Nguyễn Minh Đức
TS. Nguyễn Minh Đức
Bài viết đã được xuất bản trong sách chuyên khảo “Nâng cao chất lượng giáo dục đại học” do PGS Lê Bảo Lâm và TS Nguyễn Hữu Từ chủ biên (Nhà xuất bản Thanh niên, 2013).
I. VAI TRÒ QUAN TRỌNG CỦA ĐẠI HỌC TRONG XÃ HỘI TRI THỨC
Trong quá trình thay đổi toàn cầu hiện nay, các quốc gia trên thế giới đều đang nỗ lực nâng cao năng lực nghiên cứu, sáng tạo tri thức trong các bối cảnh kinh tế xã hội và văn hoá khác nhau (Kearney,2009). Trên các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay, các khái niệm ‘xã hội tri thức’, ‘kinh tế tri thức’ ngày càng được nhắc đến nhiều hơn. UNESCO (2005) đã định nghĩa một ‘xã hội tri thức’ là một xã hội được nuôi dưỡng bởi sự đa dạng và khả năng sáng tạo của nó. Trong một nền kinh tế tri thức, các sản phẩm và dịch vụ sẽ được tạo ra chủ yếu dựa vào tri thức và sáng tạo hơn là dựa vào các nguồn nguyên vật liệu và sức lao động như trước đây (Powell and Snellman, 2004), ngoài ra,quá trình nghiên cứu để sản sinh ra tri thức được xem là nền tảng của sự phát triển xã hội bền vững (Kearney, 2009). Trong nền kinh tế tri thức ấy, vai trò của các trường đại học đang ngày càng rõ ràng và được xem trọng hơn với tỷ trọng các nghiên cứu và phát triển (R&D) được thực hiện trong các trường đại học đang gia tăng đáng kể, những dự án này thường được tài trợ bởi cả hai nguồn, chính phủ và doanh nghiệp tư nhân (Meek and Davies, 2009). Bên cạnh đó, một số lượng lớn các quốc gia đang phát triển hệ thống và cơ sở sáng tạo tri thức của họ dựa trên hệ thống các trường đại học. Hệ thống giáo dục toàn cầu đã chứng kiến một sự phát triển mạnh mẽ của giáo dục bậc cao trong các thập niên qua, sự đa dạng trong các hình thức sở hữu và trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu đã tạo ra một sự cạnh tranh giữa các trường đại học với nhau ở tất cả các phạm vi, toàn cầu hay địa phương, khu vực hay trong mỗi quốc gia. Đa số các trường đại học ở các nước tiên tiến đều đề xuất và cố gắng thực hiện tốt ba chức năng cơ bản của trường đại học như: nghiên cứu để sáng tạo tri thức, giảng dạy để truyền bá tri thức và cung cấp dịch vụ để phụng sự xã hội. Để định vị cao hơn và tạo sự khác biệt, các trường đại học lớn ở các nước đang phát triển đều mong muốn hướng tới để được xem như là một trường đại học nghiên cứu (hoặc định hướng nghiên cứu) nhằm đạt được một “đẳng cấp quốc tế”.
Theo Salmi (2008), một trường đại học đạt ‘đẳng cấp cao’ ngoài việc có một hệ thống quản trị tốt còn phải là nơi hội tụ các chuyên gia nghiên cứu, các giảng viên giỏi, các sinh viên tài năng và có một nguồn ngân sách riêng dồi dào. Các đặc điểm của một trường đại học ‘đẳng cấp cao’ được mô tả trong sơ đồ sau.
Nguồn: Salmi (2008)
Theo sơ đồ trên, một thành phần chính tạo nên ‘đẳng cấp’ của một trường đại học là đội ngũ giảng viên- chủ thể của sáng tạo và truyền bá tri thức.
