TS. Hoàng Kim
HỌC MỖI NGÀY. Bà Hải có một chiếc chậu thau đồng nhỏ, cũ kỹ và móp méo. Thời sơ tán, đi đâu bà cũng tha chậu đi, nhưng chỉ để đựng gạo chứ không bao giờ dùng nó để giặt giũ. Sau này, mấy bận dọn nhà mới, bà vứt đi nhiều thứ tầm tầm, riêng cái chậu thau đồng bà vẫn cẩn thận mang theo, cất kỹ trong tủ (đọc tiếp).
Có một việc duy nhất bà dùng đến cái chậu thau bé nhỏ là hoá vàng vào những ngày rằm, mồng một và giỗ chạp. Hoá vàng xong, bà rửa chậu sạch sẽ, lau khô rồi lại cất vào tủ.
Con cháu bà dần quen với với việc bà đặc biệt quý cái chậu thau cổ lỗ sĩ, coi đó như một thói lẩn thẩn của người già.
Bà Hải có một thói lẩn thẩn nữa là sợ nước. Đi sơ tán, việc gì khó mấy, vất vả mấy bà cũng xung phong nhận, nhưng xin các thủ trưởng hãy tha cho bà chuyện lội đồng, xuống ao, ra sông. Sau này, mỗi lần cơ quan tổ chức liên hoan trên du thuyền Hồ Tây, bà đều cố tìm cách vắng mặt. Mấy chú thanh niên cứ nằng nặc lôi bà đi. Ngồi trên du thuyền đi vòng hồ, mặt bà trắng bệch, tuyệt nhiên không cầm đũa gắp lấy một miếng.
Người ta cười bà sợ nước.
Hôm qua thằng con trai đầu của bà đi Hà Tĩnh về. Cơ quan nó tổ chức một đoàn đại biểu vào tận nơi trao quà cho các gia đình bị nạn. Quà gồm 40 cái phong bì, mỗi phong bì 500 ngàn đồng. Tổng cộng là 20 triệu. Thằng con kể có nhiều chuyện thương tâm lắm. Có nhà chết hai ba người. Có nhà chết người lớn, để lại con thơ, có nhà vợ mất chồng.
Bà Hải lặng yên ngồi nghe, gần cuối mới hỏi:
- Thế đoàn các anh đi ba ngày chi phí hết bao nhiêu?
Anh con trai kế toán trưởng không dấu diếm gì mẹ:
- Dạ, khoảng tám mươi triệu ạ.
Bà Hải mím môi không nói gì. Mãi sau bà mới nói với anh con cả:
- Mai mẹ làm cơm, con báo cho tất cả các con cháu tập trung ở đây nhé.
Người con trai biết tính mẹ, không dám hỏi mai là ngày gì mà lại tập trung ăn cơm
*
Khoảng 11g hôm sau, bốn gia đình con dâu rể cháu có mặt đầy đủ.
Cô dâu trưởng chạy vào bếp định giúp một tay thì người giúp việc bảo bà làm xong hết cả rồi, bà dặn mọi người chờ bà tụng kinh xong là ăn cơm.
Tiếng bà tụng kinh gõ mõ từ tầng 4 vọng xuống. Không một đứa cháu nào dám lên chào bà khi bà đang tụng kinh. Nửa giờ sau bà mới xuống, khoác bộ đồ nâu nhà chùa, tay cầm gói vàng mã.
Mở tủ lấy cái chậu thau đồng cũ, bà mang ra sân, từ từ hóa xong chỗ vàng mã rồi mới vào nhà bảo con cháu dọn cơm ra ăn.
Bữa liên hoan gặp mặt đại gia đình chỉ có hai món: Đậu phụ rán và rau muống luộc. Đám trẻ con nhìn nhau. Người lớn thì không dám hé răng hỏi. Bà Hải mời cả nhà ăn cơm, bảo ăn xong bà có chuyện muốn nói.
Nhìn bữa cơm chay đạm bạc, ai cũng thất vọng. Nhưng ăn vào vẫn thấy ngon. Mấy đứa trẻ quen cơm gà giò chả, mấy người lớn quen lẩu nọ lẩu kia hôm nay ăn một bữa chay cũng thấy hay hay.
Ăn xong, bà Hải gọi mọi người quây quần quanh bàn nước. Nhìn thái độ bà khác mọi ngày, ai cũng nơm nớp.
- Mỗi lần nhà ta có việc, mỗi gia đình đóng góp bao nhiêu thì hôm nay xin bỏ ra bấy nhiêu.
Bác cả nộp một triệu, ba người em mỗi người nộp năm trăm ngàn. Bà Hải cho số tiền hai triệu rưỡi vào phong bì, đặt lên cái đĩa trên bàn thờ.
