Nguyễn Hải Đăng (Dân trí) - Cầm bài thi môn Lý của cô con gái, chị H. cau mày trách móc: “Sao lại được có 5 điểm vậy con?”. Phụng phịu mặt, cô công chúa nhỏ trả lời: “Đề cô ra nằm ở phấn kiến thức dạy ở lớp học thêm. Mẹ có cho con đi học thêm đâu…”. Lời chia sẻ thành thực của cô con gái đang học tại một trường THCS khá nổi tiếng ở quận Đống Đa (Hà Nội) khiến chị H. buông tiếng thở dài: “Cho con đi học thêm thì quá tải mà không cho thì…”.
Rơi vào tình cảnh tương tự, chị K. có con đang học tại một trường tiểu học ở quận Cầu Giấy cũng mếu máo tâm sự: “Năm trước cho con đi học thêm thì điểm luôn khá giỏi. Năm nay thấy ngành đang có chủ trương giảm tải nên cũng “đánh liều” không cho con đi học thêm nữa bởi cháu học 2 buổi/ngày đã quá vất vả rồi và hậu quả điểm thi của cu cậu chẳng bao giờ được điểm khá”.
Chị K. cũng cho biết, một lần tình cờ kiểm tra vở và bài kiểm tra mới phát hiện ra có những câu hỏi rơi vào phần kiến thức con chị chưa được học trên lớp. Bức xúc với với “chiêu bài” của giáo viên (GV), chị K. đang xúc tiến triển khai để cho con chuyển trường. Tuy nhiên khi được hỏi liệu trường chuyển đến có tái diễn tình trạng này hay không chị chỉ biết trả lời với niềm tin mong manh: “Mình hi vọng là sẽ khá hơn”.
Là một người từng sát cánh với ngành giáo dục nhiều năm, nhà báo N.T.P có con đang học ở một trường tiểu học ở quận Long Biên cay đắng tâm sự: “Một lần định đưa con đi học thêm nhà cô thì được hay tuần này đổi sang ngày khác. Hỏi mới biết, hôm sau là ngày thi. Mục đích của việc làm này là do cô sợ các cháu lơ là, quên kiến thức nên phải phụ đạo ngay buổi tối hôm trước. Để cho khách quan, nhiều trường tiểu học hoán đổi GV coi thi và chấm thi. Dẫu vậy, một số câu hỏi trong đề kiểm tra vẫn giông giống với bài tập ở lớp học thêm. Dĩ nhiên các cháu đều làm được vì được ôn ngay đêm hôm trước”.
Đối với giáo viên việc dùng "thủ thuật" để HS phải đến với lớp học thêm không phải là quá khó (ảnh minh họa)
Cũng theo anh N.T.P thì hiện nay nhiều văn bản ban hành về việc dạy thêm học thêm. Nói về tính pháp lý và quản lý thì có lẽ rất nghiêm nhưng đó là về mặt văn bản. Còn thực tế quy định GV không được ép HS đi học thêm dường như vô nghĩa bởi thiếu gì cách để phụ huynh phải miễn cưỡng ký vào tờ giấy “tự nguyện” cho con tham gia học thêm.
Điều mà ai cũng biết là hiện nay nhiều bậc phụ huynh vẫn còn quá quan tâm đến điểm số. Chính vì thế không ít GV đã biết “đánh đúng” vào tâm lý này bằng cách cứ đến lớp học thêm thế nào điểm cũng ngất ngưởng.
"Ai mà chẳng vui khi con cái đạt điểm cao. Nhưng điểm số cao ấy có ích gì khi không xuất phát từ năng lực của chính bản thân các cháu? Là GV, chắc ai cũng hiểu được tác hại. Điều này chỉ khiến cho các cháu ngộ nhận, ảo tưởng và là mầm mống của thói hư danh vốn dĩ đang nhan nhản trong xã hội" - anh N.T.P chua chát nói.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm - hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng: “Hiện tượng dạy thêm, học thêm là một nhu cầu thực tế từ nhiều năm nay. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ chương trình học hiện nay rất nặng, nhất là trong thi cử. Chúng ta cần phải thay đổi cách học, cách vận dụng của HS làm sao để các em nỗ lực hơn, sáng tạo hơn. Chính vì thế việc ban hành các văn bản quy định chỉ là mang tính hình thức, nếu chưa giải quyết được những vấn đề cơ bản dẫn đến hoạt động dạy thêm, học thêm trở nên tràn lan”.
