ThS. ĐỖ THỊ LỢI Cuối năm 2008 tại Los Banos (Philippines), Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) đã loan báo một tin quan trọng nhất của năm - trao tặng giải thưởng khoa học Dharmawansa Senadhira cho GS.TS Bùi Chí Bửu. Như vậy ông “Bửu lúa” đã trở thành người Việt Nam đầu tiên và là người thứ ba trên thế giới nhận giải thưởng Dharmawansa Senadhira mà nhiều người vẫn gọi nó là giải “Nobel lúa gạo”.
Không phải đợi tới lúc tên mình gắn với giải thưởng Dharmawansa Senadhira, những câu chuyện xoay quanh cây lúa và hạt gạo của GS.TS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam mới đầy chất men cao hứng nhưng cũng chứa đựng nhiều trải nghiệm. Ông vốn cả đời gắn bó với cây lúa nên có thể nói cả ngày về loại cây lương thực số 1 này. Và thật lạ là mỗi lần tiếp xúc, ông lại nói về cây lúa một khác mới hơn, đa chiều hơn, và dĩ nhiên lôi cuốn thuyết phục tôi hơn. Đối với ông cây lúa động đậy, thực mà ảo.
Thưa ông, khi giá gạo tăng lên rất cao, người ta gọi đó là “giá ảo”?
Tháng 10/2008, tại hội nghị quốc tế tổ chức ở Tokyo (Nhật Bản), nhiều chuyên gia cho rằng dự báo về khủng hoảng lương thực toàn cầu là “xí gạt”. Sau khi cân đối các cây lương thực chiến lược trên thế giới như lúa gạo, lúa mì, bắp, đậu nành thì thực tế cho thấy: Phân phối không đều và diện tích đất dành cho nông nghiệp trên thế giới đang thu hẹp tới mức chỉ còn 0,25 ha/người. Dân số thế giới lại gia tăng quá nhanh, sau 14 năm tăng 1 tỉ người trong khi Mỹ, Brazil… dùng sản phẩm đậu nành chuyển gen sang sản xuất năng lượng sinh học, từ đó đẩy giá thức ăn chăn nuôi tăng gấp 3 lần. Một số nước “cầm cương” thị trường gạo như Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam… đóng cửa xuất khẩu nên giá gạo phóng lên 1.500 USD/tấn, sau đó còn 600 - 700 USD. Đó là giá ảo, hiện nay từ giá ảo đã về giá thực.
Ở nước ta, lúa rẻ tự nhiên thôi, bởi lúa năm rồi rất trúng mùa, năng suất năm sau cao hơn năm trước, bình quân vụ ĐX rồi đạt 6,2 - 6,3 tấn/ha. Rồi đẩy thêm vụ lúa thu đông ở ĐBSCL tăng từ 300.000 ha lên 500.000 ha, vụ lúa này cũng trúng mùa to. Đến cuối năm 2008, theo Tổng cục Thống kê sản lượng lúa đạt 38,5 triệu tấn, vượt 2,5 triệu tấn so dự kiến ban đầu, là sản lượng lúa kỷ lục nhất từ trước tới nay. Thật kỳ tài, năm nào thống kê diện tích đất trồng lúa cũng giảm mà sản lượng cứ vọt lên. Đó chính là thành quả, công sức của hàng triệu nông dân. Nông nghiệp Việt Nam, cây lúa Việt Nam kỳ diệu ở chỗ đó.
Hạt lúa mãi mãi có một giá trị tự thân của nó - nuôi sống nhân loại từ ngàn đời nay. Vì vậy tôi tin vào tương lai lúa gạo, kể cả trong những lúc khó khăn nhất.
|
Nhưng không thể không thừa nhận, chính sự vượt trội của sản xuất đã làm cho giá lúa trở về giá thực, làm cả triệu nông dân... vỡ mộng?
