ThS. ĐỖ THỊ LỢI
Là thương binh 4/4, sau khi giải ngũ, anh Lê Hùng Minh được chính quyền xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên - Sóc Trăng cấp cho 2 công đất canh tác. Với bản tính năng động và cần cù chịu khó, anh đã bắt tay ngay vào việc nuôi tôm, nuôi cá trên ruộng lúa, tiếp đến là nuôi cua nhưng mô hình nào cũng trầy trật và thất bại, vốn liếng gần như tiêu tan. Với quyết tâm vượt khó, nhân lúc phong trào nuôi trăn bùng phát, anh lại vay vốn chuyển sang nuôi trăn thịt và trăn đẻ với hy vọng sẽ thành công. Lúc mới nuôi giá trăn lên đến 150.000 đ/kg nhưng lúc bán ra giá tụt xuống còn 20.000đ/kg và trăn con chỉ có 2.000 đ/con. Thế là anh lại thêm một lần trắng tay. Gần 150 triệu tiền vay vốn đi đứt. Tuy nhiên, với ý chí và nghị lực phi thường, anh nhất định không lùi bước.
Vào thời điểm đó nhiều cán bộ, bộ đội về hưu và nông dân đang đổ xô đi nuôi tôm, nuôi cá, nuôi ba ba, cá sấu, dê, heo… nhưng với kinh nghiệm bản thân và lòng say mê động vật hoang dã nên anh chọn một nghề thật táo bạo – nuôi rắn ri voi, mô hình chăn nuôi hoàn toàn mới lạ đối với anh. Nhiều người mới nghe qua đều giật mình, cho anh là người liều lĩnh. Vậy mà giờ đây, những “đại gia” chăn nuôi ở ĐBSCL mỗi khi nghe nhắc đến cái tên Lê Hùng Minh ai nấy đều tâm phục khẩu phục.
Năm 1997 anh đã vay nợ, mượn tiền người thân để đào ao, xây tường và đặt thương lái mua 1.200 kg rắn giống (khoảng 7.000 con) thả lan trên diện tích 1.800 m2. Anh nghĩ có lẽ đây là lần thử thời vận cuối cùng hy vọng con rắn sẽ không bạc đãi. Nhưng đúng là “gian nan thử sức”, do nguồn con giống trôi nổi, chất lượng kém nên chỉ sau hơn một tuần, số rắn lần lượt chết hơn phân nửa. Tình cảnh của anh lúc bấy giờ thật bi đát,tưởng chừng không gượng dậy nổi. Còn nước còn tát, anh đã cố gắng chăm sóc, nuôi dưỡng số rắn còn lại khoảng 2.000 con để tiếp tục gây giống và phát triển. Với vốn kiến thức về y học sẵn có, anh đã mày mò phẫu thuật những xác rắn để tìm hiểu nguyên nhân chúng chết đồng loạt. Cuối cùng anh đã phát hiện ra rắn chết là do bị xây xát, thương tích do con người gây ra trong quá trình săn bắt và bảo quản không tốt.
Muốn khắc phục tình trạng này chỉ có cách làm sao cho rắn sinh sản tại chỗ. Làm thế nào đây? Bỗng một hôm anh phát hiện xung quanh bờ ao có khá nhiều rắn con xuất hiện. Từ đó anh tiếp tục nghiên cứu, theo dõi việc sinh sản và phối giống của những con rắn bố mẹ trong ao. Có thể nói, nếu như TS. Trần Kiên nổi tiếng đã bỏ ra gần suốt cuộc đời nghiên cứu về con rắn hổ mang để nuôi lấy nọc làm thuốc thì anh Minh cũng đã mười năm liền cặm cụi tìm hiểu về tập tính sinh trưởng của rắn ri voi để nuôi lấy thịt xuất khẩu. Theo anh, chỉ có cách “sống chung” với rắn mới biết được tính nết của nó. Vì thế, bài học về hồ nuôi, mực nước sâu cạn, nhiệt độ thích nghi, thời gian rắn giao phối và đẻ thế nào, ra sao… là cả một quá trình trải nghiệm lâu dài, cộng thêm với kiến thức sách vở và kinh nghiệm của bạn bè, những người đi trước.
Theo anh, ngoài kỹ thuật ra còn phải nắm vững nhu cầu thị trường. Do đó, anh đã tìm cách lặn lội qua tới Trung Quốc để tìm hiểu về giá cả và tâm lý người tiêu dùng. Anh cho biết ở Trung Quốc, vào mùa đông, đặc biệt là những ngày tháng chạp (15 – 25) từ người già đến trẻ con và phụ nữ đều thích ăn thịt rắn, họ coi đó là một món ăn bổ dưỡng, như một vị thuốc.
|
Ngồi uống trà, nghe anh kể lại những năm tháng vừa vất vả vừa lý thú khi “làm bạn” với rắn. Ai cũng biết trong thiên nhiên, rắn ri voi còn gọi là rắn ri tượng, rắn bồng voi, tên khoa học là Enhybirs bocourti, là một loài động vật hoang dã thường sống ở kinh, rạch tự nhiên, bây giờ bắt chúng phải sống trong môi trường nhân tạo và còn chủ động cho rắn sinh sản, đúng là một sáng kiến độc đáo, đòi hỏi người nuôi phải có kiến thức và kinh nghiệm. Anh đã trở thành “bà đỡ” của chúng. Anh cho biết mùa động đực của rắn diễn ra từ tháng 7 - 9 và đẻ vào tháng 4 – 6. Bình quân mỗi con đẻ từ 20 – 50 con. Rắn con sinh ra sau 3 – 4 giờ có thể tự đi tìm mồi. Thức ăn chính của rắn là các loài động vật còn sống như cá da trơn, lươn, lệch, ếch, nhái. Bình quân cứ 5,5 kg cá sẽ cho một kg rắn.
