TS. Hoàng Kim
Bàng hoàng đọc thơ Phố Thị
Ngẫn ngơ suốt cả buổi chiều
Đêm nhảy xe đò về ruộng
Mưa dầm bóng Mẹ liêu xiêu.
Con lên giảng đường học chữ
Lời nào Thầy dạy đầu tiên
Biết ơn nhọc nhằn Cha Mẹ
Lấm lem con chữ ưu phiền
Phố Thị ngày càng đông đúc
Đồng quê xa lại càng thưa
Vui với việc hiền ở phố
Bâng khuâng thương nhớ chiêm mùa...
Nhớ ai vừng đông vừa rạng
Ước dòng tin nhắn đầu tiên
Hương đất thơm mùa ruộng cấy
Phương xa vời vợi bạn hiền.
Ở đâu lung linh Kiếp Bạc
Sao Khuê mờ tỏ Côn Sơn
Ở đâu một trời thương nhớ
Cho ta khoảng lặng tâm hồn.
Hoàng Kim
(*) Cảm động trước bốn bài viết hay, nối vần của bạn để có thơ này. Xin cảm ơn QT, PCT, PĐT, TMT PHỐ THỊ
Phan Đào Toàn
Phố thị người xe mắc cửi
Vỉa hè sóng sánh bia hơi
Chân trần miên man diệu vợi
Chói đèn cao áp - Trăng ơi...
Biết không mãi nhờ được bạn
Toàn dân buôn mận bán mơ
Hết đời trả chưa xong nợ
Nắng mưa gội trắng chiêm mùa...
Thương con chiều ra Phố thị
Đáy bồ, mầm chữ lơ thơ
Đem tuổi xanh ra tỉ thí
Vốn khởi đầu là: Ước mơ...
VỀ LÀNG
Trần Mạnh Tuân
Về làng gặp trước con đê,
Quán nghèo gốc gạo sáo về ríu ran.
Cổng đình... đá vẫn thi gan.
Gạch xưa ai lát đường làng rước dâu.
Bờ tre giếng đất còn đâu,
Đêm trăng sóng sánh gánh câu hẹn hò.
Nón nghiêng che dáng trời cho,
Đường thơm rơm rạ, sân kho thóc vàng.
Bữa cơm trưa... mớ tép rang,
Bát riêu cua gạch nổi vàng... vị quê.
Mát lòng nước vối trưa hè,
Võng đưa kẽo kẹt, tiếng ve ong trời.
Vườn quê xanh tiếng chim rơi,
Cho ta tìm lại khoảng đời bình yên.
Tháng năm bươn chải trăm miền,
Về quê... tìm lại chút thiên đường. LÀNG!
MỘT BẾN BỜ TÌNH QUÊ THƯƠNG MẾN
Quỳnh Trâm
(Đọc “Về làng” – Trần Mạnh Tuân)
Một cảm giác thật bình yên khi đọc “Về làng” của tác giả Trần Mạnh Tuân.
Giống như một đoạn phim quay chậm, những câu thơ lục bát mang âm hưởng ca dao đã gợi ra bước chân bồi hồi của người con đi xa đang trở về quê hương… Lần lượt, từng cảnh vật hiện ra trước mắt, đẹp như một bức tranh cổ xưa:
Về làng gặp trước con đê,
Quán nghèo gốc gạo sáo về ríu ran.
Cổng đình... đá vẫn thi gan.
Gạch xưa ai lát đường làng rước dâu.
Câu thơ mở đầu bình dị như một lời nói thường ngày của người nhà nông, nó mang tính tự sự hơn là chất thơ: “Về làng gặp trước con đê”, nghĩa là về đến làng, hình ảnh hiện ra đầu tiên là con đê lượn vòng quen thuộc. Nhưng chính trong cách nói bình dị mộc mạc này, ta chợt nhận ra một niềm vui khôn tả trong lòng người xa xứ khi về làng mình, bởi cái chữ “gặp” đã khiến ta hiểu rằng con đê ấy không chỉ là một vật chắn sóng mùa lũ cho xóm làng, mà nó chính là người bạn rất thân thiết thuở thiếu thời của nhà thơ. “Gặp” ở đây là gặp lại bạn thân sau bao tháng ngày xa cách. Câu thơ hồ hởi, yêu thương, gợi bao kỉ niệm ngọt bùi…
Nhẹ bước trên đê, nhìn ra kia là quán tranh nghèo nép mình bên gốc gạo. Bỗng nhớ đến câu thơ của nữ sĩ Anh Thơ trong “Chiều xuân” (Thơ mới 1930-1945) :
“Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời”
Cũng là quán tranh nghèo, nhưng trong “Chiều xuân”, nó mang vẻ cô liêu, hoang vắng, u buồn. Còn ở đây, cả một không gian bỗng lao xao bởi tiếng sáo chuyện trò ríu rít: “Quán nghèo gốc gạo sáo về ríu ran”. Từ láy “ríu ran” đã làm cho câu thơ bừng lên thứ âm thanh vui tươi, ngây thơ, trong trẻo, và cái quán tranh xơ xác bỗng trở nên thật ấm áp, thân tình!