Bà ra sân lấy cái chậu thau đồng bây giờ đã nguội, đổ tro vào túi ni lông rồi cẩn thận rửa sạch cái chậu. Lau khô chậu bằng một cái khăn mặt mới, bà kính cẩn đặt cái chậu cũ kỹ lên mặt bàn nước.
- Năm 1956 quê mình lụt to lắm. Nước ngập hết. Nhà mình nước lên đến gần vì kèo. Bố bà, tức là cụ ông của các cháu, đang công tác xa. Ở nhà chỉ có cụ bà, bà và hai người em. Bà 7 tuổi, ngồi trên vì kèo tre. Ông Hoàn 3 tuổi ngồi trong cái thúng bọc vải mưa còn bà Hiền mới 6 tháng thì nằm trong cái chậu thau đồng này. Cả hai thứ lềnh bềnh trên mặt nước.
Bà Hải chỉ vào cái chậu thau bé tí.
- Bà lấy tay giữ cái thúng và chậu thau để hai em khỏi bị lật xuống nước. Thỉnh thoảng cụ trèo lên nhòm qua lỗ mái tranh xem trời bên ngoài mưa gió đến mức nào. Toàn bộ thức ăn là mấy củ khoai sống mà cụ phải lặn xuống mò lên sau khi bố trí được cho ba người con an toàn.
Rất lạnh. Bà ngồi ngâm chân trong nước. Ông Hoàn và bà Hiền tuy không bị ướt nhưng cũng lạnh. Bà Hiền nằm trong chậu thau càng lạnh hơn.
Ông Hoàn được ưu tiên gặm khoai nên chịu nằm yên. Riêng bà Hiền khóc ghê quá vì khát sữa.
Cụ cố gắng nhét vú vào miệng con. Nhưng sau hai ngày không ăn không uống, ngâm mình trong nước lạnh nên sữa cạn khô. Bà Hiền khóc khản tiếng, rồi không khóc nữa, nằm im.
Thấy em nằm im hơn nửa ngày không khóc, bà hỏi cụ:
- Sao em Hiền không khóc nữa?
Cụ nói mà mắt nhìn đi chỗ khác:
- Chắc là em thiếu sữa nên lả đi.
Lúc đó bà còn bé quá, bà đâu biết là bà Hiền đã chết. Bà Hiền chết khi mới 6 tháng tuổi, chết ngay trong cái chậu thau này! Chết vì đói và lạnh.
Mấy ngày sau nước rút. Cụ mang bà Hiền đi chôn, quấn con trong cái chiếu rách, làm gì có quan tài. Chôn con xong cụ mới ngồi khóc. Nếu còn sống, năm nay bà Hiền 54 tuổi rồi đó.
Quê mình hay bị thiên tai bão lụt. Tháng tháng bà đều để dành khi được dăm chục, khi một trăm để hễ cứ nghe tin trong quê có lụt là bà lại gửi ngay về cho bác Thiện làm ở Uỷ ban xã để bác ấy chuyển cho những gia đình có người bị nạn.
Cái phong bì hai triệu rưỡi mà các con đóng góp kia, mai bà cũng sẽ gửi về cho bác Thiện. Bà cảm ơn tất cả các con các cháu hôm nay đã cùng bà ăn chay niệm Phật chia sẻ với bà con vùng bão lụt.
Mọi người kính cẩn nhìn chiếc chậu thau đồng. Bác cả đứng dậy, chắp tay lạy cái chậu thau rồi mở ví, có bao nhiêu trong đó là bỏ hết vào chậu thau.
Mấy người em làm theo. Bọn trẻ con nhìn nhau, đứa nào trong túi có đồng nào cũng bỏ hết vào chậu.
Phan Chí Thắng
http://pcthang.vnweblogs.com/post/2432/264542
Số lần xem trang : 17441 Nhập ngày : 25-10-2010 Điều chỉnh lần cuối : 25-10-2010 Ý kiến của bạn về bài viết này
Việt Nam học Trang thông tin cây lương thực foodcrops.vn(08-09-2010) Toàn văn phát biểu của GS.Ngô Bảo Châu(01-09-2010) Từ "Bài giảng cuối cùng " đến "Chuyển đổi lớn"(15-08-2010) GS. Tôn Thất Trình và blog The Gift(01-08-2010) Thông dịch là chìa khóa mở cửa nhìn ra thế giới (29-07-2010) Google câu chuyện thần kỳ (27-07-2010) Túi khôn của nhân loại(25-07-2010) Tam nông là hướng đi cho thịnh vượng nông thôn, nếu ... (23-07-2010) Xây dựng nông thôn mới(19-07-2010) Hoàng Ngọc Hiến như tôi đã biết(17-07-2010) Trang kế tiếp ... 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46
|