Nguyễn Minh Đức
Đôla Mỹ vẫn thống trị hệ thống tài chính quốc tế
Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại London (Anh) hôm 2/4, Nga và một số nước muốn khởi động thảo luận vấn đề cải cách hệ thống dự trữ tiền tệ quốc tế ngay tại hội nghị.
http://www.vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/2009/04/3BA0D9FB/
Đề xuất của Nga về một đồng tiền dự trữ toàn cầu mới thay thế đồng USD đã được nhiều nước trên thế giới hưởng ứng, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Hàn Quốc, Venezuela... Theo đề xuất này, đơn vị tiền tệ dự trữ toàn cầu thay thế cho đồng USD sẽ là Quyền Rút vốn đặc biệt (SDR - Special Drawing Rights). SDR là đơn vị tiền tệ quy ước của một số nước thành viên Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). SDR được IMF đặt ra năm 1969 theo đề nghị của 10 nước trong Câu lạc bộ Paris gồm Bỉ, Canada, Pháp, Italy, Nhật Bản, Hà Lan, Thụy Điển, Anh, Mỹ, Đức.
Khi được khai sinh, SDR là tài sản dự trữ có tính chất quốc tế nhằm bổ sung cho tài sản dự trữ của các quốc gia thành viên. SDR có thể được sử dụng trong quan hệ tín dụng giữa các nước thành viên IMF với quỹ này cũng như trong thanh toán cán cân thương mại giữa các quốc gia. Khi giải ngân, có thể quy đổi ra một loại tiền tệ mạnh nào đó như đôla Mỹ, euro, yen Nhật... tùy tình huống. Tuy nhiên nó chỉ là đơn vị quy ước, chỉ được sử dụng để tính toán chứ không thực sự tồn tại trong lưu thông, do vậy người ta không thể tiêu nó như các loại tiền tệ khác.
Giới phân tích cho rằng việc đề nghị thay thế đồng USD bằng một loại ngoại tệ dự trữ khác đã phản ánh phần nào lo ngại của cộng đồng quốc tế trước nguy cơ đồng USD sụp đổ trong bối cảnh thế giới đang phải chống chọi với khủng hoảng kinh tế. Trong đó, có quan ngại về khả năng thanh toán của Mỹ. Và khi các cỗ máy in tiền của Mỹ phải hoạt động hết công suất thì nguy cơ siêu lạm phát là hoàn toàn có thể xảy ra.
Phía các nước ủng hộ cải cách hệ thống dự trữ tiền tệ quốc tế tại Hội nghị cấp cao G20 lần này cho rằng, hệ thống hiện nay không thích hợp và chứa đựng nhiều nguy cơ. Để thực hiện kế hoạch này, trong giai đoạn đầu, các nước phát hành đồng tiền dự trữ nhất thiết phải đưa ra một chính sách kinh tế vĩ mô có trách nhiệm hơn, tránh những hành động có thể gây hậu quả cho các đối tác.
Tuy nhiên, trước mắt thế giới nghiêng về giải bài toán ngăn chặn suy giảm kinh tế, khôi phục và duy trì tăng trưởng hơn là tính đến một hệ thống tiền tệ và tài chính mới có thể phản ánh trung thực toàn cảnh kinh tế thế giới, ở đó loại trừ sự độc quyền của đồng USD. Thủ tướng Anh G.Brown cho rằng, thế giới phải vượt qua 5 thử thách lớn để cứu nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng. Trong đó, có nhiệm vụ bảo đảm nguồn quỹ thích hợp cho các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), để những tổ chức này can thiệp vào các nền kinh tế thị trường mới nổi đang chịu tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Hầu hết các nhà phân tích đều không phủ nhận đơn vị tiền tệ của Mỹ tiếp tục thống lĩnh hệ thống tài chính quốc tế trong một thời gian dài. Mỹ vẫn là cường quốc kinh tế số một thế giới. Thực tế, USD từng là đồng tiền mạnh nhất thế giới. Các nước đều có chủ trương cất trữ USD. Và có một thực tế, khi cuộc khủng hoàng tài chính còn trong hành trình dò đáy thì chính Mỹ - “tâm bão” của cuộc khủng hoảng - vẫn hút được nhiều USD vào “túi” của mình.
Các nhà đầu tư coi USD là vịnh tránh bão, không những thế họ mang USD “cất” vào nơi được coi là an toàn: trái phiếu của Mỹ. Bản thân Trung Quốc đại lục - chủ nợ lớn nhất và quan trọng nhất ngoài biên giới nước Mỹ - đang sở hữu lượng trái phiếu Chính phủ Mỹ với giá trị 739,6 tỷ USD, trong đó riêng đặc khu Hong Kong mua 71,7 tỷ USD.
Trung Quốc tiếp tục mua "nợ" của Mỹ với khối lượng đáng kinh ngạc. Từ tháng 9/2008 đến tháng 1/2009, Trung Quốc đã mua thêm trái phiếu với giá trị 120 tỷ USD. Những thương vụ này đang làm cho giá trị đồng USD tăng lên và cung cấp cho chính quyền của Tổng thống Barack Obama hàng nghìn tỷ USD để tăng thanh khoản cho các nhà băng và kích thích tăng trưởng kinh tế, khi Chính phủ nước này không thể cắt giảm lãi suất thêm được nữa. Trên thực tế, lãi suất USD đã về ngưỡng 0-0,25%.
Không những thế, trên 99% hàng xuất khẩu của Mỹ tính bằng USD, và Mỹ cũng dùng USD để thanh toán đến 92,2% hàng nhập khẩu. Hơn 86% các khoản thanh toán trên toàn cầu đều được tính bằng USD; 60% USD lưu hành ở ngoài nước Mỹ. Riêng với khu vực châu Á, 75% tổng kim ngạch xuất khẩu và 65% nhập khẩu được chi trả bằng USD. Trong khi đó, đồng euro – đơn vị tiền tệ chung của châu Âu – sau hơn 10 năm chính thức lưu thông vẫn chưa thể thay thế được đồng USD.
Là đồng tiền được sử dụng rộng rãi trong kinh doanh trên toàn thế giới, đồng USD một lần nữa lại được khẳng định là đồng tiền dự trữ toàn cầu. Lo ngại của Mỹ thường là khi đồng USD tăng giá, nó sẽ làm giảm sức cạnh tranh về giá đối với hàng xuất khẩu của Mỹ trên thị trường quốc tế. Vấn đề quan tâm của Mỹ lúc này vẫn là thu hút đủ người mua các khoản nợ của Mỹ để tài trợ cho kế hoạch cứu nền kinh tế của họ.
Số lần xem trang : 14851 Nhập ngày : 05-04-2009 Điều chỉnh lần cuối : Ý kiến của bạn về bài viết này
Nhật Bản tạo ra cá vàng trong suốt đầu tiên của thế giới(03-01-2010) Bộ mặt mới của đại học Việt Nam?(10-12-2009) 10 CÂU NÓI BấT Hủ CủA BILL GATES(05-10-2009) What's wrong with economists? - Những tranh luận hiện nay về kinh tế (14-09-2009) Cuộc chiến "tanh tưởi" catfish war(23-05-2009) "Tiểu phẫu" nội bộ ngành chế biến cá tra xuất khẩu(05-04-2009) Toàn cầu hóa(18-03-2009)
|