ThS. ĐỖ THỊ LỢI Trong quá trình sản xuất lúa, thu hoạch là khâu cuối cùng quan trọng trên đồng ruộng. Thu hoạch và công nghệ sau thu hoạch tuy không làm gia tăng năng suất nhưng sẽ giảm thiểu được thất thoát sản lượng, gia tăng chất lượng hạt lúa, hạt gạo và gia tăng thu nhập. Trong thu hoạch hai khâu quan trọng nhất là cắt lúa khi chín và tách hạt lúa ra khỏi rơm. Nhìn lại một chặng đường máy gặt và suốt lúa ở vùng này đã đạt một bước tiến dài.
Gặt lúa
Vào trước thập niên 60 thế kỷ trước, lúa mùa và lúa mùa nổi được trồng phổ biến ở ĐBSCL. Lúa chín gặt bằng vòng hái hoặc lưỡi liềm và người phụ nữ thường đảm đương công việc này. Thân cây lúa sau khi cắt được chia làm hai phần, phần trên có mang hạt gọi là rơm và phần dưới còn gắn với mặt đất gọi là rạ. Phần rơm mang hạt, được chất thành từng mớ nhỏ rải rác trên ruộng, mỗi mớ chứa khoảng năm bảy nắm tay. Sau khi tách hạt, rơm được chất thành những cây to để dự trữ thức ăn cho trâu bò quanh năm
Những năm gần đây, máy gặt xếp dãy được du nhập vào Việt Nam. Máy hoạt động tốt, nhiều nông dân mua sắm máy để vừa cắt lúa nhà vừa đi gặt thuê cho láng giềng. Song máy gặt xếp dãy không phát triển mạnh vì lúa sau khi cắt phải thuê người gom lúa lại rất khó khăn. Nhân công làm đồng theo mùa thường thích làm theo kiểu nhận khoán: vừa cắt lúa, vừa gom tập trung lên bờ và bàn giao cho chủ máy suốt nhận thầu chung trọn gói. Như vậy thu nhập của họ sẽ cao hơn so với chỉ làm một khâu gom lúa.
Đạp và đập lúa
Thời Pháp thuộc, lúa sau khi gặt xong được vận chuyển về những sân rộng của chủ điền bằng trâu kéo hoặc bằng ghe thuyền. Sân của điền chủ rộng và được nện dẽ chặt. Phân trâu bò được quậy với nước cho thành một thể sền sệt và trét nhiều lần, sau khi phơi khô từng lớp tạo thành một sân phơi lúa rất tốt. Phân trâu khô đóng vai trò như xi măng vào thời đó. Những bó lúa mùa được xếp trên sân rộng thành từng lớp dày. Bầy trâu nhiều con được điều khiền bởi một vài anh tá điền đi vòng tròn trên đống lúa bó. Trâu đạp lúa và tách hạt lúa ra khỏi rơm. Rơm được thảy ra khỏi đống lúa bằng mỏ xảy có hình dạng giống cái nĩa hai răng được làm bằng tre.
Sau thế chiến thứ hai, nhiều chủ điền đã sắm máy cày đất. Họ bắt đầu dùng luôn máy cày để tách hạt, bằng cách cho máy chạy vòng tròn trên đống lúa bó thay đàn trâu trước đây. Còn với nông dân làm ruộng ít thì dùng cộ để đập. Cộ là một thùng vuông làm bằng tre có lót đệm, mỗi cạnh khoảng 1,2 m, cao khoảng 0,3 m, có chân gắn trên hai mỏ cộ để được kéo đi bằng sức người. Bên trong có đặt một cái chõng hình dáng tựa chiếc thang làm bằng những thanh tre. Ba phía của cộ được bọc bởi mê bồ đan bằng nan tre để ngăn không cho hạt lúa văng ra ngoài khỏi cộ khi đập.
Những bó lúa đã phơi khô ngoài đồng được cầm bằng hai tay và đập trên chõng để tách hạt. Dây nài là một vòng dây rơm gắn vào hai ngón tay cái giúp người đập giữ bó lúa được chặt hơn khi đập. Cặp quai thì giữ lúa chặt hơn dây nài. Cặp quai là một sợi dây to đánh xoắn bằng lạc dừa nước, cột dính giữa hai thanh tre. Hình dạng cặp quai giống như vũ khí võ thuật của Lý Tiểu Long. Lúa mùa địa phương có rơm dài dễ đập hơn lúa cao sản ngắn ngày. Đập lúa là một công việc nặng nhọc và người đàn ông thường đảm nhận công việc này.
