TS. Hoàng Kim
TÌNH YÊU CUỘC SỐNG. Hỏi: Kính gửi Thầy Tiến sĩ Hoàng Kim, Em là Dương Ngọc Văn Long, 26 tuổi, đang làm nhân viên tại một công ty Nhật, chuyên về xuất khẩu hàng Việt Nam sang thị trường Nhật. Vì công ty đang tiến hành dự án xuất khẩu các giống khoai lang Nhật đỏ (HL518 ) sang thị trường Nhật nên cần một số thông tin thêm để giải thích cho khách hàng bên Nhật mà em tìm hoài trên mạng lại không có thông tin. Em mong Thầy giúp ý kiến và lời khuyên... (Giống khoai lang HL518 ở Gia Lai, ảnh nguồn: Nguyễn Thị Hoa 2015) xem tiếp...
Giống khoai lang ở Việt Nam
TÌNH YÊU CUỘC SỐNG. Hỏi: Kính gửi Thầy Tiến sĩ Hoàng Kim, Em là Dương Ngọc Văn Long, 26 tuổi, đang làm nhân viên tại một công ty Nhật, chuyên về xuất khẩu hàng Việt Nam sang thị trường Nhật. Vì công ty đang tiến hành dự án xuất khẩu các giống khoai lang Nhật đỏ (HL518 ) sang thị trường Nhật nên cần một số thông tin thêm để giải thích cho khách hàng bên Nhật mà em tìm hoài trên mạng lại không có thông tin. Em mong Thầy giúp ý kiến và lời khuyên về những vấn đề sau : 1. Hiện nay, giống khoai lang Nhật đỏ HL518 đang được trồng đại trà ở Đà Lạt, Đak Nông, Miền Tây, Miền Trung & Phía Bắc. Vậy năng suất, sản lượng, hàm lượng các chất trong củ khoai lang có sự sai khác giữa các vùng miền hay không ( % chất khô, tinh bột, vitamin,… ), vùng miền nào đang là dẫn đầu về chất lượng & năng suất ? 2. Thầy có thể hỗ trợ em thêm về thông tin Thầy, Cô nào đang nghiên cứu về đề tài này hoặc các chương trình đang nghiên cứu về đề tài này của các Viện, Trường, Sở, Bộ Nông Nghiệp & PTNT … Em xin sự hỗ trợ từ Thầy vì hiện tại người nông dân của mình thu nhập rất bấp bênh về cây khoai lang, nếu tìm được một thị trường tiêu thụ lớn, ổn định thì thu nhập của người trồng khoai lang và nguồn ra của sản phẩm cũng sẽ dễ dàng hơn. Các thương hiệu cây trồng của Việt Nam sẽ mở rộng ra thị trường Quốc tế. Kính mong sự hỗ trợ từ Thầy. Em cám ơn Thầy.
TS. Hoàng Kim trả lời: Ba bài viết “Giống khoai lang ở Việt Nam” “Khoai lang Hoàng Long trên Yên Tử” “Khoai lang Việt Nam từ giống tốt đến thương hiệu” cung cấp những góc nhìn toàn cảnh liên quan sự nghiên cứu phát triển giống khoai lang ở Việt Nam. Hai giống khoai lang HL518 (Nhật đỏ) và HL491 (Nhật tím) đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận giống năm 1997 (Nguyễn Thị Thủy, Hoàng Kim và ctv. 1997) hiện đã được trồng khá phổ biến và mang lại sự thay đổi căn bản về năng suất cao và chất lượng ngon cho sự canh tác khoai lang tại nhiều tỉnh của Việt Nam. Những tỉnh trồng hai giống khoai lang này nhiều là Vĩnh Long, Kiên Giang, Đà Lạt, Đăk Nông, Gia Lai, Đồng Nai và Sóc Trăng, … Tại Vĩnh Long, việc thay thế giống khoai lang địa phương Dương Ngọc, Tàu Nghẹn, Bí Đế bằng hai giống khoai lang HL518 (Nhật đỏ) và HL491 (Nhật tím) và ứng dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh thích hợp đã đưa