Tỷ lệ tốt nghiệp THPT giảm mạnh, lượng hồ sơ ảo tăng và nhiều ĐH đối mặt với việc bù lỗ hàng trăm triệu đồng.
ĐH Nông Lâm TP HCM có tổng hồ sơ đăng ký cao thứ nhì toàn quốc, khoảng 56.000 bộ. Mọi năm, hồ sơ ảo vào trường này chiếm 20-25%. Năm nay, theo ông Trần Đình Lý, Ủy viên Hội đồng tuyển sinh, hồ sơ ảo có thể chiếm 30-35% và trường sẽ lãng phí 300 triệu đồng (riêng chi phí in đề thi tăng gấp đôi). Năm ngoái, trường lỗ 200 triệu đồng.
"Chúng tôi biết số thí sinh giảm nhưng không thể vì thế mà sắp xếp lại phòng, giám thị, giấy thi... Thí sinh đã được bố trí địa điểm thi, số báo danh trước khi có điểm tốt nghiệp", ông Lý nói.
Cũng theo ông Lý, thí sinh ảo sẽ tăng cao ở những trường tốp giữa và tốp dưới. Ở những trường tốp trên như ĐH Bách khoa, ĐH Y Dược, ĐH Kiến trúc TP HCM... phần lớn thí sinh đăng ký có học lực khá, giỏi, đã đỗ tốt nghiệp, nên hồ sơ ảo không đáng kể.
|
Thí sinh trao đổi bài sau giờ thi. Ảnh: Hoàng Hà.
|
Trưởng phòng Đào tạo ĐH Y Dược TP HCM Lý Văn Xuân cũng có ý kiến tương tự. Năm nay, trường nhận gần 30.000 hồ sơ, tăng 49% so với năm ngoái. Theo ông Xuân, lượng thí sinh thi vào trường không bị tác động nhiều bởi tỷ lệ tốt nghiệp, vì mọi năm, tỷ lệ hồ sơ ảo chỉ chừng 20%.
"Thí sinh lượng sức được 25 điểm trở lên mới đăng ký vào trường chủ yếu phải là những em có học lực khá, giỏi. Còn trường nào lấy chuẩn chừng 17 điểm, nhiều thí sinh học lực trung bình đăng ký thì dễ trượt tốt nghiệp", ông Lý phân tích.
Không đưa ra dự đoán về tỷ lệ thí sinh bỏ thi nhưng Tiến sĩ Nguyễn Hoàng, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Viện ĐH Mở Hà Nội khẳng định, chắc chắn hồ sơ ảo sẽ tăng hơn năm ngoái bởi các em yếu kém không đủ điều kiện dự thi. Tuy nhiên, trường vẫn bố trí phòng thi và giám thị theo lượng hồ sơ đăng ký.
"Nộp hồ sơ là quyền của thí sinh. Các em có quyền lựa chọn trường tùy theo khả năng và điều kiện cụ thể của bản thân", ông Hoàng nói. Năm nay Viện ĐH Mở có 21.000 hồ sơ đăng ký dự thi vào 2 đợt. Tỷ lệ chọi vào trường khoảng 7,5. Năm ngoái, hơn 70% thí sinh dự thi.
Là trường tốp dưới, Hiệu trưởng ĐH DL Thăng Long Phan Huy Phú dự đoán, tỷ lệ thí sinh dự thi năm nay sẽ dưới 60% (thấp hơn năm trước 10%). ĐH DL Thăng Long nhận 3.500 hồ sơ đăng ký dự thi vào 2 đợt, tăng hơn năm ngoái 1.500 bộ. Tỷ lệ chọi vào trường khoảng 2,7.
Thứ trưởng Bành Tiến Long: Năm nay, tỷ lệ đỗ thấp hơn năm trước hơn 30% nên chắc chắn số thí sinh dự thi sẽ giảm do trượt tốt nghiệp. Trên cơ sở đó, tỷ lệ "chọi" trong ở từng trường cũng sẽ giảm. Tuy nhiên, những trường có điểm tuyển từ 20 trở lên, tỷ lệ "chọi" có thể tương đương năm ngoái. Tổng số hồ sơ là 1,8 triệu bộ, trong khi chỉ có 1 triệu thí sinh, trung bình mỗi em nộp 1,8 hồ sơ.
|
Trong khi các trường trung bình lo lắng, thì các trường đại học danh tiếng lại khá tự tin. Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng ĐH Xây dựng Hà Nội, cho biết, dù năm nay tỷ lệ trượt tốt nghiệp cao nhưng trường không lo ngại về lượng hồ sơ ảo. "Khi nộp hồ sơ vào trường nằm trong tốp đầu như ĐH Xây dựng, thí sinh đều phải cân nhắc kỹ. Do vậy, lượng hồ sơ ảo vào trường chắc sẽ không nhiều", ông Hùng nói.
Tin tưởng vào chất lượng thí sinh dự thi, ông Dương Đức Hồng, Trưởng phòng đào tạo ĐH Bách Khoa Hà Nội nhận định, dù tỷ lệ tốt nghiệp THPT thấp nhưng trường vẫn chưa có dự đoán gì về lượng thí sinh bỏ thi. "Lượng phòng thi và cán bộ coi sẽ không đổi, đủ cho gần 14.000 thí sinh dự thi. Nếu lượng hồ sơ ảo tăng, trường phải bù lỗ nhiều hơn. Năm ngoái, tỷ lệ thí sinh dự thi đạt gần 80%", ông Hồng nói.
Hiệu phó ĐH Hà Nội Đỗ Duy Truyền cũng không lo lắng về vấn đề hồ sơ ảo bởi ông tin rằng, chỉ những thí sinh đủ khả năng đỗ tốt nghiệp mới đăng ký vào trường. Năm nay, lượng hồ đăng ký vào ĐH Hà Nội chỉ đạt 7.000 bộ, sụt gần một nửa so với năm trước (hơn 11.000 bộ). Tỷ lệ thí sinh dự thi vào trường năm 2006 là gần 65%.
Dù đoán lượng thí sinh ảo năm nay sẽ cao hơn năm ngoái, nhưng đại diện nhiều ĐH vẫn tỏ ra lạc quan, vì cho rằng, kết quả tuyển sinh không bị ảnh hưởng. Ngược lại, một số tiêu cực phòng thi có thể sẽ giảm.
"Những em không đủ điểm tốt nghiệp thì khó đạt mức sàn ĐH của Bộ. Thi tốt nghiệp nghiêm túc, tỷ lệ đỗ thấp nhưng là một lần lọc để kỳ thi ĐH 'sạch' hơn", Trưởng phòng Đào tạo ĐH Dân lập Văn Hiến Nguyễn Quốc Hợp, nhận định.
Trong kỳ thi tuyển sinh 2006, hàng loạt trường có tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi chỉ bằng 50-60% tổng số hồ sơ. Nhiều phòng thi, số thí sinh chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Khối A ĐH Quốc gia Hà Nội chỉ có 55% thí sinh dự thi, Học viện Tài chính 52%, ĐH Ngoại thương 54%, ĐH Kinh tế Quốc dân 56%, Học viện Ngân hàng 60%...
Với tỷ lệ thí sinh ảo quá lớn, Học viện Tài chính phải bù lỗ chừng 500 triệu đồng, ĐH Thương mại lỗ 600 triệu đồng, còn Học viện Ngân hàng cũng phải bù thêm 150 triệu đồng.
|