NGUYỄN MINH ĐỨC

Trang chủ NLU | Trang nhất | Sơ đồ trang | ENGLISH | Research | Webmail |
Thống kê
Số lần xem
Đang xem 36
Toàn hệ thống 2351
Trong vòng 1 giờ qua
Trang liên kết

Đăng nhập và tạo lịch

Thành viên

Email:
Password

Nội dung

  Nguyễn Minh Đức

CƠ HỘI PHÁT TRIỂN TỪ NHỮNG THÁCH THỨC TRONG QUÁ TRÌNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ CỦA NGÀNH SẢN XUẤT CÁ TRA VIỆT NAM

 
TS Nguyễn Minh Đức[*]
Email: nmduc@hcmuaf.edu.vn

 


 

[*] Trưởng Bộ Môn Quản Lý và Phát Triển Nghề Cá, ĐH Nông Lâm TPHCM.
Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Khoa Thủy Sản, Đại Học Nông Lâm TPHCM.
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
 
Cơ hội từ quá trình hội nhập kinh tế thế giới của ngành sản xuất cá tra Việt Nam
 
Ngành thủy sản vốn được xem là một trong những ngành sớm hội nhập với nền kinh tế thế giới kể từ khi nước nhà thống nhất. Từ những năm 1980s, thủy sản luôn được xem là một mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Sau khi gia nhập Khối Hợp Tác Kinh Tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC), bên cạnh nghề nuôi và chế biến tôm, ngành công nghiệp sản xuất cá tra, cá basa của đất nước đã phát triển nhanh chóng (Cohen and Hiebert, 2001), tạo ra công ăn việc làm cho hơn 500.000 lao động (Narog, 2003). Trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới, sự hợp tác với các nước tiên tiến cũng đã đem lại những tiến triển tích cực cho nghề nuôi cá tra ở Việt Nam. Trong sự cộng tác gần gũi với các nhà nghiên cứu thủy sản của Pháp, các giảng viên của Khoa Thủy Sản, ĐH Nông Lâm TPHCM và ĐH Cần Thơ đã nghiên cứu và chuyển giao thành công qui trình sản xuất giống nhân tạo cá tra và cá basa từ năm 1998, gầy dựng nên một lực lượng sản xuất giống cá tra, cá basa nhân tạo với hơn 15.000 nông hộ liên quan (Cohen and Hiebert, 2001). Sự đầu tư mạnh mẽ cho việc nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo cá tra, basa cũng xuất phát từ những thách thức về sự cạn kiệt nguồn giống tự nhiên trên sông Cửu Long và sự hạn chế đánh bắt cá tra giống trên sông Mekong của Campuchia. Để đảm bảo năng suất cao và ổn định, nghề nuôi cá tra ở Việt Nam cũng đã chuyển sang sử dụng thức ăn viên là chủ yếu, được sản xuất chủ yếu bởi các công ty có vốn đầu tư nước ngoài như Cargill - Mỹ, Proconco - Pháp, CP Groups - Thái lan, Uni-President - Đài Loan,... (Cohen and Hiebert, 2001; Sengupta, 2003, Nguyễn Minh Đức and Kinnucan, 2008). Kỹ thuật cho cá ăn và quản lý chất lượng nước để cải thiện chất lượng thịt cá cũng được cải tiến để đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của các khách hàng Mỹ và châu Âu. Các doanh nghiệp chế biến cá tra cũng đã ứng dụng các kỹ thuật phi lê cá từ một nhà nhập khấu Úc và sử dụng các trang thiết bị sản xuất được mua từ Mỹ (Cohen and Hiebert, 2001), với mong muốn đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng HACCP và GAP được đề nghị bởi Tổ chức Lương nông Thế giới (FAO) và Bộ Thực phẩm và Dược phẩm của Mỹ.
Hưởng lợi từ việc Việt Nam gia nhập APEC và đặc biệt là từ Hiệp định thương mại song phương Việt Nam-Mỹ được ký kết vào tháng 12 năm 2001, lượng xuất khẩu cá tra, basa vào thị trường Mỹ đã gia tăng nhanh chóng. Trong năm 1998, trước khi gia nhập APEC, lượng xuất khẩu cá tra, basa vào thị trường Mỹ chỉ ít ỏi với hơn 200 tấn. Nhưng đến năm 2002 sau khi Mỹ bỏ cấm vận Việt Nam và ký Hiệp định thương mại song phương vào tháng 12 năm 2001, số lượng xuất khẩu cá tra basa vào thị trường Mỹ đã lên đến gần 20.000 tấn (Sengupta, 2003). Việc gia tăng nhanh chóng này ngoài lý do là hàng rào thuế quan đối với sản phẩm thủy sản gần như đã được bãi bỏ còn có lý do nguồn cung cấp cá tra, cá basa tăng nhanh chóng sau khi Việt nam đã thành công trong việc ứng dụng kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo trên cả hai đối tượng cá tra, cá basa và kỹ thuật nuôi cá tra thịt trắng. 