Từ quán nghèo gốc gạo, bước chân hồi hương đến trước cổng đình, và con đường làng thân thuộc đã hiện ra thênh thang trước mắt:
Cổng đình... đá vẫn thi gan.
Gạch xưa ai lát đường làng rước dâu.
Cùng với cây đa, bến nước, sân đình, thì cổng làng, cổng đình là biểu tượng của rất nhiều làng quê đồng bằng Bắc Bộ. Ở đây, cổng đình được tác giả phác họa qua chi tiết “đá vẫn thi gan”, để cho ta biết về nét kiến trúc cơ bản của chiếc cổng đã được xây dựng bằng đá ong từ rất lâu, bao thế hệ đã gắn bó với chiếc cổng này. Vẻ đẹp cổ kính của cổng đình, cổng làng gắn với nền văn minh lúa nước, gợi nên những ước vọng của cộng đồng từ đời này qua đời khác, đồng thời cũng thể hiện bản lĩnh tâm hồn Việt, thách thức thời gian. Cánh cổng ấy đã mở ra bao điều tốt đẹp trong sinh hoạt văn hóa làng quê. Ở đây, một nét đẹp của phong tục Việt Nam xưa cũng được gợi nhắc đến thật khéo léo: “Gạch xưa ai lát đường làng rước dâu”. Câu thơ nói về một thủ tục cưới xin ngày xưa: Khi trai gái kết hôn, nhà trai phải nộp một khoản tiền cho làng xã bên nhà gái, gọi là “tiền cheo”. Khoản tiền cheo này được dùng vào việc công ích như lát gạch đường làng, xây cổng làng… Ngày nay lệ này đã không còn, nhưng những con đường lát gạch năm xưa thì vẫn còn đó, như một chứng nhân về duyên thắm vợ chồng. Cô dâu chú rể năm nào giờ đây ai còn ai mất, nhưng cái không khí thiêng liêng và rộn ràng của những buổi rước dâu ngày ấy sẽ còn mãi mãi trong tâm tưởng con người…
Theo bước chân “về làng” cùng tác giả, ta sẽ thấy một khung trời kỉ niệm xao xuyến đến vô cùng:
Bờ tre giếng đất còn đâu,
Đêm trăng sóng sánh gánh câu hẹn hò.
Nón nghiêng che dáng trời cho,
Đường thơm rơm rạ, sân kho thóc vàng.
Đó là hồi ức về quá khứ một đi không trở lại khi nhận ra “bờ tre giếng đất” của ngày xưa giờ đây không thấy đâu nữa. Điều gì, sự vật nào đã thế vào vị trí ấy? Không biết, tác giả không nói tới! Hiện tại đã mờ đi, nhòa đi, để kí ức lung linh hiện về. Đó là một “Đêm trăng sóng sánh gánh câu hẹn hò”. Chao ôi cái câu thơ đơn sơ thế mà lại tạc được dáng hình ai thon thả đang gánh nước đêm trăng! Từ láy “sóng sánh” làm chênh chao cả lòng người. Điều thú vị là cách kết hợp từ “sóng sánh gánh” với cách điệp vần của từ “sánh – gánh”, cùng các thanh điệu bổng trầm (B – B – T – T – T – B – T – B ) như gợi ra cái nhún nhảy nhịp nhàng theo chân bước với gánh nước trĩu nặng trên vai. Trong đêm trăng ngọt ngào ấy, ai hẹn hò với ai, để cho ai suốt đời khắc trong tim nét duyên thầm ai đó với chiếc nón che nghiêng “Nón nghiêng che dáng trời cho”. Nét đẹp thôn nữ càng dịu dàng đằm thắm giữa một không gian ngát hương lúa chín ngày mùa: “Đường thơm rơm rạ, sân kho thóc vàng”. Ấm áp, thân thương quá đỗi trong cái sắc vàng của thóc sáng bừng cả sân kho, trong mỗi chặng đường được rơm rạ nâng đỡ cho ấm mềm chân bước. Và sau đó, những hương vị quê nhà thân thuộc đã tỏa lan một dư vị đậm đà:
Bữa cơm trưa... mớ tép rang,
Bát riêu cua gạch nổi vàng... vị quê.
Mát lòng nước vối trưa hè,
Võng đưa kẽo kẹt, tiếng ve ong trời.
