở TP.HCM..., chúng tôi nhận thấy trong khi nhu cầu vay vốn của SV tăng lên gần gấp đôi sau mỗi năm thì ngược lại, tỉ lệ được vay lại giảm xuống.
Kỳ vọng
Nhận được thông tin về việc mở rộng vốn vay, TS Nguyễn Dũng - hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang - tỏ ra hết sức hồ hởi: “Nếu mức vay được tăng lên và đối tượng cho vay mở rộng thêm, SV nghèo sẽ đỡ phải đi làm thêm để tập trung nhiều hơn cho việc học”.
Nhưng “ngóng chờ” nhất chính là những SV nghèo đang gánh nặng trên vai nỗi lo học phí, chi phí sinh hoạt... Bạn Nguyễn Ngọc Giao, một tân SV vừa trúng tuyển vào Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), không giấu được sự mong đợi: “May quá! Cả nhà mình đang lo không biết xoay đâu ra tiền đóng học phí. Nay Nhà nước cho vay thế này, mình sẽ xin vay rồi sau này ra trường đi làm trả nợ”.
Bạn Trương Ngọc Anh, quê ở Phú Yên, SV năm 2 Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cũng hồ hởi: “Như vậy là ba mẹ mình sẽ không còn phải lo chạy tiền cho mình nữa rồi. Năm trước vừa đi học vừa đi làm thêm nhưng vẫn không đủ tiền đóng học phí, trả tiền nhà trọ, mình phải nhờ mẹ vay thêm tiền”.
Th.S Trần Đình Lý cũng cho hay có rất nhiều SV của trường trông chờ vào chính sách vay tín dụng sắp được ban hành. Th.S Lý nói: “Có rất nhiều SV báo cho trường biết hoàn cảnh khó khăn và đang chờ được vay tiền đóng học phí”.