Để thực hiện tốt các chức năng nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao khoa học kỹ thuật của trường đại học, người giảng viên cũng phải thực hiện tốt ba vai trò tương ứng. Người giảng viên trong các trường đại học nghiên cứu (hay định hướng nghiên cứu) phải là một nhà nghiên cứu bên cạnh vai trò nhà gíáo và người cung ứng các dịch vụ cho xã hội dựa trên các kết quả nghiên cứu của mình. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, các giảng viên đều được biết đến nhiều nhất ở vai trò nhà giáo, vai trò nhà nghiên cứu thường lu mờ hơn trong khi vai trò cung ứng dịch vụ chỉ dựa vào kiến thức chuyên môn chuyên ngành mà họ đã được đào tạo khi học đại học và sau đại học, chứ chưa xuất phát nhiều từ các kết quả nghiên cứu trong quá trình làm việc ở trường đại học. Vai trò chủ thể sáng tạo tri thức của người giảng viên đại học có thể được thực hiện thông qua nhiều cách thức khác nhau như tự nghiên cứu, phối hợp nghiên cứu với đồng nghiệp hay với sinh viên và thậm chí thông qua việc hướng dẫn sinh viên nghiên cứu.
II. PHÁT HUY NĂNG LỰC NGHIÊN CỨU CỦA GIẢNG VIÊN
Theo Kearney (2009) khi một quốc gia tự làm suy yếu nền tảng học thuật của mình thông qua việc duy trì những chính sách lạc hậu, sự thiếu quan tâm đầu tư thích đáng cho các trường đại học dẫn đến một sự “chảy máu chất xám”, khả năng cạnh tranh của quốc gia đó trong một nền kinh tế tri thức toàn cầu sẽ giảm đi đáng kể. Ví dụ như từ sự tăng trưởng kém của Colombia và Ghana khi 50% số tiến sĩ khoa học của Colombia đang di cư sang sinh sống ở nước ngoài và 47% công việc của các tiến sĩ người Ghana là ở các nước khác. Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục của UNESCO đã chỉ ra rằng nguy cơ chảy máu chất xám này có thể được khắc phục thông qua việc xem xét kỹ lưỡng hiện trạng và tạo ra một môi trường nghiên cứu thích hợp. Trong môi trường đó, một số biện pháp được đề nghị bao gồm:
- chi trả thù lao thích hợp cho phép các giảng viên có học vị cao có thể tập trung vào việc nghiên cứu hơn là phải loay hoay bươn chải để kiếm sống
- tạo ra các “phần thưởng” cho các hoạt động nghiên cứu
- giảm các thủ tục hành chính
- tạo ra sự tự chủ học thuật cũng như sự tự do trong việc hợp tác
- đảm bảo sự công bằng và khuyến khích các nhà nghiên cứu trẻ
1- Thiết lập môi trường và văn hoá nghiên cứu trong trường đại học
Với tư cách là cơ quan chủ quản và người sử dụng các giảng viên, thường được đào tạo bài bản và có học vị cao, trường đại học nên tạo môi trường và văn hoá nghiên cứu để mỗi giảng viên có thể tự phát huy năng lực nghiên cứu của mình qua nhiều cách thức khác nhau. Từ đó, các trường đại học cũng hình thành được những bản sắc văn hoá và những định hướng nghiên cứu riêng cho mình. Những cách thức giảng viên có thể tạo ra tri thức bao gồm tự nghiên cứu, phối hợp nghiên cứu với đồng nghiệp trong và ngoài nước hay với sinh viên.
Để tự nghiên cứu, một giảng viên phải là một nghiên cứu viên có kinh nghiệm, có đủ năng lực và khả năng tìm kiếm tài chính để tài trợ cho các nghiên cứu của mình. Tuy nhiên, nguồn kinh phí gần gũi nhất là từ các trường đang công tác lại đôi khi được phân bổ theo các tiêu chí cào bằng và dựa vào mối quan tâm hiện hữu của trường hơn là những vấn đề khoa học do giảng viên đề xuất. những nghiên cứu do tự bản thân giảng viên thực hiện thường là các nghiên cứu cơ bản và có thể thực hiện độc lập (ví dụ trong lĩnh vực toán học, kinh tế học,…). Các trường hợp tự nghiên cứu của các giảng viên, tuy nhiên, khó có thể so sánh và cạnh tranh nguồn tài chính từ các nhà nghiên cứu làm việc cho các viện nghiên cứu độc lập. Vì vậy, do còn phải dành thời gian cho các hoạt động giảng dạy và cung cấp dịch vụ cho xã hội, đa số các giảng viên khi tham gia nghiên cứu thường có xu hướng phối hợp với đồng nghiệp trong hay ngoài nước để huy động đủ tiềm lực cho việc tìm kiếm tài trợ cũng như trong việc thực hiện các nghiên cứu. Trường đại học có thể giúp các giảng viên thiết lập, duy trì và phát triển sự phối hợp nghiên cứu này thông qua việc tổ chức các hội thảo khoa học chuyên ngành định kỳ, khuyến khích và tài trợ cho các giảng viên tham gia các hội thảo khoa học trong và ngoài nước, cung cấp các cơ sở vật chất nghiên cứu, phương tiện truyền thông đủ để các giảng viên có thể trao đổi với các đồng nghiệp ngay tại văn phòng làm việc của trường.
