TS. Hoàng Kim
19 tháng 5 là ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng là ngày thành lập Việt Minh, khai sinh đường Hồ Chí Minh trong lịch sử. Chuỗi ba sự kiện lớn này đóng mốc son ngày 19 tháng 5 vào lịch sử Việt Nam và thế giới đối với nền độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sự nghiệp thống nhất Tổ quốc Việt Nam. Bác Hồ trọn đời minh triết. Bài viết này chỉ xin đề cập ba ý: Việt Nam Hồ Chí Minh biểu tượng Việt; Bác Hồ nói đi đôi với làm mẫu mực đạo đức; Bác Hồ rất ít trích dẫn.
Việt Nam Hồ Chí Minh là biểu tượng Việt
Bác Hồ là biểu tượng của thế giới người hiền, là tinh hoa văn hóa Việt gốc và văn hóa tương lai.
Giáo sư Trần Văn Giàu trong bài viết Nhân cách lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luận về bảy phẩm chất nhân cách mà cũng là minh triết của Bác Hồ được con dân nước Việt và thế giới ngợi ca. Đó là : Ưu tiên đạo đức, Tận tụy quên mình, Kiên trì bất khuất, Khiêm tốn giản dị, Hài hòa kết hợp, Thương, quý người, nâng đỡ con người, thấu tình đạt lý, Yêu thiên nhiên, hòa hợp với thiên nhiên. Giáo sư Trần Văn Giàu kết luận: “Xin mượn ý của một nhà báo ở châu Đại Dương để tạm kết chủ đề luận về nhân cách Hồ Chủ tịch: Người ta không thể trở thành một Cụ Hồ Chí Minh, nhưng ở Cụ Hồ, mỗi người có thể học một số điều làm cho mình trở thành tốt hơn”.
Bác sĩ Vũ Đình Tụng đã kể câu chuyện Bức thư huyết lệ trong hàng vạn chuyện đời thường về Bác Hồ, xin được trích nguyên văn.(xem tiếp)
” 8 giờ đêm – một đêm tháng Chạp năm 1946 – bác sĩ Vũ Đình Tụng phải mổ một trường hợp chiến thương quá đặc biệt và rất đau lòng: một chiến sĩ “sao vuông” rất trẻ, tuy vết thương nặng, đạn xé tung cả một khúc ruột mà miệng vẫn mỉm cười, cái nụ cười quá quen thuộc và thân thương đối với bác sĩ. Anh tự vệ Thủ đô ấy, người chiến sĩ gan góc ấy lại chính là Vũ Văn Thành, con trai út của bác sĩ.
Suốt ngày hôm ấy, tôi đã phải mổ cưa gắp đạn và khâu vết thương cho hàng chục chiến sĩ nhưng đến trường hợp con tôi, thần kinh tôi căng lên một cách kinh khủng. Mấy người giúp việc khuyên tôi nên nghỉ tay, nhưng tôi vẫn cố kìm mình để giữ bình tĩnh gắp mảnh đạn cuối cùng trong thân thể người con. Xong việc, tôi loạng choạng rời khỏi bàn mổ.
Các bác sĩ và những người giúp việc đã cố gắng nhiều, nhưng vết thương do quân thù gây ra quá nặng đã cướp đi mất Thành, con trai của tôi, anh của Thành là Vũ Đình Tín, tự vệ chiến đấu cũng vừa bị mất sau ngày Tổng khởi nghĩa, tôi đau đớn đến bàng hoàng.
Một buổi chiều trời rét lắm, sau đêm Nôen cuối cùng ở bệnh viện Bạch Mai, bị bom đạn tàn phá, vào lúc tôi mổ xong một ca thương binh nhẹ thì bác sĩ Trần Duy Hưng, lúc bấy giờ giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ trân trọng trao cho tôi một bức thiếp của Hồ Chủ tịch. Tôi cảm động quá. Mới đầu tôi cứ ngỡ là một mệnh lệnh mới của Người. Nhưng thật không ngờ, đó lại là một bức thư riêng đầy tình cảm lớn lao của Bác chia đau thương với gia đình tôi. Khi đó, Bác gọi tôi là “Ngài”.
“Thưa Ngài,
Tôi được báo cáo rằng: con giai Ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc.
Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột.
Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước – Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi, tinh thần họ luôn luôn sống với non sông Việt Nam.
Họ là con thảo của Đức Chúa, họ đã thực hiện cái khẩu hiệu: Thượng đế và Tổ quốc. Những thanh niên đó là anh hùng dân tộc. Đồng bào và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên ơn họ.
Ngài đã đem món quà quý báu nhất là con của mình, sẵn sàng hiến cho Tổ quốc. Từ đây, chắc Ngài sẽ thêm ra sức giúp việc kháng chiến để bảo vệ nước nhà thì linh hồn cháu ở trên trời cũng bằng lòng và sung sướng.
Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn Ngài, và gửi Ngài lời chào thân ái và quyết thắng.
Tháng 1-1947
Hồ Chí Minh”
Đọc xong bức thư, tôi thấy bàng hoàng. Bác bận trăm công nghìn việc, thế mà Bác vẫn nghĩ đến tôi, một gia đình đang có cái tang đau lòng như hàng vạn gia đình khác.
