TS. Hoàng Kim
Tình hình biển Đông có gì mới ? các bài mới đáng chú ý : 7 đảo nhân tạo Trung Quốc vừa bồi đắp ở Trường Sa đặt ra vấn đề cấp bách gì? (Hải Đăng, VHNA 30 3 2015) Mỹ: Trung Quốc xây Vạn lý Trường Thành trên Biển Đông (VOA 2 4 2015); Sóng ngầm địa chính trị khu vực và sự lựa chọn của Việt Nam (Lê Hồng Hiệp. Nghiên cứu Quốc tế 28. 12. 2014); Biển Đông: Thế trận đảo nhân tạo Trung Quốc đe dọa Việt Nam (RFI, 2.3. 2015); Trang Tình yêu cuộc sống lập chuyên mục này để chăm chú theo dõi và quan tâm sâu sắc. “Biển Đông vạn dặm chung tay giữ. Đất Việt muôn năm vững thái bình” (Nguyễn Bỉnh Khiêm 1491-1585). xem tiếp: https://hoangkimlong.wordpress.com/2015/04/02/tinh-hinh-bien-dong-co-gi-moi-2/
7 đảo nhân tạo Trung Quốc vừa bồi đắp ở Trường Sa đặt ra vấn đề cấp bách gì?
Hải Đăng
Nguồn: Văn Hóa Nghệ An, Thứ hai, 30 Tháng 3 2015 15:56
http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhin-ra-the-gioi/7-dao-nhan-tao-trung-quoc-vua-boi-dap-dat-ra-van-de-cap-bach-gi+&cd=1&hl=vi&ct=clnk&gl=vn
ĐỒNG THUẬN NỘI BỘ & ĐOÀN KẾT QUỐC TẾ
Hối hả bồi đắp 7 bãi đá và rặng san hô để tạo ra các hòn đảo nhân tạo là hành động rất quyết đoán của Trung Quốc trong chiến lược biển hiện nay. Hành động ấy khẳng định tham vọng đòi chủ quyền trên toàn bộ các đảo, đá và các thực thể khác ở Biển Đông và “vùng biển tiếp giáp” được gộp thành yêu sách “đường đứt khúc chín đoạn”. Thiết lập sự hiện diện ngay tại trung tâm Biển Đông bằng cách phi pháp ấy, Trung Quốc đang muốn vẽ lại ranh giới địa lý của Đông Nam Á.
Thế trận các đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông giờ đây không còn là nguy cơ tiềm ẩn nữa mà đã trở thành mối đe dọa trực tiếp và công khai không chỉ đối với Việt Nam, đa số thành viên ASEAN, mà ngay đối với cả các bạn bè lẫn đối tác ngoài khu vực Đông Nam Á như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Ốtxrâylia và nhiều nước khác. Căn cứ vào những bức ảnh vệ tinh chụp được, trận đồ mà Trung Quốc đang triển khai trên Biển Đông được thấy rất rõ, kết nối quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã cướp từ Việt Nam năm 1974 với hệ thống 7 bãi đá, rặng san hô tại quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc cưỡng chiếm từ Việt Nam và Philippines và đã cấp tốc cải tạo trong những tháng qua. Các bãi đá, rặng san hô đó bao gồm: Tư Nghĩa (Hughes Reef), Gạc Ma (Johnson South Reef), Ga Ven (Gaven Reef), Chữ Thập (Fiery Cross Reef), Châu Viên (Cuarteron Reef), Én Đất (Eldad Reef) và Vành Khăn (Mischief Reef).
“Bình chân như vại” là nguy hiểm
Bài học từ cuộc vận động quốc nội lẫn quốc tế chống lại việc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 không bao giờ cũ. Làm sao quên được làn sóng dâng trào trong cả nước và nhiều nơi trên thế giới hồi “mùa Hè đỏ lửa” năm ngoái khi Trung Quốc “cắm” giàn khoan khủng vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam! Tuy nhiên, vận hành hệ thống 7 bãi đá và rặng san hô nói trên nguy hiểm hơn việc hạ đặt giàn khoan 981 rất nhiều. Tiến trình Trung Quốc gia cố và mở rộng các hoạt động bồi đắp và xây dựng thành chuỗi đảo nhân tạo ấy cho thấy những tính toán chiến lược dài hạn hơn của họ trên Biển Đông. Hạ đặt Hải Dương 981 tuy là bước đi khá nguy hiểm, nhưng thực chất lại có cách xử lí và thu hút được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế dành cho các nước như Việt Nam. Trong khi đó, dù diễn ra chậm chạp và khó nhận biết, nhưng chủ trương bồi đắp đảo nhân tạo lại nguy hiểm hơn rất nhiều, vì giá trị chiến lược và khả năng thay đổi cục diện mà chuỗi đảo sẽ mang lại cho Trung Quốc khi được phát triển đầy đủ.
7 hòn đảo nhân tạo sẽ cung cấp rào cản để đối phó với bất kỳ kết quả bất lợi nào từ Tòa án Trọng tài Quốc tế hiện đang xem xét đơn kiện của Philippines chống lại Trung Quốc. Bởi vì, các đảo nhân tạo không nằm trong phạm vi thủ tục pháp lý đang tiến hành. Gạt được các cứ điểm quân sự trá hình ấy khỏi trận đồ pháp lý, Trung Quốc có thể tự tung tự tác trong việc đe dọa trực tiếp đối với Việt Nam, hoặc cô lập Việt Nam thông qua việc tấn công hoặc hù dọa các thành viên ASEAN khác. Trong bối cảnh ấy, nếu không có những đột phá về tính toán chiến lược, phải thừa nhận rằng, cả Việt Nam lẫn ASEAN khó có thể có bất kỳ hành động chính trị và ngoại giao nào đối phó với Trung Quốc. Nguy hiểm hơn, với thế trận hiện nay, Trung Quốc sẽ có thể chủ động hành sự, hay phản ứng trước các sự cố nẩy sinh tại chỗ một cách nhanh chóng hơn nhiều so với trước đây. Việt Nam sẽ còn ít thời gian để đáp trả. Các nhà phân tích quân sự Việt Nam và quốc tế đều nói tới nguy cơ Bắc Kinh dễ dàng tấn công đánh chiếm các hòn đảo do Việt Nam trấn giữ mà các lực lượng Việt Nam sẽ trở tay không kịp.
Để đối phó, cho dù chỉ trên tầm ngắn hạn, chúng ta phải làm sống lại tinh thần Diên Hồng trong thời đại mới. Vấn đề không phải là “hòa” hay “đánh”. Vấn đề là trên dưới phải đồng lòng và quyết tâm, trong ngoài phải biết chia sẻ giá trị và kết nối thành một khối. Phải vô hiệu hóa càng sớm càng tốt cái triết lý của kẻ chuyên đi bắt bí và ức hiếp. Không thể để cho Trung Quốc thực hiện phương châm “cái gì của tôi là của tôi, còn cái gì của anh thì có thể đưa ra đàm phán”. Không! Đảo bị cướp quyết không thể là đảo bị mất! Trung Quốc đã chiếm giữ bất hợp pháp quần đảo Hoàng Sa của chúng ta trên 40 năm nhưng không hề có một quốc gia nào công nhận chủ quyền trên cơ sở chiếm đoạt bằng vũ lực ấy của Bắc Kinh. Tuy nhiên, chúng ta hiểu rằng, thời gian chờ đợi không phải là vô hạn. Chúng ta phải khẩn trương hành động trong khoảng thời gian ngắn còn lại! Lẽ phải ở phía chúng ta, sự công chính ủng hộ chúng ta. Chúng ta hãy cùng các quốc gia trong và ngoài khu vực kiến tạo nên một trật tự quốc tế mới để hậu thuẫn cho xu hướng hòa bình và công lý trở lại với Biển Đông. “Bình chân như vại” lúc này là nguy hiểm và sẽ đắc tội với tiền nhân.
Bùa chú không thay được giải pháp
Chiều 5/3, tại họp báo thường kỳ, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao tuyên bố: “Việc Trung Quốc xây dựng, mở rộng trái phép công trình trên các bãi, đá và làm thay đổi nguyên trạng tại khu vực quần đảo Trường Sa không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam mà còn vi phạm Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đã được ký kết giữa Trung Quốc và ASEAN. Việt Nam phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay những hành động sai trái đó”. Trong tình hình hiện nay, những tuyên bố routine như thế này rõ ràng không mấy tác dụng. Vấn đề dư luận bức xúc hiện nay là nếu Trung Quốc cứ tiếp tục đà lấn tới như thế, liệu Việt Nam có nên liên minh với các nước khác hay không để tự bảo vệ chính mình trong tình huống khẩn cấp. Giới nghiên cứu chính sách đều đồng ý, Việt Nam sẽ không liên minh với nước này để chống nước kia, nhưng chúng ta rõ ràng cần sự hỗ trợ từ quốc tế “chống lưng” giúp Việt Nam đảm nhiệm được sứ mệnh duy trì hòa bình và an ninh ở Biển Đông. Quan điểm này được phản ánh trong phát biểu của TS. Lê Hồng Hiệp, từ Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh: “Việt Nam chỉ có thể hòa hiếu với Trung Quốc nếu Trung Quốc tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Nếu Trung Quốc dùng bạo quyền để cưỡng bức thì chúng ta không thể mềm yếu để rồi mãi mãi đánh mất chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ vì một thứ ‘hữu nghị viễn vông’… Trong khi tìm mọi cách cố gắng duy trì quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác và tương kính với Trung Quốc, chúng ta (Việt Nam) cũng nên sẵn sàng theo đuổi các mối quan hệ liên minh với các đối tác ở các lĩnh vực và mức độ khác nhau để đối phó với các mối đe dọa trên Biển Đông”[1].
TSKH. Lương Văn Kế từ Đại học Quốc gia Hà Nội tiến xa hơn khi ông kiến nghị Việt Nam cần điều chỉnh chính sách “ba không”, theo đó Việt Nam từng cam kết không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia. Nhà nghiên cứu về quan hệ quốc tế này dường như cùng chia sẻ quan điểm với Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Bộ Công an khi lão tướng này khẳng định sức mạnh vượt trội của Hoa Kỳ, đối tác duy nhất ông cho là Việt Nam có thể liên minh để đứng mũi chịu sào trước thế lực phương Bắc. Vị Thiếu tướng này tuyên bố chúng ta phải chơi bài ngửa: “Việt Nam không liên minh với Mỹ để chống Trung Quốc nhưng chúng ta cần sức mạnh của Mỹ để răn đe mọi thế lực ngoại bang muốn xâm lược Việt Nam”[2]. Qua các tuyên bố có thể thấy, ước muốn liên minh đang là nhu cầu bức thiết nhất hiện nay của đa số nhân sĩ trí thức, ngay cả trong hàng ngũ quân đội và công an. Khi Việt Nam không thể tự mình đủ sức bảo vệ đất nước thì các câu bùa chú không thể thay thế cho tư duy sáng tạo nhằm tìm ra giải pháp tối ưu, biết đặt an nguy của dân tộc lên trên tất cả.
“Lụt sẽ lút cả làng”. Thế trận biển đảo nhân tạo chính là sản phẩm từ “kinh lược hải dương” của Trung Quốc đang đe dọa lợi ích cốt lõi của các nước trong và ngoài khu vực. Nhiều nước, trong đó có các nước lớn đã lên tiếng. Một vài thành viên ASEAN cũng đã tuyên bố phản đối. Việt Nam đã bày tỏ thái độ nhưng cần phải mạnh mẽ hơn nữa. Phải tố cáo trước công luận quốc tế: thế trận đảo nhân tạo của Trung Quốc là âm mưu áp đặt quyền kiểm soát quân sự, giám sát mọi hoạt động không quân và hải quân của các nước trong và ngoài khu vực. Không chỉ bày tỏ thái độ mà Việt Nam cần phải thay đổi cả quan niệm về tập hợp lực lượng trên trường quốc tế khi hữu sự. Không chỉ hợp tác và đấu tranh, mà vấn đề là phải nhấn mạnh tinh thần đấu tranh kiên quyết để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng không thể đánh đổi và vượt qua mọi giới hạn để hợp tác toàn diện với đối tác bên ngoài khi cần thiết.
Theo ý kiến của GS. Carl Thayer (Ốtxtrâylia) Việt Nam có thể tác động đến thái độ của Trung Quốc thông qua các hoạt động ngoại giao mạnh mẽ ở cấp độ song phương và đa phương. Giới lãnh đạo Việt Nam cần thẳng thắn nêu bật vấn đề này với Trung Quốc. Việt Nam cần huy động sự trợ giúp từ khối ASEAN và từ cộng đồng hàng hải quốc tế. Điều tốt nhất mà các nỗ lực này có thể đạt tới là thuyết phục được Trung Quốc hành động với sự tự kiềm chế và minh bạch hơn về ý định của mình. Việt Nam có thể làm việc chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ và các cường quốc hàng hải khác để áp dụng một loạt “chiến lược áp đặt cái giá phải trả” (cost-imposition strategy) trên Trung Quốc. Những chiến lược áp đặt giá phải trả khả dĩ thực hiện được là nhờ sáng kiến từ Trung tâm vì An ninh Mới của Mỹ (CNAS) ở Washington DC. Chiến lược này nhằm chứng minh cho Trung Quốc thấy rằng các hành động của họ sẽ tạo ra phản ứng ngược lại từ phía các quốc gia khác, khiến cho Trung Quốc khó mà tiếp tục con đường hiện tại, phải cân nhắc hơn thiệt về các hành động của họ trong tương lai[3]./.
Bài 2: Trật tự sẽ bị đảo lộn
[1] http://nghiencuuquocte.net/2014/12/28/song-ngam-dia-chinh-tri-khu-vuc-va-lua-chon-cua-viet-nam/
[2] http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2015/01/150102_vn_2015_foreign_relation_views
[3] http://vi.rfi.fr/viet-nam/20150302-bien-dong-viet-nam-va-cac-de-doa-tu-the-tran-dao-nhan-tao-trung-quoc/
Các bài viết liên quan:
7 đảo nhân tạo Trung quốc vừa bồi đắp ở Trường Sa đặt ra các vấn đề cấp bách nào? (II)
Từ hải chiến Hoàng Sa (1974), Trường Sa (1988) đến căng thẳng ở Biển Đông hiện nay – Đôi điều về chiến lược biển của Trung Quốc và ứng phó của Việt Nam
Tiến tới quan hệ hưng thịnh và bền vững
Ảnh hưởng của lịch sử tới Trung Quốc ngày nay
21 sự thật nên biết về Trung Quốc
Thoát Trung hay thoát chính mình?
