Số lần xem
Đang xem 7016 Toàn hệ thống 20582 Trong vòng 1 giờ qua
Trang liên kết
Tỉnh thức
giữa đêm thiêng Yên Tử
Để thấm hiểu đức Nhân Tông
Ta thành tâm đi bộ
Lên tận đỉnh chùa Đồng
Tâm sáng Ức Trai
trong tựa ngọc TÌNH YÊU CUỘC SỐNG
DẠY VÀ HỌC Để chấn hưng giáo dục Việt Nam cấp thiết phải có đội ngũ những người thầy giáo ưu tú có tâm đức thiết tha với nghề, có trình độ chuyên môn cao và có kỹ năng giảng dạy tốt. Đây là trang thông tin chuyên đề dạy và học để trao đổi và bàn luận
Norman Borlaug Lời Thầy dặn Việc chính đời người chỉ ít thôi
Chuyên tâm đừng bận chuyện trời ơi
Phúc hậu suốt đời làm việc thiện
Di sản muôn năm mãi sáng ngời.
Nguyễn Du danh sĩ tinh hoa, là danh nhân văn hóa thế giới, nhà thơ lớn, hiền tài lỗi lạc, nhà chính trị, ngoại giao, văn hóa, giáo dục kiệt xuất không chỉ của nhà Nguyễn mà còn là kỳ tài muôn thuở của Việt Nam. Nguyễn Du đã vượt lên vinh nhục bản thân giữa thời nhiễu loạn, vàng lầm trong cát để trao lại ngọc cho đời. Văn chương Việt đã có nhiều bài viết về Nguyễn Du. Sự tìm hiểu niên biểu Nguyễn Du gắn cuộc đời ông với từng năm để soi thấu thời cuộc của giai đoạn lịch sử ấy là rất cần thiết. Tôi không chuyên văn chương mà chỉ là một thầy giáo giảng dạy và nghiên cứu nghề nông nhưng yêu thích tìm tòi đúc kết Nguyễn Du những sự thật mới biết, đặc biệt là mười lăm năm lưu lạc trong chuỗi niên biểu của Người, nên tôi mạnh dạn viết bài này.
Hoài Thanh trong bài viết “Thời đại Nguyễn Du và thân thế Nguyễn Du” sách “200 năm nghiên cứu bàn luận truyện Kiều” của soạn giả Lê Xuân Lít, ở trang 15-21 đã khái quát: “Nguyễn Du sinh năm 1765. Kể từ khi Lê Lợi đánh quân Minh dựng nước đến bấy giờ đã có hơn ba trăm năm. Sau ba trăm năm ấy chế độ phong kiến nước ta đã suy vi đến cực độ. Nguy ngoại xâm hầu như không có. Chính quyền phong kiến tập trung mất lý do để tồn tại. Những cuộc biến liên tiếp xảy ra. Mạc đoạt quyền Lê, Lê Mạc phân tranh, Nguyễn cát cứ Thuận Hóa, Trịnh đoạt quyền Lê, Trịnh Nguyễn phân tranh. Vô số cuộc khởi nghĩa nổ ra mà đỉnh cao là phong trào Tây Sơn.”
Nguyễn Du là “người trong cuộc” danh sĩ tinh hoa của thời đại đó. Tìm hiểu niên biểu Nguyễn Du cuộc đời và thời thế sẽ giúp soi thấu những uẩn khúc lịch sử, tầm vóc danh nhân, và những biến cố lịch sử đã bị che khuất bởi thời gian. (mời xem lại ba bài trước: Nguyễn Du 250 năm nhìn lại; Nguyễn Du cuộc đời và thời thế; Nguyễn Du danh sĩ tinh hoa) . Trước đèn, xem kỹ lại niên biểu Nguyễn Du 15 năm lưu lạc (1781-1796). Nguyễn Công Trứ luận về Thúy Kiều mười lăm năm lưu lạc nhưng thực chất là luận về Nguyễn Du: “Bán mình trong bấy nhiêu năm, Dễ đem chữ hiếu mà lầm được ai”. Nguyễn Du đã làm gì trong thời gian 1781-1796, sự thật lịch sử như thế nào? Nguyễn Công Trứ thân mật hay chống đối Nguyễn Du mà nhận định như trên, đó là điều hậu thế cần lý giải cho đúng? Nguyễn Du và Nguyễn Công Trứ là hai danh nhân cùng thời. Nguyễn Công Trứ nhỏ hơn Nguyễn Du 13 tuổi. Chúng ta sẽ tìm hiểu quan hệ của họ trong chuyên mục riêng. Trước hết hãy tìm hiểu niên biểu Nguyễn Du trong thời thế của ông. Trích đoạn niên biểu Nguyễn Du từ năm 1765 đến năm 1796.
Niên biểu Nguyễn Du, tuổi thơ (1765-1780)
Năm Ất Dậu (1765), Nguyễn Du sinh ngày 23 tháng 11 (nhằm ngày 3 tháng 1 năm 1766) lúc Nguyễn Nghiễm 58 tuổi, bà Trần Thị Tần 26 tuổi. Nguyễn Du được gọi là cậu Chiêu Bảy. Năm ấy cũng là năm Vũ Vương mất, Trương Phúc Loan chuyên quyền. Trước đó, từ ông Nguyễn Hoàng trở đi, họ Nguyễn làm chúa trong Nam, phía bắc chống nhau với họ Trịnh, phía nam đánh lấy đất Chiêm Thành và đất Chân Lạp, truyền đến đời Vũ Vương thì định triều nghi, lập cung điện ở đất Phú Xuân, phong cho Nguyễn Phúc Hiệu người con thứ 9 làm thế tử. Bây giờ thế tử đã mất rồi, con thế tử là Nguyễn Phúc Dương hãy còn nhỏ mà con trưởng của Vũ Vương cũng mất rồi. Vũ Vương lập di chiếu cho người con thứ hai là hoàng tử Cốn lên nối ngôi nhưng quyền thần Trương Phúc Loan đổi di chiếu lập người con thứ 16 của Vũ Vương, mới có 12 tuổi tên là Nguyễn Phúc Thuần lên làm chúa, gọi là Định Vương. Nguyễn Phúc Ánh là con của hoàng tử Cốn. Nguyễn Phúc Ánh sinh ngày Kỷ Dậu tháng Giêng năm Nhâm Ngọ (1762) lớn hơn Nguyễn Du ba tuổi. Trương Phúc Loan là người tham lam, làm nhiều điều tàn ác nên trong nước ai ai cũng oán giận, bởi thế phía nam nhà Tây Sơn dấy binh ở Quy Nhơn, phía bắc quân Trịnh vào lấy Phú Xuân, làm cho cơ nghiệp họ Nguyễn xiêu đổ.
