TS. Hoàng Kim
HỌC MỖI NGÀY. Việt Quỳnh. Một Nguyên Ngọc thanh xuân trong bút ký Tây Nguyên. đăng trên Thể thao & Văn hóa. Ai muốn đắm chìm giữa hồn hoang Tây Nguyên mà chưa thể bước chân đến mảnh đất này, có thể mượn cuốn bút ký Các bạn tôi ở trên ấy (NXB Trẻ, 2013, ảnh bìa cuốn sách). của nhà văn Nguyên Ngọc để thỏa nỗi ước mong.
Nhà văn Nguyên Ngọc, người đã ghép tên mình với Tây Nguyên bằng tài năng văn chương cùng tình yêu mê đắm (xem tiếp....).
Nhạc trầm trong cõi lòng
24 bài ký về Tây Nguyên, như 24 nốt nhạc trầm lắng trong cõi lòng ông, giữa bao dùng dằng nửa ở nửa đi từ khi tóc còn xanh, gương mặt còn trẻ, nụ cười còn tươi roi rói. Nhiều nhà văn - thế hệ đàn em, đàn con, đàn cháu của nhà văn Nguyên Ngọc - đã theo chân ông đến với mảnh đất này, rồi say mê theo và viết.Lạc rừng của nhà văn Trung Trung Đỉnh, cũng gợi lên nỗi nhớ Tây Nguyên mà trong các câu chuyện kể, kiểu gì cũng nhắc đến tên “anh cả”.
Mê Tây Nguyên, sau Nguyên Ngọc, có Trung Trung Đỉnh. Cả hai ông, thi thoảng chợt nhớ gọi điện hỏi han, giữa sóng điện phập phào, tiếng được tiếng mất, thể nào cũng thấy nhắc đang uống rượu với bà con trên ấy. Không còn nhiều dịp anh em đi cùng nhau, mà vẫn dừng chân ở chốn quen, nơi con người sống với nhau bằng cái tình trọn vẹn.
Nhà văn Nguyên Ngọc viết về Tây Nguyên, không chỉ dừng lại việc phác thảo vẻ đẹp thiên nhiên, không gian văn hóa, lòng người chân thành, để bạn đọc có thể mường tượng được theo hình dung địa lý và nét ký, mà ông thổi vào đó góc riêng trong tâm hồn mình. Nhẹ nhõm mà sâu lắng.
Trong một đêm, nơi nhà rông, “hầu như cả làng đều có mặt, các cụ già, con trai, con gái, trẻ em” ngồi quanh bếp lửa để nghe “Một ông già quắc thước, tóc ngắn, râu quai nón, đẹp như một dũng sĩ trong các trường ca hùng vĩ của Tây Nguyên” kể sử thi, nhà văn đã để trái tim mình đắm chìm theo từng xúc cảm. Khi đọc bút kýNhững chiều kích của rừng, có thể hình dung ra một ông già người Kinh nhỏ bé, tóc ngắn bạc, mặc đồ giản dị, ngồi co chân để cằm tựa vào, hai bàn tay đan ngón nhẹ vào nhau ngồi trong góc nhà sàn, rung động theo từng nhịp thở đêm, những tiếng nói cười đùa se sẽ, tiếng rì rầm chuyện trò nương rẫy rừng hoang mùa vụ ngày thường, tiếng hát vút cao của niềm yêu sáng bừng từ bên trong một sơn nữ rồi vụt tắt. Ông tựa hồ nhắm mắt, để tập trung toàn tâm ý vào các chuyển động tế vi của cõi người đang xoay chuyển xung quanh ông, nhận thức tinh tế cùng tỉnh táo, ông khắc sâu chúng không phải vào não, mà là rung động nhịp co thắt tim, để khi ngồi trước trang giấy hoặc màn hình máy tính, chỉ cần một thoáng hình dung, những hình ảnh lung linh xen kẽ bao âm thanh hoang u đó, tràn ra, tạo thành muôn câu văn đặc sánh ngọt ngào.