Giải mã sự tan băng quan hệ Mỹ- Cuba
Nghĩ gì, làm gì khi Trung Quốc tiếp tục xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông?
Giải pháp nào cho “vạc dầu” ở Biển Đông?
Chủ tịch hoàng đế Trung Hoa Tập Cận Bình thắt chặt quyền kiểm soát
Quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam bị xâm phạm bởi hành vi hạ đặt giàn khoan Hải dương 981 của Trung Quốc
Trung Quốc có “từ bỏ Triều Tiên” hay không?
Vì sao Trung Quốc mãi vẫn chưa giành được giải Nobel khoa học?
Tại sao tình hữu nghị Nga-Trung sẽ bền vững
Bắc Kinh tấn công mạnh trước kỳ Hội Nghị Thượng Đỉnh Châu Á – Thái Bình Dương
Chủ nghĩa cộng sản thân hữu tại Trung Quốc
Sóng ngầm địa chính trị khu vực và lựa chọn của Việt Nam
Tác giả: Lê Hồng Hiệp
Trong năm 2014, sự kiện nổi bật nhất của ngành đối ngoại Việt Nam có lẽ chính là cuộc đấu tranh xung quanh sự kiện giàn khoan Hải Dương 981. Việc Trung Quốc cuối cùng phải rút giàn khoan ở một chừng mực nào đó có thể coi là một thành công đối với Việt Nam, nhưng đó cũng là một thách thức còn để ngỏ khi hàng loạt câu hỏi vẫn chưa có lời đáp: Liệu Trung Quốc có tái diễn vụ giàn khoan, nếu có thì ở đâu, và nếu không thì Trung Quốc sẽ có hành động gì trên Biển Đông? Quan trọng hơn, Việt Nam cần phải xử lý mối quan hệ với Trung Quốc ra sao trong bối cảnh rộng lớn hơn là các sóng ngầm địa chính trị khu vực đang diễn biến ngày càng phức tạp?
Bài phân tích này sẽ cố gắng trả lời các câu hỏi trên. Tuy nhiên, trước khi đi vào vấn đề chính là quan hệ Việt – Trung, chúng ta cần điểm lại một số nét chính trong tình hình các quốc gia chủ chốt cũng như bối cảnh địa-chính trị khu vực, những yếu tố vốn có tác động quan trọng tới cục diện quan hệ song phương.
Bối cảnh các quốc gia chủ chốt
Trung Quốc
Sau hơn 3 thập niên phát triển liên tục với tốc độ 2 con số, hiện nay tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang chững lại ở mức khoảng 7%/năm với nhiều khó khăn chồng chất như mô hình tăng trưởng cũ hết động lực, cơ cấu và xu hướng dân số bất lợi, các rủi ro tiềm ẩn trong hệ thống tài chính – ngân hàng và thị trường nhà đất… Điều này đặt ra những thách thức lớn cho tính chính danh và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Một mặt, thực tế này yêu cầu Trung Quốc phải tiến hành cải cách cơ cấu nền kinh tế theo hướng từ bỏ mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư và xuất khẩu sang dựa trên tiêu dùng trong nước và sức sáng tạo của các doanh nghiệp, thể hiện qua các biện pháp đề ra tại Hội nghị TW 3 năm 2013. Mặt khác, Trung Quốc cũng tiến hành cuộc chiến chống tham nhũng mạnh mẽ, vừa giúp củng cố quyền lực của tân Chủ tịch Tập Cận Bình, vừa giúp loại bỏ các rào cản, các nhóm lợi ích gây cản trở cải cách kinh tế, đồng thời giúp nâng cao uy tín của Đảng trong bối cảnh trụ cột chính trong tính chính danh của Đảng là thành tích phát triển kinh tế đang gặp khó khăn.
Về đối ngoại, Trung Quốc đã thoát ra ngoài tư thế “giấu mình chờ thời”, bắt đầu công khai và mạnh mẽ cạnh tranh vị thế và ảnh hưởng với Hoa Kỳ trong khu vực và trên thế giới, thể hiện qua các sáng kiến như “con đường tơ lụa thế kỷ 21”, “con đường tơ lụa trên biển”, ý tưởng “châu Á là của người châu Á”, hay việc thành lập Ngân hàng Phát triển Mới với nhóm BRIC…
Trong quan hệ với Mỹ, Trung Quốc đề xướng mô hình “quan hệ cường quốc kiểu mới” nhằm thuyết phục Mỹ không “ngăn chặn” Trung Quốc vươn lên, vừa nhằm đạt được vị thế ngang hàng với Mỹ, qua đó phân chia khu vực ảnh hưởng với Washington. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tỏ ra hung hăng và cứng rắn hơn trong các tranh chấp biển và lãnh thổ với láng giềng, mà ví dụ tiêu biểu là vụ giàn khoan 981. Điều này vừa phù hợp với xu thế chung trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tập Cận Bình, vừa có tác dụng giương cao ngọn cờ chủ nghĩa dân tộc để củng cố sự ủng hộ của người dân trong bối cảnh tính chính danh trong nước của ĐCSTQ ngày càng bị thách thức.
Trong năm tới Trung Quốc có thể thực hiện “ngoại giao hòa hoãn” do e dè trước phản ứng của cộng đồng quốc tế sau vụ giàn khoan 981 và lo sợ các nước trong khu vực sẽ nghiêng về phía Mỹ, đi ngược lại mục tiêu lớn của Trung Quốc. Tuy nhiên, trong dài hạn, với việc Trung Quốc từ bỏ chính sách “giấu mình chờ thời” để theo đuổi tham vọng siêu cường, kết hợp với khó khăn trong nước nhiều khả năng sẽ ngày càng nghiêm trọng, xu thế hung hăng, lấn lướt của Bắc Kinh trong chính sách đối ngoại, đặc biệt là trên vấn đề Biển Đông, nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn.
Nhật Bản
Sau khi quay lại làm thủ tướng năm 2012, ông Shinzo Abe đã tiến hành nhiều cải cách kinh tế và chính trị quan trọng. Về kinh tế ông Abe đã tiến hành chính sách Abenomics, với ba “mũi tên” gồm kích thích tài khóa, nới lỏng tiền tệ và cải cách cơ cấu. Tuy nhiên sau khi phát huy hiệu quả vào năm 2013 với việc kinh tế Nhật tăng trưởng 1,5%, thì sang năm 2014 chính sách này đã bị “hụt hơi” khi nền kinh tế bị co lại 2%, trong đó một nguyên nhân chủ yếu được đánh giá là việc chính quyền Abe tăng thuế tiêu dùng quá sớm (vào tháng 4/2014) từ mức 5% lên 8%,[1] khiến lòng tin của người tiêu dùng sụt giảm, tác động tiêu cực tới phục hồi kinh tế.
Trong bối cảnh đó, ông Abe đã tuyên bố giải tán quốc hội vào tháng trước và tổ chức bầu cử sớm vào ngày 14/12 vừa qua. Kết quả Đảng Dân chủ Tự do (LDP) đã tiếp tục giành thắng lợi áp đảo,[2] qua đó giúp củng cố và kéo dài tuổi đời chính trị của ông Abe, giúp ông có nhiều thời gian hơn để tiếp tục thực hiện chính sách Abenomics cũng như các thay đổi về chính sách đối ngoại.
Về chính sách đối ngoại, điểm tiêu biểu trong thời gian qua là chính quyền Abe đã diễn dịch lại hiến pháp để cho phép quân đội Nhật có vai trò lớn hơn. Cụ thể hiến pháp Nhật sau khi được diễn dịch lại đã cho phép Nhật tham gia phòng thủ tập thể ở những nơi lợi ích của Nhật bị đe dọa, đồng thời mở đường cho quân đội Nhật đóng vai trò quốc tế lớn hơn (nhất là trong sứ mệnh hỗ trợ nhân đạo).
Ngoài ra, mặc dù Nhật tiếp tục đề cao hợp tác quân sự với Mỹ thông qua liên minh Mỹ – Nhật, nhưng chính quyền Abe muốn tự chủ lớn hơn và bớt phụ thuộc hơn vào Mỹ về quốc phòng. Dưới thời Abe, Nhật cũng thể hiện xu hướng cứng rắn hơn với Trung Quốc, như quốc hữu hóa quần đảo Senkaku, phản đối và tảng lờ Khu vực nhận diện phòng không (ADIZ) của Trung Quốc thiết lập trên biển Hoa Đông… Nhật cũng tích cực hỗ trợ Philippines và Việt Nam về ngoại giao và an ninh, trong đó tiêu biểu là viện trợ các tàu tuần tra cho Hà Nội và Manila. Dù quy mô viện trợ còn hạn chế do bản thân Nhật cũng đang cần các nguồn lực để đối phó với Trung Quốc trên biển Hoa Đông, nhưng nó cho thấy xu thế ngày càng cứng rắn của Nhật đối với Trung Quốc.
Nay với việc Abe tiếp tục khởi đầu một nhiệm kỳ mới, các chính sách đối ngoại và an ninh mạnh mẽ của ông sẽ hầu như chắc chắn được duy trì và thúc đẩy, đưa Nhật tái trỗi dậy thành một cường quốc “bình thường” với sức ảnh hưởng đồng thời cả về kinh tế lẫn quân sự trong khu vực và trên thế giới.
Nga
Sau khi phạm sai lầm vì đã vội vàng sáp nhập Crimea, nước Nga của Putin đã phải vật lộn trong khó khăn để đương đầu với các lệnh trừng phạt của phương Tây, bên cạnh các khó khăn kinh tế chồng chất do giá dầu thế giới giảm và tình trạng rớt giá của đồng Rúp.
Ngoài ra, do bị phương Tây cô lập nên Nga đã tìm cách thắt chặt quan hệ với Trung Quốc, dẫn tới một số lo ngại rằng Trục Bắc Kinh – Moscow sẽ được hình thành nhằm giúp 2 nước đối phó với các áp lực từ Mỹ và phương Tây. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích, bao gồm cả các quan chức Mỹ, đều cho rằng giữa hai nước vẫn còn những khác biệt lớn về sự quan tâm, mục tiêu, lợi ích… nên sự gần gũi gia tăng giữa hai nước thời gian qua chủ yếu mang tính chiến thuật chứ không phải là một liên minh chiến lược lâu dài.
Trong bối cảnh đó, mối bận tâm chính của chính quyền Putin trong thời gian qua cũng như sắp tới chủ yếu là vấn đề Ukraine và quan hệ với phương Tây chứ không phải khu vực Thái Bình Dương. Cụ thể, trước áp lực của phương Tây, khó khăn kinh tế chồng chất và nhất là địa vị “thân cô thế cô”, Nga nhiều khả năng sẽ phải nhún nhường, tìm một giải pháp chính trị cho vấn đề Đông Ukraine và Crimea để dần dần bình thường hóa quan hệ với phương Tây. Tuy nhiên điều này sẽ không đến sớm nếu Tổng thống Putin tiếp tục cầm quyền. Vì vậy, xu hướng chính sách đối ngoại Nga trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào diễn biến chính trị trong nước của Nga, đặc biệt là vị thế của Tổng thống Putin.
Hoa Kỳ
Trái với các quan điểm bi quan cho rằng Mỹ đang trượt dài vào thời kỳ suy thoái, sức mạnh kinh tế và quyền lực quốc gia nói chung của Hoa Kỳ vẫn được duy trì và thúc đẩy. Cụ thể, mặc dù một vài ước tính cho rằng GDP tính theo sức mua tương đương (PPP) của Trung Quốc đã vượt Mỹ trong năm nay, ưu thế về sức năng động – sáng tạo, trình độ công nghệ, sự áp đảo của các công ty đa quốc gia, sự vượt trội về GDP tính theo đầu người… về cơ bản vẫn giúp cho Hoa Kỳ duy trì được khoảng cách xa về kinh tế so với Trung Quốc.
Trong khi triển vọng kinh tế Trung Quốc bắt đầu có dấu hiệu ảm đạm, thì kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng 2,3% năm 2012, 2,2% năm 2013, và dự kiến đạt 2,5% năm 2014, trong khi tỉ lệ thất nghiệp tới tháng 10/2014 đã giảm xuống chỉ còn 5,8%, mức thấp nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 và thấp hơn đáng kể so với hầu hết các nước công nghiệp phát triển.
Một đặc điểm nổi bật của kinh tế Mỹ được nhiều người đánh giá cao trong thời gian gần đây là việc ngành sản xuất dầu lửa của nước này đã phát triển mạnh nhờ vào công nghệ khai thác dầu đá phiến (shale). Cụ thể, chỉ trong vòng năm năm, công nghệ này đã đưa sản lượng dầu của Mỹ tăng gần gấp đôi từ mức 5 triệu thùng/ngày năm 2008 lên 9 triệu thùng vào năm nay.
Nếu xu hướng này tiếp tục thì đến khoảng năm 2020 Mỹ có thể vượt Arab Saudi trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Việc ngành sản xuất dầu phát triển mạnh không chỉ mang lại sự thịnh vượng và tạo công ăn việc làm cho người Mỹ mà còn mang lại cho Mỹ một vũ khí địa chính trị lợi hại, đặc biệt là giúp Mỹ có thể giảm bớt sự chú ý vào khu vực rốn dầu Trung Đông để tập trung vào các khu vực khác.
Về đối ngoại và quân sự, Hoa Kỳ đang giảm dần sự can dự vào khu vực Trung Đông, một phần do sự “mệt mỏi chiến lược” vì những can dự kéo dài nhưng kém hiệu quả ở khu vực này kể từ sau sự kiện 11/9/2001, một phần do tầm quan trọng chiến lược của khu vực có xu hướng giảm sút trong mắt Washington.
