Số lần xem
Đang xem 1078 Toàn hệ thống 3681 Trong vòng 1 giờ qua
Trang liên kết
Tỉnh thức
giữa đêm thiêng Yên Tử
Để thấm hiểu đức Nhân Tông
Ta thành tâm đi bộ
Lên tận đỉnh chùa Đồng
Tâm sáng Ức Trai
trong tựa ngọc TÌNH YÊU CUỘC SỐNG
DẠY VÀ HỌC Để chấn hưng giáo dục Việt Nam cấp thiết phải có đội ngũ những người thầy giáo ưu tú có tâm đức thiết tha với nghề, có trình độ chuyên môn cao và có kỹ năng giảng dạy tốt. Đây là trang thông tin chuyên đề dạy và học để trao đổi và bàn luận
Norman Borlaug Lời Thầy dặn Việc chính đời người chỉ ít thôi
Chuyên tâm đừng bận chuyện trời ơi
Phúc hậu suốt đời làm việc thiện
Di sản muôn năm mãi sáng ngời.
Thiền sư Nguyễn Minh Không (15 tháng 10 năm 1065-1141) là “đức thánh Nguyễn” trong dân gian Việt, thầy thuốc nổi tiếng Kinh Dược Sư và sư tổ của nghề đúc đồng Việt Nam được vua ban quốc tính Minh Không Lý Quốc Sư. Ông tu tại đền Cao Sơn chùa Bái Đính cổ, nay được coi là một trong những điểm hội tụ huyền thoại cao nhất về mặt tâm linh văn hóa lịch sử dân tộc Việt thuộc quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình, một vùng du lịch tổng hợp được UNESCO công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.
Lênh đênh qua cửa Thần Phù
Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm.
(ca dao cổ)
Cao Sơn thăm chốn cũ
Tràng An bao đổi thay
Minh Không thầy đâu nhỉ ?
Lững lờ mây trắng bay.
Trước khi lên Yên Tử
Vua Trần vào ở đây
Động thiêng trong núi thắm
Hạ Long cạn nơi này.
Hoa Lư, Tứ giác nước
Kẽm Trống, Dục Thúy Sơn,
“Quá Thần Phù hải khẩu”
Nhớ Nguyễn Trãi Ức Trai.
Đinh, Lê vùng khởi nghiệp
Lý, Trần, Nguyễn …vươn dài
Kỳ Lân trời bảng lãng
Hoàng Long sông chảy hoài
MINH KHÔNG LÝ QUỐC SƯ
Minh Không Lý Quốc sư tên húy là Nguyễn Chí Thành ngày sinh 15 tháng 10 năm 1065 tại Điềm Xá, phủ Tràng An (nay là làng Điềm Xá, xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Cha của thiền sư Minh Không là ông Nguyễn Sùng, quê ở Điềm Xá, phủ Tràng An. Mẹ là bà Dương Thị Mỹ, quê ở Phả Lại, phủ Từ Sơn (nay làng Phả Lại, xã Đức Long, Quế Võ, Bắc Ninh, nơi giáp với phường Phả Lại, thị xã Chí Linh, Hải Dương). Vợ chồng ông Nguyễn Sùng tuy nghèo nhưng luôn chăm lo làm việc thiện. Hai ông bà sinh hạ được một người con trai khôi ngô, tuấn tú, đặt tên là Nguyễn Chí Thành. Cha mẹ mất sớm, Chí Thành làm ngư dân đánh bắt cá, sinh sống trên sông Hoàng Long.
Theo Thiền Uyển Tập Anh, Minh Không Lý Quốc Sư là thiền sư thuộc thế hệ thứ mười ba của thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Đây là thiền phái Phật giáo do thiền sư người Ấn Độ vào Việt Nam khoảng năm 580 trụ trì tại chùa Pháp Vân, ngày nay gọi là chùa Dâu ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Thiền phái phương Nam này được mở rộng và truyền thừa, sau đó mới đến các thiền phái Vô Thông Ngôn và Thảo Đường. Đến thời nhà Lý (1009-1225) thì Phật giáo Việt Nam đã ở giai đoạn cực thịnh, được coi là quốc giáo và có ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội. Nhiều người dân Đại Việt thời ấy tu hành học đạo và Chí Thành là một trong số ấy.
Thiền sư Minh Không là một vị thầy thuốc rất giỏi. Câu chuyện học đạo và truyền đạo của Minh Không Lý Quốc sư có nhiều huyền thoại và truyền thuyết khác nhau. Đối chiếu chính sử, thư tịch cổ, sử liệu, thần phả với dã sử và những thông tin lễ hội văn hóa dân gian của các địa phương miền Bắc đã cho thấy: Thiền sư Minh Không đã chữa được nhiều bệnh cho dân mà đặc biệt là bệnh của vua Lý Thần Tông cuồng loạn “hóa hổ” mà nhiều danh y đương thời đã bó tay, nên được đức vua ban quốc tính họ Lý và phong làm Quốc sư. Sách chính sử Đại Việt sử ký toàn thư – Kỷ nhà Lý, phần viết về vua Lý Thần Tông, viết: “Tân Hợi, Thuận Thiên năm thứ 4 (1131). Dựng nhà cho đại sư Minh Không”. Đến “Bính Thìn, Thiên Chương Bảo Tự năm thứ 4 (1136), tháng 3 (…) Vua (Lý Thần Tông) bệnh nặng, chữa thuốc không khỏi, nhà sư Minh Không chữa khỏi, phong làm Quốc sư và còn sai dựng một tòa Tịnh xá ở bên cạnh chùa Sùng Khánh, để mỗi khi Quốc sư có việc lên Kinh Thành, sẽ lấy đó làm chỗ nghỉ. Sau này, khi Quốc sư viên tịch, tòa Tịnh xá được dùng làm ngôi đền thờ, gọi là đền Lý Quốc sư. Cũng theo Đại Việt sử ký toàn thư Quốc sư viên tịch vào năm Tân Dậu, niên hiệu Đại Định thứ 2 (1141) đời vua Lý Anh Tông: “Mùa thu, tháng 8, quốc sư Minh Không mất”. “Mỗi khi có tai ương hạn lụt, Quốc sư đều ứng hiện giúp dân”. Sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục viết: “Bính Thìn, năm thứ 4 (1136), tháng 3, mùa xuân (…) Nhà vua đã khỏi tật; ban hiệu Quốc sư cho Minh Không, ngoài ra còn ban tô thuế mấy trăm hộ để ngài được hưởng dụng”.
