TS. Hoàng Kim
DẠY VÀ HỌC. Tôi vẫn thường quay lại với Nguyễn Khải, với các tác phẩm văn chương ưng ý mà ông đã trao lại cho đời và những lời thương nhớ Nguyễn Khải của các bạn văn, người đọc viết về ông. Những tích lũy tư liệu về ông tại trang DẠY VÀ HỌC ở Xóm Lá và trang hoangkimvietnam ở Google.sites , thỉnh thoảng tôi lại đưa ra đọc lại, ghi chú thêm vào những tìm tòi mới với ước mong tuyển chọn điều yêu thích cho mình và cống hiến với bạn đọc một góc nhìn về Nguyễn Khải ngọc cho đời. xem tiếp ...
Nhà văn Nguyễn Khải đã vĩnh biệt thế gian ngày 15. 1. 2008 nhưng trang văn và cuộc đời của ông vẫn tồn tại . Nguyễn Khải tên thật là Nguyễn Mạnh Khải, sinh ngày 3 tháng 12 năm 1930 tại Hà Nội. Quê nội của ông ở thành phố Nam Định nhưng tuổi nhỏ sống ở nhiều nơi, đang học trung học thì gặp Cách mạng tháng Tám. Nguyễn Khải trong kháng chiến chống Pháp, gia nhập tự vệ chiến đấu ở thị xã Hưng Yên, sau đó vào bộ đội, làm y tá rồi làm báo. Bắt đầu viết văn từ những năm 1950, được chú ý từ tiểu thuyết Xung đột (phần I năm 1959, phần II năm 1962). Sau năm 1975 Nguyễn Khải chuyển vào sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Ông rời quân đội năm 1988 với quân hàm đại tá để về làm việc tại Hội Nhà văn Việt Nam. Nguyễn Khải từng là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khóa 2, 3 và là Phó Tổng Thư ký khóa 3. Ông là Đại biểu Quốc hội khóa VII.
Nguyễn Khải là nhà văn tư tưởng của thời đại với nghệ thuật văn chương thông tấn bậc Thầy. Nguyên Ngọc viết “Nguyễn Khải có viết một câu hết sức ưu ái đối với tôi, anh bảo tôi “là nhà tư tưởng của thế hệ chúng tôi”. Anh thương tôi quá mà nói vậy. Anh mới chính là nhà tư tưởng ấy, bởi nhà văn mà là nhà tư tưởng thì phải thể hiện các tư tưởng ấy ra trong tác phẩm của mình. Và anh mới là người làm được xuất sắc điều đó.” Trần Đăng Khoa nhận định:“Tôi đặt ông vào đúng vị trí mà ông có. Ở trường phái văn chương thông tấn này, một mình ông một vị trí độc tôn, không ai sánh được và cũng không có ai học được”. Tác phẩm của Nguyễn Khải gồm nhiều thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết, ký sự, kịch với nhiều mảng chủ đề khá phong phú nhưng nổi bật nhất, lắng đọng nhất có lẽ vẫn là những vấn đề xã hội , tư tưởng, chính trị và con người . Đó là hình ảnh nông thôn trong quá trình xây dựng cuộc sống mới, bộ đội trong những năm chiến tranh chống Mỹ, “những đối mặt sinh tử của Đảng và Nhà nước Việt Nam với những quyết định hết sức hệ trọng có quan hệ tới sự tồn vong của dân tộc, của quốc gia mà Nguyễn Khải lo lắng và muốn cùng chia sẻ”. Năm 1982, Nguyễn Khải nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam với tiểu thuyết Gặp gỡ cuối năm. Năm 2000, nhà văn được phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt II về Văn học nghệ thuật.
Những tác phẩm chính của Nguyễn Khải chắc chắn vẫn tiếp tục thức tỉnh nhiều thế hệ: Tôi viết vậy thì tôi tồn tại; Xung đột (1959-1962); Mùa lạc (tập truyện ngắn, 1960 được trích dạy trong sách giáo khoa phổ thông môn Văn học nhiều năm qua); Gặp gỡ cuối năm; Hãy đi xa hơn nữa (1963); Chủ tịch huyện; Ra đảo (1966); Họ sống và chiến đấu (ký sự, 1966); Chiến sĩ (1973); Tầm nhìn xa; Ngày Tết về thăm quê; Cha và Con và…(1979); Hai ông già; Sống ở đời (tập truyện ngắn, 1990); Đứa con nuôi; . Gặp gỡ cuối năm (tiểu thuyết 1982, giải thưởng Hội Nhà Văn Việt Nam) Thời gian của người (1985); Điều tra về một cái chết; Vòng sóng đến vô cùng; Cõi nhân gian bé tí (1989);Một người Hà Nộị (truyện ngắn 1990 được trích dạy trong sách giáo khoa Ngữ văn bộ mới lớp 12); Một thời gió bụi (truyện ngắn, 1993); Ông đại tá và vị sư già (truyện ngắn, 1993), Nếp nhà (ký); Hà Nội trong mắt tôi (tập truyện ngắn, 1995); Chút phấn cho đời (kịch); Truyện ngắn Nguyễn Khải (1996); Thượng đế thì cười (tiểu thuyết 2003) và … Đi tìm cái tôi đã mất (tùy bút 2006)
NGUYỄN KHẢI LỜI ANH GỬI LẠI
“Trên cuộc đời không có bước đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải vượt qua được những ranh giới ấy”
“Tôi viết vậy thì tôi tồn tại! Viết văn không chỉ do nhu cầu kiếm sống, viết văn cũng không chỉ do những bức xúc khôn khuây của cá nhân, mà viết còn là mong muốn được trao trở về với cái vô hạn”
“Trong gần bảy chục năm sống, tôi không phàn nàn bất cứ đoạn đời nào, những năm tháng nào. Có cái trước thì mới có cái sau, có cái này mới có cái kia. Tôi quan niệm khiếm khuyết là điềm lành, không có gì phải lo nhiều; hoàn toàn là điềm dữ, không chuẩn bị trước thì tai họa có ngày. Mươi năm trở lại đây tôi đã có ý thức điều chỉnh lại cách sống của mình, cố gắng sống thật tử tế, thật đàng hoàng. Bớt đi được một nửa những cái chưa tử tế cũng là tốt rồi. Tôi tự đánh giá là một cây bút nhẫn nại trong cái nghề của mình, chứ không phải là một cây bút tài hoa, có tài bẩm sinh. Nếu không có cuộc Cách mạng Tháng Tám và hai cuộc kháng chiến thì tôi chỉ là một kẻ vô danh, chứ không thể làm được gì nên chuyện. Cho nên chế độ chính trị hiện nay dẫu có bao nhiêu thiếu sót, có bao nhiêu chuyện đáng buồn, đáng giận, tôi vẫn gắn bó máu thịt với hôm nay. Những cái làm được là kỳ tích của dân tộc, chuộc lại những lỗi lầm trong quá khứ, (Đi tìm cái tôi đã mất ) đưa nước Việt Nam, người Việt Nam sang thế kỷ 21″.
ĐỌC LẠI THƯƠNG NHỚ NGUYỄN KHẢI
Thương nhớ Nguyễn Khải, nhà văn Nguyên Ngọc định luận: “Trước hết, tôi muốn nói điều này: đấy là Nguyễn Khải, nhà văn tài năng nhất của thế hệ chúng tôi, thế hệ những người cầm bút vậy mà hóa ra vắt qua cả mấy thời kỳ lịch sử quan trọng: một chút thời Pháp thuộc, đầy đủ Cách mạng Tháng Tám, đẫm mình trong hai cuộc chiến tranh lớn, và cả hòa bình nữa. Một đận hòa bình cũng chẳng ít khó nhọc – cả hai cuộc, hòa bình một nửa nước miền Bắc từ sau năm 1954 và hòa bình cả nước sau 1975, hòa bình nào cũng xao động bao nhiêu sóng gió. Rồi lịch sử văn học sẽ có thời gian ngẫm lại mà xem, tất cả những chuyển động bão táp, phức tạp, trăn trở đó của số phận đất nước và nhân dân, ta sẽ được đọc lại hẳn nhiều nhất, sâu nhất trong Nguyễn Khải. Đấy là một trong những nhà văn hàng đầu, quan trọng nhất của văn học ta suốt một thời kỳ cực kỳ sôi động.” Nguyên Ngọc cũng dành những lời văn đặc biệt cảm mến: “Nguyễn Khải có một số phận rất Việt Nam. Anh có một tuổi thơ buồn, éo le và cả tủi nhục nữa – cũng như cái “tuổi thơ” của nhân dân mình vậy, rất có thể đắm chìm mãi mãi nếu tự trong anh – lại cũng như tự trong nhân dân mình vậy – không có một sức tự vươn lên kỳ lạ, im lặng, nhẫn nhục, mà kiên trì, kiên định, dũng cảm một cách thực sự là dũng cảm bởi không hề ồn ào, để thành người, một con người đàng hoàng trong cuộc đời, thành đạt trong sự nghiệp và ở đỉnh cao… Cũng từ chính chìm nổi của cuộc đời mình mà Nguyễn Khải hiểu và có quan niệm rất sâu, rất nghiêm về nghề và nghiệp cầm bút. Nghề cầm bút, với anh, trước hết và sau cùng nữa, là nghề làm người. Nghiêm trang và khó nhọc như nghề làm người…Nguyễn Khải không mất, nhà văn rất thời sự ấy lại cũng là nhà văn của tương lai”.
Triệu Xuân nhận xét: “Nguyễn Khải là một trong những người tiên phong viết tiểu thuyết về cuộc sống dân sự đầy vật lộn cam go sau chiến tranh. Tôi nghĩ chính anh, nhà văn Nguyễn Khải đã khai sinh dòng tiểu thuyết viết về những chuyện thường ngày, bám sát các sự kiện nóng hổi, đầy chất trí tuệ, chính luận của văn học Việt Nam.”