Trong khi vẫn phối hợp với EU và các đồng minh trong các vấn đề như Ukraine hay không kích Nhà nước Hồi giáo, Mỹ sẽ tập trung nhiều sự chú ý hơn vào khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, nhất là sự trỗi dậy của Trung Quốc, bởi chính Trung Quốc sẽ là vấn đề “sống còn”, là đối thủ duy nhất đủ tầm để có thể lật đổ vị thế siêu cường của Mỹ cũng như trật tự thế giới mà Mỹ dẫn dắt. Trong bối cảnh đó, Mỹ sẽ tiếp tục duy trì chính sách “tái cân bằng” sang khu vực, đồng thời thúc đẩy việc gắn kết, tăng cường sức mạnh của các nước đồng minh và đối tác, biến họ trở thành các quốc gia giàu mạnh và thực sự độc lập để có thể giúp hạn chế bớt ảnh hưởng của Trung Quốc, đồng thời giúp Mỹ có được vị thế tốt hơn nhằm đối phó với sự trỗi dậy ngày càng không êm ả của Bắc Kinh.
Xu hướng địa chính trị khu vực
Một xu hướng địa chính trị khu vực đang ngày càng trở nên nổi trội, đó chính là việc Mỹ cùng các đồng minh ngày càng bất an trước sự trỗi dậy của Trung Quốc và việc nước này công khai thách thức trật tự khu vực, nhất là vị thế siêu cường dẫn đầu của Mỹ. Xu hướng này khiến cho khu vực nhiều khả năng sẽ bước vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới trong vòng khoảng 20 năm tới.
Về mặt lý thuyết, nếu Trung Quốc tiếp tục trỗi dậy và thách thức Mỹ, mâu thuẫn và xung đột giữa hai cường quốc là không thể tránh khỏi. Trái với thuyết “cân bằng quyền lực” (balance of power theory) cho rằng hệ thống quốc tế sẽ ổn định và hòa bình khi đạt được sự cân bằng giữa các trung tâm quyền lực chính, thuyết “chuyển giao quyền lực” (power transition theory) cho rằng một khi một cường quốc đang lên tiệm cận sức mạnh của cường quốc thống trị và khao khát giành vị thế bá chủ của cường quốc đó thì xung đột giữa hai bên là không thể tránh khỏi. Chỉ sau khi cường quốc đang lên bị kiềm chế hoặc đánh bại (giữ vững nguyên trạng) hoặc cường quốc bá chủ bị lật đổ (thiết lập nguyên trạng mới) thì hệ thống quốc tế mới lại đạt được thế cân bằng và ổn định. Quy luật này đã được chứng minh nhiều lần trong lịch sử, và sẽ tiếp tục là logic trường tồn của chính trị hiện thực trong quan hệ quốc tế.
Về mặt thực tế, hiện nay cục diện địa chính trị khu vực đang dần đi theo hướng dự báo của thuyết “chuyển giao quyền lực”. Cụ thể, trong khi Trung Quốc (cường quốc đang lên) tìm cách mở rộng ảnh hưởng, tranh giành quyền lực với Mỹ (cường quốc thống trị), thì Mỹ đang âm thầm cố gắng tìm cách kiềm chế Trung Quốc, thông qua các chiến lược tiêu biểu như “tái cân bằng” quân sự sang tây Thái Bình Dương, đàm phán Hiệp định TPP với các nước trong khu vực mà không có sự tham gia của Trung Quốc; cải thiện và thắt chặt quan hệ với các nước đồng minh và đối tác, nhất là các nước láng giềng Trung Quốc; sử dụng các công cụ như luật pháp quốc tế và các thể chế quốc tế để kiềm chế và điều chỉnh hành vi của Bắc Kinh….
Hiện nay, giới chức Mỹ vẫn đang cố gắng thận trọng, tránh “tư duy Chiến tranh lạnh”, trong khi cố gắng can dự với Trung Quốc để xây dựng lòng tin, giảm căng thẳng. Tuy nhiên đây không phải là xu hướng lâu dài mà chỉ là ngắn hạn. Trước mắt Mỹ chưa sẵn lòng mạnh tay kiềm chế Trung Quốc như từng kiềm chế Liên Xô trước đây bởi quan hệ tốt với Trung Quốc đang mang lại cho Mỹ nhiều lợi ích, đồng thời Mỹ cần thêm thời gian để đánh giá xu hướng hành vi của Trung Quốc khi hiện nay Bắc Kinh dù có biểu hiện hung hăng và thách thức lợi ích của Mỹ nhưng sự thách thức đó chưa đủ lớn để đe dọa các lợi ích sống còn, nhất là vị thế bá chủ của Mỹ.
Vì vậy trong tương lai, mức độ kiềm chế của Mỹ và đồng minh đối với Trung Quốc sẽ biến chuyển tùy theo mức độ hung hăng và thách thức mà Trung Quốc theo đuổi trong chính sách đối ngoại của mình. Ngoài ra, về phía Mỹ, nếu trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 một ứng cử viên Cộng hòa đắc cử thì nhiều khả năng Mỹ sẽ có một chính sách đối ngoại cứng rắn hơn, nhất là trong quan hệ với Trung Quốc.
Mặc dù có một khả năng là Trung Quốc do các vấn đề trong nước sẽ bị chững lại, thậm chí rối loại và suy yếu, không thể đủ sức “trỗi dậy” mãi mãi đủ để đe dọa vị thế của Mỹ, nhưng khả năng cao hơn là Trung Quốc sẽ tiếp tục vươn lên, dù chậm dù nhanh, để làm cho Mỹ và đồng minh cảm thấy bất an, lo sợ. Khi đó, một cuộc Chiến tranh lạnh Mới ở khu vực, như đã nói trên, là khó có thể tránh khỏi. Cuộc Chiến tranh lạnh Mới giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ khác với cuộc Chiến tranh lạnh thế kỷ 20 giữa Mỹ và Liên Xô ở 4 điểm chính:
- Chiến lược chứ không phải ý thức hệ: Cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc chủ yếu tập trung vào yếu tố lợi ích chiến lược chứ không phải ý thức hệ. Việc tập hợp lực lượng của hai bên sẽ dựa vào điểm đồng về lợi ích chiến lược chứ không phải ý thức hệ. Đây là đặc điểm chi phối 3 đặc điểm còn lại.
- Ở cấp độ khu vực chứ không phải toàn cầu: Cuộc Chiến tranh lạnh này sẽ tập trung chủ yếu tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương mà ít có khả năng lan rộng ra toàn cầu bởi Trung Quốc không có một hệ thống đồng minh rộng lớn và lợi ích của Mỹ và Trung Quốc không mâu thuẫn lớn ở các khu vực khác.
- Không phải giữa 2 khối nước cứng nhắc: Khác với Chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô khi hai bên dẫn đầu hai khối nước trải khắp 5 châu thì trong Chiến tranh lạnh mới sự đối đầu tập trung chủ yếu vào quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ. Nga, như đã nói ở trên, ít có khả năng tham gia cùng Trung Quốc thành một khối chiến lược để đối đầu với Mỹ và đồng minh.
- Vai trò của tương thuộc kinh tế: Khác với Chiến tranh lạnh thế kỷ 20, trong cuộc Chiến tranh lạnh mới, sự tương thuộc kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ giúp kiềm chế bớt hành vi của hai bên, giúp hai bên dễ đối thoại với nhau để giải quyết bất đồng. Tuy nhiên do lợi ích địa chính trị được coi trọng hơn lợi ích kinh tế nên sự tương thuộc kinh tế sẽ không đủ ngăn cản Chiến tranh lạnh mới diễn ra. Viễn cảnh khả dĩ nhất là “kinh tế nóng, chính trị lạnh” giữa các cường quốc.
Vậy xu hướng địa chính trị khu vực này sẽ tác động như thế nào tới Việt Nam, và Việt Nam cần phải ứng phó ra sao?
Lựa chọn chiến lược của Việt Nam
“Lời nguyền địa lý” khiến Việt Nam luôn phải đối diện với những thách thức trong xử lý quan hệ với Trung Quốc. Trước một Trung Quốc lớn mạnh hơn nhiều lần, chiến lược Trung Quốc truyền thống của Việt Nam là ngoại giao hòa hiếu, trong đế ngoài vương, nhún nhường với Trung Quốc trong khả năng cho phép để giữ hòa bình và độc lập.
Nếu không có tranh chấp Biển Đông thì Việt Nam hiện nay sẽ có điều kiện thuận lợi hơn nhiều để duy trì một chính sách hòa hiếu cùng mối quan hệ ổn định, tương kính với Trung Quốc. Thế nhưng, với việc Trung Quốc ngày càng thực hiện các chính sách hung hăng và cưỡng ép, mà sự kiện Giàn khoan 981 là ví dụ điển hình, việc duy trì một chính sách ngoại giao hòa hiếu truyền thống như vậy với Trung Quốc đang ngày càng khó khăn, thậm chí phản tác dụng.
Chính sách của Việt Nam đối với Trung Quốc hiện đối mặt với hai lựa chọn căn bản: ưu tiên quan hệ hữu hảo với Trung Quốc hay ưu tiên chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ?
Trong suốt chiều dài lịch sử đất nước, lựa chọn này luôn được đặt ra cho các nhà cầm quyền Việt Nam, và câu trả lời luôn rõ ràng: Chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ là lợi ích quốc gia tối thượng. Đã có những lúc Việt Nam tỏ ra hòa hiếu, nhún nhường với Trung Quốc, nhưng đó là khi Trung Quốc không trực tiếp đe dọa chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, hoặc sau khi Việt Nam đã đánh bại các cuộc xâm lược của các đội quân phương Bắc (ví dụ, Lê Lợi cấp thuyền và ngựa cho lính nhà Minh rút quân về nước, Nguyễn Huệ cho chôn cất tử tế lính nhà Thanh tử trận, gửi sứ thần sang nhận sắc phong và “tạ tội” với hoàng đế nhà Thanh…). Chưa bao giờ trong lịch sử Việt Nam lại nhún nhường, mềm yếu trước Trung Quốc khi Trung Quốc tìm cách xâm lược hoặc cưỡng ép, đe dọa… Việt Nam.
Hiện nay, đương nhiên chúng ta vẫn luôn coi chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ là lợi ích tối thượng. Vấn đề đặt ra là chúng ta cần xác định Trung Quốc đang đe dọa Việt Nam đến mức nào để quyết định nên hòa hiếu, nhún nhường, hay cứng rắn với Trung Quốc. Nếu mối đe dọa Trung Quốc chưa lớn mà chúng ta quá cứng rắn thì sẽ gây căng thẳng không cần thiết, ngược lại nếu mối đe dọa lớn mà chúng ta nhún nhường, mềm yếu sẽ càng khuyến khích Trung Quốc lấn tới, làm phương hại lợi ích quốc gia.
Trong thời gian qua, xu hướng mối đe dọa từ Trung Quốc đang gia tăng là rõ ràng. Đặc biệt trong vấn đề Biển Đông, một loạt các hành động của Trung Quốc từ năm 2007 đến nay càng cho thấy rõ tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Các hành động như cắt cáp tàu Bình Minh 02, đưa giàn khoan 981 cùng lực lượng hộ tống hùng hổ vào vùng biển Việt Nam, xây dựng và mở rộng đảo nhân tạo… cho thấy cường độ hung hăng của Trung Quốc ngày càng tăng, và chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam trên Biển Đông đang bị đe dọa hơn bao giờ hết.
Trong tương lai gần, việc Trung Quốc đưa các giàn khoan xuống Trường Sa và bãi Tư Chính, thiết lập ADIZ trên Biển Đông, tăng cường quân sự hóa các điểm chiếm đóng, thậm chí tìm cách khống chế các tuyến đường biển của Việt Nam hay xâm lược các đảo của Việt Nam đang nắm giữ… là những khả năng không thể bị loại bỏ, nếu không muốn nói đó chỉ là vấn đề thời gian.
Trong bối cảnh đó, ngoài việc nâng cao nội lực về kinh tế, quốc phòng, xây dựng sự đoàn kết và đồng thuận trong cũng như ngoài nước, Việt Nam cần tranh thủ tận dụng các diễn biến địa chính trị khu vực để nâng cao vị thế chiến lược của mình, góp phần kiềm chế tham vọng của Trung Quốc. Đặc biệt việc mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc đang dần gia tăng đang tạo cơ hội cho Việt Nam tăng cường quan hệ với Mỹ và các nước đồng minh và đối tác của Mỹ, nhất là những nước có chung nhận thức về mối đe dọa và lợi ích trên Biển Đông.
Vì vậy, như tác giả bài viết từng đề xuất, trong khi vẫn duy trì nguyên tắc “ba không” trên danh nghĩa, Việt Nam cần từng bước thắt chặt quan hệ chiến lược – an ninh với các quốc gia chủ chốt trong khu vực dưới dạng các “liên minh” mềm, không chính thức, đặc biệt là với Hoa Kỳ và Nhật Bản, để có thể nâng cao vị thế chiến lược của mình trong quan hệ với Trung Quốc, nhất là trên hồ sơ Biển Đông.
Như đã lập luận trước đây, tranh chấp Biển Đông hiện tại gồm ba tầng nấc, với tầng nấc ngoài cùng đang trở nên ngày càng quan trọng là sự cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Điều này biến Biển Đông trở thành một trong những “chiến trường” cho sự đối đầu giữa hai cường quốc. Một câu hỏi đặt ra là trong bối cảnh đó, Việt Nam có nên can dự vào cuộc đối đầu này để rồi trở thành “nạn nhân” của một cuộc đấu đá giữa các cường quốc hay không?
Một điều chúng ta phải chấp nhận đối mặt là với vị trí địa lý của mình, đặc biệt là do sự tham gia của chúng ta vào tranh chấp Biển Đông với các lợi ích đan xen, chồng chéo, chúng ta không thể và không nên đứng ngoài các diễn biến địa chính trị khu vực. Nói cách khác, làm sao để Việt Nam không bị ảnh hưởng bởi cuộc đối đầu đang tăng cường giữa Mỹ và Trung Quốc là một nhiệm vụ bất khả thi. Điều chúng ta có thể làm chỉ là làm sao hạn chế được tối đa các tác động tiêu cực của cuộc đối đầu này lên chúng ta mà thôi.
Để làm được điều này, không có cách nào khả dĩ hơn việc chúng ta chủ động can dự vào các diễn biến địa chính trị khu vực, góp phần định hình các diễn biến đó (nếu có thể), hoặc ít nhất nắm bắt được các thông tin, diễn biến, can dự vào ý đồ của các cường quốc để không phải trở thành kẻ ngoài lề, bị động đối phó, và rốt cuộc sẽ trở thành “nạn nhân” bị đem ra mặc cả trong ván cờ giữa các nước lớn như đã từng xảy ra trong lịch sử.