Thiền sư Minh Tông được các làng nghề đúc đồng Việt Nam suy tôn là ông tổ của nghề đúc đồng. Người Việt cổ trước đó đã đúc trống đồng và vua Đinh Tiên Hoàng trị vì năm 968 – 979 đã cho đúc tiền đồng đầu tiên trong lịch sử. Nhưng đến triều Lý, Quốc sư Minh Tông đã trực tiếp chỉ đạo và tham gia gây dựng nhiều công trình Phật giáo làm nghề đúc đồng trở nên hoàn thiện và tinh xảo. Lý Quốc Sư là người đúc tượng Phật chùa Quỳnh Lâm; đúc đỉnh đồng trên tháp Báo Thiên, góp phần tạo nên “An Nam Tứ đại khí” là những báu vật nổi tiếng của nước Đại Việt thời Lý – Trần. Ông là người sưu tầm và phục hưng nghề đúc đồng – tinh hoa của văn minh Đông Sơn, văn minh người Việt cổ mà trở thành tổ sư nghề đúc đồng. Ngày nay ở thôn Tống Xá có đền thờ ông tổ của nghề đúc đồng Việt Nam với sự tích thiền sư Minh Không đầu năm 1118 đến chùa Tống Xá ở Nam Định, đã hướng dẫn dân làng nghề đúc đồng và chọn đất sét tốt ở cánh đồng Hố để làm khuôn đúc, đến thời Lê có bắc thêm cầu nên gọi là cánh đồng Cầu Hố. Những làng nghề đúc đồng lâu đời như làng nghề Yên Xá, Tống Xá ở Ý Yên, lễ hội chợ Viềng (Nam Định), phố nghề Ngũ Xã, phố Lò Đúc (Hà Nội), Đình làng Chè, làng Rỵ (Thiệu Hoá, Thanh Hóa), các làng nghề đồng Châu Mỹ, Long Thượng, Đông Mai (Hưng Yên) và Đào Viên, Điện Tiền (Bắc Ninh) đều thờ và tôn vinh Minh Không Lý Quốc sư là ông tổ đúc đồng. Một số nơi như làng nghề đúc đồng Đông Sơn, Thanh Hóa và đền thờ sư tổ nghề đồng ở số 5 phố Châu Long, Hoàn Kiếm thì Tổ sư nghề đúc đồng là ông Khổng Minh Không. Các tài liệu lịch sử không có Khổng Minh Không mà do dân gian đã hòa nhập hai ông là tổ sư nghề đồng Việt Nam là thiền sư Minh Không và thiền sư Không Lộ thành Khổng Minh Không. Điều này tìm thấy cả trong văn bia chùa Keo và chùa La Vân (Thái Bình), cũng như chùa Keo Nam Định.
Quốc sư Minh Không là vị thiền sư sáng lập nên nhiều ngôi chùa nhất ở Việt Nam. Nhiều ngôi chùa lớn còn tồn tại đến ngày nay như: chùa Bái Đính, chùa Cổ Lễ, chùa Non Nước, chùa Địch Lộng, chùa Quỳnh Lâm, chùa Am Tiên, chùa Trông, chùa Kim Liên, chùa Hàm Long,… Huyền sử kể rằng Nguyễn Chí Thành lớn lên sang Tây Trúc học đạo. Ông chính là Không Lộ thiền sư đã kết nghĩa anh em với thiền sư Từ Đạo Hạnh và thiền sư Nguyễn Giác Hải là hai vị chân sư có uy tín đương thời; cũng có dẫn liệu cho rằng Không Lộ thiền sư và Minh Không thiền sư là 2 người khác nhau. Minh Không tu học với thiền sư Từ Đạo Hạnh và hai người có nhân duyên với nhau. Sau này khi Từ Đạo Hạnh hóa, đầu thai là Dương Hoán, được vua Nhân Tông yêu quý lập làm Hoàng Thái tử kế vị ngai vàng tức Lý Thần Tông hoàng đế. Khi vua Lý Thần Tông bệnh nặng tháng 3 năm 1136, lông lá mọc khắp cơ thể, gầm thét như hổ suốt ngày, các danh y tài giỏi đều bó tay thì Minh Không đã chữa cho vua khỏi bệnh. Huyền thoại này có trong Thiền Uyển Tập Anh. Nguyễn Chí Thành sau khi tu hành đắc đạo thành thiền sư Minh Không đã trở về quê nhà đã dựng ngôi chùa nhỏ Viên Quang để tu hành, sau đó đại sư lập nhiều chùa ở vùng châu thổ sông Hồng, làm thầy thuốc chữa bệnh cho dân và làm nghề đúc đồng. Trong suốt cuộc đời, trên cương vị quốc sư thống lĩnh lực lượng phật giáo quốc gia, Nguyễn Minh Không đã dựng tới 500 ngôi chùa trên đất Đại Việt