“Không có nhạc cụ nào đệm theo lời kể, nhưng vẫn là có nhạc đấy. Đúng hệt như khi ta nghe nhạc giao hưởng, hết một chương là một khoảng lặng khá dài, và ta sẽ rất ngạc nhiên thấy mọi người vẫn im phắc khi ta lại tưởng câu chuyện đã kết thúc, bản giao hưởng đã hết và suýt chút nữa đã vội vỗ tay”. (Những chiều kích của rừng, Tr.15)
Hồn nhiên thanh xuân
Vì sao mà Nguyên Ngọc lại mê say Tây Nguyên đến thế? Phải chăng đến đó, ông gột rửa được bụi bặm bon chen nặng nề phố thị, để khoác lên mình chiếc áo hồn nhiên thanh xuân. Tuổi tác, thời gian có thể làm phai nhạt tóc xanh và bàn tay nhăn nheo lấm chấm vệt đồi mồi, nhưng lại không làm già nua mỏi mệt đi tình yêu thương giữa người và người mà chỉ có người mới mang lại được cho người toàn vẹn.
Những dòng ký của Nguyên Ngọc đẹp mong manh mơ hồ long lanh như bức tranh tâm trạng vẽ muôn giọt sương mai, đọng trên ngàn đầu lá cỏ xanh thẫm, giữa bình minh đang lên trên cửa rừng. Nhà văn đi chầm chậm từng bước, nhận thức từng chỗ đặt chân sao cho không lay động vào thảm thiên nhiên xanh thẳm. Hòa mình vào không gian thâm u nhưng không để vì bản ngã mà làm vướng bận, phai mỏng sắc nắng tươi.
Các ban tôi ở trên ấy là ai?: Núp, già làng của cả Tây Nguyên; Tháng Ninh Nông; A Bốc ở Mường Hon; Người hát rong giữa rừng; Người nghệ sĩ vô danh đã sinh ra cây K’Nia; Người về Kônh Chro… Hay những giá trị văn hóa có được từ lòng người?: Tượng gỗ rừng già; Hiền minh của rừng; Nước mội, rừng xanh và sự sống; Nhà rông, hồn của làng; Sáu linh hồn của người Xteng, Lễ thổi tai và rượu cần. Tản mạn nhớ và quên; Sấm và Sét, Đàn ông và Đàn bà, lạ lùng Gia Rai…
Nhiều câu chuyện mà Nguyên Ngọc kể trong Các bạn ở tôi trên ấy, là những nỗi lòng, tư tưởng mà nhà văn mong bày tỏ. Có khi, đong đầy nỗi niềm trắc ẩn, nhưng lắm lúc lại đơn giản như việc nhớ hay quên trong tâm trí con người:
“Hình như trong cái trò chơi kỳ diệu này của con người Tây Nguyên đối với sự sống có một triết lý nào đó thật uyên thâm. Nhớ và quên, ngẫm mà xem, phải chăng nói cho cùng đó là hai lẽ sinh tồn tuy hai mà một, hai mặt chủ yếu không thể tách rời của công cuộc làm người ở đời. (…) Cuộc đời này, phải chăng lắm lúc đáng quên biết bao nhiêu, quên phứt đi cho rảnh, cho rồi, mà ngẫm cho cùng cũng lại đáng sống để mà nhớ lấy biết bao nhiêu” (Lễ thổi tai và rượu cần. Tản mạn nhớ và quên. Tr.312)
Lễ thổi tai và rượu cần
(Tản mạn nhớ và quên)
Nguyên Ngọc
Trong bài viết này có sử dụng một số tư liệu của Jacques Dournes