Năm Đinh Hợi (1767), Nguyễn Du hai tuổi, Nguyễn Nghiễm được thăng Thái tử Thái bảo, hàm tòng nhất phẩm, tước Xuân Quận công. Lúc này Trịnh Doanh mất, con là Trịnh Sâm lên làm chúa. Lê Duy Mật đem quân về đánh Hương Sơn và Thanh Chương rồi rút về Trấn Ninh. Trịnh Sâm cho người đưa thư sang vỗ về không được, mới quyết ý dùng binh để dứt mối loạn. Cũng năm ấy (1767) nước Miến Điện sang đánh Xiêm La (Thái Lan ngày nay) bắt vua nước ấy và các con vua mang về Miến Điện. Hai người con khác của vua Xiêm La một người chạy sang Chân Lạp, một người chạy sang Hà Tiên. Trịnh Quốc Anh (Taksin) một tướng Thái gốc Hoa người Triều Châu tỉnh Quảng Đông khởi binh chống quân Miến Điện giành lại độc lập, tự lập làm vua Xiêm La và dời đô về Thonburi, bên bờ sông Chao Phraya, đối diện với Bangkok. (Nguyên nước Xiêm La vốn là một vương quốc Phật giáo tên là Xích Thổ (Sukhothai) ở miền Bắc Thái Lan, dần thay thế vai trò của Đế chế Khmer (Chân Lạp) đang tàn lụi vào thế kỷ 13 – thế kỷ 15. Năm 1283 người Thái có chữ viết. Sau đó người Thái mở rộng lãnh thổ xuống phía nam, và năm 1350 chuyển kinh đô xuống Ayuthaya, phía bắc Bangkok 70 km. Năm 1431, quân Xiêm cướp phá Angkor của Chân Lạp. Nhiều bảo vật và trang phục của văn hóa Hindu đã được họ đem về Ayutthaya, lễ nghi và cách ăn mặc của người Khmer được dung nhập vào thượng tầng văn hóa Xiêm. Trong khoảng 400 năm, từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 18, giữa người Thái và người Miến Điện láng giềng luôn xảy ra các cuộc chiến tranh và kinh đô Ayuthaya bị huỷ diệt ở thế kỷ 18. Người Hoa sau biến cố Minh Thanh cũng ngày một nhiều ở Xiêm La).
Năm Kỷ Sửu (1769), Nguyễn Du bốn tuổi, được phong ấm Hoằng Tín đại trung thành môn vệ úy xuất thân thu Nhạc công. Ông dung mạo khôi ngô, Việp Quận công (Hoàng Ngũ Phúc) trông thấy lấy làm lạ ban cho bảo kiếm. Năm đó, Trịnh Sâm sai Bùi Thế Đạt, Nguyễn Phan, Hoàng Đình Thể đem ba đạo quân của Nghệ An, Thanh Hóa, Hưng Hóa tiến đánh Trấn Ninh. Lê Duy Mật thua mà chết.
Năm Tân Mão (1771), Nguyễn Du sáu tuổi. Tây Sơn dấy binh. Nguyễn Nhạc lập đồn trại ở đất Tây Sơn, chiêu nạp quân sĩ, người về theo rất đông. Nguyễn Nhạc nguyên tổ bốn đời là họ Hồ cùng một tổ với Hồ Quý Ly, người gốc ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, gặp lúc chúa Trịnh chúa Nguyễn đánh nhau, bị bắt đem vào ở ấp Tây Sơn thuộc phủ Hoài Nhân, đất Quy Nhơn. Đến đời của Nguyễn Phi Phúc dời nhà sang ấp Kiên Thành, sinh được Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ (Hồ Thơm). Lúc khởi binh nhà Tây Sơn lấy họ mẹ là Nguyễn để khởi sự cho dễ thu phục nhân tâm vì đất miền Nam vốn đất chúa Nguyễn. Năm 1771, Nguyễn Huệ mười tám tuổi, đã sớm tỏ ra là một bậc anh tài quân sự, định kế và cầm quân cùng anh. Cũng năm ấy, vua Xiêm La là Trịnh Quốc Anh (Taksin) khởi binh đánh vua Chân Lạp là Nặc Tôn nhưng không thắng bèn quay sang đem binh thuyền sang vây đánh con vua cũ là Chiêu Thúy ở Hà Tiên. Mạc Thiên Tứ là con Mạc Cửu và bà phi họ Nguyễn, tướng giữ thành Hà Tiên của nhà Nguyễn giữ không nổi phải bỏ thành chạy. Vua Xiêm La Trịnh Quốc Anh sai tướng giữ Hà Tiên và tiến đánh Chân Lạp. Quốc vương Chân Lạp là Nặc Tôn phải bỏ thành chạy. Vua Xiêm La chiếm Nam Vang (Phnom Penh ngày nay).