Minh Không Lý Quốc sư là thiền sư “đức thánh Nguyễn” tứ bất tử trong dân gian Việt. Minh Không Lý Quốc sư qua đời năm 1141, niên hiệu Thái Bình thứ 22, thọ 76 tuổi. Hiện nay ở vùng châu thổ sông Hồng rất nhiều nơi có đền thờ ông như ở Ninh Bình, Bắc Ninh, Hà Nội, Nam Định, Hải Dương, Thái Bình, Quảng Ninh, Hưng Yên, Bắc Giang… Tại núi Dương Sơn, có chùa Lạc Khoái xã Gia Lạc (Gia Viễn, Ninh Bình) còn câu đối: Điềm Xá chung linh sinh Nguyễn thánh / Hoa Lư dục tú xuất Đinh Hoàng. Trong tín ngưỡng Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng có 4 vị thần trong nhóm tứ bất tử đó là Tản Viên Sơn thần, Phù Đổng Thiên vương, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh Công chúa. Tuy nhiên, thực tế các vị thánh trong tứ bất tử từng được ghi chép còn có Lý Quốc Sư.[12] Sách Tiên phả dịch lục của Kiều Oánh Mậu người làng Đường Lâm là nhà học giả cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, trong lời Án có viết: “Tên các vị Tứ bất tử của nước ta, người đời Minh cho là: Tản Viên, Phù Đổng, Chử Đồng Tử, Nguyễn Minh Không. Đúng là như vậy. Vì bấy giờ Tiên chúa (Liễu Hạnh) chưa giáng sinh nên người đời chưa thể lưu truyền, sách vở chưa thể ghi chép. Nay chép tiếp vào.” Theo bài Thiền sư Nguyễn Minh Không và một số lễ hội Phật giáo tiêu biểu ở miền Bắc đăng tại Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 4 năm 2014 thì “đức thánh Nguyễn” hiện được thờ ở nhiều đền chùa trên khắp cả nước, tập trung nhiều tại các địa phương miền Bắc, tiêu biểu như chùa Viên Quang (Ninh Bình), chùa Keo (Thái Bình), chùa Cổ Lễ (Nam Định), chùa Ngũ Xã (Hà Nội), chùa Trông (Hải Dương), chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh). Tại những chùa này, hàng năm đều có mở hội tưởng nhớ và tôn vinh công đức của Minh Không Lý Quốc Sư.
HUYỀN THOẠI CHÙA BÁI ĐÍNH
Đức Thánh Nguyễn Minh Không Lý Quốc sư được thờ rất nhiều nơi trong vùng tam giác châu huyền thoại Bắc Bộ. Đền thờ Đức Thánh Nguyễn tiêu biểu nhất là tại khu văn hóa tâm linh núi chùa Bái Đính là nơi thiền sư Minh Không đã tu tập nhiều năm trước khi đến đây tìm cây thuốc và phương thuốc bí truyền chữa lành bệnh cho vua Lý Thần Tông . Núi Cao Sơn phía sau chùa Bái Đính thiên nhiên cẩm tú, sông núi hữu tình, không khác gì câu chuyện cổ Từ Thức gặp Tiên là nơi lưu dấu nhiều huyền thoại về Người. Tôi đã đến đây, đúng là nơi tiên cảnh Bồng Lai nơi cõi thực.
Trong không gian văn hóa Hoa Lư tứ trấn có bốn đền thờ Thần Thiên Tôn, Thần Cao Sơn, Thần Quý Minh, Thần Khổng Lồ trấn giữ bốn hướng đông tây nam bắc của cố đô Hoa Lư, giúp đỡ, che chở người dân của vùng đất sinh Vua, sinh Thánh, sinh Thần. Lý Quốc sư được xem như vị Thần Khổng Lồ trấn trạch phía Bắc trong Hoa Lư tứ trấn.
Nơi thờ tiêu biểu nhất là đền thờ đức Thánh Nguyễn trên mảnh đất sinh ra ông thuộc địa phận hai xã Gia Thắng – Gia Tiến, Gia Viễn. Xưa đây là chùa Viên Quang, sau khi ông mất nhân dân biến Viên Quang Tự thành đền thờ trấn Bắc Hoa Lư tứ trấn..
Tại ngôi đền cổ khu trung tâm di tích động Hoa Lư thì tượng ông được phối thờ cùng với tượng vua Đinh Tiên Hoàng. Lý Quốc Sư cũng được thờ ở đình Ngô Đồng, xã Gia Phú, Gia Viễn; đền thờ Tô Hiến Thành và chùa Lạc Khoái ở bên sông Hoàng Long gắn với giai thoại tuổi thơ ông hay cụm di tích miếu Bồ Vi – đình Vật ở xóm 10, thôn Bồ Vi, thị trấn Yên Thịnh, Yên Mô. Ông cũng được thờ ở chùa Nhất Trụ và động Am Tiên ở cố đô Hoa Lư. Tại đền Thượng xã Khánh Phú và đền Tam Thánh ở xã Khánh An, Yên Khánh ông được suy tôn là đức thánh cả.
TAM GIÁC CHÂU HUYỀN THOẠI
Hoàng Kim trong bài thơ “Dạo chơi non nước Việt“ đã trích dẫn tổng kết Lịch sử Việt Nam của giáo sư sử học Đào Duy Anh: Dân tộc Việt trên bốn ngàn năm dựng nước và mở nước được chia làm hai giai đoạn đó là “đấu tranh giành quyền sống với vạn vật” trọng điểm ở vùng tam giác châu Bắc Bộ và “sự nghiệp gian nan tiến thủ của tổ tiên để mở rộng hy vọng tương lai dân tộc” bằng công cuộc Nam Tiến.
