HOÀNG HỮU CẢI

Trang chủ NLU | TTTH | Khoa Lâm nghiệp | Trang nhất | Sơ đồ trang |
Giới thiệu Giảng dạy Tài liệu học tập Thông tin cá nhân
Thống kê
Số lần xem
Đang xem 1
Toàn hệ thống 1268
Trong vòng 1 giờ qua
Trang liên kết

Thành viên

Email:
Password

Nội dung

  HOÀNG HỮU CẢI

  Hai vấn đề liên quan đến cuộc thảo luận IK & IP là bằng sáng chế và quyền của người cải tạo giống cây trồng.

 

2. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ
Quyền sở hữu trí tuệ (IPR) là các cơ chế để bảo vệ “các sáng chế” của cá nhân và công nghiệp, và thường có hiệu lực trong những thời gian nhất định. Các quyền lợi hợp pháp này có thể gắn liền với thông tin nếu thông tin có thể được áp dụng để tạo ra một sản phẩm riêng biệt và có ích. Các quyền lợi hợp pháp này ngăn cấm sự sao chép, mua bán hay nhập khẩu một sản phẩm khi không được phép của chủ sở hữu. Về cơ bản, có sáu hình thái của sở hữu trí tuệ: bằng sáng chế (patents), quyền của người cải tạo giống cây trồng (plant-breeders’ rights), quyền tác giả, thương hiệu, mẫu mã thiết kế công nghiệp, và bí mật thương mãi. Bằng sáng chế và quyền của người cải tạo giống cây trồng là hai vấn đề liên quan đến cuộc thảo luận này (RAFI 1996a).
 
Để được cấp bằng sáng chế, các sáng chế phải mới, không có sẳn một cách hiễn nhiên, và phải có ích. Theo lý thuyết, luật pháp về sở hữu trí tuệ đảm bảo rằng các nhà sáng chế (cá nhân và tổ chức) sẽ được cấp bằng sáng chế cho sự đầu tư của họ nếu các sản phẩm của họ là có thể được thương mãi hóa thành công. Các cơ chế IPR cung cấp cho người nhận bằng sáng chế được độc quyền đối với sáng chế của mình trong thời hạn 17–30 năm và các đặc quyền về việc sử dụng các sáng chế của họ. Các cơ chế IPR cũng cho phép người được cấp bằng sáng chế có quyền kiểm soát sự tiếp cận, hay ấn định các điều kiện về việc mua bán sáng chế, như người được cấp bằng sáng chế có thể thay đổi các điều kiện nhượng quyền. Người được cấp bằng sáng chế có thể từ chối việc tiếp cận của một số khách hàng. Trong thực tiển, chế độ sở hữu trí tuệ đã phát triển thành các cơ chế cho phép các công ty bảo vệ các thị trường và việc mua bán công nghệ giữa họ với nhau, và ngăn cản các doanh nghiệp nhỏ tham gia vào thị trường này (RAFI 1996a).
Luật pháp về bằng sáng chế lúc đầu được xây dựng để bảo vệ các sáng chế cơ khí. Trong lịch sử, các nước nhập khẩu công nghệ thường ngần ngại chấp nhận các luật lệ về bằng sáng chế, muốn tránh phải chi trả tác quyền cho các nước khác. Ngược lại, các nước xuất khẩu công nghệ lại lo ngại bị mất quyền lợi do các sáng chế của họ đối với các nước khác có quan hệ mua bán (RAFI 1996a).
 
Trong những năm 1800, phần lớn quy định luật pháp quốc gia về bằng sáng chế ở Châu Âu đã loại trừ việc bảo vệ sáng chế về sinh học, thực phẩm, và thuốc men. Tuy nhiên, từ đó đến nay, đã có nhiều thay đổi lớn. Các sáng chế trong nhóm sinh học được đưa vào đối tượng bảo vệ sở hữu trí tuệ với Đạo luật về Sáng chế Thực vật (Plant Patent Act) của Hoa Kỳ vào năm 1930, nhắm đến một số giống cây trồng được nhân giống vô tính. Dầu thập niên 1960, Hoa Kỳ thông qua một đạo luật cho các nhà cải thiện giống được quyền đang ký sáng chế về hạt giống, nghiêm cấm việc mua bán hạt cùng giống được đăng ký khi không được phép của người sáng chế (Lehman 1994). Từ năm 1980, khi Toà án Tối cao Hoa Kỳ quy định rằng các giống vi khuẩn tiêu hóa các sản phẩm dầu lửa cũng được cấp bằng sáng chế, đã xuất hiện một xu hường mở rộng phạm vi cấp bằng sáng chế cho nhiều đối tượng sinh học (Harry 1995b). Vào năm 1985, Sở Quản lý Sáng chế và Thương hiệu đưa ra một quy định rằng các đối tượng thực vật có thể được xem xét theo luật pháp sở hữu công nghiệp, và , trong năm 1987, các đối tượng động vật cũng được cấp bằng sáng chế (RAFI 1996a). Trong trường hợp của các vật liệu thực vật, bằng sáng chế có hiệu lực từ 17 đến 30 năm.
 
Hiện tại, có nhiều chế độ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ khác nhau được thực thi ở Châu Âu, Hoa Kỳ, và những nơi khác. Các văn bản luật pháp mới hơn có xu hướng bao hàm một phạm vi rộng các đối tượng sinh học và điều đáng ngạc nhiên là đã cấp quyền sở hữu cho một số lớn trường hợp. Hơn thế nữa, mỗi lần luật pháp về IPR được sửa đổi, phạm vi bảo vệ và quyền của người được cấp bằng sáng chế lại có xu hướng được mở rộng thêm.
 
Công nghệ di truyền
 
Các công ty công nghệ sinh học quan tâm đến các công nghệ cải thiện giống thường nhắm đến việc phát triển các giống cây trồng có thể sinh trưởng trong các phạm vi địa lý rộng hơn; các giống chịu được thuốc diệt cỏ (cho phép sử dụng thuốc diệt cỏ thường xuyên hơn); trái cây thực phẩm chín chậm hơn (cho phép vận chuyễn xa hơn); cây trồng và vật nuôi cung cấp dược liệu (dùng sinh vật như là xưởng sản xuất dược phẩm); động vật tăng trưởng nhanh hơn hay có các đặc điểm “mong muốn” (ví dụ, heo siêu thịt tăng trọng nhanh, có ít mở); và các loài cây có thể cung cấp các sản phẩm như cacao hay vani. Trên thị trường, hiện đã có các chế phẩm công nghệ sinh học thay thế cho hoa màu như đường và dầu thực vật, đe dọa nền kinh tế của một số nước đang phát triển (Meister và Mayer 1995).
 
