Trần Hoài Nam Nguyên nhân làm cho tình trạng nông nghiệp và nông dân trở nên bi đát
Thứ nhất, phần lớn các doanh nghiệp (DN) Việt Nam không được trang bị kiến thức và kỹ năng kinh doanh nông sản, nên rất thụ động, không biết tìm và mở thị trường cho nông sản, không có khả năng tổ chức nghiên cứu chế biến nông sản thô (nguyên liệu) thành sản phẩm có giá trị gia tăng, có thương hiệu độc đáo để đưa ra thị trường trong nước và quốc tế. Không có những doanh nhân có kỹ năng chuyên môn và có dũng khí để tổ chức được những vùng sản xuất liên hoàn từ ứng dụng khoa học công nghệ cao, đến tổ chức nông dân sản xuất theo qui trình tiên tiến (GAP), đến xử lý nguyên liệu, bảo quản và chế biến ra thành phẩm có thương hiệu.
Cả DN và Nhà nước đều để mặc nông dân muốn trồng gì thì trồng, nuôi con gì thì nuôi. Khi thu hoạch, nông dân lệ thuộc vào thương lái chứ ít có DN nào trực tiếp mua nguyên liệu từ nông dân. Hàng trăm thương lái mua mấy chục giống lúa khác nhau bán lại cho DN chế biến thì làm sao có gạo cùng chũng loại để xuất khẩu được giá cao?
Thêm vào đó, máy móc, thiết bị chế biến chưa hiện đại nên DN khó có thể có sản phẩm có chất lượng cao, nên giá bán ra thấp. Trong khi đó, một số DN độc quyền xuất khẩu gạo không thương hiệu, khi đấu thầu bán gạo cho nước ngoài đã hạ thấp giá để trúng thầu. (Bangkok Post ngày 30/4/2013 đưa tin VinaFood 2 trúng thầu với giá 459,75 USD/tấn gạo 25%, rẻ hơn Thái Lan 108,25 USD/tấn, cung cấp gạo cho Philippines từ tháng 7 - 9/2013).
Đối với trái cây cũng tương tự, không DN nào tổ chức với nhà vườn để sản xuất, xử lý và bảo quản trái cây nhằm tạo thêm giá trị gia tăng, mà chỉ có thương lái mua gom với giá rẻ mạt mà thôi, lại không xem xét đến chất lượng.
Thứ hai, từ Chính phủ đến Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mặc dù có chính sách tự do mậu dịch nhưng trong thực tế lại giao tất cả quyền hành xuất khẩu gạo cho một vài DN. Những DN này không lo xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, mà lo cạnh tranh dìm giá lúa để hưởng lợi, mặc cho nông dân "đem lúa cho vịt ăn".
Chính sách ruộng đất hiện nay của Nhà nước đã làm tăng hiện trạng sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, trong khi Luật Hợp tác xã nông nghiệp hoàn toàn không khuyến khích nông dân gia nhập hợp tác như Nghị quyết TƯ 5 Khóa IX và Nghị quyết TƯ 26 Khóa X chỉ đạo về kinh tế tập thể và hợp tác hóa nông nghiệp.
Ở Nhật Bản, quốc gia có lực lượng nông dân giàu ngang bằng các thành phần khác trong xã hội. Chính phủ Nhật dùng hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) làm công cụ xóa nghèo bằng cách bơm tiền tài trợ sản xuất cho nông dân qua HTX của họ. Nếu chúng ta cũng có HTXNN đều khắp, mỗi khi Nhà nước muốn giúp nông dân tạm trữ lúa thì chỉ cần rót tiền về HTX ứng trước tiền cho nông dân chi xài, ai nấy giữ lúa của mình, đến khi giá lúa tốt hơn thì họ bán lúa lấy tiền trả nợ cho Nhà nước.