Tôi thấy nỗi đau thương và sự hy sinh của gia đình mình trở thành nhỏ bé trong cái tình thương mênh mông và sự hy sinh cao cả của Bác đối với cả dân tộc. Tôi nhủ mình sẽ phải làm tốt công việc để xứng đáng với sự hy sinh của các con và khỏi phụ lòng Bác.
Sau đó, tôi theo Bác lên Việt Bắc – căn cứ thần thánh của cách mạng Việt Nam. Từ một người thầy thuốc của xã hội cũ, một giáo dân ngoan đạo, tôi đã trở thành một người thầy thuốc tốt, một Bộ trưởng Bộ Thương binh xã hội của nước Việt Nam mới.
Vũ Đình Tụng kể, Lê Thân ghi, theo báo Nghệ An, tháng 9-1994
Tổ chức UNESCO tại kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 24 ở Paris năm 1987 đã tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa“ do các đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Người trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, nghệ thuật, và Người đã dành cả cuộc đời mình cho sự giải phóng nhân dân Việt Nam, đóng góp cho cuộc đấu tranh chung vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội của các dân tộc.
19 tháng 5 là ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là ngày thành lập Việt Minh và khai sinh đường Hồ Chí Minh trong lịch sử. Hành trình đến tự do hạnh phúc của dân tộc Việt đã trãi qua giành độc lập dân tộc và đấu tranh thống nhất Tổ quốc trong cuộc trường chinh thế kỷ . Minh triết của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp đấu trang giải phóng dân tộc và thống nhất Tổ quốc quy non sông vào một mối. Những việc khác Bác có Di chúc để lại cho đời sau. Công lao và những biến đổi phần sau không thể và không nên quy hết về Người. Có một số uẩn khúc đời người cần có đủ tư liệu mới đánh giá đầy đủ.
Bác Hồ có bài thơ “Chơi chữ” rất lạ vào những ngày đầu khởi lập nước Việt Nam mới.Đó t là một kỳ thư, kinh Dịch độc đáo, một luận giải sứ mệnh và tự đánh giá của Bác:
Chơi chữ
Hồ Chí Minh
(Bản dịch của Nam Trân):
Người thoát khỏi tù ra dựng nước,
Qua cơn hoạn nạn, rõ lòng ngay;
Người biết lo âu, ưu điểm lớn,
Nhà lao mở cửa, ắt rồng bay!
Nguyên tác:
Tù nhân xuất khứ hoặc vi quốc,
Hoạn quá đầu thì thuỷ kiến trung;
Nhân hữu ưu sầu ưu điểm đại,
Lung khai trúc sản, xuất chân long.
折字
Chiết tự
Chơi chữ
囚人出去或為國
患過頭時始見 忠
人有憂愁優點大
籠開竹閂出真龍
Chiết tự là một hình thức phân tích chữ Hán ra từng bộ phận để thành những chữ mới, có ý nghĩa khác với ý nghĩa ban đầu. Theo lối chiết tự, bài thơ này còn có nghĩa đen như sau: chữ tù (囚) bỏ chữ nhân (人), cho chữ hoặc (或) vào, thành chữ quốc (國). Chữ hoạn (患) bớt phần trên đi thành chữ trung (忠). Thêm bộ nhân (人) đứng vào chữ ưu (憂) trong “ưu sầu” thành chữ ưu (優) trong “ưu điểm”. Chữ lung (籠) bỏ bộ trúc đầu (竹) thành chữ long (龍).
Bác Hồ nói đi đôi với làm mẫu mực đạo đức
Hồ Chí Minh là một nhà cách mạng chuyên nghiệp, mẫu mực về đạo đức cách mạng, là tấm gương sáng về tự học suốt đời. Người nói: “Học ở đâu? Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học ở dân“. Người luôn nói và làm đi đôi., học không biết mỏi, dạy không biết chán.
Bác viết: “Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo của Jêsu có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Jêsu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có ưu điểm chung đó sao? Họ đều mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu cầu hạnh phúc cho xã hội. Nếu hôm nay họ còn sống trên đời này, tôi tin rằng họ nhất định sống chung với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm một người học trò nhỏ của các vị ấy..” Trích “Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo và tín ngưỡng”, NXB Khoa học xã hội, H.1996, trang 152. (Ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng).