Tôi đọc lại tư liệu về ông tại trang DẠY VÀ HỌC ở Xóm Lá và trang hoangkimvietnam ở Google.sites để tuyển chọn lại năm bài của người đương thời viết về Nguyễn Khải
Nguyễn Khải, nhà văn tài năng nhất của thế hệ chúng tôi
Nguyên Ngọc
TT – Trước hết, tôi muốn nói điều này: đấy là người tài năng nhất trong thế hệ của chúng tôi, thế hệ những người cầm bút vậy mà hóa ra vắt qua cả mấy thời kỳ lịch sử quan trọng: một chút thời Pháp thuộc, đầy đủ Cách mạng Tháng Tám, đẫm mình trong hai cuộc chiến tranh lớn, và cả hòa bình nữa.
Một đận hòa bình cũng chẳng ít khó nhọc – cả hai cuộc, hòa bình một nửa nước miền Bắc từ sau năm 1954 và hòa bình cả nước sau 1975, hòa bình nào cũng xao động bao nhiêu sóng gió.
Rồi lịch sử văn học sẽ có thời gian ngẫm lại mà xem, tất cả những chuyển động bão táp, phức tạp, trăn trở đó của số phận đất nước và nhân dân, ta sẽ được đọc lại hẳn nhiều nhất, sâu nhất trong Nguyễn Khải. Đấy là một trong những nhà văn hàng đầu, quan trọng nhất của văn học ta suốt một thời kỳ cực kỳ sôi động.
Tôi gặp Nguyễn Khải lần đầu, tôi còn nhớ chắc chắn, ngày 19-8-1955. Bấy giờ Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua quân đội vừa họp ở Hà Nội. Tổng cục Chính trị gọi mỗi sư đoàn một người “biết viết” về Hà Nội để chia nhau viết về các anh hùng vừa được tuyên dương. Hóa ra đấy là cuộc tập hợp để rồi sau đó sẽ hình thành cả một thế hệ những người cầm bút chủ lực được rèn luyện trong kháng chiến chống Pháp và bắt đầu chính thức bước vào văn học sau năm 1954-1955.
Nguyễn Khải từ sư đoàn đồng bằng Bắc bộ lên, Phùng Quán, Nguyễn Khắc Thứ từ sư đoàn 325 Bình Trị Thiên ra, Hồ Phương từ sư đoàn 308 về, Nguyễn Trọng Oánh và Hải Hồ từ sư đoàn 304 Khu 4, Lý Đăng Cao từ phòng không, Hà Mậu Nhai từ sư đoàn 330 Nam bộ… Ít lâu sau, có thêm Hữu Mai từ Điện Biên Phủ, Nguyễn Ngọc Tấn – Nguyễn Thi từ sư đoàn 338 Nam bộ về…
Tôi là người về sau cùng, một cây bút mới tập tò đôi ba bài bút ký vô danh, từ sư đoàn 324 Khu 5 cũng được gọi về vì có ai đó tình cờ giới thiệu. Lính mới toanh, cấp thấp nhất trong nhóm, còn hoàn toàn trắng tay, gặp ai cũng sợ. Bấy giờ Hồ Phương đã có Thư nhà, chúng tôi ở chiến trường Khu 5 xa thế mà cũng từng được đọc và phục lăn. Nguyễn Khắc Thứ đã có cả bộ tiểu thuyết Đất chuyển đồ sộ. Phùng Quán vừa xáo động văn đàn bằng Vượt Côn Đảo. Nguyễn Khải thì từng đoạt giải thưởng Hội Văn nghệ VN, danh tiếng vang đến tận những chiến trường xa trong Nam của chúng tôi…
Những bước đi nhọc nhằn và dũng cảm
Tôi biết có người thường trách các nhân vật của Nguyễn Khải giống anh ấy quá, ai cũng đầy luận lý như anh. Tôi thì tôi nghĩ có hơi khác: mỗi người có một cách sống và một cách viết. Nguyễn Khải là người gửi vào các nhân vật của mình hết mọi trăn trở trên bước đường tư tưởng khó nhọc của anh – mà trên đời này người trung thực thì bao giờ các bước đường tư tưởng cũng vô cùng khó nhọc, chỉ có những anh chàng sống giả mới dễ hơn hớn hời hợt. Vậy nên, rồi bình tĩnh đọc kỹ lại hết anh mà xem, sẽ thấy đấy là người đã ghi lại được cho mai sau gần như toàn vẹn, trung thực những bước đi nhọc nhằn mà dũng cảm của con người chúng ta, cũng là của đất nước, trong suốt những năm tháng dài bão táp bên ngoài và bên trong, vừa hào hùng vừa đau đớn, như một nhà văn tài năng của dân tộc ắt phải làm.
Cái quan định luận, bây giờ thì có thể nói như thế này rồi: Nguyễn Khải đã để lại cho chúng ta một sự nghiệp đồ sộ, một bức tranh toàn cảnh sẽ vô cùng cần thiết để hiểu một thời vào loại quan trọng nhất của đất nước. Và có hiểu được như vậy thì mới đi tới được, ít đau khổ hơn và ít vấp váp hơn.
Nguyễn Khải có viết một câu hết sức ưu ái đối với tôi, anh bảo tôi “là nhà tư tưởng của thế hệ chúng tôi”. Anh thương tôi quá mà nói vậy. Anh mới chính là nhà tư tưởng ấy, bởi nhà văn mà là nhà tư tưởng thì phải thể hiện các tư tưởng ấy ra trong tác phẩm của mình. Và anh mới là người làm được xuất sắc điều đó.
Tôi ở chiến trường du kích Khu 5 hẻo lánh, bao nhiêu năm sách vở chẳng có gì, về Tổng cục Chính trị chộp được một cái thư viện đầy sách tiếng Pháp, phần lớn là tiểu thuyết Liên Xô, liền lao vào đọc say mê. Một bữa Nguyễn Khải tình cờ đi qua nhìn thấy, dừng lại kêu lên: Ô, thằng này nó đọc được tiếng Pháp chúng mày ạ!… Và chúng tôi thân nhau từ đấy. Vì sao? Có lẽ vì cả hai ham tò mò mọi chuyện đời và bắt đầu muốn suy nghĩ.
Bấy giờ anh em ở trại sáng tác thường đùa, một thằng cao một thằng lùn – Khải cao lớn nhất, còn tôi thì thấp nhất trong số anh em được gọi về – mà lúc nào cũng cặp kè như vợ chồng, ngày đêm, không biết chúng nó tâm sự với nhau chuyện gì mà lắm thế! Hồi đó còn non nớt lắm, nhưng tôi cũng đã lờ mờ nhận ra điều này: Nguyễn Khải không phải là nhà văn của chủ nghĩa anh hùng, bấy giờ đang là xu thế chính thống của văn học ta. Anh là cây bút của các vấn đề xã hội, đọc kỹ lại xem, tinh một chút có thể thấy ngay ở những sáng tác trong thời chiến của anh đã manh nha những đường nét đầu tiên của xu hướng ấy. Và như vậy, anh đi sớm hơn chúng tôi rất nhiều…
Vậy mà ở trại sáng tác, Nguyễn Khải lại được phân công viết về nữ anh hùng Mạc Thị Bưởi. Thất bại. Không phải cái tạng của anh. Anh không viết được ca ngợi, cái tạng của anh là moi tìm, lục lọi, vặn đi vặn lại vấn đề, luôn đặt câu hỏi, không bằng lòng với những câu trả lời của chính mình, và luận lý, tự luận lý, suy ngẫm.
Rồi chúng tôi, ba anh em, Nguyễn Khải, Nguyễn Trọng Oánh và tôi, được cử đi tham gia cải cách ruộng đất đợt 5 “để có thêm hiểu biết nông thôn”, cùng về xã Hưng Nguyên, huyện Thủy Nguyên bên bờ sông Bạch Đằng, đúng nơi Trần Hưng Đạo đánh trận thủy chiến mấy trăm năm trước. Tất nhiên loại “trí thức” mặt trắng chúng tôi thì chỉ được làm đội viên quèn thôi. Mỗi đứa ở một thôn. Cũng hăng hái lắm.
Nhưng có hôm đi họp đoàn gặp nhau, Khải thì thầm vào tai tôi: Mình thấy như có cái gì đó không phải cậu ạ. Sao lại thế này nhỉ? Hay là tại bọn mình non chính trị quá!… Chỉ dám thì thầm. Chuyến ấy đi về, Khải và Oánh bảo: May mà ở đội của mình chưa bắn ai cả. Nhờ có anh đội trưởng rất tốt, dũng cảm và trung thực!…
Rồi đến thời kỳ Đại hội XX Đảng Cộng sản Liên Xô. Khải và tôi thường lén lút đọc các tài liệu về sự kiện chấn động ấy. Và tôi tin rằng những chuyển động dẫu chưa thật hoàn toàn rõ ràng ấy đã ảnh hưởng đến các chuyến đi và các sáng tác của anh.
Có lẽ rồi đến một lúc nào đấy, các nhà nghiên cứu văn học thâm thúy sẽ lần lại các bước đường tư tưởng và sáng tác của Nguyễn Khải. Theo tôi, đấy là con đường rất tiêu biểu của chuyển động văn học ta suốt một thời kỳ lịch sử dài và không hề đơn giản, dễ dàng, tiêu biểu nhất là ở Nguyễn Khải, chính vì đấy đúng là cái tạng của anh và cũng vì anh là người tài năng nhất, cũng trung thực nhất với chính mình.