Năm Nhâm Thìn (1772), Nguyễn Du bảy tuổi. Tháng sáu năm 1772, chúa Nguyễn sai quan Tổng suất là Nguyễn Cửu Đàm đem quân đánh Xiêm La. Quân của Nguyễn Cửu Đàm tiến đến Nam Vang, quân Xiêm La bỏ chạy về Hà Tiên. Nặc Non cũng chạy về Cầu Bột. Nặc Tôn lại về làm vua Chân Lạp. Vua Xiêm La Trịnh Quốc Anh đưa thư sang gọi Mạc Thiên Tứ về để giảng hòa. Mạc Thiên Tứ không chịu. Vua Xiêm La Trịnh Quốc Anh bèn cử tướng giữ Hà Tiên, rồi bắt con gái Mạc Thiên Tứ và Chiêu Thúy đem về nước. Năm sau, Mạc Thiên Tứ thấy việc không xong bèn giảng hòa. Vua Xiêm La trả lại con gái cho Mạc Thiên Tứ và giết Chiêu Thúy. Mạc Thiên Tứ trở về giữ đất Hà Tiên. Nước Chân Lạp vốn là nền văn minh Khmer đã phát triển rực rỡ từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 13, và lụi tàn vào thế kỷ 13-thế kỷ 15. Trước đó thời Tùy Đường có nước Phù Nam bao gồm Campuchia, nam Việt Nam, nam Thái Lan ngày nay. Từ thế kỷ 5 một tộc người Môn-Khmer hình thành một thuộc quốc Chân Lạp (Chenla) ở khu vực Bắc Campuchia và Nam Lào . Đến thế kỷ 7, Chân Lạp chiếm toàn bộ lãnh thổ Phù Nam. Một phần của Phù Nam ở phía tây Chân Lạp là nước Xích Thổ (Sukhothai). Nước này sau chia làm hai vào khoảng thế kỷ XI, XII thời Tống Kim và nhập làm một thời Minh, khi cầu phong Minh Thái Tổ gọi là nước Xiêm La. Thời các chúa Nguyễn mở đất Chiêm Thành thì Xiêm La cũng luôn tìm cách lấn chiếm Chân Lạp.
Năm Quý Tỵ (1773), Nguyễn Du tám tuổi. Nhà Tây Sơn xây dựng lực lượng và củng cố căn cứ ở vùng An Khê, khôn khéo khai thác sự chia rẽ triều đình chúa Nguyễn bằng tuyên bố lật đổ Trương Phúc Loan, khôi phục ông hoàng hợp pháp, lấy lòng người bằng cách cướp của người giàu chia người nghèo. Tây Sơn thu phục được công chúa Chăm, hương chức Nguyễn Thung, Huyền Khê, hai nhà buôn người Hoa là Lý Tài và Tập Đình cũng gia nhập. Nguyễn Nhạc dùng mưu kế tự nhốt mình vào củi, lừa chiếm được thành Quy Nhơn, đánh bại quân tiếp viện Phú Xuân, cuối năm ấy Tây Sơn đã toàn thắng, chiếm từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận.
Năm Giáp Ngọ (1774), Nguyễn Du chín tuổi. Nguyễn Nhiễm sung chức tả tướng, cùng Hoàng Ngũ Phúc đi đánh chúa Nguyễn ở Đàng Trong với danh nghĩa đuổi quyền thần Trương Phúc Loan và đánh dẹp quân nổi loạn. Quân Trịnh vượt sông Gianh chiếm Đồng Hới mà không cần giao tranh. Quân Nguyễn hầu như không có kháng cự nào vì binh lực tập trung chống nhà Tây Sơn đang thừa thắng chiếm Quảng Ngãi và đánh lui quân cứu viện năm dinh phía nam, chúa Trịnh Sâm lại thừa cơ dẫn đại quân vào Nghệ An trợ chiến tăng thanh thế, lòng người oán ghét Trương Thúc Loan nên làm nội ứng giúp quân Trịnh, Quảng Nam lại có nạn đói trầm trọng. Triều đình chúa Nguyễn nộp Trương Phúc Loan nhưng quân Trịnh vẫn tiến quân và chiếm kinh đô Phú Xuân đầu năm 1775.
Năm Ất Mùi (1775), Nguyễn Du mười tuổi: Anh trai cùng mẹ của Nguyễn Du là Nguyễn Trụ (sinh 1757) qua đời. Năm ấy, chúa Nguyễn chạy vào Quảng Nam lập cháu là Nguyễn Phúc Dương làm Đông Cung để lo việc chống trả. Quân Tây Sơn ở Quy Nhơn kéo ra đánh chiếm Quảng Nam. Chúa Nguyễn Định Vương liệu không chống cự nổi nên cùng cháu là Nguyễn Ánh chạy vào Gia Định, chỉ để Đông Cung ở lại Quảng Nam chống giữ. Nguyễn Nhạc biết Đông Cung yếu thế và muốn mượn tiếng nên sai người rước Đông Cung về Hội An. Họ Trịnh vượt đèo Hải Vân, đẩy lui quân Tây Sơn do Tập Đình làm tiên phong, Lý Tài làm tướng trung quân. Nguyễn Nhạc xét tội Tập Đình thua trận định giết. Tập Đình vội trốn về Quảng Đông và bị giết. Nguyễn Nhạc đưa Đông Cung về Quy Nhơn. Tống Phước Hiệp ở phía nam nhân lúc Nguyễn Nhạc thua trận đã tiến quân chiếm lại Phú Yên. Tống Phước Hiệp cho Bạch Doãn Triều và cai đội Thạc đến đòi Nguyễn Nhạc trả Đông Cung cho nhà Nguyễn. Nguyễn Nhạc theo kế Nguyễn Huệ giả vờ ưng thuận, một mặt mượn lệnh Đông Cung phủ dụ Tống Phước Hiệp và Chu Văn Tiếp đem tướng sĩ năm dinh về theo phò Đông Cung, mặt khác lại cho người mang vàng bạc châu báu đến dâng Hoàng Ngũ Phúc xin nộp ba phủ Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Phú Yên để xin cho Nguyễn Nhạc được làm tướng tiên phong đánh Gia Định. Hoàng Ngũ Phúc viết khải văn dâng lên chúa Trịnh Sâm phong tướng hiệu cho Nguyễn Nhạc. Trịnh Sâm sai Nguyễn Hữu Chỉnh mang sắc chỉ, cờ, ấn kiếm của vua Lê đến ban cho Nguyễn Nhạc. Tống Phước Hiệp do mắc lừa không đề phòng nên bị Nguyễn Huệ đánh bại. Lý Tài được nhà Tây Sơn cử làm tướng trấn thủ Phú Yên. Hoàng Ngũ Phúc nghe tin thắng của Nguyễn Huệ đã lập tức tung quân đánh chiếm Quảng Ngãi và trình lên chúa Trịnh Sâm sắc phong cho Nguyễn Huệ làm tướng tiên phong. Tuy vậy, quân Trịnh bị hao tổn nặng bởi trận dịch khủng khiếp nên phải quay lại Phú Xuân. Hoàng Ngũ Phúc ốm chết ngay trên dọc đường khi chưa tới Phú Xuân. Nguyễn Nhạc lợi dụng sự rút quân Trịnh để chiếm lại Quảng Nam. Nhà Tây Sơn tạm yên mặt bắc đã tập trung tấn công nhằm dứt điểm hiểm họa từ nhà Nguyễn đang trốn tránh ở phía Nam.
