TS. Hoàng Kim |
DẠY VÀ HỌC. Tôi xin thắp nén tâm hương đưa tiễn nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú "đi công tác" như lời của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ (một cây bút sắc sảo,ám ảnh, gần nhất với đời sống nông thôn, con gái yêu quý của cô Nguyễn Thị Ngọc Tú, người đã viết cho Văn Công Hùng, bạn tôi) Hôm nay, tôi và những người thân yêu cùng tiễn mẹ đi công tác. Bài viết gan ruột của Huệ xúc động, ám ảnh, làm tôi bần thần ứa nước mắt. Những người làm nông thế hệ chúng tôi mang ơn nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú với những trang viết thấm đẫm tính nhân văn. Huệ (Tiểu thuyết, 1964); Người hậu phương (truyện ngắn, 1966); Đất làng (Tiểu thuyết, 1974); Buổi sáng (Tiểu thuyết, 1976); Ngõ cây bàng (Tiểu thuyết, 1980); Câu chuyện dưới tán lá rợp (truyện ngắn, 1982); Những dấu chân phía chân trời (truyện ngắn, 1983), Hạt mùa sau (1985). Đặc biệt là "Hạt mùa sau" tuyệt hay và chân thực một cách kỳ lạ. Đó là những nguyên mẫu có thật đời thường mà tôi biết khá rõ. Tôi đã mua ba cuốn "Hạt mùa sau" gửi tặng cho ba người bạn vì sự cảm phục nghề văn và sự dấn thân của cô. Tôi học cô viết văn để "góp phần giới thiệu một góc nhìn về sự dấn thân và kinh nghiệm của những nhà khoa học xanh, nhà giáo nghề nông vô danh đã thầm lặng gắn bó đời mình với nhà nông, sinh viên, ruộng đồng, giảng đường và phòng thí nghiệm" như thầy Lương Định Của, Thầy bạn là lộc xuân cuộc đời! Nguyễn Thị Ngọc Tú hạt mùa sau là ngọc quý, tinh tú trong lòng tôi. Hoàng Kim (xem tiếp)
TIỄN MẸ ĐI CÔNG TÁC
Nguyễn Thị Thu Huệ
Hôm nay, tôi và những người thân yêu cùng tiễn mẹ đi công tác. (Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú và con gái Nguyễn Thị Thu Huệ và 2 cháu ngoại, ảnh trên blog Văn Công Hùng)
Mẹ, từ thủa là cô gái Hà Nội quê làng Nghi Tàm Quảng Bá da trắng mắt nâu môi đỏ đã chọn nông thôn làm nơi lập nghiệp. Cô giáo Tú ngày đấy dạy học ở Sơn Tây. Tập đan rổ rá, ra ruộng cấy lúa trồng khoai, bình yên bên những người nông dân chân chất, giản dị. Đan rổ rá, chủ nhà bán giúp, lấy tiền mua dầu thắp khi đêm xuống để viết nhật ký, viết văn.
Phẩm chất nhà văn khiến mẹ hạnh phúc khi sống ở những vùng đất lạ, ở với người lạ để rồi thân quen. Thôi dạy học ở Sơn Tây, về Hà Nội, rồi xuống Quảng Ninh. Một cuộc đời mẹ đi và đi. Ngày ấy, mẹ luôn sống và viết với thực tế đầy ắp của bao số phận, những cuộc đời bởi không sống với họ, ăn chung, vui buồn chung thì khó mà viết ra những Đất làng, Buổi sáng, Hạt mùa sau…
Lâu lắm rồi, hôm nay, mẹ lại đi công tác.