Nói và làm của Hồ Chí Minh điều gì cũng minh triết và thiết thực. Từ bài “Tâm địa thực dân” viết ở Pháp năm 1919 đến “Tuyên ngôn độc lập” năm 1945. Từ “Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” năm 1945 đến “Lời kêu gọi sau khi hội nghị Giơnevơ thành công” năm 1954. Từ “Lời phát biểu trong buổi đón tiếp Ủy ban Quốc tế” năm 1954 sau cuộc chiến tranh Đông Dương tàn khốc và dai dẳng 8,9 năm đến “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” công bố năm 1969 lúc cuộc chiến tranh Việt Nam đang ở giai đoạn dữ dội và ác liệt nhất. Việc làm nào, lời nói nào của Bác Hồ đều là nói đi đôi với làm, là khuôn vàng thước ngọc của đạo đức cách mạng “cần, liêm, chính, chí công vô tư“. Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh độc lập dân tộc gắn liền với thống nhất Tổ Quốc, tự do và hạnh phúc của dân. Người viết: “Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước được độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” Tư tưởng xuyên suốt của Người là “Việc gì lợi cho dân , ta phải hết sức làm. Việc gì hạicho dân ta phải hết sức tránh” “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi” “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”
Hồ Chí Minh có nhiều bài chuyên bàn về đạo đức và đạo đức cách mạng. Đó là các bài “Đạo đức công dân” (1-1955), Đạo đức cách mạng (6-1955; 12-1958), “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (2-1969). Người chủ trương phát triển văn hóa gắn liền với đời sống mới, kêu gọi thực hành đời sống mới trong mọi lĩnh vực, mọi tầng lớp và trong từng con người. Hồ Chí Minh chỉ ra rằng: ” Đời sống mới không phải là cái gì cũ cũng bỏ hết không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý…; Cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm …; Cái gì mới mà hay thì ta phải làm”
Bác Hồ rất ít trích dẫn !
Ông Trường Chinh nói với ông Hà Đăng khi chiêm nghiệm về phong cách văn chương của chủ tịch Hồ Chí Minh: Bác Hồ rất ít trích dẫn. Lúc đầu tôi cũng cho là ngẫu nhiên. Về sau, hỏi trực tiếp, Bác nói: Mác, Ang ghen, Lê Nin nói rất đúng. Nhưng hoàn cảnh Mác, Ang ghen, Lê Nin hoàn toàn khác hoàn cảnh của chúng ta. Vậy nên muốn nói gì, trước hết phải hiểu cho thật rõ điều mà các vị ấy muốn nói, nói cho phù hợp với hoàn cảnh của mình, cho dân mình dễ hiểu. Do đó, Bác viết bằng sự suy nghĩ của mình. Bác rất ít trích dẫn”. (Hà Đăng 2002. Trường Chinh, người anh cả trong làng báo. Trong sách: Trường Chinh, một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam. Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia, trang 320). Ông Trường Chinh là một trong những người làm việc lâu nhất, thường xuyên nhất với Bác. Những chắt lọc và nhận xét trên đây chắc chắn là điều cần cho chúng ta suy ngẫm.
“Bác viết bằng sự suy nghĩ của mình. Bác rất ít trích dẫn” đó là phong cách văn chương của Hồ Chí Minh. Những người thông hiểu lịch sử, văn hóa, hiểu sâu các điển cố văn chương, chuyện hay tích cổ sẽ có thể chỉ ra vô số những điều trùng khớp của những lời hay ý đẹp từ xa xưa đã được Bác vận dụng một cách hợp lý hợp tình trong thời đại mới. Bác là người chú trọng ngôn ngữ giản dị, ngắn gọn, dễ hiểu, có tính thuyết phục cao, có nhịp điệu. Một thí dụ nhỏ như câu: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào/ Học tập tốt, lao động tốt/ Đoàn kết tốt, kỹ luật tốt/ Giữ gìn vệ sinh thật tốt/ Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm” là câu sáu chữ có nhịp điệu như câu thơ cổ.
*
Bác Hồ nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Suốt đời Bác làm hai việc chính là kiến tạo Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) thành một mặt trận rộng rãi “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công thành công, đại thành công” thực hiện “kế sách một chữ đồng” giành độc lập dân tộc và mở đường thống nhất Việt Nam.
Bác Hồ thật đúng là: “Bình sinh đầu ngẩng tới trời xanh. Khuất núi hồn THƠM quyện đất lành. Anh hùng HỒ dễ nên nghiệp ấy. Tâm hồn bình dị CHÍ anh MINH”.
Một số vĩ nhân còn lầm lẫn và khuyết điểm vào một thời điểm nào đó trong đời, riêng Bác Hồ thì chưa tìm thấy. Tôi cố gắng làm một người học trò nhỏ của Bác, học sự minh triết “dĩ công vi thượng”, tâm đức, quyền biến, năng động. Học làm người phúc hậu, thực việc, nói đi đôi với làm, chắt lọc tinh hoa lý luận và thực tiễn để vận dụng linh hoạt, sáng tạo, và thích hợp vào đời sống của mình.
Hồ Chí Minh trọn đời minh triết.
Hoàng Kim
(*) Bài viết nhân kỷ niệm 125 năm (1890 – 1969) ngày sinh của Bác Hồ. Bài này là sự tiếp nối của những bài trước: Qua đèo chợt gặp mai đầu suối. Bình sinh đầu ngẩng tới trời xanh. Về Việt Bắc đêm lạnh nhớ Bác… Trên Face Book có chuyên trang Việt Nam Hồ Chí Minh. Trang Tình yêu cuộc sống và CNM365 có bài viết Chào ngày mới 19 tháng 5 đúc kết thông tin Wikipedia ngày này năm xưa: ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng là ngày thành lập Việt Minh, và khai sinh đường Hồ Chí Minh.
xem thêm:
NHÂN CÁCH LỚN CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
GS. Trần Văn Giàu
Nhiều học giả đã nghiên cứu về Cụ Hồ-Nhà lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc, nhà sáng tạo tư tưởng, nhà văn hoá lớn của thế giới. Bài viết này chỉ xin đề cập đến một phạm vi hẹp hơn, đó là nhân cách Cụ Hồ, ngõ hầu góp phần nghiên cứu Cụ như một con người vĩ đại.
