Cây mắc-ca và nhiều bài toán phải giải
Ngọc Hùng - Hoàng Sơn
|
Khách tham quan một vườn mắc ca của một hộ dân ở Đăk Nông. Ảnh: Thanh Thương |
(TBKTSG Online) - Việt Nam đang đặt mục tiêu trong 5 năm tới sẽ trồng khoảng 200.000 héc-ta mắc-ca tại Tây Nguyên, và ngân hàng cũng tham gia vào dự án này bằng cách cho nông dân vay vốn đầu tư với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, nhiều bài toán đang được đặt ra đối với loại cây trồng đang được quảng bá là đầy tiềm năng này, bao gồm bài toán về quỹ đất, bài toán về cung cầu... Đặc biệt, một câu hỏi khác là phải chăng tính hiệu quả của loại cây trồng này đã được phóng đại nhiều lần?
Đất vẫn là bài toán lớn
Hội thảo về Chiến lược phát triển cây mắc-ca (maccadamia) được tổ chức tại Tây Nguyên đầu tháng này, và tại đó, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienvietPostbank) thông báo sẽ thu xếp 22.000 tỉ đồng tín dụng cho nông dân Tây Nguyên trồng cây mắc ca, một loại cây lấy hạt được cho là có hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các loại cây công nghiệp truyền thống như hồ tiêu, cà phê, cao su...
Chương trình đặt ra một mục tiêu đầy tham vọng là phát triển diện tích trồng mắc-ca dự kiến vào khoảng 200.000 héc-ta. Câu hỏi lớn được đặt ra là tìm đâu ra nguồn quỹ đất lớn như vậy để phát triển loại "cây-tỉ-đô" như cách mà nhiều bài báo đã đề cập thời gian qua. Không thể phá thêm rừng để trồng cây mắc-ca, trong khi hiện tại đất ở Tây Nguyên đang được nông dân trồng cà phê, cao su, hồ tiêu, ca cao,...
Theo các chuyên gia, để có thể trồng được diện tích này, một phần diện tích cà phê già cỗi cần tái canh sẽ được chuyển sang trồng mắc ca, hoặc trồng xen mắc-ca với vườn cà phê.
Trong mấy năm qua, giá cà phê trên thị trường giữ ở mức ổn định từ 38.000 - 42.000 đồng/kg. Đây là mức giá khiến người nông dân yên tâm với cây cà phê nên không chặt bỏ để trồng các loại cây trồng khác như cao su hay hồ tiêu dù có thời điểm giá cao su ở mức cao hay giá hồ tiêu chạm ngưỡng gần 200.000 đồng/kg.
Theo số liệu thông kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN – PTNT), tính đến hết năm 2014, diện tích trồng cà phê tại 5 tỉnh Tây Nguyên gần chạm con số 640.000 héc ta, tăng khoảng 100.000 héc ta so với ba năm trước và tăng 140.000 héc ta so với quy hoạch của Chính phủ đến 2020.
Hơn nữa, có một thực tế là đất sau khi trồng cà-phê thường bị bạc màu, và phải mất vài năm để đất phục hồi, nên khó có thể trồng loại cây gì ngay trên diện tích cà-phê tái canh. Chưa kể cho đến nay chưa thấy có công bố nghiên cứu nào về việc liệu trồng mắc-ca trên diện tích cà-phê tái canh có phù hợp hay không.
Một trong những lý do được nêu ra để những người chủ trương đề án trồng mắc-ca trên Tây Nguyên muốn thúc đầy chương trình này là giá bán mắc-ca vào khoảng 5,5 đô la Mỹ/kg trái tươi, còn cà phê vào lúc cao điểm chỉ khoảng 2,5 đô la Mỹ/kg hạt khô, tức là mắc-ca có giá cao gấp 2 lần cà phê. Sản lượng mắc-ca ước tính khoảng ba tấn/héc-ta. Điều này có nghĩa là trên cùng một diện tích, giá trị mang về của mắc-ca cao gấp nhiều lần các cây trồng hiện nay như cà phê, cao su, ca cao, hay điều.
Tuy nhiên, một thành viên của Vicofa cho rằng, giá các mặt hàng nông sản cao hay thấp tùy thuộc từng thời điểm.