Tôi muốn nói rõ điều này: sự trung thực, cả điều gọi là dũng khí của nhà văn chủ yếu phải là ở trong sáng tác của anh, chứ không phải là, chỉ là trong ứng xử hằng ngày ở đời của anh. Mỗi người ở đời đều có những ràng buộc riêng mà sự khắc nghiệt chẳng ai giống ai, nên không thể ai cũng phải ứng xử như nhau. Duy đã là người cầm bút thì phải trung thực đến cùng trong sáng tác của mình. Tôi biết, tôi tin Nguyễn Khải là như vậy. Khi anh viết Xung đột, rồi Mùa lạc, có chút bâng khuâng, song vẫn còn khá dè dặt; khi anh viết về chuyện ông Tư Kiền, đọc kỹ lại mà xem, phê phán chuyện không chịu vào hợp tác xã đấy, nhưng là sự phê phán của người cũng đã không tin lắm về sự phê phán của mình. Và sau này Nguyễn Khải đã từng công khai nói về nỗi xấu hổ của anh trước nhân vật ấy…
Càng về sau, tầm nhìn những vấn đề xã hội của anh rộng, sâu và sắc hơn; tiếng nói cũng thẳng thắn và mạnh mẽ hơn, tự cay đắng với mình, thậm chí cả quyết liệt nữa, như trong ngòi bút chính trị gần cuối đời của anh. Anh vẫn trầm tĩnh và khiêm nhường, nhưng tiếng nói và cả bút pháp đã như tiếng kêu cuối của con chim báo bão đối với con người, với đất nước, với xã hội.
Cách đây mấy tháng, lục lại một số tài liệu cũ, tôi tình cờ tìm thấy cái thiếp mời đám cưới của anh Khải và chị Bắc, một cái thiếp thời ấy in mực tím trên một mẩu giấy nhỏ bằng hai ngón tay. Tôi đã định mang tặng lại anh chị, vậy mà không kịp nữa rồi! Khải ơi, còn biết bao nhiêu kỷ niệm giữa chúng ta, cả yêu thương và giận hờn nhau nữa có lúc, đều quí vô cùng, vô cùng. Khải ra đi, hôm nay tôi chỉ viết được có mấy dòng này. Rồi thế nào tôi cũng còn phải viết về nhau nữa, bạn ạ. Mỗi chúng ta chỉ nhỏ nhoi thôi trong lịch sử rộng lớn. Nhưng, tôi tin vậy, những người sống trung thực, bao giờ cũng là một phần dù nhỏ nhưng không thể thiếu trong bức tranh toàn cảnh của cả một thời. Mà sự nghiệp sáng tác, cũng là tư tưởng của Khải, thì không nhỏ chút nào.
Trao đổi về ĐI TÌM CÁI TÔI ĐÃ MẤT của Nguyễn Khải
Nguyễn Đăng Mạnh
Trước khi mất, Nguyễn Khải gửi lại cho đời bài viết Đi tìm cái tôi đã mất. Bài được đưa lên mạng (có thể đọc trên mạng Diễn Đàn : (1), (2), (3)). Vương Trí Nhàn và Huệ Chi có lời bình luận trên Talawas (Vương Trí Nhàn : Một cách nghĩ khác về Nguyễn Khải ; Nguyễn Huệ Chi Về bài Một cách nghĩ khác về Nguyễn Khải của Vương Trí Nhàn).Về hai bài bình luận này, tôi có chỗ nhất trí, có chỗ chưa tán thành.
Mỗi người cầm bút chúng ta hãy nhớ lại chính bản thân mình thời chiến tranh với phong trào hợp tác hóa trong sản xuất và chế độ quan liêu bao cấp mà xem. Đúng là hồi ấy chủ nghĩa tập thể bầy đàn lấn át cá nhân, thủ tiêu tự do cá nhân. Nhưng có phải hồi ấy, tuy vật chất vô cùng cực khổ, ta vẫn cảm thấy thoải mái, vui vẻ đấy chứ ! Các học thuyết về đấu tranh giai cấp, về chuyên chính vô sản, rồi đường lối văn nghệ phục vụ chính trị và chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa v.v., ta có băn khoăn, nghi ngờ gì đâu !
Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống yêu nước rất mạnh và lâu đời. Cho nên đánh Pháp, đánh Mỹ, giải phóng dân tộc là rất thuận lòng dân (sau này có thể phát hiện con đường khác hay hơn, nhưng là chuyện sau này, mãi sau này). Mà ai là người phát động và lãnh đạo hai cuộc kháng chiến được gọi là “thần thánh” ấy ? Đảng cộng sản và cụ Hồ chứ ai. Vậy thì tin Đảng, tin cụ Hồ là điều dĩ nhiên. Mà tin Đảng, tin cụ Hồ, tức là tin ở chủ nghĩa xã hội, ở tập thể bầy đàn, tin ở học thuyết giai cấp của Mác – Lê Nin, tin ở đường lối văn nghệ phục vụ chính trị và chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Ngoài ra chiến tranh là hoàn cảnh rất thuận lợi cho sự phát triển tư tưởng bầy đàn và thủ tiêu ý thức cá nhân :
Một người, đâu phải nhân gian
Sống chăng, một đốm lửa tàn mà thôi !
(Tố Hữu)
Việc hoài nghi và đi đến phủ nhận những “chân lý” ấy chỉ là chuyện sau này – sau 1975 và nhất là sau Đại hội Đảng Cộng sản thứ VI (1986).
Lòng yêu nước khiến cho nhiều người, tuy cách mạng chẳng đem lại cho một chút quyền lợi gì, cũng hăng hái tham gia kháng chiến, sẵn sàng chịu đựng mọi gian khổ, lòng đầy tin tưởng (trong số này có không ít người thuộc giai cấp địa chủ, tư sản và tầng lớp trí thức cao cấp). Huống chi Nguyễn Khải là người được cách mạng vớt lên từ cống rãnh, tắm gội cho sạch sẽ, lại cấp cho một cái nghề sang trọng, vừa có danh, vừa có lợi.
Cho nên những tác phẩm Nguyễn Khải viết thời chiến tranh đâu phải là giả dối. Một người nhát, không biết bơi, rất sợ nước, vậy mà tự nguyện vượt biển ra Cồn Cỏ để viết Họ sống và chiến đấu thì không thể nói là giả dối được.
Huệ Chi nói, có “ những người thông minh quá, tinh quái quá […] nên đã biết biến “dối” thành “thật” ”. Tôi nghĩ, làm gì có chuyện ấy ! Người ta có thể nói dối ở đâu đâu, chứ không thể nói dối trong văn chương được. Có thể diễn đạt như thế này thì đúng hơn : hồi đó họ đã nói dối một cách thành thực. Nhưng nói cho thật đúng thì lúc đó họ cũng không hoàn toàn nói dối. Nhận thức của họ có thể không phản ánh đúng sự thật, niềm tin của họ có thể mù quáng, nhưng lòng yêu nước của họ là có thật chứ ! Cho nên những tác phẩm của họ đã từng làm chúng ta xúc động thật sự, xúc động một cách thành thật. Nhớ lại mà xem có đúng thế không ?
Trong bài viết của mình, Vương Trí Nhàn có dẫn lời Dương Tường rằng trong Nguyễn Khải có hai con người “ Một Nguyễn Khải khôn khéo giả dối và một Nguyễn Khải thành thật trắng trợn. Một Nguyễn Khải hèn nhát và một Nguyễn Khải khinh ghét tay Nguyễn Khải hèn nhát kia. Và sự tranh chấp giữa hai con người ấy không bao giờ ngã ngũ ”. Và Vương Trí Nhàn nói thêm : “ Sự tranh chấp ở đây thực ra chỉ là bề ngoài, trên sàn diễn, trước mặt bàn dân thiên hạ. Chứ ở hậu trường, Nguyễn Khải yêu cả hai con người đó ở mình. Ông sống hoà hợp với cả hai. Tùy trường hợp mà ông đưa con người này hay con người kia ra để làm hàng. Lối nghĩ này đã giúp ông thành công chói lọi trong suốt đường đời ”.
Những nhận xét ấy không hẳn sai. Nhưng theo tôi, hai con người ấy ở Nguyễn Khải chỉ xuất hiện một cách thật sự rõ rệt và hoàn toàn tự giác trong tâm trí anh từ sau năm 1975. Mà cũng xuất hiện dần dần, ngày một sáng rõ hơn trong quá trình suy ngẫm nhờ trải nghiệm bản thân và những sự kiện trong nước, ngoài nước khiến anh thức tỉnh. Năm 1993, trong truyện Anh hùng bĩ vận (trong tập truyện ngắn Một thời gió bụi, nxb Lao Động, 1993), Nguyễn Khải viết : hồi ấy “ là một viên chức nhà nước ăn lương để viết văn. Không nghĩ ngợi gì nhiều, trăn trở gì nhiều, không sóng gió, không chìm nổi. Đôi lúc cũng muốn bơi ngược một tí, rẽ ngang một tý, nhưng rồi mệt quá lại khuôn mình theo dòng chảy, theo dòng mà bơi, bơi cùng với đồng đội, vừa an toàn vừa vui vẻ ”. “ Bơi ngược một tý ” có nghĩa là viết theo kinh nghiệm cá nhân. Viết được như thế trước 1975 là chỗ hấp dẫn và hơn người của Nguyễn Khải – tôi gọi là “ khoán chui ” tư tưởng. Bây giờ đọc lại, thấy những tư tưởng gọi là khoán chui ấy thực ra cũng có ghê gớm gì lắm đâu, có gì thật trái nghịch với kinh nghiệm cộng đồng đâu.
Vâng, tôi cho rằng, sự xung đột giữa hai con người ở Nguyễn Khải như Dương Tường từng nói chỉ thực sự diễn ra trong ý thức tự giác của Nguyễn Khải mãi sau này.