Năm Bính Thân (1776) Nguyễn Du mười một tuổi, cha là Nguyễn Nhiễm đánh trận về bị lâm bệnh qua đời. Năm đó, Nguyễn Nhạc sai em là Nguyễn Lữ đem thủy quân vào đánh Gia Định, lấy được thành Sài Gòn. Chúa Nguyễn phải chạy về Trấn Biên (Biên Hòa). Nguyễn Huệ cho đắp sửa thành Quy Nhơn rồi đặt long án, tôn Nguyễn Nhạc làm Tây Sơn Vương. Nguyễn Lữ được phong Thiếu phó, Nguyễn Huệ làm Phục chính. Nguyễn Nhạc đón Đông Cung ở Yên Thái về, dựng nhà bên sông Bông Giang, gả con gái là Thọ Hương cho Đông Cung, lấy huyện Bình Sơn làm của hồi môn, mưu lập Đông Cung làm vương để mê hoặc dân chúng. Đông Cung không chịu nghe theo nên Nguyễn Nhạc an trí Đông Cung ở chùa Di Đà xứ Thập Tháp. Đông Cung cùng Tống Phước Đạm lén trốn xuống thuyền, dọc đường được thuyền của Tôn Thất Xuân đón cùng chạy về Gia Định. Chu Văn Tiếp (Doãn Ngạch) dấy binh ở huyện Đồng Xuân (Phú Yên). Nguyễn Nhạc sai người đến gặp Chu Văn Tiếp hẹn cùng tôn lập Đông Cung. Khi Chu Văn Tiếp ra đến Quy Nhơn biết rõ chuyện trên bèn liên kết với Tống Phước Hiệp truyền hịch vạch tội nhà Tây Sơn. Người khách Lý Tài tướng Tây Sơn trấn thủ Phú Yên cũng theo mật ước với Tôn Thất Chí bỏ Nguyễn Nhạc về hàng Tống Phước Hiệp giúp chúa Nguyễn. Định Vương thế cô ở Đồng Nam gọi Tống Phước Hiệp đưa quân về hợp viện. Đỗ Thành Nhơn, Nguyễn Huỳnh Đức tụ nghĩa ở Ba Giồng (Định Tường). Nhơn theo lệnh Định Vương thảo hịch chiêu mộ nghĩa binh và lợi dụng địa thế hiểm yếu đánh thắng quân Nguyễn Lữ mấy trận. Nguyễn Lữ lấy thóc kho chở hơn hai trăm thuyền chạy về Quy Nhơn. Đỗ Thành Nhơn chiếm Gia Định đón Định Vương về Bến Nghé. Tống Phước Hiệp mang Lý Tài về hội quân ở Gia Định. Tống Phước Hiệp ốm chết ở Long Hồ. Định Vương muốn thu dụng Lý Tài nhưng Đỗ Thành Nhơn can không nên dùng mà nên giết đi vì Lý Tài hung hãn, phản trắc, khó chế ngự. Lý Tài từ đó kết oán với Đỗ Thành Nhơn. Lý Tài sợ Đỗ Thành Nhơn làm hại mình nên đưa quân về đóng ở núi Chiêu Thái.