“Trước đây giá cao su có thời điểm lên đến 100 triệu đồng/tấn nhưng không ai dám khẳng định giá này sẽ neo ở vị trí này mãi, và thực tế hiện nay giá đã rớt mạnh xuống chỉ còn dưới 30 triệu đồng tấn, nông dân không dám khai thác mủ vì chi phí cao hơn doanh thu. Do vậy, việc so sánh giá mắc-ca và cà phê để khuyến khích nông dân ở Tây Nguyên trồng cà phê là chưa thuyết phục,” ông nói.
Ông Nguyễn Văn Mai, ở Đăk Lăk, người có hơn 1 héc-ta cà phê, cho rằng chưa chắc hiệu quả mắc-ca cao hơn cà-phê.
"Hiện tại mỗi năm vườn cà phê mang về cho gia đình thu nhập khoảng 150 -170 triệu đồng nên không cớ gì phải chuyển sang trồng cây khác, còn đối với diện tích già cỗi, chúng tôi sẽ ghép từ từ 2 sào một lần để không mất đi nguồn thu cho gia đình,” ông Mai nói.
Theo ông Mai, có thể ông chọn phương án trồng xen mắc-ca để thí điểm. Tuy nhiên, điều lo lắng của ông Mai là cả hai loại cây này cũng trồng trên một diện tích sẽ cạnh tranh dinh dưỡng, ánh sáng và có thể ảnh hưởng đến năng suất vườn cà phê.
Liệu có khả thi?
Những năm qua, nông dân Việt Nam luôn có tâm lý chạy theo cây trồng nào được giá trên thị trường; họ sẽ chặt bỏ cây trồng khác để trồng loại đang được giá, chẳng hạn như chặt điều trồng cao su, chặt điều trồng ca cao, và khi giá xuống thấp lại chặt ca cao trồng dừa, trồng bưởi da xanh, chặt cao su để trồng khoai mỳ (sắn)...
Thống kê của Cục trồng trọt, Bộ NN – PTNT cho thấy, trong vài năm trước, có khoảng 15.000 héc ta điều đã bị chặt bỏ mỗi năm để trồng cao su. Tuy nhiên, hiện giá cao su trên thị trường ở mức dưới 30 triệu đồng/tấn, và vì thế, đã có hiện tượng người dân chặt bỏ cao su để chuyển sang trồng khoai mỳ (sắn).
Chuyện xảy ra tương tự với cây ca cao. Khi cà phê ở mức 30.000 đồng/kg và ca cao có giá 55.000 -60.000 đồng/kg, đã có nhiều tỉnh, công ty “kêu gọi” người dân chuyển sang trồng ca cao.
Như vậy, nếu căn cứ vào giá bán để khuyến khích nông dân trồng cây một cây nào đó thì dễ xảy ra trường hợp khi giá xuống thấp, nông dân lại chặt bỏ cây được khuyến khích để trồng một loại cây khác.
Vì thế, hôm nay giá mắc-ca có thể cao gấp hai lần cà phê nhưng không có gì đảm bảo là mức giá này ổn định trong vài năm tới khi Việt Nam đã trồng được 200.000 héc ta, tương đương 600.000 tấn (mắc-ca có năng suất trung bình đang trồng thí điểm ở Tây Nguyên là 3 tấn/héc ta), nguồn cung cho thị trường dồi dào, giá có thể giảm.
Những năm trước, nhiều công ty có tham vọng đưa cây ca-cao vào Tây Nguyên và biến vùng đất này thành thủ phủ của mình đã không thể cạnh tranh nổi với cây cà phê nên đã chuyển vùng đến các tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nam bộ. Ban đầu, cây ca-cao cũng nhận được sự ủng hộ của các tỉnh. Bây giờ, những tỉnh như Bình Phước, Đồng Nai, Bến Tre chỉ trồng cây ca-cao xen với vườn điều, dừa chứ không muốn trồng chuyên canh.
Hiện Tây Nguyên có khoảng 200.000 héc ta trồng cao su. Và, trong bối cảnh giá cao su đang xuống thấp như hiện nay, sẽ có người dân chặt bỏ cao su để trồng cây trồng khác và mắc-ca có thể là một lựa chọn.
Do đó, câu hỏi còn bỏ ngỏ là đầu ra cho sản phẩm vì mới có một số công ty cam kết sẽ xây nhà máy chế biến. Chưa thấy có bất cứ nghiên cứu thị trường nào được đưa ra về nhu cầu trong nước và thế giới đối với hạt mắc-ca, và liệu chương trình trồng 200.000 héc-ta mắc-ca ở Tây Nguyên có gây nên tình trạng cung vượt cầu và giá rớt hay không.