Một số sinh vật được biến đổi di truyền có thể có những tác động bất lợi không lường trước được đối với các loài khác và môi trường. Một trường hợp của Đại học Bang Oregon đã thuyết minh cho điều này (Dawkins et al. 1995). Các nhà khoa học đã thay đổi cấu trúc của một loài vi khuẩn làm cho nó có thể chuyễn hoá phế liệu nông nghiệp và sản xuất ethanol làm nhiên liệu. Các cuộc thí nghiệm được thực hiện về sau trong tiến trình (và có thể mắn là trước khi vi khuẩn này được phóng thích) đã xác định rằng vi khuẩn mới cũng phá hoại các loài nấm rễ cộng sinh có lợi và qua đó cản trở các loài thực vật lân cận trong việc hấp thu nitrogen, một dưỡng liệu quan trọng.
 
Công nghệ di truyền hiện phần lớn vẫn chưa được điều chỉnh chỉ ở một số bang và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế là có một số quy định về việc phóng thích các sinh vật đã biến đổi di truyền (Harry 1995b). Nhiều nước đang phát triển không có các quy định này. Sự phóng thích không kiểm soát và bất hợp pháp các sinh vật biến đổi di truyền đã xẫy ra, đặc biệt trong các nước phương nam, và một số công ty có vẻ như đang sử dụng các nước đang phát triển làm địa bàn khảo nghiệm (Meister và Mayer 1995). Nhóm Công tác Shiva về Tính bền vững toàn cầu đang đấu tranh cho việc trì hoản việc phóng thích các sinh vật biến đổi di truyền trên phạm vi toàn cầu cho đến khi có những quy định chặt chẻ hơn được thực thi, bao gồm việc trao đổi, vận chuyễn, và sử dụng, đang tranh luận về nguy cơ có thực của sự “ô nhiễm di truyền” (SWGGS 1995a). Ít có các cuộc thảo luận trong công chúng về khía cạnh đạo đức và các vấn đề đạo đức mà công nghệ di truyền đang đặt ra: Liệu các sinh vật mới này có cần thiết hay liệu chúng ta có thực sự muốn có?
 
 
Các nước như Argentina, Brazil, và Ấn Độ đã cho phép cấp bằng sáng chế cho các tiến trình nhưng không phải cho các sản phẩm và thuyết phục những người được cấp bằng sáng chế trong việc tạo ra các sản phẩm có ích cho xã hội được cung cấp cho thị trường trong nước (Dawkins et al. 1995). Cách tiếp cận này đã hỗ trợ cho việc ngăn cách các nền kinh tế quốc gia khỏi thị trường toàn cầu và tác động từ thị trường độc quyền của các công ty xuyên quốc gia.
 
Ở Hoa kỳ, Cơ quan Quản lý Sáng chế Có ích về Thực vật thành lập năm 1985 hiện là cơ quan có quyền lực cao nhất trong việc bảo vệ các sáng chế về hay liên quan đến thực vật. Một sáng chế được áp dụng có thể bao gồm nhiều giống hay thậm chí toàn bộ một chi hay các loài. Các bằng sáng chế thực vật có thể bao gồm vật liệu sinh học, các tiến trình, gen, protein, các tiến trình tái tổ hợp và kỹ thuật nuôi cấy, các bộ phận thực vật, và hạt giống. Ví dụ, người được cấp bằng sáng chế về xác định các gen mới có thể được bảo vệ đặc quyền trong 20 năm về việc kiểm soát gen này trong bất kỳ thực vật nào, bao gồm hạt giống và các mô xuất phát từ chúng. Bằng Sáng chế Có ích về Thực vật thường được sử dụng để bao gồm các vật liệu biến đổi di truyền — cho dù là toàn bộ sinh vật, mô để nuôi cấy, tế bào, hay chuổi DNA — và các vật liệu chuyễn gen.
 
Sinh vật chuyễn gen
 
Vật liệu chuyễn gen là các hình thái sinh vật được tạo ra bằng cách chuyễn các gen chọn lọc từ một giống hay loài sang giống hay loài khác. Hiện có nhiều sinh vật chuyễn gen: gen của chuột được chuyễn cho heo để cố gắng gia tăng khả năng sinh sản của heo; một gen của người được chuyễn cho bò để xem liệu thế hệ sau bò có thể tạo ra các loại protein có trong sửa của người (Davidman 1996); gen của heo và gà được chuyễn cho thực vật (SWGGS 1995b). Có một số sự lo ngại rằng cùng với việc chuyễn gen có thể mang theo khả năng gia tăng dị ứng hay làm mất hiệu lực các kháng sinh vì sự kháng thuốc. Đối với thực phẩm, có sự lo sợ rằng sự kháng thuốc này được chuyễn cho con người (Davidman 1996). Hiện vẫn chưa có yêu cầu dán nhãn lên các sản phẩm này; do đó, các vấn đề về sức khỏe, ràng buộc về tôn giáo, và sở thích thực phẩm như những người ăn chay có thể bị thiệt hại (SWGGS 1995b).
 
 
Ở cấp quốc tế, câu hỏi những gì có thể được cấp bằng sánh chế vừa phức tạp vừa chưa được giải quyết. Vào ngày 18 tháng 6 năm 1997, Ủy ban Pháp luật của Nghị viện Châu Âu bỏ phiếu cho phép công nghiệp có quyền nhận được các bằng sáng chế về sinh vật, tạo ra một bước chuyễn biến lớn trong luật pháp về sáng chế hiện tại. Các nhóm quan tâm đang đấu tranh hành lang chống lại đề xuất này, tranh luận rằng đề xuất chỉ quan tâm đến lợi ích của giới công nghiệp dựa trên công nghệ sinh học (Global 2000 1997).
Các công ty nhận thức rõ lợi ích của việc sử dụng tri thức của các cộng đồng vốn sống với và phụ thuộc vào đa dạng sinh học cho sự sống còn của họ. Các công ty sản xuất dược phẩm xuyên quốc gia đã lấy mẫu thực vật từ rừng nhiệt đới (được người dân bản địa xác định và thao tác về mặt di truyền) để sử dụng làm nguyên liệu trong việc phát triển các loại thuốc mới. Các công ty nông nghiệp sử dụng hạt giống kháng bệnh (được người dân bản địa xác định và thao tác di truyền). sau khi thực hiện vài biến đổi, các vật liệu di truyền này được cấp bằng sáng chế, chủ yếu là ở Hoa Kỳ, và hạt giống hay sản phẩm được bán ra thị trường. Chuyễn một gen duy nhất từ một vị trí này sang một vị trí khác trong tế bào, dù có hay không gây ra các biến thiên có ý nghĩa trong thế hệ tới, là đủ để công bố một giống “mới” để có thể được cấp bằng sánh chế. Các công ty nhận thức các các lợi ích khổng lồ từ việc tiếp cận tự do vật liệu di truyền, đặc biệt là trong trường hợp cây trồng từ các nước đang phát triển (Nowlan 1995).
 
