Số lần xem
Đang xem 1564 Toàn hệ thống 3808 Trong vòng 1 giờ qua
Trang liên kết
Tỉnh thức
giữa đêm thiêng Yên Tử
Để thấm hiểu đức Nhân Tông
Ta thành tâm đi bộ
Lên tận đỉnh chùa Đồng
Tâm sáng Ức Trai
trong tựa ngọc TÌNH YÊU CUỘC SỐNG
DẠY VÀ HỌC Để chấn hưng giáo dục Việt Nam cấp thiết phải có đội ngũ những người thầy giáo ưu tú có tâm đức thiết tha với nghề, có trình độ chuyên môn cao và có kỹ năng giảng dạy tốt. Đây là trang thông tin chuyên đề dạy và học để trao đổi và bàn luận
Norman Borlaug Lời Thầy dặn Việc chính đời người chỉ ít thôi
Chuyên tâm đừng bận chuyện trời ơi
Phúc hậu suốt đời làm việc thiện
Di sản muôn năm mãi sáng ngời.
CNM365. Chào ngày mới 3 tháng 12. Thái Dương hệ;Trường tôi và thầy Dương Thanh Liêm; Chuyện Huế và thầy Lê; Helen Keller người mù điếc huyền thoại; Sao Kim kỳ thú;Tháp vàng hoa trắng nắng Mekong; Ngày 3 tháng 12 năm 1973, Tàu vũ trụ Pioneer 10 của Hoa Kỳ gửi về những hình ảnh cận cảnh đầu tiên của sao Mộc là hành tinh khí khổng lồ lớn nhất trong Hệ Mặt Trời. Thái Dương hệ có Mặt Trời ở trung tâm với 8 hành tinh có quỹ đạo gần tròn và mặt phẳng quỹ đạo gần trùng khít với nhau gọi là mặt phẳng hoàng đạo. Bốn hành tinh nhỏ vòng trong gồm Sao Thủy, Sao Kim, Trái Đất và Sao Hỏa là các hành tinh đá do chúng có thành phần chủ yếu từ đá và kim loại. Bốn hành tinh khí khổng lồ vòng ngoài là các hành tinh băng đá khổng lồ có hai hành tinh lớn nhất là Sao Mộc và Sao Thổ thành phần chủ yếu là heli và hiđrô; hai hành tinh nằm ngoài cùng là Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương có thành phần chính từ băng, nước, amoniac và mêtan, Có sáu vệ tinh được gọi là “Mặt Trăng” theo tên gọi của Mặt Trăng của Trái Đất và ba hành tinh lùn có các vệ tinh tự nhiên quay quanh. Khi nhìn từ Trái Đất thì Mặt Trăng, Sao Kim, sao Mộc là ba vì tinh tú sáng nhất trên bầu trời. Sao Hỏa tuy sáng gần bằng Sao Mộc nhưng chỉ khi Sao Hỏa ở những vị trí xung đối trên quỹ đạo của nó với Trái Đất. Sao Mộc có khối lượng bằng một phần nghìn Mặt Trời nhưng bằng hai lần rưỡi tổng khối lượng của tất cả các hành tinh khác trong Hệ Mặt Trời cộng lại. Sao Mộc được các nhà thiên văn học cổ đại gắn với thần thoại và niềm tin tôn giáo trong nhiều nền văn hóa. Sao Mộc là hành “mộc” của năm nguyên tố cơ bản và năm trạng thái Kim, Mộc,Thủy, Hỏa,Thổ trong ngũ hành phương Đông Ngày 3 tháng 12 là Người khuyết tật Quốc tế (International Day of Disabled Persons); Bài chọn lọc ngày 3 tháng 12:Trường tôi và thầy Dương Thanh Liêm; Chuyện Huế và thầy Lê; Helen Keller người mù điếc huyền thoại; Sao Kim kỳ thú;Tháp vàng hoa trắng nắng Mekong; Thông tin tại http://fa.hcmuaf.edu.vn/hoangkimlong và https://cnm365.wordpress.com/category/chao-ngay-moi-3-thang-12/;
TRƯỜNG TÔI VÀ THẦY DƯƠNG THANH LIÊM
Hoàng Kim
Thầy Dương Thanh Liêm là nhà giáo Nhân dân, chuyên gia đầu ngành Việt Nam về dinh dưỡng gia súc, độc chất học. Thầy PGS.TS Dương Thanh Liêm nguyên là Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 1994-1998, thời mà thầy Bùi Cách Tuyến và cô Nguyễn Phước Nhuận làm hiệu phó. Thầy mất ngày 1 tháng 12 năm 2018 nhằm ngày 25 tháng 10 năm Mậu Tuất. Có những người Thầy mà nhân cách, sự tận tụy và đức hi sinh cao hơn những trang sách đã học. Thế hệ chúng tôi may mắn được học Thầy.
*
Tôi nghe tin thầy Dương Thanh Liêm đau nặng, suy tim giai đoạn cuối, đang điều trị ở phòng săn sóc tích cực của Bệnh Viện Việt Pháp số 6 Nguyễn Lương Bằng quận 7, do thầy Dương Duy Đồng và thầy Trần Đình Lý thông báo, nên vội đến thăm, đó là lần cuối gặp Thầy trước khi Thầy đi về cõi vĩnh hằng. Khi tôi đến Thầy đã chuyển lên phòng 642, tuy có đỡ hơn trước một chút và vẫn minh mẫn tĩnh táo trò chuyện nhưng thầy rất mệt. Tôi thầm mong quý thầy bạn sớm ghé thăm hổ trợ thầy.. Thầy tuy an nhiên vui vẻ nhưng suy tim hiểm nghèo, và thầy đã trên 80 tuổi, gặp được thầy lúc nào là quý lúc đó. Tôi lắng nghe lòng rưng rưng. Tôi thưa với thầy tôi tri ngộ thầy và tâm đắc ở thầy ba chuyện: đức độ hi sinh, thanh liêm chính trực, tận tụy dạy người. Đó là ba bài học lớn.
Đức độ hi sinh
Thầy Dương Thanh Liêm sinh năm 1938 tại xã Thuận Điền, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Năm 1955 thầy tập kết ra Bắc và học tại Trường Học sinh miền Nam, sau đó vào học Trường Đại Học Nông nghiệp 1 Hà Nội (nay là Học Viện Nông Nghiệp Việt Nam). Năm 1974, thầy bảo vệ thành công luận án PTS tại Hungary, năm 1976 thầy chuyển vào công tác tại Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1994-1998 thầy làm Hiệu Trưởng Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2004, thầy được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân.
