Trang thông tin Nguyễn Quốc Bình - Khoa Lâm nghiệp - NLU
Tôi là một người đã và đang làm nhiệm vụ giảng dạy. Trên quan điểm của tôi, vụ tạt axit của một sinh viên bị thi trượt nhiều lần với thầy đã từng dạy mình là một kết quả mà ở đó xung đột đã lên tới đỉnh của nó.
Phía trước hành động này có thể có rất nhiều căn nguyên. Thứ nhất, việc xin điểm - cho điểm ngày nay của một bộ phận sinh viên – học sinh và giáo-giảng viên không còn hiếm hoi. Có thể, việc này đã đến cao đỉnh của nó mà sinh viên, học sinh nhìn nhận việc này là chuyện của xóm làng. Thứ hai, sinh viên, học sinh ngày nay xem việc học chỉ để nhận được bằng cấp hơn là nhận được kiến thức, kỹ năng cho riêng mình. Vì thực tế, rất nhiều sinh viên sau khi ra trường không sống bằng chuyên môn của mình. Điều này do đặc thù của từng ngành nghề - nhất là những ngành nghề không chen chân kiếm được nhiều tiền, trường ĐH Nông Lâm có rất nhiều ngành như thế, vì là một trường Nông nghiệp. Mặt khác, việc tuyển - sử dụng lao động ngày nay ở đại đa số các đơn vị sử dụng lao động chỉ dựa trên bằng cấp hơn là trên năng lực thực sự của lao động.
Những việc như vụ tạt axit này, trong tương lai chỉ có thể không xảy ra khi người sử dụng lao động (hay xã hội) không dựa trên bằng cấp mà chỉ dựa vào năng lực; chương trình đào tạo nhằm phân loại sinh viên chứ không phải có quá nhiều quyền lực như việc cho ra trường - hay không cho ra trường bằng điểm quy định là 5 trở lên; người Thầy chuyên tâm vào chuyên môn để đào tạo thế hệ Trò đủ năng lực khi lương bổng không là mối bận tâm - làm việc nhưng dạ dày không cồn cào. Chỉ đến khi đó, người thầy mới giữ được được mình cả về mặt đạo đức và nhân mạng; Trò mới đặt người Thầy trên một vị thế cao nhất.
Nhân đây tôi kể ra một việc mà tôi từng đối mặt. Tôi được cử đi dạy tại một tỉnh nọ. Kết thúc môn học, học trò có tặng một hộp quà. Tôi hỏi: "Quà gì trong này?". "Dạ, đặc sản của địa phương chúng em, thầy nhận cho!.
Với kinh nghiệm nhận quà (ngày mới đi dạy, tôi có nhận một gói quà - theo lời học sinh là cà phê rồi mang về tặng lại người thân và người thân phát hiện ngoài 1 kg cà phê còn có 450000 đồng trong đó), tôi lật ngược gói quà và xé giấy gói, nhận những đặc sản của học trò. Phần còn lại tôi cho vào sọt rác. Các học trò của tôi mặt lạnh lùng nhìn còn tôi tròn mắt: "Những gì tôi nhận là điều thiên liêng nhất trong tình Thầy - Trò".
Thi hết môn tôi dạy, quá 1/2 số học trò không đạt. Số học trò đạt cũng đúng bằng số thường có mặt trên lớp. Thi đi, thi lại đến lần thứ 3 vẫn còn một số học trò không có cải thiện về mặt kiến thức, tôi phải thảo luận với trưởng bộ môn để tìm hướng giải quyết. Trong quá thi đi thi lại, không ít học sinh đã đến nhà gởi tiền cho vợ, cho con tôi nhưng vợ, con tôi nói để tôi trả lại (không rõ là liệu có ai đưa tiền cho vợ, con không nói với tôi).
Hiện tại, đối với suy nghĩ của một số học trò, tôi là "Sát thủ cán bộ lớp" vì những cán bộ lớp thường không trượt, chỉ rớt môn tôi dạy! May mà đến giờ này không còn một học sinh nào thi đi thi lại trên 4 lần mà chưa đạt môn tôi chứ không…!
Số lần xem trang : 14855 Nhập ngày : 27-08-2009 Điều chỉnh lần cuối : 25-10-2011