Nếu bạn có dịp đến Tây Nguyên, và đừng có bị cuộc làm ăn bây giờ lúc nào cũng lôi kéo con người ngược xuôi tất tả, như có người nói, hãy "thoải mái một chút, hồ đồ một chút", dám vứt đi mọi lo toan gẫm cho cùng cũng chẳng có gì là nghiêm trọng ghê gớm lắm đâu, bạn nán lại ở chơi với Tây Nguyên dăm ba bữa, được mươi ngày nửa tháng càng hay, thì cũng chẳng cần chăm chú lắm đâu, bạn sẽ nhận ngay ra điều này : người đàn ông Tây Nguyên rất thích lang thang. Tôi có anh bạn rất giỏi và rất thích xem tử vi. Giá anh ấy có dịp lập tử vi cho tất cả đàn ông Tây Nguyên, tôi tin chắc lá số nào của họ cũng có một chữ "Lữ" to tướng. Lữ hành. Đàn ông Tây Nguyên, đó là những chàng lữ khách không biết mệt chán, suốt đời. Ở Tây Nguyên, có một phong tục rất thú vị : khi đứa bé trai sơ sinh vừa tròn tháng, người ta đặt nó nằm trên một chiếc chiếu giữa sàn nhà và vứt cạnh nó ba vật tượng trưng : một con dao, một mẩu gỗ nhỏ và một cây gậy. Đứa bé sẽ quờ tay chạm vào một trong ba vật ấy. Nếu chạm đúng con dao, mai sau nó sẽ là một chiến binh dũng mãnh; chạm phải mẩu gỗ (tượng trưng cho chiếc gậy chỉ huy) nó sẽ trở thành một thủ lĩnh lớn. Còn đứa nào chạm phải cây gậy thì chắc chắn sẽ trở thành một khách lữ hành miệt mài, mãi mãi lang thang trên những nẻo đường bất tận, đi tìm những điều tốt lạ của cuộc đời. Tất nhiên Tây Nguyên không thiếu những chiến binh anh hùng và những thủ lĩnh lừng danh. Nhưng người ta bảo, bọn bé trai sơ sinh, chúng nó mới tròn tháng tuổi mà đã sớm láu thế, hầu hết chúng nó đều nắm chặt lấy cây gậy, nhiều khi gỡ mãi cũng chẳng chịu buông ra ! Tôi cũng có một anh bạn thân người Gia-rai ở tít một làng rất hẻo lánh, mỗi lần lên Tây Nguyên thế nào tôi cũng cố tìm đến tận nơi thăm anh. Ấy vậy mà mươi lần, may lắm chỉ một hai lần anh có nhà. Còn thì lần nào cũng thế, chị vợ anh buông chiếc chày giã gạo hay dừng tay đang trộn men rượu cần trên chiếc nong tròn đan khéo như một tác phẩm nghệ thuật, ngửng lên lắc đầu: "Y Yơn hả? Vô trong rừng mà tìm. Đang làm rượu cho nó về uống đây này!"
Biết tìm ở đâu bây giờ, Tây Nguyên nơi đâu chẳng là rừng ! Người đàn ông Tây Nguyên suốt đời ở trong rừng, hoặc đuổi theo một con thú, hoặc lần vết một đàn ong mật, hoặc lặn lội ngược những con suối đá lởm chởm và trơn trợt truy tìm tung tích một con cá chình núi, hay loay hoay chặt cây vác đá chặn đứng cả một dòng suối lại để tát cá, hoặc mải miết đuổi theo một con lợn rừng, một con kỳ đà, một con cúi, một con chuột... Hoặc mải mê đi tìm một cây gỗ đẹp để làm tượng, tít tận trong rừng thẳm hay trên một đỉnh núi dốc ngược. Hoặc cũng không ít khi ở trong nhà, nhưng là nhà... một người họ hàng, một người bạn cố tri, hay cũng rất có thể một người bất kỳ nào đó cũng đang lang thang như chính anh ta, mới cùng nhau đánh bạn trên đường, tận một làng không tên xa lơ xa lắc, la đà tán gẫu và hút rượu cần. Và lúc ấy thì chẳng còn cần biết trời đất là gì nữa, chẳng còn cần biết là đang ở trong không gian, thời gian nào nữa, cũng chẳng thèm nhớ đường về. Lúc ấy là cuộc lữ hành đã chuyển sang một thế giới khác, một không thời gian khác, thế giới và không thời gian của quên, mà xin bạn đọc chớ sốt ruột, chốc nữa đây tôi sẽ cố nói rõ hơn cùng bạn.