TS Lâm cũng thừa nhận hiện nay một số GV vẫn dùng các mánh khóe để ép học sinh phải học thêm theo nhiều hình thức, nhưng chủ yếu là học ở phạm vi ngoài nhà trường. Vấn đề đặt ra ở đây là nhà trường phải có trách nhiệm giải quyết hiện tượng này chứ nếu chúng ta cứ đi tìm điểm này, chỗ kia để dẹp thì rất khó, đi vào bế tắc giống như trước đây. Cần tạo một cơ chế linh hoạt để chính HS, phụ huynh được phát biểu, từ đó nhà trường sẽ có biện pháp cụ thể để ngăn chặn.
Vậy làm cách nào để phát hiện được những GV dùng “thủ thuật” để ép HS? Trước câu hỏi này, TS Lâm thẳng thắn nhìn nhận: “Quả thực việc này là rất khó bởi chúng ta không thể giám sát việc lên lớp của GV thường xuyên được. Những nếu có sự phối hợp tốt giữa Ban giám hiệu nhà trường và phụ huynh thì chắc chắn sẽ loại bỏ dần được hiện tượng này”.
GS Văn Như Cương thì lại cho rằng, trước hết chúng ta cần phải xem việc GV dùng “thủ thuật” ép học thêm có thực sự phổ biến hay không. Nếu có việc này thì bản thân Ban giám hiệu nhà trường phải chịu trách nhiệm. Nhà trường có thể thông qua giáo án chuẩn bị bài, các tổ bộ môn… để phát hiện ra những GV vi phạm.
Liên quan đến việc HS không đi học thêm với GV dạy ở lớp thì điểm thi sẽ không cao, GS Văn Như Cương đề xuất: “Chúng ta không thể cấm thầy cô dạy thêm ở ngoài nhà trường bởi đó cũng là một phần kiếm thêm thu nhập của họ. Tuy nhiên cần phải quy định những GV này dạy ở đâu thì dạy chứ không được dạy thêm cho những HS đang theo học trên lớp. Nếu phát hiện ra cố tình dạy thêm cho HS ở lớp thì cần phải xử lý nghiêm khắc”.
Nói là thế nhưng rõ ràng đối với các trường ngoài công lập thì dễ bởi khi phát hiện ra GV nào đó vi phạm về việc dùng “thủ thuật” để ép HS học thêm thì Ban giám hiệu có thể sẵn sàng kỹ luật hoặc buộc thôi việc nhưng ở trường công lập thì không dễ để làm việc này. Bản thân ngay trong quy định về dạy thêm học thêm mà Bộ GD-ĐT ban hành cũng không đưa ra hình thức xử lý đối với trường hợp vi phạm này.
Trong một cuộc giao ban mới đây với Sở GD-ĐT 5 thành phố lớn (Hà Nội, Cần Thơ, TPHCM, Đã Nẵng và Hải Phòng), Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh, hiện nay tình trạng dạy thêm học thêm đang bắt đầu nóng. Việc “nóng” ở đây xuất phát từ nhiều yếu tố chứ không phải là do giảm tải hay cắt bỏ chương trình. Năm học này Bộ GD-ĐT thực hiện giảm tải là bỏ những phần không phù hợp còn về kiến thức thì vẫn giữ nguyên. Chính vì thế các Sở cần quản lý mạnh mẽ về dạy thêm học thêm ngoài nhà trường hơn nữa.
Thứ trưởng Hiển cũng cho rằng, ai cũng đều có con hoặc cháu đi học thêm. Chúng ta biết căn bệnh của nó nên sẽ không khó để ngăn chặn vấn đề là ở chỗ có quyết tâm hay không. Khi phát hiện ra sai phạm cần phải xử lý kiên quyết, không thể cứ “vuốt ve” hay “chườm đá” mãi được. Nếu vẫn còn động thái này thì "bệnh "chỉ có tăng chứ không có giảm.
Nguyễn Hùng Số lần xem trang : 14925 Nhập ngày : 03-11-2011 Điều chỉnh lần cuối : Ý kiến của bạn về bài viết này
Các tin tức về giáo dục ở các báo Dạy kỹ năng bằng ngôn ngữ... chợ búa(10-10-2011) Mùa lũ, sân trường thành... nơi câu cá(07-10-2011) Cần làm rõ lợi nhuận - phi lợi nhuận trong dự thảo Luật GDĐH (06-10-2011) 15% giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên mới được mở trường CĐ(06-10-2011) Cậu học trò hiếu thảo sáng tạo mô hình (05-10-2011) Loạn trường đại học: Chỉ tiêu dân trí hay nhu cầu nhân lực?(05-10-2011) Cậu bé 10 tuổi mê viết tiểu thuyết(04-10-2011) Mẹ tắc tị... vì bài học của con!(04-10-2011) Bắt đầu phân hóa sâu sắc về "đẳng cấp" trường dân lập(03-10-2011) Cần bắt buộc các cơ sở giáo dục ĐH kiểm định chất lượng (03-10-2011) Trang kế tiếp ... 1
|