Với tính chất và mùi vị thịt cá tương tự như cá nheo được nuôi tại Mỹ (US ITC, 2002), nhưng với giá thấp hơn rất nhiều, cá tra Việt Nam đã thâm nhập thành công thị trường Mỹ và trở thành một mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường này trong những năm đầu thập niên 2000 khi mà 90% lượng cá da trơn nhập khẩu vào Mỹ trong năm 2000 là từ Việt Nam (Cohen and Hiebert, 2001). Tuy nhiên, với sự tăng trưởng mạnh mẽ của kim ngạch xuất khẩu, cá tra Việt Nam đã phải đương đầu với những rào cản thương mại “hiện đại” từ phía nước chủ nhà để bảo hộ cho ngành công nghiệp nuôi và chế biến cá nheo, một trong những ngành sản xuất thủy sản lớn nhất của Mỹ (Harvey, 2005). Những biện pháp bảo hộ được đưa ra liên tục và báo chí thế giới đã sử dụng tên gọi “cuộc chiến cá da trơn” để đề cập đến những tranh chấp thương mại giữa cá tra Việt Nam và cá nheo Mỹ.
Bước đầu tiên của “cuộc chiến cá da trơn” là việc vận động của Hiệp Hội Cá Da Trơn miền Nam nước Mỹ để Quốc Hội của họ thông qua đạo luật ghi nhãn catfish năm 2001, giới hạn việc sử dụng tên “catfish” chỉ dành cho cá da trơn thuộc họ Ictaluridae đang được nuôi ở Mỹ (Narog, 2003). Bước tiếp theo là việc vận động hành lang để tái thỏa thuận lại Hiệp ước thương mại song phương được ký giữa hai nước Việt Nam và Mỹ năm 2001 nhằm tiến đến một hạn ngạch nhập khẩu nhất định cho cá tra Việt Nam nhập vào Mỹ (Cooper, 2001), nhưng việc vận động này đã thất bại do những qui định của Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO). Bước thứ ba và là đỉnh điểm của “cuộc chiến cá da trơn” là quá trình điều tra và áp thuế chống phá giá lên đến 64% đối với sản phẩm cá tra, basa phi lê đông lạnh từ Việt Nam vào Mỹ. Năm 2005, “cuộc chiến cá da trơn” tiếp diễn với bước ngoặt mới khi các bang Mississippi, Alabama, Georgia và Louisiana ra lệnh cấm bán cá catfish nhập khẩu từ nước ngoài (bao gồm Việt Nam) sau khi phát hiện ra dư lượng chất kháng sinh trong các mẫu kiểm nghiệm. Tháng Năm năm 2008, Quốc hội Mỹ cũng đã thông qua “Đạo luật Nông trại 2008”(“Farm Bill 2008”) đề nghị đưa cá da trơn (kể cả cá tra, basa Việt Nam) vào danh mục các loại thực phẩm phải được kiểm soát chất lượng và điều kiện vệ sinh nghiêm ngặt theo các quy định của Bộ Nông Nghiệp Mỹ.
Cho dù gây ra nhiều khó khăn cho ngành sản xuất cá tra Việt Nam, “cuộc chiến cá da trơn” cũng đã tạo ra nhiều cơ hội rất tốt để cho cá tra phát triển thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, “từ cô bé lọ lem biến thành công chúa”. Sau khi Đạo luật An ninh Trang trại và Đầu tư Nông thôn của Mỹ năm 2001 được ban hành không cho phép cá tra Việt nam mang tên catfish, không như những lo lắng của các nhà sản xuất cá tra Việt Nam, cá phi lê đông lạnh của Việt nam vẫn giữ được thị trường Mỹ dù số lượng xuất khẩu sang Mỹ có suy giảm trong giai đoạn cao trào của “cuộc chiến” nhưng với giá cao hơn chút ít (Bảng 1). Việc thay đổi tên gọi của cá tra Việt Nam đã không ảnh hưởng đến các mối quan hệ thương mại đã được thiết lập giữa các nhà kinh doanh xuất khẩu Việt Nam và nhập khẩu Mỹ (Brambilla và ctv., 2008). Các nghiên cứu thực nghiệm với các mô hình kinh tế lượng của Nguyễn Minh Đức và Kinnucan (2007a, 2007b, 2008) cũng khẳng định rằng đạo luật ghi nhãn catfish năm 2001lại tạo ra các tác động tích cực đối với giá cá tra Việt Nam nhập khẩu vào thị trường Mỹ.