Trước hết, phải cắt nghĩa nhân cách là gì? Từ điển tiếng Việt ghi là “phẩm chất con người”. Theo sách “Đường Kách mệnh”, do chính Cụ viết thì nhân cách là “tư cách của người cách mạng”; được Cụ khái quát trong 23 điều ngắn gọn, thuộc về ba cách ứng xử của người cách mạng với: chính bản thân, với người khác và với công việc.
Về nhân cách Cụ Hồ, theo tôi, kết tụ trong 7 điểm cơ bản, cũng là 7 phẩm chất được con dân nước Việt và thế giới ngợi ca.
- Ưu tiên đạo đức
Tôi cho rằng quan tâm thật nhiều đến đạo đức, nhân cách là đặc điểm nổi bật nhất của Cụ Hồ, làm cho Cụ khác biệt hẳn với hầu hết các nhà lãnh đạo cách mạng khác ở cả ta và Tây.
Nhiều nhà sử học phương Tây đã sớm để ý đến điều khác biệt ấy và họ cứ đinh ninh rằng, đó là do ảnh hưởng của Khổng giáo. Đương nhiên, không thể phủ nhận ảnh hưởng lâu đời của Khổng giáo đến văn hóa Việt Nam.
Cá nhân tôi cho đó trước hết thuộc về truyền thống dân tộc – một đất nước chỉ trong vòng 2.000 năm – hai thiên niên kỷ đã phải hàng chục lần tiến hành kháng chiến chống lại kẻ thù xâm lược mạnh hơn ta gấp bội; muốn tồn tại không thể trông cậy vào số kiếp, mà phải dựa vào chất con người chiến đấu, lâu ngày thành nếp tư tưởng, quý trọng bậc nhất đạo đức, nhân cách, tính kiên trì bất khuất, đức quên mình vì nước, vì dân.
Nếu đặt nhân cách, đạo đức lên hàng đầu là duy tâm (như có người nói) thì việc sùng bái tiền hàng, chạy cuồng theo lợi nhuận là duy vật hay sao?
Bởi vậy, khi Lênin từ trần vào năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định rằng: Các dân tộc phương Đông sở dĩ kính mến Lênin vì vị thầy của cách mạng giải phóng sinh tiền là một “người khinh thường xa hoa, yêu lao động, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị”.
Khi mở lớp huấn luyện cán bộ đầu tiên vào năm 1925 (Cụ Hồ lúc này lấy tên là Vương) đã đặt ra 23 điều thuộc về tư cách người cách mạng lên trang đầu của cuốn sách “Đường Kách mệnh”.
Cho nên, khi bàn về các tiêu chuẩn bầu chọn anh hùng quân đội trong kháng chiến, thì tiêu chuẩn đạo đức, nhân cách được Cụ đặt lên hàng đầu, trên cả những thành tích xuất sắc.
Tựa như trong “Luận ngữ”, sách tổ của đạo Nho, chữ “nhân” được nói đi nói lại nhiều nhất. Người đời sau quả có lý để nhận xét, đánh giá: đạo của Khổng phu tử là đạo nhân. Còn trong các bài viết của Cụ Hồ, chữ đạo đức cách mạng được sử dụng nhiều nhất. Con dân Việt Nam xem Cụ Hồ như bậc tái tạo lương tri, xây dựng phẩm chất, nhân cách cho các thế hệ cách mạng, cho kháng chiến và xây dựng hòa bình.
2. Tận tụy quên mình
Đạo đức của Cụ Hồ được cấu thành từ ba mệnh đề, trong đó, mệnh đề thứ nhất là: Trung với nước, Hiếu với dân. Nếu như ngày xưa “trung quân vương và hiếu phụ mẫu” (trung thành với vua, hiếu thảo với cha mẹ), đòi hỏi những gì thì ngày nay nội dung trung với nước, hiếu với dân cũng đòi hỏi như vậy; thậm chí còn cao hơn nữa.ởi thế, nếu đã trung với nước, hiếu với dân thì suốt đời phải tận tụy, quên mình phục vụ nước nhà, phục vụ nhân dân. Đây là cái đức lớn nhất, cái gốc của nhân cách Cụ Hồ, là điều mà đồng bào ta và nhân dân thế giới ngợi ca.
Cụ viết: “Bài học chính trong đời tôi là tuyệt đối và hoàn toàn cống hiến đời mình cho sự nghiệp giải phóng và thống nhất Tổ quốc, giải phóng giai cấp công nhân và dân tộc bị áp bức, cho sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội, cho sự hợp tác anh em và hòa bình giữa các dân tộc”. Và Cụ đã làm đúng như vậy.