Tam giác châu huyền thoại Việt Trì- Ninh Bình – Quảng Ninh là vùng đất địa linh nhân kiệt cho sự trường tồn của tộc Việt trong cuộc “đấu tranh giành quyền sống với vạn vật”. Tam giác châu Bắc Bộ có đỉnh Tản Viên của dãy núi Ba Vì ở Việt Trì thuộc tỉnh Phú Thọ, nằm ở tả ngạn sông Hồng, bên kia là huyện Ba Vì, Hà Nội. Việt Trì là thành phố địa chính trị văn hóa lịch sử Việt Nam, nơi có kinh đô Văn Lang, kinh đô đầu tiên của người Việt, quê hương đất tổ vua Hùng, cửa ngõ vùng Tây Bắc, đầu mối giao thông nối giữa các tỉnh trung du và miền núi phía bắc với thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, nằm trên hành lang kinh tế Hải Phòng – Hà Nội – Côn Minh (Trung Quốc). Việt Trì cũng là thành phố ngã ba sông nơi hợp lưu của sông Thao, sông Lô, sông Đà thành sông Hồng.
Đỉnh thứ hai của tam giác châu huyền thoại Bắc Bộ ở núi Yên Tử thuộc tỉnh Quảng Ninh nơi có Quần thể di tích danh thắng Yên Tử ở Bắc Giang và Quảng Ninh. Đây là quần thể danh thắng đặc biệt nổi tiếng liên tỉnh đầu tiên ở Việt Nam được đệ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc UNESCO xem xét, công nhận là Di sản thế giới. Nối Việt Trì – Quảng Ninh là dải Tam Đảo rồi 99 ngọn Nham Biền của các dãy núi vòng cung Đông Triều tạo nên thế hiểm “trường thành chắn Bắc” của bề dày núi non hiểm trở khoảng 400 km núi đá che chắn mặt Bắc của thủ đô Hà Nội non sông Việt.
Đỉnh thứ ba của tam giác châu huyền thoại Bắc Bộ ở núi Mây Bạc của Dãy núi Tam Điệp thuộc khu vực Tam Điệp–Tràng An của ba tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình và Thanh Hóa. Dãy núi Tam Điệp là dải núi cuối cùng của dãy núi Ba Vì từ đỉnh tam giác châu Tản Viên, Việt Trì rồi 99 ngọn chạy dọc sông Đáy mà tới vùng Thần Phù – Nga Sơn đâm ra gần sát biển theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. Đây cũng là vùng quần thể di sản thế giới Tràng An nơi có chùa Bái Đính là quần thể chùa có nhiều kỷ lục châu Á và Việt Nam được xác lập như chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á, chùa có tượng Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á… Dãy núi Tam Điệp và khu vực Tam Điệp–Tràng An đã là một cái nôi của loài người Việt cổ thuộc nền văn hóa Tràng An thời kỳ đồ đá cũ và một số hang động ở Tam Điệp có di chỉ cư trú của con người thời văn hoá Hoà Bình. Vùng đất này cũng là chốn tổ của nghề lúa châu Á và Thế Giới. Dãy núi Tam Điệp cắt ngang vùng đồng bằng duyên hải thành 2 phần châu thổ sông Hồng và sông Mã nên nó được xem là ranh giới giữa miền Bắc và miền Trung. Dãy núi Tam Điệp là bức tường thành thiên nhiên lợi hại ngăn cách hai vùng Ninh Bình – Thanh Hoá và án ngữ các đường thuỷ bộ từ Bắc vào Nam, đường bộ qua đèo Tam Điệp, đường thuỷ qua cửa Thần Phù. Dãy núi Tam Điệp chứa đựng nhiều giá trị địa chính trị, lịch sử, văn hóa với vai trò là cái nôi của người tiền sử, với những căn cứ quân sự và danh thắng rất nổi tiếng như cửa Thần Phù, phòng tuyến Tam Điệp, động Người Xưa, hang Con Moong, rừng Cúc Phương, hồ Yên Quang, hồ Đồng Chương, hồ Yên Thắng, núi Cao Sơn, …
Dãy núi Tam Điệp nối liền với Dãy núi Trường Sơn (trong tiếng Lào là Phu Luông) là dãy núi dài nhất Việt Nam và Lào, dài khoảng 1.100 km. Dãy núi Trường Sơn tiếp nối với dãy núi Ba Vì và Dãy núi Tam Điệp , bắt đầu từ thượng nguồn sông Cả trên đất Lào giáp Nghệ An tới tận cực nam Trung Bộ. Nó bao gồm toàn bộ các dãy núi nhỏ hơn ở Bắc Trung Bộ và các khối núi, cao nguyên Nam Trung Bộ, xếp thành hình cánh cung lớn mà mặt lồi quay ra Biển Đông. Trường Sơn được chia thành Trường Sơn Bắc và Trường Sơn Nam, ngăn cách bởi đèo Hải Vân và núi Bạch Mã. Dãy núi Trường Sơn là xương sống để nối liến hình thế Bắc Nam liền một giải.
Hà Nội có vị trí trọng yếu đặc biệt trong tam giác châu huyền thoại Bắc bộ, cùng với Hưng Yên, Cổ Loa … là những địa danh đặc biệt trong nghiên cứu lịch sử văn hóa dân tộc mà chúng ta sẽ trở lại trong những chuyên mục trao đổi sâu hơn. Giáo sư Trần Quốc Vượng trong lời tựa cuốn sách “Địa chí văn hóa dân gian Ninh Bình” do tác giả Trương Đình Tuyển chủ biên (Nhà Xuất bản Thế Giới, Hà Nội, 678 trang xuất bản năm 2004 ) đã giúp chúng ta thông tin để hiểu sâu hơn những lời trao lại của tiền nhân về địa thế hiểm yếu của non sông Việt trong Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi:
Từng nghe:
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo
Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác …
Hình thế núi sông hòa quyện với con người đã tạo nên văn hóa và bản sắc dân tộc Việt. Minh Không Lý Quốc sư, huyền thoại chùa Bái Đính, Tam giác châu huyền thoại, là những thông tin quý địa linh nhân kiệt của dân tộc Việt xin lưu lại để nhớ và hiến tặng bạn đọc.