Ngày xưa, khi mẹ lên đường, tôi thường theo bố tiễn mẹ ở cơ quan như báo Văn Nghệ, Hội Nhà văn. Mẹ lên tàu, lên xe đi cùng đồng nghiệp, bố con tôi ngóng mẹ về và biết, mẹ lại có tác phẩm mới. Tiễn lần này thì khác. Chỉ có tôi với hai con, những người yêu quý mẹ. Còn bố sẽ là người đón. U Xuân Quỳnh, cô Dương Thị Xuân Quý cũng đón mẹ. Mẹ sẽ rời ngôi nhà bao năm sống cùng con gái, hai cháu ngoại là Pích và Tý để đi một chuyến thật dài. Dài hơn lần mẹ đi Vĩnh Linh Quảng Bình năm 1973. Dài hơn lần lên Lạng Sơn ngày chiến tranh biên giới 1979… Mẹ sẽ đến một nơi không có sóng điện thoại, không internet, không còn những lo toan bởi các ác, sự bất an của một đời sống đô thị đang phân hoá khốc liệt để thoả chí của một nhà văn chuyên nghiệp, một đời đi và viết.
Còn nhớ, tháng 10 năm 1984, bố Chánh đột ngột bỏ đi, hai mẹ con tiễn bố trong tối lạnh, rồi về. Nhà hoang vắng, khô khốc nghèo. Hàng xóm nào tử tế thì chia buồn vì nhà đã vắng, giờ vắng hơn. Cũng hàng xóm nhưng không tử tế thì doạ nạt những chuyện khi bố còn ở nhà họ rất hèn, không dám nói. Ví dụ: Này, nghe nói ông Chánh có khẩu sung săn, bắn có thể chết người, mang nộp ngay ra công an phường không là tù đấy! Người xấu luôn biết tìm kẽ hở để hại người lành. Đúng là bố tôi có khẩu súng săn, do cháu ruột của bố ở Cà Mau tặng năm 1981 làm kỉ niệm. Súng bắn chim, sóc hoặc chuột đồng ở Nam Bộ, ổ đạn có 6 viên, nhưng đạn thì còn 4. Người xấu đợi 3 năm khi không còn bố ở nhà mang ra doạ một chuyện, nếu là người tốt sẽ không phải đợi lâu thế để ra oai.
Còn nhớ. Những năm 84 mùa đông lạnh lắm. Lạnh do thiếu áo ấm, do thời bao cấp không bữa ăn nào ăn đủ chất, bố tôi vừa ra đi đựơc vài giờ đồng hồ, nghe doạ, nửa đêm hai mẹ con chở nhau với khẩu sung cũ gỉ hoen, bốn viên đạn cũng gỉ, có cho bắn cũng không nổ vì nó chỉ còn là giá trị của kỉ niệm. Bàn nhau Phải thủ tiêu. Bố đi rồi, không ai bảo vệ mẹ con mình. Mẹ không quen vướng vào những chuyện không thể giải thích. Bàn rất nhiều phương án, cuối cùng là ném xuống hồ. Hồ ngày ấy cái nào cũng rộng và sâu. Hồ này khẩu súng, hồ kia viên đạn. Khoảng 1 giờ sáng thì về.
Tôi ngày ấy 17 tuổi, trước khi đi phi tang kỷ niệm trong veo trước cuộc đời. Ném kỷ niệm của bố, của em mình ở miền Nam mà không bị ai phát hiện, về tới nhà mang theo lòng sự đau xót pha lẫn căm phẫn vì cái ác, sự đê tiện và cảm giác bị bắt nạt. Lấy cái cốc, xúc chút gạo, tìm nơi cao nhất trong nhà là cái nóc tủ, tôi thắp lên ba nén hương, khấn Con yêu bố. Bố từ giờ không về nhà với hai mẹ con con nữa. Con xin bố cho con sức mạnh để bảo vệ mẹ, bảo vệ gia đình mình, để không ai bắt nạt được mẹ con con nữa.
Nhà có hai người. Sau này, nhà có thêm Pích và Tý, chúng tôi là bốn người mạnh mẽ. Sức mạnh đó luôn đến từ mẹ tôi, người đàn bà nuôi con một mình năm 43 tuổi, làm sự nghiệp giữa một đời sống mà đàn bà bao giờ cũng phải làm nhiều hơn, hy sinh nhiều hơn để có kết quả ít hơn. Đã vậy, mẹ còn đi bên con gái suốt những năm tháng dài, ôm nó những khi chống chếnh hay cười rung bụng khi nó khoe chuyện vui.