Bảng 1. Giá và Sản Lượng Cá Da Trơn tại Thị Trường Mỹ 1999-2005
 
Đơn vị
1999
2000
2001
2002
2003
2004
2005
Giá cá phi lê Việt Nam
$/lb.
2.04
1.52
1.26
1.29
1.21
1.15
0.93
Giá cá phi lê Mỹ
$/lb.
2.76
2.83
2.61
2.39
2.41
2.62
2.67
Thuế chống phá giá
$/lb.
--
--
--
--
0.64
0.61
0.49
Giá cá nuôi Mỹ
$/lb.
74
75
65
57
58
70
72
Nhập khẩu từ Việt Nam
Triệu lbs.
2
7
17
10
4
7
17
Sản lượng cá phi lê Mỹ
Triệu lbs.
120
120
115
131
125
122
124
Sản lượng cá nuôi Mỹ
Triệu lbs.
597
594
597
631
661
630
601

Nguồn: Nguyễn Minh Đức (2007).
Sau cuộc tranh chấp tên gọi, dù phía Việt Nam đã không thể thắng, đã có một kết quả mà Hiệp hội cá da trơn của Mỹ không ngờ tới cũng như các nhà sản xuất cá tra của Việt Nam không mong đợi. Đó là sự “nổi tiếng” của cá tra, cá basa Việt nam, không chỉ ở thị trường Mỹ mà còn trên toàn thị trường thế giới. Với sự năng động của các nhà xuất khẩu thũy sản Việt Nam trước tình hình khó khăn ở thị trường Mỹ, cá tra Việt nam đã có cơ hội vươn tới những thị trường rộng lớn khác như châu Âu, Úc, Nhật. Các nhà sản xuất Việt nam cũng có cơ hội đa dạng hóa sản phẩm cá tra, cá basa của mình để phục vụ cho các thị trường khác nhau. Nalley (2007) đã khẳng định rằng đạo luật ghi nhãn năm 2001 đã tạo ra một thị trường mới cho cá tra, cá basa Việt Nam và làm giảm thị trường của cá nheo Mỹ. Một nghiên cứu của Tô Thị Kim Hồng, Nguyễn Minh Đức và Kinnucan (2008) cũng chứng minh rằng đạo luật ghi nhãn của Mỹ năm 2001 không làm thay đổi độ nhạy cảm với giá của nhu cầu cá da trơn nhập khẩu (bao gồm cả cá tra, basa Việt Nam) vào Mỹ.
Đối với quá trình chống bán phá giá, với các mô hình nghiên cứu kinh tế lượng thực nghiệm, Nguyễn Minh Đức (2007), Nguyễn Minh Đức và Kinnucan (2007a, 2007b, 2008) đã khẳng định rằng thuế chống phá giá chỉ làm tăng rất ít nhu cầu và giá sản phẩm cá nheo Mỹ trong khi không tạo ra một lợi ích nào cho người nuôi cá nheo của Mỹ. Lý do chính là cá nheo phi lê ở Mỹ không phải là một sản phẩm thay thế cho sản phẩm cá tra Việt Nam do giá cá nheo của Mỹ quá cao và có một thị trường riêng cho nó. Trong khi đó, cá tra lại là một sản phẩm có khả năng thay thế sản phẩm cá nheo tại thị trường Mỹ, dù có chịu thuế chống phá giá, giá cá tra Việt Nam vẫn rẻ hơn so với giá cá nheo Mỹ. Khi giá của sản phẩm cá nheo Mỹ tăng lên, người tiêu dùng Mỹ sẽ chuyển sang sử dụng cá tra Việt Nam trong khi chiều ngược lại rất khó xảy ra. Nguyễn Minh Đức và Kinnucan (2007b) cũng đã cảnh báo rằng biện pháp chống phá giá của Mỹ đối với sản phẩm cá tra Việt Nam sẽ tạo cơ hội cho sản phẩm cá da trơn từ các nước khác như Trung Quốc, Thái Lan gia tăng nhập khẩu vào Mỹ. Điều đó khiến cho các nhà sản xuất cá nheo Mỹ tiếp tục đưa ra các biện pháp bảo hộ khác, cũng là những thách thức mới cho ngành sản xuất cá tra Việt Nam.  
Thách thức hiện nay và cơ hội cho sự phát triển
            Dù có những cố gắng nâng cao chất lượng sản phẩm cá tra trong nuôi trồng và chế biến, nhìn chung ngành sản xuất cá tra Việt Nam trong hơn một thập niên qua vẫn đang tập trung gia tăng sản lượng. Các báo cáo thành tích của các cơ quan chức năng cũng chỉ tập trung vào số lượng như diện tích, sản lượng nuôi trồng, sản lượng chế biến và sản lượng xuất khẩu,... Sự gia tăng về sản lượng là rất đáng trân trọng trong điều kiện cá tra Việt Nam luôn phải đối đầu với nhiều thách thức, những rào cản thương mại, sự suy thoái kinh tế hiện nay và sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các nước xuất khẩu cá da trơn khác như Thái Lan, Trung Quốc,... Tuy nhiên, đi kèm với sự tăng trưởng về sản lượng và số lượng thị trường lại là một sự suy giảm đáng kể về giá trị trên một đơn vị sản phẩm xuất khẩu. Ví dụ tại thị trường Mỹ, giá cá tra xuất khẩu Việt Nam liên tục giảm từ năm 1999 đến năm 2007 (Hình 1). Giá xuất khẩu giảm dẫn đến giá thu mua cá nguyên liệu cũng giảm (tính theo giá trị thực). Việt nam là nước xuất khẩu hàng đầu, với số lượng khống chế, các sản phẩm cá tra cho toàn bộ thế giới. Cũng như các sản phẩm nông nghiệp khác, nhu cầu cá tra xuất khẩu là không co giãn. Thêm vào đó, việc “độc quyền” trong cung cấp sản lượng cá tra cho thị trường thế giới, theo lý thuyết của kinh tế thương mại quốc tế, có thể dẫn đến việc “tăng trưởng bần cùng hóa”. Theo lý thuyết về “tăng trưởng bần cùng hóa”, một hiện tượng tăng trưởng hiếm có trên thực tế, việc chuyên môn hóa và đẩy mạnh cung ứng một số lượng lớn một mặt hàng xuất khẩu có nhu cầu ít nhạy cảm với giá ra thị trường thế giới sẽ làm giảm giá của sản phẩm xuất khẩu trong khi giá các mặt hàng nhập khẩu (ví dụ: thức ăn và thuốc thú y thủy sản) lại tăng sẽ góp phần làm “bần cùng hóa” người sản xuất.