"Định mệnh" của người đàn ông ở đây là thế. Họ là ở bên ngoài, là thuộc về ngoại giới, ở ngoài ngôi nhà của họ, gia đình họ, ở nơi mà theo một nghĩa nào đó, con người không thật sự còn có "trách nhiệm" nữa, hay ít ra đã nhẹ trách nhiệm đi rất nhiều. Như vậy bạn thấy đấy, ở Tây Nguyên người đàn ông, người cha là bên ngoại chứ không phải bên nội. Con cái không theo dòng máu của cha, không sinh ra cùng với tên họ của cha. Ở đây cội rễ của sự sống không phải là người đàn ông. Người đàn ông chẳng là gì cả trong dòng chảy liền mạch vô thủy vô chung của các thế hệ. May lắm thì anh chỉ là một cái thúc đẩy nào đó, một cú hích nào đó trong cơ chế tiếp nối thiêng liêng ấy, chứ không phải là gốc rễ, cội nguồn quyết định của nó. Đứa con có thể không có cha, chứ không bao giờ không có mẹ.
Ở đây người đàn bà mới là bên nội. Bà ở bên trong, là nội giới, là nhân tố quyết định của sự nội sinh, là chủ nhân đích thực của dòng chảy. Cho nên bà là người chủ của sự sống, người chủ của gia đình, là cội rễ, là rường cột. Chính bà giữ sự ổn định cho cuộc sống. Chính người đàn bà truyền dòng máu của mình cho các thế hệ nối tiếp, tức chính bà là người giữ bền chặt "chương trình" của sự sống, để cho sự sống không bị đứt đoạn, không bị "quên".
Cho nên, nói theo nghĩa sâu nhất, người đàn ông là quên, còn người đàn bà là nhớ. Bà giữ bền cái nhớ cho giống nòi.
Ở Tây Nguyên, một đứa bé lọt lòng mẹ ra vẫn chưa phải là một con người. Người ta phải thổi linh hồn vào cho nó thành người. Thổi vào đâu ? Thổi qua lỗ tai. Vì thế mà có lễ thổi tai cho đứa bé sơ sinh. Người thổi tai bao giờ cũng là người đàn bà, đương nhiên phải là như vậy, bởi như đã nói, chỉ có bà mới giữ giềng mối của sự sống kia mà. Người đàn bà thổi tai thường là một bà đã đứng tuổi - để cho cái nhớ được bền chắc chăng ? - bà cầm một cuộn chỉ bông, lấy ra từ chiếc xa quay, phun gừng mà bà đã nhai nát vào đó, rồi thổi bảy lần vào cuộn chỉ đặt sát vào tai đứa bé. Vừa thổi vừa khấn :
hluh amang adung
rhung anang tongia
bbèt rosung roya
tongia gah iao
honing ko brua'
tongia gah hnua'
honing ko hmua
|
thông lỗ mũi
tinh lỗ tai
phun gừng
tai trái
nhớ lấy công việc
tai phải .
nhớ lấy ruộng rẫy
|
Làm người, hãy nhận lấy hồn người đây
Con trai
Phải nhớ lấy cái cuốc
Phải nhớ lấy cái rìu
Phải nhớ lấy cái giáo giữ làng
Cái ná và ống tên.
Con gái
Chớ quên chiếc xa cán bông
Cái go dệt vải
Chớ quên cái yết làm cỏ
Cái gùi suốt lúa
Giọt nước đầu làng
Và bếp lửa ủ ấm mẹ cha...
Bạn thấy chưa, từ "nhớ" được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, và cơ quan của sự nhớ, cũng tức là của sự hiểu biết, thông tuệ, con đường đi vào của linh hồn, chính là lỗ tai. Ta có thể hiểu đối với những dân tộc chưa có văn tự, lời nói, sự nghe và cái nhớ quan trọng đến chừng nào. Nhớ chính là sống, bởi vì sống bao giờ cũng có nghĩa là sống cùng, nhớ có nghĩa là biết rằng mình là một khâu, một mắc xích không thể tách rời trong dòng chảy không bao giờ dứt nối tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác, đến vĩnh hằng.
Lại còn một điều này phải chú ý nữa : trong tất cả các nghi lễ, người cầu khấn bao giờ cũng là người đàn ông. Duy có trong lễ thổi tai, lễ truyền cái nhớ, tức sự sống cho sinh vật vừa sinh ra được chính thức thành người, người cầu khấn là người đàn bà.
Bà là người tuyên ngôn sự sống, bà nắm giữ bộ nhớ muôn đời của sinh tồn.