Thầy Dương Thanh Liêm đức độ hi sinh nhẫn nại hiếm thấy trong một tình cảnh gia đình ngặt nghèo cùng cực. Vợ phát bệnh tâm thần sau khi sinh con trai được mấy tháng. Đứa con trai duy nhất của thầy đã chết đuối năm 13 tuổi . Thầy ngày ngày nuôi vợ bệnh tâm thần và hai người con gái bị suy nhược thần kinh. Vợ thầy mất năm 2014. Suốt cuộc đời bật hạnh, thầy Dương Thanh Liêm đã vượt lên những nỗi đau và tổn thất thiệt thòi cùng cực của riêng mình, để trao lại cho Trường, cho đời những niềm vui và sự thành công.
Lịch sử Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh thời thầy Dương Thanh Liêm làm Hiệu Trưởng đã có những dấu ấn nổi bật, tuy chưa có xâu chuỗi so sánh lịch sử. Thầy đã cống hiến cho trường đầy đặn thủy chung như Abraham Lincoln đối với nước Mỹ chịu riêng mình nỗi đau và bất hạnh khủng khiếp khó tưởng tượng nổi nhưng thầy đã an nhiên và điềm tĩnh vượt qua.
Thầy như thiền sư giữa đời thường.
Giáo sư Dương Thanh Liêm là Hiệu trưởng và Phó Giáo sư Lưu Trọng Hiếu là Trưởng Phòng Hợp tác Quốc tế những người thầy nhân cách cao quý ‘dĩ công vi thượng’ đặt việc chung lên trên, sẵn sáng ‘ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng’ cùng quý thầy cô tham gia nghiên cứu khoa học thực sự cùng lũ học trò chúng tôi mà không hề so đo tính toán.
Thầy bạn trong đời tôi (Hoàng Kim). Chương trình Sắn Việt Nam (Viet Nam Cassava Program – VNCP) do Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam chủ trì kết nối với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, CIAT, CIP, VEDAN cùng với nhiều cơ quan, công ty, đơn vị, cá nhân của Việt Nam và Thế Giới. Chương trình Sắn Việt Nam (Viet Nam Cassava Program – VNCP) có hoạt động như là một hiệp hội nghề nghiệp. Cây sắn Việt Nam bảo tồn và phát triển bền vững nhờ sự “góp gạo thổi ăn chung”. Thầy Dương Thanh Liêm, thầy Lưu Trọng Hiếu cùng quý thầy cô Bùi Xuân An, Ngô Văn Mận, Nguyễn Thị Sâm, Trần Thị Dung của Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh là những người đồng sáng lập và tham gia từ rất sớm chương trình cộng đồng này.
Hai trong số tám sách khoai sắn dày dặn thời bấy giờ có hình trên đây là nhờ sự chung sức kết nối. Nhiều chuyên gia quốc tế sau này vẫn thích trở lại bài học sắn Việt Nam bây giờ và sau đó (Vietnam and Cassava: Now and Then by Prof. Dr. Kazuo Kawano) như là một điểm sáng toàn cầu.
Thầy Lưu Trọng Hiếu nhiều lần cùng cô Nguyễn Thị Sâm đưa chuyên gia và tôi về Vĩnh Long để ‘khoe” giống khoai lang mới HL518 (Nhật đỏ) HL491 (Nhật tím) của học trò mình chọn tạo có thân lá tốt cho chăn nuôi và củ ăn thật ngon, thịt củ lại có màu cam đậm hoặc tím đậm, thật tốt cho công nghệ thực phẩm. Năng suất khoai lang toàn tỉnh Vĩnh Long tăng gấp đôi, diện tích từ 6.000 ha lên 12.000 ha, Thầy mừng việc của trò như chính việc mình. Thầy Dương Thanh Liêm, thầy Ngô Văn Mận, thầy Bùi Xuân An vừa nghiên cứu bột cỏ vừa … nuôi dê và giúp phân tích thành phần dinh dưỡng củ và dây lá khoai lang sắn của Kim Thủy mang đến với sự giúp đỡ tận tình mà không chút nề hà, thầy cô nhận quà biếu chỉ ít … củ khoai. Thầy có thể quên nhưng trò mãi nhớ…
Thầy Dương Thanh Liêm viết bài “Chế biến và sử dụng bột lá khoai mì trong chăn nuôi gia súc”. GS. Dương Thanh Liêm, KS. Nguyễn Phúc Lộc, KS. Nguyễn Văn Hảo, ThS. Ngô Văn Mận, KS. Bùi Huy Như Phúc, ThS Bùi Xuân An (sau này thầy Mận là giảng viên chính tiến sĩ, thầy An là giảng viên chính, phó giáo sư). Đề tài sử dụng bột lá sắn làm thức ăn gia súc đã phát triển thành đề tài rất có giá trị Việt Nam, gắn liền với tên tuổi thầy Liêm với “bột cỏ” làm thức ăn hỗn hợp cho gia súc, gia cầm mà nhờ đó gia súc không thiếu sinh tố A, kháng bệnh tốt và lòng đỏ trứng gà trở nên màu vàng đẹp.
Sử dụng lá khoai mì trong công nghiệp chế biến thức ăn gia súc (Yves Froehlich, Thái Văn Hùng). Hội thảo hiệu quả sử dụng sắn và lá sắn ủ trong khẩu phần lợn thịt và kết quả chuyển giao ủ yếm khí sắn vào các nông hộ ở Thừa Thiên Huế (Nguyễn Thị Hoa Lý, Lê Văn An, Đào Thị Phượng, Lê Văn Phước). Những nghiên cứu mới sử dụng sắn làm thức ăn gia súc. (Lê Đức Ngoan) … Những công trình nghiên cứu tiếp nối công trình của giáo sư Dương Thanh Liêm đã mở ra những thành tựu mới trong khoa học.
Nhân cách cao quý đức độ hi sinh là bài học lớn về thầy.
Giáo sư Bùi Chí Bửu khi về tiếp nhận chức vụ Viện Trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam có mời giáo sư Dương Thanh Liêm về báo cáo khoa học “Thực trạng và định hướng ngành chăn nuôi Việt Nam”. Chúng tôi lặng người khi lắng nghe những cảnh báo thật sâu và thật thấm thía những vấn đề nóng hổi của chăn nuôi thú y Việt Nam. Thầy Dương Thanh Liêm đã điềm tĩnh mổ xẽ không khoan nhượng những điều được và chưa được trong ngành chăn nuôi thú ý Việt Nam và so sánh với nghề cá và nông học. Thầy nói về trình độ của đội ngũ nghiên cứu giảng viên, cơ sở giảng dạy vật chất thiết bị và thực tập để gắn nghiên cứu đào tạo và thực tiễn sản xuất, hợp tác trong nghiên cứu khoa học và đào tạo với nước ngoài, nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ trọng tâm thứ hai và là sức sống của trường đại học. Thầy vinh danh ngành thủy sản sớm khảo sát và định danh cá nước ngọt ở Đồng Bằng Sông Cửu Long, nghiên cứu sinh học và sinh sản cá Tra trở thành đối tượng xuất khẩu hàng đầu của ngành thủy sản tạo nên thương hiệu Việt, vinh danh việc chọn tạo giống và thâm canh cây lương thực đã làm nên những kỳ tích Việt, đánh giá cao cách làm và thành quả nghiên cứu phát triển sắn khoai lang, những cây trồng cho người nghèo, vì người nghèo. Tôi nghe mà xúc động trước sự hiểu biết sâu sắc và thấm thía những cảnh báo của Thầy về những vấn đề nóng hổi của chăn nuôi thú y Việt Nam. Tôi ngối sau thầy Trần Thế Thông và khi ăn cơm thì ngồi cạnh hai thầy. Tôi nghe được các lời đối thoại không thể quên.
