TS. Hoàng Kim |
TÌNH YÊU CUỘC SỐNG. Những ngôi sao không bao giờ tắt là lời tôn vinh những con người quả cảm, xả thân cho Tổ Quốc sống mãi. Đó là nén tâm hương mà nhà văn Lưu Quốc Hòa, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ Chữ Thu Hằng cùng những người thân, đồng đội, đồng nghiệp, đồng hương và những tấm lòng thành của người dân khắp mọi miền đất nước dâng lên mười cô gái Lam Hạ, nhân ngày quê hương vừa khởi công xây dựng khu Tâm linh Lam Hạ và mở cửa ngôi đền thiêng tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh ở Hà Nam trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Ngôi đền thiêng trong lòng dân mỗi năm lại nối thêm những lời tôn vinh cao quý. Tôi ứa nước mắt xúc động trước bài "Vẫn người đồng chiêm" của chị Nguyễn Thị Tuyết, bài đúc kết của Trần Đăng Khoa và những người bạn quý mến đã nói hộ lòng mình ...
Bài ca Tổ Quốc. có lẽ không ở đâu trên thế gian này thấm nhiều máu xương như đất Việt Nam cho mỗi tấc đất, ngọn núi, dòng sông, cửa biển. Không ở đâu mà bài học lịch sử “vua tôi đồng lòng, toàn dân đồng sức” “lật thuyền thấm thía dân như nước” sâu sắc như ở nơi này.
Tôi tin những người sống chí tình chí nghĩa với đồng bào mình, những người quả cảm hiến dâng trọn đời mình cho quê hương đất nước, những người sống phúc hậu yêu thương, làm việc tốt, viết và nói điều hay sẽ mãi mãi là những ngôi sao không bao giờ tắt. Tôi tin nghĩa cử của lòng dân, giếng ngọc thanh xuân của người Việt vĩnh viễn không bao giờ khô cạn. Tôi tin những bài mà các bạn xóm Lá viết dưới đây là những nén tâm hương thắp sáng những người bình dị mà cao quý, việc nhỏ mà nghĩa lớn.
GIỖ ĐỒNG ĐỘI VÀ GIAO LƯU TRUYỀN THỐNG
Lưu Quốc Hòa
Trận đánh trả không quân Mỹ bảo vệ bầu trời Hà Nam vào ngày 1/10/ 1966 đã được ghi vào lịch sử Quân sự của bộ đội Phòng không Không quân Việt Nam. Trong trận đánh lịch sử này bộ đội và dân quân Lam Hạ phải đương đầu với các siêu điện tử Hoa Kỳ. Chỉ trong một buổi sáng Mỹ đã huy động 50 lần chiếc máy bay phản lực chia làm 5 đợ̣t, mỗi đợt cách nhau 15 phút oanh kích vào ba mục tiêu trong “tam giác lửa Hà Nam”.
Đại đội pháo phòng không Quyết Thắng của tỉnh đội Nam Hà và dân quân thôn Đình Tràng hiệp đồng chiến đấu bên nhau và cùng hy sinh. 10 cô gái Lam Hạ tuổi đời từ 16 đến 22 hi sinh trên mâm pháo. Nhiều năm qua hình ảnh các chị đã đi vào thi ca, nhạc hoạ và vừa qua Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng, một chị được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang. Nơi trận địa cũ trên diện tích 17 ha đã lập đền thờ các chị như khu di tích Đồng Lộc Hà Tĩnh và đang hoàn chỉnh giai đoạn một để tỉnh tổ chức long trọng lễ cầu siêu vào dịp 22/12 sắp tới.
Được sự đồng ý của Đảng và chính quyền trong tỉnh, chi hội cựu dân quân pháo thủ gồm 20 chị đã được thành lập từ năm 2009 dưới sự tư vấn và tổ chức của Nhà văn Lưu Quốc Hoà.và sự tài trợ của ông Nguyễn Đức Lộc, Doanh nhân Văn Hoá Việt Nam.
Mỗi năm vào ngày 29/9, đồng đội của các chị trong chi hội tổ chức giỗ đồng đội và giao lưu truyền thống.