Một thuận lợi của người giảng viên khi tham gia nghiên cứu là có sẵn một nguồn lực lao động tri thức đáng kể để cùng thực hiện và hoàn thiện nghiên cứu, đó là sinh viên, đặc biệt là sinh viên cao học và nghiên cứu sinh. Các trường đại học nên khuyến khích sự phối hợp nghiên cứu giữa giảng viên và học viên của mình. Trong các trường đại học Việt Nam hiện nay, sinh viên các lớp cao học thường được yêu cầu thực hiện một luận văn nghiên cứu trước khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, do sinh viên lần đầu tiếp cận việc nghiên cứu, họ nên được giới thiệu làm việc cùng với những giảng viên đang thực hiện (hay có kinh nghiệm thực hiện) những đề tài khoa học liên quan đến mong muốn và ý thích nghiên cứu của họ. Trong môi trường nghiên cứu này, cả ba bên đều có lợi: học viên cao học được thực hiện những đề tài mà họ mong muốn và quan tâm, giảng viên có những cộng sự đủ khả năng và tâm huyết, trường đại học có được những sản phẩm mong muốn (đào tạo ra được những sinh viên chất lượng có chất lượng về mặt khoa học, tạo ra và cung cấp những kết quả nghiên cứu khoa học cho xã hội). Những đề tài nghiên cứu được cung cấp kinh phí từ trường đại học cũng nên đặt yêu cầu có sản phẩm đào tạo ít nhất là một luận văn tốt nghiệp (đại học hay cao học) một khi nhà trường đã có những hỗ trợ và môi trường cần thiết để các giảng viên thiết lập tốt mối quan hệ phối hợp này.
2- Sử dụng các kết quả nghiên cứu để đánh giá năng lực giảng viên
Trong các trường đại học, năng lực giảng viên thường được đánh giá qua ba khía cạnh: năng lực chuyên môn, năng lực giảng dạy và năng lực nghiên cứu. Ở các trường đại học Việt Nam, năng lực chuyên môn của giảng viên luôn được đặt lên hàng đầu khi tất cả các giảng viên đều được tuyển chọn từ các sinh viên khá giỏi trong lĩnh vực chuyên môn sẽ được giảng dạy. Năng lực giảng dạy của giảng viên cũng đang được nâng cao khi các lớp kỹ năng giảng dạy liên tục được tổ chức trong các trường đại học và một giảng viên khi muốn giảng dạy chính thức phải đạt chứng chỉ về lý luận giảng dạy đại học và nghiệp vụ sư phạm. Tuy nhiên, năng lực nghiên cứu của giảng viên chưa được chú trọng để nâng cấp. Cho dù đã có những chỉ tiêu và tổng số giờ chuẩn làm việc của giảng viên do Bộ Giáo Dục & Đào Tạo qui định, trong thực tế, các chỉ tiêu đánh giá năng lực và khen thưởng giảng viên thường chỉ chú trọng vào số tiết giảng dạy và có thể là sự phản hồi của sinh viên (cũng tập trung vào năng lực giảng dạy của giảng viên). Các kết quả nghiên cứu của giảng viên thường không được đánh giá đúng mức và cũng không phải là những công việc bắt buộc của giảng viên. Do đó, không ngạc nhiên khi các chỉ số đánh giá năng suất nghiên cứu khoa học như bằng sáng chế, bài báo khoa học, số lượng đề tài nghiên cứu chủ trì hay tham gia,… của giảng viên đại học Việt Nam rất thấp so với các đồng nghiệp quốc tế. Trong các trường đại học ở Việt Nam, các chỉ số đánh giá năng lực giảng viên nên bao gồm, một cách thực chất, các kết quả và năng lực nghiên cứu. Để khuyến khích việc nghiên cứu, cùng với việc cải tiến hệ thống quản trị đại học, các trường đại học nên thực hiện việc ký kết các hợp đồng (đối với giảng viên hợp đồng) hay các bản đăng ký/giao-nhận công việc (đối với các giảng viên trong biên chế) trong đó qui định rõ nhiệm vụ của giảng viên bao gồm cả ba vai trò nghiên cứu, giảng dạy và chuyển giao với tỷ trọng cụ thể ví dụ là 40/50/10 (40% thờigian cho nghiên cứu/ 50% cho giảng dạy/ 10% cho dịch vụ chuyển giao) hay 40/40/20 và qui định rõ số lượng kết quả nghiên cứu tối thiểu phải đạt được trong một hay hai năm học.