Thầy Liêm nói: “Anh Thông ơi ! Ngành chăn nuôi chúng ta chưa có gà Việt, heo Việt và bò Việt tương xứng đúng nghĩa, dinh dưỡng và thức ăn gia súc thì chưa có nền công nghiệp thức ăn đáp ứng mong đợi, dịch cúm gia cầm gia súc đang là vấn nạn. Anh có giải thưởng Hồ Chí Minh về giống heo. Tôi có giải thưởng Nhà nước (Hồ Chí Minh ?) về bột cỏ dinh dưỡng thức ăn gia súc . Nhưng soi vào thực tại thì ngành Thủy sản cậu KS. Nguyễn Thanh Xuân, Đại học Nông Lâm (người nối nghiệp GS.TS. Ngô Bá Thành đã mất ) mới kỹ sư thôi, đã cùng anh em Khoa Thủy Sản của Trường tôi và cậu Tuấn với Khoa Thủy sản Đại học Cần Thơ, họ đã làm được biết bao nhiêu việc (GS.TS. Hoàng Anh Tuấn, cựu sinh viên trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, sau là phó Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ nhiệm kỳ 2002 – 2006 Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ nhiệm kỳ 2007 – 2011 ) . Thủy sản Việt xuất khẩu Mỹ phải sợ không phải là chuyện đùa. Kể cả cách làm và thành quả cây sắn của cậu Kim và anh em Hưng Lộc và mạng lưới sắn là đáng suy nghĩ đấy. .. Cậu Xuân chỉ là kỹ sư thôi nhưng là chuyên gia đầu ngành thủy sản.
Thầy Liêm nói đại ý vậy, và tôi đã lặng người về Thầy.
Một người Thầy với một báo cáo đề dẫn 20 phút đã không phát biểu theo thường lệ là dành khoảng bảy phần mười thời lượng để nói về việc tốt, điều hay của nghề mình phụng sự và việc mình làm, và ba phần mười thời lượng để nói về những suy tư gợi ý và định hướng. Thầy Liêm thì khác. Thầy nói thẳng ngay vào thực trạng đến nóng mặt, những điều được và chưa được, cho những người nghe toàn là những chuyên gia chăn nuôi thú y lõi nghề của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam (Viện đa ngành duy nhất thuở ấy của Việt Nam). Thầy ngợi khen về những kết quả khác mà người thường và những người khác ngành nghề chuyên môn không dễ thấy. Sau này khi suy ngẫm về tái cơ cấu nông nghiệp, con tôm con cá được Chính phủ nhấn mạnh gần đây, tôi đọc đi đọc lại nhiều lần bài “Hột lúa và con cá” của giáo sư Tôn Thất Trình, bài “Đáy biển mò kim” và “Bốn mươi năm khoa Thủy sản” của KS. Trần Thanh Xuân nguyên phó Trưởng Khoa Thủy sản, cùng với bài viết “Những điều tôi đã trãi qua” của thạc sĩ Lê Thị Phương Hồng, nguyên Trưởng Khoa Thủy sản, tôi càng thấy thấm thía hơn đối với những lời Thầy.
Tại một kỳ họp toàn thể của Đảng bộ Trường trong một lần khác, Thầy cũng đã nói những lời tốt đẹp hoan nghênh sự trở về mái trường xưa để giảng dạy và nghiên cứu của tôi. Những lời động viên ấm áp, đúng lúc của Thầy làm tôi xúc động, biết ơn Thầy về sự tận tụy với con người, với Trường, với nghề, với đồng nghiệp, với học sinh thân yêu thật quý biết bao !
Sinh thời Giáo sư Lê Văn Căn có nói với tôi: “Cụ Trừu nói một câu mà làm mình phải luôn cố gắng Kim ạ. Đó là câu “Anh Căn thực việc, thầm lặng nhưng hiệu quả”. Khi trực tiếp nghe thầy Dương Thanh Liêm đánh giá kết quả chương trình sắn Việt Nam vượt bao khó khăn khâu nối tốt hợp tác trong và ngoài nước, thầy khen ngợi thực lòng làm ấm lòng biết bao người, Bài báo cáo của Thầy ở Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam,hồn nhiên khen con cá và củ khoai củ sắn, chưa bằng lòng với thành tựu của ngành chăn nuôi, người nghe thấy thầy công tâm biết bao. Tôi nghe thầy phát biểu khen ngợi công việc và sự trở về trường của tôi trước hội nghị toàn thể của Đảng bộ Trường, tôi cũng có cảm giác biết ơn con mắt tri kỹ biết soi thấu những góc khuất kẻ sĩ để khích lệ sự thầm lặng cống hiến.
Thầy Dương Thanh Liêm là tấm gương sáng thanh liêm chính trực
Tận tụy dạy người
Có những người thầy mà nhân cách, sự tận tụy và đức hi sinh cao hơn những trang sách đã học. Thế hệ chúng tôi may mắn được học Thầy.
Chương trình tiên tiến và Chương trình chất lượng cao hướng đến an toàn thực phẩm và quản lý chất lượng (Food Safety and Quality Management), của Khoa Chăn nuôi Thú Y và Công nghệ Thực phẩm Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh hiện nay đang là cơ hội lớn để nâng cao chất lượng giảng viên và mở rộng chất lượng hợp tác. Tôi thật ngưỡng mộ sự vươn tới của Bộ Môn Dinh Dưỡng, Khoa Chăn nuôi Thú Y Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh. Người lãnh đạo ban đầu sau ngày Việt Nam thống nhất là thầy Dương Thanh Liêm Cho đến nay Bộ môn Dinh dưỡng có thật nhiều chuyên gia giỏi trong lĩnh vực này và là một đội ngũ thực sự gắn bó và tận tụy với người. Sự quan tâm chăm sóc lẫn nhau, bảo tồn kế thừa phát triển thực sự nhân ái. Giảng viên chính, tiến sĩ Dương Duy Đồng, Trưởng Bộ Môn Dinh Dưỡng, Phó Hiệu Trưởng, PGS. TS. Dương Thanh Liêm (nghỉ hưu), GVC. TS. Ngô Văn Mận (nghỉ hưu), GVC. ThS. Nguyễn Văn Hảo (nghỉ hưu) Tiến sĩ Nguyễn Quang Thiệu, Phó Trưởng Khoa CNTY, Tiến sĩ Ngô Hồng Phương, BSTY. Nguyễn Thị Phương Dung, ThS. Nguyễn Văn Hiệp, ThS. Lê Minh Hồng Anh, Nguyễn Thị Lộc. Nơi đây có một mạng lưới liên kết chiều sâu rộng khắp với các Viện, Trường, Công ty , Tổ chức, cá nhân trong nước và thế giới.