Hoàng Kim
Tài liệu tham khảo chính và ghi chú
(1) Từ điển Bách Khoa Mở Wikipedia Tiếng Việt mục Lý Quốc sư đã cập nhật tới ngày 17 tháng 10 năm 2015 với một bản đúc kết tổng hợp và 43 tài liệu tham khảo.
(2) Thiền Uyển Tập Anh nguyên bản chữ Hán khắc in năm Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715) là một cuốn sách cổ của Phật giáo Việt Nam ghi lại các tông phái thiền học và sự tích các vị thiền sư nổi tiếng vào cuối thời Bắc thuộc cho đến thời Đinh Lê Lý một số vị lớp sau còn sống đến đầu triều Trần, do Ngô Đức Thọ – Nguyễn Thúy Nga dịch và chú thích, Phân Viện Nghiên cứu Phật học, Nhà Xuất bản Văn học 1990.
(3) Tỳ Ni Đa Lưu Chi : phiên âm tiếng phạn Vinitaruci, đây là dòng thiền phương Nam do thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi người Ấn Độ đến Việt Nam năm 580 thời Hậu Chu, trù trì ở chùa Pháp Vân, ngày nay gọi là chùa Dâu ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử tại Quyết định số 313- VH/ QĐ ngày 28- 4- 1962.
(4) Tóm tắt thông tin một số lễ hội đức thánh Nguyễn. Theo Thiền sư Nguyễn Minh Không và một số lễ hội Phật giáo tiêu biểu ở miền Bắc, Ths.Trần Mạnh Quang – Viện Nghiên cứu Tôn giáo Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 4 năm 2014.
(5) Lễ hội chùa Viên Quang: Ngôi chùa nhỏ này được Thiền sư Nguyễn Minh Không dựng tại quê hương Đàm Xá sau khi đắc đạo, ngài đã tu trì Phật pháp tại đây cho đến lúc viên tịch, nay thuộc địa phận hai xã Gia Thắng, Gia Tiến, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Nhân dân về sau đã biến chùa Viên Quang thành nơi thờ tự Ngài (gọi là đền Thánh Nguyễn), được xưng tụng là một trong “Hoa Lư tứ trấn”. Lễ hội tưởng nhớ “đức Thánh Nguyễn” hội chùa Viên Quang lại được diễn ra ngày mồng 6 và 7/3 Âm lịch. Phần lễ gồm nghi thức dâng hương chư Phật, tế rước Đức Thánh Nguyễn. Phần hội nhộn nhịp với nhiều trò chơi dân gian đặc sắc. Có một chi tiết đậm màu huyền hoặc trong lễ hội là người dự hội sẽ được chiêm ngưỡng cây đèn đá cao hơn một mét, tương truyền khi Thiền sư Nguyễn Minh Không ngồi thiền tịnh, cây đèn đá này tự nhiên mọc lên, ánh đèn sáng tỏ tới tận trời cao, chim thú theo đó mà kéo về chầu tụ xung quanh.
(6) Lễ hội chùa Keo là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam với lịch sử gần 400 năm với tên chữ là Thần Quang tự, ở xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Theo Thánh tổ thực lục diễn ca lưu giữ ở chùa thì ban đầu chùa có tên gọi là Nghiêm Quang Tự, sư tổ của chùa chính là Lý Quốc Sư. Lễ hội chùa Keo diễn ra từ ngày 13 đến ngày 15/9 Âm lịch với nhiều nghi lễ tôn giáo và tập tục cổ truyền. Phần lễ của hội chùa Keo bắt đầu từ sáng ngày 13/9 với nghi thức dâng hương tế bái tại ban thờ sư tổ cùng chư Phật. Tiếp sau là nghi thức rước kiệu quy mô lớn, phỏng lại các sự tích giúp Vua giúp nước của sư tổ xưa. Đi đầu đám rước là đôi ngựa hồng, ngựa bạch với đầy đủ yên cương, chân ngựa có 4 bánh, do các trai làng khỏe mạnh kéo. Theo sau là 8 lá cờ thần, có đội bát bửu, lỗ bộ cùng 42 người vác đồ tế khí hộ tống. Kiệu Thánh là cỗ kiệu bát cống uy nghi, hai bên là những người cầm quạt che kín. Đám rước với hàng nghìn người tham dự, mô phỏng sự tích nhà Vua mời Ngài vào cung chữa bệnh. Chiều ngày 14, tại tòa Giá Roi thực hiện nghi lễ Chầu Thánh. Ngày 15, đám rước hoàn cung. Phần hội chùa Keo đáng chú ý với nhiều trò chơi dân gian cùng các hoạt động biểu diễn nghệ thuật độc đáo. Chiều ngày 13 diễn ra các cuộc thi bơi chải sôi động, gợi nhớ lại tích ngài làm phép đưa thuyền về kinh sư trong một đêm. Tối ngày 13 còn có thêm các cuộc thi kèn, trống. Chiều ngày 14, hội lại rộn ràng với các điệu múa chèo cạn, múa “ếch vồ” mang đậm chất phóng khoáng của vùng dân cư ven sông nước. Song song với những hoạt động hội ngoài trời, bên trong chùa cũng nhộn nhịp với các cuộc thi diễn xướng về đề tài: hương, đăng, hoa, trà, quả, thực. Qua 3 ngày 3 đêm, lễ hội chùa Keo đã thể hiện được tấm lòng thành kính của người dân nơi đây đối với Thiền sư Nguyễn Minh Không – vị Thiền sư có nhiều công lao giúp dân giúp nước thời nhà Lý. Đồng thời qua đó cũng phản ánh thêm nét sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng của nền văn hóa nông nghiệp đồng bằng Bắc bộ.