Giá trị trên thị trường thế giới của dược phẩm có nguồn gốc thực vật đã sử dụng trong y học cổ truyền được ước lượng lên đến 43 tỷ đô la [USD] trong năm 1985. Dưới 0.001% của lợi nhuận này được chuyễn cho những người chủ nguyên thủy của tri thức này.
Nguồn: CS Canada (1995)
 
Công ước Đa dạng Sinh học 1992, một văn bản thỏa thuận có tính pháp lý quốc tế được phát triển ở Hội nghị của Liên Hợp Quốc về Môi trường và Phát triển. Nó có hiệu lực từ tháng 12 năm 1993. Có 150 nước ký kết Công ước, thực hiện một sự cam kết về “bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng bền vững các thành phần của nó và và chia sẻ công bằng của the các lợi ích phát sinh do việc sử dụng tài nguyên di truyền” (Điều 1).
 
Công ước phát biểu rằng tài nguyên di truyền, cũng như tài nguyên khoáng sản và dầu mỏ, chịu sự chi phối của pháp chế quốc gia, điều này có nghĩa là các quốc gia có quyền đặt ra các điều kiện và giới hạn việc tiếp cận tài nguyên di truyền. Công ước cũng phát biểu rằng tiếp cận tài nguyên di truyền sẽ chịu sự chi phối của nguyên tắc “đồng thuận với đầy đủ thông tin” trước. Đây là sự đồng thuận sau khi đã tính đến một cách đầy đủ các lý do của hoạt động, thủ tục cụ thể có liên quan, các rũi ro có thể xẫy ra, và các kết xuất tiên liệu được (Posey và Dutfield 1996).
Công ước Đa dạng Sinh học 1992
 
Khi được ký kết, Công ước không áp dụng cho thực vật được bảo tồn ngoại vi (ex situ) hay các bộ sưu tập vi sinh vạt đã được thiết lập trước khi Công ước ra đời. Các bộ sưu tập này được xem là thuộc những người đã đang ký các mẫu mà không phải là các nước nơi mà các vật liệu này đã được lấy đi! Cần thực hiện nhiều bước để làm rõ tình trạng pháp lý của các bộ sưu tập này và vào cuối năm 1994 tất cả các vật liệu trong các ngân hàng gen đã được xem là tài sản của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc, là nơi quản lý các sưu tập theo Công ước Đa dạng Sinh học.
Nguồn: RAFI (1996a)
 
 
Cho đến nay, các lợi ích xuất phát từ việc sử dụng tài nguyên di truyền không được chia sẻ một cách công bằng, trái với Điều 8(j) của Công ước (Nowlan 1995). Chỉ có một số ít công ty dược phẩm là bắt đầu chi trả cho một số viện nghiên cứu hay chính phủ. Các lợi ích này không được trả lại cho các cộng đồng bản địa (Davidman 1996). Mặc dù Công ước nhìn nhận tầm quan trọng của IK về sinh học, thông thường tri thức này đã được sử dụng mà không có sự đồng ý và tham gia của những người nắm giữ tri thức này (Nowlan 1995).

 

Công bằng?
 
Hệ thống thực phẩm toàn cầu đang vận hành phụ thuộc vào sự chiếm đoạt các vật liệu di truyền thực vật từ các vùng cư trú của người dân bản địa vì đa dạng sinh học đã bị loại trừ một cách có hệ thống ở những nơi mà nông dân chấp nhận các kiểu sản xuất thực phẩm quy mô lớn, dùng nhiều nhập lượng mà các công ty kinh doanh nông nghiệp đang chiếm ưu thế.”
Nguồn: CS Canada (1996c)
 
“Nông dân ở các nước phương nam nuôi dưỡng đa dạng sinh học nông nghiệp để cho phép hoa màu dùng làm thực phẩm có thể thích ứng với những thay đổi, dù đó là côn trùng, bệnh hại, biến đổi khí hậu hay sự can thiệp của con người. . . . Dù sao, các chính sách của chính phủ và các áp lực thương mãi đã đẩy nông dân vào tình trạng bắt buộc phải thay thế các giống cây trồng của họ bằng các giống cây và con mới dựa trên kỹ thuật cao, dùng nhiều nhập lượng và có năng suất cao.”
Nguồn: RAFI (1996a)
 
 
Mặc dù Công ước Đa dạng Sinh học xác nhận quyền tự quyết của các quốc gia đối với tài nguyên sinh học của họ, nó cũng chấp nhận khái niệm sở hữu trí tuệ đối với sinh vật và khuyến khích các thỏa ước song phương giữa những người muốn tiếp cận tài nguyên và tri thức (ví dụ, các công ty) và các chính phủ. Công ước không xác định việc bảo vệ ở cấp cộng đồng, do đó tạo ra nguy cơ của sự mâu thuẫn giữa các cộng đồng hay giữa các cơ quan chính phủ và các cộng đồng. Nói chung, Công ước thiếu một chân đứng: nó không xác định các cơ chế để kiểm soát những người ngoài tiếp cận tài nguyên sinh học bản địa (ví dụ, một điều khoản pháp lý về sự tiếp cận này)và cũng không có các cơ chế để xác định việc chia sẻ công bằng các lợi ích (RAFI 1996a).
Cho đến gần đây, sở hữu trí tuệ chịu sự chi phối của pháp chế quốc gia. Các quốc gia được tự do xác định khi nào và bằng cách nào họ thừa nhận quyền sở hữu trí tuệ. Trên quan điểm của các công ty, luật pháp về sở hữu trí tuệ trong một nước có giá trị giới hạn mà không nhất thiết được thừa nhận song song ở các nước khác. Do vậy, các quốc gia công nghiệp và các công ty đã vận động hành lang một cách mạnh mẻ để điều hòa các quy định pháp lý ở tầm mức quốc tế.
 
“Sự mở rộng việc công nhận sáng chế đối với tất cả các vật liệu thực vật được biến đổi để thể hiện một gen cụ thể hay một tính trạng đặc thù chứng tỏ một cách sâu sắc rằng hệ thống sở hữu trí tuệ đã trở nên không kiểm soát được vì thiếu sự thận trọng.”
Nguồn: RAFI (1995)
 
 
Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mãi (GATT), đã thiết lập trong năm 1947, một cơ chế gở bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan đối với thương mại thế giới. Trong năm 1994, các nhà đàm phán ở vòng đàm phán Uruguay của GATT đã xác định rằng các nước thành viên phải làm cho luật pháp quốc gia về IPR của họ phù hợp các thỏa thuận mới liên quan đến Các khía cạnh của Quyền sở hữu trí tuệ trong thương mãi quốc tế (gọi tắt là TRIPS). Có hiệu lực từ tháng giêng 1995, TRIPS buộc các nước thành viên (hiện có hơn 115 nước thành viên, trong đó 70 là các nước phương nam) phải thực thi việc cấp bằng sáng chế cho vi sinh vật và một số hình thức của IPR đối với giống cây trồng. Hơn thế nữa, các nước thành viên được chọn lựa loại trừ sự bao gồm thực vật và động vật khác với vi sinh vật và “các tiến trình sinh học quan trọng cho việc sản xuất thực vật hay động vật khác với các tiến trình phi-sinh học và vi sinh” (Dawkins et al. 1995).
 