Năm Đinh Dậu (1777) Nguyễn Du mười hai tuổi. Năm đó, Lý Tài nghe Đông Cung trốn vào Gia Định, lại đem binh rước về Sài Gòn lên làm Tân Chính Vương, tôn Định Vương lên làm Thái Thượng Vương để cùng lo sự khôi phục. Tân Chính Vương thăng Tôn Thất Chí làm Thiếu phó, Tôn Thất Xuân làm Chưởng cơ, Lý Tài làm Bảo giá Đại tướng quân. Lý Tài tâu với Tân Chính vương xin sai Chưởng cơ Tống Phước Hòa cùng Tống Phước Thiên đem quân đến đóng giữ Long Hồ, nói là để phòng quân Tây Sơn nhưng thực ra là sợ Đỗ Thành Nhơn đem quân đánh úp. Nguyễn Phúc Ánh biết ý bèn mật báo Định Vương cho mình mang quân đi Ba Giồng chiêu dụ quân Đông Sơn. Lý Tài bức Định Vương về Thủ Dầu Một. Tân Chính Vương trở về Sài Gòn cử Tống Phước Đạm làm giám quân, Trần Văn Hòa làm tham mưu dẫn những người ở Quy Nhơn mới đến trở lại Quảng Ngãi đểu sự chiêu tập nghĩa binh nhưng dọc đường bị phục binh của quân Tây Sơn chặn bắt. Trần Văn Hòa bị giết. Tôn Thất Đạm phải quay lại. Lúc ấy, Nguyễn Nhạc sai người ra xin với chúa Trịnh cho trấn thủ đất Quảng Nam. Trịnh Sâm bây giờ cũng chán sử dụng binh, bèn nhân dịp phong cho Nguyễn Nhạc làm Quảng Nam trấn thủ, Cung quận công. Nguyễn Nhạc được phong rồi, không phải phòng giữ mặt bắc nữa , bèn sai Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ đem thủy bộ quân vào đánh Gia Định. Lý Tài chống cự không nổi phải bỏ chạy. Tân Chính Vương chạy về Định Tường rồi lại chạy về Vĩnh Long. Thái Thượng Vương chạy về Long Xuyên. Nhưng chẳng bao lâu Nguyễn Huệ đem quân đuổi bắt được cả Thái Thượng Vương và Tân Chính Vương, đem giết đi. Nguyễn Phúc Ánh trốn thoát được. Mạc Thiên Tứ và Tôn Thất Xuân lánh ra đảo Phú Quốc và sau đó sang Xiêm La cầu viện. Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ lấy xong đất Gia Định để Tổng Đốc Chu ở lại trấn thủ, rồi đem quân về Quy Nhơn.
Năm Mậu Tuất (1778) Nguyễn Du mười ba tuổi, bà Trần Thị Tần, mẹ Nguyễn Du qua đời. Nguyễn Du mồ côi cả cha lẫn mẹ nên ông phải ở với người anh khác mẹ là Nguyễn Khản (hơn ông 31 tuổi). Cũng trong năm này, anh thứ hai của Nguyễn Du là Nguyễn Điều (sinh năm 1745) được bổ làm Trấn thủ Hưng Hóa. Năm ấy, Nguyễn Nhạc tự xưng đế hiệu, đặt niên hiệu là Thái Đức, phong cho Nguyễn Lữ làm Tiết chế, Nguyễn Huệ làm Long Nhương tướng quân.
Năm Kỷ Hợi (1779), Nguyễn Du mười bốn tuổi. Năm ấy, ở Long Xuyên, Nguyễn Phúc Ánh tụ tập những thuộc hạ cũ nhân lúc Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ đều về Quy Nhơn, khởi binh tiến đánh Sa Đéc, cùng Đỗ Thanh Nhơn và các tướng đánh đuổi Tổng đốc Chu lấy lại thành Sài Gòn. Bấy giờ Nguyễn Ánh mới có 17 tuổi. Các tướng tôn làm Đại nguyên súy, Nhiếp quốc chính. [Theo Hoàng Việt Hưng Long Chí thì vào tháng Giêng năm Mậu Tuất 1778]. Ít lâu sau vua Tây Sơn lại sai Tổng đốc Chu, Tư khấu Uy đem quân thủy vào đánh Trấn Biên và Phiên Trấn. Nguyễn Nhạc lại sai hổ giá Phạm Ngạn đem quân từ Quy Nhơn tới. Trần Phượng không chống nổi. Đỗ Thành Nhơn đem quan Đông Sơn ra cự chiến chém được Tư khấu Uy . Nguyễn Ánh sai Lê Văn Quân đem binh đánh chiếm thành Bình Thuận và thành Diên Khánh. Tướng Tây Sơn là Phạm Ngạn phải lui về Quy Nhơn. Nguyễn Ánh sai Tổng nhung Nguyễn Văn Hoàng, Lễ bộ Nguyễn Nghi đem quân bộ ra đóng giữ Bình Thuận để hợp binh với Chu Văn Tiếp. Nguyễn Ánh cũng sai người thông sứ với Xiêm La (Thái Lan), sai Đỗ Thành Nhơn, Hồ Văn Lân đem binh đánh Chân Lạp (Campuchia ngày nay), lập con Nặc Tôn là Nặc In lên làm vua, để Hồ Văn Lân ở lại bảo hộ. Ở Gia Định, Nguyễn Ánh đặt quan cai trị, định lệ thu thuế để nuôi binh lính, làm chiến thuyền, luyện tập binh mã để phòng bị chiến tranh. Bấy giờ có người ở trấn Sơn Nam là Trần Xuân Trạch, Nguyễn Kim Phẩm cùng thủ hạ đem quân vượt biển vào Gia Định được Nguyễn Ánh trọng dụng làm tả hữu Chưởng cơ.
Năm Canh Tý (1780), Nguyễn Du mười lăm tuổi, Nguyễn Khản là anh cả của Nguyễn Du đang làm Trấn thủ Sơn Tây bị khép tội mưu loạn trong Vụ án năm Canh Tý, bị bãi chức và bị giam ở nhà Châu Quận công. Nguyễn Du về Tiên Điền học với chú Nguyễn Trọng và đi lại thân thiết với Đoàn Nguyễn Tuấn là một người thân cũng là học trò của Nguyễn Nghiễm ở Sơn Nam Hạ. Năm ấy, Nguyễn Ánh xưng vương, phong Đỗ Thành Nhơn làm Ngoại hữu Phụ Chính Thượng tướng công. Nhưng sau vì Đỗ Thành Nhơn cậy công lộng quyền, oai vượt lấn chủ nên Nguyễn Ánh theo mưu Tống Phước Thiêm đã phục vệ sĩ giết đi. Cũng vì việc ấy nên Đông Sơn khi trước hết lòng giúp Nguyễn Vương sau đều bỏ cả, và lại phản lại, thành ra lôi thôi phải đánh dẹp mãi.