(7) Lễ hội chùa Cổ Lễ “Dù ai buôn bán trăm nghề. Mười tư tháng Chín thì về hội Ông”. Hội chùa Cổ Lễ được diễn ra từ ngày 13 đến 16/9 Âm lịch tại chùa Cổ Lễ, thuộc thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Tương truyền sau khi đắc đạo, Thiền sư Nguyễn Minh Không đã về đây dựng chùa. Ngoài tu giảng Phật pháp, ngài còn bốc thuốc chữa bệnh giúp dân, đúc nên “Tứ đại khí” lừng danh, được người dân ca tụng, tôn xưng ông Tổ nghề đúc đồng. Hội chùa Cổ Lễ được đánh giá là một trong những lễ hội truyền thống còn bảo lưu được nhiều giá trị văn hóa cổ truyền. Phần lễ có các nghi thức dâng hương cúng Phật, tế rước Thánh sư Minh Không. Lễ rước chính được tổ chức vào 14/9 Âm lịch – tương truyền là ngày Thánh Đản sinh. Đám rước kiệu Thánh từ chùa vòng đi quanh làng. Dẫn đầu là đội múa lân sư mở đường, đi sau là đội tế nam quan, nữ quan, nghi trượng, bát bửu, biểu lệnh. Đặc biệt, một bảo vật rất có giá trị ở chùa Cổ Lễ, khẳng định niềm tự hào về vị Thánh sư đúc đồng của tín đồ, phật tử và người dân nơi đây là quả chuông cao hơn 4m, nặng 9 tấn, được đúc với nhiều họa tiết tinh xảo. Phần hội ngoài các trò chơi dân gian như đấu vật, cờ người, tổ tôm, múa rối nước thì đặc sắc nhất là hội thi bơi chải. Đây là hoạt động diễn ra trong suốt thời gian tổ chức lễ hội, kỷ niệm sự tích Thiền sư Nguyễn Minh Không xuôi theo đường thủy lên kinh chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông. Theo quan niệm dân gian tại hội chùa Cổ Lễ thì “Hễ mà bơi chải râm ran; Thánh cho đôi chữ bình an đời đời” nên các cuộc thi tài vô cùng sôi động và quyết liệt. Chải được nhà chùa phối hợp cùng ban tổ chức mời các nghệ nhân lành nghề đóng. Các họ tham gia tuyển chọn trai tráng tập luyện, chuẩn bị đầy đủ trang phục, dụng cụ thi đấu. Chiều 12/9 Âm lịch các họ tổ chức rước kiệu lên chùa hầu Thánh, trên cạn là kiệu rước, đội bát âm, dưới nước có các đội bơi chải, gọi là nghi thức “bơi chầu Thánh”. Sáng 13/9 Âm lịch, sau khi nhà sư trụ trì chùa Cổ Lễ làm lễ tẩy uế các chải, hội bơi chải chính thức được bắt đầu. Trên mỗi chải có khoảng 16 người, gồm 12 tay bơi, 1 người lái 1 tay mõ, 1 tay cờ và 1 tay tát nước. Các chải phân biệt qua màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng. Trong 4 ngày hội (13 – 16), mỗi ngày các chải thi đấu 4 vòng quanh sông, thành tích được tính theo điểm số quy định. Chải thắng cuộc là chải có sự phối hợp nhịp nhàng, khéo léo nhất giữa các thành viên. năm nào chải của họ nào thắng thì cả họ năm đó tin rằng sẽ được Thánh phù hộ cho may mắn.
(8) Lễ hội chùa Ngũ Xã: Chùa Ngũ Xã hay còn gọi là chùa Thần Quang thuộc địa phận làng Ngũ Xã, vốn nổi tiếng với nghề đúc đồng đất Thăng Long xưa, nay là phố Ngũ Xã, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội. Theo bia Thần Quang tự bi ký tại đây thì chùa có niên đại từ thế kỷ XVIII, thờ Phật cùng Thiền sư Nguyễn Minh Không – được dân làng Ngũ Xã xưng tụng là Đức Thánh Tổ Thành Hoàng, Tổ sư nghề đúc đồng. Tên gọi Thần Quang tự của chùa được đặt theo tên chữ chùa Keo (Thần Quang Tự) ngôi chùa gốc thờ Thiền sư Nguyễn Minh Không ở Thái Bình. Hàng năm, cứ đến ngày mồng 1/11 Âm lịch, chùa Ngũ Xã lại cùng với dân làng mở hội tưởng nhớ vị tổ nghề đúc đồng – Thiền sư Nguyễn Minh Không. Hội Ngũ Xã gắn với truyền thuyết trâu vàng hồ Tây, truyện xưa kể rằng khi Thiền sư Nguyễn Minh Không ra Thăng Long có đúc một quả chuông đồng. Chuông đúc xong đánh lên tiếng vang rất xa. Trâu vàng trong kho của nhà Tống bên Trung Quốc nghe thấy tưởng tiếng trâu mẹ gọi bèn vùng lên chạy sang. Sợ hai nước vì thế mà hiểu lầm, sinh ra chiến tranh nên Thiền sư Nguyễn Minh Không cho đẩy chuông xuống hồ, trâu vàng theo đó cũng nhảy xuống rồi lặn mất. Chùa Ngũ Xã hiện nay còn lưu giữ một pho tượng Phật A Di Đà bằng đồng tọa trên đài sen cao gần 4m, nặng hơn 10 tấn, là kiệt tác đúc đồng của nghệ nhân Ngũ Xã, từng được sách Kỷ lục Việt Nam năm 2010 ghi nhận là pho tượng Phật A Di Đà bằng đồng lâu đời nhất Việt nam hiện còn với nhiều giá trị lịch sử và thẩm mỹ quý báu. Hội chùa Ngũ Xã diễn ra trang trọng với nghi thức dâng hương thỉnh Phật, thỉnh Tổ. Dân làng Ngũ Xã coi đây là lễ giỗ Tổ chung của làng, các họ đều bày soạn cỗ tế với xôi gà, hoa quả thịnh soạn. Phần hội tiếp theo với màn hát văn, quan họ cùng nhiều trò chơi dân gian sôi nổi như đấu cờ, chọi gà. Ngoài ra, du khách tới hội còn được chiêm ngưỡng triển lãm các sản phẩm đúc đồng truyền thống Ngũ Xã như đỉnh đồng, lư hương, hạc, tượng tinh xảo.
