TRẦN ĐÌNH LÝ

Trang chủ NLU | NLS | Trang nhất | Sơ đồ trang | Help | Sơ đồ trường | Email - Wifi | Xem điểm | Học tập |Website Giảng viên|

Trang chủ Thông tin cá nhân Bài viết trên các báo Tư vấn - Hướng nghiệp Gởi thư liên hệ
Thống kê
Số lần xem
Đang xem 129
Toàn hệ thống 3365
Trong vòng 1 giờ qua
Trang liên kết

 

 

 

 

Thành viên

Email:
Password

Nội dung

  TS. Trần Đình Lý

TTCT - Ba người con với dâu rể là sáu, trong đó năm người là thạc sĩ, tiến sĩ, sau tiến sĩ, giảng dạy tại các trường đại học ở Pháp và Mỹ. Tuy nhiên, vợ chồng giáo sư Phan Đình Diệu bảo không có gì nên viết bởi “chuyện thường vậy thôi”, con họ chỉ “hòa nhập trong dòng nhiều thanh niên thành công”.

Vợ chồng GS Phan Đình Diệu tại tư gia - Ảnh: Thanh Đạm

Chuyện kể của mẹ: “Không sành điệu vẫn có thể  thành người tử tế”

* Thưa, các con của ông bà đã có bước trưởng thành như thế nào?

- Bà Văn Thị Xuân Hương (nguyên cán bộ Viện Khoa học VN): Các cháu đều sinh ra trong những năm chiến tranh và nghèo đói. Cháu gái đầu Quỳnh Dương được bố nuôi hai năm lúc còn nhỏ cho mẹ tiếp tục đi học, đi sơ tán. Tốt nghiệp đại học ngoại ngữ trong nước, cháu có điều kiện sang Pháp tham quan. Trong ba tháng tự xin thi vào đại học bên đó, cháu vừa làm thêm nghề pha chế rượu, làm thư ký dịch Pháp - Anh cho một nhà văn Pháp. Nay cháu làm việc ở Pháp cùng chồng là tiến sĩ, chuyên viên tin học cho một ngân hàng.

Cháu gái thứ hai Hà Dương từng đi thi toán quốc tế và đoạt giải 3 năm 1993 được tiêu chuẩn đi du học, nhưng chúng tôi giữ cháu lại học hết đại học mới cho cháu dự thi tuyển công khai của Pháp, đỗ đầu. Xong Đại học Paris 7 tiếp tục học thạc sĩ và 26 tuổi đậu tiến sĩ ngành toán tin học. Sau đó lại thi đỗ đầu khi Trường Paris 7 tuyển và trở thành giảng viên ở đó.

* Những năm ấy được giải quốc tế mà từ bỏ việc du học để học đại học trong nước là việc chưa hề có. Tại sao vậy?

- Đúng là ai cũng thắc mắc, không hiểu nổi. Nhưng tôi muốn cháu được mẹ bày vẽ thêm về nữ công gia chánh và có tư tưởng, chính kiến vững vàng đi du học sẽ tốt hơn. Nhiều năm giảng dạy ở Paris 7, cùng sống với chồng cũng là một cựu sinh viên toán Đại học Tổng hợp Hà Nội cùng Hà Dương. Sau khi đi Mỹ học và thành tiến sĩ, giảng dạy đại học tại Mỹ, Pháp. Đến năm 2005 hai vợ chồng về VN, hiện sống ở Hà Nội.

* Ông bà chắc đã bỏ công dạy kèm các con nhiều?

- Anh Diệu không có thì giờ kèm cháu nào học. Bây giờ nghe dạy thêm - học thêm tràn lan phản khoa học. Nhưng kinh nghiệm gia đình tôi cho thấy phải chú ý đến việc học của các con. Chúng tôi rèn luyện từ lúc đi mẫu giáo, nhà trẻ nền nếp. Có cháu “tuyệt thực” vẫn cho đi. Rồi cứ thế có đà lên lớp 1... Từ cấp I chúng tôi đã cho các cháu được các thầy giỏi dạy. Gia đình tự mở lớp nhỏ, mời bạn bè đến thành một nhóm, có các thầy nổi tiếng về phương pháp và tư duy. Có đại gia đình giáo viên của thầy Đỗ Đức Thái nhận cho các cháu học cả ba thế hệ của gia đình. Thầy Thái chính là một giáo sư - tiến sĩ trẻ nhất VN. Trò yêu thầy và thầy rất mê trò.

* Quả thật là may mắn. Nghe không giống chuyện học thêm bây giờ?

- Khác lắm. Họ không lấy một xu. Quà đem đến còn bị mắng mỏ.