Nông dân nhà mình, thậm chí HTX chỉ chú trọng vào sản xuất, họ chưa rành mua bán. Sản xuất và phân phối của ta chưa chuyên nghiệp, chưa thực sự gây được lòng tin. Từ giữa tháng 3, tháng 4 lúa đông xuân còn 9,5 triệu tấn, cộng thêm vụ xuân hè nữa là 10 triệu tấn. Nhưng chỉ một tin đồn thất thiệt đã làm giá gạo tăng khủng khiếp. Tuy nhiên, tôi vẫn lạc quan khi nhìn viễn cảnh lúa gạo năm 2009. Bởi dù có những sơ sẩy về cơ hội thị trường, nhưng nông dân chúng ta đã rắn rỏi lên rất nhiều.
Tại hội nghị lúa gạo quốc tế vừa qua, các chuyên gia lúa gạo nước ngoài rất thán phục Việt Nam. Một quốc gia với 86 triệu dân, diện tích lúa dưới 4 triệu ha nhưng sản lượng lúa đạt tới 38,5 triệu tấn. Quả là một kỳ tích chưa có quốc gia sản xuất lúa gạo nào trên thế giới vượt qua.
Nói như ông thì hạt gạo có tinh. Nhưng làm sao để giá gạo có sức hấp dẫn thực sự?
Câu hỏi của anh hay đấy nhưng cũng khó trả lời. Thực sự chúng ta xuất khẩu gạo để điều tiết giá gạo trong nước chứ xuất khẩu gạo không lãi nhiều đâu. Giao dịch lúa gạo trên thế giới cả năm chỉ khoảng 9 tỷ USD, trong khi rau quả tới 160 tỷ USD/năm. Giá gạo đang giảm nhưng nếu ta không xuất khẩu thì nông dân chán làm lúa chuyển qua cây khác, tình hình sẽ xấu đi.
Chúng ta đang đứng trước 2 con đường phải chọn lựa: Trồng lúa thì không có lời, chỉ giữ gìn an ninh lương thực, và như vậy dân khó mà giàu. Nhưng chuyển qua cây khác không khéo sẽ khủng hoảng. Nhưng hơn 4.000 năm làm lúa nước, đổi sang trồng bông hay thứ khác dân mình chịu chết, vì không phải nghề của mình, làm nó sẽ gượng gạo và thua nông dân các nước khác ngay. Ví như nông dân Ấn Độ trồng bông giỏi nhất thế giới, nông dân mình sao đọ được nếu cũng trồng bông vải giống như họ. Thị trường nông nghiệp trông thì hỗn tạp nhưng có trật tự của nó, nông dân các nước có sự phân công, phân cấp cả đấy. Cây bông vải nước ta từ 26.000 ha đẩy lên mãi không được, thậm chí giảm còn 4.000 ha. Đấy, ý chí chủ quan đâu có áp vào thực tế được.
Có bài học “nhân - quả” nào về sự bạc đãi lúa gạo chưa ông?
Có một câu chuyện rất thú vị, có thể tôi không nói thì tự anh quan sát cũng sẽ thấy. Philippines là nơi Viện lúa quốc tế IRRI đặt trụ sở, mà trụ sở của viện này lớn lắm. Nhưng Philippines vẫn thiếu gạo ăn triền miên, hàng năm phải nhập gạo 700.000 tấn tới cả triệu tấn gạo. Người ta làm sẵn một sân bay dành cho Tổng thống G.Arroyo tới thăm IRRI, hầu như mỗi tháng một lần. Bà rất quan tâm tới hoạt động nghiên cứu lúa gạo nhưng khi các tập đoàn kinh tế lớn cho rằng trồng lúa không có lời, đừng đầu tư trồng lúa mà rót tiền xây dựng NM chế biến nước quả, lập đồn điền chuối, dứa, cam… và đem xuất khẩu những mặt hàng này thu ngoại tệ nhanh hơn. Hậu quả là Philippines thường xuyên mất an ninh lương thực. Nông dân trồng lúa chán nản bỏ ra thành thị, lúa gạo càng ngày càng thiếu hụt.