Toàn là những món ăn đồng quê bình dị, nghe đã thấy muốn được thưởng thức ngay rồi! Mớ tép rang, canh riêu cua đồng váng gạch, bát nước vối mát lòng… đã tạo thành “vị quê” không thể nào trộn lẫn, không thể nào quên. Và bức tranh quê còn có một thứ âm thanh rất đặc trưng của những trưa hè nơi thôn xóm, đó là tiếng võng đưa kẽo cà kẽo kẹt trong tiếng ve râm ran “ong trời”. Miêu tả âm thanh, mà ta lại thấy được sự yên tĩnh của không gian. Đâu đây như có làn gió mát từ bàn tay của mẹ đang quạt ru con ngủ trên chiếc võng đưa… Ngoài kia, vườn cây xanh sum suê hoa trái đang tỏa bóng mát cho những chú ve dạo khúc nhạc hè… Tất cả hương đồng gió nội và thanh âm quê nhà ấy đã thấm thía trong ta sự lắng sâu về tình yêu xứ sở…
Khổ thơ kết bài là những suy tư chiêm nghiệm về quê hương và cuộc đời:
Vườn quê xanh tiếng chim rơi,
Cho ta tìm lại khoảng đời bình yên.
Tháng năm bươn chải trăm miền,
Về quê... tìm lại chút thiên đường. LÀNG!
Tiếng chim thánh thót giữa vườn quê được hình tượng hóa thành những giọt âm thanh hữu hình đang rơi xuống vườn xanh, rơi xuống cuộc đời, nhẹ êm, trong mát. Từ hình ảnh “Vườn quê xanh tiếng chim rơi” đầy sắc màu và âm thanh, tác giả đã nói tới một điều thật giản dị: Quê hương chính là “khoảng đời bình yên” của con người. Vì sao? Vì nơi đó, không có sự bon chen danh lợi phù hoa, không có bụi bặm phố phường làm ta ngạt thở. Nơi đó chỉ có sự chân thật, giản dị, ấm tình, giống như nhà thơ Chử Thu Hằng đã viết trong “Về quê”: “Về quê tìm cánh diều xưa- Cho lòng vợi bớt nắng mưa, dãi dầu”. Sau bao năm tháng bươn chải với đời, đi khắp mọi miền gần xa, mới thấy thiên đường đời ta chính là “Làng”. Câu thơ cuối sử dụng dấu chấm câu gần cuối dòng thơ để tạo nên một hiệu ứng bất ngờ: “Về quê… tìm lại chút thiên đường. Làng!”. Chữ LÀNG được viết hoa, trong một câu đặc biệt, kết hợp với dấu chấm than, như một tiếng reo vui, một sự thức nhận đầy xúc động. Vâng, Làng là thiên đường ngay giữa cõi trần ai này, cần gì phải đi tìm nơi đâu xa xôi nữa! Đó là nơi ta sinh ra, trưởng thành, cũng chính là nơi chở che bao bọc, nơi thanh lọc tâm hồn ta, cho ta sự bình yên thanh thản. Cái nôi sinh dưỡng đầy bao dung ấy sẽ mãi là điểm tựa tâm hồn cho ta đứng vững trước phong ba cuộc đời.
Thời gian sẽ trôi đi, chưa biết trong tương lai sẽ có những gì còn – mất, nhưng chắc chắn một điều, tình yêu làng xóm quê hương, nơi chôn rau cắt rốn sẽ không thể nào thay đổi. Và như thế, “Về làng” đã neo đậu mãi trong ta một bến bờ tình quê đầy thương mến…
Ở ĐÂU?
Phan Chí Thắng
Ở đâu có một ngôi nhà bé
Cửa sổ đèn khuya bóng em ngồi
Giai điệu dân ca ngân nhè nhẹ
Tự tình dạ khúc gửi xa xôi
Ở đâu có một khuôn vườn lặng
Em nở dùm tôi những nụ hồng
Chim hót chào reo bình minh nắng
Sương mòn xao xuyến như mắt mong
Ở đâu có một trời thương nhớ
Em thấu dùm tôi nỗi cháy lòng
Ở đâu có một con thuyền nhỏ
Chở những vần thơ tôi sang sông
Đọc thêm:
Phan Chí Thắng trong tập
TÌNH YÊU CUỘC SỐNG
Trở về trang chính
DẠY VÀ HỌC Số lần xem trang : 20638 Nhập ngày : 07-10-2012 Điều chỉnh lần cuối : Ý kiến của bạn về bài viết này
CNM365 Tình yêu cuộc sống CNM365 Chào ngày mới 19 tháng 10(20-10-2020) CNM365 Chào ngày mới 18 tháng 10(18-10-2020) CNM365 Chào ngày mới 17 tháng 10(17-10-2020) CNM365 Chào ngày mới 16 tháng 10(16-10-2020) CNM365 Chào ngày mới 15 tháng 10(15-10-2020) CNM365 Chào ngày mới 14 tháng 10(14-10-2020) CNM365 Chào ngày mới 13 tháng 10(13-10-2020) CNM365 Chào ngày mới 12 tháng 10(12-10-2020) CNM365 Chào ngày mới 11 tháng 10(11-10-2020) CNM365 Chào ngày mới 10 tháng 10(10-10-2020) Trang kế tiếp ... 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86
|