Còn vì sao phải đợi đến khi sắp từ giã cõi đời, Nguyễn Khải mới nói ra sự thật của lòng mình một cách “ thành thật và trắng trợn ”, thì tưởng chẳng có gì khó hiểu. Nguyễn Khải là người nhát, quá nhát. Nhưng chết rồi thì còn sợ gì nữa, còn có quyền lợi gì phải mất nữa ! Mặt khác phải nói rằng, con người ta khi đã ngộ ra được điều gì thì trong lòng bức xúc không chịu được, phải nói ra để giải tỏa. Dostoievsky nói : “ Thật là nặng nề khi phải một mình ôm giữ sự thật ”. Vả lại nói ra như thế cũng là một đóng góp cho đời chứ, cũng là trách nhiệm của một người viết văn chứ !
Nguyễn Khải đúng là một con người thông minh, khôn ngoan. Nhưng theo tôi, cũng chỉ là khôn vặt, một thứ “ tiểu trí ” mà thôi. Mà nói chung, dân tộc ta là thế, không có đại trí đâu. Một dân tộc nông dân láu cá thế thôi. Một sự khôn ngoan chỉ vừa đủ để “ biết lui biết tới ” mong được sống yên ổn với đời. Lời Trang Tử, chính Nguyễn Khải dẫn ra trong bài viết của mình, đã diễn tả rất đúng cái khôn của anh “ con chim bay cao để tránh được tên, được bẫy, con chuột đào hang sâu để tránh được hoạ bị khói hun ”. Nguyễn Khải (và những người Việt Nam khôn ngoan nhất cũng thế thôi) đâu phải là một đầu óc “ đại trí ” để có thể vượt được thời thế, thoát được ra khỏi bầu không khí tâm lý của cả cộng đồng dân tộc đang đắm đuối trong một tín ngưỡng. Anh nói đúng : “ Một trí tuệ sáng láng nhất vẫn cứ bị ràng buộc bởi nhiều vòng tự giác và không tự giác của thời thế, của cuộc đời ”. Nhất là Nguyễn Khải, con người mà cái danh cái lợi của cá nhân đều gắn với thời thế, đều nhờ vào thời thế. Cho nên anh thú nhận : “ Những năm 50, 60 của thế kỷ XX, với tôi là những năm tràn đầy niềm tin. Nhìn vào đâu tôi cũng thấy được, dân tộc tôi được [...] tôi vui là chuyện có thật, những trang viết của tôi vào những năm ấy là rất thành thật ”.
Cuộc đời Nguyễn Khải, như anh nói, thật là may mắn. Anh được đủ mọi thứ : danh, lợi, địa vị cao trong làng văn, giải thưởng Hồ Chí Minh… Khi được trao giải thưởng (năm 2000), anh cảm thấy : “ Mừng thì rất mừng nhưng tôi đã nhận ra ngay đây là tấm bia mộ sang trọng cắm lên một đời văn đã tới hồi phải kết thúc ”.
Dương Tường thích câu này, nhưng Vương Trí Nhàn thì cho là dối trá. Vì theo chỗ anh viết, Nguyễn Khải mồm thì nói thế, nhưng thực bụng vẫn nâng niu, ôm ấp, vẫn rất tự hào về những gì mình đã viết. Điều này tôi cho cũng dễ hiểu. “ Văn mình vợ người ” mà. Người viết nào chả quý cái văn của mình, cũng như người mẹ nào chả quý đứa con mình đẻ ra, dù nó xấu xí, kém cỏi thế nào. Nhưng cái văn ấy có giá trị đến đâu, có thể sống lâu dài hay chết yểu lại là chuyện khác. Thông minh, tỉnh táo như Nguyễn Khải tất nhiên là thừa biết điều đó. Cho nên câu nói trên của Nguyễn Khải không hẳn là dối trá. Có điều trong giọng nói có vị chua chát cay đắng đấy. Đó là lối nói hờn, nói dỗi. Hờn dỗi với đời, hờn dỗi với cái phận của mình. Nghĩ đến sự nghiệp cả một đời có thể sẽ trở thành số không, trở thành hư vô, cay đắng lắm chứ !
Con người ta ai chả muốn sống mãi với đời. Dù đời là bể khổ, nhưng khổ vẫn hơn là chết. Khốn nỗi ai rồi cũng phải chết. Đó là tấn bi kịch lớn nhất của loài người. Vậy thì phải nghĩ ra cách gì để chống lại cái chết chứ ? Người ta tìm đến tôn giáo để được an ủi bằng đức tin : thân xác dù trở thành tro bụi nhưng linh hồn vẫn tồn tại, và nếu chịu khó tu nhân tích đức thì còn có thể được lên thiên đàng nữa kia. Vua chúa thì ướp xác và xây lăng tẩm thật đồ sộ nguy nga. Những nhà lãnh đạo quốc gia thì muốn tên mình được đặt cho phố này, phố nọ (có chuyện tranh nhau phố to phố nhỏ nữa đấy !). Những đấng anh hùng hào kiệt, những bậc thánh hiền thì lo lập công, lập đức, lập ngôn để tên tuổi lưu truyền muôn đời trong sử sách. “ Người chết thật là chết, khi nào họ chết hẳn trong lòng người sống ” (Lỗ Tấn). Có một cách thực hiện sự bất tử một cách bình dân đại chúng nhất, hầu như ai cũng có thể làm được : sinh con, đẻ cái, nhất là sinh con trai. Nó sẽ giữ mãi dòng họ cho mình và cúng giỗ, tưởng nhớ mình mãi mãi.
Còn anh viết văn thì mong sống mãi cùng tác phẩm của mình. Không dám nói ra miệng đâu, vì xấu hổ lắm ! Nhưng âm thầm trong bụng, anh nào chẳng muốn như vậy : chẳng được như cụ Nguyễn Du bất tử với Truyện Kiều thì cũng không đến nỗi bị đời quên ngay khi vừa nằm xuống. Nhưng có phải muốn mà được đâu! Mình có phải thiên tài đâu. Là “ đại tài ” cũng chưa chắc. Ôi thật là cay đắng ! “ Tôi là nhà văn của một thời, thời hết thì văn phải chết, tuyển tập, toàn tập thành giấy lộn cho con cháu bán cân. Buồn nhỉ ? Nghĩ lại cũng chả có gì phải buồn, con người vốn sống trong những chiều kích hữu hạn lại mơ tưởng những gì do con người làm ra sẽ thuộc về vĩnh viễn, có hoạ rồ ! Tất nhiên vẫn có nhiều công trình của trí tuệ thuộc về cõi bất tử nhưng là của các thiên tài. Với bộ não con sâu cái kiến ngước nhìn những cái đầu khổng lồ ấy làm gì cho thêm buồn ra ”. Đúng là giọng nói hờn nói dỗi đầy vị chua chát, đắng cay của một cây bút chưa biết tuổi thọ của sự nghiệp mình được bao lăm khi thân xác sắp trở thành tro bụi.
Láng Hạ, Hà Nội, 29- 9- 2008
Thương nhớ nhà văn Nguyễn Khải
Triệu Xuân
Sáng 15-1-2008, tôi được tin nhà văn Nguyễn Khải đang trong khoảnh khắc cuối cùng của đời mình. 19 giờ, anh trút hơi thở cuối cùng. Ít phút sau, nhà văn Lê Văn Thảo đang họp ở Hà Nội, phone cho tôi, nói: Triệu Xuân thay mặt Ban chấp hành Hội Nhà văn Tp Hồ Chí Minh túc trực tại Lễ Nhập quan và sẵn sàng mọi việc trong Lễ tang. Sáng sớm 16-1-2008, tôi có mặt tại bệnh viện 115, (quận 10, Tp Hồ Chí Minh), hỏi thăm mãi mới tìm được Nhà Vĩnh biệt. Bệnh viện trong quá trình xây dựng, nhà xác chưa có, đang dùng tạm một căn phòng còn sót lại của dãy nhà cấp bốn chưa san ủi nốt. Anh Khải nằm trong căn phòng rộng hơn hai mét, dài gần ba mét. Tôi đến, Nguyễn Khoa, con trai trưởng anh Khải ra đón. Thấy tôi đưa mắt tìm nơi anh Khải đang nằm, Quang, con trai của chị ruột vợ anh Khải nói: “Chú TX có… kiêng cữ gì không?”. Không! Chú đến chào vĩnh biệt người anh của mình, cháu đưa chú vào, không ngại gì! Cánh cửa bằng sắt hoen rỉ mở ra, anh Khải mặc bộ complet xanh đen, thắt cravat, nằm trên cái không rõ là giường hay phản gỗ, cao chừng một mét. Phòng tối quá, tôi bảo Quang mở điện lên! Nhìn thi thể anh, tôi không cầm được nước mắt. Quang nói: “Khi mổ, nội tạng chú cháu hư hết rồi”! Căn phòng lạnh lẽo quá. Một nhà văn lớn của cách mạng, suốt đời tha thiết với nhân dân, với đất nước mà bây giờ nằm đó, cô đơn, lạnh lẽo…! Bất giác tôi nhớ đến câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du: Khi tỉnh rượu lúc tàn canh/ Giật mình mình lại thương mình xót xa! Tôi bảo Quang: Cháu nói gia đình khẩn trương thắp đèn nhang hoa quả, một đĩa muối, gạo, một ly nước cho anh Khải. Rồi, tôi nắm lấy bàn tay phải lạnh cứng của anh, mắt tôi nhìn vào đôi mắt đã khép lại vĩnh viễn, vốn là cặp mắt to, sáng đuôi mắt dài, nhân hậu nhưng vô cùng sắc xảo, nhạy cảm và nói to: Anh Nguyễn Khải! Em là Triệu Xuân đến chào vĩnh biệt anh đây. Cầu cho linh hồn anh thanh thản nơi chín suối, mau siêu thoát! Anh sống khôn thác thiêng phù hộ độ trì cho gia đình anh, bạn bè thân thiết của anh được khỏe mạnh và luôn luôn may mắn! Tôi vái anh, rồi bước ra ngoài. Lúc đó là 7 giờ sáng. Còn hơn một giờ nữa mới đến giờ làm lễ nhập quan.