3- Mối quan hệ hợp tác quốc tế
Theo Marmolejo và Puukka (2006), các trường đại học đang ngày càng đóng vai trò rộng lớn hơn trong việc phát triển văn hoá, xã hội, kinh tế của các khu vực kinh tế trên thế giới. Tuy nhiên, việc thiếu sự trao đổi thông tin giữa các trường đại học với các tổ chức có liên quan trong khu vực đã làm giảm hiệu quả của những nỗ lực giảng dạy nghiên cứu và phục vụ xã hội cũng như giới hạn tác động của các nghiên cứu từ các trường đại học chỉ ở phạm vi địa phương. Do đó, các trường đại học Việt Nam nên thúc đẩy việc thiết lập các mối quan hệ hợp tác quốc tế để nâng cao tầm vóc và ảnh hưởng của mình đối với sự phát triển của cả khu vực.
Việc hợp tác quốc tế cho phép giảng viên đại học nâng cao kỹ năng giao tiếp trong khoa học cũng như tiếp cận được các vấn đề nghiên cứu mang tầm khu vực và thế giới. Mặc dù đòi hỏi ngưởi giảng viên phải có một nền tảng nghiên cứu vững vàng, việc hợp tác này là có lợi cho cả giảng viên và trường đại học. Người giảng viên sẽ được tiếp cận với nguồn kinh phí đa dạng hơn, tiếp xúc được với nhiều đồng nghiệp đang hoạt động trong cùng lĩnh vực nghiên cứu cũng như trau dồi và nâng cao kiến thức cũng như kỹ năng nghiên cứu của mình. Việc hợp tác quốc tế cũng giúp các giảng viên Việt Nam dễ dàng hơn trong việc công bố các kết quả nghiên cứu của mình trên các tạp chí quốc tế. Trường đại học cũng được hưởng lợi từ việc hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học thông qua hiệu ứng lan truyền từ người giảng viên sang các đồng nghiệp và các sinh viên trong trường, tên tuổi của trường cũng được biết đến nhiều hơn, số lượng sinh viên nhập học và nguồn kinh phí cũng sẽ gia tăng.
Để hỗ trợ cho việc phát triển các mối quan hệ hợp tác quốc tế, các trường đại học nên dành một ngân quỹ hỗ trợ cho các giảng viên có mối quan hệ hợp tác quốc tế để giúp họ duy trì và mở rộng các mối quan hệ này thông qua việc tham gia các hoạt động hội thảo quốc tế, trao đổi giảng viên hay thậm chí chia sẻ tài liệu qua hệ thống cơ sở dữ liệu trên Internet. Các trường đại học có điều kiện về cơ sở vật chất và nguồn kinh phí cũng nên mạnh dạn tổ chức (hoặc phối hợp tổ chức) các hội thảo khoa học quốc tế để tạo cơ hội cho các giảng viên của trường có điều kiện tham gia và tiếp xúc với những nghiên cứu cập nhật nhất trên thế giới. Với số lượng ngày càng tăng các giảng viên được đào tạo từ nước ngoài, việc duy trì và mở rộng các hợp tác quốc tế giúp họ duy trì khả năng và đam mê nghiên cứu, từ đó hoàn thiện và nâng cao năng lực nghiên cứu của mình.Trong điều kiện kinh phí eo hẹp, các trường đại học cũng có thể kết hợp với nhau cùng đăng ký quyền truy cập và sử dụng các cơ sở dữ liệu khoa học trên thế giới để hỗ trợ các giảng viên có điều kiện tiếp cận với những nghiên cứu mới nhất của các đồng nghiệp trên thế giới; từ đó, thiết lập và phát triển các mối quan hệ hợp tác trong nghiên cứu khoa học.
