ThS. ĐỖ THỊ LỢI Nước ta ở vào vùng khí hậu nóng ẩm, gió mùa thay đổi liên tục rất thuận lợi cho các loại côn trùng, vi khuẩn, virut phát triển. Khi sức đề kháng, miễn dịch yếu đi, người ta rất dễ lây nhiễm bệnh. Đặc biệt ở những vùng lụt lội người dân phải dầm mình trong nước lâu rất dễ bị cảm nhiễm một thứ bệnh dịch phổ biến đó là bệnh cúm.
Khi bị nhiễm cúm, cơ chế tự miễn dịch của cơ thể tiết ra bạch cầu chống lại tác nhân gây bệnh bắt đầu từ mũi làm cho mũi nóng lên, chảy nước mũi, nghẹt mũi, hắt hơi. Người bị cúm lúc tắc mũi phải thở bằng mồm, làm se môi, đắng lưỡi. Hiện tượng này khó chịu nhất và rất bất tiện cho những người làm công việc giao tiếp... Với người có cơ chế tự miễn dịch tốt thì có khi 3, 5, 7 ngày là bệnh tự lui. Người có cơ chế miễn dịch yếu, virut xâm nhập sâu vào thanh quản, phế quản. Cuộc chiến giữa bạch cầu với virut ác liệt hơn, hậu quả là xác virut với bạch cầu biến thành đờm và những cơn ho bắt đầu. Lúc này sốt có thể lên tới 39 – 41oC. Người bị cúm ho dữ dội hơn, đau mình mẩy, ớn lạnh, không muốn ăn. Sốt sinh ra mất nước, kèm theo kém ăn uống nên sức khỏe giảm sút nhanh. Ở trẻ em, nếu virut xâm nhập tới phế nang không chữa trị kịp thời sẽ sinh ra phù phổi (xưa gọi là bệnh sài khứ) rất dễ dẫn đến tử vong.Xin giới thiệu bài thuốc nam gia truyền trị bệnh cúm để mọi người có thể áp dụng khi cần: trần bì 5g, thanh bì 5g, chỉ xác 5g, cát cánh 8g, tô diệp (lá tía tô) 9g, ma hoàng 8g, hương phụ 12g, cam thảo 3g, sinh khương 3 lát.
|
Cát cánh.
|
Cách dùng: Cho thuốc vào nồi đổ khoảng 600ml nước, đun sôi khoảng 20 – 30 phút còn khoảng 200ml. Uống khi thuốc còn ấm, sắc uống ngày 3 lần, trước khi ăn. Sau uống 30 phút nên ăn bát cháo hành nóng. Người mới bị cúm, hắt hơi, sổ mũi chỉ cần 1 – 2 thang, đun cấp tập uống trong ngày là khỏi, người bị ho nhiều 3 – 5 thang là chuyển.
Các vị thuốc trong bài hầu hết đều có dược tính sát khuẩn đường hô hấp cao không độc, dễ kiếm dễ tìm và có thể mua ở các cửa hàng thuốc Đông y.
Trần bì (vỏ quýt): Vị đắng cay, tính khoan khoái, không độc, khoan trung, tiêu đờm dãi, ích dạ dày, mạnh tì, trừ uất nhiệt. Kinh nghiệm dân gian thường lấy quýt với hoa hồng bạch, thêm tí mật ong hấp cơm cho trẻ em bị ho uống. Nếu mụn nhọt, chạm thương trầy xước, ta bóp cho tinh dầu vỏ quýt, chanh, bưởi xịt vào vết thương cũng có tác dụng sát khuẩn, lên da non nhanh.
Thanh bì (vỏ quýt xanh): Vị cay đắng, khí thơm, tính bình hòa, khai uất, chế được thấp, trị được đau, hành được khí vào tạng gan giúp gan thực hiện tốt các phản ứng hóa sinh trong cơ thể.