Có mười bốn người: ba người con anh Khải: Khoa, Thúy, Hoàn cùng hai con dâu, một con rể với mấy cháu nội, ngoại; năm người đứng tuổi là họ hàng ruột thịt và tôi, ngồi nhìn nhau, lặng lẽ. Tôi chỉ hỏi Khoa một câu về trình tự lễ nhập quan rồi hỏi thêm: Mẹ cháu đâu? “Dạ, mẹ cháu bị bệnh nặng và rất dễ xúc động, không thể ra đây được chú ạ”! Tôi se sắt lòng! Cả cuộc đời người vợ ấy thương chồng, thương con, hy sinh cho chồng cho con, nay anh ra đi trước, để lại chị bệnh tật đến nỗi không thể đến đây vĩnh biệt chồng… Tám giờ ba mươi phút, Nhà sư đến đọc kinh. Tám giờ năm mươi phút, Nhà đòn khâm liệm anh Khải, rồi đúng chín giờ, Lễ nhập quan cử hành. Người ta đổ mấy bao trà lót đáy quan tài rồi đặt thi hài nhà văn lên trên. Nắp áo quan có chừa một mảng bằng mêca trong suốt để gương mặt anh tiếp tục quan sát cuộc đời này thêm hai ngày hai đêm nữa. Có tiếng khóc của Thúy con gái anh, cùng những tiếng nấc nghẹn ngào như cố nuốt lệ vào trong của những người khác. Tôi nhận một nén nhang đã thắp sẵn từ tay Khoa, lặng lẽ vái anh và khấn thầm trước linh cữu. Chín giờ mười lăm phút, tôi cùng mọi người khênh quan tài ra xe tang. Tôi chạy xe gắn máy theo xe chở linh cữu về Nhà Tang lễ thành phố ở 25 Lê Quý Đôn, quận 3. Mười giờ, xe đến nhà Tang lễ. Anh nằm ở đó hai ngày 16 & 17. Sáu giờ sáng ngày 18-1-2008, Lễ truy điệu diễn ra trọng thể, linh cữu anh được đưa về an táng tại nghĩa trang thành phố ở Thủ Đức. Phải mất gần hết buổi sáng ngày 16-1 với rất nhiều cú điện thoại, giao dịch với nhiều cấp, nhiều người… Ban Lễ tang mới có phép để anh an nghỉ tại Thủ Đức, vì nơi đây hết đất, nghĩa trang đã dời lên Củ Chi rồi! Thế là hết! Bao nhiêu buồn vui sướng khổ, bao nhiêu vinh quang và cay đắng, bao nhiêu dằn vặt và hối tiếc, bao nhiêu tiếng cười và nỗi đau… từ nay tiêu tan trở về với cát bụi, thế là hết! Anh Khải không còn sống trong cõi nhân gian bé tý này nữa! Tất cả đã khép lại, như đôi mắt thông minh nhạy cảm của anh, vĩnh viễn! Thế nhưng, tôi tin có một thứ không bao giờ mất đi, nó còn mãi với thời gian, với lòng người yêu văn chương ở đất nước này, đó là hàng chục tác phẩm gồm truyện ngắn, tiểu thuyết và kịch của Nguyễn Khải.
Với văn tài của Nguyễn Khải, người ta nói nhiều đến Gặp gỡ cuối năm, Thượng đế thì cười… Riêng tôi, tôi cũng thích những tác phẩm ấy, nhưng cái tôi thích nhất lại là những tác phẩm anh Khải viết trực tiếp về đạo Thiên Chúa, đạo Cao Đài, đạo Phật, nghĩa là đề tài tôn giáo, cụ thể là hai cuốn: Xung đột (1959-1961), và Điều tra về một cái chết (1985). Tôi đọc Xung đột từ khi mười hai tuổi, và, tôi bị tác phẩm ấy hớp hồn!
Năm 1963, trong hàng chục cuốn truyện bố mua về cho tôi đầu kỳ nghỉ hè có hai tập Xung đột của Nguyễn Khải do NXB Văn học ấn hành. Tập 1 ra trước tập 2 đúng hai năm, sách mỏng, chỉ có 152 trang 13 x 19; Tập 2 ra năm 1961, 212 trang). Tôi say sưa đọc liền một mạch từ sáng sớm đến khuya hết 364 trang sách. Tác phẩm viết về những người theo đạo Thiên Chúa. Phần lớn họ là những con người lương thiện, hiền hậu, chăm làm, giàu lòng nhân ái, giàu đức tin và… rất dễ bị các thế lực hắc ám lung lạc! Có lẽ chính vì Xung đột viết về nhà thờ mà ấn tượng tác phẩm này để lại trong cái đầu non nớt của một cậu học trò mới mười hai tuổi rất mạnh mẽ, sâu sắc. Trong cái làng Hỗ công giáo toàn tòng ấy, sao mà có những kẻ ác như thế! Họ ác thế mà tại sao những người dân lương thiện trong đó có không ít cán bộ như chị Nhàn, phó Chủ tịch xã cũng có lúc bị mê hoặc, nghe theo?
Quê tôi là xã An Đức, huyện Ninh Giang, Hải Dương, có ba làng và một trại. Ba làng rặt người bên lương. Trại -làng mới lập ven sông của làng Mũa nên gọi là Trại Mũa, cách làng tôi gần cây số- lại toàn những gia đình bên giáo… Gia đình tôi bên lương. Từ bé tý, không hiểu sao tôi rất tò mò, thích nhìn ngắm tháp chuông, giáo đường, thích nghe tiếng chuông nhà thờ Trại Mũa, thích chơi với trẻ con ở đó. Giáo đường Trại Mũa không lớn, xây ở phía trong đê, ven sông Lê – một nhánh của sông Luộc, đổ vào sông Thái Bình – cho nên từ xa đã hiện ra uy nghi đầy sức lôi cuốn. Lớn lên một chút, mỗi lần theo mẹ qua đò sông Lê để sang chợ Bùi, tôi cứ dán mắt vào nóc nhà thờ Bùi Hòa – một công trình kiến trúc rất đẹp ở bên sông, lớn hơn nhà thờ Trại Mũa rất nhiều- mà ngắm nghía, mà tưởng tượng. Tôi nhìn những người ra vào nhà thờ hành lễ hàng ngày ăn mặc rất đẹp như đi trẩy hội mùa xuân, như nhìn vào một thế giới khác, đầy hấp dẫn! Dân quê tôi nghèo, quanh năm lam lũ, ít khi mặc quần áo đẹp như dân bên giáo. Tôi từng xem rất nhiều lễ cưới ở nhà thờ, thuộc làu bài kinh do cha cố đọc với rất nhiều câu hay ý đẹp, là khát vọng của con người. Tôi thường tha thẩn ở các nhà thờ, chạy nhẩy chán thì múc nước mưa ở bể nước mà uống căng phình bụng mới thôi. Sau này, trong những năm Hoa Kỳ ném bom miền Bắc, tôi còn được bố, chú và cô cho đi thăm nhiều nhà thờ: Lớn nhất vùng là nhà thờ Sặt đẹp mê hồn ở thị trấn Kẻ Sặt, kế đến là nhà thờ Ba Đông thuộc huyện Gia Lộc, và tất nhiên có nhà thờ lớn ở trung tâm thị xã Hải Dương. Khi bom Mỹ san phẳng ga xe lửa Hải Dương thì bom rơi trúng nhà thờ lớn, sụp đổ tan tành. Tôi nhìn cảnh tượng tan hoang và bật khóc! Sau này, khi đã in dấu chân khắp Bắc Trung Nam, cũng như trong các chuyến đi công tác ở nước ngoài, tới đâu có nhà thờ là tôi ghé thăm, chụp thật nhiều ảnh. Tôi có một bộ sưu tập cá nhân ảnh của các nhà thờ ở châu Úc, châu Mỹ, châu Âu.. Có lẽ vì khoái nhà thờ nên khi đọc Xung đột, tôi mê say vì tác giả đã miêu tả tường tận về cuộc sống và số phận của những người bên giáo. Tôi đọc say sưa, chỗ nào không hiểu thì hỏi bố, hỏi bác tôi. Hồi ấy mà đã hơn một lần tôi tự nói thầm: sau này lớn lên, nhất quyết mình sẽ viết tiểu thuyết như ông Khải! Khi vào đại học, tôi đọc lại Xung đột cùng tất cả tác phẩm khác của Nguyễn Khải, và cảm nhận được nhiều điều mà thời kỳ mười hai mười ba tuổi mình chưa nghĩ được. Văn chương Nguyễn Khải sắc xảo, giàu chất chính luận kiểu Lỗ Tấn; khi cần thì chỉ vài dòng khắc họa tính cách nhân vật, vài dòng miêu tả bối cảnh sự kiện cũng đủ lột tả sự quyết liệt như chính mối xung đột trong làng Hỗ những năm sau cải cách ruộng đất, bước vào thời kỳ hợp tác hóa nông nghiệp. Đó là giai đoạn nhiều niềm vui mới và không ít bi kịch. “Mọi trật tự cũ bị tháo tung ra, và một trật tự mới đang được tổ chức lại. Những thói quen cũ bị sụp đổ, và những thói quen mới đang hình thành. Phá hủy và dựng xây, chấm dứt và mở đầu…”. Có người bảo tiểu thuyết anh Khải nặng về ký sự, thậm chí họ còn cho là đầy chất báo chí. Tôi không nghĩ vậy. Chất chính luận sắc nhọn, tiết tấu nhanh là lối viết hiện đại của các tiểu thuyết gia đương thời trên thế giới. Mà dù cho là tân văn đi nữa thì ở nước mình, dễ dầu gì có nhiều người viết được như Nguyễn Khải. Nếu tôi nhớ không lầm thì đến năm 1957, Xung đột là tiểu thuyết duy nhất, đầu tiên, viết về đời sống dân sự ở miền Bắc sau chiến tranh, được in từng kỳ trên báo suốt hơn một năm. Năm 1959 tập I in thành sách. Mãi đến năm 1962, Vỡ Bờ tập I của nhà văn Nguyễn Đình Thi mới xuất bản, lại cũng viết về kháng chiến (tập II Vỡ bờ ra năm 1970). Nhấn mạnh điều này để thấy Nguyễn Khải là một trong những người tiên phong viết tiểu thuyết về cuộc sống dân sự đầy vật lộn cam go sau chiến tranh. Tôi nghĩ chính anh, nhà văn Nguyễn Khải đã khai sinh dòng tiểu thuyết viết về những chuyện thường ngày, bám sát các sự kiện nóng hổi, đầy chất trí tuệ, chính luận của văn học Việt Nam.