4- Xây dựng mối quan hệ doanh nghiệp và trường đại học
Sự đa dạng hình thức sở hữu và đa dạng trong hoạt động của các trường đại học phản ánh vai trò và trách nhiệm ngày càng tăng của giáo dục đại học trong xã hội (Marmolejo và Puukka, 2006). Ở Việt Nam hiện nay, chúng ta không chỉ có trường đại học công lập và tư thục hoạt động dưới sự quản lý của Bộ Giáo dục & Đào tạo mà còn có các trường thuộc các Bộ chuyên ngành như ĐH Điện Lực, ĐH Tài chính- Marketing,…, các trường thuộc các tổ chức hội đoàn như ĐH Công đoàn, ĐH Tôn Đức Thắng,… và cả các trường ĐH thuộc các công ty, doanh nghiệp tư nhân như ĐH FPT, ĐH Tân Tạo,… Theo các tác giả trên, để nâng cao tính cạnh tranh và nâng cao vị thế của trường đại học trên tầm quốc tế, sự hợp tác giữa các trường đại học với nhau, với các cơ quan chính quyền và đặc biệt với các doanh nghiệp là yếu tố sống còn. Các nghiên cứu ứng dụng mang tính công nghệ kỹ thuật thường là kết quả của mối liên kết giữa các nhà khoa học và nhà ứng dụng (các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội). Các nghiên cứu ứng dụng thường được thực hiện thông qua các dự án tư vấn được đặt hàng bởi cộng đồng doanh nghiệp và do doanh nghiệp tài trợ khi 80% nguồn kinh phí R&D trong xã hội hiện nay là từ doanh nghiệp (Johnstone and Marcucci, 2007). Thêm vào đó, với việc xây dựng và phát triển các mối quan hệ với doanh nghiệp (và kể cả các tổ chức chính quyền), các trường đại học có thể thương mại hoá các kết quả nghiên cứu của giảng viên. Bertelsen (2002) cho rằng việc xem tri thức như là một loại hàng hoá có thể mua bán được, các trường đại học sẽ trở thành những chủ thể đáp ứng đầy đủ các yêu cầu khắt khe của thị trường. Những nguyên tắc về tính trung thực và sự chặt chẽ của khoa học sẽ được hỗ trợ bởi sự hiệu quả về chi phí và lợi ích, đáp ứng đúng các qui tắc thị trường. Một khi các kết quả nghiên cứu đáp ứng được các yêu cầu thị trường và được thương mại hoá, nguồn kinh phí của trường đại học sẽ được bổ sung đáng kể cho dù nguồn kinh phí chủ yếu tài trợ cho các nghiên cứu trong trường đại học vẫn phải là từ ngân sách quốc gia.
5- Tự nâng cao năng lực nghiên cứu
Trong quá trình các trường đại học đã thiết lập và duy trì một môi trường nghiên cứu thích hợp, các giảng viên trong chức trách và trách nhiệm của mình vẫn có thể tự nâng cao năng lực nghiên cứu của bản thân. Việc tham gia các khoá đào tạo kỹ năng nghiên cứu hay tự trau dồi kỹ năng nghiên cứu, tự thiết lập các yêu cầu nghiên cứu cho giảng viên là hết sức cần thiết. Tất nhiên, việc nghiên cứu của giảng viên không chỉ là phải tự thực hiện hay tham gia thực hiện các đề tài nghiên cứu. Các giảng viên có thể thực hiện nghiên cứu thông qua việc lồng ghép phân tích các nghiên cứu điển hình, các tình huống thực tế cần giải quyết vào bài giảng, hướng dẫn sinh viên thực hiện các tiểu luận nghiên cứu,…
Việc tích cực tham gia các buổi trao đổi học thuật, thuyết trình kết quả nghiên cứu hay tham gia hội thảo nên được xem là các hoạt động cần thiết của một giảng viên để có thể tiếp xúc trao đổi với đồng nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm trong nghiên cứu hay ít nhất là để có thêm thông tin phục vụ cho việc giảng dạy của mình. Những giảng viên (hay nhóm giảng viên) thực hiện các đề tài nghiên cứu cũng chủ động gửi đăng các kết quả nghiên cứu trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước. Cho dù bài viết có thể không được đăng tài như mong muốn nhưng những ý kiến đóng góp từ ban biên tập tạp chí hay từ các nhận xét bình duyệt của các đồng nghiệp, bên cạnh việc nâng cao kỹ năng viết bài báo khoa học, sẽ giúp giảng viên khắc phục các nhược điểm của các đề tài nghiên cứu. Từ đó, giảng viên cũng có thể gặt hái được những ý tưởng tốt cho các nghiên cứu tiếp theo. Thông qua việc xuất bản bài báo nghiên cứu, các giảng viên cũng có điều kiện tham gia vào đội ngũ bình duyệt của các tạp chí khoa học. Việc tham gia bình duyệt cho phép những giảng viên được tiếp cận với những kết quả nghiên cứu mới nhất và là cơ hội để củng cố kiến thức chuyên môn, nâng cao năng lực của giảng viên.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bertelsen, E. (2002). Degrees ‘R’ Us – The Marketisation of the University.Academics Association, University of Cape Town, South Africa.