Vậy mà, các bạn nghĩ Tây Nguyên có lắm điều kỳ không, nhân vật giữ chức năng thiêng liêng duy trì cái nhớ cho giống nòi đó, đồng thời cũng tác giả chế ra thứ thuốc quên kỳ diệu nhất của Tây Nguyên : rượu cần.
Bạn có muốn biết cách thức một người đàn bà Tây Nguyên chế biến rượu cần không ? Đấy là cả một giả kim thuật bí hiểm, hoặc cũng rất có thể là một trò phù thủy không hơn không kém.
Rượu cần được làm bằng những thứ thông thường nhất trong đời sống hàng ngày : gạo, ngô, sắn, hoặc một loại ngũ cốc nào đó, người ta bảo ngon nhất là rượu kê..., tất cả được nấu chín, giã nát ra, vê thành những viên nhỏ. Và trộn với men.
Tất nhiên toàn bộ vấn đề là ở men.
Men được chế bằng những thứ thảo mộc đặc biệt có khi là lá, có khi là rễ, cũng có khi là vỏ cây. Cây gì ? Bí mật. Chỉ có đàn bà biết, và chúng đều mọc trong rừng rất sâu nơi, như người ta nói, là chốn cư trú của các cô gái-rừng, nửa là người nửa là thần linh và chức năng chủ yếu là mê hoặc con người. Hoặc đúng hơn, dắt dẫn con người vào một thế giới khác cái thế giới quá ư nhàm chán hàng ngày này của chúng ta. Một số nhà khoa học có lần đã lén men theo dấu vết các bà đi lấy vật liệu làm men trong rừng. Họ thử hái một số lá, rễ, vỏ cây đó, và đã đem tra cứu, đối chiếu trong các từ điển bách khoa thực vật học uyên bác nhất. Họ nhận ra và xác định được tên khoa học của một số loại cây ấy. Phần lớn đó là những loại cây độc dược. Chỉ có điều khi họ đem về trồng trong các vườn của họ thì chúng đều mất hết tác dụng, có trời hiểu được vì sao ! Phải là hái tận trong rừng sâu, và tự tay các bà hái và pha chế kia. Đã bảo đây là các nữ phù thủy mà lại !
Bột gạo, ngô, kê hay sắn trộn với thứ men tinh quái đó được ủ trên những chiếc nong phủ kín lá chuối trong ba đêm liền. Trong ba đêm ấy, như một đoàn âm binh bí ẩn, men ngủ say. Đến ngày thứ ba, người đàn bà sẽ sàng mang nong ra đến cửa nhà, và đánh thức men dậy :
ru' togu',
togu' be'
dih pit tah
swaih yoh!
|
dậy đi, nào men
nào, dậy đi
ta ngủ say rồi
giờ dậy thôi nào !
|
Ân cần, nâng niu như người mẹ đánh thức đứa con ngoan ngoãn, hiền lành. Nhưng xin chớ vội nhầm. Bởi vì ngay sau đó, đột ngột là những lời "giao nhiệm vụ" ghê gớm này cho đoàn quân men hóa ra là rất ma quái này của các bà :
co topai ne'
potah phun céh
éh phun topai
rokoi toh toại
bonai yeih eng !
|
này men hãy khiến
cho nôn tại ghè
cho ỉa tại chỗ
đàn ông cởi khố
đàn bà tụt váy !
|
Vẫn chưa vừa đâu. Bà lại tiếp tục khấn, bây giờ là khấn thay cho người đàn ông sẽ uống rượu do tay các bà chế ra :
o yang pap ko kau
o yang roi ko ka
kiang ko jorok sang arang
kiang ko dih bonai arang ! ...
|
lạy thần, xin thương tôi
lạy thần, xin ban cho tôi
được lạc vào nhà người ta
ăn nằm với vợ người ta !...
|
Trên khắp thế gian, có ở đâu người ta trao cho rượu những "chức năng" ghê gớm như vậy không ? Và lại chính là người đàn bà trao. Chỉ người đàn bà làm việc ấy. Đàn ông tuyệt đối không bao giờ đụng tay vào việc pha chế rượu cần. Đây là lĩnh vực riêng, thế giới riêng, bí quyết riêng, quyền lực riêng của các bà.