Năm Tân Sửu (1781) Nguyễn Du mười sáu tuổi, Nguyễn Du làm Chánh Thủ hiệu quân Hùng Hậu ở Thái Nguyên. Ý định Nguyễn Du tạo đất căn bản, dấy nghiệp ở Bắc Hà, lập thế chân vạc, tranh hùng với Nguyễn Huệ nhà Tây Sơn ở Thuận Hóa và Nguyễn Ánh ở đất Gia Định. Tướng trấn thủ Thái Nguyên là Quản Vũ Hầu Nguyễn Đăng Tiến (Hà Mỗ trong Gia Phả họ Nguyễn Tiên Điền) là cha nuôi Nguyễn Du và tâm phúc Nguyễn Nhiễm. Tướng trấn thủ Sơn Tây là Nguyễn Điền là anh cùng cha khác mẹ của Nguyễn Du, Tướng trấn nhậm Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ đều là học trò Nguyễn Nhiễm và đó cũng là đất tổ nghiệp của nhà Nguyễn Tiên Điền. Nguyễn Du định dựng cờ phù Lê, xin chiếu vua Càn Long, liên thủ với vùng Nam Trung Quốc và Nghệ Tĩnh, giao kết kẻ sĩ, xây dựng lực lượng, trầm tĩnh theo chuyển biến thời cuộc để chớp thời cơ hành động.
Chọc trời khuấy nước mặc dầu
Dọc ngang nào biết trên đầu có ai
Cũng năm ấy, Nguyễn Ánh sau sự biến Đông Sơn, phải vất vả đối phó với nội tình tan rã ở Gia Định. Tháng 10 năm đó, vua nước Xiêm La (Thái Lan) là Trịnh Quốc Anh (Taksin) sai hai anh em tướng Chất Tri (Chakkri) sang đánh Chân Lạp. Nguyễn Vương sai Nguyễn Hữu Thụy và Hồ Văn Lân sang cứu, trong khi hai quân đang chống nhau thì ở Vọng Các (Băng Cốc) vua Xiêm bắt giam vợ con của hai anh em Chất Tri. Hai anh em tướng Chất Tri (Chakkri) bèn giao kết với Nguyễn Hữu Thụy rồi đem quân về giết Trình Quốc Anh (Taksin) và tự lập làm vua Xiêm La, xưng là Phật Vương (Rama1). Họ Chakkri làm vua cho đến ngày nay và các vua đều xưng là Rama. Vua Rama I chọn Bangkok (hay “Thành phố của các thiên thần”) làm kinh đô.
Năm Nhâm Dần (1782), Nguyễn Du mười bảy tuổi. Năm ấy, Trịnh Sâm mất, Kiêu binh phế Trịnh Cán, lập Trịnh Khải (Trịnh Tông) lên ngôi chúa. Hai anh của Nguyễn Du là Nguyễn Khản được làm Thượng thư bộ Lại, tước Toản Quận công, Nguyễn Điều làm Trấn thủ Sơn Tây.
Trước đó, Trịnh Sâm kiêu hãnh khi quân Trịnh lấy được Thuận Hóa, đã có ý cướp ngôi nhà Lê, bèn sai quan thị lang Vũ Trần Thiệu đi cùng quan nội giám mang biểu sang tấu trình vua Thanh rằng con cháu nhà Lê không có ai đáng làm vua nữa. Nhưng, Vũ Trần Thiệu khi sang hồ Đồng Đình đã đem đốt tờ biểu rồi uống thuốc độc mà chết nên việc cầu phong bỏ không nói đến nữa. Trịnh Sâm say đắm Đặng Thị Huệ, trước khi chết để di chiếu phế con trưởng là Trịnh Khải lập con thứ là Trịnh Cán làm thế tử và giao Huy Quận Công Hoàng Đình Bảo (Tố Lý) làm phụ chính. Trịnh Cán ít tuổi, lắm bệnh không mấy người phục, nên xảy ra biến loạn. Tháng 9 năm 1782 Trịnh Sâm mất, Trịnh Khải mưu với quân tam phủ kéo đến vây phủ giết Hoàng Đình Bảo, bỏ Trịnh Cán và Đặng Thị Huệ, lập Trịnh Khải lên làm chúa, tức Đoan Nam Vương (Nguyễn Khản là thầy dạy của Trịnh Khải).
Tháng 10 năm 1782, Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ đem hơn 100 chiến thuyền vào cửa Cần Giờ đánh nhau với quân Nguyễn Ánh ở Ngã Bảy. Thủy binh Tây Sơn tinh nhuệ và thiện chiến áp sát và dùng hỏa hổ tấn công. Quân Nguyễn Ánh mặc dù có người Pháp và người Bồ Đào Nha điều khiển tàu châu Âu bảo vệ vòng ngoài vẫn thua to. Cai cơ Mạn Hòe (Manuel) người Pháp chết tại trận. Nguyễn Ánh phải bỏ thành Sài Gòn chạy về Ba Giồng. Quận công Tống Phước Thiêm bị quân Đông Sơn giết chết. Nguyễn Ánh dẫn tàn quân lánh ra đảo Phú Quốc. Nguyễn Nhạc bình xong đất Gia Định, rút quân về Quy Nhơn, để hàng tướng Đông Sơn là Đỗ Nhàn Trập giữ Sài Gòn. Khi quân Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ về Quy Nhơn rồi, Chu Văn Tiếp đem quân từ Phú Yên về hợp với quân các đạo, đánh đuổi quân Tây Sơn đi, lấy lại thành Sài Gòn rồi đón Nguyễn Ánh về, sửa sang mọi việc để chống giữ với Tây Sơn.