Điều đáng tiếc nhất là cho đến nay, Nhà nước, cụ thể là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hành động chỉ theo kiểu chắp vá, thấy hư đâu sửa đấy, không có chiến lược khả thi, đồng bộ trong sản xuất và chế biến nông sản. Mỗi khi có bệnh dịch, Bộ đề nghị cứu trợ vài ngàn tỷ đồng; khi nông dân kêu ca bán lúa không được, Bộ đề nghị cho DN vay không lãi để mua lúa tạm trữ; thấy vài nơi có cánh đồng mẫu lớn để bán thuốc, bán phân cho dễ thì Bộ hô hào xây dựng cánh đồng mẫu lớn; và bây giờ thì đang đề nghị “tái cơ cấu nông nghiệp” trồng cây khác thay cho lúa!
Một chính sách nông nghiệp chỉ biết có cây lúa đã ăn sâu vào xương tủy lãnh đạo từ trung ương đến địa phương đã “giúp” người nông dân phá rừng làm lúa, ngăn chặn mọi mầm mống đa dạng hóa, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Mãi đến năm 2000 mới chú ý đến đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, nhưng cũng không cụ thể.
Một yếu kém nữa là trong thực tế, mọi chương trình phát triển nông nghiệp, nhất là cây lúa, cơ quan chủ quản thường khuyến khích mạnh ai nấy làm: anh khuyến nông thì hô hào trồng giống này, nuôi con kia mà không mua; anh bán thuốc, bán phân thì lo hô hào nông dân mua dùng; còn nông dân thì mạnh ai nấy làm, trăm người trăm vẻ với hàng chục giống lúa, mặc sức cho thương lái ép giá; còn các công ty lương thực của Nhà nước thì chỉ lo o bế thương lái, không đếm xỉa gì đến nông dân. Vì thế cho nên lúa cũng thua mà các loại nông sản khác như trái cây, cà phê, cá… cũng chịu, nông dân đành “bó tay”.
Không nông sản nào có thương hiệu mạnh được vì chúng đã được sản xuất không đồng bộ, chuỗi giá trị sản xuất bị tháo ra từng khoen, không ráp lại được.
Thứ ba, những bất cập trong đời sống của nông dân một phần cũng do chính bản thân người nông dân tạo nên. Nông dân ta chủ yếu là sản xuất nhỏ, manh mún, thích sản xuất tự do, không muốn hợp tác hóa. Phần lớn bà con nông dân không được học hành từ căn bản mà rất tự hào vì kinh nghiệm thực tế sản xuất của mình, không thấy và hiểu được những cơ sở khoa học của từng lĩnh vực sản xuất, cho nên bà con nông dân làm theo ý mình và theo lời quảng cáo hơn là theo khoa học. Do đó họ phải tốn kém nhiều, giá thành sản xuất bị đội giá nên lời không thỏa đáng, và có khi bị lỗ.
Nếu nông dân chịu khó học hỏi để trở thành nông dân kiểu mới thì họ sẽ sáng suốt hơn trong các quyết định sản xuất, không xa rời HTXNN và chấp nhận làm thành viên trung thực, thực hiện theo qui trình GAP một cách tự giác trong chuỗi giá trị sản xuất. Được như thế đời sống nông gia sẽ đổi mới ngay.
Phải tổ chức lại sản xuất và kinh doanh cây trồng, vật nuôi
Nếu xếp theo sản lượng thì đúng là trong hơn 20 năm qua, nông dân Việt Nam đã tiến vượt bậc trong sản xuất lúa, cao su, khoai mì, trái cây, cà phê, tiêu, cá tra, tôm… Nhưng mặt khác nông dân ta lại không trồng những thứ đang phải nhập khẩu lượng lớn là bắp và đậu nành.
Chúng ta đã và đang giúp cho nhiều quốc gia thiếu lương thực có cái ăn, nhưng đồng thời đã phá giá mặt hàng cà phê nên nhiều nước Nam Mỹ không bằng lòng.