GIỖ TRẬN MƯỜI CÔ GÁI LAM HẠ
Chử Thu Hằng
Em về giỗ trận hôm nay
Nén nhang thơm
Bó hoa gầy
Chị ơi…
Rưng rưng em khấn tên người
Tìm trong hương khói nụ cười thanh xuân
Bầu trời Lam Hạ trong ngần
Châu Giang xanh
Tiếng chim gần véo von
Qua rồi một thuở đạn bom
Chỗ xưa trận địa nay tròn bóng trưa
Nhà ai kẽo kẹt võng đưa
Ầu ơ… Mẹ dỗ giấc mơ thanh bình
Quê mình nay đã hồi sinh
Bốn nhăm năm biết mấy tình, chị ơi
Bạn chung mâm pháo lại ngồi
Chung mâm giỗ trận, bồi hồi nhắc tên
Ngày này, năm ấy… không quên
Máu đào các chị viết nên sử vàng
Rì rầm sóng nước Châu Giang
Chiến công năm ấy kể ngàn năm sau…
VẪN NGƯỜI ĐỒNG CHIÊM
Nguyễn Thị Tuyết
Lời tác giả: Ngày 29/9 năm nay, nhận lời mời của nhà văn Lưu Quốc Hòa, chúng tôi những thành viên của xóm Lá ở Hà Nội, về Lam Hạ TP Phủ Lý , tỉnh Hà Nam dự giỗ trận của mười cô gái Lam Hạ anh hùng đã hy sinh trên mâm pháo trong trận chiến đấu với không lực Hoa Kỳ bảo vệ Tổ Quốc Rất khâm phục tinh thần chiến đấu anh dũng và sự hy sinh quả cảm của các chị Trong mười chi có chị THU và chị THI là hai chị em ruột cùng hy sinh một ngày Có chị mới mang thai 4 tháng, có chị chưa kịp cưới khi hy sinh từng mảng tóc cùng đầu bay mất mấy ngày sau đồng đội mới tìm được, có chi vợ hy sinh trận trước chồng hy sinh trận sau Khi cử hành lễ dâng hương cùng những người đồng đội (trung đội nữ dân quân pháo cao xạ Lam Hạ) tôi vô cùng xúc động đã viết bài thơ này. Những chữ viết in: THI, PHƯƠNG, THU, TÂM , OANH, TUYẾT THUẬN, CHUNG, THẸP, LAN là tên của các nữ Liệt Sĩ
Thi nhân mặc khách bốn PHƯƠNG
Chiều THU* Lam Hạ khói hương dâng Người
TÂM nhang một nén chị ơi!
Thoảng nghe OANH hót cuối trời xót xa
Bốn mươi năm lẻ trôi qua
TUYẾT sương dầu dãi đâu nhà chị tôi
THUẬN lòng từ tuổi đôi mươi
Cùng CHUNG mâm pháo dưới trời đạn bom
Thiệp (THẸP) hồng chưa kịp báo tin
Tóc thề một mảng bay ngang lưng trời
Thai nhi chưa được chào đời
Bốn tháng theo mẹ hóa người :ngày xưa
LAN trong gió, tụ trong mưa
Về cùng đồng đội năm xưa một thời
Vẫn son sắt, vẫn tình đời
Hai sương một nắng vẫn người Đồng Chiêm
NHỮNG NGÔI SAO KHÔNG BAO GIỜ TẮT
Trần Đăng Khoa
Bạn đang có trên tay “Những vì sao không tắt”. Hay nói một một cách khác: Đây là nén tâm hương, mà nhà văn Lưu Quốc Hòa và các đồng nghiệp của anh đã thành kính dâng lên mười cô gái Lam Hạ, nhân ngày quê hương anh vừa khởi công xây dựng khu Tâm linh Lam Hạ và mở cửa ngôi đền thiêng tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh ở Hà Nam trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Phụ nữ đồng nghĩa với cái đẹp. Nói cho thật công bằng, họ chính là hiện thân của cái đẹp. Trong cõi đời bụi bặm và phàm tục này, cái đẹp thường lại rất mong manh, nên cần được nâng lưu, chở che và bảo vệ. Có lẽ vì thế, một nhà hiền triết nói rằng: Đối với phụ nữ, dẫu chỉ đánh họ bằng một nhành hoa hồng thì cũng vẫn dã man và thô bạo. “Chiến tranh không có gương mặt đàn bà”.
Nhưng trên mảnh đất đau thương này thì đâu phải thế. Khi nước nhà đã loạn thì chẳng cái đẹp nào còn có chốn nương thân. Vì thế, “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh!”. Hàng vạn phụ nữ lên đường ra mặt trận. Và nói như một nhà thơ:
Có bao nhiêu lớp người
Lao vào lửa đạn
Cho Tổ Quốc sáng bừng tên tuổi
Rồi để lại những nấm mồ vô danh
Trắng đến tận chân trời…
Có lẽ không đâu như ở Việt Nam. Hầu như địa phương nào cũng có Nghĩa trang liệt sĩ. Nghĩa trang rải khắp đất nước. Mà rồi vẫn còn hàng ngàn, hàng vạn liệt sĩ nằm ngoài nghĩa trang, trong những cánh rừng, con suối không tên không tuổi. Rồi chúng ta còn thành kính thả hoa xuống các dòng sông:
Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Bao tuổi thanh xuân thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm…
Và chúng ta bàng hoàng nhận ra rằng, con sông Thạch Hãn trong buốt như nước mắt ấy là một nghĩa trang bằng nước. Trên đất nước này có bao nhiêu con sông Thạch Hãn như thế?. Rồi cả Biển Đông mù mịt sóng gió nữa kia? Ai biết được còn bao nhiêu hài cốt liệt sĩ?. Trong số những anh hùng vô danh ấy, có bao nhiêu phụ nữ, là hiện thân của Cái Đẹp. Chúng ta đã từng có mười cô gái ở Nghĩa trang Liệt sĩ Đồng Lộc. Rồi những cô gái ở Hang Tám cô trên tuyến lửa Quảng Bình. Rồi cả dãy Trường Sơn trùng điệp đại ngàn kia, với bao nhiêu thân gái…
Và bây giờ, chúng ta lại có thêm mười cô gái Lam Hạ. Và không phải chỉ có mười cô gái quả cảm, còn hàng ngàn hàng vạn Liệt sĩ đã hy sinh trên mảnh đất Hà Nam này.