Chỉ xác (quả chấp): Vị đắng, tính bình, không độc, long đờm, hạ khí, thanh phế, làm đỡ đau, phá hòn cục. Chỉ xác còn có tác dụng sát khuẩn đường ruột, trừ bệnh lỵ. Khi dùng bỏ ruột, xắt lát sao.
Cát cánh và cam thảo: Là hai vị thuốc trị ho, long đờm mà mọi người thường quen dùng. Cam thảo còn là vị sứ dẫn thuốc tới các kinh lạc.
Sinh khương (gừng sống): Vị cay, tính ấm, thông khí, mở 9 khiếu, khởi thần, trừ tà khí, là vị thuốc kích thích tiêu hóa giúp ăn uống được ngon miệng, tăng cường sức khỏe.
Ma hoàng (thuốc bắc đã được di thực về trồng ở Sapa): Vị cay, đắng, tính ôn vào 4 kinh: tâm, đại tràng, bàng quang và phế. Là vị thuốc cho chất alcaloit (chất này gọi là ephedrin) có tác dụng làm giãn phế quản, tị đạo khiến người ta thở dễ hơn. Ma hoàng còn có tác dụng phá tích tụ, long đờm, khử ho và nhiều tác dụng khác giúp cơ thể tăng cường khả năng miễn dịch. Nhưng với những người suy tim, thì không được dùng, phụ nữ khí hư nhiều, người phổi nóng khi dùng phải cẩn trọng hoặc không nên dùng.
Hương phụ (củ cỏ gấu): Tính hơi hàn, không độc, khai uất, lợi tam tiêu làm cho người khoan khoái, dễ chịu.
Tô diệp (lá tía tô): Làm cho cơ thể “phát hãn giải biểu” hạ sốt và đào thải độc tố ra khỏi cơ thể qua đường mồ hôi.
Đây là bài thuốc cơ bản, tùy theo cơ địa và bệnh tạng của từng người mà gia giảm:
- Nếu ho nhiều, cơn ho dữ dội thì thêm tang bạch bì 8g (vỏ rễ cây dâu cạo sạch vỏ ngoài).
- Cổ khản nhiều thì thêm kha tử 8g.
- Riêng với trẻ em sốt cao co giật thêm một nắm tinh tre (trúc nhự) hoặc công hiệu hơn dùng một đoạn măng tre hoặc tre non chưa có lá (trúc duẩn). Nếu không có tre non thì lấy tay tre non chưa có lá đốt trên lửa cho sùi nước ra rồi đập, giã, ép, vắt lấy nước (trúc lịch) cho uống sẽ cắt cơn sốt nhanh chóng.
Nguồn: Báo Sức khỏe & đời sống
Số lần xem trang : 14962 Nhập ngày : 10-12-2008 Điều chỉnh lần cuối : 11-12-2008 Ý kiến của bạn về bài viết này
Báo Sức khỏe và đời sống KHỎE ĐẸP NHỜ ... CHANH (23-09-2009) 8 LOẠI HOA QUẢ NAM GIỚI NÊN THƯỞNG THỨC (25-05-2009) BÍ ĐỎ: MÓN ĂN CỦA MÙA THI (25-05-2009) MÓN ĂN, BÀI THUỐC TỪ CÁ TRẮM (23-04-2009) NHẬN BIẾT MỘT SỐ RAU QUẢ LẠM DỤNG HÓA CHẤT (08-04-2009) THUỐC QUÝ TRÁI NHÀU(24-03-2009) CÁCH CHỮA LOÉT MIỆNG BẰNG ĐÔNG Y (24-03-2009) TÁC DỤNG CHỮA BỆNH CỦA HẠT ĐẬU ĐEN (19-03-2009) CỦ CẢI CHỮA HO (25-02-2009) ĐÔNG Y ĐIỀU TRỊ MẤT TIẾNG, KHẢN TIẾNG (12-02-2009) Trang kế tiếp ... 1 2 3
|