TRIPS sẽ bảo vệ các sản phẩm trong 20 năm, và sau đó mở rộng việc bảo vệ trong 20 năm nữa cho các tiến trình chế biến nếu các tiến trình này là mới (Sayeed 1994). Các nước phương nam có mốc thời gian 2000 và các nước chậm phát triển có mốc thời gian đến 2004 hoặc chấp nhận các quy định của Công ước quốc tế về IPR hiện hành hoặc phát triển các quy định luật pháp của mình (RAFI 1996a). Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hiện là định chế thực thi GATT, xem xét các điều khoản IPR trong năm 1999, trứôc khi các chính phủ của các nước phương nam ban hành các quy định pháp lý của họ. Khi được chấp nhận, các quy định này sẽ có hiệu lực thay thế cho luật pháp quốc gia.
Hoa Kỳ đã diễn giải các điều khoản của Công ước Đa dạng Sinh học là ở cấp dưới so với GATT (Dawkins et al. 1995). Các điều khoản của TRIPS được diễn giải (và thực thi) như thế nào là một vấn đề cực kỳ quan trọng. Ví dụ, một hội thảo của WTO về các quy định xem xét liệu các nước thành viên có thực hiện đúng với các quy tắc đã thỏa thuận— các quy tắc thúc đẩy một hình thái thương mại nhất định được gọi là tự do thương mại— và các vấn đề khác đều trở thành thứ yếu. WTO có khả năng có quyền lực rất rộng. Các hành động hay biện pháp sau đây có thể được xem là vi phạm GATT hiện hành:
 
- Các biện pháp hạn chế nhập khẩu do việc các quốc gia quy định chặt chẻ hơn về các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm (các quốc gia này có thể bị buộc phải thay đổi tiêu chuẩn hay chịu sự phê chuẩn);
- Các nổ lực nhằm kiểm soát nhập khẩu trên cơ sở tiến trình hay phương pháp sản xuất (ví dụ, các quy định yêu cầu thực hiện các tiến trình sản xuất bền vững và chính sách sử dụng lao động một cách lành mạnh);
- Các biện pháp hỗ trợ cho các sản phẩm sản xuất tại địa phương hay bao cấp cho nông dân sản xuất nhỏ; và
- Các quy tắc điều hòa việc sử dụng các sinh vật biến đổi di truyền trong sản xuất thực phẩm (Glassman 1994).
Có một vài sự chậm trễ trong việc diễn dịch và thực thi Công ước Đa dạng Sinh học và hiệp định TRIPS. Dù sao, các nhóm môi trường và quyền con người đã đưa ra các hoạt động đấu tranh có ý nghĩa để hướng việc thảo luận cho một tương lai bền vững hơn.
Các quyết định của Cục Sáng chế và Thương hiệu Hoa Kỳ về việc trao độc quyền đối với vật liệu thực vật động vật và vật liệu di truyền con người đã thúc đẩy các hoạt động thu thập, lập bản đồ và cấp bằng sáng chế về gen, phần lớn dựa trên động cơ về lợi nhận trong tương lai. Mặc dù áp lực từ các thoả ước thương mãi như GATT, ít có chính phủ công nhận hệ thống IPR như đã được Toà án Tối cao của Hoa Kỳ chấp nhận (CS Canada 1996b). Trong khi đó, Hoa Kỳ đã phê phán các nước đang phát triển trong việc tham gia vào các phương thức mua bán không công bằng khi các nước này không thừa nhận hiệu lực của các bằng sáng chế của Hoa Kỳ bên trong lãnh thổ của họ. Có những cuộc vận động mạnh mẻ ở Hoa Kỳ, ví dụ, nhằm buộc tất cả các nước phải nhìn nhận các bằng sáng chế về hạt giống (Lehman 1994).
Sự liên kết nhu cầu chứng nhận IPR với đa dạng sinh học dựa trên một tiền đề sai lầm rằng chỉ có sự đầu tư của họ là cần được bảo vệ. Sự cực nhọc của nông dân ở các nước phương nam trong việc gia hóa, cải thiện, và bảo tồn đa dạng sinh học qua nhiều thế kỷ đã bị bỏ quên. Các hiệp định IPR hiện hành đã không nhìn nhận quyền của các cộng đồng bản địa và địa phương đối với tri thức và sự canh tân của họ. Như Shiva (1995b, p. 71) đã lưu ý, “Không có sự biện minh hợp lý nào khi cho rằng một số nguồn giống (germplasm) là không có giá trị và thuộc về di sản chung và một nguồn giống khác lại có giá trị hàng hóa và thuộc về tài sản cá nhân, ngoại trừ bản chất của quyền lực chính trị và kinh tế.” Nhiều nhóm quan tâm đã cho rằng tình hình này là một sự ‘bóc lột phi đối xứng’, ‘ranh giới mới của phương Tây’ và “kẻ cướp sinh học.”
 
 
 
 
Vật liệu sinh học con người
 
Gen và tế bào người đang trở thành sở hữu tư nhân. Sở Sáng chế và Thương hiệu Hoa Kỳ đã cấp hơn 1 250 bằng sáng chế về các chuổi gen người. Hơn 100 dòng tế bào người được cấp bằng sáng chế ở Hoa Kỳ (RAFI 1996a), mặc dù có rất ít các bằng sáng chế này sau đó bị thu hồi. (Dòng tế bào (Cell line) là các tế bào từ sinh vật được nuôi cấy trong một môi trừong nhân tạo.) Trong năm 1993, có một đơn xin cấp bằng sáng chế dòng tế bào của một phụ nữ từ Panama. Các cuộc đấu tranh quốc tế đã dẫn tới việc thu hồi hồ sơ cấp bằng sáng chế này vào tháng 11, 1993. Trong tháng 3,1995, chính phủ Hoa Kỳ cấp bằng sánh chế độc quyền cho một cơ quan của mình đối với tất cả các vật liệu di truyền chứa trong dòng tế bào của một người đàn ông Papua New Guinea (CS Canada 1996c). Bằng sáng chế này bị thu hồi vào tháng 12 năm 1996.
 