Trước khi đổ tất cả cái món thuốc độc kỳ lạ ấy vào ghè, người đàn bà còn bưng lấy chiếc nong mà quay tròn, hoặc đi vòng tròn quanh nong, vừa đi vừa như múa, để làm cho chất say của bà càng khiến người ta chóng mặt quay cuồng hơn. Và rồi người ta xếp các ché rượu được ủ kín, các quả bom nổ chậm đáng sợ mà xiết bao hấp dẫn, say mê ấy dọc theo vách nhà hoặc cũng có khi treo chúng lên trên các xà dọc vách... cho đến khi chúng được trân trọng bê xuống, buộc vào cột nhà, mở lớp lá phủ miệng, đổ nước, cắm cần vào... Và cuộc la đà bất tận của các ông và cả các bà nữa bắt đầu...
Cho đến tận lúc ấy, người đàn bà phù thủy vẫn chưa chịu tha đâu. Bà còn tiếp tục khấn :
Co topai ne'
Momih phi momih
Coddang mang tongia
Wor toco hia
Wor tona asoi ko ung sang !
|
này hỡi men say
hang ngọt đắng cay nồng
nẻ cả lỗ tai
quên cả cháu khóc
quên cả nấu cơm cho chồng !
|
Tất nhiên là "quên cháu khóc" và "quên nấu cơm cho chồng" rồi. Đến khố váy cũng còn chẳng thiết nữa là ! Bây giờ đã là một thế giới khác, một vũ trụ khác, ở đó mọi cấm đoán, kiêng cữ, luật lệ thường ngày đều vô nghĩa, mọi sự đều được phép. Lẫn lộn tất cả. Đảo lộn tất cả. Xóa nhòa tất cả. Các thân hình xáp vào nhau... Và ở Tây Nguyên, trong các cuộc say này, có một nguyên tắc nhất thiết phải theo : mọi người phải cùng say, không còn ai được tỉnh, không còn nhân chứng tỉnh táo nào nữa. Tất cả cùng đi vào một thế giới khác với những quy luật khác : thế giới nơi ngự trị các quy luật của quên.
Một nhà dân tộc học có được nghe một người Gia- rai kể lại câu chuyện thú vị sau đây về rượu cần :
Một lần có anh chàng đi uống rượu ở nhà bạn về, say mèm, một mình trong đêm. " Sợ gì chứ ? Gặp một con voi hay một con tê giác, ta sẽ đánh tuốt ! " Anh hét tướng lên giữa rừng. Đã say mà lại, anh ta chẳng còn biết sợ gì cả. Một con voi rừng xuất hiện : " Ngươi vừa nói gì đấy ? Ngươi muốn đánh ta à ? Thì đánh ? " - " Ôi không, thưa ông, tôi đâu dám. Tôi chỉ say rượu thôi mà ". - " Say gì ? " - " Thưa ông, rượu cần ạ ? " - " Ồ, ta muốn nếm thử xem ! " - " Xin mời ông đến nhà tôi ngày rằm, tôi sẽ thết ông một bữa ".
Về nhà, anh ta bảo vợ làm thật nhiều ghè rượu, đủ loại lớn nhỏ, chật cả nhà. Rằm, voi đến. " Nó đến đấy, sắp sẵn rượu ra đi ". Anh ta hút rượu ra các chậu to tướng. " Rượu tôi đã thưa với ông đây, xin mời ! ". Voi hút rượu, hết sạch các chậu. Say mèm, nó rống lên : " Một trăm người, một ngàn người đến đây, ta cũng lấy ngà đâm chết hết ! ". Và nó húc đổ tất cả cây cối chung quanh. Sáng hôm sau, mọi việc qua đi. Người đàn ông hỏi voi : " Hôm qua ông nói những gì vậy ? ". " A, nhóc con, người có lý. Ta sẽ không ăn thịt ngươi đâu cả con cháu dòng dõi ngươi nữa. Ta chẳng thèm để ý đến lời nói của một người Gia-rai say. Vì bây giờ ta đã biết rồi. Ta đã uống rượu của người rồi mà ? "...