Hiện tại, trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam có hai vũ khí quan trọng có thể khiến Trung Quốc e sợ, đó là các lựa chọn pháp lý và việc theo đuổi chính trị liên minh. Tuy nhiên, trong khi phát súng pháp lý chưa thật sự sẵn sàng và một khi bắn ra sẽ không thể thu hồi lại, thì theo đuổi chính trị liên minh là một biện pháp linh hoạt và hiệu quả hơn mà Việt Nam có thể thực hiện để răn đe Trung Quốc.
Thứ nhất, biện pháp này đánh vào tâm lý sợ bị bao vây, “ngăn chặn” của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ không bao giờ muốn Việt Nam ngã vào tay một cường quốc đối địch, vì vậy nếu Việt Nam dịch chuyển theo hướng chính trị liên minh thì Trung Quốc sẽ phải cân nhắc trong hành động để không đẩy Việt Nam ra quá xa.
Thứ hai, chính trị liên minh không phải là một con đường một chiều. Cách dễ nhất để hình dung chính trị liên minh là một đường trục với hai thái cực đối diện, một thái cực (-1) là phù thịnh (bandwagoning), đi theo đối thủ, và thái cực còn lại (+1) là tham gia liên minh quân sự để cân bằng (balancing) lại đối thủ. Trong quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam lý tưởng nhất là ở vị trí cân bằng (0), tuy nhiên tùy theo diễn biến quan hệ song phương và bối cảnh khu vực, chúng ta có thể điều chỉnh vị trí của mình trong khoảng từ -1 đến +1 cho phù hợp. Ví dụ, nếu Trung Quốc hung hăng, hiếu chiến, Việt Nam có thể điều chỉnh dần sang vị trí +1, nhưng nếu Trung Quốc ôn hòa, xuống nước, Việt Nam có thể điều chỉnh dần về vị trí số 0. Như vậy chúng ta không nên lo sợ phá vỡ quan hệ với Trung Quốc vì chúng ta có thể điều chỉnh tùy theo tình hình. Điều chúng ta phải lo sợ hơn là mất lãnh thổ, thứ một khi đã rơi vào tay người khác sẽ khó có thể đòi lại được.
Thứ ba, do có sự linh hoạt như trên, nên Việt Nam nếu khéo léo có thể điều chỉnh từng bước đi trong chính trị liên minh để đáp lại các hành động của Trung Quốc. Trước mắt, nếu Trung Quốc tiếp tục đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam, chúng ta có thể áp dụng lại chiến thuật như vừa qua, kiềm chế và kiên nhẫn đấu tranh để Trung Quốc rút, phục hồi nguyên trạng. Tuy nhiên nếu Trung Quốc lặp đi lặp lại hoặc leo thang, ví dụ không rút giàn khoan, đưa giàn khoan xuống khu vực Trường Sa/ Tư Chính, thiết lập ADIZ trên Biển Đông, hay thậm chí xâm lược các vị trí Việt Nam đang nắm giữ, thì Việt Nam cần ứng phó ra sao? Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần phải có các bước chuẩn bị để khi Trung Quốc đi một nước cờ thì Việt Nam có thể đi được một nước tương ứng để đáp lại, tránh tình trạng Trung Quốc leo thang nhưng Việt Nam chỉ có một bài để đấu tranh. Với các nấc thang khác nhau như đã kể trên, chính trị liên minh giúp Việt Nam dự liệu trước các quân bài khác nhau để đối phó với Trung Quốc, bên cạnh chuyện đấu tranh trên thực địa.
Như vậy, trước bối cảnh Trung Quốc ngày càng có các hành động hung hăng mang tính cưỡng bức trên Biển Đông, Việt Nam cần tận dụng các biến đổi địa chính trị khu vực để giành thế chiến lược có lợi cho mình. Trước mắt, Việt Nam cần thực hiện một số các biện pháp như cảnh báo Trung Quốc về hậu quả chiến lược nếu tiếp tục có cách hành động cưỡng bức hoặc leo thang tranh chấp; làm việc cùng các quốc gia đối tác quan trọng (đặc biệt là Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Philippines) để lập kế hoạch tăng cường các mối quan hệ song phương, nhất là trong lĩnh vực an ninh – quốc phòng, đồng thời lập kế hoạch các bước đi và nấc thang tiếp theo mà Việt Nam cần thực hiện để đáp lại các hành động gây hấn mới hoặc leo thang tranh chấp trên Biển Đông của Trung Quốc.
Tóm lại, Việt Nam chỉ có thể hòa hiếu với Trung Quốc nếu Trung Quốc tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Nếu Trung Quốc dùng bạo quyền để cưỡng bức thì chúng ta không thể mềm yếu để rồi mãi mãi đánh mất chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ vì một thứ “hữu nghị viễn vông”.
Trong khi tìm mọi cách cố gắng duy trì quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác và tương kính với Trung Quốc, chúng ta cũng nên sẵn sàng theo đuổi các mối quan hệ liên minh với các đối tác ở các lĩnh vực và mức độ khác nhau để đối phó với các mối đe dọa trên Biển Đông. Theo nghĩa đó, liên minh không nên được hiểu là đi với nước này để chống nước kia, mà là đi với nước nào để chúng ta có thể bảo vệ được tốt nhất lợi ích quốc gia của mình.
Lê Hồng Hiệp, vừa hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Australia, Canberra, là giảng viên tại Khoa Quan hệ quốc tế, Đại học KHXH&NV TPHCM, và là biên tập viên sáng lập và điều hành trang mạng Nghiencuuquocte.net.
Bài liên quan:
—————
[1] Việc tăng thuế tiêu dùng (có tác động giảm phát) dựa trên cơ sở rằng trước đó hai mũi tên mở rộng tài khóa và nới lỏng tiền tệ (có tác dụng gây lạm phát) đã được thực hiện, nên sẽ không gây ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế. Ngoài nguyên nhân chính là tăng thuế tiêu dùng thì các vấn đề như cải cách cơ cấu chậm có tác dụng, đồng yen yếu làm tăng chi phí nhập khẩu đầu vào sản xuất và cơ cấu dân số bất lợi đều tác động tiêu cực tới kinh tế Nhật trong năm 2014.
[2] Hầu như chắc chắn liên minh giữa LDP và Đảng Công minh (Komeito) sẽ tiếp tục. Trong bầu cử, LDP giành 291 ghế, Keomeito giành 35 ghế, tổng cộng là 326/475 (68,63%) ghế.
– See more at: http://nghiencuuquocte.net/2014/12/28/song-ngam-dia-chinh-tri-khu-vuc-va-lua-chon-cua-viet-nam/#sthash.TXusCnKZ.dpuf
Biển Đông: Thế trận đảo nhân tạo Trung Quốc đe dọa Việt Nam
RFI, Thứ hai, ngày 02 tháng ba năm 2015
Vào lúc châu Á, trong đó có Việt Nam, đang chuẩn bị ăn Tết Ất Mùi, chuyên san quốc phòng Jane’s Defence Weekly ngày 15/02/2015 đã tung ra “một quả bom” : Một loạt ảnh vệ tinh – mà bức mới nhất chụp vào hạ tuần tháng Giêng 2015 – cho thấy quy mô to lớn và tốc độ nhanh chóng của công việc bồi đắp các bãi ngầm hay rạn san hô mà Trung Quốc đang kiểm soát tại quần đảo Trường Sa (Biển Đông).
Yếu tố mới nhất được chuyên san Jane’s Defence nêu bật để minh họa cho cơn sốt xây dựng của Trung Quốc tại Biển Đông, là công trình bồi đắp và xây dựng trên đá Tư Nghĩa (Hughes Reef), bị chiếm từ năm 1988, biến bãi ngầm chỉ rộng 380m2 này thành một đảo lớn rộng 75.000m2 !
Hoạt động của Trung Quốc lập tức thu hút sự chú ý của các nước, đặc biệt là Hoa Kỳ – từng chính thức kêu gọi tất cả các bên tranh chấp Biển Đông đình chỉ mọi hoạt động bồi đắp, xây dựng mới trong vùng, làm cho tình hình thêm căng thẳng – và Philippines, quốc gia Đông Nam Á đã nhiều lần công khai tố cáo hành động « cải tạo địa hình » của Trung Quốc tại Trường Sa.
Nghiên cứu các bức ảnh vệ tinh mới chụp vào tháng Giêng 2015, và so sánh với các bức chụp trước đó, các chuyên gia phân tích cho rằng Trung Quốc đang rốt ráo thay đổi hiện trạng Biển Đông, xây dựng cơ sở nhằm làm bàn đạp khống chế toàn bộ Biển Đông, đặt các nước khác trước một « sự đã rồi » mới.
Hành động lấn lướt trên hiện trường này đã đi ngược lại tất cả những tuyên bố hòa dịu mà giới lãnh đạo Trung Quốc không ngừng đưa ra, đặc biệt là từ cuối năm 2014 đến nay, trong đó có thông điệp được nhắc đi nhắc lại là cần phải thực thi nghiêm túc Bản Tuyên bố Ứng xử về Biển Đông DOC ký kết năm 2002 giữa Trung Quốc và Hiệp hội Đông Nam Á ASEAN.
Bày binh bố trận trên Biển Đông
Đối với giới phân tích, Trung Quốc quả đang đẩy nhanh việc bày binh bố trận ở vùng Biển Đông, với mục tiêu là dùng sức mạnh áp đặt các yêu sách lãnh thổ cực lớn của Bắc Kinh tại vùng này, phớt lờ tuyên bố chủ quyền của các láng giềng từ Việt Nam, Philippines, cho đến Malaysia, Brunei, hay Đài Loan.
Theo hãng tin Anh Reuters ngày 20/02, « Trung Quốc đang dồn uy lực đáng kể xuống Biển Đông ». Báo Mỹ Wall Street Journal ngày 18/02 cũng ghi nhận : « Trung Quốc mở rộng công việc xây cất tại vùng Biển Đông đang tranh chấp… Việc bồi đắp đảo nhân tạo cho thấy Bắc Kinh không từ bỏ tham vọng lãnh thổ ».
Phi đạo và cơ sở có thể dùng vào mục tiêu quân sự
Căn cứ vào ảnh vệ tinh chụp được, trận đồ mà Trung Quốc đang bố trí tại Biển Đông được thấy rất rõ, liên kết quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã chiếm trọn và bồi đắp từ lâu, với một hệ thống 7 bãi đá, rạn san hô tại quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc đã lấy từ tay Việt Nam và Philippines, và đang cấp tốc cải tạo : Đá Tư Nghĩa (Hughes Reef), Đá Gạc Ma (Johnson South Reef), Đá Ga Ven (Gaven Reef), Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), Đá Châu Viên (Cuarteron Reef), Đá Én Đất (Eldad Reef) và Đá Vành khăn (Mischief Reef).
Tại Hoàng Sa – chiếm trọn từ tay Việt Nam năm 1974 – Bắc Kinh đã cải tạo bồi đắp đảo chính Phú Lâm (Woody Island), và từ lâu rồi, đã cho xây trên đó một phi đạo dài 2,7 km. Còn tại vùng Trường Sa, theo ảnh vệ tinh vừa chụp được, thì Bắc Kinh đang xây trên Đá Chữ Thập một đường băng dài 3 km, và có thể sắp hoàn thành một phi đạo có độ dài tương tự trên Đá Gạc Ma, chiếm vào năm 1988.
So sánh với các phi đạo của Trung Quốc, thì rõ ràng các đường băng hiện hữu – 1,2 km trên đảo Ba Bình (Itu Aba) ở Trường Sa do Đài Loan kiểm soát, khoảng 0,7 km của Việt Nam trên đảo Trường Sa Lớn, hay 1,3 km của Philippines trên đảo Thị Tứ (Thitu Island) – chẳng thấm vào đâu.
Bên cạnh các phi đạo, ảnh vệ tinh chụp các đảo nhân tạo trên đường hình thành của Trung Quốc đều cho thấy các công trình rộng lớn có thể dùng làm nhà kho, trại lính, bệ đặt radar, hệ thống phòng không, bãi đáp trực thăng…, tóm lại đủ loại cơ sở có thể được dùng vào mục tiêu quân sự.
Đối với Việt Nam, sự kiện Trung Quốc bày binh bố trận với bảy hòn đảo nhân tạo tại Trường Sa dĩ nhiên đặt ra rất nhiều mối đe dọa, đòi hỏi chính quyền Việt Nam phải tìm ra đối sách. Để hiểu rõ thêm về các nguy cơ đang rình rập Việt Nam tại Biển Đông, RFI đã đặt một số câu hỏi cho Giáo sư Carlyle Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Úc.
Trung Quốc vẽ lại ranh giới địa lý vùng Đông Nam Á
Trước hết, như nhiều chuyên gia phân tích khác, Giáo sư Thayer công nhận mình hết sức bất ngờ trước tốc độ và cường độ của các công trình do Trung Quốc tiến hành, như chuyên san quốc phòng Jane’s Defence đã tiết lộ. Trả lời RFI qua thư điện tử, ông xác định :
Thayer : Các hành động của Trung Quốc đã khiến tôi rất ngạc nhiên. Cho đến cuối năm ngoái (2014), hầu hết các báo cáo về hoạt động của Trung Quốc chỉ nêu bật các hoạt động xây dựng với quy mô tương đối nhỏ.
Nhưng từ năm 2014 trở đi, quy mô và tốc độ của các hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc đã trở nên rất ngoạn mục.
Đối với Giáo sư Thayer, việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo ở Trường Sa sẽ xác lập sự hiện diện của Trung Quốc ngay tại trung tâm điểm của khu vực Đông Nam Á, và mặc nhiên « vẽ lại ranh giới địa lý » của khu vực :
Thayer : Các hoạt động bồi đắp đảo, đá của Trung Quốc để tạo ra các hòn đảo nhân tạo rất bạo về quan niệm chiến lược. Chúng củng cố các nỗ lực của Trung Quốc nhằm đòi chủ quyền trên toàn bộ các đảo, đá và các thực thể khác ở Biển Đông và “vùng biển tiếp giáp” được gộp trong yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc.
Việc tạo ra các hòn đảo nhân tạo sẽ thiết lập sự hiện diện của Trung Quốc ở ngay vùng trung tâm của Biển Đông, qua đó vẽ lại ranh giới địa lý của khu vực Đông Nam Á.
