ThS. ĐỖ THỊ LỢI Trên diện tích hơn 370 ha trước đây là đất hoang, vườn tạp, chỉ trong vòng 8 năm, diện tích này đã trở thành những trang trại ngát xanh gồm các loại cây ăn quả, cây lâm nghiệp và trang trại kinh doanh tổng hợp. Với 127 mô hình trang trại, phường Bùi Thị Xuân (TP Quy Nhơn - Bình Định) được mệnh danh là phường trang trại. “Địa ngục bom đạn” biến “thiên đường xanh”
Ông Hồ Văn Bằng - Chủ tịch UBND phường Bùi Thị Xuân nhớ lại: “Nơi bây giờ đang xanh ngắt những trang trại xưa kia là 1 vùng đất cằn cỗi, vốn là cái kho đạn ngầm dưới đất của quân đội Mỹ nên được gọi là Hầm Đồng. Sau ngày giải phóng, vùng đất này vẫn còn rất hoang vu. Vào những năm cuối của thập niên 80, vì không có kế sinh nhai nào khác, vài hộ dân địa phương đành “bấu” vào mảnh đất cằn khô đó, cải tạo nó thành vài cái trang trại trồng cây ăn quả nho nhỏ.
Ấy vậy mà không ngờ khí hậu ở cái thung lũng đầy bom đạn nằm lọt thỏm giữa 3 bề là núi lại phù hợp với nhiều loại cây ăn trái. Hiệu quả rõ rệt đã khiến phong trào làm trang trại lan nhanh, mạnh nhất là vào năm 2000. Không chỉ có người địa phương mà dân các địa phương khác cũng “ùa” về đây thuê hoặc mua đất làm trang trại”. Ông Phan Lươm, dân ở Hải Minh, phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn, bỏ nghề biển về Hầm Đồng làm trang trại, tâm sự: “Gia đình tôi 3 đời làm nghề biển, tôi là chủ 1 con tàu đánh bắt xa bờ. Biển ngày càng “đói”, vào năm 2000 vợ chồng tôi quyết định bán tàu về đây làm 3 ha trang trại. Hiện tôi đang sở hữu 300 cây xoài cát Hoà Lộc, 50 cây bưởi Năm Roi, 40 cây dừa Xiêm. Riêng cây xoài, năm ngoái thu được 14 tấn, bán được 100 triệu đồng. Rừng cũng đãi người xứ biển anh à!”.
Ông Trần Duy Thuỷ - Phó chủ tịch Hội nông dân phường Bùi Thị Xuân, cho biết thêm: “Đến nay trên địa bàn phường đã có đến 127 mô hình trang trại, riêng tại Hầm Đồng đã chiếm đến 112 trang trại, trong đó có 68 trang trại đã cho thu nhập cao từ nhiều năm nay, có trang trại mỗi năm thu đến 250 triệu đồng. Hầu hết các trang trại ở đây đều theo mô hình tổng hợp trồng trọt với chăn nuôi. Loại cây ăn quả chủ đạo là xoài cát Hoà Lộc, một số hộ còn đưa chôm chôm về trồng cho ra quả trái vụ và loại cây nào cũng thắng lớn”.
Thợ vườn lão luyện
Toàn bộ tài sản, tâm huyết của những người chủ trang trại đều đổ vào đất nên để không phải bị thua, họ rất chuyên tâm học hỏi các tiến bộ KHKT. Theo giới thiệu của ông Chủ tịch phường, tôi tìm đến nhà ông Phan Tốt (60 tuổi) ở khu vực 8, người đầu tiên ở Hầm Đồng đưa về đất này cây xoài cát Hoà Lộc và cây chôm chôm đồng thời cũng là người học được cách điều khiển cây cho quả trái vụ. Ông Tốt vui vẻ: “Cậu đến muộn mất rồi, chôm chôm đã thu hoạch rộ từ cuối tháng 10 đến nay, giờ chỉ còn một ít cây chôm chôm nhãn trái còn xanh, nhưng chúng sẽ là tiền tiêu Tết của gia đình chúng tôi”.