GS Lê Văn An hiệu trưởng Trường Đai học Nông Lâm Huế, Tiến sĩ Trần Công Khanh giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Điều đều tận tụy tham gia theo gương sáng của Thầy. Trường ĐHNL, Khoa CNTY và Bộ Môn Dinh Dưỡng là nơi sớm có chương trình đào tạo thạc sĩ tiến sĩ từ những năm đầu thập kỷ 1990, điển hình là hai chương trình Đào tạo Thạc sĩ về Hệ thống Chăn nuôi bền vững do SAREC-SIDA tài trợ và chương trình đào tạo Thạc sĩ về Thú y do chính phủ Pháp tài trợ. Dự án đào tạo Thạc sĩ Chăn nuôi Nhiệt đới Bền vững do SIDA tài trợ với sự giúp đỡ của Đại học Thụy Điển và các giáo sư có uy tín trên thế giới đã thực sự đào tạo được đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu ở trình độ cao, nhiều chuyên gia chăn nuôi thú y giỏi Việt Nam và tạo nên sự kết gắn thật tốt của các Viện Trường Công ty và những người chăn nuôi. Trên cơ sở của dự án này Chính phủ Thụy Điển đã tiếp tục tài trợ cho Chương trình MEKARN giai đoạn 1 và 2 kéo dài cho đến nay.
Các thầy cô chăn nuôi đã tham gia Chương trình Sắn Việt Nam (VNCP) với tính chất cộng đồng thật vui vẻ và tự nguyện, thanh thản và bình tâm, chẳng chút đắn đo, như thầy Dương Thanh Liêm, thầy Lưu Trọng Hiếu, thầy Trần Thế Thông, Thầy Bùi Xuân An, thầy Lê Văn An (nay là giáo sư Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Huế, ảnh trên),TS. Nguyễn Thị Hoa Lý, PGS.TS Lê Đức Ngoan (nay là phó Hiệu Trưởng Đại học Nông Lâm Huế, chuyên gia chăn nuôi nghiên cứu tiếp nối cụm công trình bột lá của thầy Liêm về sử dụng sắn làm thức ăn gia súc)… Thầy Liêm dấn thân làm ‘người trong cuộc’, cũng đứng báo cáo, thảo luận thật hòa đồng, nên mới có sự thấu hiểu sâu sắc đến vậy.
Nhiều thầy cô khác như Thầy Mai Văn Quyền, Thầy Ngô Kế Sương, thầy Trương Công Tín, Thầy Nguyễn Văn Luật, cô Nguyễn Thị Sâm , cô Trần Thị Dung, tham gia chương trình với những vị trí đóng góp thật cảm động và sâu sắc, làm nên sức mạnh cộng đồng. Chặng đường trên 40 năm nhìn lại thật ân tình. Phần lớn quý thầy nay đã nghĩ hưu.
Quyển sách chuyên khảo “Thực phẩm chức năng, sức khỏe bền vững” của Dương Thanh Liêm, Lê Thanh Hải, Vũ Thủy Tiên, 2010, Nhà Xuất bản Khoa học và Kỹ thuật Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Hùng Vương TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh, 527 trang (xem online tài liệu tại đây) và hai công trình nghiên cứu khác “Hợp chất iôt hữu cơ kích thích gia súc tiết sữa, gia cầm đẻ trứng” và “Nuôi dê sữa theo lối công nghiệp” hiện được ứng dụng ở nhiều nơi.
Thăm thầy giáo bệnh’ bài thơ xúc động của anh Hoàng Đại Nhân đã nói hộ cho biết bao tấm lòng sinh viên Đại học Nông Lâm chúng tôi và những người chăn nuôi Việt Nam biết ơn Thầy.
THĂM THẦY GIÁO BỆNH
Thơ Hoàng Đại Nhân
Kính tặng Nhà giáo nhân dân, PGS. TS. Dương Thanh Liêm, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh.
Trọn đời gắn với giảng đường
Một đời thanh bạch chẳng vương bụi trần
Bàn chân đi khắp xa gần
Vẫn nguyên cốt cách tảo tần hồn quê
Một đời yêu đến say mê
Những trang giáo án truyền nghề lớp sau
Một đời thận trọng từng câu
Một lời giảng cũng nặng sâu nghĩa tình
Một đời làm việc hết mình
Nâng niu tất cả, riêng mình thì quên
Nỗi buồn, chôn dấu niềm riêng
Niềm vui chia sẻ nhân thêm nghĩa tình
Một đời tình nghĩa phân minh
Thầy trò chia sẻ nghĩa tình cha con.
Tám mươi tuổi, sức hao mòn
Mà trang giáo án vẫn còn trên tay
Cao xanh sao nỡ đặt bày
Gây nên trọng bệnh để thầy đớn đau
Cầu mong cơn bệnh qua mau
Hết mưa lại sáng một bầu trời xanh
Mong thầy bình phục an lành
Cây đại thụ của rừng xanh đại ngàn.
Tôi đồng cảm với anh Hoàng Đại Nhân và thật sự cảm phục thầy Dương Thanh Liêm.
Đức độ hi sinh, thanh liêm chính trực, tận tụy dạy người là ba bài học lớn của thầy Dương Thanh Liêm
Hoàng Kim
CHUYỆN HUẾ VÀ THẦY LÊ Hoàng Kim Giáo sư Phan Huy Lê viết về cố đô Huế với tôi tâm đắc và ấn tượng nhất là bài văn bia về tiên chúa Nguyễn Hoàng và câu chuyện về lăng Đan Dương dưới đây. Nhà thơ Ngô Minh thông tin ý kiến kết luận của giáo sư Phan Huy Lê: Cung điện Đan Dương và lăng Đan Dương chắc chắn nằm trong khu cung điện Đan Dương.Tổng kết Hội thảo Khoa học Cung Đan Dương thời Tây Sơn tại Huế là tài liệu quan trọng trong nghiên cứu lịch sử để tìm về sự thật qua những cứ liệu về cung điện Đan Dương và Lăng Đan Dương. Bản tổng kết do GS Phan Huy Lê đúc kết, được nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân ghi lại từ máy ghi âm và đã được GS Phan Huy Lê xem lại, chỉnh sửa. Bài được đăng trên QTXM.