Bạn có để ý điều này trong lời khấn cuối cùng đã nhắc đến trên kia không : rượu cần ngọt đắng cay nồng khiến người ta say đến "nẻ cả lỗ tai". Lỗ tai, như đã nói, là con đường đi vào của linh hồn, là cửa ngõ của cái nhớ, là cơ quan của sự thông tuệ. Người khai mở con đường ấy khi đứa trẻ vừa lọt lòng mẹ để nó được trở thành người, người đem đến cái nhớ, điều kiện thiết yếu của sự sống, bằng lễ thổi tai, là người đàn bà. Và bây giờ, người làm cho cái cơ quan thiêng liêng ấy đến phải "nẻ" ra, người dắt người ta vào cõi quên đến tận sát ranh giới của tuyệt đối, khi con người sắp đánh mất cả bản nguyên của mình, cũng lại chính là đàn bà. Đàn bà Tây Nguyên là vậy đấy, bây giờ thì bạn đã rõ chưa ?
Một đôi người có hiểu biết sâu về Tây Nguyên và thật tò mò cố ra sức moi tìm bí quyết của rượu cần bảo rằng trong những thành phần độc dược rất đa dạng và bí hiểm các vị nữ phù thủy ở đây dùng trong quy trình pha chế món men ghê gớm của họ, có một thứ không thể thiếu : củ riềng. Thậm chí người ta bảo chính củ riềng là tác nhân chính của sự say đến chẳng còn biết trời đất gì nữa như ta đã thấy.
Lại một điều lạ nữa : gừng và riềng, hai giống thật gần nhau, như là hai biến thể gần gũi đến có thể nhầm làm một của cùng một họ hàng thảo mộc. Vậy mà gừng thì mở đường cho sự nhớ (trong lễ thổi tai), còn người anh em của nó là riềng lại là vị thuốc tuyệt diệu dắt người ta vào cõi quên mịt mùng !
Hình như trong cái trò chơi kỳ diệu này của con người Tây Nguyên đối với sự sống có một triết lý nào đó thật uyên thâm. Nhớ và quên, ngẫm mà xem, phải chăng nói cho cùng đó là hai lẽ sinh tồn tuy hai mà một, hai mặt chủ yếu không thể tách rời của công cuộc làm người ở đời. Không biết nhớ thì hẳn nhiên không thể là con người rồi. Song sống mà không biết quên, không có những lúc biết quên đi đến mức "nẻ cả lỗ tai" thì cũng chẳng thể nào sống nổi trên cõi nhân gian biết mấy khổ đau, quá ư phức tạp và nhiêu khê này. Cuộc đời này, phải chăng lắm lúc đáng quên biết bao nhiêu, quên phứt đi cho rảnh, cho rồi, mà ngẫm cho cùng cũng lại đáng sống để mà nhớ lấy biết bao nhiêu.
Nguyên Ngọc
Trích tập bút ký : Tản mạn nhớ và quên
Video yêu thích
Mỗi ngày một cuốn sách hay
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam
Trở về trang chính
Hoàng Kim, hoangkim, hoangkimvietnam, Ngọc Phương Nam, Chào ngày mới Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Tin Nông nghiệp Việt Nam, Food Crops, Cassava in Vietnam, Khát khao xanh, Dayvahoc, Học mỗi ngày, Danh nhân Việt , Food Crops News, Điểm chính, CNM365, Kim LinkedIn, KimTwitter, KimFaceBook Đọc lại và suy ngẫm, Việt Nam tổ quốc tôi, Tình yêu cuộc sống, Thơ cho con Số lần xem trang : 18314 Nhập ngày : 04-06-2014 Điều chỉnh lần cuối : Ý kiến của bạn về bài viết này
CNM365 Tình yêu cuộc sống CNM365 Chào ngày mới 4 tháng 5(04-05-2021) CNM365 Chào ngày mới 3 tháng 5(03-05-2021) CNM365 Chào ngày mới 2 tháng 5(02-05-2021) CNM365 Chào ngày mới 1 tháng 5(02-05-2021) CNM365 Chào ngày mới 30 tháng 4(30-04-2021) CNM365 Chào ngày mới 29 tháng 4(30-04-2021) CNM365 Chào ngày mới 28 tháng 4(28-04-2021) CNM365 Chào ngày mới 27 tháng 4(27-04-2021) CNM365 Chào ngày mới 26 tháng 4(26-04-2021) CNM365 Chào ngày mới 25 tháng 4(25-04-2021) Trang kế tiếp ... 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86
|