* Có lần các con ông bà trả lời phỏng vấn báo chí là cha mẹ không hề dạy kiến thức, nhưng họ học được ở lối sống trung thực. Nghĩa là dạy bằng cuộc sống hằng ngày.

- Đó là các cháu nhận thức. Nhưng tự các cháu không say mê học, không có phương pháp chắt lọc thì không thành tài được.

* Trong dạy con, ông bà có những nguyên tắc gì?

- Tôi không cho con biết sớm một số chuyện. Cháu Hiệu lên cấp III còn ngây thơ về giới tính. Chị cháu bảo: “Mẹ ạ, em cứ ngây thơ chuyện ấy càng tốt. Không cần khôn ngoan sành điệu gì cả vẫn thành người tử tế”.

* Các con ông bà đều rất tự lập, tự chủ trong nhiều quyết định, không ỷ vào danh tiếng của cha mẹ. Để được như vậy có khó không?

- Vợ chồng Hà Dương quyết định về VN, bỏ vị trí tốt ở nước ngoài, tất nhiên các cháu gặp khó khăn. Nhưng ngoài lý do “phải có một cặp về sống gần cha mẹ cao tuổi” ra, các cháu thấy sống ở đất nước có nhiều ý nghĩa. Hà Dương bảo về nước đi làm, tiếp xúc con người nhiều tình cảm, hướng dẫn nghiên cứu sinh, dạy sinh viên VN - đó là niềm say mê của cháu. Ngày 8-3 chẳng hạn, cháu cùng đưa con vào tặng cô hoa hồng. Trong khi có nhiều phụ huynh đi xe xịn không vào mà cho con cầm quà và phong bì đưa cô. Nhiều học sinh của cháu theo “phong tục” phong bì, cháu bảo: “Bố cô một đời dạy học, không lấy của ai cái gì. Cô cũng vậy”.

Suy nghĩ của cha: “Muốn trò tư duy sáng tạo,  thầy phải học tư duy sáng tạo”

 

Giáo sư Phan Đình Diệu là viện trưởng đầu tiên của Viện Khoa học tính toán và điều khiển (nay là Viện Công nghệ thông tin VN), chủ tịch sáng lập Hội Tin học VN, phó trưởng ban thường trực ban chỉ đạo Chương trình quốc gia về công nghệ thông tin khóa I (1993-1997). Hiện ông là ủy viên đoàn chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc VN, chủ nhiệm hội đồng tư vấn về khoa học - giáo dục của ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc VN.

* Thưa giáo sư, hơn nửa thế kỷ dạy đại học, ông có nhận xét gì về các bạn trẻ sinh viên?

- Giáo sư Phan Đình Diệu: Có nhiều em giỏi, tư chất thông minh, làm nghiên cứu được.

* Còn điểm yếu của họ?

- Tính chủ động, độc lập yếu. Tự mình tìm tòi, tự suy nghĩ, tìm kiếm ý tưởng còn yếu. Chỉ mới làm theo phận sự thầy giáo giao, còn tự suy nghĩ tìm vấn đề mới thì yếu. Rất dễ hiểu vì nếp dạy của mình thế.

* Thưa, bây giờ ai cũng nói nhiều về điều đó nhưng không biết sửa như thế nào?

- Đúng là ta nói nhiều: phải dạy học trò tư duy sáng tạo. Nhưng thế nào là tư duy sáng tạo thì chưa bao giờ có sự trao đổi giữa thầy và trò để truyền thụ kinh nghiệm và những tố chất ấy cho học trò nên căn bản vẫn là tiếp thu kiến thức một cách thụ động. Khả năng tiếp thu tốt nhưng từ tiếp thu tốt tới sáng tạo là một quá trình, đòi hỏi phải được rèn luyện. Giáo dục ta nói nhiều về yêu cầu sáng tạo, độc lập tư duy nhưng chương trình học gần như chưa lồng ghép những năng lực đó cho học sinh. Đó là ở những môn khoa học. Còn khoa học xã hội lại yếu hơn nữa. Điều này cần có trong nội dung cải cách giáo dục, đổi mới giáo dục trong thời gian tới.

* Cụ thể như thế nào, thưa giáo sư?

- Năng lực sáng tạo, tư duy sáng tạo, tư duy phê phán... tất cả đều có bài bản, lý luận của nó. Trước hết ông thầy phải được học. Phải chú ý bồi dưỡng giáo viên năng lực ấy trước tiên. Nhiều nước trên thế giới có giáo trình dạy tư duy phê phán, đổi mới sáng tạo cho con người, tư duy độc lập, tư duy sáng tạo... Thầy mình không được học thế bao giờ, mà cũng không có điều kiện tự học những thứ đó. Muốn đại trà phải học kinh nghiệm các nước tiên tiến đào tạo từ giáo viên. Giáo viên sẽ chủ động thực hiện được.