Mãi đến năm 1983, lần đầu tiên tôi gặp Nguyễn Khải tại thành phố Hồ Chí Minh. Anh để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc! Từ đó, tôi thường có dịp gần gũi anh. Khi nghe tôi nói về tuổi thơ đam mê chiêm ngưỡng nhà thờ, nói về lần đầu đọc Xung đột, Nguyễn Khải cười rất tươi và từ đấy anh thường chia sẻ với tôi nhiều tri thức anh có được về nhà thờ, về các tôn giáo. Sau chuyến đi Hoa Kỳ về, tôi khoe anh những tấm ảnh chụp nhà thờ của chín tiểu bang ở Mỹ. Anh Khải bảo: “Ông nên xuất bản thành sách bộ sưu tập ảnh nhà thờ, đẹp và quý lắm; cũng như ảnh cây xanh thành phố của ông mà tôi rất thích!”. Hồi đó tôi làm việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam, thường trú tại thành phố Hồ Chí Minh, xe cộ để đi công tác rất dồi dào. Tháng nào tôi cũng đi về các tỉnh bốn năm chuyến, từ 15 đến 20 ngày. Chính nhờ làm Đài mà tôi đã lăn lộn được hết các tỉnh miền Nam, thuộc làu tính cách, tập tục, con người, văn hóa ẩm thực các địa phương kể cả hải đảo. Mỗi lần đi xa, tôi thường rủ những bạn đồng nghiệp mà mình quý mến. Một trong những người đó là anh Khải. Giữa năm 1983, tôi mời anh Khải cùng đi huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, nơi có vô số nhà thờ… Hồi đó, chị Liên, Bí thư huyện ủy, sau được bầu vào Trung ương, lên làm việc ở tỉnh, rất quý tôi. Nửa năm sau, anh Khải cho xuất bản tiểu thuyết Thời gian của người. Năm 1984, tôi mời anh Khải đi lên Công ty cao su Tây Ninh. Giám đốc công ty là ông Huỳnh Lân, Tỉnh ủy viên tỉnh Tây Ninh, người đã coi tôi như con của gia đình. Ông Huỳnh Lân đích thân đưa anh Khải và tôi lên thăm Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh. Sau, anh Khải còn đi Tây Ninh một hai lần nữa, và được địa phương nhiệt tình giúp đỡ. Gần một năm sau anh xuất bản tiểu thuyết Điều tra về một cái chết. Anh cho tôi đọc tác phẩm ngay từ khi còn là bản thảo. Với quá trình hình thành hai tác phẩm vừa kể, tôi quan sát cách làm việc, thu thập tư liệu của anh Khải và tôi bị anh thuyết phục về sự lịch lãm khi tiếp xúc với mọi người, lúc nào anh cũng khiêm nhường và điềm đạm, không bao giờ anh lên mặt, đòi hỏi, tỏ vẻ ta đây, ngay cả khi anh được địa phương quý yêu và chiều chuộng. Quan trọng hơn, tôi phục anh về phương pháp tư duy cũng như sự khéo léo khi lồng tư tưởng mà mình tâm đắc vào trong tiểu thuyết. Điều tra về một cái chết ra đời khi mà đối trọng của phe Tư bản, tức Liên Xô, không còn nữa. Có một số ý kiến, nhất là của những người theo Cao Đài kịch liệt phản đối tác phẩm. Rồi tác phẩm rơi vào im lặng, không thấy ai lên tiếng về chủ đích sáng tác của tác giả. Đã hai lần tôi hỏi thẳng anh về điều này, anh chỉ nhìn tôi, cái nhìn rất sâu sắc, hóm hỉnh, và anh chỉ cười! Tôi biết anh Khải không chỉ viết về đạo Cao Đài, đó chỉ là cái cớ, mà anh chú tâm viết về cái cách xây dựng đức tin và sự sụp đổ của một đức tin. Xưa nay, người đọc chưa hiểu hết thông điệp chính yếu của tác giả thể hiện trong tác phẩm cũng là sự thường! Điều tra về một cái chết theo tôi, là một tác phẩm có tầm tư tưởng lớn!
Những nhân vật trong các tiểu thuyết: Xung đột, Mùa lạc, Một chặng đường, Hãy đi xa hơn nữa, Người trở về, Chủ tịch huyện, Chiến sỹ, Cha và con và…, Gặp gỡ cuối năm, Thời gian của người, Điều tra về một cái chết, Vòng sóng đến vô cùng, Một cõi nhân gian bé tí, Thượng đế thì cười, cũng như trong rất nhiều truyện ngắn Nguyễn Khải, in đậm dấu ấn của tác giả, một người thông minh, nhạy cảm, vô cùng sắc sảo và lịch lãm. Anh có đôi mắt rất đặc biệt. Khi quan sát thực tế cuộc sống để làm nên da thịt, hơi thở cho cốt truyện đã hình thành trước đó thì đôi mắt Nguyễn Khải vô cùng nhanh nhạy, nhìn như thấu gan ruột người ta, thấu bản chất của vấn đề. Tôi nhìn vào đôi mắt ấy, khi anh trò chuyện với đồng nghiệp nhỏ tuổi hơn anh, lại thấy lấp lánh sự chân tình, bao dung và luôn luôn khuyến khích, động viên. Khi gặp các đồng nghiệp trẻ, nếu đã đọc họ, anh thường khen họ, và thường là khen quá lời! (Giá như anh đừng khen quá lời thì hay hơn cho người được khen, bởi không ít người được anh khen lại… ảo tưởng). Tôi cũng được anh đọc những thứ mình vừa xuất bản, và anh thường khen bằng những lời mà tôi nghe phải đỏ mặt vì ngượng, dù rất thích. Cũng đôi mắt ấy, khi anh nhìn những đồng nghiệp cùng trang lứa mà hay tỏ vẻ ta đây, tôi thấy rõ sự thương hại và lóe lên cả sự kiêu ngạo. Anh Khải ghét những ai giả dối và hợm hĩnh về tài năng. Anh bảo: Nhà văn chỉ nên nói bằng tác phẩm, qua tác phẩm, ngoài ra, chả cần phải nói gì! Ấy là câu anh nói tại hành lang Hội trường Ba Đình. Hôm ấy, anh Khải, anh Xuân Sách, tôi, Ngô Vĩnh Bình và vài người nữa đang trò chuyện trong giờ giải lao ở Đại hội V, Hội Nhà văn. Có một nhà văn gần bẩy mươi tuổi nói oang oang: “Tôi đang viết sắp xong tiểu thuyết này, tôi đang viết dở tiểu thuyết kia…”. Anh Khải nói nhỏ với chúng tôi: “Mười lăm năm qua còn khỏe mà ông ấy không viết được cuốn nào, nay thất thập, đi đái còn ướt giày thì viết lách gì nữa!”. Và anh nói tiếp như tôi đã dẫn ở trên: Nhà văn chỉ nên nói bằng tác phẩm… Anh ít xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, đi hội nghị, anh thường ngồi hàng ghế chót.
