ThS. ĐỖ THỊ LỢI * Thông tin tiền chuyển nhượng chưa được tiết lộ; Viện CLT-CTP vẫn giữ quyền nhân giống T10 siêu nguyên chủng cung cấp cho DN mỗi vụ sản xuất.
ThS Trần Xuân Định, PGĐ Sở NN-PTNT Thái Bình điện thoại nói với tôi thông tin ngắn gọn: Giống lúa thơm T10 của Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đã được một công ty ở Thái Bình bỏ ra số tiền lớn để mua quyền sở hữu. Rồi anh Định rủ tôi ngày 29/4 về Hải Dương chứng kiến việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng. Đúng là một thông tin gây chú ý, bởi vì đây là một giống lúa có thân phận khá đặc biệt.
T10 có trong sản xuất ở các tỉnh miền Bắc khá lâu, đó là giống có nhiều ưu điểm, nhất là chất lượng gạo. Trên thị trường hiện nay tồn tại một loại gạo có tên “Bắc thơm đục” rất được ưa chuộng chính là gạo T10. Nó có tên Bắc thơm đục vì ngoại hình hạt gạo rất giống gạo Bắc thơm 7 (Bắc thơm), nhưng màu hạt gạo thì đục hơn, cơm mềm, ngon nhưng không bị dính cơm như Bắc thơm 7 nên giá bán nhỉnh hơn: giá khoảng 12-13 ngàn/kg. Điều kỳ lạ nữa là ngoài sản xuất giống T10 cũng có ngoại hình rất giống Bắc thơm 7, là giống lúa thơm có nguồn gốc Trung Quốc đang được trồng đại trà ở một số tỉnh phía Bắc từ thời gian sinh trưởng, sức sinh trưởng, khả năng đẻ nhánh, dạng hình, dạng hạt, màu sắc hạt…
Điểm khác biệt có chăng là gốc rạ giống T10 cứng hơn, cây cao hơn và bông dài hơn chút ít; với người có kinh nghiệm thâm canh thì thấy T10 chịu thâm canh cao hơn Bắc thơm 7 và khả năng kháng đạo ôn vụ xuân và bạc lá vụ mùa tốt hơn, chất lượng gạo cũng là điểm khác biệt rõ: Gạo T10 ở vụ xuân màu trắng đục chứ không trắng trong như Bắc thơm 7, cơm T10 cũng như đã nói, mềm và không dính như Bắc thơm 7, chan canh không bị nhã nát. Nhưng trong phân tích tính khác biệt giống có lẽ chưa có tiền lệ nấu cơm hai loại gạo lên để ăn thử, mà người ta chỉ căn cứ vào ngoại hình, và cũng vì kiểu hình quá giống nhau mà T10 bị đánh đồng là Bắc thơm 7, nên dù giống đã thích nghi ngoài sản xuất, diện tích đã đủ lớn mà vẫn không được công nhận chính thức.
Tôi có lần hỏi một trong những tác giả giống, PGS.TS Nguyễn Thanh Tuyền, người cất công lai giống từ Irắc (T10 là một dòng phân ly chọn từ cặp lai giữa giống lúa thơm nổi tiếng nhất Irắc là Amber33 với giống DT10 của Việt Nam) đem về Việt Nam tiếp tục nhân thuần để ra được giống lúa thuần này thì ông cũng không hiểu vì sao nó lại có ngoại hình giống Bắc thơm 7 đến vậy. Ông buồn, nỗi buồn “đứa con tinh thần” do mình sinh ra, rất khỏe mạnh mà không được làm “giấy khai sinh”. Đã có lúc ông nghĩ giống của ông không bao giờ được công nhận thì dịp may đến khi Trung tâm khuyến nông Thái Bình đặt vấn đề phát triển giống lúa này.