Quên mình vì nước, vì dân đã hiếm; mà tận tụy quên mình suốt đời phục vụ thì vô cùng hiếm hoi, chỉ có bậc thánh nhân và tông đồ của dân mới làm được trọn vẹn.
Học trò, vừa là bạn chiến đấu của Cụ – Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Cụ Hồ không có cái gì riêng; cái gì của nước, của dân là của Người; quyền lợi tối cao của nước, lợi ích hàng ngày của dân là sự lo lắng hàng ngày của Người; gia đình của Người là đại gia đình Việt Nam”.
Nhà báo Úc nổi tiếng thế giới là Búc-sét có dịp tiếp xúc với Người, đã nhận xét: “Nói tới một người mà cả cuộc đời mình để lại ân tình sâu nặng cho nhân dân thì không có một ai khác ngoài Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
- Kiên trì, bất khuất
Có lẽ đoạn văn sau đây của nhà báo La-cót-tơ là tiêu biểu cho công luận quốc tế nhận xét một cách khách quan rằng:
“Trong ngót nửa thế kỷ, ông Hồ Chí Minh lãnh đạo một cuộc chiến đấu chưa từng có, về biến chuyển của chiến thuật và tình huống, về tính đa dạng của cách xử trí, về những hy sinh phải chấp nhận, về sức mạnh yếu khác nhau một trời một vực ở mặt vũ khí.
Bị tòa án thực dân xử tử hình, mươi lần thoát khỏi lưu đày và máy chém, khi thì mặc áo vàng nhà sư Thái Lan, khi thì mặc quân phục đệ bát lộ quân Trung Quốc. Và giành được chính quyền rồi, ông Hồ phải liên tiếp đương đầu với hai đế quốc phương Tây.
Thời nay có nhà cách mạng nào đủ gan lớn mật đầy để chống đối trật tự của các liệt cường với một quyết tâm bền bỉ đến thế? Ông Hồ đã hồi sinh một dân tộc, tái tạo một quốc gia, lãnh đạo hai cuộc chiến tranh, về cơ bản là chiến tranh của những người bị áp bức.
Cuộc chiến đấu của ông chống Mỹ tỏ rõ các giới hạn của sức mạnh kỹ thuật khi đương đầu với con người”.
Dũng cảm, quyết tâm, bền bỉ, bất khuất – Cụ Hồ là như vậy. Tờ Thế giới của Pháp đã có lần viết: “Người Mỹ có thể tàn phá hết đất nước này, nhưng đất nước này thậm chí sau khi bị tàn phá hết, cũng không cúi đầu khuất phục”.
Báo Quốc gia của Ấn Độ đã viết: “Đằng sau cái cốt cách dịu dàng của Cụ Hồ là một ý chí sắt thép. Dưới cái bề ngoài giản dị là một tinh thần quật khởi anh hùng không có gì uy hiếp nổi”.
Điều đáng chú ý là phẩm chất, nhân cách đó của Cụ Hồ cũng là nhân cách, phẩm chất của các môn đệ của Cụ, và cũng là phẩm chất, nhân cách của đại đa số nhân dân Việt Nam. Cho nên cái hy vọng của Mỹ, hễ Cụ Hồ mất thì kháng chiến tất sụp đổ, hy vọng đó trở thành tuyệt vọng.
4- Khiêm tốn, giản dị
Cuộc đời hoạt động cách mạng của Cụ Hồ rất sôi nổi, long trời, lở đất đến như vậy, tiếng thơm lan khắp năm châu bốn bể, trong Đảng và Chính phủ (Nhà nước và đoàn thể) Việt Nam; Cụ Hồ là người lãnh đạo tối cao được kính mến như vậy; nhưng đời sống của Cụ rất bình thường, vô cùng giản dị, khiêm tốn. Tính giản dị, khiêm tốn của Cụ được ca tụng hết lời, cũng như đức quên mình vì mọi người.
Chủ tịch An-len-dơ của Chilê nhận xét: “Không bao giờ chúng ta thấy sự giản dị và sự vĩ đại đi liền với nhau như vậy”.
Ông M.Kha Li của Cộng hòa Arập thống nhất khẳng định: “Thiên thần thoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cuộc sống giản dị, khiêm tốn”.
Cả Việt Nam, toàn thế giới đều biết đến bộ quần áo kaki sờn, đôi dép cao su mòn, ngôi nhà sàn gỗ đơn sơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chẳng phải từ những ngày đầu đào tạo cán bộ cách mạng (1925), Cụ Hồ với danh xưng là đồng chí Vương đã khuyên cán bộ phải “ít lòng ham muốn vật chất”, “không háo danh kiêu ngạo”. Và Cụ đã sống như những gì Cụ dạy cán bộ. Tính khiêm tốn, giản dị còn thể hiện rõ trong Di chúc năm 1969: “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức đám đình, lãng phí ngày giờ và tiền bạc của nhân dân.
Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, nói chữ là “hỏa táng”…
Tro xương thì tìm một quả đồi mà chôn. Gần Tam Đảo và Ba Vì… Trên mộ nên xây một cái nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi” (Hồ Chí Minh – Toàn tập – Tập 12, Nxb Chính trị Quốc gia, H,2002. tr.499).
