Thủ tướng Chính phủ gửi Công điện khẩn số 1863/CĐ-TTg (16-10), yêu cầu UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình huy động mọi lực lượng, phương tiện sơ tán dân ở vùng ven sông, vùng bị ngập sâu, kiểm tra, có phương án bảo đảm an toàn các hồ chứa nước trước tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp...
Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCLB Nghệ An, đến 19 giờ ngày 17-10, đa số nhà dân ở khu vực ven thành phố Vinh bị ngập từ 0,2 -1,5m, chìm trong biển nước, nhiều tuyến phố ngập sâu trên 1m, làm chết 7 người, nhiều xã bị cô lập. Trong khi đó, những cơn mưa lớn vẫn trút xuống không dứt. Tổng lượng mưa ở hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An trong hai ngày đầu đã đạt mức từ 200 mm đến 400 mm. Một số nơi như Chu Lễ, Hòa Duyệt (Hương Khê), Sơn Diệm (Hương Sơn)... gần 600mm. Mưa lũ kỉ lục làm hồ thủy lợi Khe Mơ, xã Hàm Sơn, huyện Hương Sơn, dung tích 700.000 m3 bị vỡ đập chính.
Tỉnh Quảng Bình, 6/7 huyện gồm Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy và một phần TP Đồng Hới đã phủ tràn nước lũ, phổ biến từ 1,5 - 2m, cá biệt nhiều vùng đã vượt mức 2m. Hàng nghìn người dân đã rời bỏ nhà cửa để chạy lũ. Có khoảng 43.000 hộ dân bị ngập, riêng Lệ Thủy có 20.000 hộ bị ngập, 10.000 hộ bị ngập sâu trong lũ. UBND tỉnh di dời tiếp hơn 5.400 người tránh lũ quét. Hiện, Quảng Bình đang mất liên lạc với 28 tàu đánh cá của huyện Bố Trạch, Quảng Trạch với hơn 219 ngư dân. Lực lượng biên phòng đang ra sức tìm kiếm. Đường sắt lại bị lũ cô lập, ít nhất 5 điểm bị lũ dâng ngập khiến 2 đoàn tàu từ TP Hồ Chí Minh - Hà Nội phải dừng lại tại ga Đồng Hới. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tái thành lập Sở chỉ huy tiền phương tại xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch, 6 ca-nô ST 750, ST 660 đã lên đường cứu dân. 13.792 nhà dân thuộc huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa, Lệ Thủy, Quảng Ninh cũng chìm trong nước lũ.
|
Khẩn trương di dời dân ra khỏi vùng lũ đến nơi an toàn. Ảnh: IT
|
Tỉnh Thừa Thiên Huế có 1 người mất tích. Nước lũ khiến Quốc lộ 1A, 15A, đường Hồ Chí Minh, các tuyến tỉnh lộ, giao thông nông thôn bị ngập sâu, có chỗ lên đến 2,5m, gây ách tắc giao thông. Tại Quốc lộ 15, đường Hồ Chí Minh, nhánh đông và các tuyến tỉnh lộ của Quảng Bình nhiều đoạn bị ngập sâu từ 0,5- 2,0m; đường sắt Bắc Nam bị sạt lở, gây tắc đường.
Sáng 17-10, do chịu ảnh hưởng kết hợp của đợt gió đông trên cao, dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua Trung Bộ nối với vùng áp thấp hoạt động ở vùng biển Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi, không khí lạnh tăng cường nên các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình có mưa rất to. Lượng mưa trong hai ngày qua tại các tỉnh Nghệ An đến Quảng Bình phổ biến từ 150-300mm, có những nơi trên 600mm như: tại Vinh (Nghệ An): 627mm, Chu Lễ (Hà Tĩnh): 754mm, Hòa Duyệt (Hà Tĩnh): 628mm, Hà Tĩnh: 764mm, Tân Mỹ (Quảng Bình): 583mm.
Đến 4 giờ sáng ngày 17-10, mực nước trên các sông tiếp tục lên cao: Sông Cả tại Nam Đàn: 5,38m, ở mức BĐ1; Sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ: 16,49m, trên BĐ3: 2,99m (vượt lũ lịch sử năm 2a007: 0,36m); Sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt: 12,37m (lúc 24 giờ, ngày 16-10), trên BĐ3: 1,87m; Sông Ngàn Phố tại Sơn Diệm: 12,56m, dưới BĐ3: 0,44m; Sông La tại Linh Cảm: 5,99m, dưới BĐ3: 0,51m; Sông Gianh tại Mai Hóa: 7,10m, trên BĐ3: 0,6m; Sông Kiến Giang tại Lệ Thủy: 3,14m, trên BĐ3: 0,44m;
Trưa, chiều 17-10, mực nước trên Sông Cả tại Nam Đàn lên mức 6,2m, dưới mức BĐ2: 0,7m; Sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ ở mức 16,7m, trên BĐ3: 3,2m (vượt lũ lịch sử năm 2007: 0,57m); Sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt ở mức 12,8m, trên BĐ3: 2,3m (tương đương lũ lịch sử năm 1960); Sông Ngàn Phố tại Sơn Diệm ở mức 13,5m, trên BĐ3: 0,5m; Sông La tại Linh Cảm ở mức 6,7 m, trên BĐ3: 0,2m; Sông Gianh tại Mai Hóa ở mức 5,5m, trên BĐ2: 0,5m; Sông Kiến Giang tại Lệ Thủy ở mức 2,7 m, ở mức BĐ3. Mực nước các sông ở Thanh Hóa tiếp tục lên. Tình trạng ngập lụt sâu trên diện rộng tại các lưu vực sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình tiếp tục diễn ra nghiêm trọng. Đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi từ Nghệ An đến Quảng Bình. Tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp.
Việt Hà (Tổng hợp)
|