(9) Lễ hội chùa Trông: Ấn ban phong tặng Quốc sư Linh cấp thiêm gia Thánh tổ (Ấn ban phong tặng Quốc sư Linh thiêng ban thêm Thánh tổ) Đó là đôi câu đối tại chùa Trông ca ngợi công tích Thiền sư Nguyễn Minh Không. Chùa Trông tên chữ là Hưng Long tự, thuộc địa phận xã Hưng Long, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Tương truyền chùa được Thiền sư Nguyễn Minh Không dựng nên vào khoảng thế kỷ XII, đời vua Lý Thần Tông. Sự tích chùa kể rằng, hai làng Hán Lý, Hào Khê (xã Hưng Long) xưa vốn là một làng, cũng chính là quê mẹ của ngài. Sau khi ngài chữa khỏi bệnh cho nhà Vua đã không màng danh lợi, mà dời gót thiền về đây dựng chùa, rồi hóa trên ngọn núi Tam Viên. Để ghi nhớ công ơn, hàng năm từ 15 đến 26/3 Âm lịch, nhà chùa cùng với nhân dân Hán Lý, Hào Khê lại mở hội tôn vinh Ngài. Hội chùa Trông diễn ra trang trọng với nhiều nghi lễ tế rước trang nghiêm. Trong đó, quan trọng nhất là các lễ: rước nước (15/3), “xuất đông nhập tây” (20/3) và lễ tế Thánh về trời (26/3). Lễ rước nước bắt đầu vào ngày 15/3. Đây là nghi lễ xin nước để cầu mong Thánh tổ Nguyễn Minh Không che chở. Ngay từ sáng sớm, người dân trong xã đã tập trung về chùa, đợi có hiệu lệnh của chủ tế sẽ xuất hành ra đê sông Luộc. Tại đây, Ban tổ chức bố trí sẵn 2 thuyền rước, vật phẩm mang theo có chóe sứ, thau đồng, gáo đồng, bát bửu, trống cái, trống con… mỗi thuyền chở khoảng 20 người, bơi ra đến giữa dòng sông lấy nước gọi là nước “Thanh thủy”, thời gian lấy nước thường vào đúng 12 giờ trưa. Nước sau đó được đưa trở lại chùa, dùng để dâng lên tế lễ, tắm tượng, thay áo mới cho Thánh. Áo cũ thay ra được chia thành nhiều mảnh, với quan niệm là “lộc Thánh” ban cho các giáp. Qua mấy ngày hội hè rộn rã, đến 20/3, hội tổ chức lễ “xuất đông, nhập tây”. Đây là nghi lễ tưởng nhớ ân đức Thánh tổ Nguyễn Minh Không cùng thân mẫu, thân phụ Ngài. Đoàn rước gồm 3 kiệu là kiệu Thánh tổ, kiệu thân phụ và kiệu thân mẫu Thánh. Các kiệu đi theo cung đường “nghinh thần”: từ cổng phải chùa (phía đông) ở Hán Lý vòng qua Hào Khê đến cổng Tam Viên (nơi ngài hóa, còn gọi là Mả Thầy) rồi trở về chùa theo cổng trái (phía tây). Tiếp sau đó sẽ tiến hành nghi thức tế Thánh. Theo lệ, tế phẩm phải gồm lục lễ là hương, đăng, hoa, quả, trà, oản. Thời gian tế khoảng 2 đến 3 tiếng, đến cuối buổi tế mới đọc chúc văn. Kết thúc lễ hội chùa Trông là nghi lễ tế Thánh về trời vào sáng ngày 26/3. Toàn thể tín đồ, phật tử, người dân tham dự thành kính dâng hương trước tượng đức Thánh. Lễ tế được kết thúc trước giờ Ngọ (12 giờ trưa) vì tương truyền rằng đó là giờ thiêng để Thánh về cõi Phật. Ngoài phần lễ chính, lễ hội chùa Trông còn có phần hội với nhiều hoạt động sôi nổi như hát chèo, múa hoa đăng, chọi gà, vật võ cổ truyền cùng nhiều trò chơi dân gian phong phú, đặc sắc khác.