Ai cũng biết trong chiến tranh, Phủ Lý là cửa ngõ bảo vệ Thủ Đô, và cùng với Thanh Hóa, Vinh, Quảng Bình, là Tuyến đường vận tải quân sự nối hai miền Nam Bắc. Một chiến trường khốc liệt. Bà Blaga Đimitrova, thi hào dân tộc Bungari, một ký giả nổi tiếng thế giới, đã từng có mặt trên mảnh đất này và đã có tác phẩm đặc sắc viết về Phủ Lý bao gồm cả thơ và văn xuôi. Cứ như ký ức của Blaga Đimitrova, Phủ Lý là một vùng mù mịt bom đạn. Không một căn nhà nào còn nguyên vẹn. Đi qua Phủ Lý ngổn ngang gạch đá, bà có cảm giác như mình đang bước giữa …mặt trăng. Một vùng đất chết. Và rồi từ đó nhìn ra thế giới, bà thấy trái đất này thật mỏng mảnh đáng thương. Nó cũng đang run rẩy xanh xao vì mất quá nhiều máu.
Tắm trong vùng máu đó là những con người quả cảm, xả thân cho Tổ Quốc sống mãi. Trong số những anh hùng bất khuất ấy, có mười cô gái Lam Hạ. Họ đều còn rất trẻ. Có người mới rời khăn quàng đỏ được hai ngày. Hầu hết, họ đều chưa có người yêu.
Tạo dựng lại cả một thời máu lửa khốc liệt ấy, may mắn sao, Lưu Quốc Hòa lại là người trong cuộc. Anh cùng gia đình tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Nhờ thế mà anh có được những trang viết thật sự đa dạng và sinh động. Nhiều mảng như nhật ký chiến tranh bằng rất nhiều thể loại: Thơ, Trường ca, Bút ký, Ghi chép… Cũng có khi anh không hư cấu, đẽo gọt, tạo dựng, mà cứ để nguyên khối xù xì tư liệu, như một dạng Biên bản chiến trường. Chính vì thế mà cuốn sách có sức thuyết phục vì tính chân thực của một người ở trong cuộc. Đọc anh, ta không thấy văn chương đâu cả. Có cảm giác Lưu Quốc Hòa không viết văn, anh đã sổ hết ruột gan mình ra trang giấy. Ngổn ngang trong trang sách là bề bộn cuộc sống. Rẽ qua những con chữ lấm láp và nóng hổi, ta gặp tấm lòng anh. Một tấm lòng luôn nặng trĩu trách nhiệm với quá khứ cao đẹp, kính trọng và biết ơn những người đã khuất. Và cao hơn hết là tình yêu Tổ quốc, tình yêu thương con người.
Vì thế, tôi trân trọng giới thiệu cuốn sách này với đông đảo bạn đọc. Và tôi tin, rất tin cuốn sách này sẽ mang đến cho chúng ta nhiều điều thú vị. Đặc biệt là những trang tư liệu chiến tranh về sự hi sinh quả cảm của những con người bình dị mà cao đẹp. Và rồi, tự dưng tôi lại nhớ đến những câu thơ của một thi sĩ nào đó.
Ông bảo, nếu trên mộ những người lính đã hy sinh vì Tổ Quốc, chúng ta chỉ thắp lên một ngọn nến, thì đêm đêm, Tổ Quốc Việt Nam đau thương của chúng ta sẽ sáng rực lên như một dải Ngân hà. Và nói như nhà văn Lưu Quốc Hòa, thì đấy cũng chính là những vì sao. Và những vì sao ấy sẽ không bao giờ tắt
Trở về trang chính
CÂY LƯƠNG THỰC ; FOOD CROPS
Dạy và học ĐHNLHCM
Dạy và học BlogtiengViet
Gia đình nông nghiệp
NGỌC PHƯƠNG NAM ,
DẠY VÀ HỌC Số lần xem trang : 16637 Nhập ngày : 07-10-2012 Điều chỉnh lần cuối : Ý kiến của bạn về bài viết này
Văn hóa và Giáo dục Trao đổi về nét đẹp văn hóa(03-12-2011) Nguyễn Quang Lập viết về Nguyễn Nhật Ánh(30-11-2011) Phạm Minh Giắng bạn của tôi(27-11-2011) Xuân sớm Ngọc phương Nam(26-11-2011) Những bài viết cảm động(26-11-2011) Lời của Thầy theo mãi bước em đi(17-11-2011) Lão Hâm câu chuyện bên bàn cờ(15-11-2011) Thư gửi mẹ của một học sinh(06-11-2011) Anh hùng HỒ dễ nên nghiệp ấy ?(01-11-2011) Xa khơi và chùm thơ về biển(30-10-2011) Trang kế tiếp ... 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23
|