Giá cà phê có dấu hiệu tiếp tục giảm và khó dự đoán
trước thời điểm bắt đầu niên vụ cà phê mới.
Hiện nay, giá cà phê trên thị trường nội địa ở mức 36.000- 36.300 đồng/kg, mức thấp nhất kể từ 21/12/2010. Theo nhận định của các chuyên gia, giá cà phê có dấu hiệu tiếp tục giảm và khó dự đoán trước thời điểm bắt đầu niên vụ cà phê mới.
Giảm khó lường
Ước tính của Volcafe, thành viên Tập đoàn ED & F Man, VN sẽ thu hoạch kỷ lục 30 triệu bao cà phê trong niên vụ 2013/2014. Cà phê của vụ mới đang được chào bán với giá trừ lùi 30 USD/tấn so với giá kỳ hạn, trong khi cà phê của vụ cũ có mức giá cộng 80 - 100 USD/tấn.
Theo Hiệp hội Cà phê ca cao VN (Vicofa), cà phê tồn trong dân khoảng 140.000 tấn. Lượng cà phê tồn trong dân là do trước đây, khi giá cà phê trên 40.000 đồng/kg, có thông tin giá cà phê tiếp tục tăng và sẽ đạt mức 50.000 đồng/kg khiến nhiều đại lý ở Tây Nguyên tìm cách mua vào, đợi giá lên để bán ra.
Với diễn biến giá cà phê hiện nay, Vicofa cho biết, khó dự báo được biến động giá cà phê trên thị trường nội địa. Vào đầu tháng 10, vụ cà phê 2013/2014 của VN sẽ bắt đầu. Khi đó, lượng cà phê thu hoạch trong dân sẽ nhiều và đây là cơ sở để nhiều người tin cà phê sẽ còn tiếp tục giảm giá trong những tuần tới.
Các chuyên gia cho rằng, giá cà phê thời gian qua đã giảm và có thể tiếp tục giảm nữa nên rất khó xác định mức giá thấp nhất. Một trong những lý do được nhận định là VN hiện không còn là nước có khả năng chi phối giá cà phê trên thị trường thế giới. Năm nay, lượng bán ra của VN không nhiều nhưng giá cà phê vẫn giảm là do Indonesia, Brazil đã bán ra với số lượng lớn.
Điểm yếu quản trị và dự báo
Theo báo cáo mới đây của Vicofa, nợ xấu, nợ quá hạn của DN cà phê vay tại các ngân hàng thương mại và Ngân hàng Phát triển Việt Nam hiện vào khoảng 6.330 tỷ đồng. Tình hình này buộc Vicofa phải yêu cầu các DN thành viên có báo cáo về tình hình nợ xấu và đề xuất hướng giải quyết cho DN.
Trước thực tế hết sức nghiêm trọng này Vicofa đã gửi kiến nghị và Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung mặt hàng cà phê thuộc đối tượng gia hạn thời gian vay vốn tối đa từ 12 tháng lên 36 tháng đối với các khoản vay tín dụng xuất khẩu theo quy định tại Nghị quyết 02 của Chính phủ.
Thế nhưng cũng có ý kiến nghi ngại rằng việc này liệu có giúp được nhiều cho DN trong bối cảnh hiện nay. Nhìn lại các DN cà phê có thể thấy đống nợ nần mà họ gặp phải không phải do đầu tư ngoài ngành. Đa phần DN cà phê đều tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính.
Vậy nguyên nhân do đâu? Theo ông Nguyễn Viết Vinh - Tổng thư ký Vicofa, điểm yếu của DN cà phê là chính khả năng quản trị và dự báo thị trường. Thực tế, DN cà phê gặp khó khăn chủ yếu là DN kinh doanh thuần túy thương mại vì những DN này không chủ động được vùng nguyên liệu. Vì vậy mặc dù giá cà phê tương đối ổn định nhưng các DN kinh doanh thuần túy thời gian qua gặp 3 khó khăn lớn nhất.
Thứ nhất những DN này phải vay và chịu lãi suất tín dụng đồng VN rất lớn (từ 18 đến 20%/năm) dẫn đến nợ xấu của doanh nghiệp ngày càng tăng.
Thứ hai nguồn lực tài chính của hầu hết doanh nghiệp cà phê trong nước đều rất thấp do vậy nguồn vốn đều được vay tín dụng với lãi suất cao.
Thứ ba quan trọng nhất, khó khăn với DN cà phê Việt là không gắn được với vùng sản xuất dẫn đến không chủ động được vùng nguyên liệu. Với diễn biến giá cà phê lên xuống thất thường có trường hợp DN kinh doanh dù ký hợp đồng mua hàng với người dân nhưng vẫn không mua được hàng.
Theo ông Vinh, từ trước đến nay các DN cà phê nội thường thực hiện giao dịch mua bán cà phê trước cả vài tháng đến cả năm (thuật ngữ kinh doanh gọi là giao dịch mua bán kỳ hạn). Tức là chưa có hàng nhưng đã giao dịch, khi giá cà phê không ổn định sẽ dẫn đến việc khó thu gom hàng. Ví dụ tháng 8 nhưng đã thực hiện ký kết giao dịch với đối tác tháng 10 mà trong tay chưa có nguồn hàng ổn định. Sau khi ký hợp đồng xong thì mới tổ chức thu mua khi đó giá cả biến động từ đó gây ra rủi ro trong kinh doanh với DN cà phê nội.
Vực dậy cách nào?
Vicofa đang tích cực quảng bá để đẩy mạnh tiêu dùng cà phê trong nước.
|
Trrước thực trạng giá cà phê sụt giảm, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa cho rằng, cần đảm bảo phát huy nội lực cả cung và cầu để phát triển ổn định ngành cà phê. Có chính sách khuyến khích tăng tiêu thụ cà phê trong nước qua các kênh truyền thông, hướng dẫn việc tiêu thụ “cà phê được chế biến hoàn toàn từ cà phê”. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất chế biến cà phê tiêu dùng quy mô nhỏ, đặc biệt có chính sách hỗ trợ dự án xây dựng nhà máy cà phê tiêu dùng quy mô lớn, tạo được lực cầu bảo hộ giá cho cà phê VN, tránh bị ép giá như hiện nay vì phần lớn lượng cà phê đang cần phải được xuất khẩu. Bên cạnh đó, tập trung phát triển quy hoạch vùng nguyên liệu sản xuất cà phê bền vững: phát triển diện tích cà phê có chứng nhận, sản xuất cà phê đạt tiêu chuẩn cao, giảm giá thành, đạt năng suất, bảo vệ môi trường và cộng đồng xã hội.
Theo ông Tự, hiện nay cả nước có đến 200 DN tham gia xuất khẩu cà phê - số lượng DN như vậy là quá nhiều trong khi nguồn hàng không ổn định - đây là điều bất cập. Đáng ra chỉ nên duy trì mức khoảng 40 đến 50 DN xuất khẩu với lượng cà phê lớn là phù hợp.
Ông Tự cho biết, Vicofa đang tích cực quảng bá để đẩy mạnh tiêu dùng cà phê trong nước, nâng mức tiêu thụ trong nước lên 15% trong 10 năm tới: Xây dựng văn hóa uống cà phê và cùng với Tổng cục Quản lý chất lượng, Bộ Y tế xây dựng tiêu chuẩn cà phê rang xay đảm bảo an toàn, tăng cường quảng bá các thương hiệu sản phẩm cà phê chế biến.
Thái Liên(Thứ sáu, 27-09-2013;VCCI)