Năm Quý Mão (1783), Nguyễn Du mười tám tuổi. Nguyễn Du thi Hương ở trường Sơn Nam, đậu Tam trường . Nguyễn Du vẫn giữ chức Chánh thủ hiệu quân Hùng hậu Thái Nguyên, nơi Quản Vũ Hầu Nguyễn Vũ Tiến là cha nuôi làm quan trấn thủ. Đây là vùng đất hiểm yếu có nhiều người Trung Quốc sang khai mỏ bạc. Nguyễn Đăng Tiến vốn là tay giặc già phản Thanh phục Minh người Việt Đông Trung Quốc, vừa là tân khách, thầy dạy võ cho Nguyễn Du và các anh em, vừa là tâm phúc của Nguyễn Nhiễm.
Nguyễn Du lấy vợ chính thất họ Đoàn (hoặc đính hôn?) là con gái thứ sáu của Đoàn Nguyễn Thục (người Quỳnh Côi, Hải An xưa thuộc Sơn Nam, nay thuộc Thái Bình). Nhờ lương duyên này mà Nguyễn Du có thêm thế lực của cha vợ là quan Hoàng giáp Phó Đô ngự sử Quỳnh Châu bá và anh vợ là tiến sĩ Đoàn Nguyễn Tuấn, sau này làm quan thị lang triều Tây Sơn.
Cũng năm ấy, Nguyễn Khản đầu năm thăng chức Thiếu Bảo, cuối năm thăng chức Tham tụng, Thượng Thư Bộ Lại kiêm trấn thủ Thái Nguyên, Hưng Hóa. Anh cùng mẹ của Nguyễn Du là Nguyễn Nễ (sinh 1761) đỗ đầu thi Hương ở điện Phụng Thiên, được bổ thị nội văn chức, khâm thị nhật giảng, sung Nội Hàn Viện cung phụng sứ, phó tri thị nội thư tả lại phiên, Thiên Thư Khu mật viện Đức Phái hầu, cai quản đội quân Phấn Nhất của phủ Chúa. Vừa lúc Thuận Châu khởi binh, phụng sai hiệp tán quân cơ của đạo Sơn Tây.
Năm 1783, vua Tây Sơn Nguyễn Nhạc sai Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ đem binh vào đánh phía Nam. Trong chiến dịch này Nguyễn Huệ đã khéo lợi dụng lúc thủy triều lên và mượn sức gió thổi từ biển vào đất liền để dùng hỏa công và hỏa hổ tiến công, trên bờ thì dùng voi chiến do thủy binh chở vào, lần đầu xuất hiện ở đất Gia Định trên một địa thế hẹp. Nguyễn Vương thua to. Nguyễn Ánh rước mẹ và cung quyến chạy ra đảo Phú Quốc. Tháng 6 năm ấy, Nguyễn Huệ ra đánh Phú Quốc, Nguyễn Vương chạy về Côn Lôn. Quân Tây Sơn lại đem thuyền đến vây Côn Lôn , nhưng gặp bão đánh đắm cả thuyền nên Nguyễn Ánh mới trốn thoát được, chạy về đảo Cổ Cốt rồi lại trở về Phú Quốc.
Lại nói đất kinh kỳ Thăng Long, nguyên từ khi họ Trịnh giúp nhà Lê trung hưng về sau, chia quân làm hai thứ binh là ưu binh và nhất binh. Ưu binh thì kén quân Thanh Nghệ làm quân túc vệ đóng ở kinh thành canh giữ những nơi trọng yếu cung vua phủ chúa, được cấp công điền và có chức sắc. Nhất binh là lính tứ trấn ở Sơn Nam, Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn Tây chỉ để đủ giữ các trấn và hầu hạ các quan còn thì cho về làm ruộng, khi cần dùng thì mới gọi. Những lính ưu binh từ các đời trước dù có kẻ ngang ngược công thần nhưng nhà chúa cũng chỉ trị tội tên cầm đầu mà vẫn giữ chế độ ưu binh, nên về sau ưu binh đã quen thói gặp điều trái ý là nổi lên làm loạn. Nay Trịnh Khải nhờ quân tam phủ Thanh Nghệ mà đoạt được ngôi chúa Đoan Nam Vương, trừ được vây cánh của Trịnh Cán nên ban ân quan tước cho kẻ đứng đầu kiêu binh là Nguyễn Bằng và trọng thưởng cho kiêu binh. Đó chính là mầm loạn khó kiềm chế.
Năm Giáp Thìn (1784), Nguyễn Du mười chín tuổi. Tháng 2 , nhân vụ 7 kiêu binh bị nhà chúa giết vì bữa tiệc vua Lê đãi kiêu binh có công phò Hoàng Tự Tôn Lê Duy Kỳ từ trong tù ra, kiêu binh đã nổi dậy đưa hoàng tôn Lê Duy Kỳ lên làm thái tử. Tư dinh của Nguyễn Khản ở phường Bích Câu, Thăng Long bị phá. Nguyễn Khản trốn lên với em là Nguyễn Điều đang làm trấn thủ Sơn Tây và Nguyễn Nể làm Hiệp tán Nhung vụ. Họ toan hợp quân các trấn về đánh kiêu binh, nhưng khi sự lộ ra quân kiêu binh vào canh chặt phủ chúa, Trịnh Khải không ra được nên mưu bất thành. Kiêu binh chia nhau giữ các cửa ô. Quân các trấn sợ chúa bị hại nên đành kéo về. Kiêu binh áp lực bãi chức Nguyễn Khản và giáng chức Nguyễn Điều, hai người về Hà Tỉnh.