Hôm nay, mẹ cũng đi như bố ngày ấy. Tôi biết là tôi sẽ nhớ mẹ. Hai thằng Pích – Tý sẽ nhớ bà. Nhớ ngày xưa, mỗi lần mẹ đi công tác, Pích nhớ bà, không ăn, không ngủ, ngồi ngóng ra cửa vì nghĩ làm như thế, thời gian sẽ trôi nhanh, ngày mai nhanh tới để bà sớm về. Gần 50 năm, bốn mẹ con bà cháu dính một chùm với nhau. Càng xa nhau, người ta càng nhớ những điều không bao giờ mình nghĩ nó in đậm trong lòng mình đến thế. Tôi không muốn mẹ đi như thế này, nhưng rồi lại nghĩ, bố sẽ đón mẹ, đưa mẹ về Bến Tre, Cà Mau thăm họ hàng nội ngoại và đi khắp thế giới.
Tôi biết, mỗi ngày mình sẽ nhớ mẹ một kiểu, yêu thương theo một cách mỗi khi đối mặt với một chuyện gì đó xảy ra trong đời. Lúc đó, tôi sẽ tự nhủ, nếu là mẹ, gặp chuyện này, mẹ sẽ làm thế này, sẽ không nóng nảy kiểu máu Nam Bộ như mình, mà nhẹ nhàng theo cách con gái Hà Nội.
Tiễn mẹ hôm nay, nhớ mẹ ngày càng nhiều, hiểu mẹ ngày càng sâu và biết rằng, mẹ đã cho tôi không phải chỉ cuộc đời này, mà còn dìu tôi đi hết những tháng năm dài trước mặt, dù mẹ đã đi công tác xa.
Con và hai thằng Pích, Tý yêu mẹ. Chúc mẹ lên đường viên mãn.
ĐÊM QUA ĐIỆN THOẠI VỚI HUỆ
Văn Công Hùng
Khuya khuya qua, Nguyễn Thị Thu Huệ nhắn tin: anh còn thức không em nói chuyện tí. Tôi tưởng là Huệ sẽ nhắn tin nên nhắn lại: em nói đi. Nhưng Huệ gọi. Bảo là buồn quá, tôi bảo tất nhiên rồi, tôi đây mới mất mẹ chưa đầy năm. Thằng đàn ông hơn 50 tuổi mất mẹ mà vẫn hụt hẫng huống gì Huệ. Huệ lại bảo cả ngày hôm nay em rỗng cả người, cứ đi loăng quăng chả biết làm gì? Tôi nói anh hiểu em ạ, cho anh chia buồn với em. Huệ kể mẹ em đi rất thanh thản và nhanh. Rồi bảo em gọi là để nói, trong bài của anh hôm kia có một chi tiết có khi khiến mọi người hiểu lầm, ấy là mẹ em "lẫn". Thực ra mẹ em không lẫn, nhưng là cứ nhớ lại toàn cái thời xửa xưa chứ cái hiện tại thì không nhớ. Huệ bảo em có viết một bài về mẹ, sáng mai anh đăng lên trang của anh nhé.
Tất nhiên là mình đăng ngay. Và một lần nữa xin chia buồn với Nguyễn Thị Thu Huệ và mong nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú thanh thản trong chuyến đi xa cuối cuộc đời mình. (Nguyễn Thị Thu Huệ hàng ngồi đầu tiên bên phải ảnh trên blog Văn Công Hùng)
Nguồn: Blog Văn Công Hùng
Trở về trang chính
DẠY VÀ HỌC Số lần xem trang : 16327 Nhập ngày : 26-05-2013 Điều chỉnh lần cuối : 26-05-2013 Ý kiến của bạn về bài viết này
Văn hóa và Giáo dục Từ Mao Trạch Đông tới Tập Cận Bình(24-05-2019) Phan Huy Chú thầy bách khoa thư(27-05-2019) Nguyễn Hàm Ninh Thầy Vua(23-05-2019) Bill Gates học để làm(01-06-2019) Lên đỉnh(20-06-2018) Cháu và ông(23-07-2018) Hoa Đất(18-06-2018) Ngày của Bố(18-06-2018) Tỉnh thức sự chậm rãi minh triết(17-06-2018) Khổng Tử dạy và học(21-05-2018) Trang kế tiếp ... 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23
|