Kỷ niệm mà tôi nhớ mãi là lần đầu tiên tôi gặp Nguyễn Khải, giữa năm 1983 tại phòng làm việc của anh Hà Mậu Nhai, Giám đốc NXB Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh. Hôm ấy, tôi rón rén đến nhận nhuận bút tác phẩm đầu tay: Những người mở đất. Khi viết xong tác phẩm này, tôi đã tự xóa bỏ hai chữ tiểu thuyết và thay vào chữ Truyện. Có lẽ tôi cũng học theo cách Nguyễn Khải. Phần lớn tiểu thuyết của mình, trong lần in đầu tiên Nguyễn Khải chỉ đề là Truyện! Còn một điểm nữa: Nguyễn Khải viết rất ngắn, chỉ từ 150 trang đến 250 trang là cùng. Tôi nói là rón rén đến NXB là nói thật lòng. Bởi vì tôi không hề quen biết ai, không hề được ai nâng đỡ… Đây là tác phẩm đầu tay, viết xong năm 1979 mà đến đầu năm 1983 mới được in (hồi đó việc xuất bản rất khó chứ không như bây giờ!). Hôm đó, nhận nhuận bút xong, đang tính ra về thì tôi nghe ai đó gọi tên. Thì ra anh Hà Mậu Nhai cho gọi tôi lên phòng anh. Một người đàn ông cao lớn, gương mặt nhang nhác một linh mục Thiên Chúa giáo, đang đứng giữa phòng. Tôi bước vào, anh Nhai vui vẻ bắt tay và quay qua nhìn người cao lớn, giới thiệu: Đây là Triệu Xuân, tác giả Những người mở đất mà ông Khải khen đó! Ô! Hóa ra đây là Nguyễn Khải! Người đàn ông tóc hớt cao, đôi mắt sắc, má hóp (hồi đó ai cũng gầy nhẳng) nhưng nụ cười rất hiền phô hàm răng vổ này chính là tác giả Xung đột, tôi đã đọc từ năm mười hai tuổi! Câu đầu tiên, anh Khải nói với tôi: “Sao ông không đề là tiểu thuyết? Mình đọc một mạch, ông viết khéo lắm, tiết tấu nhanh như phim! Cái đoạn ông viết về phẩm chất đảng viên là… bạo lắm, nhà xuất bản ông Nhai cũng to gan lắm!”. Tôi đỏ mặt, ấp úng, chưa biết trả lời thế nào. Một nhà văn lớp trước mà tôi ngưỡng mộ lại đọc mình, đọc rồi lại còn khen mình, lại bảo mình nên đề tác phẩm là tiểu thuyết! Phút bối rối qua mau, tôi bình tâm lại và trò chuyện lưu loát với hai người anh. Mới gặp lần đầu nhưng anh Khải khiến tôi ngỡ như anh là người nhà, thân thiết! Nửa tiếng sau, thấy anh Nhai có khách, chúng tôi chia tay chủ nhà, ra về. Tôi mời anh Khải đi uống bia để ghi nhớ ngày gặp anh. Anh cám ơn, thân mật từ chối và nói thêm: “Nhuận bút được mấy đồng mà bia bọt gì. Mang về nhà cho cô ấy nuôi con!”. Anh Khải dắt chiếc xe đạp sườn ngang cao lêu đêu và đạp băng băng trên đường Lý Chính Thắng.
Tháng 10-1979, nhà văn Nguyễn Khải chuyển cả gia đình vào sống tại quận Tư thành phố Hồ chí Minh, giữa lúc anh đang nổi như cồn ngoài Hà Nội. Đó là thời gian báo chí nói nhiều về anh sau khi sách anh liên tục ra lò: tập bút ký Tháng ba ở Tây Nguyên, tập kịch Cách mạng, tiểu thuyết Cha và con và… Những năm này đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng, chiến tranh biên giới, bị cấm vận, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn. Câu ca Đầu đường đại tá bơm xe… xuất hiện vào thời này. Đại tá Nguyễn Khải không phải đi bơm xe nhưng sống rất chật vật. Anh viết văn bằng tay, thường bò trên phản mà viết. Cuối năm 1983, gặp anh ở cuộc họp cộng tác viên báo Sài Gòn Giải phóng, anh nói nhỏ với tôi: “TX biết không, đêm qua mình thức viết đến hai giờ, đói quá, mờ mắt, phải buông bút đi nằm. Giá mà có được một lát thịt bò bít tết và mẩu bánh mì lúc đó thì mình đã viết xong cái mạch cảm hứng đang trào đến! Tiếc quá!”. Thương thay cho kiếp nhà văn! Chính tôi cũng nhiều lần như vậy. Vậy mà anh Khải vẫn viết đều đều, sách ra đều đều, cái nào cũng ngăn ngắn, dễ đọc, bán chạy. Anh sống giản dị, lúc nào ra ngoài cũng quần tây, thường là quần bộ đội, áo sơ mi trắng ngắn tay, dép rọ có quai hậu. Rất ít khi thấy anh mang giày, và mặc áo sơ mi tay dài, thắt cravat. Anh không nghiện ngập cà phê, thuốc lá, rượu bia, gái gú lại càng không! Uống một chai bia là anh ngừng, sợ say. Thỉnh thoảng anh nể bạn, nhận một điếu thuốc lá, trông anh cầm thuốc hút y hệt khi cầm đũa! Tôi biết anh Khải quý mến và thân tình với nhiều đồng nghiệp trong đó có nhiều người trẻ. Ai cũng bảo anh xứng đáng là người anh: chân thành, bao dung, biết vui mừng cho niềm vui của người khác. Những năm cuối đời, do bệnh tật, do khoảng cách (có thời gian anh về ở quận 12), anh ít gặp gỡ mọi người. Thế nhưng mỗi lần điện thoại với anh, anh em nói hoài không muốn dứt! Tháng Mười 2006, tôi mời anh đến dự Lễ ra mắt Quỹ Phát triển Tài năng Văn học của báo Sài Gòn Giải phóng- do tôi khởi xướng- anh vui lắm. Anh khen tôi hết lời, nhưng vì bệnh nên anh không đến dự được. Đầu Xuân 2007, tôi mời anh đến dự cuộc gặp mặt của Nhóm Văn chương Hồn Việt. Anh trả lời: TX ơi, mình rất phục ông và anh chị em trong Nhóm Văn chương Hồn Việt về tiêu chí giúp nhau sáng tác, cùng nhau làm việc nghĩa. Giá như mình mới ngoài năm chục tuổi, khỏe mạnh, thì mình xin tình nguyện theo Nhóm Hồn Việt!
Mới đó mà đã hai mươi lăm năm, kể từ lần đầu tiên tôi gặp nhà văn Nguyễn Khải! Một phần tư thế kỷ đã trôi qua! Mới đó mà đã đến giỗ Một trăm ngày anh Khải. Đôi mắt anh Khải đã vĩnh viễn khép lại rồi. Đám tang anh tôi chứng kiến từ đầu chí cuối, có hơn hai trăm sáu chục đoàn và cá nhân đến viếng. Tuy không đông về số lượng như một vài đám tang khác, nhưng điều đáng ghi nhận ở đây là: Những người đến viếng rất ít người vì ngoại giao, vì nghi lễ, mà hầu hết là vì thương nhớ anh, qúy trọng anh, đau buồn khi anh qua đời. Anh Khải đã sống và sáng tác hết mình, với cả tấm lòng thành luôn hướng về nhân dân, về dân tộc và đất nước. Những tác phẩm của anh để lại là tài sản quý giá của nền văn học, văn hóa Việt Nam.
Thành phố Hồ Chí Minh, tháng Ba năm 2008
Hoàng Đình Quang
Do sự phân công của Hội nhà văn, tôi và Triệu Xuân được chỉ định thay phiên nhau ngồi thường trực đón những đoàn thể và cá nhân đến viếng nhà văn Nguyễn Khải, tại đám tang ông vào các ngày 16-17/01/2008. Công việc nhiều quá, bận bịu thế, ngồi đấy mà như lửa đốt, nhưng chúng tôi vẫn làm tròn bổn phận của mình. Sau 3 ngày tang lễ, tôi lại thấy trong đầu ốc xuất hiện những cảm giác lạ, cảm thấy mình như vừa có một chuyến đi thực tế, không kém phần phong phú và nghĩ ngợi.
***
Gần đây, nhiều nhà văn ra đi quá, mà toàn những người tiếng tăm, có cảm giác là vơi đi mất một góc chiếu. Trong số ấy, tôi muốn nói đến Trần Quốc Thực, một người từ biệt thế giới này vào những phút cuối cùng của năm 2007.
Tôi với Trần Quốc Thực là bạn, nhưng không thân. Năm 1990, tôi ở Hà Nội khá nhiều. Lúc đó Hà Nội chưa đông như bây giờ, và Văn Miếu – Quốc tử giám còn rất hoang phế. Hàng bia tiến sĩ bỏ hoang, tôi vào một cách tự nhiên, và những con rùa đá cụt đầu cùng với phân chó và phân người rải rác. Tôi gặp Trần Quốc Thực trong bầu không khí như thế. Thực rủ tôi đến 19-Hàng Buồm (trụ sở Hội Văn Nghệ Hà Nội và báo Người Hà Nội lúc bấy giờ) để lấy tiền nhuận bút 2 bài thơ của anh rồi đi uống bia hơi. Thực rủ tôi về nhà anh ăn cơm, nhưng tôi ngại nên thôi. Tôi nhớ, lúc đó đang có dư luận về việc xét giải Văn học năm 1990. Thực có tập thơ Miền chờ mỏng thôi, nhưng có nhiều tìm tòi, nên cũng hy vọng. Chúng tôi xôn xao lắm. Không khí thì nghèo nàn, nhưng thơ ca thì sôi động. Năm ấy, Nguyễn Quang Thiều với chiếc xe đạp cuốc Liên Xô và tập thơ Ngôi nhà tuổi mười bảy, đã chủ trì một đêm mạn đàm thơ của Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc bộ tốn mất mấy con ngan và 20 lít rượu trắng. Trần Quốc Thực rủ rỉ thuyết phục tôi: thơ phải thay đổi. Tôi ậm ừ, nhưng thấy mình không thể theo được thơ nữa rồi.
Sau này có nhiều lần gặp nhau, nhưng chúng tôi không bàn gì nữa, Thực như một đạo sĩ, chậm chạp, mệt mỏi. Gần đây nhất, với đôi mắt buốn bã, Thực nói với tôi: Quang gửi ra một chùm thơ nhé. Tôi cười: có biết làm thơ nữa đâu! Và thôi. Cho đến khi nghe tin anh ra đi…
Năm ấy, tôi về Sài Gòn in xong tập Nói thầm thì thôi, không làm thơ nữa và chuyển hẳn sang viết văn xuôi.