Johnstone, D.B. and P.N. Marcucci, (2007).Worldwide Trends in Higher Education Finance: Cost-sharing, Student Loans, and the Support of Academic Research. Commissioned paperfor the UNESCO Forum on Higher Education, Research and Knowledge, Paris: UNESCO.
Kearney, M.L. (2009). Higher Education, Research and Innovation: Charting the Course of the Changing Dynamics of the Knowledge Society. In: Higher Education, Research and Innovation: Changing Dynamics (edited by Meek, V. L , Teichler, U. and M.L. Kearney). International Centre for Higher Education Research Kassel (INCHER-Kassel)
Marmolejo, F. and J. Puukka, (2006).Supporting the Contribution of Higher Education to Regional Development: Lessons Learned From an OECD Review of 14 Regions Throughout 12 Countries. Paper presented at the Second Colloquium on Research and Higher Education Policy “Universities as Centres of Research and Knowledge Creation: An Endangered Species?” UNESCO Forum on Higher Education, Research and Knowledge, Paris, 29 November to 1 December.
Meek, V.L. and D. Davies, (2009) Policy Dynamics in Higher Education and Research: Concepts and Observations. In: Higher Education, Research and Innovation: Changing Dynamics (edited by Meek, V. L , Teichler, U. and M.L. Kearney). International Centre for Higher Education Research Kassel (INCHER-Kassel)
Powell,W.W. and K. Snellman, (2004) The Knowledge Economy, Annual Reviews of Sociology30:199-220
Salmi, J. (2008).The Challenge of Establishing World-class Universities. Paper presented at theExperts’ Workshop “Current Trends in Post-graduate Research: A Global Overview”,UNESCO Forum on Higher Education, Research and Knowledge, Dublin City University,Ireland, 5 to 7 March.
UNESCO (2005).Towards Knowledge Societies. First UNESCO World Report, with preface by Koïchiro Matsuura, Director-General of UNESCO. Paris: UNESCO Publishing
Số lần xem trang : 14887 Nhập ngày : 23-01-2013 Điều chỉnh lần cuối : Ý kiến của bạn về bài viết này
TIÊU CHUẨN HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA NÔNG NGHIỆP(03-09-2013) Nông nghiệp Việt Nam - Thay đổi để thích nghi (27-04-2011) Research Article: Price Impact Assessment of Antidumping Measures and Labeling Laws on Global Markets: A Case Study of Vietnamese Striped Catfish(08-08-2010) THAM LUẬN HỘI THẢO: "MỘT SỐ THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN CỦA XUẤT KHẨU VIỆT NAM SAU KHỦNG HOẢNG KINH TẾ THẾ GIỚI"(22-11-2005) Chuyên ngành mới: Kinh Tế và Quản Lý NTTS (mã ngành 324, thi 2 khối A,B)(21-01-2010) Cơ hội phát triển từ những thách thức của quá trình hội nhập quốc tế của ngành sản xuất cá tra Việt Nam(12-06-2009) Xuất khẩu nông sản Việt Nam trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay (18-03-2009) Tham khảo: Quá trình hội nhập kinh tế thể giới của cá tra, basa(18-03-2009) Học bổng Thạc Sĩ Kinh Tế Thủy Sản(08-03-2009) Trang kế tiếp ...
|