Khó kiếm thay một người công lao đã đạt đến đỉnh cao nhất của vinh quang mà vẫn giữ tính khiêm tốn, giản dị y như thuở hàn vi hoạt động trong vòng vây dày đặc của kẻ thù. Gương sáng chói ấy không một hạt bụi nào có thể bám được.
5- Hài hòa, kết hợp
Có một đức tính lớn của Cụ Hồ mà mãi đến khi Cụ qua đời và phải đọc thật nhiều bài viết của nhân loại ngợi ca Người, ta mới nhận ra được tầm quan trọng. Giống như khi đứng ở chân núi, làm sao thấy được núi cao. Đó là tính hài hòa, sự nhất quán trong suy nghĩ và việc làm, giữa những cái khác nhau, giữa những cái thường bị xem là trái nhau.
Một học trò của Cụ là Lê Duẩn có viết đại ý: Ở Cụ Hồ, tinh hoa của dân tộc kết hợp với Chủ nghĩa Mác – Lênin là đỉnh cao của tư tưởng loài người ở thời đại mới.
Cách mạng Việt Nam phát triển theo con đường của Chủ nghĩa Mác – Lênin, nhưng không tách rời tinh hoa của dân tộc. Bởi ở đó là nơi kết hợp hài hòa giữa chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế vô sản. Và Cụ Hồ là người Lêninnít đóng góp lớn nhất, nhiều nhất, hài hòa nhất vào kho tàng lý luận của Chủ nghĩa Mác – Lênin.
Báo Asahi của Nhật Bản cắt nghĩa rất rõ ràng: “Điều làm cho Cụ Hồ trở thành một lãnh tụ quần chúng tuyệt vời là sự kết hợp chủ nghĩa dân tộc với chủ nghĩa xã hội, kết hợp phong trào giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa”.
Ta có thể thêm vào một ý: cái này vừa là cứu cánh, vừa làm động lực cho cái kia một cách nhịp nhàng hết sức, như hai dây đồng của một dây đàn.
Đẹp thay, đúng thay lời Jin Rou-sơ viết cho báo Chiến đấu của Pháp: “Từ 30 năm nay, trong số các nhân vật mà tôi được gặp, chắc chắn Cụ Hồ là đáng khâm phục nhất. Cụ là người hoàn toàn đáng được mọi người ca ngợi, bởi vì Cụ đã kết hợp đến mức nhuần nhuyễn, phi thường chủ nghĩa anh hùng với đầu óc sáng suốt, lòng yêu nước tuyệt vời, tinh thần cách mạng trong sáng, thái độ cứng rắn trước cuộc sống với lòng nhân đạo đối với con người.
Sự hài hòa giữa những tính tình đôi khi trái ngược nhau đó, giải thích tại Cụ Hồ cùng một lúc là nhà thơ, là đảng viên, là nhà lãnh đạo quốc gia, nhà ngoại giao, lại vừa là một chiến sĩ”.
Bên cạnh các tư tưởng lớn và những phẩm chất có tính tư tưởng cao, người ta còn chú ý ở Cụ Hồ sự kết hợp hài hòa của những điều dường như ở mức thấp hơn mà cũng thường gặp hơn trong đời sống hằng ngày.
Báo Ảnh diện của Ấn Độ đặc tả: “Cụ Hồ đã kết hợp nhuần nhuyễn sự tao nhã cao quý với tác phong gần gũi, giữa dân chủ, giữa tự do không nghi thức với sự nghiêm chỉnh thận trọng, vì vậy Cụ Hồ có một sự hấp dẫn đặc biệt, không gì so sánh được”.
Còn báo Chiến sĩ của An-giê-ri lại chú trọng đến một mặt rất dung dị, nhưng rất quan trọng của một sự kết hợp hài hòa ở Cụ Hồ: “Nhà văn, nhà báo, dù ai có ác ý nhất cũng không tìm thấy một chút thiếu sót nhỏ nhặt trong cuộc đời gần 80 năm.
Đây cũng là một trong những bài học mà chúng ta có thể rút ra từ cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Người ta không thể là nhà cách mạng trong những việc lớn mà lại thiếu sót trong những việc nhỏ”.
Tôi có thể đem hàng chục, hàng trăm dẫn chứng cụ thể để chứng minh sự kết hợp hài hòa mà các báo trên vừa nói. Cụ Hồ đúng là hiện thân của sự hài hòa.
6- Thương, quý người, nâng đỡ con người, thấu tình đạt lý
Như phần lớn các nhà hiền triết cổ kim, đông tây, thương người là một trong những đức lớn của Cụ Hồ – được thể hiện qua từng lời nói, từng việc làm của Cụ suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng không mệt mỏi.