Tôi viết truyện ngắn rất nhanh, hơn chục truyện ngắn ra đời chỉ trong vòng một năm (in thành tập Mùa chim ngói). Tiểu thuyết cũng nhanh, Những ngày buồn chỉ trong 2 tháng. In trên báo Văn Nghệ, tạp chí VNQĐ… hay hay không, chưa dám nghĩ, nhưng bạn bè và đặc biệt các bậc thầy, đàn anh nhắc đến. Tôi nhớ là Nguyễn Quang Sáng gọi cho tôi chỉ nói mỗi một câu: Mày viết cái Mùa chim ngói được quá! Lê Văn Thảo thì khen Cái roi. Và… Nguyễn Khải! Tôi chưa gặp ông bao giờ, cho đến khi tôi đánh bạo gõ cửa nhà ông, tặng ông cuốn tiểu thuyết vừa in xong. Tôi nghĩ tặng thế thôi, chắc gì ông đã đọc. Nhưng không phải, mấy tháng sau ông gặp tôi và nói: cứ thế mà viết! Có điều, người “anh hùng” hơi có vẻ không tưởng ! Khi cuốn tiểu thuyết ấy được giải thưởng, nhà văn Trần Quốc Toàn về nói lại cho tôi nghe: Nguyễn Khải bảo: thằng này được giải oan ! Tôi không hiểu thế nào. Sau này, được họp cùng chi bộ, ngồi cạnh ông, tôi định hỏi, nhưng không dám, cho đến hôm nay, khi ông mất.
***
Ngồi thường trực ở đám ma ông, tôi thấy nhiều người nói: Nguyễn Khải đã rút ruột ra nói với tôi… Hoá ra, ai cũng thế, nói chuyện với Nguyễn Khải, luôn có cảm giác được ông trút hết cả ruột gan cho mình xem. Tôi rất liều, bạn bè ở đâu xa, muốn đến gặp Nguyễn Khải, tôi đều đưa đến và được ông… rút ruột cho nghe, về chuyện đời, chuyện nghề. Phạm Quốc Ca từ Đà Lạt xuống, tôi đưa đến, Nguyễn Khải tiếp chúng tôi có cả bia và thuốc lá Jet (ông hút loại khá nặng). Có một người bạn tôi, đọc bài ký của ông về dâu tằm Lâm Đồng, muốn hỏi cách đưa người nhà ở quê vào, tôi cũng đưa đến gặp Nguyễn Khải, và ông cũng tiếp một cách nồng ấm… Tôi chưa bao giờ được nghe Nguyễn Khải khen tôi, nhưng một người khác kể lại, ông nói về tôi: nó (và hai thằng nữa) viết truyện ngắn khá ở trong Nam (thời điểm năm 1995). Điều này tôi quý hơn những giải thưởng.
Một lần, giữa những năm đổi mới sôi nổi (và toàn diện) tôi đến thăm ông và hỏi: “Người ta đang bàn luận um sùm về lý thuyết văn chương, theo anh thì nên theo lý thuyết nào?”. Ông vừa pha nước vừa nói, hình như với cái xuyến chứ không phải với tôi (nguyên văn): Làm thằng nhà văn thì làm chó gì có lý thuyết, trông nhau mà viết! Tôi im lặng và xem đây là bài học cơ bản và cụ thể mãi mãi trong đời viết của mình! Tôi chắc sẽ không đủ can đảm để đi tiếp bước đường văn, nếu không nhận được bài học này của ông.
***
263 đoàn, tập thể và cá nhân đến viếng và gửi vòng hoa đến đám tang Nguyễn Khải, tôi tỉ mận chọn ra:
Chủ tịch quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban tuyên huấn trung ương Tô Huy Rứa, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân gửi vòng hoa. Bí thư thành uỷ gửi vòng hoa, do phu nhân bí thư đem tới viếng.
Cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi vòng hoa và đứng gần 1 tiếng đồng hồ từ lúc 5:30 AM ngày 18 để dự lễ truy điệu.
Có những bức điện hoa, điện chuyển tiền (cao nhất là 1triệu đồng) gửi đến. Bà con láng giềng của ông Khải ở quận 4, TP HCM và nhiều người hàng xóm của ông ở bãi Phúc Xá – Hà Nôi từ hơn 30 năm về trước, người vào đây thì đến viếng, người ở xa thì gửi hoa…
Hoá ra ông không có nhiều bạn văn: chỉ độ hơn 30 người! Trong số bạn cùng thời, tôi thấy có Nguyên Ngọc, Trần Kim Trắc, Đoàn Minh Tuấn… đến viếng, còn lại gửi vòng hoa. Bạn văn lớp trẻ hơn cũng ít quá. Hội văn nghệ địa phương chỉ có Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồng Nai.
Trong số này, có nhiều bạn ông (già như ông hoặc hơn kém vài tuổi) làm đủ thứ ngành nghề, xa lạ với văn chương nghệ thuật, lại thường hay có mặt ngày đêm, và tiện đưa ông đến tận miệng huyệt. Bác sĩ, nhà giáo, hội người tiêu dùng, ngân hàng… và cả những người làm nghề gì đó mà không ai biết… (nhà văn Ngô Vĩnh Bình thống nhất với tôi: những người ất ơ). Số này đến quá nửa!
Sao thế nhỉ? Cuộc đời ông có cái gì đó chênh vênh với nghiệp dĩ chăng?
Nguyễn Khải có 60 năm tuổi Đảng, có Huân chương Độc lập Hạng nhì, có quân hàm Đại tá, là đại biểu Quốc hội, có người đọc sách, mua sách của ông… Các con ông thành đạt, giàu có hàng đại gia.
Trong số các nhà văn Việt Nam, số người tài mà thành đạt và yên ổn, được tôn vinh, được trọng dụng như Nguyễn Khải, có lẽ đếm không quá số ngón tay của một bàn tay!
Phải chăng, trong con mắt của các nhà văn, những bạn văn lớn nhỏ thì: một người tài, không được phép thành đạt? Và ngược lại: anh không thành đạt vì anh có tài? Anh thành đạt vì anh không có tài?
Văn chương Nguyễn Khải nặng về lý.
Ôi! Chân lý hay nghịch lý đây?
Hoàng Đình Quang
RỒI THẾ NÀO TÔI CŨNG CÒN VIẾT VỀ NGUYỄN KHẢI
Nguyễn Khải viết thư cho một người bạn:
“Người làm sao, văn làm vậy. Tôi quen sống trong nhân nhượng, trong dàn hòa, bằng lòng với chút hạnh phúc bé nhỏ, bằng lòng với cái hữu hạn của một kiếp người, nên văn cũng thế, thiếu triệt để, thiếu quyết liệt, không dám đi tới cái tận cùng. Bởi thế nên không thể “lớn” được, cái mà Lê Đạt bảo là “hình như còn thiếu một cái gì đó”. Một đời đã sống như thế, chỉ còn vài năm thì làm sao sống khác được. Sống không khác, thơ văn làm sao mà khác!”. Đọc lại một lá thư của Nguyễn Khải – Báo Mới.com
Tri âm tri kỷ, hiểu Nguyễn Khải hơn cả có lẽ là Nguyên Ngọc chăng?
Nguyên Ngọc đậy nắp quan tài định luận Nguyễn Khải:
“Cách đây mấy tháng, lục lại một số tài liệu cũ, tôi tình cờ tìm thấy cái thiếp mời đám cưới của anh Khải và chị Bắc, một cái thiếp thời ấy in mực tím trên một mẩu giấy nhỏ bằng hai ngón tay. Tôi đã định mang tặng lại anh chị, vậy mà không kịp nữa rồi! Khải ơi, còn biết bao nhiêu kỷ niệm giữa chúng ta, cả yêu thương và giận hờn nhau nữa có lúc, đều quí vô cùng, vô cùng. Khải ra đi, hôm nay tôi chỉ viết được có mấy dòng này. Rồi thế nào tôi cũng còn phải viết về nhau nữa, bạn ạ. Mỗi chúng ta chỉ nhỏ nhoi thôi trong lịch sử rộng lớn. Nhưng, tôi tin vậy, những người sống trung thực, bao giờ cũng là một phần dù nhỏ nhưng không thể thiếu trong bức tranh toàn cảnh của cả một thời. Mà sự nghiệp sáng tác, cũng là tư tưởng của Khải, thì không nhỏ chút nào.“
Tôi biết ơn nhà văn Nguyên Ngọc đã nói hộ lòng mình . Tôi noi lời Thầy. Rồi thế nào tôi cũng còn viết về Nguyễn Khải,
Nguyễn Khải ngọc cho đời.
Hoàng Kim
Xem thêm
Con trai Nguyễn Khải ấp ủ giải thưởng văn học mang tên bố
Nhà văn Nguyễn Khải: Bớt tham thì sẽ tốt lên thôi
Video yêu thích
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam
Trở về trang chính
Hoàng Kim, Ngọc Phương Nam, Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Học mỗi ngày, Danh nhân Việt, Kim on Twitter, Kim on Facebook, Food Crops News, CassavaViet, foodcrops.vn Số lần xem trang : 22452 Nhập ngày : 01-07-2013 Điều chỉnh lần cuối : Ý kiến của bạn về bài viết này
CNM365 Tình yêu cuộc sống CNM365 Chào ngày mới 12 tháng 2(12-02-2020) CNM365 Chào ngày mới 11 tháng 2(11-02-2020) CNM365 Chào ngày mới 10 tháng 2(10-02-2020) CNM365 Chào ngày mới 9 tháng 2(09-02-2020) CNM365 Chào ngày mới 8 tháng 2(09-02-2020) CNM365 Chào ngày mới 7 tháng 2(07-02-2020) CNM365 Chào ngày mới 6 tháng 2(06-02-2020) CNM365 Chào ngày mới 5 tháng 2(05-02-2020) CNM365 Chào ngày mới 4 tháng 2(04-02-2020) CNM365 Chào ngày mới 3 tháng 2(03-02-2020) Trang kế tiếp ... 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86
|