Năm 1995, khi thông qua Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có Vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), ASEAN đã xác định phạm vi địa lý của Đông Nam Á là “khu vực bao gồm các vùng lãnh thổ của tất cả các Quốc gia ở Đông Nam Á cụ thể là Brunei Darussalam, Cam Bốt, Indonesia , Lào, Malaysia, Miến Điện, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, và các vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các Quốc gia này… ‘lãnh thổ’ là lãnh thổ trên bộ, nội thủy, lãnh hải, vùng nước quần đảo, đáy biển và phần đất dưới đáy biển đó và vùng trời bên trên các phần nêu trên“. (Người trích nhấn mạnh).
Từ đó đến nay, Trung Quốc đã mở rộng quyền kiểm soát của họ trên khu vực Biển Đông, sử dụng tàu chấp pháp để sáp nhập bãi Scarborough Shoal, phong tỏa – hiểu theo nghĩa quân sự – Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), và đưa đội tàu đánh cá của họ xa xuống phía nam, đến tận các vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia và Indonesia ngoài Việt Nam và Philippines.
Theo Giáo sư Thayer, Việt Nam cũng đã xây dựng cơ sở hạ tầng trên các rạn san hô mà mình kiểm soát. Tuy nhiên, điều Việt Nam đã làm không vi phạm Bản Tuyên bố Ứng xử về Biển Đông DOC, trái với những gì Trung Quốc đang làm. Mặt khác, về quy mô, những gì Việt Nam đã làm chẳng thấm vào đâu so với các công trình của Trung Quốc :
Thayer : Việt Nam đã bắt đầu xây dựng trên đảo Trường Sa Lớn và các thực thể khác mà họ kiểm soát, từ trước khi Bản Tuyên bố năm 2002 về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được thông qua. Phi đạo trên Trường Sa Lớn dài 700 mét. Việt Nam cũng đã xây dựng một số công trình phòng thủ nhỏ trên một vài thực thể địa lý dưới quyền kiểm soát của mình.
Bản Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC không cấm các hoạt động như vậy. Điều 5 của DOC ghi nhận : “Các bên liên quan cam kết tự kiềm chế không tiến hành các hoạt động làm phức tạp hoặc gia tăng các tranh chấp và ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định, kể cả không tiến hành các hoạt động đưa người đến sinh sống trên các đảo, bãi đá ngầm, bãi cát ngầm, dải đá ngầm và những cấu trúc khác hiện chưa có người sinh sống và xử lý các bất đồng một cách xây dựng”. (Người trích nhấn mạnh).
Các nhà phân tích cho rằng diện tích một trong những hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc sẽ vượt quá hòn đảo lớn nhất, Itu Aba hay Ba Bình/Thái Bình, đang do Đài Loan chiếm đóng. Đảo của Trung Quốc sẽ có một chức năng kép vừa dân sự, vừa quân sự. Bến tàu trên các hòn đảo này sẽ hỗ trợ các hộ tống-khu trục hạm của Hải quân Trung Quốc. Những hòn đảo này cũng sẽ là nơi đặt các thiết bị giám sát bao gồm trạm radar, và các phương tiện tình báo điện tử.
Quy mô của các hoạt động bồi đắp, xây dựng của Trung Quốc to lớn đến mức mà các thực thể Việt Nam đang chiếm đóng chẳng thấm vào đâu. Hành động của Trung Quốc là một vi phạm Bản Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) về mặt từ ngữ nếu chưa muốn nói là tinh thần.
Áp đặt chủ quyền bằng đe dọa quân sự và né tránh luật quốc tế
Theo Giáo sư Thayer, các hoạt động cải tạo đất đai của Trung Quốc tại Biển Đông sẽ cho phép Bắc Kinh áp đặt quyền kiểm soát quân sự trong khu vực, giám sát dễ dàng mọi hoạt động của hải quân và không quân nước khác :
Thayer : Mục tiêu chiến lược tối hậu của Trung Quốc là áp đặt chủ quyền và qua đó là quyền kiểm soát quân sự trên Biển Đông để bảo vệ các tuyến đường giao thông trên biển và làm tăng nguy cơ đối với các lực lượng hải quân nước ngoài, đặc biệt là Hải quân Hoa Kỳ, khi phải hoạt động trong một vùng biển nửa kín.
Đảo nhân tạo của Trung Quốc sẽ được liên kết với các thực thể địa lý khác mà Bắc Kinh đang trấn giữ, để cung cấp cho họ những cảnh báo sớm về hoạt động của các lực lượng hải quân và không quân ngoại quốc.
Ở mức tối thiểu, các hòn đảo nhân tạo sẽ trở thành cơ sở tiền phương phục vụ các lợi ích thương mại của Trung Quốc, chẳng hạn như đánh bắt thủy sản và khai thác dầu khí, cũng như cho các cơ quan thực thi luật hàng hải khác nhau của Trung Quốc. Các cơ quan này sẽ tiến được gần hơn đến các điểm nóng tiềm tàng, đồng thời có vị trí tốt để hù dọa và thúc ép cảnh sát biển của các nước khác trong khu vực.
Những hòn đảo nhân tạo sẽ cung cấp một hàng rào chống lại bất kỳ kết quả bất lợi nào của Tòa án Trọng tài Quốc tế hiện đang xem xét đơn kiện của Philippines chống lại Trung Quốc. Đảo nhân tạo không nằm trong phạm vi thủ tục pháp lý đang tiến hành.
Mục tiêu quan trọng nhất của Trung Quốc là áp đặt trên thực tế quyền kiểm soát Biển Đông bằng cách né tránh những hạn chế của luật pháp quốc tế. Tám trong số mười quốc gia Đông Nam Á sẽ bị buộc phải đối phó với thực tế mới là phải chia sẻ một đường biên giới biển với Trung Quốc hoặc là chấp nhận việc Trung Quốc phát huy quyền kiểm soát toàn vùng biển Đông Nam Á.
Đe dọa quân sự rất lớn cho Việt Nam tại Biển Đông
Đối với Việt Nam, hệ thống đảo nhân tạo của Trung Quốc đặt ra rất nhiều mối đe đe dọa, trong đó có nguy cơ Bắc Kinh dễ dàng tấn công đánh chiếm các hòn đảo do Việt Nam trấn giữ mà khiến lực lượng Việt Nam trở tay không kịp :
Thayer : Trước hết, các hành động của Trung Quốc đặt ra một mối đe dọa gián tiếp đối với Việt Nam bằng cách cô lập Việt Nam thông qua việc hù dọa và làm nản chí các thành viên ASEAN khác, để các nước này không có bất kỳ hành động chính trị và ngoại giao nào chống lại Trung Quốc.
Thứ hai, đảo nhân tạo của Trung Quốc mở rộng tầm với của Bắc Kinh – cả về thương mại lẫn quân sự – xuống tận phía Nam của Biển Đông. Trung Quốc sẽ có thể chủ động hành sự, hay phản ứng trước các sự cố nẩy sinh tại chỗ một cách nhanh chóng hơn nhiều so với trước đây. Việt Nam sẽ còn ít thời gian chuẩn bị hơn để đáp trả.
Chẳng hạn như Trung Quốc có thể khởi động một chiến dịch phong tỏa các đảo đá mà Việt Nam đang kiểm soát tại Biển Đông, hoặc là bất ngờ đánh chiếm những tiền đồn nhỏ của Việt Nam mà Việt Nam không kịp báo động. Lực lượng Trung Quốc có thể duy trì các hành động trong khoảng thời gian dài hơn nhờ vật tư, nhiên liệu lưu trữ sẵn trên các hòn đảo nhân tạo, cũng như thông qua các cơ sở bảo trì, sửa chữa cũng như y tế đã xây dựng.
Một cách đối phó : Áp dụng chiến lược ‘áp đặt cái giá phải trả’
Theo Giáo sư Thayer, để đối phó với Trung Quốc, Việt Nam vừa phải vận động ASEAN và quốc tế, vừa phải quyết tâm liên kết với Hoa Kỳ và các cường quốc trên biển khác để buộc Bắc Kinh phải trả giá nếu manh động :
Thayer : Thẳng thắn mà nói, cả Việt Nam lẫn cộng đồng quốc tế đều khó có thể làm gì để ngăn không cho Trung Quốc tiếp tục công việc bồi đắp và xây dựng trên các hòn đảo nhân tạo.
Tuy nhiên Việt Nam có thể cố gắng tác động đến ý định của Trung Quốc thông qua các hoạt động ngoại giao mạnh mẽ ở cấp độ song phương và đa phương. Giới lãnh đạo Việt Nam cần thẳng thắn nêu bật vấn đề này với đối tác Trung Quốc. Việt Nam cần huy động sự trợ giúp từ khối ASEAN và từ cộng đồng hàng hải quốc tế. Điều tốt nhất mà các nỗ lực này có thể đạt được là thuyết phục được Trung Quốc hành động với sự tự kiềm chế và minh bạch hơn về ý định của mình.
Việt Nam có thể làm việc chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ và các cường quốc hàng hải khác để áp dụng một loạt “chiến lược áp đặt cái giá phải trả” (Cost-imposition strategy) trên Trung Quốc. Những chiến lược áp đặt giá phải trả khả dĩ thực hiện được đã được Trung tâm vì An ninh Mới của Mỹ (Center for a New American Security) tại Washington DC phát triển.
Nói chung, chiến lược này nhằm chứng minh cho Trung Quốc thấy rằng các hành động của họ sẽ tạo ra phản ứng ngược lại từ phía các quốc gia khác, khiến cho Trung Quốc khó mà tiếp tục con đường hiện tại, phải cân nhắc hơn thiệt về các hành động của họ.
Một câu hỏi được đặt ra là sau khi chuyên san quốc phòng Jane’s Defence công bố thông tin về tầm mức nghiêm trọng của các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo do Trung Quốc tiến hành tại Biển Đông, Việt Nam hầu như không có phản ứng. Theo Giáo sư Thayer, đó có thể là vì Việt Nam đang bắt cá hai tay :
Thayer : Việt Nam đang cố gắng bắt cá hai tay, vừa muốn có quan hệ tốt với Trung Quốc, vừa muốn bảo vệ chủ quyền của mình ở Biển Đông. Hai mong muốn này không tương thích với nhau.
Quan hệ tốt với Trung Quốc có nghĩa là thỏa hiệp với Bắc Kinh bằng cách tạo ra một tạm ước (modus vivendi) nhằm duy trì nguyên trạng. Trung Quốc sẽ đòi Việt Nam phải từ bỏ chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa.
Việt Nam chỉ có thể bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của mình ở Biển Đông thông qua việc xây dựng sức mạnh quân sự của mình để ngăn chặn Trung Quốc, và phát triển quan hệ quốc phòng với các đối tác chiến lược đáng tin cậy. Việt Nam đã quyết định theo đuổi việc xây dựng sức mạnh quốc phòng của mình, nhưng lại chưa dứt khoát trong việc phát triển quan hệ quốc phòng với Hoa Kỳ.
Hệ quả của mong muốn bắt cá hai tay này là Việt Nam lúc này thì chạy theo quan hệ tốt với Trung Quốc, rồi lúc khác thì lại theo đuổi việc bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của mình.
Hiện nay Việt Nam đang theo đuổi việc duy trì quan hệ tốt với Trung Quốc, do đó đã giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của các hoạt động cải tạo đảo đá của Trung Quốc tại Biển Đông.
Cùng chủ đề
-
TRUNG QUỐC – BIỂN ĐÔNG
Bồi đắp đảo nhân tạo tại Trường Sa : Ba ý đồ của Trung Quốc
Để biết thêm
-
PHILIPPINES – TRUNG QUỐC
Manila phản đối Bắc Kinh bồi đắp đảo Đá Vành Khăn, Trường Sa
Để biết thêm
-
BIỂN ĐÔNG – CHỦ QUYỀN
Ảnh vệ tinh vạch trần việc Trung Quốc cải tạo đảo đá ở Trường Sa
Để biết thêm
-
BIỂN ĐÔNG
Trung Quốc nhận chìm hồ sơ Biển Đông tại Hội nghị Quốc phòng ASEAN
” Mỹ: Trung Quốc xây Vạn lý Trường Thành trên Biển Đông“,
VOA, 02 tháng 4 năm 2015.
Tư Lệnh lực lượng Thái Bình Dương của Mỹ, Đô Đốc Harry Harris Jr., khẳng định chính sách tái cân bằng lực lượng sang khu vực Thái Bình Dương của chính phủ Mỹ đang đi đúng hướng (Nguồn: WSJ, Worldpress)
Mỹ: Trung Quốc xây Vạn lý Trường Thành trên Biển Đông
VOA, 02.4. 2015
Các công trình lắp đất xây đảo nhân tạo của Trung Quốc trong Biển Đông đã khiến người ta hoài nghi về các ý đồ của Trung Quốc, và tự hỏi liệu Bắc Kinh thực sự muốn hợp tác hay là có ý định đối đầu với các cường quốc khác trong khu vực.
Đó là lời bình luận của Tư Lệnh lực lượng Thái Bình Dương của Mỹ, bày tỏ quan tâm về việc Trung Quốc đang xây điều mà ông miêu tả là một bức “Vạn lý Trường Thành bằng Cát” trên Biển Đông.
Báo The Wall St. Journal hôm 31 tháng Ba tường thuật rằng trong một phát biểu công khai, trực tiếp chỉ trích các công trình xây cất của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa, Tư Lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương, Đô Đốc Harry Harris Jr., nói Bắc Kinh đang xây “một vạn lý trường thành” trên vùng biển đang trong vòng tranh chấp.
Đô Đốc Harris được trích lời nói rằng: “Khi xét toàn diện các hành động khiêu khích của Trung Quốc đối với các nước giành chủ quyền nhỏ hơn, sự thiếu minh bạch của cái đường 9 đoạn và tình trạng bất cân xứng giữa khả năng của Trung Quốc so với các nước láng giềng nhỏ – thì thật không đáng ngạc nhiên là quy mô của các công trình xây các đảo nhân tạo đặt ra những nghi vấn nghiêm trọng về ý đồ của Trung Quốc.”
Ông cho rằng cái đường 9 đoạn mà Trung Quốc vạch ra để đòi chủ quyền trên hầu hết Biển Đông, không phù hợp với luật quốc tế, Ông nói việc Trung Quốc xúc tiến các hoạt động cải tạo các bãi đá với quy mô chưa từng thấy trước đây là điều “rất đáng lo ngại”.