sản lượng khoai lang Vĩnh Long năm 2000 từ 46,2 ngàn tấn, diện tích khoai lang 2,5 ngàn ha, năng suất bình quân 18,4 tấn/ ha, lên sản lượng khoai lang năm 2011 đạt 248,7 ngàn tấn, diện tích khoai lang 8,5 ngàn ha, năng suất bình quân 29,2 tấn/ ha (Tổng cục Thống kê 2014). Việc ứng dụng giống khoai lang tốt có năng suất chất lượng cao và các biện pháp kỹ thuật thâm canh đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho nông dân. Tuy vậy, năng suất, sản lượng, hàm lượng các chất trong củ khoai lang (% chất khô, tinh bột, vitamin, … ) là có sự sai khác rất rõ giữa các địa phương, vùng miền, tùy thuộc chủ yếu vào các yếu tố: đặc điểm sinh thái khí hậu đất đai và mức độ thích hợp với các giống khoai lang khác nhau; trình độ kỹ thuật thâm canh của dân địa phương và điều kiện kinh tế xã hội liên quan đến sản xuất và tiêu thụ khoai lang; mô hình tổ chức sản xuất tiêu thụ khép kín theo VIETGAP và lợi thế so sánh của khoai lang tại nơi thực hiện. Khó khăn chính trong sản xuất khoai lang hiện tại là: Giống khoai lang lẫn tạp và thoái hóa; Kỹ thuật canh tác khoai lang chưa thật phù hợp (từ thời vụ trồng, chọn đất, chọn hom giống tốt, kỹ thuật làm đất, bón phân NPK và hữu cơ vi sinh, kỹ thuật trồng, mật độ trồng, phòng trừ sùng khoai lang, sâu đục dây và bệnh hại, đến các biện pháp làm cỏ, nhấc dây, tổ chức sản xuất kinh doanh và tiêu thụ khép kín…); Chưa kiểm soát tốt sùng hà gây hại; Ít đầu tư thâm canh; Chưa tổ chức sản xuất kinh doanh và tiêu thụ khép kín. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác nghiên cứu phát triển giống khoai lang và các biện pháp kỹ thuật thâm canh để lựa chọn giống xác định địa bàn phù hợp đạt chất lượng năng suất khoai lang cao và hiệu quả kinh tế.
Em dùng Google search https://www.google.com.vn/ để tìm thông tin về Thầy, Cô đang nghiên cứu và các chương trình đề tài liên quan tại các Viện, Trường, Sở, Bộ Nông Nghiệp & PTNT … Ở Khoa Nông học Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh , cây khoai lang được giảng dạy và nghiên cứu tại Bộ môn Cây Lương thực Rau Hoa Quả với thông tin liên hệ kèm theo
Giống khoai lang HL518 ở Gia Lai (Nguồn: Nguyễn Thị Hoa 2015)
Giống khoai lang KM491 ở Gia Lai (Nguồn: Nguyễn Thị Hoa 2015)
Bài viết mới về khoai lang là của tác giả Nguyễn Thị Hoa 2015. Khảo sát sinh trưởng phát triển của năm giống khoai lang (Ipomoea batatas) và xác định lượng phân hữu cơ vi sinh, đạm, lân, ka li đến năng suất và phẩm chất củ khoai lang tại huyện Phú Thiện tỉnh Gia Lai. Luận văn Thạc sĩ, chuyên ngành Khoa học Cây trồng, Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh, 164 trang, Thư Viện ĐHNL HCM tháng 10/2015.
Dưới đây là ba bài viết “Giống khoai lang ở Việt Nam” “Khoai lang Hoàng Long trên Yên Tử” “Khoai lang Việt Nam từ giống tốt đến thương hiệu” vừa nêu trên để em và quý bạn đọc tiện theo dõi. Chúc em vui khỏe và thành công.
GIỐNG KHOAI LANG Ở VIỆT NAM
Hoàng Kim
FOODCROPS. Nguồn gen giống khoai lang trên thế giới. Nguồn gen giống khoai lang ở Việt Nam. Nguồn gốc và đặc tính một số giống khoai lang Hoàng Long, Hưng Lộc 4, HL518 (Nhật đỏ), Kokey 14 (Nhật vàng), HL491 (Nhật tím), Murasa Kimasari (Nhật tím 1), HL284 (Nhật trắng), KB1
Nguồn gen giống khoai lang trên thế giới
Hầu hết những nước trồng nhiều khoai lang trên thế giới đều có bộ sưu tập nguồn gen giống khoai lang. Nơi lưu giữ nguồn gen khoai lang lớn nhất toàn cầu là Trung tâm Khoai tây Quốc tế (Centro Internacional de la Papa – CIP) với tổng số 7007 mẫu giống khoai lang được duy trì từ năm 2005. Trong số này có 5.920 mẫu giống khoai lang trồng (Ipomoea batatas) và 1087 mẫu giống khoai lang loài hoang dại (Ipomoea trifida và các loài Ipomoea khác). Việc duy trì nguồn gen ở CIP được thực hiện trong ống nghiệm, trên đồng ruộng, bảo quản bằng hạt và được đánh giá theo tiêu chuẩn quốc tế.
Khoai lang Trung Quốc cho năng suất cao, chịu lạnh nhưng chất lượng không ngon so với khoai lang của Nhật, Mỹ khi trồng ở Việt Nam.
Khoai lang Mỹ nổi tiếng về chất lượng cao, phổ biến các giống khoai lang có ruột củ màu cam đậm, dẻo và có hương vị thơm, dễ tiêu thụ tươi như một loại rau xanh cao cấp và dùng trong công nghiệp thực phẩm. Mỹ hiện đang tiếp tục thực hiện các nghiên cứu chọn giống khoai lang chất lượng cao giàu protein, vitamin A và có hương vị thơm; ứng dụng công nghệ gen, công nghệ tế bào trong tạo giống.
Khoai lang Nhật cũng nổi tiếng về chất lượng cao với hướng chọn tạo giống khoai lang để sử dụng lá làm rau xanh, làm nước sinh tố và thực phẩm có màu tím hoặc màu cam đậm tự nhiên. Nhược điểm khoai lang Nhật khi trồng ở Việt Nam là thời gian sinh trưởng dài trên 115 ngày (Nguyễn Thị Thủy, Hoàng Kim 2006).
Nguồn gen giống khoai lang ở Việt Nam
Nguồn gen giống khoai lang Việt Nam chủ yếu được thu thập, đánh giá và bảo tồn tại Trung tâm Tài nguyên Thực vật, thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam từ năm 2009 với 528 mẫu giống đã được tư liệu hoá (trong đó có 344 mẫu do Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc chuyển đến) Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm (FCRI) có 118 mẫu giống, Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc có 78 mẫu giống.. Trường Đại Học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh có 30 mẫu giống. (Bảng 4.1).
Tại các tỉnh phía Bắc, các giống khoai lang trồng phổ biến hiện có: Hoàng Long, KB1, K51, Tự Nhiên. Viện Cây Lương thực Cây Thực phẩm (FCRI) và Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam (VASI) trong 22 năm (1981-2003), đã tuyển chọn và giới thiệu 15 giống khoai lang tốt theo ba hướng chính: 1) Nhóm giống khoai lang năng suất củ tươi cao, chịu lạnh, ngắn ngày, thích hợp vụ đông, gồm K1, K2, K3, K4, K7, K8, VX37-1, Cực nhanh. Những giống này chủ yếu được nhập nội từ CIP, Philippines, Trung Quốc, Liên Xô (cũ) trong giai đoạn 1980-1986 và tuyển chọn để tăng vụ khoai lang đông. 2) Nhóm giống khoai lang năng suất củ cao, nhiều dây lá thích hợp chăn nuôi, gồm KL1, KL5, K51. Các giống này phát triển ở giai đoạn 1986-2000 trong chương trình hợp tác với CIP. 3) Nhóm giống khoai lang năng suất củ cao, phẩm chất ngon. gồm việc phục tráng và chọn lọc giống khoai lang Hoàng Long, Chiêm Dâu (Vũ Tuyên Hoàng, Mai Thạch Hoành 1986, 1992), Tự Nhiên (Trương Văn Hộ và ctv, 1999); tuyển chọn và phát triển giống khoai lang KB1 (Nguyễn Thế Yên, 2003).
Ở các tỉnh phía Nam các giống khoai lang hiên trồng phổ biến là HL518 (Nhật đỏ), HL491 (Nhật tím), Murasa kimasari (Nhật tím) Kokey 14 (Nhật vàng), HL497 (Nhật cam), HL4, Hoàng Long, Chiêm Dâu, Trùi Sa, Bí Đà Lạt, Dương Ngọc, Tàu Nghẹn, Trùi Sa (Cần Sa), Khoai Sữa, Khoai Gạo.
Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc (HARC) và Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh (NLU) trong 22 năm (1981-2003) đã tuyển chọn và giới thiệu 7 giống khoai lang có năng suất củ cao, phẩm chất ngon, thích hợp tiêu thụ tươi gồm Hoàng Long, Chiêm Dâu, Gạo, Bí Đà Lạt (1981), HL4 (1987), HL491, HL518 (1997). Các giống khoai lang chất lượng cao có dạng củ đẹp thuôn láng, được thị trường ưa chuộng có HL518, HL491, Kokey 14, Murasa kimasari..
Những năm gần đây, Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh cũng đánh giá và tuyển chọn 24 giống khoai lang khảo nghiệm toàn cầu trong chương trình hợp tác với CIP và khảo sát các giống khoai lang nhiều dây lá , năng suất bột cao cho hướng chế biến cồn trong chương trình hợp tác với công ty Technova và công ty Toyota Nhật Bản (Hoàng Kim 2008).
Bảng 1: Nguồn gen giống khoai lang đã được đánh giá tại HARC và NLU (1993-2009)
Những giống khoai lang phẩm chất ngon đang được đánh giá và tuyển chọn trong đề tài “Thu thập, khảo sát, so sánh và phục tráng giống khoai lang tại huyện Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai 2008-2010”. Đây là nội dung hợp tác giữa Sở Khoa học Công nghệ Đồng Nai, Viện Sinh học Nhiệt đới, Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh và Phòng Nông nghiệp Xuân Lôc. Kết quả bước đầu có HL518, HL491, Kokey 14, HL284, HL536 (CIP 083-14), HL574 (Cao sản), HL585, HL597 (Hoàng Kim, Trần Ngọc Thùy, Trịnh Việt Nga, Nguyễn Thị Ninh 2009)
4.3 Nguồn gốc và đặc tính chủ yếu của một số giống khoai lang
Giống khoai lang HOÀNG LONG
Hoàng Long là giống khoai lang phổ biến ở Việt Nam. Nguồn gốc Trung Quốc nhập nội vào Việt Nam năm 1968. Giống do Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh tuyển chọn và giới thiệu (Hoàng Kim, Nguyễn Thị Thủy, 1981). Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận giống năm 1981. Thời gian sinh trưởng 85-95 ngày. Năng suất củ tươi 15 – 27 tấn/ ha, tỷ lệ chất khô 27-30%, chất lượng củ luộc khá, vỏ củ màu hồng sẫm, thịt củ màu vàng cam, dạng củ đều đẹp, dây xanh tím phủ luống gọn, mức độ nhiễm sùng và sâu đục dây trung bình.
Giống khoai lang HƯNG LỘC 4 (HL4)
HL4 là giống khoai lang phổ biến ở vùng Đông Nam Bộ. Nguồn gốc Việt Nam. HL4 là giống lai [khoai Gạo x Bí Dalat] x Tai Nung 57 do Trung tâm Nghiên cứu Thực Nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc tạo chọn và giới thiệu (Nguyễn Thị Thủy, Hoàng Kim 1987). Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận giống năm 1987. Thời gian sinh trưởng 85-95 ngày. Năng suất củ tươi 18 – 33 tấn/ ha, tỷ lệ chất khô 27-30%, chất lượng củ luộc khá, vỏ củ màu đỏ, thịt củ màu cam đậm, dạng củ đẹp, dây xanh phủ luống gọn, mức độ nhiễm sùng trung bình, nhiễm nhẹ sâu đục dây.
Giống khoai lang HL518 (Nhật đỏ)
Nguồn gốc: Giống HL518 do Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc chọn tạo và giới thiệu từ tổ hợp Kokey 14 polycross nguồn gốc Nhật Bản = CIP92031 = HL518 (Nguyễn Thị Thủy, Hoàng Kim 1997). Giống đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận giống năm 1997; hiện phổ biến trong sản xuất phía Nam và bán nhiều ở các siêu thị.
Đặc tính giống: Thời gian sinh trưởng: 95 -110 ngày. Năng suất củ tươi: 17-32 tấn/ha, tỷ lệ chất khô 27-30%. chất lượng củ luộc ngon, vỏ củ màu đỏ đậm, thịt củ màu cam đậm, dạng củ đều đẹp, dây xanh tím, nhiễm nhẹ sùng, hà và sâu đục dây.
KOKEY14 (Nhật vàng)
Nguồn gốc: Giống Kokey 14 có nguồn gốc Nhật Bản do Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc nhập nội năm 1997 từ Công ty FSA (Bảng 1). Giống được tuyển chọn và giới thiệu năm 2002 (Hoang Kim, Nguyen Thi Thuy 2003), hiện là giống phổ biến trong sản xuất ở các tỉnh Nam Bộ và bán nhiều tại các siêu thị.
Đặc tính nông học chủ yếu: Thời gian sinh trưởng: 110-120 ngày. Năng suất củ tươi: 15-34. tấn/ha; tỷ lệ chất khô 29-31%. chất lượng củ luộc ngon, vỏ củ màu đỏ, thịt củ màu vàng cam, dạng củ đều đẹp, dây xanh, nhiễm nhẹ sùng (Cylas formicarius) và sâu đục dây (Omphisia anastomosalis) virus xoăn lá (feathery mottle virus), bệnh đốm lá (leaf spot: Cercospora sp), bệnh ghẻ (scab) và hà khoai lang (Condorus sp).
HL491 (Nhật tím)
Giống HL491 do Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc chọn tạo và giới thiệu từ tổ hợp Murasa Kimasari polycross nguồn gốc Nhật Bản = CN76-2 CIP/AVRDC (Nguyễn Thị Thủy, Hoàng Kim 1997). Giống đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận giống năm 1997, hiện phổ biến trong sản xuất phía Nam và bán nhiều ở các siêu thị..
Đặc tính nông học chủ yếu: Thời gian sinh trưởng: 95 -110 ngày. Năng suất củ tươi: 15-27 tấn/ha, tỷ lệ chất khô 27- 31%. chất lượng củ luộc khá, vỏ củ màu tía, thịt củ màu tím đậm, dạng củ đều đẹp, dây xanh tím, nhiễm nhẹ sùng, hà và sâu đục dây.
MURASAKIMASARI (Nhật tím 1)
Nguồn gốc: Giống Murasa Kimasari có nguồn gốc Nhật Bản, do Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc nhập nội năm 1994 từ Công ty FSA (Bảng 1). Giống tuyển chọn và giới thiệu năm 2002.(Hoang Kim, Nguyen Thi Thuy 2003) hiện được trồng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, bán tại các chợ đầu mối và siêu thị.
Đặc tính nông học chủ yếu: Thời gian sinh trưởng: 105-110 ngày. Năng suất củ tươi: 10-22. tỷ lệ chất khô 27-30%. chất lượng củ luộc khá ngon, vỏ củ màu tím sẫm, thịt củ màu tím đậm, dạng củ đều đẹp, dây tím xanh, nhiễm nhẹ sùng và sâu đục dây.
HL284 (Nhật trắng)
HL284 thuộc nhóm giống khoai lang tỷ lệ chất khô cao, nhiều bột. Nguồn gốc AVRDC (Đài Loan) /Japan. Giống do Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc nhập nội, tuyển chọn và đề nghị khảo nghiệm năm 2000. Thời gian sinh trưởng 90-105 ngày. Năng suất củ tươi 18 – 29 tấn/ ha, tỷ lệ chất khô 28-31%, chất lượng củ luộc khá, độ bột nhiều hơn độ dẽo, vỏ củ màu trắng, thịt củ màu trắng kem, dạng củ đều, dây xanh, nhiễm sùng và sâu đục dây trung bình.
KB1
KB1 là giống khoai lang hiện đang phát triển ở vùng đồng bằng sông Hồng. Giống do Viện Cây Lương thực Cây Thực phẩm tuyển chọn và giới thiệu (Vũ Văn Chè, 2004). Bộ Nông nghiệp và PTNT đã công nhận giống năm 2004. Thời gian sinh trưởng 95 -100 ngày. Năng suất củ tươi 22 – 32 tấn/ ha, tỷ lệ chất khô 27-29%, chất lượng củ luộc khá, vỏ củ màu hồng cam, thịt củ màu cam đậm, dạng củ hơi tròn, dây xanh, ngọn tím, nhiễm sùng và sâu đục dây trung bình.
KHOAI LANG HOÀNG LONG TRÊN YÊN TỬ
Khoai Hoàng Long Yên Tử ruột vàng ươm được dân tuyển chọn để hiếu kính dâng lên đức Nhân Tông. Tôi may mắn được hưởng lộc trong dịp Lên non thiêng Yên Tử ngày 18 tháng 1 năm 2010 cảm thấy thơm ngon lạ lùng và thịt củ của khoai màu vàng ươm đẹp hơn nhiều so với giống Hoàng Long hiện đang trồng trong sản xuất và giống gốc Hoàng Long. Tôi vì không có điều kiện nên tiếc là chưa có điều kiện tìm hiểu sâu hơn về vùng trồng phổ biến khoai Hoàng Long Yên Tử đặc sản này. Giống khoai Hoàng Long được phục tráng theo hướng năng suất cao phẩm chất ngon vỏ hồng đỏ ruột vàng ươm hoặc vàng cam thật tuyệt vời quá !
Giống khoai Hoàng Long tuyển chọn được Bộ Nông nghiệp công nhận giống tháng 5/1981 là giống khoai lang phổ biến nhất ở các tỉnh phía Bắc trong hơn 30 năm qua
Tiến sĩ Peter VanderZaag (Giám đốc vùng châu Á Thái Bình Dương của Trung tâm Khoai tây Khoai lang Quốc tế – CIP) và tiến sỹ Enrique Chujoy cùng các thành viên khoai lang châu Á thăm nguồn gen giống khoai lang ở Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc năm 1987. Nguồn gen có các giống ưu tú tuyển chọn Hoàng Long, Chiêm Dâu, Bí Đà Lạt, khoai Gạo và Hưng Lộc 4 (HL4)
Ông Trương Văn Hộ, Trưởng Chương trình Cây Có Củ Việt Nam, và cô Nguyễn Thị Sâm thăm ruộng khoai lang năm 1989
Cô Nga vụ Khoa học của Bộ Nông nghiệp & PTNT cùng các thành viên nghiên cứu khoai lang thăm ruộng phục tráng giống khoai lang Hoàng Long và Hưng Lộc 4 ở Thủ Đức năm 1993.
Hoàng Kim
KHOAI LANG VIỆT NAM TỪ GIỐNG TỐT ĐẾN THƯƠNG HIỆU
CÂY LƯƠNG THỰC. Tiến sĩ Trần Đình Lâm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh hỏi: “Ở Việt Nam mình hiện có tổ chức nào hướng dẫn cho nông dân trồng khoai lang để có thể đạt chất lượng công nhận hữu cơ quốc tế (International Organic Accreditation)?
Tiến sĩ Hoàng Kim giảng viên chính Khoa Nông học Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh trả lời: Hiện nay thì chưa, nhưng chúng ta đã có một số địa chỉ xanh tiềm năng trồng khoai lang Nhật đạt chất lượng cao. Giống khoai khoai lang ở Việt Nam đã được chuyên gia nông nghiệp Việt Nam hợp tác với chuyên gia Nhật và chuyên gia CIP (Trung tâm Khoai tây Quốc tế) đã thực hiện từ nhiều năm qua. Các giống khoai lang tốt đã được tuyển chọn và phát triển phổ biến rộng rãi trong sản xuất hiện nay như khoai Nhật đỏ HL518, Nhật tím HL419, Murasa Kimasari, Nhật vàng Kokey 14, Nhật trắng HL284. Chúng ta đã có những vùng khoai lang ngon như khoai Nhật tím ờ Bình Minh, Bình Tân của tỉnh Vĩnh Long; khoai Trùi Sa Trà Đõa ở Thăng Bình của tỉnh Quảng Nam; khoai KM518, Lệ Cần ở Đăk Đoa của tỉnh Gia Lai; khoai Bí Mật ở Lâm Hà, Đà Lạt của tỉnh Lâm Đồng; khoai Nhật đỏ HL518 ở Tuy Đức và Đăk Song của tỉnh Đăk Nông. Đặc biệt là Kỳ tích từ cây lúa, củ khoai ở Hòn Ðất tỉnh Kiên Giang với doanh nghiệp của ông Đỗ Quý Hạo. trồng khoai lang rất thành công.
Liên ngành nghiên cứu về nghèo đói dựa trên phương pháp tiếp cận năng lực (Interdisciplinary Study on Poverty based on Capability Approach) là chủ đề hội thảo mới đây tại trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh. Tiến sĩ Kim Ki Hueng Trường Đại học Tokyo Nhật Bản đã trình bày báo cáo “Nông nghiệp Hữu cơ ở Nhật Bản Hàn Quốc và Việt Nam” (Organic Agriculture in Japan, Korea and Việt Nam ) và GS Ikemoto Yukio đã trao đổi về ” Mối quan hệ giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc hiện nay nhìn từ góc độ nghiên cứu nông nghiệp sinh thái liên ngành”. Công trình nghiên cứu đã giới thiệu điển hình nông trại Nico Yasai tại Đắc Lắc do một thanh niên người Nhật Bản sản xuất rau theo mô hình nông nghiệp sinh thái tại Nhật Bản. Đây là mô hình canh tác hữu cơ không dùng phân bón hóa học và không phun thuốc trừ sâu bệnh để đảm bảo tính an toàn cho thực phẩm. Kiểu canh tác này xuất hiện từ những năm 1970 tại Nhật Bản và trở thành trào lưu thịnh hành ở nước này vào những năm 80. Đến những năm 90, chính phủ Nhật Bản bắt đầu có quy chế kiểm tra và cấp giấy chứng nhận cho những sản phẩm nông nghiệp sinh thái đạt chuẩn (JAS – Japan Agricultural Standard). Thị trường rộng lớn của nông nghiệp sinh thái hiện đại đang hướng đến những sản phẩm thân thiện môi trường và sức khỏe thông qua những nông phẩm được công nhận và dán nhãn JAS với sự liên kết giữa người sản xuất và tiêu dùng chia sẻ thông tin, gắn bó và ủng hộ lẫn nhau để có được mối quan hệ cung cầu ổn định và lâu dài.
Khoai lang Việt Nam vốn đã có tiền đề hợp tác chọn tạo giống và nghiên cứu biện pháp kỹ thuật canh tác khoai lang thích hợp vùng sinh thái kết nối với Nhật Bản và CIP trong nhiều năm, nay hoàn toàn thuận lợi để phát triển theo hướng xây dựng thương hiệu đạt sản phẩm chất lượng của công nhận hữu cơ quốc tế . Từ đó sẽ có thể hình thành sự khởi đầu tốt đẹp “Khoai lang Việt Nam từ giống tốt đến thương hiệu” .
Nguồn: FoodCrops.vn
Hoàng Kim
Hội Giống Cây trồng Việt Nam
Nguyên Giảng viên chính Cây Lương thực
Bộ môn Cây Lương thực Rau Hoa Quả
Khoa Nông học
Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh
Bài viết mới trên TÌNH YÊU CUỘC SỐNG
Số lần xem trang : 16026 Nhập ngày : 03-11-2015 Điều chỉnh lần cuối : 12-04-2017 Ý kiến của bạn về bài viết này
Khoa học Cây trồng Tuyệt vời cây lúa miến ngọt(31-10-2009) Trong chuỗi họat động xuất khẩu gạo, nông dân cực nhất, cần được hỗ trợ nhất(31-10-2009) Bản tin khoa học Bùi Chí Bửu(12-10-2009) Cây lương thực điểm tin tổng hợp(11-10-2009) Công nghệ sinh học: điểm tin tổng hợp(09-10-2009) Hiệu quả kinh tế sinh thái của hệ thống canh tác lúa- tôm/cá (26-09-2009) Thông tin lúa lai, phân viên nén, kỹ thuật hạn chế lúa lép(21-09-2009) IR50404 được “giải oan” bởi thực tế sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ở ĐBSCL(21-09-2009) Những tranh luận chưa dứt về thực phẩm biến đổi gen(14-09-2009) Dầu khí Việt Nam xây dựng nhà máy nhiên liệu sinh học lớn nhất miền Trung(09-09-2009) Trang kế tiếp ... 1 2 3 4 5 6 7 8
|