“Cung điện Đan Dương và lăng Đan Dương chắc chắn nằm trong khu cung điện Dương Xuân”
Phan Huy Lê
Kính thưa các anh, các chị, các bạn thân mến
Cuộc hội thảo của chúng ta hôm nay có lẽ là một trong ít cuộc hội thảo lý thú lôi cuốn sự quan tâm của mọi người và thể hiện tinh thần tranh luận rất hăng hái, say sưa, thẳng thắn. Tôi chắc chắn nếu có thì giờ thì chúng ta còn thể ngồi trao đổi với nhau thêm cả buổi hay cả ngày cũng chưa hết ý kiến. Trong hội thảo ý kiến khác nhau là chuyện bình thường, hơn nữa là thước đo của sự thành công và điều cần nhấn mạnh là tất cả đều trên ý thức sâu sắc cố gắng tìm tòi, khám phá để đi đến sự thật lịch sử.
Chủ đề của hội thảo là “Cung điện Đan Dương thời Tây Sơn tại Huế” mà tự thân nó đã hết sức quan trọng không những chúng ta và bà con thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên-Huế quan tâm mà có thể nói cả nước cùng quan tâm. Cung điện Đan Dương liên quan đến một trung tâm chính trị gắn liền với một biến động lịch sử lớn lao của đất nước vào cuối thế kỷ XVIII, gắn liền với kinh thành Phú Xuân thời Tây Sơn và lăng của Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ.
Trong nghiên cứu và bàn luận về lịch sử thì tất cả chúng ta đều nhất trí, tư liệu là cơ sở quan trong bậc nhất, có thể nói giữ vai trò quyết định trong xác minh các sự kiện, di tích và nhận thức lịch sử nói chung. Tư liệu về Tây Sơn và về chủ đề hội thảo của chúng ta rất ít ỏi, một phần lại được ghi chép theo quan điểm đối nghịch, khó bảo đảm tính khách quan. Chúng ta cố gắng thu thập tất cả các nguồn sử liệu từ những nhân vật thời Tây Sơn đến chính sử triều Nguyễn, từ tư liệu chữ viết đến các tư liệu truyền khẩu và những di tích liên quan còn tồn tại đến nay. Tư liệu về số lượng đã ít lại có nhiều thông tin không thống nhất, văn bản lưu lại đến nay lại không phải văn bản gốc. Dĩ nhiên chúng ta phải áp dụng phương pháp sử liệu học, văn bản học để giám định, xác minh tư liệu và qua đối chiếu, phân tích để rút ra những thông tin có giá trị, có độ tin cậy trong nghiên cứu. Chỉ trên phương diện tư liệu, đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều và đó cũng là một nguyên nhân làm cho cuộc tranh luận trở nên sôi nổi, có khi gay gắt.
Về kết quả nghiên cứu và quan điểm của từng tác giả thì trong kỷ yếu đã phản ánh rõ. Trong Báo cáo đề dẫn, PGS Đỗ Bang cho biết trong 9 tham luận có 5 tham luận ủng hộ quan điểm của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, 2 ủng hộ nhưng cần nghiên cứu bổ sung cứ liệu và 2 phản đối. Rồi trong hội thảo, ý kiến của từng tác giả thế nào, mọi người đã trực tiếp chứng kiến và có thể rút ra nhận xét riêng của mình. Nhưng trong hội thảo khoa học, tôi không muốn tổng kết theo phương thức biểu quyết đa số phục tùng thiểu số như vậy. Trong khoa học, thậm chí có khi mọi người đều đồng tình mà cũng không dám đưa ra kết luận vì chưa hội đủ các cứ liệu khoa học cần thiết. Trong lịch sử nhận thức, những khám phá, phát minh đầu tiên là do cá nhân đưa ra, thường là đơn độc và có không ít trường hợp phải một thời gian lâu về sau mới, thậm chí sau khi tác giả qua đời, mới được khoa học công nhận. Vì vậy trong hội thảo khoa học, chúng ta cần tôn trọng mọi ý kiến mọi người và cần bình tĩnh lắng nghe, ý kiến phản biện rất cần cho tác giả của mọi công trình khoa học.
Trong tổng kết này, tôi xin phép tập trung vào một số vấn đề quan trọng nhất và trên mỗi vấn đề vừa điểm lại cuộc tranh luận của chúng ta, vừa cho tôi được phát biểu một số ý kiến cá nhân.
Vấn đề thứ nhất là Kinh thành Phú Xuân thời cuối chúa Nguyễn.
Dinh phủ chúa Nguyễn qua nhiều lần di chuyển từ Ái Tử, Trà Bát (Quảng Trị) đến Phước Yên, Kim Long (Thừa Thiên-Huế) và năm 1687 dời đến Phú Xuân. Tại dinh phủ mới gọi là Chính dinh, chúa Nguyễn Phúc Thái cho xây dựng cung điện, đắp tường thành. Năm 1744 chúa Nguyễn Phúc Khoát xưng vương hiệu và Chính dinh đổi làm Đô thành. Các nhà nghiên cứu cố đô Huế xác định đô thành Phú Xuân nằm trong góc đông nam kinh thành của nhà Nguyễn còn bảo tồn đến nay. Trong Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn có một đoạn miêu tả kinh đô Phú Xuân khi làm Hiệp trấn Thuận Hóa năm 1776, trong đó có những cung điện trong thành ở bờ bắc sông Hương và bờ nam có phủ Dương Xuân, phủ Cam và một số kiến trúc như phủ Tập Tượng, điện Trường Lạc, hiên Duyệt Võ. Đó là những miêu tả của nhân vật đương thời. Cố đạo Jean Kofler đã từng làm Ngự y cho chúa Nguyễn, cũng có một đoạn văn miêu tả Dinh phủ Phú Xuân hình chữ nhật, mở 7 cửa, nhìn về phía sông Hương. Ông cho biết thêm, chúa còn có cung điện thứ hai ở bên kia sông gọi là “cung điện Mùa Đông” chỉ dùng trong bốn tháng mùa đông. Thương nhân Pierre Poivre có dịp đến Phú Xuân gọi phủ chính ở đô thành là “Pho
Thương nhân Pierre Poivre có dịp đến Phú Xuân gọi phủ chính ở đô thành là “Phou King” (Phủ Kinh) và phủ có cung điện Mùa Đông ở Dương Xuân là “Phou tlên” (tức Phủ Trên). Đấy là những tư liệu miêu tả của người đương thời, rất đáng tin cậy.