 
Các nước đang phát triển đã tranh luận mạnh mẻ về việc các công ty đa quốc gia từ thế giới công nghiệp đã bóc lột nguồn lợi sinh học của họ và bán trở lại các sản phẩm được cấp bằng sáng chế với giá quá cao. Với đà tăng trưởng của các công nghiệp dựa trên công nghệ sinh học, kết hợp với sự sụt giảm đa dạng sinh học toàn cầu, việc tiếp cận và kiểm soát tài nguyên di truyền đã thu hút sự chú ý của các chính phủ, các công ty, và những người khác — chủ yếu là vì tiềm năng to lớn của nó trong việc tạo ra lợi nhuận thương mãi. Cách sống truyền thống, tri thức, và tài nguyên di truyền sinh học của người dân bản địa đang trở thành hàng hóa, được mua, bán và trao đổi.
TRIPS và Công ước Đa dạng Sinh học đã cho thấy rõ ràng là luật pháp về IPR là một vấn đề rất quan trọng cần được xem xét một cách thận trọng và đặc biệt, đối với người dân bản địa. Nếu các công ty được bảo vệ bằng luật pháp về IPR cho các sáng chế của họ thì người dân bản địa cũng cần được bảo vệ sở hữu trí tuệ của họ.
Theo thông lệ, nông dân giữ một phần sản phẩm thu hoạch của mình để dùng làm hạt giống cho các vụ sau. Với cơ chế IPR của Hoa Kỳ, nông dân có thể sẽ phải trả tiền cho hạt giống được cấp bằng sáng chế — ngay cả trong trường hợp nông dân sử dụng nguồn giống ban đầu của mình, theo GATT, họ cũng có thể không được mua bán hay sử dụng chúng. IPR đối với một giống dân gian (folk variety) sẽ bao gồm quyền kiểm soát việc sử dụng giống dân gian này và quyền đối với thông tin được mã hóa trong DNA do kết quả của sự chọn lọc của nông dân và các hệ thống canh tác của họ (Soleri và Cleaveland 1993). (tiền tác quyền cũng được trả cho các giống động vật được cấp bằng sáng chế.)
Việc cải thiện giống cây trồng cho mục đích thương mãi đang nằm trong tay của một số ít công ty xuyên quốc gia hiện đang kiểm soát tất cả các ngân hàng gen có ý nghĩa. Các TNC đang phát triển các giống cây đáp ứng với nông dược của họ. Các TNC cũng đang thực hiện việc biến đổi di truyền nhằm chuyễn hóa các giống cây không lai và hữu thụ, như lúa mì, thành các giống lai mất khả năng sinh sản. Nếu một gen từ một thực vật khác có thể gây ra bất thụ, nông dân phải mua hạt giống từng năm. Nếu các hệ thống IPR tiếp tục phát triển theo chiều hướng như hiện nay, viễn cảnh của nông dân sẽ bao gồm việc trả tiền tác quyền cho các hạt giống được cấp bằng sáng chế; trở thành phụ thuộc vào một nguồn cung cấp hạt giống, phân bón, thuốc diệt cỏ, và thuốc bảo vệ thực vật; và, trong trường hợp của các giống lai, vào các thực vật mất khả năng sinh sản và phải mua hạt giống hàng năm.
 
Cần phải có nhiều cuộc thảo luận ở tầm mức quốc tế. Một vấn đề cần tập trung là liệu IPR, đã được phát triển để bảo vệ các sáng chế công nghiệp, có thích hợp cho các vật liệu di truyền con người hay các sinh vật khác. Và bằng cách nào các cơ chế này có thể bảo vệ một đối tượng phi vật thể như toàn bộ một hệ thống IK truyền khẩu?
 
Dự án Đa dạng Genome Con người
 
Dự án Đa dạng Genome con người (Human Genome Diversity Project - HGDP) đề nghị lấy mẫu máu và mô của khoảng 700 nhóm bản địa, từ 722 cộng đồng. Mục đích của HGDP là thu thập và giữ các mẫu di truyền và quản lý một cơ sở dử liệu (Harry 1995a). HGDP không có kế hoạch thực hiện công nghệ di truyền nhưng cũng không bảo vệ để cản trở việc thực hiện các hoạt động này khi thu thập mẫu (Harry 1995b). Mặc dù một số nghiên cứu genome có thể có có những áp dụng nhân đạo (DNA của các quần thể xa đã được chứng minh là có ích trong việc phát triển các vaccin), trong lịch sử, đã có những mối liên hệ phức tạp giữa thu thập và nghiên cứu các mẫu máu và mô từ người dân bản địa và các chương trình quân sự của Hoa Kỳ. Trước năm 1972, Hải quân Hoa Kỳ đã nghiên cứu cách thức xác định sự mẫn cảm về mặt y học của một số tộc người cụ thể (CS Canada 1996b). Vấn đề là thông tin này có thể trở thành dử liệu cho các mục đích phân biệt chũng tộc.
Khi các mẫu máu và mô được lấy, có thể chứng minh là chúng khó được trả lại. Trong một phán quyết có tính bước ngoặt của Tòa án Tối cao California vào năm 1990 đã xác định rằng một “người cho” không có ‘quyền sở hữu’ đối với các mô lấy từ cơ thể của ông hay bà ta. Trong trường hợp này, tế bào của người đàn ông đã được sử dụng để phát triển thành các dược liệu có giá trị trong việc chống vi khuẫn và bệnh ung thư. Phán quyết của Tòa án nói rõ người cho không được quyền chia sẻ lợi nhuận từ việc sử dụng thương mãi từ các tế bào của ông ta hay bất kỳ một sản phẩm nào được tạo ra từ việc nghiên cứu về bất kỳ một vật liệu sinh học nào của ông ta (Harry 1995b).
 Các nước phải tự quyết định loại cơ chế nào được chấp nhận để tự bảo vệ mình: các hệ thống IPR hay các cơ chế khác (ví dụ, quyền sở hữu trí tuệ công cộng, quyền đối với tài nguyên truyền thống). Trong thực tế, chi phí và ý nghĩa hành chính của việc chấp nhận một số các hệ thống IPR mới là rất có ý nghĩa: cần khoảng 250 000 USD cho một bằng sáng chế (RAFI 1996b). Cuối cùng, nông dân phải giữ quyền tuyệt đối về việc giữ giống, thực nghiệm với các nguồn giống ngoại lai, và trao đổi hạt giống (RAFI 1995).
Đối với Công ước Đa dạng Sinh học, có một số vấn đề còn tồn tại:
·        Bằng cách nào một nước có thể khống chế việc tiếp cận tài nguyên di truyền của mình?
·        Nếu cho phép tiếp cận, bằng cách nào có thể bảo vệ được IK truyền thống IK về tài nguyên di truyền ?
·        Nếu cho phép tiếp cận, có thể sử dụng luật pháp và chính sách như thế nào để đảm bảo sự chia sẻ công bằng các lợi ích từ bất kỳ một sản phẩm nào dẫn xuất từ tài nguyên di truyền được trả về cho các cộng đồng địa phương?
 