(10) Lễ hội chùa Quỳnh Lâm: Thuộc địa phận xã Tràng an, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, chùa Quỳnh Lâm nổi tiếng là ngôi chùa cổ, từng được xem là một trong những trung tâm Phật giáo Đại Việt xưa. Tương truyền chùa được khởi dựng cuối thế kỷ V đầu thế kỷ VI thời Tiền Lý. Sang thế kỷ XI-XII, Thiền sư Nguyễn Minh Không từng có thời gian tu tập ở chùa. Ngài đã đúc cho chùa pho tượng Phật Di Lặc bằng đồng nguyên khối, cao hơn 6 trượng – dân gian quen gọi là tượng Phật Quỳnh Lâm, được xưng tụng là một trong “Tứ đại khí” của nước Nam. Ngoài ra tại chùa, ngài còn tạc thêm một tấm bia đá có chiều cao gần 2,5m, bề ngang khoảng 1,5m. Sang thế kỷ XIV, với sự vận động tích cực của trụ trì chùa lúc đó là Trúc Lâm nhị Tổ Pháp Loa, chùa Quỳnh Lâm đã trở thành “Đệ nhất danh lam”, cơ sở tu tập, truyền kinh, giảng đạo hàng đầu cả nước. Dẫu qua bao thăng trầm của lịch sử, cứ mồng 1 đến mồng 4/2 Âm lịch hàng năm, chùa Quỳnh Lâm lại mở hội tưởng nhớ đến công ơn hộ quốc tý dân, hoằng dương Phật pháp của các vị sư tổ, trong đó, Thiền sư Nguyễn Minh Không là vị Sư tổ với nhiều huyền tích xoay quanh. Tượng Phật Quỳnh Lâm ngài đúc hiện chỉ còn trong ghi chép của sử sách, bia đá cao lớn với hoa văn uốn lượn ghi dấu tạc của ngài cũng mai một qua thời gian. Nhưng trong tâm thức dân gian, tới lễ hội chùa Quỳnh Lâm, tín đồ, phật tử và khách hành hương luôn hướng tới ngài với tấm lòng thành kính nhất. Khai lễ chùa là màn tế rước, dâng hương chư Phật cùng các vị sư tổ. Ngoài tín đồ, phật tử và du khách, các làng của xã Tràng An theo truyền thống cũng tới chùa tế bái. Ai nấy đều trang nghiêm, cầu mong cho tâm hồn luôn được an lạc, thanh thản. Tiếp sau phần lễ là phần hội chùa với những nét văn hóa đặc sắc. Các chương trình nghệ thuật chọn lọc, nhiều trò chơi dân gian độc đáo, kèm theo là những hoạt động thể thao sôi nổi, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của mọi người. Lễ hội chùa Quỳnh Lâm có thể nói là sự hài hòa giữa truyền thống tôn giáo mà cụ thể ở đây là Phật giáo với truyền thống văn hóa dân tộc, được biểu hiện rõ nét qua hành tích, công nghiệp của vị sư tổ – Thiền sư Nguyễn Minh Không. Ngoài những lễ hội Phật giáo tiêu biểu ở miền Bắc có liên quan tới Thiền sư Nguyễn Minh Không đã nêu trên, còn một số lễ hội Phật giáo khác có liên quan tới Ngài, trong khuôn khổ quy định của bài viết chúng tôi chưa có điều kiện đề cập được hết. Hy vọng có dịp trở lại, chúng tôi sẽ trình bày vấn đề được đầy đủ và chi tiết hơn.” (lược trích từ Thiền sư Nguyễn Minh Không và một số lễ hội Phật giáo tiêu biểu ở miền Bắc, Ths.Trần Mạnh Quang – Viện Nghiên cứu Tôn giáo Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 4 năm 2014).
DẠO CHƠI NON NƯỚC VIỆT Hoàng Kim
Anh và em,
chúng mình cùng nhau
dạo chơi non nước Việt.
Anh đưa em vào miền cổ tích
nơi Lạc Long Quân và Âu Cơ
sinh ra đồng bào mình trong bọc trứng,
thăm đền Hùng Phú Thọ
ở Nghĩa Lĩnh, Việt Trì,
về Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội,
thủ đô Việt Nam,
hồn thiêng sông núi tụ về.
“Khắp vùng đồng bằng sông Hồng,
vùng núi và trung du phía Bắc,
không mẩu đất nào không lưu dấu tổ tiên
để giành quyền sống với vạn vật.
Suốt dọc các vùng
từ duyên hải Bắc Trung Bộ,
đến duyên hải Nam Trung Bộ,
Tây Nguyên,
Đông Nam Bộ,
Đồng Bằng Sông Cửu Long,
là sự nghiệp gian nan tiến thủ của tổ tiên
để mở rộng hy vọng tương lai dân tộc” (1)
Tổ Quốc bốn nghìn năm
giang sơn gấm vóc
biết bao nơi lòng ta thầm ước
một lần đến thăm.
Anh đưa em lên Phù Vân
giữa bạt ngàn Yên Tử
nơi “vũ trụ mắt soi ngoài biển cả” (2)
đến Hạ Long,
Vân Đài
Hương Sơn,
Phong Nha,
Huế,
Hải Vân,
Non nước,
Hội An,
Thiên Ấn,
Hoài Nhơn,
Nha Trang,
Đà Lạt.
Về tổ ấm chúng mình
Ngọc phương Nam.
Tình yêu muôn đời:
Non nước Việt Nam.
VÀO TRÀNG AN BÁI ĐÍNH
Hoàng Kim
Anh và em,
chúng mình cùng nhau
dạo chơi non nước Việt
Vào Tràng An Bái Đính.
Lênh đênh qua cửa Thần Phù
Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm.
(ca dao cổ)
Cao Sơn thăm chốn cũ
Tràng An bao đổi thay
Minh Không thầy đâu nhỉ ?
Lững lờ mây trắng bay.
Trước khi lên Yên Tử
Vua Trần vào ở đây
Động thiêng trong núi thắm
Hạ Long cạn nơi này.