Bí quyết thành công
Khi hỏi về bí quyết thành công, anh Minh cởi mở: Trước hết phải có chí, bền bỉ, quyết tâm. Yếu tố quan trọng thứ hai là kỹ thuật, con bố mẹ phải thật tốt. Ao nuôi phải sạch, trên bờ trồng cây và thả thêm rau, bèo để tạo bóng mát. Theo kinh nghiệm của anh, loài ri voi thở bằng khí trời nên mặt ao cần phải có rau cỏ để tạo môi trường yên tĩnh cho chúng trú thở. Nếu hội đủ các điều kiện trên nhất định sẽ thành công, tỉ lệ rủi ro chỉ chiếm 5%.
Nhằm phổ biến kinh nghiệm và chia sẻ với những người mới bước vào nghề nuôi rắn, anh đã dày công biên soạn một tập sách nhan đề là “nghề nuôi rắn ri voi” và sẽ phát hành nay mai. Trong đó anh trình bày bốn mô hình sản xuất để giúp người nuôi đạt hiệu quả cao tùy theo điều kiện đất đai và ao hồ. Cụ thể như nuôi trong thau chậu, nuôi lồng bè, trong bể xi măng và trong ao đìa.
|
Anh còn phấn khởi cho biết, nuôi rắn hiện nay là một loại hình kinh doanh siêu lợi nhuận, thị trường lúc nào cũng khan hiếm. Nhờ vậy mà từ năm 2000 - 2004, năm nào anh cũng thu lãi từ 3 – 5 trăm triệu đồng, năm sau cao hơn năm trước. Hiện nay, mỗi năm anh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trên 8 tấn rắn thịt.
Giá bán ra ở thời điểm các mùa hè, thu là 300.000 đ/kg. Nếu xuất vào mùa đông, xuân giá sẽ lên tới 500.000 đ/kg. Ngoài ra anh còn cung cấp rắn giống cho nhiều chủ nuôi ở các tỉnh ĐBSCL, mỗi năm lên đến hàng chục ngàn con.
Anh Nguyễn Văn Tư, một người nuôi rắn ri voi ở Kiên Giang cho biết rắn giống ở trại anh Minh chất lượng bảo đảm. Anh lại là người làm ăn thật thà, có uy tín nên khách hàng rất yên tâm.
Anh rất xứng đáng với danh hiệu “vua rắn” mà bạn bè, đồng nghiệp phong tặng, bởi anh là người đầu tiên thành công trong nghề nuôi rắn ri voi với qui mô lớn ở khu vực ĐBSCL. Chính sự cần cù chịu khó và gắn bó với nghề mà anh đã biến hai công đất khô cằn thành ao vàng, ao bạc. Hiện anh đã thành lập “Cơ sở nuôi và mua bán động vật hoang dã thông thường” tại số 44, ấp khu 3, xã Thạnh Phú, Mỹ Xuyên - Sóc Trăng và đang có kế hoạch mở rộng diện tích ao nuôi lên đến 17.000 m2.
Thành quả lao động của anh bắt nguồn từ ý chí vươn lên và tinh thần năng động sáng tạo, đặc biệt là nỗi bức xúc từ đói nghèo. Có lúc nợ nần, suy sụp, bao lần thất bại chua cay nhưng anh vẫn vươn lên và đứng dậy thành một ông chủ.
THÀNH HIỆP Số lần xem trang : 17075 Nhập ngày : 02-01-2009 Điều chỉnh lần cuối : 02-01-2009 Ý kiến của bạn về bài viết này
Báo Nông Nghiệp Việt Nam Tiền Giang: Một nông dân lai tạo thành công giống dê mới (Báo NNVN - Số ra ngày 9/2/2009)(09-02-2009) PHÒNG TRỪ BỆNH ĐẠO ÔN HIỆU QUẢ (Báo NNVN - Số ra ngày 9/2/2009) (09-02-2009) MÔ HÌNH NUÔI CÁ HỒI ĐẦU TIÊN Ở NGHỆ AN (Báo NNVN - Số ra ngày 6/2/2009) (06-02-2009) CẦN CHÚ Ý RẦY NÂU HẠI LÚA (Báo NNVN - Số ra ngày 6/2/2009) (06-02-2009) TĂNG TỶ LỆ SỐNG CHO LỢN CON (Báo NNVN - Số ra ngày 4/2/2009) (06-02-2009) NUÔI CÁ CHẼM LỒNG BIỂN (Báo NNVN - Số ra ngày 5/2/2009) (05-02-2009) THÔNG TIN KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP MỚI (Báo NNVN - Số ra ngày 5/2/2009) (05-02-2009) THỊ TRƯỜNG NÔNG SẢN TUẦN QUA (Báo NNVN - Số ra ngày 5/2/2009) (05-02-2009) BỎ VỤ XUÂN HÈ CÓ GIẢM TỔNG SẢN LƯỢNG LÚA? (Báo NNVN - Số ra ngày 5/2/2009) (05-02-2009) TRỒNG MỒNG TƠI LẤY HẠT, LÃI SUẤT 60 TRIỆU ĐỒNG/CÔNG (Báo NNVN - Số ra ngày 4/2/2009) (04-02-2009) Trang kế tiếp ... 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44
|