Tại đô thành Phú Xuân của chúa Nguyễn, ngoài các cung điện chính bố trí trong thành, bên ngoài nhất là bờ nam sông Hương có một số kiến trúc phục vụ cho các chúa và chính quyền của chúa, trong đó có “cung điện Mùa Đông” ở Dương Xuân dành cho chúa, gia đình và triều thần sống và làm việc trong bốn tháng mùa đông. Theo tôi, đây là một cấu trúc không gian đặc thù của đô thành Phú Xuân thời chúa Nguyễn: một “Phủ Kinh” nằm trong đô thành và một “Phủ trên” với “cung điện Mùa Đông” bố trí trên gò đất cao tránh 4 tháng mưa lũ mùa đông của xứ Huế. Cung điện mùa đông không phải là hành cung tức nơi vua tạm nghỉ trên đường tuần du khi xuất cung. Đây là cung điện để sống và làm việc trong cả 4 tháng mùa đông, cần được coi như một bộ phận cấu thành của đô thành Phú Xuân. Đấy là một sáng tạo trong qui hoạch đô thành phù hợp với điều kiện tự nhiên và khí hậu của xứ Huế khi con người chưa có khả năng khắc phục được những khó khăn trở ngại của thiên nhiên. Tất nhiên là chúng ta chỉ mới có tư liệu để đưa ra một cái nhìn vĩ mô của cấu trúc không gian đô thành, còn đi sâu vào qui hoạch cụ thể cùng các kiến trúc và vị trí, qui mô từng kiến trúc thì còn phải dày công nghiên cứu.
Vấn đề thứ hai là Kinh đô Phú Xuân thời Tây Sơn.
Tư liệu lịch sử cho biết cuối năm 1774 quân Trịnh do Hoàng Ngũ Phúc chỉ huy tiến vào nam, chiếm đô thành Phú Xuân của chúa Nguyễn. Sau đó, năm 1786 quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy đánh chiếm thành Phú Xuân trong tay quân Trịnh. Trên danh nghĩa “phù Lê diệt Trịnh” quân Tây Sơn thừa thắng tiến ra Đàng Ngoài, chiếm kinh thành Thăng Long, phế bỏ chính quyền chúa Trịnh, thiết lập lại triều vua Lê. Khi trở về Phú Xuân, Nguyễn Huệ đóng đại bản doanh ở đâu?
Năm 1788 Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế ở Bân Sơn và sau khi đại thắng quân Thanh ở Thăng Long, ông trở về Phú Xuân đóng đô ở đâu? Đây là những câu hỏi đặt ra để xác định kinh đô Phú Xuân của Hoàng đế Quang Trung. Tôi ủng hộ ý kiến cho rằng Quang Trung đóng đô ở Phú Xuân, bao gồm cả khu vực trong thành gọi là Phủ Kinh và khu vực phủ Dương Xuân ở phía nam sông Hương, nhưng đại bản doanh chủ yếu đặt ở phủ Dương Xuân. Thư của La Barbette cho biết Quang Trung đóng tại một quân doanh xung quanh xây tường thành bảo vệ, chứ không phải trong thành. Ngoài ra, còn có thể nêu thêm hai lý do nữa.
Thứ nhất, Quang Trung Nguyễn Huệ là một nhà quân sự kiệt xuất, ông lại trực tiếp cầm quân đánh chiếm thành Phú Xuân, hiểu hơn ai hết vị thế quân sự của tòa thành này, mặt ưu thế và cả mặt bất lợi, nhất là về phương diện phòng thủ. Thành xây dựng trên bờ bắc sông Hương có vị trí giao thông tiện lợi, nằm trên hòn đảo giữa sông Hương và sông Kim Long, địa hình trống trải, rất khó phòng ngự. Quang Trung vừa là Hoàng đế, vừa là Tổng chỉ huy quân đội của vương triều trong hoàn cảnh phải luôn luôn và sẵn sàng dụng binh đối phó với nhiều thế lức chống đối bên trong và bên ngoài. Trong bối cảnh đó và trong cấu trúc hai bộ phận của đô thành Phú Xuân thời chúa Nguyễn, Quang Trung sử dụng các cung điện trong thành trong một số hoạt động, nhất là các nghi lễ của vương triều và chọn phủ Dương Xuân làm nơi thiết triều, đồng thời là đại bản doanh. Dĩ nhiên, trên cơ sở các cung điện của chúa Nguyễn, chắc ông có xây dựng thêm một số kiến trúc mới, nhất là đắp thành lũy phòng thủ.
Thứ hai, sau khi Quang Trung mất, Quang Toản lên nối ngôi và Bùi Đắc Tuyên làm Thái sư nắm toàn bộ quyền lực như Tể tướng. Bài thơ Xuân để kỷ sự (Mùa xuân ở công quán ghi việc) Phan Huy Ích có một “nguyên dẫn” rất quan trọng cho biết “nhà của quan Thái sư ở chùa Thiền Lâm cũ”, “nha thuộc cũng theo đến ở chung trong chùa” và Thị trung ngự Phan Huy Ích về kinh cũng đến đây “họp bàn việc công”. Thời Tây Sơn thường sử dụng chùa làm nơi làm việc của chính quyền. Dấu tích của chùa Thiền Lâm đã được nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân khảo sát kỹ và xác định được vị trí cũ của chùa nằm trên gò Dương Xuân. Khu cung điện ở phủ Dương Xuân từ thời Quang Trung sang thời Quang Toản, ít nhất là buổi đầu, chắc chưa thay đổi. Đấy là một chứng tích cho thấy thời Tây Sơn đã sử dụng phủ Dương Xuân như khu vực chính trị-quân sự chủ yếu của kinh đô Phú Xuân.
Vấn đề thứ Ba là cung Đan Dương thời Tây Sơn
Trong thơ của Ngô Thì Nhậm có bốn bài thơ nói đến Đan Dương. Đó là bài Đạo ý (Gợi ý), Khâm vãn Đan Dương lăng (Kính viếng lăng Đan Dương), Sóc vọng thị tấu nhạc Thái Tổ miếu cung ký (Ngày lễ rằm, mồng một tấu nhạc miếu Thái Tổ, kính ghi) và Tòng giá bái tảo Đan Lăng cung ký (Theo xa giá đi bái tảo Đan Lăng, kính ghi). Về mặt văn bản học, bốn bài thơ trên nằm trong tập Cúc hoa thi trận của Ngô gia văn phái cũng như bài thơ đã dẫn của Phan Huy Ích nằm trong Dụ Am ngâm lục. Một số tham luận đã nghiên cứu văn bản chữ Hán và nêu lên một số hoài nghi vì không phải văn bản gốc, có một số chữ chép sai, có những chữ viết theo lối đối ngẫu của thơ Đường khó phân biệt tên riêng hay tên chung. Rõ ràng tác phẩm của Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích còn lại đến nay đều là các bản sao chép về sau, không phải là nguyên bản của tác giả. Riêng hai bộ sách Dụ Am ngâm lực và Dự Am văn tập của Phan Huy Ích và Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, thì tôi được biết là theo qui ước của dòng họ Phan Huy, giao cho người đỗ đạt cao nhất trong họ bảo quản như bảo vật của dòng họ. Cha tôi là Phan Huy Tùng đỗ Tiến sĩ năm Duy Tân 13 (1913) được vinh dự trông giữ những báu vật này. Cụ cất giữ sách trong một hòm gỗ treo giữa nhà để hàng ngày trông thấy và hàng năm, vào mùa hè, chọn ngày tốt, đem ra phơi ba nắng trên chiếu hoa để diệt các loại sâu mọt. Nhưng rồi cũng không tránh khỏi sự hủy hoại. Chân dung của Phan Huy Ích cùng cha là Phan Huy Cẩn và con là Phan Huy Thực, cháu là Phan Huy Vịnh thờ tại nhà thờ ở Sài Sơn (Quốc Oai, Hà Nội) cũng bị hủy hoại, may trước đó đã được GS Hoàng Xuân Hãn chụp lại và năm 1980 khi tôi sang Paris được GS trao tặng lại cho dòng họ. Khí hậu và biết bao biến thiên của lịch sử, kể cả sự phá hoại của con người, đã làm kho tàng di sản Hán Nôm của chúng ta bị mất mát, hủy hoại nhiều và phần lớn tác phẩm còn lại đến nay đều là các bản sao chép qua nhiều lần và nhiều thời. Trong tình trạng văn bản như vậy, chúng ta không thể vì một số chữ chép sai, bổ trống vài ô chữ hay ghi chú của người sau mà phủ định giá trị tư liệu. Ngược lại, chúng ta cần nghiên cứu, khảo các dị bản, tiến hành đối chiếu để cố gắng tìm ra văn bản tương đối gần bản gốc nhất và khai thác các thông tin. Các tác phẩm của Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích dù có một số khó khăn về văn bản nhưng là tác phẩm của người đương thời, hơn nữa là của những nhân vật thời Tây Sơn, của những chứng nhân lịch sử tức có giá trị như tư liệu gốc.