Australia, một đồng minh lâu năm của Mỹ, cũng bày tỏ quan tâm và năm ngoái, chính phủ Úc ký hiệp định củng cố hợp tác quân sự với Nhật Bản như một cách để tăng khả năng quốc phòng trước sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.
Tư Lệnh lực lượng Thái Bình Dương của Mỹ khẳng định chính sách tái cân bằng lực lượng sang khu vực Thái Bình Dương của chính phủ Mỹ đang đi đúng hướng trong mục tiêu chuyển 60% lực lượng sang Á Châu-Thái Bình Dương trước năm 2020. Washington đã điều tàu đổ bộ mới nhất của Hải quân Hoa Kỳ, chiếc USS America sang khu vực. Đây là một tàu đổ bộ được thiết kế để chở một số lượng lớn binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến phục vụ các nhiệm vụ quân sự và cứu trợ nhân đạo. Tàu có bãi đáp cho các loại chiến đấu cơ và máy bay trực thăng.
Đô đốc Harris Jr. kêu gọi tất cả các bên liên quan phải tuân thủ Tuyên bố về cách ứng xử trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký với ASEAN, cam kết sẽ kiềm chế các hoạt động “gây phức tạp hay làm leo thang căng thẳng trong khu vực”.
Tư Lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương nói bằng cách duy trì sự hiện diện của Hoa Kỳ trong khu vực, trong tình huống khủng hoảng xảy ra, “Mỹ có thể dễ dàng điều lực lượng Hải quân có khả năng ứng phó nhanh tới nơi, hầu duy trì tình trạng an ninh và ổn định khu vực.”
Nguồn: WSJ, Worldpress
Releted
TÁC ĐỘNG CHIẾN LƯỢC VÀ TRIỂN VỌNG GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG
218. Chiến lược hai mũi nhọn của hải quân Trung Quốc
1888. XUNG ĐỘT TRÊN BIỂN ĐÔNG BUỘC MỸ PHẢI TRIỂN KHAI CHÍNH SÁCH TRỞ LẠI CHÂU Á-THÁI BÌNH DƯƠNG
Tình hình biển Đông có gì mới?
Hoàng Kim (Bài tổng hợp, ngày 6 tháng 7 năm 2011)
Biển Đông và đường lưỡi bò vẫn là chủ đề nóng và động thái còn diễn biến phức tạp. Đây chỉ mới là sự khởi đầu của cuộc chiến pháp lý về chủ quyền trên biển Đông. Phía Trung Quốc đã chuẩn bị dư luận trong nước trên 60 năm (1950- 2011) về đường lưỡi bò “chuỗi ngọc trai của đất mẹ Trung Quốc” và đã thực hành “lấn dần từng bước”, “đặt trước việc đã rồi”, chọn thời cơ thích hợp đưa “đường lưỡi bò” thành vấn đề đang tranh chấp. Trung Quốc hiện đang hối thúc Việt Nam sớm đồng thuận theo cách “chủ quyền thuộc tôi, gác bỏ tranh chấp, cùng nhau khai thác, lấy tiền đổi đất, đất đổi hòa bình”. Phía Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa là sự thật lịch sử hiển nhiên và hoàn toàn có đủ căn cứ pháp lý; Quan điểm chính thống của Đảng và Nhà nước Việt Nam là hướng dư luận vào sự ứng xử phù hợp, kiềm chế, không có những hành động tự phát, không tham gia vào những hoạt động không chính thống, đảm bảo nguyên tắc không làm phức tạp thêm tình hình giải quyết tranh chấp. Bản tuyên cáo đặc biệt do một số nhân sĩ, trí thức khởi xướng về việc nhà cầm quyền Trung Quốc liên tục có những hành động gây hấn xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam trên Biển Đông ngày 25 tháng 6 hiện có 1164 người tham gia ký tên. Quan điểm của những người ký tuyên cáo coi việc giải quyết vấn đề biển Đông trong hòa bình thuộc trách nhiệm của Chính phủ nhưng điều đó không có nghĩa người dân không được quyền tiếp tục thể hiện thái độ của mình; Tuyên cáo đề cao ý chí, nguyện vọng và sức mạnh của toàn dân. Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc là sự nghiệp của toàn dân. Vì vậy bên cạnh biện pháp chính trị, quân sự và ngoại giao, biện pháp đấu tranh hiệu quả nhất vẫn là phải dựa vào sức mạnh của toàn dân tộc. Vấn đề biển Đông đòi hỏi sự bản lĩnh và trí tuệ, sáng suốt và kiên trì, thế và lực của toàn dân tộc, sự ủng hộ quốc tế, sự minh bạch thông tin và phổ biến sâu rộng kịp thời cho dân chúng biết các vấn đề liên quan đến tranh chấp biển Đông.
(trên 15 triệu dân Việt sống nghề biển, ảnh BĐVN)
TIN NỔI BẬT
Lần đầu tiên, một bản phân tích kỹ lưỡng về bức Công hàm 1958 với chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam (Huu Nguyen). Bài này được đăng trên Đại đoàn kết ngày 20 tháng 7 năm 2011.
Đại đoàn kết : Công hàm 1958 với chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam (20/07/2011) |
|
Gần đây Trung Quốc luôn rêu rao cái gọi là họ có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Trung Quốc diễn giải nội dung Công hàm ngày 14-9-1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng như là một chứng cứ cho thấy Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là hết sức phiến diện và xuyên tạc nội dung, ý nghĩa của bản Công hàm đó, hoàn toàn xa lạ với nền tảng pháp lý của Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế, bất chấp thực tế khách quan của bối cảnh lịch sử đương thời. Có thể nói, giải thích xuyên tạc Công hàm 1958 là một trong chuỗi những hành động có tính toán nhằm tạo cớ, từng bước hợp thức hóa yêu sách chủ quyền phi lý của họ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
|
Theo lý giải của Trung Quốc, ngày 4 tháng 9 năm 1958, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã công khai tuyên bố với quốc tế quyết định của Chính phủ Trung Quốc về hải phận 12 hải lý kể từ đất liền của Trung Quốc và các đảo ngoài khơi, bao gồm cả quần đảo Tây Sa và Nam Sa (tức quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam). Sau đó, ngày 14-9-1958, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) Phạm Văn Đồng gửi Công hàm cho Thủ tướng Chu Ân Lai, nguyên văn như sau:
“Thưa Đồng chí Tổng lý,
Chúng tôi xin trân trọng báo tin để Đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.
Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa trên mặt biển. Chúng tôi xin kính gửi Đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng”.
Cần phải thấy rằng, các tuyên bố nói trên của Trung Quốc cũng như của VNDCCH ra đời trong bối cảnh có nhiều chuyển biến phức tạp và cấp bách đối với Trung Quốc về tình hình lãnh thổ trên biển theo luật pháp quốc tế cũng như diễn biến căng thẳng của vấn đề quân sự xung quanh eo biển Đài Loan. Năm 1956, Liên Hợp Quốc bắt đầu tiến hành các hội nghị quốc tế bàn về Luật Biển, sau đó một số hiệp định được ký kết vào năm 1958, tuy nhiên vẫn chưa làm thỏa mãn yêu sách về lãnh hải của một số quốc gia. Từ đầu thế kỷ XX, nhiều quốc gia đã bắt đầu chú ý tới nguồn lợi to lớn từ khoáng sản và tài nguyên biển, bộc lộ ý đồ mở rộng chủ quyền trên biển. Trung Quốc, dù trong lịch sử ít quan tâm đến biển, cũng bắt đầu chú ý đến việc mở mang, kiếm tìm những đặc quyền trên biển. Mặc dù lúc đó chưa phải là thành viên của Liên Hợp Quốc, nhưng Trung Quốc cũng bắt đầu chú ý đến việc lên tiếng với cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết các vấn đề trên biển theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Trong chiến lược cho tương lai, thì việc cạnh tranh trên biển, cũng như tìm kiếm những nguồn tài nguyên trên biển là một vấn đề được Trung Quốc đặt ra. Trên thực tế, cũng từ đầu thế kỷ XX, Trung Quốc đã hình thành ý định nhòm ngó các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Rõ ràng, việc nhòm ngó các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam từ thế kỷ XX đã nằm trong chiến lược “lấn sân” của Trung Quốc về tham vọng mở rộng biên giới quốc gia trên biển.
Ngày 26-5-1950, chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, Tổng thống Hoa Kỳ Harry S. Truman đã ra lệnh cho Hạm đội 7 tiến vào eo biển Đài Loan, ngăn chặn cuộc tấn công của Trung Quốc nhắm vào các đảo trên eo biển Đài Loan. Với hành động này, Mỹ đã thực sự bảo hộ Đài Loan, mặc cho Trung Quốc kịch liệt lên án. Để tỏ rõ quyết tâm giải phóng Đài Loan, ngày 3-9-1954, Trung Quốc đã tấn công trừng phạt đối với các hòn đảo ven biển như Kim Môn, Mã Tổ. Các nhà chép sử gọi đây là cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ nhất. Ngày 11-8-1954, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai tuyên bố sẽ “giải phóng” Đài Loan, và tăng cường pháo kích vào hai đảo Kim Môn và Mã Tổ. Ngày 12-9-1954, Chủ tịch Hội đồng Liên quân Hoa Kỳ đưa ra dự tính tấn công Trung Quốc bằng vũ khí nguyên tử nhưng Tổng thống Eisenhower đã do dự sử dụng vũ khí nguyên tử cũng như sự liên can của quân đội Hoa Kỳ vào cuộc chiến này. Năm 1958, tiếp tục xảy ra cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ hai. Ngày 23-8-1958 Trung Quốc đột ngột tăng cường nã pháo vào đảo Kim Môn. Theo Hiệp định Phòng thủ tương hỗ giữa Đài Loan-Hoa Kỳ, Tổng thống Eisenhower đã ra lệnh cho tàu chiến Hoa Kỳ đến bảo vệ đường tiếp tế hậu cần từ đảo Đài Loan đến 2 đảo tiền tiêu Kim Môn và Mã Tổ.
Ngoài bối cảnh “phức tạp và cấp bách” đối với Trung Quốc như đã nêu trên, theo Thạc sĩ Hoàng Việt (Quỹ Nghiên cứu Biển Đông), Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ra đời trong bối cảnh quan hệ đặc thù VNDCCH –Trung Quốc lúc đó “vừa là đồng chí vừa là anh em”. Năm 1949, bộ đội Việt Nam còn tấn công và chiếm vùng Trúc Sơn thuộc lãnh thổ Trung Quốc từ tay các lực lượng khác rồi trao trả lại cho Quân giải phóng Trung Quốc. Năm 1957, Trung Quốc chiếm giữ đảo Bạch Long Vĩ của Việt Nam từ tay một số lực lượng khác, rồi sau đó cũng trao trả cho Việt Nam. Điều này cho thấy quan hệ đặc thù của hai nước VNDCCH – Trung Quốc lúc bấy giờ. Do vậy, trong tình hình lãnh thổ Trung Quốc đang bị đe dọa chia cắt, cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ hai khiến Hải quân Hoa Kỳ đưa tàu chiến vào can thiệp, việc Trung Quốc ra tuyên bố về lãnh hải bao gồm đảo Đài Loan trước hết nhằm khẳng định chủ quyền trên biển của Trung Quốc trong tình thế bị đe dọa tại eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn không quên mục đích “sâu xa” của họ trên Biển Đông nên đã “lồng ghép” thêm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào bản tuyên bố. Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng xuất phát từ mối quan hệ rất đặc thù với Trung Quốc trong thời điểm VNDCCH đang rất cần tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của các quốc gia trong khối xã hội chủ nghĩa bấy giờ và là một cử chỉ ngoại giao tốt đẹp thể hiện quan điểm ủng hộ của VNDCCH trong việc tôn trọng lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc trước các diễn biến quân sự phức tạp trên eo biển Đài Loan. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã phát biểu những lời ủng hộ Trung Quốc trong hoàn cảnh hết sức khẩn trương, chiến tranh chuẩn bị leo thang, Hạm đội 7 của Mỹ đang tiến vào eo biển Đài Loan và đe dọa Trung Quốc.
Nội dung Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng được thể hiện rất thận trọng, đặc biệt là không hề có việc tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bởi, hơn ai hết, chính Thủ tướng VNDCCH thấu hiểu quyền tuyên bố về lãnh thổ quốc gia thuộc thẩm quyền cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là Quốc hội, và việc bảo vệ tòan vẹn lãnh thổ quốc gia luôn luôn là mục tiêu hàng đầu đối với Nhà nước và nhân dân Việt Nam, nhất là trong hoàn cảnh ra đời của Công hàm như đã nêu trên. Công hàm 1958 có hai nội dung rất rõ ràng: Một là, Chính phủ VNDCCH ghi nhận và tán thành việc Trung Quốc mở rộng lãnh hải ra 12 hải lý; Hai là, Chính phủ VNDCCH chỉ thị cho các cơ quan nhà nước tôn trọng giới hạn lãnh hải 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố. Trong Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có từ nào, câu nào đề cập đến vấn đề lãnh thổ và chủ quyền, càng không nêu tên bất kỳ quần đảo nào như Trung Quốc đã nêu. Do vậy, chỉ xét về câu chữ trong một văn bản có tính chất ngoại giao cũng dễ dàng nhận thấy mọi suy diễn cho rằng Công hàm 1958 đã tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và coi đó là bằng chứng khẳng định Việt Nam đã thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo này là xuyên tạc lịch sử và hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.