            Hình 1. Sự tăng trưởng về sản lượng nhưng giảm sút về giá trị của cá tra xuất khẩu
Hiện nay, với đạo luật Nông trại 2008, một vấn đề lớn mà giới sản xuất cá tra Việt nam quan tâm là việc Mỹ có thể đưa cá tra Việt Nam vào chung nhóm “catfish” (vô hình chung đưa cá tra trở lại với tên gọi “catfish”). Theo đó, cá tra Việt nam khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm giống như cá nheo được sản xuất tại Mỹ. Ngay từ năm 2008, đã có những cảnh báo từ các nhà quản lý và nghiên cứu kinh tế thủy sản đối với các nhà sản xuất cá tra Việt Nam về biện pháp bảo hộ thương mại “hiện đại” này. Thậm chí, nhằm mục đích tránh cho cá tra khỏi phải chịu sự kiểm tra ngặt nghèo về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, một quan chức trong ngành thủy sản Việt Nam đã lên tiếng yêu cầu Mỹ nên tuân theo đạo luật của chính họ năm 2001, không nên buộc cá tra Việt Nam quay trở lại với tên gọi “catfish”. Khả năng hạn chế nhập khẩu thức ăn thủy sản từ Mỹ, xem như là một biện pháp trả đũa từ phía Việt Nam, cũng đồng thời được đề cập đến. Tuy nhiên, nếu điều này xảy ra, một cuộc tranh chấp thương mại mới sẽ bắt đầu và Việt Nam có thực sự hưởng lợi hay không cũng như việc trả đũa đó có phù hợp với các qui định thương mại quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hay không?
Như đã phân tích ở trên, quá trình toàn cầu hóa đã tác động tích cực và tạo ra nhiều cơ hội cho sự phát triển của ngành sản xuất cá tra Việt Nam, từ việc hoàn thiện kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo, cải tiến qui trình nuôi với công nghệ cho ăn và quản lý chất lượng nước, hoàn thiện qui trình kiểm tra chất lượng sản phẩm,... đến việc gia tăng thị trường xuất khẩu. Ngay trong “cuộc chiến cá da trơn”, dù bị thua thiệt rất nhiều, cá tra Việt Nam vẫn chứng tỏ sức sống mãnh liệt trong điều kiện khó khăn khi thị trường xuất khẩu của cá tra đã tăng đến hơn 120 quốc gia và kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD trong năm 2008. Vậy chúng ta có nên quá lo lắng với đạo luật “Farm Bill 2008” của Mỹ hay không? Nếu sử dụng những chi phí cho việc tranh chấp quốc tế vào việc nghiên cứu, cải tiến chất lượng sản phẩm cá tra từ xuyên suốt quá trình từ nuôi đến chế biến, tiếp thị xuất khẩu, ngành sản xuất cá tra Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để phát triển. Kinh nghiệm từ “cuộc chiến cá da trơn” cho thấy, mỗi khi cuộc chiến bước vào giai đoạn mới, khó khăn hơn, ngành sản xuất cá tra lại chủ động vượt khó và vươn lên tầm cao mới.
Hiện nay, những yêu cầu khắt khe hơn về mặt chất lượng của sản phẩm cá tra không chỉ có từ thị trường Mỹ mà còn ở tất cả các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Nếu đáp ứng được những yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, ngành sản xuất cá tra sẽ có cơ hội nâng cấp sản phẩm của mình để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao ngang bằng với bất kỳ sản phẩm của quốc gia tiên tiến khác. Việc đáp ứng những yêu cầu về chất lượng sẽ giúp nâng cao giá trị của sản phẩm cá tra Việt Nam trên thị trường thế giới. Việc nâng tầm này sẽ giúp chúng ta có bằng chứng hữu hiệu hơn để đối phó với các thông tin bất lợi như ở Ai Cập và Ý trong thời gian vừa qua, tạo thuận lợi hơn cho quá trình tiếp thị cá tra Việt Nam ra thế giới. Trong hoàn cảnh kinh tế toàn cầu đang suy thoái và các sản phẩm cá tra Việt Nam đang gặp nhiều cạnh tranh hơn từ các quốc gia khác, việc cải tiến chất lượng, nâng tầm giá trị cũng sẽ góp phần tạo ra một thương hiệu cá tra Việt Nam vững mạnh hơn trên thị trường thế giới.
Kinh nghiệm hội nhập quốc tế đã cho thấy ngành sản xuất cá tra Việt nam đã gặp, đang gặp và có thể sẽ còn gặp nhiều thách thức. Tuy nhiên, mỗi khi đối đầu với một thách thức mới, cá tra Việt Nam lại có cơ hội mới để phát triển. Những thách thức mới về chất lượng có tạo cho Việt nam một cơ hội mới để phát triển về chất hay không? Câu trả lời hoàn toàn nằm trong khả năng của các nhà sản xuất cá tra Việt Nam.