Ở Thái Bình có Cty TNHH Hưng Cúc là đơn vị chuyên cung cấp gạo cho các siêu thị, đại lý gạo ở TP Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, xuất sang cả Trung Quốc, lượng cung ứng mỗi năm khoảng 14-15 ngàn tấn. Lượng cung khá lớn nhưng gạo của họ thu mua được còn quá nhiều chủng loại, kích cỡ, vì vậy công ty đang muốn tìm một loại gạo tốt, lượng lớn đồng nhất để sở hữu thương hiệu riêng. Khi Hưng Cúc đặt vấn đề với cơ quan khuyến nông tỉnh thì ngay lập tức giống T10 được chọn. KS Đoàn Thị Kim Tứ, cán bộ Trung tâm Khuyến nông Thái Bình kể lại: Chúng tôi cùng bàn rồi lấy gạo T10 nấu ăn thử luôn. Hôm đó anh Lý Thái Hưng, Giám đốc Cty Hưng Cúc nhận xét: Cơm T10 thậm chí ngon hơn và không khô như cơm gạo tám.
Chị Tứ nói: Sau khi khảo nghiệm T10 các vụ năm 2005 và vụ xuân 2006 với diện tích mỗi vụ vài chục mẫu thấy giống chống đạo ôn và bạc lá rất tốt nên đến vụ mùa 2006 Trung tâm Khuyến nông tỉnh quyết định chọn xã Tây Tiến, huyện Tiền Hải xây dựng mô hình điểm 100ha. Kết quả vụ đó dân làm lên tới 175ha. Dân làm vượt kế hoạch bởi nguyên do họ so sánh từ vụ trước thấy giống chống bạc lá hơn hẳn giống Bắc thơm. Xã này đồng ruộng trũng, có giống chất lượng mà chống chịu đạo ôn và bạc lá khá thì ai cũng háo hức làm.
Nhưng khi diện tích mở ra mạnh quá thì cả Bí thư và Chủ tịch xã ai cũng lo lắng đầu ra. Điều bất ngờ thời điểm cuối vụ, khi lúa Bắc thơm có giá chỉ 3.600đ/kg nhưng với lúa T10, Cty Hưng Cúc trả hẳn dân 4.900đ/kg vẫn không thu mua đủ lượng như dự kiến, vì dân không bán hết, họ ăn thấy cơm ngon nên để dành gửi cho con cái học hành và làm ăn ở xa. Tên gọi “Bắc thơm đục” là cách phân biệt giữa T10 và Bắc thơm 7, từ đó mà ra.
Cty Hưng Cúc đưa gạo T10 ra thị trường với số lượng lớn, phản hồi lại từ các siêu thị ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh họ yêu cầu được cung ứng gạo thường xuyên hơn. Đến nỗi những vụ sau, Cty phải ứng tiền trước cho dân sản xuất để đảm bảo thu mua đủ gạo theo kế hoạch. Đến năm 2008, chỉ sau 2 năm T10 được mở rộng sản xuất ở Thái Bình, diện tích giống lúa này lên tới khoảng 7.500ha; còn dự kiến năm nay theo các cán bộ khuyến nông tỉnh là không dưới 1 vạn ha (khoảng 5.000ha mỗi vụ). Giá thu mua lúa T10 trong dân nay cũng lên cao ngất ngưởng: 7.300đ/kg. KS Tứ cho biết: Lúa T10 vụ xuân này ở Thái Bình rất đẹp, đáng chú ý nhất là giống gần như không nhiễm đạo ôn. Nếu năng suất lúa đạt 6 tấn/ha và với giá thu mua của công ty cao như hiện nay thì nông dân Thái Bình trồng T10 trúng lớn (lãi không dưới 30 triệu đồng/ha).
… Hôm tôi về Hải Dương, ngồi cùng xe với PGS.TS Nguyễn Trí Hoàn, Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm; PGS.TS Nguyễn Thanh Tuyền và ThS Hoàng Quốc Chính, là đồng tác giả giống T10, một giống lúa chắc chắn sẽ có một vị trí đặc biệt trong sản xuất ở miền Bắc những năm tiếp theo. Anh Hoàn thông báo tin vui: Ngày 17/2/2009 vừa qua Cục Trồng trọt đã công nhận cho sản xuất thử giống T10 cả vụ xuân và vụ mùa ở các tỉnh phía Bắc. Viện cũng đang hoàn tất thủ tục để Bộ trưởng Bộ NN-PTNT công nhận giống chính thức.