Lại nói Hoàng tôn Lê Duy Kỳ (tức vua Lê Mẫn Đế, Lê Chiêu Thống sau này) là con trưởng của Lê Duy Vĩ, cháu đích tôn của vua Lê Hiển Tông . Ba anh em hoàng tự tôn được kiêu binh giải cứu sau 15 năm lao tù. có mối hận sâu sắc với chúa Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm (1767-1782). Hoàng Lê Nhất thống chí của Ngô Thời Chí kể rằng: Nguyên Trịnh Doanh có con gái lớn là quận chúa Tiên Dung , quận chúa là con vợ cả, được Trịnh Doanh yêu lắm. Thế tử Trịnh Sâm là con vợ thứ. Vợ cả Doanh muốn con được làm hoàng hậu nên xin với Doanh để gả cho thế tử Lê Duy Vĩ. Vì quá yêu con, vợ Doanh thường phân biệt lễ vua tôi quá rõ rệt, những bữa mời thái tử ăn cơm, Sâm không được vợ cả Trịnh Doanh cho cùng ngồi với thái tử. Trịnh Sâm nói với Lê Duy Vĩ: “Trong hai ta phải có kẻ mất người còn. Vua ấy không thể cùng thời với chúa này”. Thái tử Lê Duy Vĩ vẫn có ý đề phòng, thường giao kết với hào kiệt và dân sĩ trong thiên hạ, mong ngày giành lại thực quyền. Do Trịnh Doanh mất sớm. Trịnh Sâm được lên thay quyền. Việc đầu tiên của Sâm là sai một viên quan thị vu cho thái tử thông gian với cung nhân của Trịnh Doanh (Lập lại mưu cũ của Trịnh Giang giết vua trước đây: vu cho Lê Đế Duy Phương tư thông với vợ Trịnh Cương, buộc phế bỏ, giáng xuống làm Hôn Đức quân, rồi bị giết chết). Nay thái tử Lê Duy Vĩ cũng bị kết tội trạng giống hệt vậy. Thái tử và ba con bị tống giam vào ngục. Sau đó, thái tử lại bị vu tội định bỏ trốn để tạo phản nên bức uống thuốc độc chết năm 1771. Ba anh em hoàng tự tôn bị giam vào ngục 15 năm sau mới được kiêu binh giải cứu. Nhà chúa giết bảy kiêu binh giải cứu hoàng tự tôn Lê Duy Kỳ khi vua Lê đang thiết họ ăn uống đã châm ngòi cho loạn Kiêu binh phá nát Tư dinh của Nguyễn Khản ở phường Bích Câu và áp lực bãi chức Nguyễn Khản, bởi ông là thầy Trịnh Khải, lại làm quan Tham tụng, thượng thư bộ Lại.
Lại nói Nguyễn Ánh ở Phú Quốc hết sạch lương thực phải hái rau và tìm củ chuối mà ăn, thế lực cùng kiệt, bèn cho người tìm người quen cũ là cố đạo Bá Đa Lộc lúc đó đang ở Thái Lan để hỏi kế. Bá Đa Lộc khuyên là nên cầu nước Pháp nhưng phải cho thế tử Cảnh cùng đi để làm tin. Nguyễn Ánh theo lời ấy, bèn giao Hoàng tử Cảnh theo Bá Đa Lộc mang quốc thư sang Pháp. Tờ thư ấy có 14 khoản đại ý xin nước Pháp giúp cho 1500 quân và tàu bè, súng ống, thuốc đạn, đủ cả mọi thứ. Nguyễn Vương xin nhường cho nước Pháp cửa Hội An, đảo Côn Lôn và để riêng cho nước Pháp được đặc quyền vào buôn bán ở nước Nam. Nguyễn Ánh lại tiếp được mật biểu của Châu Văn Tiếp (lúc trước bị thua ở Sài Gòn đã theo đường núi chạy sang Thái Lan xin cầu viện) nên mới đến hội với tướng Thái Lan tại Hà Tiên và sau đó sang Bangkok. Vua Xiêm Chakkri (Rama1) tiếp đãi Nguyễn Ánh rất hậu và sai hai tướng Chiêu Tăng, Chiêu Sương cùng các tướng Lục Côn, Sa Uyên và Chiêu Thùy Biện là một cựu thần Chân Lạp thân Xiêm, đem hai vạn quân (tài liệu khác nói là ba vạn, có tài liệu nói là năm vạn kể cả quân bộ của Chân Lạp và hương binh mới mộ của Nguyễn Ánh ) với 300 chiến thuyền sang giúp. Nguyễn Ánh phong Châu Văn Tiếp là Bình Tây đại đô đốc được toàn quyền điều khiển việc quân. Ngày 9 tháng 6 xuất quân, trước chiếm Kiên Giang sau theo hai đường thủy bộ tiến sang lấy được Rạch Giá, Ba Thắc, Trà Ôn, Sa Đéc. Khi đánh đến Mân Thít, Châu Văn Tiếp bị thương nặng và mất. Nguyễn Ánh cử Lê Văn Quân thay chức thống lĩnh đại quân, Nguyễn Văn Thành đem 8.000 quân theo quân Xiêm đi đánh trận. Các tướng Mạc Tử Sinh (con Mạc Thiên Tứ), Nguyễn Thừa Diễn đi trấn thủ và mộ binh ở các vùng vừa chiếm được. Quân Xiêm tiến đến đâu cũng làm nhiều điều hung ác, dân rất oán giận. Tướng Tây Sơn là Trương Văn Đa sai người cấp báo về Quy Nhơn. Vua Tây Sơn sai Nguyễn Huệ đem binh vào chống giữ.
Năm Ất Tỵ (1785), Nguyễn Du hai mươi tuổi. Nguyễn Huệ vào đến Gia Định, nhữ quân Xiêm vào trận địa mai phục ở rạch Gầm, Xoài Mút ở phía trên Mỹ Tho. Nguyễn Huệ bố trí pháo binh ở hai bên bờ và các cù lao trên sông, phục sẵn chiến thuyền ở các con lạch và cù lao Thới Sơn, sau đó phái một số thuyền tới khiêu khích quân Xiêm dụ vào nơi đã giăng bẫy, đánh một trận vào ngày 19 tháng 1 năm 1785, giết quân Xiêm chỉ còn vài nghìn, theo đường bộ ch
Số lần xem trang : 19867 Nhập ngày : 06-01-2020 Điều chỉnh lần cuối :