Suốt lúa
Vào tháng 5 năm 1966, Viện lúa quốc tế IRRI đã đưa sang Việt Nam 10 kg hạt giống lúa IR8. Thí nghiệm tại Trung tâm nghiên cứu lúa Long Định, tỉnh Định Tường, nay thuộc tỉnh Tiền Giang, đã thành công. Sau đó nhiều giống lúa thấp và cứng cây, lá thẳng đứng, không quang cảm, đáp ứng với phân đạm cao, năng suất rất cao so với các giống lúa mùa địa phương đã từng bước chinh phục nông dân và họ đã chuyển đổi nhận thức sang trồng các giống lúa cao sản ngày càng nhiều.
Về sau các nhà khoa học Việt Nam tiếp tục lai tạo chọn lọc ra được nhiều giống lúa mới và hiện giống cao sản ngắn ngày đã thống trị khắp đồng bằng. Cơ cấu hai vụ lúa trong năm là phổ biến và cũng có nơi trồng được ba vụ. Tuy nhiên những giống lúa mới này có thân rạ ngắn nên rất khó cầm chặt và đập bằng cộ.
Sang thập niên 70, máy suốt chạy bằng máy xăng Kohler 4,5 mã lực đã được nông dân sáng tạo và ứng dụng. Khi di chuyển từ ruộng này sang ruộng khác, máy chỉ cần hai nông dân khiêng bằng tay. Ngày nay thỉnh thoảng vẫn còn thấy một vài chiếc nông dân sử dụng để suốt lúa mùa tại Long An. Nhược điểm của máy suốt này là người sử dụng phải giữ chặt bó lúa để bông trục tuốt hạt ra, rất mỏi tay. Một số bông lúa tuột ra và vướng theo bông trục làm lẫn tạp trong mẻ hạt. Nguy hiểm hơn là nhiều hạt lúa văng mạnh ra, gây thương tích, thậm chí làm mù mắt người sử dụng. Vì thế nông dân sử dụng máy này thường đeo kính khi vận hành máy. Tuy nhiên máy này công suất thấp và mỗi ngày chỉ suốt được vài ba ngàn mét vuông.
PGS.TS. Dương Văn Chín Số lần xem trang : 16902 Nhập ngày : 16-03-2009 Điều chỉnh lần cuối : Ý kiến của bạn về bài viết này
Báo Nông Nghiệp Việt Nam NUÔI TU HÀI THƯƠNG PHẨM (Báo NNVN - Số ra ngày 16/2/2009) (16-02-2009) BỆNH TYLCV LÀ GÌ? (Báo NNVN - Số ra ngày 16/2/2009) (16-02-2009) KINH NGHIỆM SỬ DỤNG GIÀN KÉO GIEO THẲNG LÚA (Báo NNVN - Số ra ngày 13/2/2009) (13-02-2009) QUẢN LÝ TỔNG HỢP LÚA CAO SẢN GIAI ĐOẠN CUỐI VỤ (Báo NNVN - Số ra ngày 13/2/2009) (13-02-2009) CHỌN GIỐNG TÔM CÀNG XANH CHẤT LƯỢNG CAO (Báo NNVN - Số ra ngày 13/2/2009) (13-02-2009) DỊCH BỆNH GREENING HỦY HOẠI VƯỜN CÂY CÓ MÚI ĐBSCL (Báo NNVN - Số ra ngày 12/2/2009) (13-02-2009) NHẬT BẢN: BIẾN PHÂN GIA SÚC THÀNH NHIÊN LIỆU CHẠY MÔTÔ (Báo NNVN - Số ra ngày 12/2/2009) (12-02-2009) NHỮNG LẦM TƯỞNG VỀ THỨC ĂN, CHUỒNG TRẠI (Báo NNVN - Số ra ngày 12/2/2009) (12-02-2009) Thu gom trứng - cách diệt ốc bươu vàng hiệu quả nhất (Báo NNVN - Số ra ngày 11/2/2009) (11-02-2009) LỢN RỪNG & NHỮNG ĐIỀU NGỘ NHẬN (Báo NNVN - Số ra ngày 11/2/2009) (11-02-2009) Trang kế tiếp ... 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44
|