Ông Tốt kể: “Tôi được thừa hưởng của người anh 3 ha đất vườn trồng đủ loại cây. Sau một chuyến khảo sát tại Long Khánh, nhận thấy khí hậu trong ấy cũng giống như khí hậu ở Hầm Đồng nên tôi mạnh dạn mua 100 cây chôm chôm về trồng. Những năm đầu cây phát triển èo uột, tôi lại tìm tòi học quy trình chăm sóc, nhờ đó vườn chôm chôm phát triển rất tốt. 1 cây chôm chôm từ 7 đến 9 năm tuổi mỗi năm chúng cần phải được bón 5kg phân vô cơ và từ 30-50kg phân hữu cơ. Được chăm sóc đúng mức, cây cho quả như ý. Thế nhưng thu hoạch lại cùng lúc với chôm chôm miền Nam nên giá bán không được như ý vì đấy là lúc thị trường tràn ngập chôm chôm. Vậy là tôi đi học cách cho chôm chôm ra trái vụ.
Sau khi thu hoạch, tôi tỉa cành, dọn gốc vô phân để cây đâm chồi và cho gốc “ăn” nước đều đặn. Đến thời điểm cần cây cho hoa thì lập tức cắt nước, chôm chôm sẽ ra hoa ngay khi bị mất nước đột ngột và chắc chắn cây sẽ cho quả đúng như ý mình muốn. Thời điểm này miền Nam đã hết mùa, đúng lúc này mình thu hoạch là trúng đậm, giá tăng gấp đôi, gấp rưỡi. 100 cây chôm chôm của tôi thu từ cuối tháng 10 đến nay, mỗi cây cho khoảng 70kg. Nếu những tháng trước chôm chôm chỉ 5.000đ/kg thì nay tăng đến từ 10.000đ-12.000đ/kg chôm chôm thường và 15.000đ/kg chôm chôm nhãn.
Xoài cũng vậy, tháng 6 tháng 7 hằng năm, sau khi thu hoạch xong tôi tỉa cành, tạo tán cho cây phân đều nhánh và khống chế độ cao của cây ở mức 2,5m và cho cây “ngủ”. Khi đến thời điểm, tôi vô phân, phun thuốc kích thích để cây bắn ngọn. Đến tháng 10, tôi dùng thuốc tưới dưới gốc điều tiết sinh trưởng để cây “đứng” lại, khi lá đã già, lá tươi mà bóp dòn rụm như lá khô và ngọn cũng đã già thì tiếp tục kích thích để đến tháng 1 năm sau xoài ra hoa là sẽ có quả trái vụ như ý”.
Cách làm của ông Tốt nhanh chóng được các chủ trang trại cập nhật, nhờ tạo được sản phẩm thu hoạch vào thời điểm “không đụng hàng” nên mỗi khi trái cây ở Hầm Đồng xuất vườn là chắc thắng. Vì thế, mỗi năm các trang trại ở phường Bùi Thị Xuân cung ứng ra thị trường gần 250 tấn quả các loại nhưng chưa bao giờ đầu ra bị... tắc.
Vũ Đình Thung Số lần xem trang : 16908 Nhập ngày : 25-12-2008 Điều chỉnh lần cuối : 25-12-2008 Ý kiến của bạn về bài viết này
Báo Nông Nghiệp Việt Nam VAI TRÒ CỦA KALI ĐỐI VỚI CÂY TRỒNG (Báo NNVN - Số ra ngày 8/5/2009) (08-05-2009) BẢO TỒN CÁ QUÝ TRONG AO CÁ BÁC HỒ (Báo NNVN - Số ra ngày 7/5/2009) (07-05-2009) CHẾ BIẾN THỊT QUẢ CÀ PHÊ LÀM THỨC ĂN CHĂN NUÔI (Báo NNVN - Số ra ngày 7/5/2009) (07-05-2009) MÁY GẶT ĐẬP "MADE IN HAI TÍNH" (Báo NNVN - Số ra ngày 7/5/2009) (07-05-2009) MÁY CUỘN ÉP RƠM LÚA CER5070 (Báo NNVN - Số ra ngày 7/5/2009) (07-05-2009) HAI GIỐNG DƯA CHUỘT LAI MỚI CHO CHẾ BIẾN (Báo NNVN - Số ra ngày 7/5/2009) (07-05-2009) "CHA ĐẺ" CÁ CHÌNH BÔNG ĂN NỔI (Báo NNVN - Số ra ngày 7/5/2009) (07-05-2009) CÁCH CHO VŨ SỮA RA TRÁI SỚM (Báo NNVN - Số ra ngày 6/5/2009) (06-05-2009) SẼ CÓ TIÊU CHUẨN CHO NGƯỜI NUÔI CÁ TRA, CÁ BA SA (Báo NNVN - Số ra ngày 6/5/2009) (06-05-2009) TỰ KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG THÓC GIỐNG (Báo NNVN - Số ra ngày 6/5/2009) (06-05-2009) Trang kế tiếp ... 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44
|