TÀI LIỆU THAM KHẢO
Brambilla, I., Porto, G. và A. Tarozzi, 2008. Adjusting to Trade Policy: Evidence from U.S. Antidumping Duties on Vietnamese Catfish. Duke University.
Cohen, M. và M. Hiebert, 2001. Muddying the water. The Far Eastern Economic Review. 164: 67-69
Cooper, H., 2001. Catfish Case Muddies Waters for Bush ‘Fast Track’, Wall Street Journal, July 13.
Duval-Diop, D. M. và J. R. Grimes, 2005. Tales from Two Deltas: Catfish Fillets, High-Value Foods, and Globalization. Economic Geography. 81(2): 177-200.
Harvey, D.J., 2005. Aquaculture Outlook. LDP-AQS-21. Mar 2005. Electric Outlook Report from the Economic Research Service.
Nalley, L., 2007. Modeling the Structural Change in American Frozen Catfish Fillet Demand: An Analysis of Country of Origin Labeling and the Implementation of an Import Tariff. Southern Agricultural Economics Association Annual Meetings.
Narog, B.J., 2003. Past – Present – Future Catfish in Vietnam and the US, Aquaculture Magazine. May/June 2003.
Nguyễn Minh Đức và Henry Kinnucan, 2007a. Effecs of Antidumping Duties with Bertrand Competition: Some Evidence for Frozen Catfish Fillets, 2007 Annual Joint Meeting AAEA-WAEA-CAES, Portland, Oregon, July 28 – August 01.
Nguyễn Minh Đức và Henry Kinnucan. 2007b. US Antidumping and the World Catfish Market. 2007 Annual Meeting Southern Economics Association. Section 21R Development Economics. New Orleans, Louisiana.
Nguyễn Minh Đức và Henry Kinnucan, 2008. Effects of the US Antidumping Under the Byrd Amendment: The Case of Catfish. In: Proceedings of 2008 Biennial Meetings of International Institute of Fisheries Economics and Trade (IIFET2008), Nhatrang, Vietnam.
Sengupta, R., 2003. US - Vietnam Trade War over Seafood: Free-Trade Not So Free After All. International Development Economics Associates (IDEAS).
Tô Th Kim Hng, Nguyễn Minh Đức Henry Kinnucan, 2008. Competition between US Produced and Imported Frozen Catfish Fillets: A Demand System Analysis. International Symposium on Catfish Farming in Asia. 5-8 December.Can Tho University.
U.S. ITC, 2002. Certain Frozen Catfish Fillets from Vietnam - Investigation No. 731-TA-1012. Publication 3533. Washington DC.