Tuy nhiên đó chỉ là khối lượng mà thôi. Chất lượng các loại nông sản của ta rất thấp vì nông dân chưa có ý thức về chất lượng sản phẩm, và phần nhiều DN trong ngành chưa quan tâm nên chỉ mua nguyên liệu từ thương lái.
Nếu có DN đứng ra tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, thì chắc chắn nông dân sẽ tuân theo qui trình sản xuất, và do đó họ sẽ giữ chất lượng của nguyên liệu một cách triệt để, từ đó sản phẩm mà DN chế biến từ nguyên liệu đạt chuẩn này sẽ có thương hiệu tốt để vào thị trường một cách thành công.
Như trên đã nêu, Đảng và Nhà nước, cụ thể Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tập trung quá nhiều vào cây lúa, hô hào trồng cả vụ 3, thậm chí có nơi còn muốn trồng 7 vụ lúa trong mỗi 2 năm. Trồng lúa càng nhiều, càng làm tổn hại đất và nước và gia tăng biến đổi khí hậu, càng làm cung vượt cầu đưa đến rớt giá, và càng làm nông dân trồng lúa nghèo hơn. Có được chăng là ở thứ hạng cao trong danh sách các nước xuất khẩu gạo nhiều nhất (trong khi nông dân chịu thiệt), và nhiều cán bộ lãnh đạo được khen.
Đã đến lúc phải nhận rõ sự thật phũ phàng: Nước ta đang xuất khẩu lương thực trong sự hy sinh của nông dân chứ không phải vì lợi ích của nông dân. Khi bắt đầu xuất khẩu gạo, đáng lẽ phải biết dừng bớt trồng lúa và đa dạng hóa nông nghiệp. Trung tâm Phát triển Lúa đồng bằng sông Cửu Long của Đại học Cần Thơ đã đổi tên là Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống Canh tác từ năm 1990. Nhưng Nhà nước chỉ mới cho chủ trương đa dạng hóa nông nghiệp từ năm 2000, cũng chưa có chỉ đạo cụ thể.
Khi làm Đại biểu Quốc hội, những năm đầu thập kỷ 1990, tôi đã đề nghị chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp ở miền Bắc để nông dân giàu lên bằng cách trồng khoai tây thay thế lúa vụ Đông - Xuân vì hai lý do: 1. Thời tiết mùa Đông ở miền Bắc không thích hợp cho cây lúa, trong khi cây khoai tây phát triển tốt trong điều kiện giá rét, có thể đạt 15-20 tấn/ha; 2. Khoai tây miền Bắc thu hoạch trong tháng 2, tháng 3 dương lịch, đúng vào khoảng thời gian mà khoai tây tươi của các nước ôn đới vừa được dùng hết, do đó khoai của miền Bắc sẽ có thị trường. Để cho đồng bộ, tôi đề xuất thêm từng bước thay đổi tập quán ăn của người Việt Nam bằng cách đưa khoai tây vào nhà trẻ để tập cho các bé quen ăn khoai tây.
Với thí dụ về khoai tây, ta thấy rằng việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp phải căn cứ trên điều kiện đất đai, thời tiết, khí hậu, thị trường, không thể làm theo duy ý chí được. Không thể hô hào trồng cây này, cây kia rồi lại bỏ đó mặc cho nông dân “đem lúa cho vịt ăn”! Từng cán bộ khuyến nông phải có trách nhiệm với những lời khuyên của mình đối với nông dân, bảo người ta trồng gì thì phải chuẩn bị sẵn ai sẽ tiêu thụ cái đó.
Do đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải có cái nhìn thật hệ thống và toàn diện trong các chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mới mong cứu vãn nông nghiệp và nông dân thoát cảnh nghèo nàn, lạc hậu.