Sự giàu có đối với người trồng lúa thật mỏng manh. Chẳng lẽ không xoay chuyển được thực tế nghiệt ngã này?
Không thể bỏ lúa. Thử hình dung nước ta 87 triệu dân, có 67% nông dân làm lúa, nếu bỏ lúa sẽ như thế nào? Tôi không dám nghĩ đến hậu quả lúc đó. Chỉ mới chuyển 500.000 ha sang nuôi tôm cá ở ĐBSCL đã thấy không đơn giản, nảy sinh hàng loạt hệ lụy. Làm ở quy mô nhỏ thu bạc tỉ, nhưng mở ra qui mô lớn là đụng ô nhiễm môi trường, thị trường và nhiều yêu cầu phát triển bền vững khác.
Muốn nông dân giàu lên phải tổ chức lại sản xuất, đa dạng hóa sản xuất, ngành hàng… Trước đây chúng ta có khuynh hướng làm hệ thống nông trại (farming system) trong phạm vi nhỏ của nông hộ, xu thế chung là hệ thống nông nghiệp (argicultural system) phát triển chuỗi giá trị, ngành hàng, phân công lao động rõ ràng hơn. Trong tương lai nông nghiệp nước ta hướng tới đa dạng hóa, phát triển ngành hàng có sự phân công ở các vùng miền để tránh dội chợ, xác lập giải pháp kho trữ để giải quyết ách tắc trong cung cầu. Điều đáng mừng là tại Hội thi nông dân sản xuất giỏi khu vực ĐBSCL tổ chức ở An Giang cuối năm ngoái, hầu hết nông dân nhận thức được sắp tới cuộc cạnh tranh còn ác liệt hơn. Năm 2011, mở cửa thị trường gạo. Từ năm 2012 hàng nông sản Việt Nam phải chấp nhận cuộc chơi quốc tế.
Xin cảm ơn ông!
Hữu Đức (thực hiện)
Số lần xem trang : 16892 Nhập ngày : 29-01-2009 Điều chỉnh lần cuối : 29-01-2009 Ý kiến của bạn về bài viết này
Báo Nông Nghiệp Việt Nam Kết quả khảo nghiệm cơ bản giống ngô lai ở phía Bắc vụ đông 2009 (Báo NNVN - Số ra ngày 13/4/2009) (13-04-2009) NÔNG DÂN TỰ CHẾ THUỐC TRỪ SÂU RẦY (Báo NNVN - Số ra ngày 10/4/2009) (13-04-2009) Cục trưởng Cục Trồng trọt, Nguyễn Trí Ngọc:Giống phải được đấu thầu, mua bán! (Báo NNVN - Số ra ngày 9/4/2009) (09-04-2009) ĐỒNG NAI: NÔNG DÂN LẠI MÉO MẶT VÌ BẮP KHÔNG HẠT (Báo NNVN - Số ra ngày 9/4/2009) (09-04-2009) TRUNG QUỐC LAI TẠO BẮP CẢI NHIỀU MÀU SẮC (Báo NNVN - Số ra ngày 8/4/2009) (08-04-2009) Cỏ Hương Bài - Giải pháp xử lý mới chất thải chăn nuôi (Báo NNVN - Số ra ngày 7/4/2009) (07-04-2009) KINH NGHIỆM ẤP TRỨNG VỊT (Báo NNVN - Số ra ngày 7/4/2009) (07-04-2009) CÔNG NGHỆ NANO ỨNG DỤNG TRONG CHĂN NUÔI (Báo NNVN - Số ra ngày 7/4/2009) (07-04-2009) Cần “kích cầu” cơ giới hóa thu hoạch lúa cho nông dân (Báo NNVN - Số ra ngày 6/4/2009) (07-04-2009) SỬ DỤNG ENZYME ĐỂ GIẢM GIÁ THÀNH CHĂN NUÔI (Báo NNVN - Số ra ngày 2/4/2009) (03-04-2009) Trang kế tiếp ... 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44
|