Số lần xem trang : 14925
Nhập ngày : 12-06-2009
Điều chỉnh lần cuối : 13-11-2005

Ý kiến của bạn về bài viết này


In trang này

Lên đầu trang

Gởi ý kiến

 

  TIÊU CHUẨN HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA NÔNG NGHIỆP(03-09-2013)

  NÂNG CAO NĂNG LỰC NGHIÊN CỨU CỦA GIẢNG VIÊN ĐỂ THỰC HIỆN VAI TRÒ SÁNG TẠO TRI THỨC CỦA CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC(23-01-2013)

  Nông nghiệp Việt Nam - Thay đổi để thích nghi (27-04-2011)

  Research Article: Price Impact Assessment of Antidumping Measures and Labeling Laws on Global Markets: A Case Study of Vietnamese Striped Catfish(08-08-2010)

  THAM LUẬN HỘI THẢO: "MỘT SỐ THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN CỦA XUẤT KHẨU VIỆT NAM SAU KHỦNG HOẢNG KINH TẾ THẾ GIỚI"(22-11-2005)

  Chuyên ngành mới: Kinh Tế và Quản Lý NTTS (mã ngành 324, thi 2 khối A,B)(21-01-2010)

  Xuất khẩu nông sản Việt Nam trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay (18-03-2009)

  Tham khảo: Quá trình hội nhập kinh tế thể giới của cá tra, basa(18-03-2009)

  Học bổng Thạc Sĩ Kinh Tế Thủy Sản(08-03-2009)

Trang kế tiếp ...

Nguyễn Minh Đức, BM Quản lý và Phát triển Nghề Cá, ĐH Nông Lâm TPHCM, Email: nmduc(a)hcmuaf.edu.vn

Thiết kế: Quản trị mạng- ĐHNL 2007