Trong tiềm thức của Cụ Hồ – thương người đồng nghĩa với nhân ái. Vậy nhân ái của Cụ Hồ khác gì với nhân ái của Khổng Mặc, hay chỉ là một mà thôi? Đương nhiên là khác không nhỏ. Nguyễn Tất Thành – Anh Ba bồi bếp rồi thủy thủ con tàu buôn ấy có một tâm hồn nhạy cảm, xót xa từng thân phận của những người cùng khổ mới có những nét bút làm xúc động lương tâm con người đến thế khi anh mô tả một cuộc hành hình theo kiểu Lunch ở đất Mỹ.
Nếu không có trái tim đập cùng nhịp với những người thất thế cô đơn, làm sao viết chuyện một cụ già ở Epinettơ, Pari, đã mất hết nhà cửa, vợ con trong cuộc đại chiến, đang ngày ngày chờ từng bát cháo từ thiện?
Lòng thương người của Nguyễn Ái Quốc đồng nghĩa với tình thương dành cho các dân tộc bị xích xiềng thực dân. Tình thương của Người không chỉ là cảm thông mà là chỉ dẫn cho người lao động và các dân tộc bị áp bức biết tự mình cởi ách nô lệ, chớ không phải mòn móng ngựa, bánh xe để du thuyết cho vương hầu.
Đi tìm và khai phá con đường cách mạng, Nguyễn Ái Quốc luôn đặt vấn đề tự do song song với hạnh phúc của dân tộc. Có người Mỹ nói: Cụ Hồ vừa là Oasinhtơn, vừa là Lin-con. Đúng mà chưa đủ vì Cụ Hồ còn đi xa hơn nữa với tấm lòng nhân ái thiết thực.
Cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thắng lợi, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ phải trải qua nạn đói khủng khiếp do Pháp – Nhật gây ra. Trong tình cảnh vô cùng khó khăn ấy, Cụ Hồ chủ trương phát động nhân dân tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm. Bản thân Người gương mẫu mỗi tháng nhịn ăn ba bữa để góp gạo cứu đói, và Cụ Hồ đã đổ lon gạo dành dụm của mình vào hũ gạo tiết kiệm của muôn dân như mọi người dân bình dị.
Những việc làm vì thương người, thương dân của Cụ Hồ sao có thể kể xiết. Ngay cả khi đi Chiến dịch Biên giới, Người không chịu cưỡi ngựa mà cùng đi bộ với 7 cán bộ, chiến sĩ, để ngựa thồ hành lý đỡ cho anh em.
Đoàn được chia chiến lợi phẩm một chai rượu Tây, Cụ bảo mọi người uống xong đừng vứt bỏ chai mà súc sạch rồi đem cho dân đựng hạt giống. Khi đi thăm trại tù binh về, Cụ không còn áo khoác vì đã cho tên quan ba thầy thuốc bị rét cóng.
Hiếm có một lãnh tụ như vậy. Cụ Hồ đích thực có một tình thương mênh mông dành cho bao kiếp người, bao số phận con người.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Những tư tưởng lớn của Hồ Chủ tịch là những tình cảm lớn. Trong đời hoạt động cách mạng của Hồ Chủ tịch, cũng như trong đời sống hàng ngày của mình, Hồ Chủ tịch đối xử với người luôn có lý, có tình. Bác Hồ muôn vàn yêu thương đối với đồng chí, đồng bào,
Trong tình yêu đó, có chỗ cho mọi người, không quên sót một ai và sắp xếp cho mỗi người vị trí chiến đấu, cũng như lo lắng chu đáo cho mỗi người việc làm, đời sống và học tập, vừa nghiêm khắc đòi hỏi, vừa thương yêu dìu dắt… Đối với kẻ lầm đường, lạc lối, lòng Hồ Chủ tịch còn rộng hơn biển cả, Người dạy phải khoan hồng, vui mừng đón rước những đứa con vì cảnh ngộ mà lạc bầy”.
Cảm động, đẹp đẽ thay lời của Montaron viết trên báo Bằng chứng Thiên Chúa giáo của Pháp, rằng: “Cụ Hồ Chí Minh là một trong những chiến sĩ đầu tiên của thế giới thứ ba, của các dân tộc nghèo đói thèm khát cuộc sống cho người. Cụ đã dạy cho họ rằng muốn được giải phóng, phải dựa vào sức mình là chính, và một dân tộc chỉ có thể sống còn khi dân tộc ấy không chịu sống nô lệ.
Nhất là Cụ đã dạy rằng, cuộc chiến đấu vì nhân phẩm, tự do phải được đặt trên mọi cuộc chiến đấu khác. Cụ đã đem hết sức mình để đem lại cơm ăn, nước uống cho những ai đói khát. Cụ đã bênh vực cho những người yếu hèn và mang lại nhân phẩm cho những người nghèo khổ…”.
7- Yêu thiên nhiên, hòa hợp với thiên nhiên
Không chỉ có tâm hồn cách mạng, thi nhân, thương yêu con người, Cụ Hồ còn yêu thiên nhiên, hòa hợp với thiên nhiên. Tình yêu thiên nhiên của Cụ Hồ khác xa tình yêu thiên nhiên của Lão Trang, bởi Cụ Hồ yêu thiên nhiên đâu phải để tiêu dao, xa trần tục, thế sự.