Một cách tiếp cận IPR không chấp nhận được đối với nhiều nhóm bản địa
Đối với người dân bản địa, sinh vật là một tài sản công không thể được chiếm hữu, thương mãi hóa và độc quyền bởi cá nhân . . . Do vậy, việc cấp bằng sáng chế cho các hình thái và các tiến trình của sự sống là điều không chấp nhận được đối với người dân bản địa (Sabah, Malaysia, 24–27 tháng 2, 1995).
...(C)ác hệ thống về quyền sở hữu trí tuệ, khoa học và công nghệ hiện đại để kiểm soát và bóc lột đất đai, vùng cư trú và tài nguyên của người dân bản địa (Suva, Fiji, tháng 4,April 1995) Nguồn: CS Canada (1996a).
 
 
Nếu cho phép tiếp cận, có một cách thức có thể được sử dụng để bảo vệ tài nguyên di truyền của người dân là các chính phủ phải ngăn cấm các công ty xuyên quốc gia trong việc xin cấp bằng sáng chế từ các vật liệu tìm thấy trên đất đai của người dân bản địa.Đối với nhiều vấn đề phức tạp về IPR, người dân bản địa trên toàn thế giới đã khẳng định rõ ràng vị trí của họ. Khung sau đây trình bày một số các phát biểu chính của họ về chủ đề này, nhấn mạnh các mối liên hệ cơ bản giữa IK và quyền bản địa đối với đất đai và tài nguyên.
Ở cấp cộng đồng, các nhà nghiên cứu không thể tách rời họ ra khỏi các các câu hỏi này. Cần có các sự bố trí thích hợp để thực hiện ngay trong nước các hoạt động ghi chép, lưu trữ, áp dụng, và truyền thông IK của địa phương trong nước và giữa các nước cũng như cộng đồng quốc tế. Ở cấp địa phương, sau đây là các câu hỏi có liên quan:
 
·        Bằng cách nào người dân địa phương có thể được bảo vệ khỏi sự bóc lột tri thức và tài nguyên của họ?
·        Bằng cách nào có thể xác định sự đồng thuận và tham gia của họ?
·        Ai được quyền phát biểu sự đồng thuận? Liệu sự đồng thuận này cần được xác định đối với từng cá nhân, chính quyền địa phương, hay cả hai? Liệu có thể trao quyền phát biểu sự đồng thuận cho cơ quan nhà nước nhân danh người dân địa phương?
·        Người dân địa phương được bù đắp như thế nào đối với các thông tin mà họ cung cấp?
·        Các dự án nghiên cứu cần được thiết kế như thế nào để người dân địa phương có thể hưởng lợi?
·        IK cần được lưu giữ như thế nào để người dân địa phương có thể tiếp cận và hưởng lợi từ nó?
 
Những tiếng nói mạnh mẻ của người dân bản địa về các chủ đề “chia sẻ lợi ích”, “sự tham gia”, và “đồng thuận”
“Điều gì có thể được xem là công bằng sẽ được xác định bới chính người dân bản địa”(Julayinbul, Mataatua).
“Không có sự nhất trí nào trong việc chia sẻ lợi ích được thực hiện, cho dù được cá nhân và cộng đồng hay đồng ý hay được các thế lực bên ngoài áp đặt, nếu nó có thể xoá bỏ hay sụt giảm những quyền gắn liền với người dân bản địa” (Santa Cruz, Julayinbul, Kari-Oca).
“Quyền của người dân bản địa liên quan đến tri thức và đa dạng sinh học được nắm giữ một cách tập thể” (Santa Cruz).
“Sự tham gia và đồng thuận nhất thiết phải bao gồm cả nam giới và phụ nữ bản địa” (Kari-Oca, Quito, Beijing).
“Quyền được đồng thuận bao gồm quyền được từ chối” (Suva, Phoenix, Jakarta, Santa Cruz, Julayinbul, Mataatua, Oka, Pe ang, Amsterdam).
“Sự đồng thuận không thể được ban phát tự do dưới các điều kiện cưỡng chế chính trị, kinh tế hay xã hội hay thiếu các cơ chế có hiệu quả để bảo vệ quyền của người dân bản địa” (Jakarta, Mataatua, Phoenix, Beijing).
“Chúng tôi kêu gọi trì hoản sự thu thập các vật liệu sinh học cho đến khi địa phương và các cộng đồng bản địa ở một vị trí có thể hành xử các quyền đối với tài nguyên và tri thức của họ” (Jakarta 1995).
“Tài nguyên sinh học lấy từ người dân bản địa mà không có sự đồng thuận của họ phải được trả lại cho họ” (Suva, Treaty, Phoenix, Beijing, Kari-Oca).
“Người dân bản địa có quyền được biết rõ tất cả các hoạt động điều tra nghiên cứu hay sử dụng tri thức hay tài nguyên của họ” (Kari-Oca, Tapirisat).
“Chúng tôi tái khẳng định rằng người dân bản địa có quyền cơ bản về việc từ chối sự tiếp cận, từ chối tham gia vào, hay cho phép lấy đi hay khai thác bất kỳ các vật liệu di truyền nào của họ bởi các dự án khoa học bên ngoài ” (Phoenix).
“Chúng tôi tuyên bố rằng người dân bản địa sẳn lòng chia sẻ tri thức của mình với mọi người, với điều kiện chúng tội xác định được nó được sử dụng khi nào, ở đâu và như thế nào. Hiện tại, hệ thống quốc tế không nhìn nhận hay tôn trọng các đóng góp quá khứ, hiện tại và tương lai của chúng tôi” (Suva, Fiji, tháng 4,1995). Nguồn: CS Canada (1996d)Các cơ chế bù đắp

 

Có một số cơ chế, bao gồm các quỹ, các hợp đồng và thỏa thuận về IPR, thỏa luận không có tính ràng buộc, và các tài liệu bảo vệ, đã được sử dụng để bù đắp, chia sẻ việc hưởng lợi, và bảo vệ IPR. Các cơ chế tương tự cũng có thể được áp dụng cho IK. Một sự thảo luận chi tiết về các cơ chế này có thể được tìm thấy trong cuốn sách của Posey và Dutfield (1996), Vượt ra ngoài Quyền Sở hữu Trí tuệ: Tiến đến Việc Xác lập các Quyền đối với Tài nguyên Truyền thống của Người dân bản địa và Các Cộng đồng Địa phương .
Các Quỹ
·                     Các công ty có thể thiết lập các quỹ để bù đắp cho các cộng đồng về IK đã được sử dụng rộng rãi nhưng không xác định được người sáng chế vì vì những người sáng chế ban đầu là vô danh hay không còn sống. Loại cơ chế này có thể hỗ trợ cho nhiều mục đích phát triển khu vực, như các chương trình bảo tồn đa dạng sinh học.
Các hợp đồng và thỏa ước IPR
·                     Các hợp đồng — sự thỏa thuận có tính chất ràng buộc pháp lý giữa hai hay nhiều bên cho phép các bên trong hợp đồng thực hiện các hành động pháp lý nhân danh họ — có thể thích hợp nếu tri thức và tài nguyên không biết rõ một cách rộng rãi và không thuộc lĩnh vực công. Một cộng đồng hợp đồng với một công ty có thể cho phép cộng đồng, trong số các quyền của mình, thu phí cho từng mẫu vật, nhận tiền ứng trước, được báo cáo kết quả nghiên cứu, đào tạo cho địa phương, các khoản tiền thưởng, và sự lựa chọn để cùng đứng đơn công nhận đồng sáng chế với công ty hay có các thành viên của cộng đồng địa phương đứng tên là người sáng chế. Các hợp đồng có thể giải quyết các vấn đề về bí mật và tính loại trừ. Một điều khoản về bí mật có thể đảm bảo rằng tri thức hay vật liệu sẽ không được cung cấp cho mọi người nếu không được sự cho phép của cộng đồng. Công ty có thể yêu cầu có quyền độc nhất sử dụng thông tin hay vật liệu được cung cấp.
·                     Thỏa ước chuyễn giao vật liệu (MTA) thiết lập các tiêu chuẫn của việc chuyễn giao tài nguyên sinh học và nêu rõ các lợi ích của người cung cấp (ví dụ, các lợi ích tức thời, quỹ, hay tiền hoa hồng trong tương lai). Khi vật liệu có tiềm năng thương mãi, MTA thường trao cho bên hoạt động thương mãi quyền xin công nhận sáng chế.
·                     Thỏa ước chuyễn giao thông tin (ITA) là một bước phát triển hơn nữa của MTA. ITA trao cho các cộng đồng quyền được bù đắp về vật liệu được chuyễn giao cũng như sự thừa nhận về các đóng góp trí tuệ bằng cách để các thành viên của cộng đồng đứng tên trong xin công nhận sáng chế hay cùng đứng tên xin công nhận sáng chế với công ty.
·                     Các thỏa ước nhượng quyền cho phép một cộng đồng được bán sáng chế của mình cho một công ty có điều kiện tốt hơn để thương mãi hóa một sản phẩm. Với thỏa ước nhượng quyền, một công ty phải trả phí cho cộng đồng về tri thức (hay mẫu vật); cộng đồng chỉ chuyễn tri thức cụ thể này cho công ty được nhượng quyền trong thời kỳ thỏa ước có hiệu lực.
Các thỏa thuận không ràng buộc về pháp lý
·                     Một thư xác định mục đích (intent letter) hay bản ghi nhớ là những văn bản nói lên các nguyên tắc giữa các bên dùng làm khuôn khổ cho một hợp đồng có tính pháp lý sẽ được ký kết trong tương lai. Thư hứa hẹn hay bản ghi nhớ có thể đặt ra các vấn đề về bí mật, chia sẻ kết quả của cuộc nghiên cứu, và dự trù việc chia sẻ các lợi ích nhưng không có giá trị thực thi về mặt pháp lý.
·                     Chúng thiết lập nguyên tắc cho các thoả thuận mang tính pháp lý trong tương lai và thường chứa các sự cam kết về mặt đạo đức.
Các tài liệu bảo vệ tác quyền
·                     Một nhà sáng chế có thể xuất bản một bản mô tả chi tiết cách thức thực hiện sáng chế của mình; sau ngày công bố, mọi hồ sơ xin công nhận sáng chế tương tự sẽ không có giá trị.
Số lượng và hình thức bù đắp để sử dụng IK là những vấn đề phức tạp. Sự bù đắp bao nhiêu sẽ được gọi là công bằng và hợp lý? Sự bù đắp sẽ phụ thuộc vào mức độ chặt chẻ của sản phẩm thương mãi với phức hợp tri thức hay sử dụng truyền thống. Nếu một cộng đồng chỉ đóng góp tri thức và tài nguyên trong giai đoạn đầu của tiến trình nghiên cứu, mức tác quyền có thể thấp, chỉ vào khoảng 1–5%. Nếu sản phẩm thương mãi dựa trên một sản phẩm bản địa, mức tác quyền có thể lên 10–15% (Posey và Dutfield 1996). Chi tiết của sự dàn xếp sẽ phụ thuộc vào sự thương lượng của các bên trong từng trường hợp cụ thể.
Các chính phủ, các nhà nghiên cứu trong các trường đại học, các tổ chức phi chính phủ (NGO), các công ty, và nhiều người khác đang xây dựng các ý tưởng và cách tiếp cận mới cũng như các cơ chế để giải quyết vấn đề sở hữu trí tuệ của tri thức bản địa. Một số ví dụ được trình bày dưới đây cho phép hình dung phạm vi của các vấn đề về mâu thuẩn trong cách tiếp cận và mâu thuẩn trong phương pháp luận hiện tại.
Một ví dụ từ phía chính phủ
Đạo luật đầu tiên của Brazil về đa dạng sinh học được thông qua ở bang Acre trong tháng 7, 1997. Luật này là một phản ứng với tình hình đánh cắp sinh học (biopiracy), điều chỉnh việc các nhà khoa học và các công ty nước ngoài phải hợp tác với các nhóm trong nước trước khi tiến hành các hoạt động nghiên cứu. Luật này cũng yêu cầu các bên ở nước ngoài phải để lại ở Brazil một phần các vật liệu thu thập được (Cimi 1997).
Một ví dụ từ phía đại học
Một gen lấy từ một giống lúa ở Mali được cấp bằng sáng chế cho Đại học California ở Davis (UCD). Gene này thể hiện khả năng kháng bệnh cháy lá và có thể chuyễn cho các giống lúa và thực vật khác. Các lợi ích tài chính và sinh thái (tránh sử dụng thuốc diệt nấm bệnh) có thể có giá trị rất lớn.