* Giáo sư có lời khuyên nào với người trẻ tuổi có khát vọng trở nên giỏi giang và tài năng?

- Tôi không có gì ở bản thân để khuyên cả.

* Nhưng là một người thầy, giáo sư có thể nói với học trò của mình chứ?

- Theo tôi nghĩ, tự mỗi người qua kinh nghiệm của mình tạo ra cách làm cho mình có năng lực nào đấy. Thí dụ, có thể khuyên gì với người đang khát khao tìm tòi kiến thức?

Không bao giờ xem cái đã học là đủ rồi. Luôn nghĩ rằng bên cạnh cái biết rồi còn những điều chưa biết, chưa được học. Ngay trong học khoa học, tôi đã có chút máu “nổi loạn” rồi. Học toán đại học nhưng khi học kiến thức tôi không nghĩ đó là chân lý duy nhất, chưa hẳn luôn luôn đúng. Chắc có khoa học, lý thuyết khác điều mình đã học, thậm chí ngược lại. Do đó phải tìm hiểu điều đó có không, nó ở đâu, tìm nó băng cách nào.

* Xin giáo sư cho một ví dụ?

- Thí dụ trong toán học, một môn khoa học ai cũng nghĩ tất nhiên 1+1=2, là chân lý. Nhưng có phải vậy không. Hồi mới tốt nghiệp đại học tôi đã hoài nghi chuyện ấy. Cũng như có nhất thiết không phải không là có hay không. Tôi hoài nghi. Có chân lý nào khác không. Hay là có những chân lý khác nhau. Tôi không tin cái gì tuyệt đối cả. Điều này nó lẳng nhẳng theo tôi hết địa hạt này đến địa hạt khác, hết lĩnh vực này sang lĩnh vực khác.

* Hiện giáo sư đang tìm tòi nghiên cứu vấn đề gì?

- Tôi đang nghiên cứu về cái phức tạp, khoa học về cái phức tạp. Nhiều cái hay tôi học được ở người ta thôi. Cái phức tạp không thể nhận diện được hoàn toàn, không rõ ràng, không chắc chắn, không mô tả được đầy đủ. Con người không bao giờ bất lực trước khó khăn gì, nhưng đừng ảo tưởng là hiểu đầy đủ. Cái phức tạp cũng đang là đối tượng nghiên cứu của khoa học thế giới hiện nay.

* Những ý tưởng, suy nghĩ mới này có thể lồng vào để hiểu các vấn đề đơn giản hơn trong giáo dục, học hành như thế nào?

- Tôi không thuộc những người quá bi quan về giáo dục, nhưng cũng không thuộc loại xem mọi sự tốt cả rồi. Giáo dục là cuộc đời. Mà cuộc đời vốn phức tạp lắm. Dạy người ta sống trong cuộc đời, nhiều yêu cầu, nhiều mẫu hình. Không theo mẫu. Đừng bắt. Họ phải theo những gì họ được thuyết phục. Tự mình đánh giá, xác định. Đó là một trong những cách để trưởng thành.

* Xin cảm ơn ông bà.

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI thức hiện


Số lần xem trang : 15196
Nhập ngày : 01-04-2009
Điều chỉnh lần cuối :

Ý kiến của bạn về bài viết này


In trang này

Lên đầu trang

Gởi ý kiến

 

  Dự báo tình hình mất việc làm: Thiếu căn cứ thực tế lẫn khoa học!(05-03-2009)

  The unfortunate uselessness of most ’state of the art’ academic monetary economics(05-03-2009)

  Thomas Friedman’s Five Worst Predictions(05-03-2009)

  IMF: Kinh tế VN dễ bị ‘tổn thương’ (05-03-2009)

  Trung Quốc: Trường ĐH trợ cấp phí tìm việc cho sinh viên(28-02-2009)

  Để cá tra bơi ra “biển lớn”(28-02-2009)

  “Không nên quá kỳ vọng vào gói kích cầu”(23-02-2009)

  Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN lập quỹ 120 tỷ USD bảo vệ đồng nội tệ(23-02-2009)

  "Vẽ" đô thị đại học(23-02-2009)

  Tổng điều tra nhu cầu, thực trạng ký túc xá toàn quốc(16-02-2009)

Trang kế tiếp ... 1 2 3 4 5 6 7 8

Website TS. Trần Đình Lý
Chức vụ: Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM
Địa chỉ: Nhà Thiên Lý- Đại học Nông Lâm TP.HCM
ĐT: 028-38966780 - Fax: 028-38960713
Email: tdinhly(a)hcmuaf.edu.vn -Website:http://http://www2.hcmuaf.edu.vn/?ur=tdinhly

Thiết kế: Quản trị mạng- ĐHNL 2007