Tình yêu ấy gắn liền với cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Cụ tìm thấy trong thiên nhiên một nguồn cổ vũ, chia sẻ buồn vui. Ở thiên nhiên, Cụ Hồ tìm thấy một sự quân bình trong tâm hồn sau, hoặc trong những giờ phút căng thẳng. Với Cụ Hồ, thiên nhiên như bạn tâm tình; thiên nhiên được nhân hóa, thiên nhiên như người bạn tri ân, bạn chiến đấu.
Ngay cả khi phải ngồi trong nhà tù Quốc dân đảng, Cụ Hồ vẫn có trăng sao làm bầu bạn:
“Trong tù không rượu cũng không hoa
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”.
Thơ tả thiên nhiên đấy mà thực ra là lời nhắn gửi tới đồng chí rằng Cụ vẫn sống, vẫn giữ vững tinh thần, vẫn nhớ anh em mà không quên nhiệm vụ cách mạng:
“Núi ấp ôm mây, mây ấp núi
Lòng sông gương sáng bụi không mờ
Bồi hồi dạo bước Tây phong lĩnh
Trông lại trời Nam nhớ bạn xưa”.
Đặc biệt, thơ Cụ Hồ thấm đượm triết lý chính trị cách mạng khi tả buổi bình minh thức dậy trên đường đi công tác:
“Phương đông màu trắng chuyển sang hồng
Bóng tối đêm tàn quét sạch không
Hơi ấm bao la trùm vũ trụ
Người đi thi hứng bỗng thêm nồng”.
Thiên nhiên dường như chứng kiến sự tận tụy với công việc của một nhà lãnh đạo kháng chiến ở giữa làng chiến khu Việt Bắc:
“Xem sách, chim rừng vào cửa đậu
Phê văn, hoa núi ghé nghiên soi
Tin vui thắng trận dồn chân ngựa
Nhớ cụ, thơ xuân tặng một bài”.
Diệp Minh Châu – một nhà điêu khắc quê ở miền Nam, bồi hồi kể lại câu chuyện cảm động ở chiến khu Việt Bắc: “Tôi đang nghe đài phát thanh, bỗng có tiếng Bác gọi: Chú Châu qua đây! Tôi ngồi bên Bác. Bác kéo đầu tôi ghé vai Bác, trỏ ra cửa sổ. Một mảnh trăng lưỡi liềm nhô ra khỏi núi, tỏa sắc xanh huyền ảo xuống những dãy rừng xa. Bác nói: Của chú đấy!”.
Đó là thiên nhiên Việt Bắc. Còn cảnh đẹp Thủ đô Hà Nội trong Người được nhà văn Cuba là Rôđighét mô tả: “Tôi được biết có hai điều Bác Hồ yêu thích, đó là hoa và tiếng chim ca. Hoa và chim luôn ở bên Người. Ngôi nhà nhỏ của Bác nhìn ra phía nào cũng có một ô cửa sổ, một bức tranh bằng ánh sáng, và khi gió nhẹ thổi qua bức tranh như có sức sống”.
Không chỉ yêu nước, thương nòi, yêu dân, yêu con người và loài người một cách nồng nhiệt, Cụ Hồ còn yêu thiên nhiên một cách đằm thắm, vừa hàm ơn, vừa hòa hợp với thiên nhiên, gắn thiên nhiên với cuộc đấu tranh vì nhân phẩm và tự do của con người.
Phải chăng trong Người luôn hiện hữu mối quan hệ gần gũi giữa tình yêu thiên nhiên với trạng thái tâm hồn thanh thản, tỉnh táo, ung dung tự tại trong lúc bình cũng như khi biến.
Xin mượn ý của một nhà báo ở châu Đại Dương để tạm kết chủ đề luận về nhân cách Hồ Chủ tịch: Người ta không thể trở thành một Cụ Hồ Chí Minh, nhưng ở Cụ Hồ, mỗi người có thể học một số điều làm cho mình trở thành tốt hơn.
Video nhạc tuyển
Nhật lệnh gọi bình minh
Trở về trang chính
Hoàng Kim
Ngọc Phương Nam
Thung dung
Dạy và học
Cây Lương thực
Dạy và Học
Tình yêu cuộc sống
Kim on LinkedIn
Kim on Facebook Số lần xem trang : 16278 Nhập ngày : 22-05-2015 Điều chỉnh lần cuối : Ý kiến của bạn về bài viết này
Văn hóa và Giáo dục Thiền sư Thích Thanh Từ(10-07-2010) Bán cho con một giờ của bố(02-07-2010) Hoan hô Quốc hội(12-11-2005) Thiết bị đọc sách Kindle (10-11-2005) Phản biện đáng lưu ý về dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam(09-11-2005) Nguyễn Du viếng mộ Liễu Hạ Huệ(15-11-2005) Học không bao giờ muộn(18-05-2010) Đọc lại và suy ngẫm: Hồ Chí Minh với Trung Quốc (16-05-2010) Hoàng Cầm: sông Đuống trôi đi một giòng lấp lánh(12-05-2010) Cây đàn thơ Hoàng Cầm và lời bình của Phan Chí Thắng(08-05-2010) Trang kế tiếp ... 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23
|