Trên tinh thần sử dụng và khai thác tư liệu như vậy, sau khi phân tích các văn bản bài thơ của Ngô Thì Nhậm, tôi cho rằng trong thời Tây Sơn có tồn tại cung Đan Dương trong khu cung điện của phủ Dương Xuân. Về phương diện này, tôi đồng tình với nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, nhưng không tán thành hướng tìm tòi chỉ giới hạn trong phạm vi lân cận chùa Thiền Lâm. Rồi cung Đan Dương quan hệ như thế nào với cung điện mùa Đông cũng là vấn đề cần đặt ra trong nghiên cứu.
Vấn đề thứ Tư là có lăng Đan Dương không?
Nếu phân tích kỹ các bài thơ Ngô Thì Nhậm thì có cung Đan Dương và có lăng Đan Dương hay Đan lăng, có miếu thờ Thái Tổ Quang Trung. Tại sao Quang Trung lại mai táng ngay tại cung Đan Dương trong khu cung cấm. Quang Trung mất ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý (giờ dạ tý ngày 16-9-1792) nhưng giữ bí mật trong hai tháng, đến ngày 29 tháng 9 mới công bố. Công việc phong tỏa tin tức, giữ gìn bí mật được thực hiện rất nghiêm mật mà chính sử triều Nguyễn sau này cũng chép nhà vua mất ngày 29-9 năm Nhâm Tý. Quang Trung mất vào lúc chính quyền và binh lực của ông còn rất hùng hậu, nhưng tình thế Tây Sơn đang đứng trước nguy cơ lớn. Phía nam, Nguyễn Ánh đã trở về chiếm lại đất Gia Định năm 1787 và phát triển lực lượng rất nhanh. Chính quyền Nguyễn Lữ đã bị đánh đổ và từ năm 1790 quân Nguyễn bắt đầu tấn công ra vùng đất của Nguyễn Nhạc. Các thế lực chống đối trong nước đang liên kết lại để chống Tây Sơn. Quang Trung thấy rõ nguy cơ đó và năm 1792 đang chuẩn bị mở một chiến dịch lớn, huy động vài ba chục vạn quân, chia làm hai đường thủy và bộ tiến vào bao vây tiêu diệt toàn bộ lực lượng Nguyễn Ánh ở Gia Định. Trong bài hịch gửi quan lại, quân sĩ và thần dân hai phủ Quảng Ngãi, Qui Nhơn đề ngày 10-7 năm Quang Trung thứ 5 (ngày 27-8-1792), Quang Trung tuyên bố sẽ “ đánh bại quân giặc dễ như bẻ gãy cành khô củi mục” và lấy lại đất Gia Định “trong nháy mắt”. Mọi công việc chuẩn bị đã hoàn tất nhưng chiến dịch chưa kịp thực hiện thì 20 ngày sau, Quang Trung đã từ trần.
Về cái chết của Quang Trung còn có nhiều ý kiến suy đoán khác nhau, nhưng chắc chắn không phải đột tử, chết tức khắc mà qua mấy ngày ốm đau rồi mới mất. BS Bùi Minh Đức căn cứ vào các tư liệu đã thử đưa ra một bệnh án giải thích cái chết của Quang Trung. Trước khi chết, nhà vua rất tỉnh táo, nhận xét tình thế và căn dặn các triều thần thân tín. Ông coi Nguyễn Ánh ở Gia Định là “quốc thù”, trong lúc người kế vị là Quang Toản “tuổi còn nhỏ”, Nguyễn Nhạc thì “tuổi già, nhàn vui chơi cầu yên”. Ông căn dặn phải sớm dời đô ra Vĩnh đô (Vinh, Nghệ An) để khống chế thiên hạ, nếu không “quân Gia Định” đánh ra thì “không có đất chôn”. Vua và bày tôi thân cận đã giết ngựa trắng ăn thề. Như vậy là Quang Trung đã thấy hết nguy cơ thất bại, đã tiên liệu diễn biến xấu của tình hình. Chính trong bối cảnh đó, triều đình hay đúng hơn là một số triều thần được ủy thác đã giữ bí mật cái chết của Quang Trung trong 2 tháng, tạo thêm thời gian để lo ứng phó với tình thế. Và cũng chính trong bối cảnh đó, để bảo đảm bí mật, thi hài Quang Trung được mai táng ngay trong cung điện Đan Dương của ông. Đây là trường hợp đặc biệt, tẩm điện biến thành lăng tẩm.
Về phương diện này, tôi ủng hộ ý kiến của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, cung điện Đan Dương cũng là lăng Đan Dương. Nhưng tôi cũng muốn góp ý với tác giả là tại phủ Dương Xuân không phải chí có cung Đan Dương mà chắc chắn có một nhóm kiến trúc, trong đó có cung Đan Dương. Thời Quang Trung, cung Đan Dương nhiều khả năng là chính điện hay tẩm điện của Quang Trung.
Vì vậy phương hướng tìm vi trí và di tích cung điện Đan Dương không nên chỉ tập trung vào vùng đất có chùa Thiền Lâm mà mở rộng hơn sang chùa Vạn Phước và vùng xung quanh. Nên căn cứ vào quan niệm phong thủy và mô hình cấu trúc “vương thành” Đông Á để định hướng tìm dấu tích cung Đan Dương, nhiều khả năng nhìn về phương nam trên một địa hình và cảnh quan phù hợp với luật phong thủy.