Trưởng nhóm các nhà sáng chế đã khởi xướng một cơ chế để bù đắp cho quốc gia xuất phát. Một Quỹ về gen được thiết lập với khoản ứng trước 150 000 USD được chia sẻ về tác quyền. UCD sẽ chuyễn cho quỹ này 25% của tiền hoa hồng tác quyền của mình trong tương lai, xem lại sự cam kết khi sự đóng góp đạt 52 500 USD. Ba người đồng sáng chế sẽ đóng góp một phần không xác định tiền tác quyền của mình. Các công ty mua nhượng quyền để phát triển các sản phẩm sử dụng gen này sẽ đóng góp một số lợi nhuận tương lai của họ. Các công ty hạt giống, người trồng trọt, và những người thu lợi khác sẽ được khuyến khích trả một khoản lệ phí nhỏ để hỗ trợ cho các nỗ lực bảo tồn.
Quỹ được dành để cấp học bổng cho sinh viên Mali, nơi xuất phát của cây lúa cung cấp gen này; từ một số nước Tây Phi nơi giống địa phương này được trồng; và từ Philippines, nơi hoạt động cải tạo giống được thực hiện để đưa gen cây lúa này vào các giống lúa được trồng.
Đây là một cơ chế chia sẻ lợi ích đầu tiên thuộc loại này, và hiệu quả của nó trong việc hỗ trợ phát triển các cộng đồng nông thôn, bảo tồn, và sử dụng đa dạng sinh học sẽ cần được tiếp tục theo dõi thận trọng. Ví dụ, tỷ lệ trẻ em bỏ học trong các vùng có đa dạng sinh học cao thường cũng rất cao — do đó, cần có các nỗ lực tiếp theo trong việc xác định các ứng viên thích hợp để đảm bảo học bổng đến được các vùng mà nó nhắm tới, thay vì đến với các cá nhân trong các vùng đã nhận được nhiều ưu đãi. Sau khi nhận được học vị ở nước ngoài, cần có các cơ chế để đảm bảo họ trở về phục vụ đất nước — để tránh tình trạng chảy máu chất xám. Hơn thế nữa, sự chia sẻ tác quyền với viện đang lưu trữ và nghiên cứu các nguồn giống (trong trường hợp này là Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế ở Philippines) có thể xoá bỏ các lợi ích mà cơ chế muốn đem lại cho vùng cho vật liệu. Các viện nghiên cứu này có thể trở thành người tuyên bố quyền sở hữu đối với mọi nguồn giống mà họ đang lưu giữ.
Một số người đã tranh luận rằng liệu cơ chế bù đắp này có công bằng và số lượng chia sẻ có thích hợp (người ta không thể định các giá trị thực của sáng chế trong thời gian này); công cụ chia sẻ sự hưởng lợi (ở đây là học bổng) có thể có hiệu quả; dù sao, quỹ có tính khả thi, với tính chất tự nguyện của một số đóng góp từ khu vực tư nhân; và các cơ chế khác, như các quỹ hỗ trợ các nổ lực bảo tồn của địa phương, cũng cần được phát triển. Dù sao, các hạn chế bên trong của hình thức này đã được xem là ít quan trọng hơn nhu cầu đạt được sự tổ chức thực hiện các chương trình bù đắp (Gupta 1997).
Quan điểm của một nhà nghiên cứu về việc thông báo cho các cộng đồng về các lợi ích của cuộc nghiên cứu
Fernandez (1994) khuyến cáo rằng các nhà nghiên cứu cần vạch ra mục đích và mục tiêu của cuộc nghiên cứu của họ và giải thích cách thức mà dự án sẽ phục vụ cho cộng đồng. Ví dụ, the cộng đồng sẽ được thông báo rằng dự án IK sẽ:
·        Xác định các tài nguyên có thể được sử dụng có lợi cho cộng đồng;
·        Xác định các vấn đề chung và can thiệp phát triển có lợi cho cộng đồng;
·        Cải thiện các phương thức IK;
·        Cung cấp thông tin về các IK tầm quan trọng cho thương mãi hay cho sự tiến bộ của khoa học; và
·        Xây dựng tài liệu giáo dục được thiết kế thích hợp dựa trên các kết quả nghiên cứu.
Cộng đồng cần được thông báo về mọi hoạt động tiếp theo được đề nghị — ví dụ, tiếp thị, chế biến sản phẩm để tiếp thị hay tiêu thụ, rồng cây (vườn ươm cung cấp giống cây thực phẩm hay thực vật làm thuốc hay cải thiện khả năng cung cấp của tài nguyên thực vật), và dự án nông lâm kết hợp. Cộng đồng cũng cần được thông báo rằng tri thức có thể được sử dụng cho việc bảo tồn, y khoa, sản xuất dược phẩm mới, cây trồng mới, công nghiệp gỗ, kiểm soát dịch hại, dinh dưỡng và chế biến thực phẩm, hay các hệ thống canh tác mới, tùy trường hợp có thể.
Các đề nghị của một NGO về các khám phá IK
Viện Quốc tế “Bốn Thế giới” về Các Khoa học Bản địa đã đề nghị rằng, nếu có các khám phá có ích được thực hiện trong tiến trình nghiên cứu IK (FWIIIS 1995–96),
·        Cần thương thảo về các hình thức dàn xếp đặc biệt thông qua môi giới với những người sở hữu IK ban đầu để xin cấp bằng sáng chế và thị trường hóa các khám phá dựa trên IK này;
·        Các phần của cơ sở dử liệu được được bán ra thị trường dưới một loạt các định dạng truyền thông khác nhau; và
·        Một băng hình tư liệu hóa các thử nghiệm bản địa thành công được sản xuất và được bán ra thị trường cho giới công nghiệp, chính phủ, các tổ chức phục vụ nhân đạo, các tổ chức phát triển quốc tế, và các tổ chức giáo dục.  
Các vấn đề về IPR đã tạo thêm rũi ro và tính phức tạp cho tiến trình nghiên cứu IK. Bảng 1 đề nghị một số thủ tục. Chúng là khởi điểm cho các nhà nghiên cứu muốn nhắm đến việc bảo vệ IPR ở cấp cộng đồng. Danh mục kiểm tra này cần được xem xét lại và cập nhật cho từng bối cảnh cụ thể và theo sự phát triển của vấn đề IPR.

Số lần xem trang : 14807
Nhập ngày : 13-05-2008
Điều chỉnh lần cuối : 13-05-2008

Ý kiến của bạn về bài viết này


In trang này

Lên đầu trang

Gởi ý kiến

 

  Nghiên cứu trường hợp(13-05-2008)

  Các ưu tiên nghiên cứu và phát triển (X)(08-05-2008)

  Quản lý dưỡng liệu (VIII)(08-05-2008)

  Kỹ thuật chuyễn hóa rừng và phát triển đất mới (VI)(08-05-2008)

  Các đặc trưng của hệ thống canh tác/hoa màu được cải thiện (V)(08-05-2008)

  Sự chuyễn hóa rừng trong vùng nhiệt đới ẩm (III)(08-05-2008)

Hoàng Hữu Cải Bộ môn Nông Lâm kết hợp và Lâm nghiệp Xã hội, Khoa Lâm nghiệp, Đại học Nông Lâm Phường Linh Trung Quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam. ĐT: (84-8) 896 3352 Fax (84-8) 896 0713 Email: hhcai(a)hcmuaf.edu.vn

Thiết kế: Quản trị mạng- ĐHNL 2007