Tái cơ cấu phải bảo đảm hiệu quả kinh tế cho người làm nông nghiệpGiá trị đất đai tùy thuộc vào sản phẩm mà miếng đất đó có thể làm ra được. Ở Hà Lan người ta trồng các loại hoa quí, nhất là hoa tulip, để mỗi sáng đưa lên phi cơ xuất khẩu sang nhiều thủ đô và thành phố trên thế giới, doanh thu lên đến 40.000 USD/ha/năm.
Tại Tây Ninh của đất nước ta, một hecta đất lúa 2 vụ mỗi năm chỉ doanh thu khoảng 45 triệu đồng, nhưng nếu trồng mía thì được 50 triệu, khoai mì thì được 80 triệu, mãng cầu được 60 triệu và cao su được ít nhất 200 triệu đồng.
Tất nhiên doanh thu còn phụ thuộc thị trường, nên khi khoai mì chỉ bán được 400 đồng/kg thì người ta trồng mía; lúc khoai mì lên giá 2.400 đồng/kg thì người ta bỏ mía để trồng khoai mì. Do đó việc chuyển đổi cơ cấu phải cần những tín hiệu thị trường chính xác.
Hiện nay thị trường nước ta đang cần bắp và đậu nành để thay thế lượng nhập khổng lồ hằng năm. Nhưng đất lúa nào trồng được hai thứ này thì phải được cân nhắc.
Trong mọi qui hoạch nông nghiệp để chuyển đổi cơ cấu, phải thiết kế cả hệ thống liên hoàn gồm chuỗi giá trị cây trồng, vật nuôi để nông dân và DN có đầu ra cùng tham gia.
Phải có tầm nhìn toàn diện, phát triển theo hệ thống đồng bộ của chuỗi giá trị, từ giống - cây - con cho đến thị trường - trên bàn ăn của người tiêu dùng trong nước và thế giới.
Thí dụ, đối với mặt hàng gạo, chuỗi giá trị gắn liền giống lúa với đồng ruộng, nông dân gắn liền nhau trong HTXNN, cánh đồng mẫu lớn của HTX gắn với DN chế biến gạo có thương hiệu được phân phối trong nước hay xuất khẩu.
Đối với mặt hàng trái cây, chuỗi giá trị bắt đầu từ việc qui hoạch vùng trồng thích hợp với giống cây ăn trái, mọi nông dân trồng cây ăn trái sẽ gắn liền với một trung tâm xử lý và bảo quản trái cây để khi thu hoạch sẽ đưa trái cây về trung tâm bảo quản trước khi đưa vào phân loại kích cỡ, đóng gói, bảo quản chờ bán cho các siêu thị khi có giá tốt.
Đừng bao giờ để nông dân đi một mình!
GS.VÕ TÒNG XUÂN - Đại học Tân Tạo, Long An
Số lần xem trang : 14911 Nhập ngày : 18-07-2013 Điều chỉnh lần cuối : 18-07-2013 Ý kiến của bạn về bài viết này
Bài Đọc Chuyên Khảo cho sinh viên Nông nghiệp mới - Bài 4: Nông nghiệp công nghệ cao ở Việt nam – lối đi nào cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ?(14-10-2018) Nông nghiệp mới - Bài 3: Chiêm ngưỡng các khu nông nghiệp công nghệ cao khắp thế giới(14-10-2018) Nông nghiệp mới - Bài 2: Những ứng dụng công nghệ hiện đại nhất trong nông nghiệp(14-10-2018) Nông nghiệp mới - Bài 1: Tự động hóa ngành nông nghiệp(14-10-2018) Các dữ liệu "hoang tưởng" về cây mắc-ca (08-03-2015) Cây mắc-ca và nhiều bài toán phải giải (25-02-2015) Mắc ca: Ai mua, ai bán và làm sao giấc mộng tỉ đô thành sự thật?(23-02-2015) Loại cây biến hàng vạn hộ thành tỷ phú(17-12-2014) Làng thần kỳ: Bài học làm nông của người Nhật(15-12-2014) Triết lý kinh doanh từ quán cháo người Hoa(11-04-2014) Trang kế tiếp ... 1
|