Vài đề xuất và kết luận
Về lăng Hoàng đế Quang Trung, lâu nay trong đầu tôi có một băn khoăn là năm 1801 khi Nguyễn Ánh quật phá mộ Quang Trung, lấy đầu lâu giam vào ngục thất thì đó có phải là thi hài của Quang Trung thật không? Suy nghĩ này xuất phát từ chỗ Quang Trung đã tiên liệu tình thế khó khăn của Tây Sơn sau khi ông mất và nguy cơ thất bại trước cuộc phản công của Nguyễn Ánh, thì chắc chắn ông cũng đã nghĩ đến hàng động Nguyễn Ánh sẽ trả thù, quật phá mồ mả của các thủ lĩnh Tây Sơn mà đối tượng chủ yếu là ông. Hơn nữa, trước đây, năm 1790 chính Nguyễn Huệ cũng đã quật lăng Cơ Thánh của cha Nguyễn Ánh (sau truy tôn là Hiếu Khang hoàng đế), bỏ quan tài xuống sông.
Vậy chẳng lẽ Quang Trung và bầy tôi thân tín, tài năng của nhà vua không nghĩ đến và không lo đối phó với việc Nguyễn Ánh sẽ trả thù quật mồ mả chăng? Tuy chỉ là suy luận nhưng tôi vẫn cho rằng thi hài nằm trong lăng Đan Dương bị Nguyễn Ánh quật phá không còn là Quang Trung. Thi hài Quang Trung thật đã được bí mật chuyển đi một nơi khác. Gần đây có một số thông tin về lăng thật của Quang Trung ở Bân Sơn, ở Phượng Hoàng trung đô, ở chùa Thiên Thai…? Kết quả thẩm định cho thấy các thông tin trên chưa có căn cứ xác đáng.
Tuy nhiên vấn đề vẫn cần đặt ra để tiếp tục nghiên cứu và xác minh. Tôi xin nhắc lại, điều này tôi cũng đã nêu lên với nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân và một số bạn đồng nghiệp khác, nhưng chi là đề xuất như một giả thuyết, một hướng nghiên cứu tiếp.Trong hội thảo của chúng ta có một số phản biện rất gay gắt. Đó là những vấn đề đặt ra, phần lớn nặng về tư liệu, nhất là tư liệu Hán Nôm, để giúp các nhà khoa học giám định lại các chứng cứ một cách chặt chẽ và có sức thuyết phục hơn nữa. Tôi tin rằng nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân bảo vệ quan điểm của mình nhưng cũng trân trọng lắng nghe các ý kiến phản biện để xem xét thêm các chứng cứ.
Một vấn đề quan trọng là trong công việc nghiên cứu tiếp theo, chúng ta nên đi theo hướng nào? Dĩ nhiên công việc tìm kiếm, thu thập thêm tư liệu vẫn cần tiếp tục. Tuy nhiên trữ lượng tư liệu về Tây Sơn nói chung và về cung điện Đan Dương nói riêng không nhiều, khả năng phát hiện thêm rất khó. Một nguồn sử liệu quan trọng là các di tích và di vật khảo cổ học cần được đặc biệt quan tâm khai thác. Vùng chùa Thiền Lâm, chùa Vạn Phước và xung quanh, chỉ qua các phát hiện của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân và nhân dân địa phương, đã có rất nhiều di tích kiến trúc cũ, giếng nước cổ, rất nhiều di vật từ bia đá đến các loại vật liệu kiến trúc như gạch, ngói, đá kê chân cột, một số đồ gốm, những tấm đá cỡ lớn… Nhưng cho đến nay vẫn chưa có một cuộc điều tra khảo cổ học nào để xác định niên đại các di tích, di vật đó. Trên gò Dương Xuân hiện nay còn những vùng đất khá dày đặc di tích cổ và có những vùng đất có thể tiến hành khai quật khảo cổ học. Tôi còn nhớ khi nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân mới phát hiện chùa Thiền Lâm, đã có ý kiến đề xuất tiến hành một vài hố khai quật thăm dò, nhưng rồi cũng không được quan tâm. Tôi trân trọng đề nghị lãnh đạo tỉnh giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hay Trung tâm bảo tồn di sản cố đô Huế phối hợp với Viện Khảo cổ học tổ chức một đợt điều tra khảo cổ học và trên cơ sở đó có thể đề xuất khai quật khảo cổ học một vài địa điểm cần thiết.
Vấn đề cuối cùng là trên cơ sở những phát hiện và kết quả thảo luận về cung điện Đan Dương thời Tây Sơn ở Huế, chúng ta nên bảo tồn và phát huy giá trị như thế nào? Tuy còn những ý kiến chưa nhất trí, nhưng tất cả những di tích có liên quan đến thời Tây Sơn và Hoàng đế Quang Trung cần sớm được đưa vào kế hoạch bảo tồn và từng bước phát huy giá trị. Chờ cho đến khi có kết luận đạt được sự nhất trí thì nhiều di tích, di vật liên quan đã không còn nữa nếu không được bảo tồn. Có những di tích đã có đủ căn cứ kết luận như chùa Thiền Lâm hiện nay xây dựng trên khu chùa Thiền Lâm cũ từ thời chúa Nguyễn Phúc Chu và trong thời Quang Toản là nơi làm việc của Thái sư Bùi Đắc Tuyên. Cung điện Đan Dương và lăng Đan Dương tuy chưa xác định được di tích và vị trí cụ thể nhưng chắc chắn nằm trong khu cung điện Dương Xuân. Nói chung các di tích trên gò Dương Xuân liên quan đến “cung điện mùa Đông” và cụm kiến trúc cung điện của chúa Nguyễn và Tây Sơn. Cung Đan Dương cũng nằm trong cụm kiến trúc này thời Tây Sơn. Vì vậy, hội thảo kiến nghị tỉnh nên có kế hoạch bảo tồn tất cả các di tích cổ của phủ Dương Xuân, đưa các di tích đó vào trong qui hoạch bảo tồn của thành phố Huế. Đồng thời với kế hoạch bảo tồn là kế hoạch phát huy giá trị, trong đó có kế hoạch khai thác về phương diện du lịch. Chúng ta nên tiến hành song song công việc tiếp tục nghiên cứu với công việc bảo tồn và phát huy giá trị các mặt, kết quả nghiên cứu khoa học sẽ bổ sung căn cứ khoa học và phát triển thêm công việc bảo tồn và phát huy giá trị.
Đây là một trong những cuộc hội thảo mà tôi phải làm nhiệm vụ tổng kết rất khó khăn. Cho phép tôi không thể đưa ra các kết luận của hội thảo theo ý nghĩa được mọi người tham gia đồng thuận mà nặng về bình luận kết hợp với ý kiến cá nhân. Mong các vị đại biểu và các bạn đồng nghiệp thông cảm.
GS Phan Huy Lê
Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam