TS. Hoàng Kim “Anh trồng gốc mai này cho em!” Anh cả của tôi trước khi mất đã trồng tặng cho tôi một gốc mai trước ngõ vào hôm sinh nhật con tôi. Cháu sinh đêm trước Noel còn anh thì mất đúng đêm trăng rằm tháng giêng. Anh trò chuyện với anh Cao Xuân Tài bạn tôi, trong khi tôi cùng vài anh em đào huyệt và xây kim tỉnh cho anh. Nhìn anh bình thản chơi với các cháu, tôi nao lòng rưng rưng. Chưa bao giờ và chưa khi nào tôi thấm thía những bài thơ về hoa mai cuối mùa đông tàn bằng lúc đó. Anh ra đi đầu năm 1994 do căn bệnh ung thư hiểm nghèo khi các con anh còn thơ dại. Bài kệ "Cáo tật thị chúng" (Cáo bệnh với đệ tử) của thiền sư Mãn Giác (1052 - 1096) trong Thiền Uyển Tập Anh và lời bình của anh về nhân cách người hiền, cốt cách hoa mai đã đi thẳng vào tâm thức của tôi…
DAYVAHOC 's Blog Hôm nay là ngày vui của gia đình mình. Cháu Hoàng Minh Hải (con anh chi Hai) kết duyên cùng cháu Nguyễn Thị Thùy (con anh chị Nghiểu). Anh Hai mất sớm từ năm 1994, đến nay đã gần 15 năm, Chị Hai tần tảo nuôi các cháu nên người . Sáu cháu nay đều đã đi làm, trong đó có bốn cháu đã yên bề gia thất. Gia đình mình thuở xưa ông bà cụ làm nông vất vả và mất sớm. Đến nay năm anh chị em đều đã có con cái trưởng thành. Mừng chị lo tốt đẹp việc cháu mà lòng mình nhớ anh vô hạn.
Kim Loai nhắn mình viết bài cho báo Xuân. Mình đã ngẫu hứng viết: "Mùa thu vàng đẹp quá/ Nét tươi tràn đầy trang/ Đời vui nên mãi miết/ Xuân đã về hở xuân.". Đúng là có những niềm vui trong lòng nên bất chợt viết ra đấy thôi. Thật vui và cảm động khi Ngọc Anh và Kim Liên đã chia sẻ và cảm nhận. Thật ra là mình bận quá! Bận mà vui! Trong nhà thì rộn ràng việc. Các sinh viên Đức, Hạnh, Sáu, Linh, Liên, Quyết, Thủy, Công, Hoa, Hòa thì tíu tít hoàn chỉnh luận văn và nộp bài. Anh Hiếu thì mời đi Quảng Trị. Anh Hiền thì rủ đi miền Trung ... Mình thêm nhớ anh, một người Thầy tận tâm. Anh đi xa đã gần 15 năm . Chị cũng đã nghỉ dạy trên 10 năm. Nghiệp nhà em tiếp nối.
Anh đã hóa thân vào các cháu . Nhớ anh xin post lại ba bài viết từ Xuân trước:
GỐC MAI VÀNG TRƯỚC NGÕ
Hoàng Kim
(Thắp nén hương thơm tưởng nhớ Anh)
“Anh trồng gốc mai này cho em!” Anh cả của tôi trước khi mất đã trồng tặng cho tôi một gốc mai trước ngõ vào hôm sinh nhật con tôi. Cháu sinh đêm trước Noel còn anh thì mất đúng đêm trăng rằm tháng giêng. Anh trò chuyện với anh Cao Xuân Tài bạn tôi trong khi tôi cùng vài anh em đào huyệt và xây kim tỉnh cho anh. Nhìn anh bình thản chơi với các cháu, tôi nao lòng rưng rưng.
Chưa bao giờ và chưa khi nào tôi thấm thía những bài thơ về hoa mai cuối mùa đông tàn bằng lúc đó. Anh ra đi đầu năm 1994 do căn bệnh ung thư hiểm nghèo khi các con anh còn thơ dại.
Bài kệ "Cáo tật thị chúng" (Cáo bệnh với đệ tử) của thiền sư Mãn Giác (1052 - 1096) trong Thiền Uyển Tập Anh và lời bình của anh về nhân cách người hiền, cốt cách hoa mai đã đi thẳng vào tâm thức của tôi:
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tùng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười
Trước mặt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai.
(Bản dịch của Ngô Tất Tố)
Khi Lâm Cúc và anh Đình Quang trao đổi về chủ đề này, mạch ngầm tâm thức trong tôi đã được khơi dậy như suối nguồn tuôn chảy.
(Bài đăng lần đầu tại http://dayvahoc.blogtiengviet.net xuân 2006,đăng lần hai tại http://blog.360.yahoo.com/hoangkim_vietnam xuân 2007, đọc lại và đăng lần ba tại http://thovanhoangkim.blogspot.com xuân 2008)
ĐÊM QUA SÂN TRƯỚC MỐT NHÀNH MAI
Hoàng Kim
Thiền sư Mãn Giác viết bài kệ “Cáo tật thị chúng” khi Người 45 tuổi, sau đó Người đã an nhiên kiết già thị tịch. Bài thơ kiệt tác vỏn vẹn chỉ có sáu câu, ba mươi tư chữ. Đối diện với cái chết, thiền sư ung dung, tự tại, thấu suốt lẽ sinh tử: Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết / Đêm qua sân trước một nhành mai.
Lời thơ thanh thoát, giản dị một cách lạ lùng! Thực tế cuộc sống đã được hiểu đầy đủ và rõ ràng. Bản tính cuộc sống là hạnh phúc và đau khổ, vui vẻ và phiền muộn, sự thiếu hoàn thiện và luôn vô thường. Xuân đi trăm hoa rụng/ xuân đến trăm hoa cười/ trước mặt việc đi mãi/ trên đầu già đến rồi. Đó là qui luật muôn đời, hoa có tàn có nở, người có diệt có sinh. Hạnh phúc cuộc sống là phong thái luôn vui vẻ và sung sướng, thanh thản và thung dung, không lo âu, không phiền muộn. Sống với một tinh thần dịu hiền và một trái tim nhẹ nhõm.
Tình yêu cuộc sống thể hiện trong ý xuân và trật tự các câu thơ.“Xuân đi trăm hoa rụng/ xuân đến trăm hoa cười” ẩn chứa triết lý sâu sắc hơn là “Xuân đến trăm hoa cười, xuân đi trăm hoa rụng/”. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491–1585) trong bài thơ nôm “Chín mươi” có câu: “Chín mươi thì kể xuân đà muộn/ Xuân ấy qua thì xuân khác còn”. Tăng Quốc Phiên chống quân Thái Bình Thiên Quốc “càng đánh càng thua” nhưng trong bản tấu chương gửi vua thì ông đã quyết ý đổi lại là “càng thua càng đánh". Việc “đánh thua” thì vẫn vậy nhưng ý tứ của câu sau mạnh hơn hẵn câu trước.
Hoa mai là biểu tượng của mùa xuân, của sự may mắn, vui tươi và trường thọ. Cành mai ẩn tàng thông điệp của mùa xuân. Hoa mai vừa có cốt cách, vừa đẹp thanh nhã, vừa có hương thơm và nở sớm nhất trong các loại hoa xuân. Vì vậy, hoa mai đã được chọn để biểu hiện cho cốt cách thanh cao của người hiền. Hoa mai, hoa đào, hoa lê, hoa mận có nhiều loài với vùng phân bố rộng lớn ở nhiều nước châu Á nhưng chỉ riêng mai vàng là đặc sản của Việt Nam, trong khi mai trắng và hoa đào là phổ biến tại Trung Quốc, Nhật bản, Bắc Triều tiên, Hàn Quốc và các nước Trung Á. Một cành mai không chỉ là một cành mai mà là một cành xuân. Hoa mai và mùa xuân. Cành mai ẩn tàng sự trường cửu của tình yêu cuộc sống.
Bài đã đăng lần đầu tại http://dayvahoc.blogtiengviet.net/, bài đã được chỉnh sửa và đăng lần hai tại http://blog.360.yahoo.com/nguyenthithuy_harc/(ảnh hoa mai nhiều cánh, vườn nhà HK).
QUA ĐÈO CHỢT GẶP MAI ĐẦU SUỐI
Hoàng Kim
Nghìn dặm tìm anh chẳng gặp anh
Đường về vó ngựa dẫm mây xanh
Qua đèo chợt gặp mai đầu suối
Đóa đóa vàng tươi xuân thắm cành.
Tôi biết bài thơ kỳ lạ này của Bác Hồ đăng trên báo khoảng năm 1970 do một chuyện ngẫu nhiên tình cờ nên nhớ mãi. Bài thơ kỳ lạ vì ẩn chứa nhiều triết lý sâu sắc không dễ thấy, vì nó là thơ của Bác Hồ mà không thấy sách báo nào nhắc đến hơn ba mươi năm qua.
Thuở ấy, tôi mới mười bảy tuổi, đã cùng người anh trai ra thăm đèo Ngang. Chúng tôi vừa đi xe đạp vừa đi bộ từ chân núi lên đến đỉnh đèo. Gần cột mốc địa giới hai tỉnh trên đỉnh đường xuyên sơn, cạnh khe suối ven đỉnh dốc sườn đèo có cây mai rừng rất đẹp. Chúng tôi đang thưởng ngoạn thì chợt gặp xe của bộ trưởng Xuân Thủy và bí thư tỉnh ủy Quảng Bình vừa tới. Họ đã xuống xe ngắm nhìn trời, biển, hoa, núi và bộ trưởng Xuân Thuỷ đã bình bài thơ trên.
Tôi đã giới thiệu những bài thơ Qua đèo Ngang xướng họa này tại trang DAYVAHOC (http://dayvahoc.blogtiengviet.net), THƠ CHO CON (http://my.opera.com/hoangkim1) và thầy tôi Nguyễn Khoa Tịnh đã có bài thơ cảm động "Em ơi em can đảm bước chân lên!" viết từ thuở ấy! Tôi đã đăng ở trang này (http://blog.360.yahoo.com/hoangkim_vietnam) để minh chứng sự thật đó.
Bộ trưởng Xuân Thủy là nhà ngoại giao có kiến thức rộng, bạn thơ của Hồ Chí Minh, giỏi dịch thơ chữ Hán. Ông cũng là người đã dịch bài thơ "Nguyên tiêu" nổi tiếng, nên khi tôi tình cờ được nghe lời bình phẩm trực tiếp của ông về bài thơ trên thì tôi đã nhớ rất lâu. Tôi cũng hiểu nghĩa rõ ràng cụm từ "Trung Nam Hải" từ dịp ấy.
Ba mươi năm sau, khi anh Gia Dũng sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu bài thơ “Tìm bạn không gặp” trong tập thơ “Ngàn năm thương nhớ” tuyển thơ một nghìn năm Thăng Long, Hà Nội. Bài thơ trên của Bác do nhà Hán học nổi tiếng Phan Văn Các diễn nghĩa và dịch thơ. Nội dung tuy vẫn thế nhưng bản dịch mới có khác một chữ so với bài mà tôi được đọc và nghe bình trước đây. Đó là từ “nghìn dặm” được thay bằng từ “trăm dặm” (“bách lý tầm quân vị ngộ quân” thay vì “thiên lý tầm quân vị ngộ quân”). Bản dịch mới có lời ghi chú, nghe nói là của Bác. Bài thơ viết năm 1950 nhưng xuất xứ và cảm xúc thực sự của Người khi thăng hoa bài thơ nổi tiếng này thì nay vẫn còn để ngỏ.
Bác ra nước ngoài từ đầu năm 1950 đến đầu tháng Tư mới về nước theo hồi ức “Chiến đấu trong vòng vây” của đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bác lúc đó đã sáu mươi tuổi, bí mật đi đến Bắc Kinh gặp chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông rồi đi luôn sang Matxcơva gặp đồng chí Stalin. Bác cũng đi tìm gặp đại tướng Trần Canh khi chuẩn bị chiến dịch Biên giới. Trong cơn lốc của các sự kiện, Bác khẳng định: “ Tổng phản công của ta sẽ là một giai đoạn lâu dài. Rồi đây, có sự chi viện của Liên Xô và Trung Quốc về vật chất, vũ khí, trang bị, ta sẽ đỡ khó khăn hơn, nhưng giành được thắng lợi là phải do sức nỗ lực của chính bản thân ta quyết định”.
“Nghìn dặm” hay “trăm dặm”? “gặp bạn” hay “không gặp” hoặc “gặp nhưng không gặp về cách làm”? Ngữ nghĩa của câu thơ "Bách lý tầm quân vị ngộ quân” khác hẳn với “thiên lý tầm quân vị ngộ quân" và không đơn giản dịch là "Tìm bạn không gặp". Dường như Bác đang đề cập một vấn đề rất lớn của định hướng chiến lược đối ngoại. Nhiều sự kiện lịch sử hiện tại đã được giải mã nhưng còn nhiều ẩn ý sâu sắc trong thơ Bác cần được tiếp tục tìm hiểu, khám phá thêm. Những năm tháng khó khăn của cách mạng Việt Nam "chiến đấu trong vòng vây"; Những tổn thất và sai lầm trong cải cách ruộng đất do sự thúc ép từ phía Liên Xô và sự vận dụng không phù hợp kinh nghiệm của Trung Quốc; Quan hệ của nước nhỏ đối với các nước lớn. Nhiều điều tinh tế ẩn chứa trong thơ Bác.
Ý tứ trong bài thơ của Bác rất gần với với một bài thơ cổ của Trung Quốc thời nhà Tống: “Tận nhật tầm xuân bất kiến xuân/Mang hài đạp phá lãnh đầu vân/ Quy lai khước phá mai hoa hạ/ Xuân tại chi đầu vị thập phân”. Bài thơ tả một ni cô mang hài trèo đèo vượt núi cực khổ tìm xuân suốt ngày mà vẫn chẳng gặp xuân. Đến khi trở về mới thấy xuân đang hiện trên những cành mai trong vườn nhà.
Bác Hồ cũng vượt vòng vây phong tỏa, chịu nhiều gian khổ suốt bốn tháng ròng để tìm sự ủng hộ quốc tế cho cách mạng Việt Nam đang “chiến đấu trong vòng vây”. Trên đường về, qua đèo, Bác chợt gặp cây mai đầu suối và Bác đã ngộ ra được những vấn đề sâu sắc của phương pháp cách mạng. Đối diện với mặt trời đỏ “đông phương hồng, mặt trời lên” là mặt TRĂNG hiền hoà (rằm xuân lồng lộng trăng soi) và gốc MAI vàng cổ thụ bên SUỐI nguồn tươi mát (bên suối một nhành mai). Trăng, suối, hoa mai là những cụm từ quan trọng trong thơ Bác. Nó là triết lý ứng xử tuyệt vời của một nước nhỏ đối với các nước lớn trong quan hệ quốc tế phức tạp. Trời càng sáng, trăng càng trong, nước càng mát, mai càng nở rộ.
Ngày xuân, hiểu sâu thêm một bài thơ hay của Bác và góp thêm một tản văn về trăng, suối nguồn, hoa mai. Số lần xem trang : 16257 Nhập ngày : 18-11-2008 Điều chỉnh lần cuối : 22-11-2008 Ý kiến của bạn về bài viết này
Văn hóa và Giáo dục Xa khơi và chùm thơ về biển(30-10-2011) Những kiệt tác thơ văn Nguyễn Trãi(25-10-2011) Thêm đôi điều về Nguyễn Quang Lập(22-10-2011) Tuyển chọn chùm thơ hay về biển(02-10-2011) Đào Duy Từ còn mãi với non sông(28-09-2011) Những tuyệt phẩm thơ cổ nổi tiếng(22-09-2011) Ngô Bảo Châu đối thoại và suy ngẫm(15-09-2011) Tô Hoài trong trái tim bạn đọc(15-09-2011) Lục bát: Hồn quê và Di sản Văn hóa(07-09-2011) Ba vấn đề nông dân trồng lúa nên quan tâm(07-09-2011) Trang kế tiếp ... 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23
|