Liệu có phóng đại?
Những đơn vị cổ vũ cho chương trình này xem mắc-ca là "cây-tỉ-đô" và thậm chí có tờ báo không ngần ngại khẳng định Việt Nam sẽ thu về hàng tỉ đô-la Mỹ mỗi năm từ chương trình mắc-ca này.
Phải nhắc đến một thực tế là chưa có nước nào, kể cả Úc là quê hương của cây mắc-ca với hơn bốn thập kỷ thương mại hóa loại cây trồng này, dám kỳ vọng vào con số tỉ đô từ mắc-ca. Tổng giá trị thị trường của hạt mắc-ca tại Úc, theo trang www.abc.net.au, chỉ đạt 200 triệu đô-la Úc vào năm 2009.
Tại Mỹ, mắc-ca được trồng nhiều tại Hawaii, nhưng diện tích đang giảm dần do hiệu quả không cao. Năm 2009, Mỹ nhập khẩu gần 7.500 tấn mắc-ca trị giá 54,27 triệu đô-la Mỹ, và xuất khẩu 766 tấn trị giá 8,22 triệu đô-la Mỹ, theo thông tin từ trang www.nass.usda.gov.
Giá trị hạt mắc-ca còn vỏ khô, theo thống kê từ năm 1990 đến 2009 tại Úc, chưa bao giờ đạt tới mức 4 đô-la Úc/kg, mà chỉ xoay quanh mức 2,5 đô-la Úc/kg. Cụ thể, theo trang thông tin www.daff.qld.gov.au, giá thấp nhất trong giai đoạn nêu trên là 1,5 đô-la Úc/kg vào năm 2007 và cao nhất là 3,6 đô-la Úc/kg vào năm 2005. Cá biệt năm 2014, giá hạt mắc-ca đạt mức 4 đô-la Úc/kg. Ngay cả tại Mỹ, giá hạt mắc-ca chế biến xuất khẩu, theo số liệu đề cập ở trên, cũng chỉ đạt trên dưới 10 đô-la Mỹ/kg.
Có lẽ giá hạt mắc-ca ở Việt Nam là rất cá biệt khi lên tới khoảng 500.000đ/kg còn vỏ cứng, trong khi giá nhân mắc-ca lên tới gần 1 triệu/kg, một phần là do những "đồn thổi" quá mức về cây-tỉ-đô này. Điều bất thường là giá này còn cao hơn nhiều lần so với giá mắc-ca đã được chế biến để xuất khẩu. Theo Vnexpress, Công ty Donafood thời gian qua đã xuất khẩu nhân mắc-ca chế biến với giá chỉ khoảng 15-18 đô-la Mỹ/kg.
Cây mắc-ca là loại cây lâu năm. Theo thống kê từ Úc, phải từ năm thứ 5 mắc-ca mới bắt đầu cho hạt với năng suất rất khiêm tốn là 300kg/héc-ta, và đến năm thứ 10 thì mới đạt năng suất ba tấn hạt nguyên vỏ mỗi héc-ta trước khi đạt mức ổn định từ 3,5 đến 4 tấn/héc-ta từ năm thứ 12 trở đi. Với giá bán tại nông trại Úc bình quân dưới 3 đô-la Úc/kg trong suốt hơn 10 năm qua, khó có thể khẳng định rằng hiệu quả của cây trồng này cao hơn cây cà-phê.
Việc giới thiệu cây mắc-ca trên vùng đất Tây Nguyên có thể là một hướng đi đúng nhằm giải quyết bài toán về tái canh cây cà-phê, tránh tình trạng sản lượng cà phê tăng cao khiến giá sụt giảm mạnh, đồng thời giúp đa dạng hóa các loại cây trồng.
Tuy nhiên, việc quảng bá quá mức về hiệu quả của cây mắc-ca, trước mắt chắc chắn sẽ tạo lợi nhuận "khủng" cho những người bán cây giống, có thể kéo theo nhiều hệ lụy khó lường nếu nông dân ồ ạt thay thế các loại cây truyền thống của mình bằng một loại cây trồng mới. Cần phải có những nghiên cứu chuyên sâu về thị trường, về cây giống - Úc đang có chương trình lai tạo giống mắc-ca mới có thể cho năng suất cao hơn 30% so với hiện tại - cũng như tính phù hợp của loại cây này với điều kiện thổ nhưỡng ở Việt Nam.