PGS.TS Nguyễn Trí Hoàn: "Vụ đông xuân năm nay thời tiết không thuận lợi, bệnh trên lúa phát triển mạnh nhất là đạo ôn. Việc giống T10 được mở rộng diện tích khá lớn ở Thái Bình mà không nhiễm đạo ôn như Bắc thơm 7 và nhiều giống lúa thơm khác cho thấy đó cũng là yếu tố làm nên tính khác biệt để mở rộng diện tích giống ở phía Bắc. Riêng về tiền bản quyền chuyển nhượng giống T10 với quan điểm của tôi đó chỉ là một phần ý nghĩa vì Viện chúng tôi xác định chuyển giao quyền sở hữu giống cho doanh nghiệp để đạt mục đích lớn nhất là giống ra sản xuất nhanh và hiệu quả hơn. Thời gian tới nhiều giống lúa của Viện cũng sẽ được chuyển giao theo hướng này".
Ông Lý Thái Hưng, GĐ Cty TNHH Hưng Cúc: "Chúng tôi công bố thu mua lúa thương phẩm T10 giá khá cao: 7.300đ/kg, số lượng không hạn chế. Kể từ bây giờ gạo T10 sẽ không còn phải gắn với tên “Bắc thơm đục” nữa mà là T10 Hưng Cúc".
Kết quả phân tích ADN (PCR) của T10 và Bắc thơm7
Năm 2008, Trung tâm nghiên cứu và phát triển lúa, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đã phân tích ADN mẫu T10 và Bắc thơm 7 tại Hàn Quốc. Kết quả phân tích cho thấy trong số các chỉ thị (Maker) đã dùng thì maker RM333 trên Chromosome 10 cho đa hình. Như vậy tại vị trí đó hai giống T10 và Bắc thơm 7 có sự khác biệt về mặt di truyền (genetypic). (Lê Hùng Lĩnh, Đại học Quốc gia Chungnam, Hàn Quốc, 7/2008).
|
Trần Cao Số lần xem trang : 16936 Nhập ngày : 06-05-2009 Điều chỉnh lần cuối : Ý kiến của bạn về bài viết này
Báo Nông Nghiệp Việt Nam HƯỚNG ĐI MỚI CHO NGƯỜI NUÔI CÁ LÓC (Báo NNVN - Số ra ngày 23/12/2008) (23-12-2008) CÁCH KHẮC PHỤC CÁ TRA ĂN MỒI THẤT THƯỜNG (Báo NNVN - Số ra ngày 22/12/2008) (22-12-2008) SẮP TẾT CẦN CHÚ Ý RỆP HẠI QUẤT KIỂNG (Báo NNVN - Số ra ngày 22/12/2008) (22-12-2008) GIỐNG CÀ CHUA CHỊU NHIỆT HỒNG CHÂU (Báo NNVN - Số ra ngày 19/12/2008) (19-12-2008) MẬT ĐỘ VÀ KHOẢNG CÁCH TRỒNG NGÔ HỢP LÝ (Báo NNVN - Số ra ngày 19/12/2008) (19-12-2008) TRANG TRẠI RÙA (Báo NNVN - Số ra ngày 18/12/2008) (18-12-2008) "Tiêu hoá" gói kích cầu 100.000- 110.000 tỷ đồng: Nên hướng về nông thôn (Báo NNVN - Ngày 18/12/2008) (18-12-2008) THỪA THIÊN - HUẾ: HIỆU QỦA TỪ PHÂN VI SINH (Báo NNVN - Số ra ngày 17/12/2008) (17-12-2008) BÃ RƯỢU, THỨC ĂN TỐT CHO CÁ CHÉP (Báo NNVN - Số ra ngày 17/12/2008) (17-12-2008) NGƯỜI CẮM LÚA LAI VÀO XỨ NGHỆ (Báo NNVN - Số ra ngày 17/12/2008) (17-12-2008) Trang kế tiếp ... 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44
|