Tại Hội nghị San Francisco 1951, các quốc gia tham dự đã bác bỏ yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cũng tại hội nghị này, Việt Nam đã long trọng tuyên bố chủ quyền lâu đời và liên tục của mình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong phiên họp toàn thể mà không có bất kỳ sự phản đối hay ý kiến gì khác của tất cả các quốc gia tham dự. Điều đó có nghĩa là kể từ năm 1951, cộng động quốc tế đã thừa nhận chủ quyền lịch sử và pháp lý của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những tuyên bố đơn phương về chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo này theo luật pháp quốc tế là vô hiệu. Hiệp định Genève 1954, mà Trung Quốc là một nước tham gia chính thức, cũng thừa nhận chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về người Việt Nam. Các điều khoản trong Hiệp định cũng yêu cầu các quốc gia tham dự Hội nghị cam kết tôn trọng chủ quyền độc lập, nền thống nhất quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Do vậy, phần tuyên bố về chủ quyền của Trung Quốc liên quan tới hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam trong bản tuyên bố ngày 4-9-1958 về cơ sở pháp lý quốc tế đương nhiên được xem là không có hiệu lực. Trong Công hàm 1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng không hề đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vì điều đó là không cần thiết, bởi theo Hiệp định Genève 1954, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm phía Nam vĩ tuyến 17 tạm thời thuộc quyền quản lý của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Trong thời điểm đó, dưới góc độ tài phán quốc tế, thì Chính phủ VNDCCH không có nghĩa vụ và quyền hạn hành xử chủ quyền tại hai quần đảo này theo luật pháp quốc tế. Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đương nhiên chỉ tán thành những tuyên bố của Trung Quốc có nội dung hợp pháp được cộng đồng quốc tế thừa nhận trên cơ sở luật pháp quốc tế cho đến giai đoạn đó. Một phần nội dung của bản tuyên bố ngày 4-9-1958 của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền quốc gia về lãnh thổ của Việt Nam, đồng thời cũng vi phạm nghiêm trọng các cơ sở pháp lý về chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà cộng đồng quốc tế đã thừa nhận cũng như đã nhiều lần tái thừa nhận một cách minh thị là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chính phủ VNDCCH trong bối cảnh quan hệ hữu nghị rất đặc thù với Trung Quốc đã khẳng định lập trường ghi nhận, tán thành tuyên bố giới hạn 12 hải lý về lãnh hải của Trung Quốc, còn những nội dung cụ thể diễn giải vượt quá phạm vi chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc theo các hiệp ước quốc tế đã không được đề cập tới như là một sự mặc nhiên thừa nhận sự vô hiệu của nó dưới ánh sáng của pháp luật quốc tế. Trong khi đó, Chính quyền VNCH, theo Hiệp định Genève 1954, đã liên tục thực thi chủ quyền lâu đời của người Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng các văn bản hành chính nhà nước cũng như bằng việc triển khai thực thi chủ quyền thực tế trên hai quần đảo này. Đỉnh cao của sự khẳng định chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong giai đoạn này là trận hải chiến quyết liệt của Hải quân VNCH chống lại sự xâm lược của tàu chiến và máy bay Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa năm 1974.
Bức Công hàm 1958
(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Trong bối cảnh lịch sử đặc biệt nêu trên càng thấy rõ một sự thật hiển nhiên là Công hàm ngày 14-9-1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đơn giản chỉ ghi nhận lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc, không hề nhắc lại các nội dung mập mờ liên quan đến các quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Về thực chất, Công hàm 1958 thể hiện một thái độ chính trị, một cử chỉ hữu nghị với tuyên bố giới hạn lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc. Thực là phi lý, nếu cố tình suy diễn và xuyên tạc (như lập luận phía Trung Quốc), cho rằng Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người con ưu tú của dân tộc, lại ký văn bản từ bỏ lãnh thổ và chủ quyền của đất nước trong khi chính ông và cả dân tộc Việt Nam đã chiến đấu hết mình để giành độc lập, tự do. Có lẽ cần phải nhấn mạnh rằng tất cả những hành động ngoại giao của Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong Công hàm 1958 có thể hiểu không phải là ông không nhìn thấy mọi ý đồ của Trung Quốc đối với cách mạng Việt Nam vì ông đã có kinh nghiệm trong bàn đàm phán Genève năm 1954, khi mà Trung Quốc đã có không ít động thái rất bất lợi cho VNDCCH. Nội dung Công hàm ngày 14-9-1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng phù hợp với hoàn cảnh và mối quan hệ đặc thù giữa VNDCCH và Trung Quốc bấy giờ, đồng thời cũng hàm chứa thái độ không bao giờ từ bỏ chủ quyền của người Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đó cũng là quan điểm nhất quán của Việt Nam, bởi từ năm 1945 đến nay, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quốc hội Việt Nam Cộng hòa, Mặt trận DTGPMN Việt Nam và sau đó là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và hiện nay là Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam chưa bao giờ lên tiếng hoặc ra nghị quyết từ bỏ chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Một cơ sở nữa trên phương diện pháp lý, nước VNDCCH lúc đó không trực tiếp quản lý đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trước năm 1975, các quốc gia và lãnh thổ tranh chấp gồm: Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam Cộng hòa và Philippines. Như vậy, những lời tuyên bố của VNDCCH xem như lời tuyên bố của một quốc gia thứ ba không có ảnh hưởng đến vụ tranh chấp. Tuy nhiên, có tác giả đã cố tình nêu thuyết “estoppel” để suy diễn những lời tuyên bố đó có hiệu lực bó buộc đối với Việt Nam.
Theo luật quốc tế, không có một văn bản pháp lý nào có thể gắn cho những lời tuyên bố đơn phương một tính chất bó buộc, ngoại trừ thuyết “estoppel”. Mục đích chính của nó ngăn chặn trường hợp một quốc gia có thể hưởng lợi vì những thái độ bất nhất của mình, và do đó, gây thiệt hại cho quốc gia khác. Vì vậy, estoppel phải hội đủ các điều kiện chính: (1) Lời tuyên bố hoặc hành động phải do một người hoặc cơ quan đại diện cho quốc gia phát biểu và phải được phát biểu một cách minh bạch; (2) Quốc gia nại “estoppel” phải chứng minh rằng mình đã dựa trên những lời tuyên bố hoặc hoạt động của quốc gia kia, mà có những hoạt động nào đó, hoặc không hoạt động; (3) Quốc gia nại “estoppel” cũng phải chứng minh rằng, vì dựa vào lời tuyên bố của quốc gia kia, mình đã bị thiệt hại, hoặc quốc gia kia đã hưởng lợi khi phát biểu lời tuyên bố đó; (4) Nhiều bản án còn đòi hỏi lời tuyên bố hoặc hoạt động phải được phát biểu một cách liên tục và lâu dài. Thí dụ: bản án “Phân định biển trong vùng Vịnh Maine”, bản án “Những hoạt động quân sự và bán quân sự tại Nicaragua”, bản án “Ngôi đền Preah Vihear”…
Áp dụng những nguyên tắc trên của estoppel vào những lời tuyên bố của VNDCCH, chúng ta thấy thiếu điều kiện 2 và 3 đã nêu ở trên. Năm 1956, năm 1958 và năm 1965, Trung Quốc đã không có thái độ nào, hoặc thay đổi thái độ vì dựa vào lời tuyên bố của VNDCCH. Trung Quốc cũng không thể chứng minh được rằng mình bị thiệt hại gì do dựa vào những lời tuyên bố đó. VNDCCH cũng không được hưởng lợi gì khi có những lời tuyên bố đó.
Trong suốt quá trình thực hiện mưu đồ bá chủ trên Biển Đông, Trung Quốc đã không ít lần đưa ra các tài liệu xuyên tạc lịch sử, biến có thành không, biến không thành có, tung hỏa mù để cố tình làm sai lệch nhận thức của chính nhân dân Trung Quốc cũng như của cộng đồng quốc tế về vấn đề này theo hướng có lợi cho mưu đồ của Trung Quốc. Tuy nhiên, trước những bằng chứng hiển nhiên của sự thật lịch sử và dưới ánh sáng của luật pháp quốc tế những hành vi xuyên tạc, tung hỏa mù, cố tình làm cho cộng đồng quốc tế ngộ nhận càng khiến cho Trung Quốc lộ rõ âm mưu cũng như thủ đoạn của họ trong suốt quá trình áp đặt ý đồ “nuốt trọn” Biển Đông, theo kiểu “miệng nói hòa bình không xưng bá, tay làm phức tạp hoá tình hình”.
Nhóm PV Biển Đông
|
|
KIẾN NGHỊ
VỀ BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC
TRONG TÌNH HÌNH HIỆN NAY
Hồ Uy Liêm | Nguyễn Trọng Vĩnh | Trần Việt Phương | Hoàng Tụy
Trần Đức Nguyên | Nguyễn Huệ Chi | Nguyễn Trung | Phạm Chi Lan
Chu Hảo | Nguyễn Xuân Diện | Nguyễn Đình Đầu | LM Huỳnh Công Minh
Lê Hiếu Đằng | Tương Lai | Trần Quốc Thuận | Vũ Thành Tư Anh
Lê Mạnh Thát | Nguyên Ngọc | Nguyễn Hữu Châu Phan | Nguyễn Đình An
.Địa chỉ hộp thư tiếp nhận chữ ký
của đồng bào cả nước và kiều bào ở nước ngoài:
Email: kiennghi1007@gmail.com
|
|
Tiến sĩ Vũ Cao Phan, người rất được dư luận coi trọng sau bài trả lời phỏng vấn của đài Truyền hình Phượng Hoàng Trung Quốc về biển Đông, đã chia sẻ với VnExpress:
– Để giải quyết tình hình căng thẳng ở biển Đông, theo ông chúng ta nên có hành động như thế nào?
– Tôi từng nói chúng ta không thể chống con sào xuống Thái Bình Dương để đẩy con thuyền Việt Nam ra xa khỏi Trung Quốc. Hai nước trở thành láng giềng đó là sự ấn định của của tạo hóa, lịch sử, không thể thay đổi được. Chúng ta không có cách nào khác là chấp nhận vị trí địa lý mà mình có, từ đó xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với nước bạn, có lợi cho hai bên. Vấn đề là chúng ta phải ở tư thế như thế nào, phải xử sự ra sao thì lại là câu chuyện tưởng dễ mà khó. Nhưng tôi là một người lạc quan, tôi rất tin mọi sự sẽ được giải quyết theo hướng tích cực.
Giáo sư Phan Huy Lê:
Những hành động của Trung Quốc đang làm cho tình hình Biển Đông nóng dần lên. Dĩ nhiên Việt Nam phải theo dõi sát sao, xây dựng chiến lược ứng phó lâu dài, đồng thời cần chủ động đối phó kịp thời với từng việc cụ thể. Tôi muốn nêu lên mấy suy nghĩ và đề xuất sau đây:
1. Lập trường bất biến của chúng ta là coi việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, lãnh thổ toàn vẹn của đất nước là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Trên lĩnh vực này, mọi quốc gia – dân tộc đều bình đẳng, không có phân biệt nước lớn – nước nhỏ và càng không có quyền nước lớn áp đặt cho nước nhỏ.
Lịch sử Việt Nam còn ghi lại bao lời tuyên bố vang vọng mãi với non sông đất nước, thấm sâu trong tâm trí các thế hệ con người Việt Nam như lời thề non nước. Đó là lời thơ thần “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” thời chống Tống thế kỷ XI, lệnh của hoàng đế Lê Thánh Tông “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại vứt bỏ… Kẻ nào dám đem một thước, một tấc đất của vua Thái Tổ làm mồi cho giặc thì phải tội tru di” năm 1473, lời kêu gọi “Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ (đánh cho biết rằng nước Nam anh hùng và có chủ)” của Quang Trung Nguyễn Huệ trong chống Thanh thế kỷ XVIII, lời tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tuyên ngôn độc lập năm 1945 “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập”.
Lịch sử Việt Nam cũng chứng tỏ rằng Việt Nam tuy là nước nhỏ (so với nhiều nước xâm lược, nhỏ hơn nhiều lần về lãnh thổ, dân số, tiềm lực kinh tế, quân sự) nhưng vẫn có thể tạo nên sức mạnh để bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia. Đó là chiến lược giữ nước “dĩ đoạn chế trường (lấy ngắn chế dài)” theo Trần Quốc Tuấn, “dĩ nhược chế cường, dĩ quá địch chúng (lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều)”, “dĩ đại nghĩa nhi thắng hung tàn, dĩ chi nhân nhi địch cường bạo (lấy đại nghĩa mà thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo)” theo lời Nguyễn Trãi.
2. Hết sức coi trọng việc giữ gìn hòa bình, ổn định cho đất nước và khu vực, biết tự kiềm chế, kiên trì sử dụng các giải pháp ngoại giao, chính trị để giải quyết các vụ đụng độ, tranh chấp trên Biển Đông bằng công pháp quốc tế và bằng con đường đấu tranh ngoại giao, bằng đàm phán giữa các nước có quyền lợi liên quan. Cần triển khai mạnh mẽ, chủ động mặt trận đấu tranh ngoại giao, nhất là ngoại giao pháp lý, trên các diễn đàn và trong các tổ chức khu vực và quốc tế, làm cho dư luận thế giới thấy rõ lẽ phải và chính nghĩa của Việt Nam, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng ASEAN và các nước trên thế giới. Trong cuộc đấu tranh này, không phải sức mạnh quân sự mà là sức mạnh của lẽ phải, của chính nghĩa và của trí tuệ có sức thuyết phục cao nhất.
3. Bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia không chỉ là trách nhiệm của Đảng cầm quyền và Nhà nước Việt Nam mà còn là trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng của nhân dân, của mọi người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài. Vì vậy cần thông tin kịp thời, công khai mọi diễn biến tình hình Biển Đông cho nhân dân biết để tạo nên sự đồng thuận và tham gia của toàn dân, của cả dân tộc Việt Nam.
4. Lịch sử hàng nghìn năm bảo vệ đất nước cho thấy sức mạnh tiềm tàng lớn lao nhất của dân tộc Việt Nam là sức mạnh của lòng yêu nước, sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân tộc. Mỗi khi Tổ quốc lâm nguy hay bị đe dọa, mọi người Việt Nam đều sẵn sàng gạt bỏ lợi ích riêng, đặt lợi ích dân tộc lên trên hết để chung sức bảo vệ đất nước. Chúng ta không bao giờ được quên những tổng kết của tổ tiên như lời Trần Quốc Tuấn, muốn giữ nước phải lo “trên dưới một dạ, lòng dân không lìa”, “vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước chung sức”, “chúng chí thành thành (ý chí của dân chúng là bức thành giữ nước)”, lời Nguyễn Trãi “sức dân như nước”, “thuyền bị lật mới thấy dân như nước”…
Sức mạnh quốc phòng rất quan trọng, sự liên kết quốc tế rất cần thiết nhưng sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và đoàn kết dân tộc luôn luôn là nền tảng giữ vai trò định đoạt. Vì vậy, nâng cao hiểu biết của nhân dân về quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa trên Biển Đông và cơ sở lịch sử – pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là rất cần thiết và quan trọng. Rất tiếc, cho đến nay, những ấn phẩm nghiên cứu và phổ cập về những vấn đề này còn quá ít, chưa đáp ứng yêu cầu tìm hiểu của nhân dân.
Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đang khẩn trương hoàn chỉnh bản thảo để xuất bản một công trình nghiên cứu về chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng nằm trong mong muốn đóng góp một phần giải quyết nhu cầu này.
(Theo Tạp chí Xưa và Nay số 381, tháng 6/2011)
Hoàng Kim
(Bài tổng hợp)
Tin liên quan:
‘Tôi bất ngờ về hiệu ứng buổi phỏng vấn của đài Phượng Hoàng’
Tình thế lưỡng nan của VN, Philippines và những cơ hội mới
Học giả Việt Nam trả lời truyền hình TQ về Biển Đông
YÊU CẦU BỘ NGOẠI GIAO CUNG CẤP THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN QUAN HỆ VỚI TRUNG QUỐC
DANH SÁCH 1.164 NGƯỜI KÝ TUYÊN CÁO ĐẶC BIỆT
BẢN TUYÊN CÁO ĐẶC BIỆT DO GIỚI NHÂN SĨ TRÍ THỨC KHỞI XƯỚNG
Nói chuyện chuyên đề về chủ quyền biển đảo
Tư liệu biển Đông và đường lưỡi bò
Phản đối tạp chí khoa học của Ý in bản đồ sai sư thât về biển đảo Viêt Nam
Mr. Do Blog: “Bức thư của người VN gửi tạp chí khoa học tại Ý (đã đăng bản đồ lưỡi bò của Trung Quốc). Anh Nguyễn Hùng, ở Úc, người chuyển cho tôi bức thư này, cũng là một trong những người đã thông báo cho tôi vụ Hội Địa lý Quốc gia Mỹ in bản đồ sai sự thật về Hoàng Sa trước đây.Nhiệt tâm của những người như anh Hùng khiến tôi vừa thán phục (vừa tự thấy xấu hổ vì không thường xuyên “phụ họa” được với họ).”——————25 June, 2011Professor Raffaello Cossu
IMAGE (Environmental Engineering) Department
Università degli Studi di Padova
Lungargine Rovetta 8, 35127Padova, Italy
Email: wmeditorinchief@gmail.comDear Professor Cossu:We are a group of Vietnamese academics and professionals currently living in various parts of the world. We would like to join Professors Van Tuan Nguyen (Garvan Institute of Medical Research, Australia) and Tuan Quang Pham (The University of New South Wales, Australia) in expressing our concern, if not outrage, about the bias shown in the map of China (i.e. deletion of neighboring countries such as Vietnam, Malaysia, Indonesia, The Philippines…and inclusion of the disputed waters and islands to the east of Vietnam) contained in the paper “Municipal solid waste source-separated collection in China: A comparative analysis” authored by Tai et al. recently appearing in your journal .In the interest of scientific integrity as well as the true facts of the East Sea of South East Asia, we would appreciate your putting out a correction as requested by the Professors or at least printing their letters in full so the readers of your journal can make up their minds about the bias in the paper written by Tai et al.Yours sincerely,Khoa Ba Ngo, M.B.A., USA
Mai Tran, Ph.D, , Australia
Tuyen Gia Do, B.E. Elect, Saudi Arabia
Phuong Minh Tran, M. Tech, Australia
Long Viet Bui, B.E. Mech, Vietnam
Ba Tuoc Tran, M. Com., Vietnam
Long Quang Le, B.E. Mech, New Zealand
Xa Van Nguyen, M.E. Civil, USA
Tu Van Nguyen, M.Com. (Econ.), New Zealand
Lap Q Nguyen, Ph.D.,USA
Han Huu Huynh, B.S. Tech (Food), USA
Tuyet Van Duong, M.Com. (Econ.), USA
Danh Cong Bien, M.E. Elect, New Zealand
Triet Minh Ngo, P.E. Civil, USA
Kho Huu Nguyen, Ph.D.(Chem Eng), P.E. (USA)
Nham Truong, Ph.D, Australia
Ngoc Bich Tran, Ph.D. (Econ.), CFP, E.A. (USA)
Hong Ba Le, M.Sc, Australia
Huynh Tung Ngo, B, Agr.Sc, Australia
Hung The Vu, B.S. Comp., USA
Ngon Danh Nguyen, P.E. Civil, USA
Mai Chi Thi Nguyen, B.Com., USA
Khanh Tuoc Trinh, Ph.D., New Zealand
Bich Lien Nguyen, B.A. Edu., USA
Mui Dinh, B.A. Edu., Australia
Tuan Sy Bui. Ph.D, MBA, MSCIS, USA
Duong Thanh Tran, B.A.Edu, New Zealand
Chau Bich Bui, M.A., USA
Nga Thien Nguyen, B.S. Comp., New Zealand
Thi Nhung Do, B.A. Edu., USA
The Hung Nguyen, Ph.D., Uni of Danang, Vietnam
Hung Nguyen, B.E. Chem., Australia
Tara T. VanToai, Ph.D., USA
Norman N. VanToai, Ph.D., USA
Ngoc Diep Vuong, M.Com.,Economics, USA
Thanh Truc Vuong, B.A.Edu, USA
Long Phan Pham, P.E, Viet Ecology Foundation, USA
Quyet Vu, M.A.Edu., USA
Marie Dung Burns, M.A. Edu., New Zealand
Lieu Thu Le, B.E. Chem, New Zealand
Ngoc Bich Becker, MTA. CANDMED, Germany
Van Hao Nguyen, M.E. Civil, Australia
Thi Tinh Tien Le, M.Com, Economics, Australia
Mong Trinh Thi Nguyen, B.A, New Zealand
Thomas Hung Ngoc Dang, M.B.A, CPEng, Australia Khanh
Nguyen-Do, Ph.D., Australia
Kim Ngoc Truong, B.E. Chem, USA Disguised and fabricated map of China without the countries of South East AsiaTrue regional map of South East Asia
Cập nhật:
Phía tạp chí Ý đã trả lời:
Dear Hung Nguyen,
Thank you for your e-mail. The Editor in Chief is evaluating the matter as a priority and will publish a note on the next issue of our Journal.
Best regards,
Managing Editorial Office
Waste Management
Nguôn: Mr. Do
Thế lưỡng nan của ASEAN ở Biển Đông
ASEAN’s dilemma in South China Sea
Michael Richardson
Straits Times (Singapore) July 4, 2011
http://www.viet-studies.info/kinhte/ASEAN_Dilemma_trans.htm
Các đòi hỏi xung khắc nhau của Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á về việc kiểm soát các khu vực rộng lớn của biển Đông có thủy sản có giá trị và dầu mỏ, khí thiên nhiên và tài nguyên khoáng sản dưới đáy biển, đã thu hút Mỹ và các cường quốc bên ngoài khác vào cuộc tranh chấp này.
Nước nào trong các nước có can dự vào trường tranh đua này sẽ thắng thế, và bằng cách nào? Hay các tay chơi chính sẽ rụt lại sự đối đầu để tiếp tục nền hòa bình và thương mại đã thúc đẩy châu Á đi đầu trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu ?
Quyền lợi được hay thua là rất cao. Mối quan hệ Trung Quốc-Mỹ là một trụ cột của sự ổn định châu Á. Tranh chấp Biển Đông là một phép thử các quan hệ trong tương lai giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Sự gắn kết của ASEAN cũng đang được thử nghiệm trong cuộc đấu đá giữa siêu cường quân sự hàng đầu và gã khổng lồ khu vực đang trỗi dậy.
Trung Quốc đang phô trương sức mạnh cơ bắp của họ bởi vì nước này nói rằng họ có chủ quyền không thể tranh cãi trên các nhóm đảo chính ở Biển Đông và quyền tài phán trên các vùng biển xung quanh, và rằng các quốc gia Đông Nam Á dẫn đầu là Việt Nam và Philippines đang ăn cắp một lượng lớn khí đốt, dầu và thuỷ sản mà đúng lẽ là thuộc về Trung Quốc.
Bắc Kinh đã cảnh báo rằng việc này phải chấm dứt. Chủ nghĩa dân tộc trong số các bên tranh chấp chủ yếu đang cháy bùng cảm xúc.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton vào ngày 23 tháng 6 xác định lại vị thế chính thức của Washington sau cuộc hội đàm với đối tác Albert del Rosario của Philippines . Ông này nói với bà rằng kể từ tháng Hai, đã có tới 9 lần “xâm nhập gây hấn” của Trung Quốc trong vùng biển thuộc biển Đông do Philippines tuyên bố chủ quyền. Việt Nam cũng đã có các khiếu nại tương tự.
Bà Clinton nói rằng Washington không đứng về bên nào trong các tranh chấp biên giới biển và lãnh hải ở biển Đông nhưng phản đối việc sử dụng hoặc đe dọa vũ lực để thúc đẩy những đòi hỏi chủ quyền của bất kì bên nào.
Bà nói thêm rằng Hoa Kì có “một lợi ích quốc gia trong tự do hàng hải, tôn trọng luật pháp quốc tế, và giao thương hợp pháp không bị cản trở, trong vùng biển Đông. Chúng tôi chia sẻ những lợi ích không chỉ với các thành viên ASEAN nhưng với các quốc gia hàng hải khác trong cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn “.
Đó là lập trường chính thức Mỹ. Tuy nhiên, cựu phụ tá ngoại trưởng Nicholas Burns gần đây đã đưa ra một cái nhìn bộc trực trong cách đánh giá thực sự của Washington khi Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào chuẩn bị trao đòn xeo quyền lực cho một thế hệ lãnh đạo trẻ hơn năm tới.
Ông Burns nói rằng Washington thấy sự rối rắm không phải từ thế hệ ông Hồ Cẩm Đào mà từ thế hệ dân tộc chủ nghĩa hơn sẽ sớm lên nắm quyền lực.
“Tôi nghĩ có một sự đồng thuận rằng Trung Quốc là một mối đe dọa tiềm năng …và rằng nếu Trung Quốc sẽ trỗi dậy với việc hiện đại hóa quân sự lớn một cách bất thường, và thấy có tình trạng hỗn loạn ở châu Á và một sự giảm sút hoặc rút lui của Mỹ và … một hệ thống liên minh tàn lụi, thì Trung Quốc có thể bị cám dỗ để tìm kiếm sự thống trị quân sự.”
Ông Burns nói rằng ông không có ý nói về sự thống trị thực dân, nhưng “khả năng đe dọa, thứ hành vi của Trung Quốc mà chúng ta đã thấy ở ASEAN (Diễn đàn khu vực về an ninh) mùa hè năm ngoái trên biển Động, một nước Trung Quốc đi quá trớn.”
Mặt khác, nếu Mỹ “có thể giữ nguyên vị thế của mình ở châu Á, vẫn duy trì sức mạnh quân sự chủ yếu của nó thông qua hệ thống đồng minh của mình, và cũng bao gồm luôn Ấn Độ trong một mối quan hệ đối tác chiến lược mới ở Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương, có nhiều khả năng hơn nữa khi Trung Quốc trỗi dậy giữa một biển dân chủ đầy các cường quốc dân chủ, thì sẽ là hoà bình “.
Sự đồng thuận Washington do ông Burns nêu ra là nhất quán với các hành động của Mỹ. Trong tháng vừa qua, chính quyền Obama đã tái khẳng định một cách rõ ràng cam kết của mình với các đồng minh chủ chốt châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines. Họ cũng đã làm điều tương tự với Australia.
Bộ Tư lệnhThái Bình Dương Mỹ đã tổ chức các cưộc tập trận huấn luyện trong vùng biển Đông với Philippines và một số nước Đông Nam Á khác. Trong khi đó, Washington đã củng cố quan hệ chiến lược với Việt Nam.
Mỹ cũng đã đồng ý với Nhật Bản đưa Ấn Độ vào một cuộc đối thoại an ninh ba bên, trên cơ sở Ấn Độ có các lợi ích thương mại và hải quân đang tăng lên tại các tuyến đường biển bận rộn xuyên qua biển Đông và New Delhi quan tâm đến cách hành xử của Trung Quốc ở đây như là một dấu hiệu về cách mà Bắc Kinh sẽ hành xử như thế nào trong tranh chấp biên giới Trung-Ấn.
Tuy nhiên, có dấu hiệu đáng lo ngại rằng Trung Quốc tin rằng các động thái này của Mỹ, đồng minh và bạn bè chỉ là trò tháu cáy và rằng cán cân quyền lực trong vùng biển Đông sẽ nghiêng về phía Trung Quốc mà không gì ngăn cản được vì giao thương và các liên kết khác đang lớn mạnh của Trung Quốc với Đông Nam Á mang thêm đòn xeo.
Các quốc gia ASEAN có thể phải đối mặt với một sự lựa chọn đau đớn. Họ sẽ xuống nước nhân nhượng, và do đó làm táo tợn hơn một Trung Quốc ngày càng có thế lực, là một phần không thể tách rời của châu Á, hay họ sẽ dựa vào các đảm bảo ngoại giao và trợ giúp chiến lược tương đối yếu và bị phân tâm từ các cường quốc ngoài khu vực như Mỹ và Nhật Bản.
NGỌC PHƯƠNG NAM
Video nhạc tuyển
Những bài hát hay nhất của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (25 bài)
KimYouTube
Trở về trang chính
Hoàng Kim Ngọc Phương Nam Thung dung Dạy và học Cây Lương thực Dạy và Học Tình yêu cuộc sống Kim on LinkedIn Kim on Facebook
Số lần xem trang : 16502 Nhập ngày : 06-04-2015 Điều chỉnh lần cuối : 21-04-2015 Ý kiến của bạn về bài viết này
Văn hóa và Giáo dục Chào mừng mạng doanh nhân trí thức NES (08-02-2011) Hoàng Ngọc Hiến, người truyền cảm hứng minh triết Việt(04-02-2011) Ngày xuân đọc lại Sấm ký của Nguyễn Bỉnh Khiêm(03-02-2011) Hoàng Hạc Lâu thắng cảnh, huyền thoại, thơ và ảnh (29-01-2011) Đọc và suy ngẫm câu chuyện về Bác Hồ(22-01-2011) Lịch sử cần sự thật(30-12-2010) Trí tuệ bậc Thầy của cặp song sinh thế kỷ(23-12-2010) Rừng Lipa(15-12-2010) Đã từng thất bại(21-11-2010) Chất người Nam Bộ trong văn Nguyễn Ngọc Tư(27-10-2010) Trang kế tiếp ... 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23
|